Chân linh Du Thiên Côn Bằng là gì? Nguồn gốc và công dụng?

Tác giả:
Nguồn: Nhật Minh
Chân linh Du Thiên Côn Bằng là gì? Nguồn gốc và công dụng?


CHÂN LINH DU THIÊN CÔN BẰNG trong thế giới Phàm Nhân Tu Tiên có giống hình tượng CÔN BẰNG trong Sơn Hải Kinh và kinh sử ghi chép?

Trong Phàm Nhân Tu Tiên, Du Thiên Côn Bằng là một chân linh vô cùng mạnh mẽ, độn tốc có thể xếp hàng top đầu những chân linh trong Kinh Chập Thập Nhị Biến. Loài chân linh này lần đầu tiên được nhắc đến khi Hàn Lập trên đường đi tới Lôi Không đảo tình cờ tao ngộ thấy được Chân Linh La Hầu đại chiến với Du Thiên Côn Bằng, từ đó cơ duyên nhặt được Du Thiên Côn Bằng Linh Vũ. Đoạn này có đề cập đến hình ảnh Du Thiên Côn Bằng được miêu tả như sau:

“Một con yêu cầm lớn đến khó tin, kích thước khoảng mấy ngàn trượng, có đôi cự trảo màu xanh ngọc bích, phần lộ ra lớn mấy trăm trượng, phảng phất như một tòa núi lớn đang từ trong hư không hiện lên”.

Sau đó dưới sự chỉ dẫn của Thiên Lan Thánh Thú, Hàn Lập dung nhập lông vũ Chân Linh Du Thiên Côn Bằng vào Phong Lôi Sí nhằm gia tăng uy lực pháp bảo này. Về sau tại Linh Giới khi Hàn Lập đi đến khu vực của Phi Linh tộc, cụ thể là tiến vào Thiên Bằng Thánh Địa, lúc bấy giờ Phong Linh Tháp cảm ứng được khí tức Côn Bằng Linh Vũ từ Phong Lôi Sí nên vô tình dẫn động Phong Linh Tháp triệu hoán ra hư ảnh Chân Linh Côn Bằng, từ đó Hàn Lập bị cuốn vào phong ba Thánh Tử Thí Luyện của Phi Linh tộc. Trong phân đoạn này cũng đề cập đến hư ảnh Chân Linh Côn Bằng được miêu tả:

“Một cự đại điểu ảnh lớn tới vài trăm trượng hiện ra trên không trung, hư ảnh này toàn thân màu đen nhạt, hai cánh vũ động, bao phủ toàn bộ thạch tháp”.

Kế đến là phân đoạn Hàn Lập đạt thành hiệp nghị cùng Đại trưởng lão Kim Duyệt của Thiên Bằng tộc, tiếp nhận và luyện hoá Côn Bằng chân huyết cùng Côn Bằng xá lợi. Lúc bấy giờ Chân linh Pháp tướng mà Hàn Lập diễn hoá ra cũng được miêu tả:

“Một con thanh điểu bay lúc lên lúc xuống trên không trung, bên ngoài thân thể hiện ra một đạo ánh sáng màu vàng và màu xanh, song trảo tóm mạnh một cái vào hư không. Mười móng vuốt màu trắng bắn ra, vẽ một đạo bạch ngân nhàn nhạt trong không trung. Hai cánh bỗng nhiên vỗ về phía trước, hóa thành phong nhận to cỡ bàn tay, dày đặc trong phạm vi hơn trăm trượng, bao bọc toàn bộ mọi thứ vào trong. Thanh điểu há to miệng phun ra từng quả lôi cầu màu vàng, khiến chỗ ở trước mặt hóa thành một mảng lôi quang”.

Có thể thấy những hình ảnh Côn Bằng được nhắc đến kể trên không thực sự giống như miêu tả trong Sơn Hải Kinh và kinh sử. Cụ thể Côn Bằng trong các kinh sách và sử thư có nhắc đến:

“Côn Bằng có phần đầu giống đầu chim, từ phần cổ đến chóp đuôi giống loài cá voi xám, thân hình to lớn vĩ đại, được bao phủ bởi lớp vảy cứng cáp. Hai vây bên hông to khỏe, dang rộng như đôi cánh, dễ dàng bay lượn trên không trung”.

Hay trong Sơn Hải Kinh cũng đề cập rằng:

“Côn Bằng là thượng cổ Linh Thú xuất hiện từ thuở hồng hoang, là loài phi ngư to lớn, thường cư trú ở Bắc Minh (Biển Bắc). Côn Bằng có phần thân hình to lớn giống loài cá voi xám, hai vây bên hông to khỏe, đủ sức nâng toàn thân bay lượn trên không trung.”

Từ đó có thể thấy được Chân Linh Du Thiên Côn Bằng trong thế giới Phàm Nhân Tu Tiên có vẻ như không có hình tượng như những ghi chép từ Sơn Hải Kinh và sử thư, mà hình tượng Côn Bằng chủ yếu được nhắc đến như là hình ảnh của một loài cự cầm với đôi cánh và song trảo như một con thanh điểu có kích thước khổng lồ. Từ những chi tiết này mình cảm thấy Côn Bằng trong thế giới Phàm Nhân Tu Tiên theo khuynh hướng của loài chim hơn là loài cá, nhưng nếu vậy thì còn có thực sự là Côn Bằng hay không hay thuần tuý chỉ là Thiên Bằng.

Vậy theo các đạo hữu, Côn Bằng trong Phàm Nhân Tu Tiên thực sự có hình tượng thế nào, liệu Chân Linh Côn Bằng có thực sự là Côn Bằng không hay chẳng qua chỉ là một loài Chân Linh Bằng Điểu nào đó?