Cuốn sách “25 Năm Theo Dòng Kinh Tế Việt Nam” là một tập hợp các sự kiện và vấn đề kinh tế – xã hội của Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ qua, được viết bởi một người tham gia trực tiếp vào những diễn biến đó. Dưới đây là mô tả về hai phần chính của cuốn sách:
1. Phần 1: “Đồng bạc Việt Nam qua những chặng đường phát triển”:** Phần này khám phá sự phát triển và thách thức của tiền tệ trong kinh tế Việt Nam, từ thời kỳ bao cấp đến khi đất nước chuyển từ kinh tế quốc gia lên thị trường. Tác giả tập trung vào các vấn đề như lạm phát, tỷ giá và chia sẻ ý kiến về cách hoạt động của hệ thống ngân hàng trong một nền kinh tế thị trường.
2. Phần 2: “Mở cửa và giấc mơ hóa rồng”:** Phần này tập trung vào những mong ước và thách thức của Việt Nam khi mở cửa và tham gia vào quá trình hóa rồng, tức là sự chuyển đổi và phát triển kinh tế để vượt qua tình trạng nghèo đói và phát triển. Tác giả đưa ra các ý kiến và giải pháp chiến lược để đưa đất nước ra khỏi tình trạng lạc hậu và thúc đẩy sự thịnh vượng.
Tác giả của cuốn sách giữ vững tính trung thực và độc lập trong việc phân tích và diễn giải các sự kiện kinh tế – xã hội, với mong muốn góp phần vào sự phát triển của đất nước và xã hội. Cuốn sách mang lại cái nhìn sâu sắc về quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ qua và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự hiểu biết và sự đóng góp xây dựng từ mọi thành viên của xã hội.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách 25 Năm Theo Dòng Kinh Tế Việt Nam của tác giả Huỳnh Bửu Sơn
—
PHẦN 1: ĐỒNG BẠC VIỆT NAM QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Chương I: ĐỒNG BẠC VIỆT NAM, VÀNG VÀ ĐÔ-LA MỸ
I. ĐỒNG BẠC VIỆT NAM
ĐỒNG BẠC VIỆT NAM, NGƯỜI LỮ HÀNH CÔ ĐƠN (1991)
Theo tục lệ, để đón mừng những ngày đầu năm mới, ai ai cũng đều lo sắm sửa cái mới. Ở nhiều nước, các Ngân hàng Trung ương thường nhân dịp này cho “đổi mới” bộ trang phục của đồng tiền quốc gia. Những tờ bạc cũ được thu về, những tờ bạc mới được phát ra. Ở nước ta, trong cái tưng bừng của ngày Tết, những tờ bạc mới theo truyền thống được tung ra làm tăng thêm niềm hân hoan “tống cựu nghinh tân” của mọi người, trong đó có cả nỗi vui mừng của các em nhỏ khi khám phá trong phong bao lì xì đỏ thắm những đồng tiền mới tinh, thơm phức.
Đây không phải là việc làm xa xỉ, phiền toái và tốn kém vô ích như nhận xét của một số người. Tờ giấy bạc, như mọi thứ khác trên đời, có một tuổi thọ nhất định. Tuổi thọ này tương ứng với mệnh giá của tờ bạc, mệnh giá càng cao thì tuổi thọ càng dài. Điều này dễ hiểu, vì tiền có mệnh giá nhỏ được tiêu xài nhiều nên mau cũ rách hơn tiền có mệnh giá lớn. Kinh nghiệm cho thấy giấy bạc từ 200 đồng trở xuống có đời sống kéo dài từ 12 tháng đến 18 tháng, giấy 500 đồng, 1.000 đồng từ 18 tháng đến ba năm. Tuổi thọ dự đoán của tờ giấy bạc là một yếu tố giúp tính toán thời gian khấu hao khối lượng giấy bạc được phát hành ra lưu thông. Sau một thời gian lưu hành đã định trước, khối lượng giấy bạc đã cũ rách cần phải được thay thế mới. Đây không phải là đổi tiền. Việc đổi mới tờ giấy bạc chính là nhằm duy trì bộ mặt đẹp đẽ, đáng tin cậy của đồng bạc, tiện lợi cho người tiêu dùng. Mặc khác, đó còn vì mục đích vệ sinh.
Chi phí in bạc thường rất đắt, mà hiện nay ta cũng chưa có nhà máy in bạc, nên việc in bạc phải nhờ nước ngoài và phải trả bằng ngoại tệ. Chi phí đắt vì giấy bạc phải là loại giấy đặc biệt, kỹ thuật in cũng phải rất đặc biệt để chống làm giả. Quan sát tờ giấy bạc, chúng ta có thể nhận ra những kỹ thuật ngoại quan tinh vi như hoa văn, hình lộng, dây kim khí, chữ in nổi, hình chồng nét ở hai mặt tờ bạc… Ngoài ra, còn có những kỹ thuật bí mật để phòng ngừa giả mạo mà chỉ có Ngân hàng Trung ương, người phát hành giấy bạc mới biết. Ở ta có một điều nghịch lý là mệnh giá tờ giấy bạc được ấn định quá thấp, vừa không phù hợp với nhu cầu thanh toán vừa khiến cho việc in bạc trở nên quá tốn kém. Mệnh giá cao nhất của tờ giấy bạc hiện nay là 5.000 đồng tương đương 0,77 USD. Nếu so sánh với tờ giấy bạc 100 đô-la là loại giấy bạc lưu hành khá thông dụng của Mỹ, chúng ta sẽ thấy sự lãng phí như thế nào. Giả thuyết chi phí in tờ giấy bạc 5.000 đồng Việt Nam và tờ 100 USD là tương đương, như vậy để có một lượng giấy bạc đủ phục vụ cho việc trao đổi một số lượng hàng hóa có giá trị ngang nhau, chi phí mà ta bỏ ra để in bạc cao gấp 130 lần chi phí của Mỹ. Việc giữ một cơ cấu mệnh giá thấp cho khối tiền lưu hành không những khiến cho chi phí in ấn tốn kém mà còn làm cho việc mua bán hàng hóa không thuận lợi. Thử tưởng tượng bạn bán một chiếc xe Peugeot 405 mới tinh và được thanh toán bằng giấy bạc 100 đồng và 200 đồng. Có thể đánh cuộc với bạn rằng trọng lượng số bạc sẽ nặng hơn trọng lượng chiếc xe. Với sự bất tiện kiểu đó, không lấy làm lạ nếu hiện nay người ta quen dùng vàng và đô-la Mỹ làm phương tiện thanh toán cho những vụ buôn bán lớn. Riêng hiện tượng này cũng quá đủ để chứng minh một thực tế nghiêm trọng là khối lượng tiền lưu hành hiện nay không tương xứng với nhu cầu thanh toán các khoản giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng tiền mặt trong nền kinh tế.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là mọi người có vẻ như tạm hài lòng với cơ cấu mệnh giá này và sẽ tỏ ra hoang mang khi có trong tay một tờ giấy bạc có mệnh giá cao hơn. Đây là một nhận thức sai lầm phổ biến mà cội rễ của nó gắn liền với tâm lý e sợ lạm phát. Người ta thường có cảm tưởng mơ hồ rằng đồng bạc đang bị mất giá, khi cầm trong tay một tờ bạc ghi mệnh giá cao hơn con số quen thuộc. Trong quá khứ, ở những nước có tình trạng siêu lạm phát, có lưu hành những tờ giấy bạc mà mệnh giá là một con số với chín con số không, hay lớn hơn. Nhưng điều cần phải thấy là những con số thiên văn trên giấy bạc chỉ là hậu quả, không phải là nguyên nhân của lạm phát. Còn việc duy trì mệnh giá thấp cho tờ bạc không bao giờ là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn lạm phát, nhưng chắc chắn nó là biện pháp hữu hiệu để làm suy yếu chức năng thanh toán của đồng bạc đồng thời làm cho tờ giấy bạc trở nên kém an toàn hơn, vì khi chi phí in bạc trở thành quá tốn kém, chất lượng của tờ giấy bạc sẽ bị giảm sút. Chính trong điều kiện ngặt nghèo đó, đồng bạc Việt Nam đã phải mang vác trên đôi vai gầy yếu của mình cả sức nặng của một nền kinh tế 65 triệu dân đang “chòi đạp” để phát triển. Đồng bạc trở thành người phu siêng năng, cần mẫn, tháo vát, hoạt động như con thoi không ngơi nghỉ, vận chuyển hạt gạo, con cá, miếng thịt từ nông thôn ra thành thị rồi mang vải vóc, phân bón, thuốc trừ sâu, xi măng, đồ dùng gia đình… từ thành thị về nông thôn. Điều đáng thương hơn, đó là những người phu đơn độc hoạt động chỉ bằng cơ bắp, không có những người bạn đồng hành cơ giới cùng chia sẻ trách nhiệm vận hành cỗ xe kinh tế như chi phiếu, thương phiếu, tín phiếu… những phương tiện thanh toán thông thường mà nền kinh tế hiện đại nào cũng cần đến. Nếu có người đồng hành, thì lại là những đối thủ đáng sợ như vàng, đô-la Mỹ, những kẻ chỉ chực chờ cơ hội tước đoạt vai trò chính thống của đồng bạc Việt Nam.
Thế nhưng, đó là một vai trò bạc bẽo. Với một lực lượng yếu và mỏng, đồng bạc Việt Nam phải quay vòng đến chóng mặt mới có thể vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, điều không ngờ là trong suốt nhiều năm, quan điểm hạn chế khối lượng tiền lưu hành luôn luôn là kim chỉ nam của chính sách tiền tệ nước ta.
Việc siết chặt khối lượng tiền là nhằm mục tiêu chặn đứng tình trạng gia tăng giá cả, nhưng kết quả đạt được thường là sự suy yếu của các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của toàn nền kinh tế, nhất là trong khu vực tư. Việc phát hành tiền, nghiệp vụ bình thường của một Ngân hàng Trung ương, được Nhà nước ta quan trọng hóa và nâng lên hàng chiến lược kinh tế chính trị quốc gia. Do đó, nó vượt khỏi phạm vi quyết định của Ngân hàng Nhà nước để thuộc về một cơ quan cấp cao hơn, nếu không nói là cấp cao nhất của bộ máy quyền lực Nhà nước: Bộ Chính trị. Chính sách phát hành trở thành độc lập và biệt lập với chính sách tín dụng của ngân hàng.
Điều này đã dẫn đến sự hình thành hai loại tiền trong nền kinh tế, tiền mặt và tiền chuyển khoản, với lãi suất khác nhau và giá trị khác nhau. Và theo quy luật “tiền xấu trục xuất tiền tốt”, nền kinh tế lâm vào một tình trạng căng thẳng thường xuyên tiền mặt, một cách diễn đạt văn hoa của hiện tượng “thiếu tiền mặt” trầm trọng. Sau đó, chúng ta đột nhiên đứng giữa sương mù của những điều nghịch lý được mô tả bởi một số nhà lý luận tiền tệ trong nước mà không có lý thuyết về tiền tệ nào có thể giải mã: nền kinh tế cùng lúc vừa thiếu tiền mặt vừa thừa tiền mặt, thậm chí có người còn chỉ rõ rằng thiếu tiền mặt trong khu vực Nhà nước và thừa tiền mặt trong khu vực tư. Khỏi phải nói, những nhận định mâu thuẫn như vậy không thể nào là cơ sở đưa đến việc xây dựng những giải pháp tiền tệ đúng đắn.
Thật ra, tình trạng thừa tiền mặt biểu kiến mà nhiều người cho là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, không phải là do số lượng tiền lưu hành nhiều mà là do đồng tiền phải quay rất nhanh để đảm bảo sự vận hành các hoạt động kinh tế phục vụ các nhu cầu tối thiểu nhất của cuộc sống người dân. Điều trớ trêu là đồng bạc chỉ quay nhanh khi người ta coi nó như hòn than nóng. Đây chính là nỗi cay đắng nhất của đồng bạc Việt Nam. Nó chỉ hoạt động hữu hiệu khi nó bị coi thường, rẻ rúng nhất.
Kinh nghiệm trong 2 năm qua cho thấy, mặc dù khối lượng tiền phát hành vẫn tăng và tăng nhanh, tốc độ lạm phát vẫn bị kìm hãm và có lúc bị chặn đứng vì vòng quay đồng tiền đã chậm lại. Sự chậm lại của vòng quay đồng tiền phản ánh tình trạng suy giảm sức mua trong nền kinh tế, dẫn đến sự đình đốn các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở đây chúng ta cũng nhận được một sự cảnh tỉnh khác. Nếu như sự sụt giá liên tục và nhanh chóng của đồng bạc là một tai họa, thì sự tăng giá đột ngột và không cơ bản của đồng bạc cũng không phải là một điều đáng mong ước. Chính sự tăng giá đồng bạc do tăng lãi suất, được cộng hưởng bởi sự giảm sụt sức mua xã hội đã là nguyên nhân đưa đến tình trạng lỗ lã trong khu vực sản xuất, kinh doanh kể cả các ngành trước đây làm ăn có lãi như thương nghiệp, xuất nhập khẩu và dịch vụ kiều hối. Bạn vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng, với lãi suất 10%/tháng để mua hàng dự trữ kinh doanh. Điều gì sẽ xảy ra cho bạn nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó, bạn chợt nhận ra rằng, vì đồng bạc tăng giá, lô hàng của bạn chỉ còn có 90 triệu đồng và bạn không tài nào kiếm được người mua. Đó chính là thảm trạng tài chính của các doanh nghiệp trong thời gian qua và hậu quả của nó đang lây lan đến hệ thống ngân hàng.
Dẫn chứng trên cho thấy chính sách tiền tệ không thể nào chỉ nhắm tới một mục tiêu đơn thuần như giá trị của đồng bạc mà còn phải lưu ý đến những vấn đề kinh tế khác như sự gia tăng tổng sản lượng, gia tăng thu nhập quốc dân hay nâng cao mức nhân dụng. Ổn định tiền tệ là mục tiêu không thể tranh cãi của chính sách tiền tệ nhưng xét cho cùng, chính sách tiền tệ chỉ là một bộ phận nằm trong chính sách kinh tế mà mục tiêu phục vụ không phải là một quan điểm hay một khái niệm mà là con người. Con người được làm việc, có thu nhập, có chi tiêu và có tích lũy. Giá trị đồng bạc cần phải được duy trì, nhưng điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó giúp đạt được cứu cánh tối hậu của công cuộc phát triển kinh tế là thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của mỗi người dân trong cộng đồng và đáp ứng nhu cầu được làm việc và có thu nhập của họ.
Sự ra đời của hai Pháp lệnh về ngân hàng vào giữa năm 1990 đã mở ra triển vọng mới cho việc củng cố vai trò và chức năng của đồng bạc, hồng cầu cần thiết cho hệ thống tuần hoàn của cơ thể kinh tế. Chúng ta mong rằng, sang năm mới, đồng bạc Việt Nam sẽ có những người bạn đồng hành hùng mạnh và tốt bụng, cùng chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy cỗ xe kinh tế vượt qua bãi lầy suy thoái. Chúng ta cũng mong rằng các mạch máu của hệ thống tuần hoàn sẽ được khai thông, để cho đồng bạc và những phương tiện thanh toán mới mẻ, hiện đại có thể tiếp nhận và vận chuyển hoàn hảo các nguồn vốn mới trong nước và ngoài nước đến những nhà đầu tư, những doanh nghiệp có khả năng sử dụng chúng một cách an toàn, lành mạnh và hiệu quả.
Cuối cùng, chúng ta mong ước rằng những điều kiện cần thiết cho việc củng cố vai trò của đồng bạc sẽ sớm được thực hiện trong năm mới và đồng bạc sẽ có dịp góp phần xứng đáng của mình vào việc phục hồi sức khỏe cho nền kinh tế.
Xin chúc lành cho đồng bạc Việt Nam!
—-
ĐỒNG BẠC VIỆT NAM TỪ BAO CẤP ĐẾN THỊ TRƯỜNG 1. Một đồng bạc Việt Nam thống nhất
Ba năm sau ngày hòa bình lập lại, sự thống nhất tiền tệ thực sự diễn ra trên cả nước với việc đổi tiền năm 1978. Một đồng tiền duy nhất được lưu hành trên toàn quốc, với vai trò được giao phó lúc đó là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và thực hiện cải tạo Xã hội Chủ nghĩa ở miền Nam. Nền kinh tế toàn quốc được vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, hầu hết các ngành công nghiệp đều được quốc hữu hóa, khu vực nông nghiệp được tập thể hóa và hợp tác hóa, các ngành thương nghiệp dần dần được tập trung vào Nhà nước, lực lượng tư thương mỏng dần qua nhiều đợt cải tạo, chỉ còn những người buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ. Mỗi quận huyện biến thành một pháo đài, một đơn vị kinh tế công nông thương nghiệp hoàn chỉnh, cũng có nghĩa là khép kín, tự túc, khiến cho giao thương giữa các địa phương bị hạn chế dần, đặc biệt đối với những mặt hàng được xem là thế mạnh của mỗi quận huyện. Gạo, thủy hải sản và các loại nông sản khác có thể được dùng làm lương thực đều bị hạn chế buôn bán ra khỏi quận huyện. Tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra trên toàn quốc, đến nỗi mỗi quận huyện được gọi là một nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, và việc buôn bán hàng hóa ra vào mỗi tỉnh, mỗi quận huyện gặp nhiều rào cản, trạm kiểm soát thuế còn phức tạp, nhiêu khê hơn cả việc xuất nhập khẩu.
Trong tình hình đó, vai trò của đồng bạc trong nền kinh tế bị lu mờ dần. Đồng tiền có chức năng thanh toán, nhưng rất hạn chế. Lương thực và các nhu yếu phẩm được bán theo tiêu chuẩn, hoặc theo tem phiếu. Việc mua bán giữa các địa phương phần lớn được thực hiện theo phương thức hàng đổi hàng. Khu vực nông thôn hầu như không có tiền mặt. Một cuộc khảo sát về cân đối tiền hàng ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Cửu Long vào năm 1979 cho thấy bình quân tiền mặt trong tay người nông dân không đến 30 đồng (khoảng 2 USD).
2. Chính sách tiền tệ siết chặt, đặc trưng của thời kỳ bao cấp
Chính sách tiền tệ thu hẹp là đặc trưng của thời kỳ kinh tế bao cấp. Ngân hàng Nhà nước, được xem là một Ngân hàng Trung ương, nhưng không được chủ động phát hành tiền. Việc phát hành tiền là do Chính phủ hoặc cấp lãnh đạo cao hơn (Bộ Chính trị) quyết định. Việc đưa đồng tiền ra lưu thông thường xuyên bị hạn chế vì mục tiêu kiềm chế giá cả. Cơ quan điều hành tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) lúc đó dường như chỉ có một mối quan tâm duy nhất là tìm mọi cách đưa đồng tiền đã phát hành ra nền kinh tế quay trở lại hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Họ tin rằng bằng cách đó sẽ chống được lạm phát, danh từ lạm phát được hiểu là có một lượng tiền thừa rất lớn trong lưu thông và danh từ “trong lưu thông” được hiểu là trên thị trường tự do, nơi mà Nhà nước không thể kiểm soát được giá cả. Trên nguyên tắc, giá cả mọi loại hàng hóa trong nền kinh tế đã được Nhà nước quyết định theo kế hoạch, và sự phân phối của chúng cũng được Nhà nước quyết định bằng cách quy định định mức nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của mỗi người dân trong xã hội. Do vậy, theo nhận thức của các nhà điều hành, thực thi chính sách tiền tệ, nếu trong lưu thông không có tiền thừa, việc mua bán trao đổi hàng hóa trên cái gọi là thị trường tự do sẽ không thể phát triển đến mức gây ra tác động xấu đến hệ thống giá cả và kế hoạch phân phối hàng hóa của Nhà nước trong nền kinh tế. Với mục tiêu rất cụ thể như trên của chính sách tiền tệ trong thời bao cấp, mỗi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên toàn quốc đều nhận được chỉ tiêu kế hoạch mỗi năm từ Ngân hàng Nhà nước trung ương là phải thực hiện bội thu tiền mặt. Lượng tiền mặt trong lưu thông được xem là một mối đe dọa vì nó là nguồn năng lượng cung cấp cho các hoạt động kinh tế ngoài quốc doanh, cho nền kinh tế ngầm, nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, đồng thời làm cản trở công cuộc cải tạo Xã hội Chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh.
3. Những biện pháp quản lý tiền mặt
Do đó, những biện pháp quản lý tiền mặt được áp dụng tối đa. Ngân hàng Nhà nước buộc các doanh nghiệp (thời đó chỉ có doanh nghiệp quốc doanh) phải xây dựng kế hoạch thu chi tiền mặt định kỳ trình chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại mỗi địa phương phê chuẩn. Căn cứ trên kế hoạch tiền mặt đã được duyệt, Ngân hàng Nhà nước quy định định mức tiền mặt mà các doanh nghiệp được rút ra từ tài khoản của mình, với những lý do chính đáng được thừa nhận. Mỗi doanh nghiệp, tùy tình hình kinh doanh sản xuất, sẽ được phép giữ một mức tồn quỹ tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước quy định, cũng như được phép chi trả bằng tiền mặt trên khoản thu bằng tiền mặt của đơn vị mình theo một tỉ lệ được phép gọi là mức tọa chi. Những quy định phiền toái về việc sử dụng tiền mặt của các doanh nghiệp chỉ nhằm thực hiện một mục tiêu là đảm bảo cho các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn thu tiền mặt đáp ứng các nhu cầu chi tiêu thường xuyên theo kế hoạch của doanh nghiệp (chủ yếu là chi trả tiền lương) mà không phải nhờ đến nguồn tiền phát hành của Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các chỉ tiêu bội thu tiền mặt hàng năm mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các chi nhánh của mình trên toàn quốc chưa bao giờ thực hiện được theo yêu cầu. Thật ra, đó cũng là một điều dễ hiểu. Nếu các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đồng loạt đạt được chỉ tiêu bội thu tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước Trung ương đề ra, chỉ trong một thời gian ngắn, nền kinh tế sẽ không còn tiền mặt để vận hành. Vì việc quản lý tiền mặt bản thân nó đã bao hàm một nghịch lý, nên nó giống như việc chạy đuổi theo cái bóng, cứ chạy mãi mà không bao giờ bắt kịp. Đồng tiền trong thời bao cấp tỏ ra rất tinh quái và thích chơi trò đuổi bắt. Một khi thoát được vào lưu thông, nó trốn tránh việc quay trở về hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn, luôn luôn bội chi tiền mặt và do đó, lâm vào tình trạng mà thời đó gọi là “căng thẳng tiền mặt” thường xuyên. Điều kỳ lạ là nguồn tiền phát hành của Ngân hàng Nhà nước Trung ương cũng luôn luôn không bao giờ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu chi trả tiền mặt của các chi nhánh của mình tại các địa phương, và hiện tượng căng thẳng tiền mặt – được hiểu như là thời gian mà các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chờ đợi được “rót” tiền mặt từ kho phát hành Ngân hàng Nhà nước Trung ương, để có đủ tiền mặt chi trả cho các khách hàng có tiền gởi và có yêu cầu rút tiền ra tại ngân hàng mình – xảy ra như cơm bữa. Tình trạng nợ tiền lương, tiền thưởng của người lao động, của cán bộ công nhân viên là thường xuyên, nhất là vào dịp lễ, Tết. Việc cán bộ nhân viên lãnh lương trễ vài ba tháng không phải là chuyện hiếm. Ngay cả đối với người dân được cán bộ ngân hàng đến tận nhà khuyến khích gởi tiền tiết kiệm vào các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, mỗi khi họ muốn rút tiền từ sổ tiết kiệm của chính mình, họ cũng phải trình bày với ngân hàng các lý do thực sự chính đáng (như vợ con bệnh tật, lo việc cưới hỏi hay ma chay, giỗ chạp), và cũng chỉ được rút tiền theo một hạn mức nhất định. Có thể nói, đồng tiền của doanh nghiệp và của cá nhân một khi đã lọt vào hệ thống Ngân hàng Nhà nước sẽ bị ngăn chặn mọi lối ra. Và chắc chắn đó chính là một trong những nguyên nhân khiến đồng tiền một khi thoát ra được, sẽ không bao giờ tự tìm đường về hệ thống ngân hàng, trừ phi bị bắt buộc. Một khi đồng tiền không còn gắn liền với hệ thống ngân hàng, hệ thống ngân hàng đó cũng mất đi vai trò “ngân hàng”, mà trở thành một cơ quan hành chính sự nghiệp đơn thuần, thực hiện chức năng quản lý, kiểm soát hoạt động mua bán giao dịch trong nền kinh tế bằng công cụ quản lý tiền mặt rất chặt chẽ và rất không hiệu quả.
4. Khan hiếm tiền mặt
Sự kiểm soát chặt chẽ lượng tiền mặt trong lưu thông đã làm cho đồng bạc trở nên hiếm hoi. Nền kinh tế thường xuyên chịu áp lực giảm phát và hậu quả là một tình trạng suy thoái kinh niên kéo dài từ năm kế hoạch này sang năm kế hoạch khác, nhất là trong khu vực nông thôn nơi tiền tệ khan hiếm nghiêm trọng. Khối tiền tệ M1 bị thu nhỏ, trong đó tiền mặt (tiền giấy) chiếm tỷ lệ đến 70%, còn tiền chuyển khoản (tiền tại các tài khoản của ngân hàng) chỉ là một thứ chuẩn tiền. Tuy nhiên, dù chiếm tỷ lệ đến 70%, lượng tiền mặt trong lưu thông vẫn không đủ sức gánh vác toàn bộ các hoạt động kinh tế của một nền kinh tế 60 triệu dân, khiến cho các hoạt động này dần dần sút giảm nghiêm trọng. Nền kinh tế tiến dần vào tình trạng suy thoái và bị phi tiền tệ hóa. Hiện tượng “hàng đổi hàng” xuất hiện và ngày càng phổ biến. Trên thị trường tự do, tiền mặt không tràn ngập như suy nghĩ của các nhà điều hành tiền tệ, nó vẫn đang rất thiếu cho các hoạt động luân chuyển hàng hóa dịch vụ vốn sầm uất hơn nhiều so với thị trường có tổ chức (khu vực kinh tế Nhà nước) và tạo nên một lực hút tiền mặt rất mạnh. Thị trường tự do, để tồn tại, cũng cần tiền không kém thị trường có tổ chức, thậm chí còn bức xúc hơn vì không thể tự phát hành tiền. Tuy nhiên, vì Nhà nước không công nhận sự hiện hữu hợp pháp của thị trường tự do và vai trò của nó trong việc duy trì hoạt động thường nhật của nền kinh tế, nên đã không thừa nhận nhu cầu tiền tệ của thị trường này, mà chỉ thấy đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế kế hoạch. Người ta luôn quy trách nhiệm cho thị trường tự do và các thành viên của nó đã gây ra tình trạng căng thẳng tiền mặt và nhận định rằng do thị trường tự do đang tràn ngập quá nhiều tiền và lượng tiền này không bao giờ quay lại hệ thống ngân hàng, nên khu vực kinh tế Nhà nước phải chịu cảnh thiếu thốn tiền mặt nghiêm trọng. Và biện pháp đối phó trước mắt là phải siết chặt hơn nữa việc quản lý tiền mặt. Đó là tình trạng xảy ra vào những năm đầu thập niên 80.
Đồng tiền trở nên cực kỳ khan hiếm cùng lúc với tình trạng mất giá liên tục của nó. Nghịch lý tiền tệ này đã xảy ra trong nền kinh tế bao cấp tồn tại hai thị trường song hành của Việt Nam. Đồng tiền đã có cùng lúc hai giá trị, hai tác dụng trên hai khu vực thị trường khác nhau.
Trong khu vực Nhà nước, đồng tiền được ấn định một giá trị cao, nhưng không ai có tiền và nếu có cũng không mua được hàng. Ở đây, hàng được phân phối theo kế hoạch, và vì không có đủ hàng để phân phối theo kế hoạch của nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương, nên hàng được phân phối một cách nhỏ giọt, và được thanh toán theo hình thức chuyển khoản. Và như đã nói, đồng tiền trên tài khoản chưa phải là tiền thật, vì không thể rút ra sử dụng theo nhu cầu của chủ tài khoản, nên nó chỉ là một thứ chuẩn tiền (quasi-money) không mấy được ưa chuộng. Sự siết chặt tiền mặt đã làm suy giảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp quốc doanh. Ngược lại, trên thị trường tự do, đồng tiền có vẻ như có mặt khắp nơi nhưng lại ngày càng giảm giá, vì nó giống như một hòn than nóng. Mỗi khi có đồng tiền trong tay, người dân lại vội vã đi mua hàng vì sợ nó mất giá và cũng vì sợ nó sẽ không còn tồn tại như kinh nghiệm đã được nếm trải qua hai lần đổi tiền năm 1975 và năm 1978. Và nếu không mua hàng, họ lại tìm cách mua vàng hay đô-la để dự trữ.
Trên thị trường tự do, đồng tiền quay vòng đến chóng mặt và nếu nhìn hiện tượng đó theo lý thuyết tiền tệ, tình trạng giá cả tăng nhanh trên thị trường tự do là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở trên thị trường này, có tiền thì sẽ mua được hàng, miễn là chấp nhận giá cao. Như nước chảy xuống chỗ trũng, hàng hóa giá thấp từ khu vực nhà nước tìm mọi cách chạy ra thị trường ngoài theo mọi ngõ ngách để đến chỗ có giá cao hơn. Thị trường bên ngoài, dù chịu sức ép thu hẹp qua nhiều đợt cải tạo công thương nghiệp, vẫn tiếp tục lớn dần, các hoạt động kinh tế trên thị trường gọi là tự do ngày càng sôi động hơn, tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động. Sự phát triển của thị trường tự do nhờ vào điều mà xã hội lúc bấy giờ lên án và coi là hành động tội phạm: tệ nạn “móc ngoặc” giữa cán bộ Nhà nước và tư thương, “tuồn hàng” từ các kho khóa chặt của Nhà nước ra ngoài. Đó chính là mặt tích cực của một tệ nạn, thực chất là nạn ăn cắp, trong ý nghĩa là hành động này đã cung cấp cho thị trường một lượng hàng hóa vốn bị bất động trong kho và sẽ bị hư hỏng dần qua thời gian, giúp cho nền kinh tế có năng lượng để vận hành, người tiêu dùng có cái để sống, để tồn tại.
Đồng tiền chạy theo hàng hóa như bóng với hình, và chỗ trũng của nó là các thành thị. Trong khi đó, ở nông thôn, thiếu thốn tiền mặt là triền miên và nền kinh tế hàng hóa ở nông thôn đã không thể nào phát triển. Nông thôn tiếp tục chìm trong bóng đêm của tự cấp tự túc.
5. Hậu quả của chính sách tiền tệ siết chặt
Chính sách thắt chặt tiền tệ của thời bao cấp đã đưa nền kinh tế vào vòng lẩn quẩn không lối thoát. Thắt chặt tiền tệ khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình đốn, hậu quả là ngân sách bị thất thu thuế nhưng phải bội chi để bù lỗ cho các xí nghiệp quốc doanh. Kết quả tất yếu của điều này là Nhà nước phải gia tăng phát hành để bù đắp khiếm hụt ngân sách. Càng phát hành lớn cho ngân sách, càng phải giảm bớt tín dụng đối với khu vực sản xuất kinh doanh, càng phải tăng cường quản lý tiền mặt vì e sợ lạm phát. Mặt khác, Nhà nước cũng phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ để giảm bớt bù lỗ. Những biện pháp gỡ rối tạm bợ như trên không thể ổn định được tình tình kinh tế khó khăn mà chỉ làm rối thêm các vấn đề sẵn có: giá cả hàng hóa tiếp tục leo thang cả trong khu vực Nhà nước lẫn thị trường tự do, tình trạng căng thẳng tiền mặt trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước và của các doanh nghiệp ngày càng trầm trọng hơn, tiền mặt vẫn tiếp tục được hút ra thị trường tự do, nơi nó vẫn trong tình trạng khan hiếm và được sự hỗ trợ trong vai trò thanh toán bởi vàng và đô-la.
6. Cải cách giá lương tiền năm 1985
Chương trình cải cách giá lương tiền năm 1985 với đỉnh cao của nó là việc thu đổi toàn bộ lượng tiền trong lưu thông diễn ra vào tháng 9 năm 1985 là một nỗ lực được thực hiện với mục tiêu phá vỡ vòng lẩn quẩn nói trên. Cải cách về giá nhằm làm cho mức giá thực tế hơn trong quan hệ thành thị – nông thôn, công nghiệp – nông nghiệp, tránh tình trạng thường được ví von vào lúc đó là “mua như cướp, bán như cho”. Cải cách tiền lương không gì khác hơn là tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, làm dịu đi nỗi bức xúc của họ trước tình trạng giá cả leo thang. Nhưng trong chương trình này, cải cách tiền tệ là biện pháp then chốt nhất. Các nhà lãnh đạo tiền tệ vào lúc đó tin tưởng rằng việc thu đổi tiền sẽ là một đòn nặng giáng vào tư sản tư thương và việc thu gom tiền về sẽ là liệu pháp hiệu quả bậc nhất để chấm dứt điều mà họ cho là nguyên nhân cơ bản của tình trạng lạm phát và giá cả gia tăng đến chóng mặt trong thời gian qua.
Những diễn biến xảy ra cho nền kinh tế tiếp theo biến cố thu đổi tiền vào tháng 9 năm 1985 cho thấy chương trình cải cách giá lương tiền hoàn toàn thất bại. Nền kinh tế lâm vào tình trạng đình trệ còn nghiêm trọng hơn trước lúc đổi tiền. Lưu thông hàng hóa trên toàn quốc bị tắc nghẽn. Các bà nội trợ than phiền không có tiền lẻ để đi chợ. Khu vực nông thôn quay về tình trạng hàng đổi hàng, nông dân phải mang lúa ra chợ để đổi lấy vải. Giá cả leo thang đến chóng mặt. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá cả thị trường năm 1985 tăng 61% so với năm 1984, năm 1986 tăng đến 625% so với năm 1985. Đồng tiền mới phát hành ra đã bị giảm giá trầm trọng. Chỉ số sức mua đồng bạc năm 1985 chỉ bằng 62% năm 1984, sang năm 1986 chỉ còn 16%.
Đây là những vấn đề thực sự làm đau đầu không những đối với các nhà lãnh đạo đất nước mà còn đối với các chuyên gia tiền tệ, các nhà phân tích kinh tế. Nếu hiện tượng tiền tràn ngập lưu thông là nguyên nhân dẫn đến gia tăng giá cả, thì tại sao khi thu đổi tiền về, giá cả vẫn tiếp tục gia tăng?
Những năm tiếp theo, đồng bạc Việt Nam đã phải gian nan vượt qua các cơn khủng hoảng của chính nó: khủng hoảng về khan hiếm tiền mặt, khủng hoảng thiếu tiền lẻ, khủng hoảng vì sự mất tín nhiệm của người dân. Vì e sợ đổi tiền, người dân đã xem đồng tiền như một phương tiện dự trữ tạm thời, tâm lý trữ vàng, trữ đô-la trong dân chúng tăng cao. Trong hai năm 1986 và 1987, tình trạng cấm chợ ngăn sông, sự điều chỉnh liên tục giá nguyên nhiên liệu, giá vật tư, tâm lý trữ vàng, trữ đô-la, sự khan hiếm hàng hóa, mức lãi suất ngân hàng thấp cùng với tốc độ quay chóng mặt của đồng tiền, tất cả những yếu tố đó quyện vào nhau, trở thành một dòng xoáy lôi cuốn đồng bạc vào cơn ác mộng lạm phát chưa từng có. Để diễn tả nó, người ta đã không ngần ngại dùng các thuật ngữ gây nhiều ấn tượng như bùng nổ lạm phát, siêu lạm phát, lạm phát cấp 3, lạm phát phi mã. Năm 1988, tốc độ lạm phát vẫn tiếp tục ở mức 500%/năm. Nền kinh tế bị choáng váng và trong nỗi hoang mang đó, người ta đã không nhìn thấy một sự thật: lạm phát không thể được nuôi dưỡng trong điều kiện khan hiếm tiền tệ và nếu sự gia tăng giá cả đã xảy ra, chúng ta nên tỉnh táo phân tích hiện tượng này và đi tìm các thủ phạm đích danh, hơn là đổ trút mọi tội lỗi lên đầu đồng bạc Việt Nam.
7. Những đề xuất cho bài toán tiền tệ giá cả
Đề cương “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế” của Nhóm chuyên viên nghiên cứu chuyên đề Công ty Cung ứng Hàng Xuất khẩu Quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh (sau này gọi là Nhóm Thứ Sáu) đã tìm cách trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề tiền tệ, giá cả vào thời điểm đó như sau:
Về mặt tiền tệ, chính sách cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ khối lượng tiền phát hành ngay từ khâu xây dựng kế hoạch phát hành và quản lý chặt chẽ chúng sau khi chúng được đưa vào lưu thông, vậy tại sao tiền mặt cứ thừa trong lưu thông? Hiện tượng gọi là tiền thừa không phải mới xuất hiện, mà được thừa nhận là xuất hiện thường xuyên.