Cuốn sách “33 Chiến Lược Chiến Tranh” là một tài liệu vô cùng quý giá, bao quát nhiều nền văn minh thế giới và tóm tắt lịch sử hàng ngàn năm xung đột. Tác phẩm này tập hợp những nguyên tắc quân sự hiệu quả và những chiến lược của những thiên tài quân sự hàng đầu, nhằm hướng dẫn bạn vượt qua các cuộc chiến trong cuộc sống hàng ngày.
Cuốn sách giới thiệu các chiến lược tấn công và phòng thủ để bạn luôn dẫn đầu và thương lượng từ vị thế mạnh mẽ của mình, cũng như phản ứng linh hoạt với các tình huống nguy hiểm và tránh xa những cuộc chiến không thể chiến thắng. Dù ở chiến trường hay trong môi trường công việc, những người chiến binh thành công luôn là những người thông minh, tỉnh táo, biết cách giữ cân bằng, điềm tĩnh và hiểu biết về lý trí.
33 chiến lược trong sách này là tinh hoa của tri thức sâu rộng chứa đựng trong những bài học và nguyên tắc của việc thực hiện chiến tranh. Sách được thiết kế để cung cấp cho bạn tri thức thực hành, tạo ra cho bạn nhiều lựa chọn và thuận tiện khi đối mặt với những kẻ thù ẩn nấp trong cuộc chiến hàng ngày.
Mỗi chương sách là một chiến lược được lựa chọn kỹ lưỡng từ những tác phẩm và thực tiễn của các tướng lĩnh và chiến lược gia vĩ đại nhất trong lịch sử, nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể mà bạn thường gặp phải. Mỗi chương cũng được minh họa bằng những ví dụ lịch sử, không chỉ từ lĩnh vực quân sự mà còn từ chính trị, văn hóa, kinh doanh, chỉ ra mối liên kết chặt chẽ giữa quân sự và xã hội. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về cách mà quân sự ảnh hưởng và được ảnh hưởng bởi các khía cạnh khác của đời sống.
Mời các bạn đón đọc 33 Chiến lược của Chiến tranh của tác giả Robert Greene.
Các cuốn sách khác có thể bạn sẽ thích
—
Lời nói đầu
Chúng ta sống trong một nền văn hóa vốn cổ động cho những giá trị mang tính dân chủ của việc sống ngay thẳng với tất cả mọi người; cho tầm quan trọng của việc thích ứng với một nhóm; và cho việc hiểu biết cách thức cộng tác với những người khác. Chúng ta được dạy dỗ ngay từ bé rằng những người có vẻ ngoài hiếu chiến và hay gây sự phải trả một cái giá về mặt xã hội: không được quần chúng ưa thích và bị cô lập. Những giá trị của sự hòa hợp và cộng tác này được duy trì theo một cách thức tinh vi hoặc thô thiển – thông qua những quyển sách về cách thức để thành công trong cuộc sống; thông qua những hành xử bề ngoài vui vẻ, hòa bình mà những người đã thành đạt hơn người trên thế giới thể hiện trước mặt quần chúng; thông qua những ý niệm về sự đúng đắn đang thấm đẫm trong không gian cộng đồng.Vấn đề đối với chúng ta là chúng ta được đào tạo và được chuẩn bị để sống hòa bình, chứ không hề được chuẩn bị cho điều mà chúng ta đang đối mặt trong thế giới hiện thực – chiến tranh.
Cuộc chiến này tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau.Hiển nhiên nhất là chúng ta có những đối thủ ở phía bên kia.Thế giới ngày càng trở nên đầy tính cạnh tranh và hiểm ác. Trong chính trị , trong kinh doanh, thậm chí trong nghệ thuật , chúng ta đối mặt với những đối thủ hầu như sẽ làm bất cứ điều gì để chiếm lợi thế. Tuy nhiên, rắc rối và phức tạp hơn nhiều, là những cuộc chiến mà trong đó chúng ta phải chạm trán với những người được xem là ở về phía của chúng ta. Có những người ngoài mặt là đồng đội – những kẻ hành xử rất thân thiệt và dễ thương- nhưng đó lại là những kẻ ngầm phá hoại chúng ta ở hậu trường, sử dụng nhóm để cổ động cho những việc riêng của họ. Những kẻ khác, khó phát hiện hơn, thực hiện những trò gây hấn thụ động tinh vi, đề xuất sự giúp đỡ không bao giờ đến, ngấm ngầm chơi xấu chúng ta. Ở ngoại diện, mọi sự dường như khá bình ổn, nhưng ngay bên dưới nó, là mỗi người đàn ông hoặc đàn bà chỉ vì bản thân họ, động lực này tiêm nhiễm ngay cả trong những gia đình hay những mối quan hệ. Văn hóa có thể chối bỏ thực tế này và cổ động cho một bức tranh hòa nhã hơn, nhưng chúng ta biết và cảm nhận được nó, trong những vết sẹo chinh chiến của mình.
Không phải vì chúng ta và các đồng nghiệp của chúng ta là những sinh vật thiếu hiểu biết, những kẻ thất bại trong việc sống theo những lý tưởng hòa bình và vị tha, mà vì chúng ta không thể là như thế. Có những xung động hiếu chiến mà chúng ta không thể làm ngơ hay kiềm chế được. Thời trước, các cá nhân có thể mong chờ một nhóm – một nhà nước, một gia đình mở rộng, một công ty – lo liệu cho họ, nhưng điều này không còn đúng nữa, và trong thế giới vô tình này chúng ta phải suy nghĩ trước tiên và trên hết cho chính bản thân và những lợi ích của chúng ta. Điều chúng ta cần không phải là theo đuổi những ý tưởng bất khả thi và phi nhân tính về hòa bình và sự hợp tác, mà hơn thế, là tri thức có tính thực hành về cách thức xử lý mối xung đột và những cuộc chiến hàng ngày mà chúng ta đang chạm trán .Và tri thức này không phải là về cách làm thế nào để mạnh mẽ hơn trong việc đạt được những gì chúng ta muốn và tự bảo vệ chúng ta, mà đúng hơn, làm thế nào để có lý trí và có chiến lược hơn khi xảy ra xung đột, định hướng cho các xung động gây hấn của chúng ta thay vì chối bỏ hoặc kềm nén chúng. Nếu có một mục tiêu phải hướng tới, thì đó nên là một chiến lược gia, một con người giải quyết được những tình huống khó khăn và điều khiển được mọi người thông qua thủ đoạn khéo léo và thông minh.
Nhiều nhà tâm lý học và xã hội học đã lý luận rằng chính nhờ thông qua xung đột mà các vấn đề được giải quyết và những khác biệt thật sự được hòa giải. Có thể truy nguyên những thành công hay thất bại của chúng ta trong cuộc sống từ việc chúng ta xử lý tốt hoặc tồi những xung đột không thể tránh khỏi sẽ đối mặt với chúng ta trong xã hội. Những cách thức thông thường mà mọi người xử lý chúng – cố tránh mọi xung đột, trở nên đầy cảm xúc và dễ kích động, trở nên giả nhân giả nghĩa và mánh khóe – tất cả rốt cuộc đều phản tác dụng, bởi vì chúng không đặt dưới sự kiểm soát của lương tâm và lý trí và thường khiến cho hoàn cảnh xấu đi. Các chiến lược gia hành động khác hẳn. Họ suy nghĩ xa hơn về những mục tiêu dài hạn, quyết định những cuộc chiến nào cần tránh và cuộc chiến nào là không thể tránh khỏi, biết cách làm thế nào để kiểm soát và định hướng những cảm xúc của họ. Khi buộc phải chiến đấu, họ chiến đấu theo đường lối lắt léo quanh co với một thủ thuật tinh tế, khiến cho các mánh khóe của họ khó bị phát hiện. Bằng cách này họ có thể duy trì sự hòa bình bề ngoài cần thiết trong những thời kỳ chính trị.
Ý tưởng về sự chiến đấu theo lý trí này đến với chúng ta từ chiến tranh có tổ chức, nơi mà nghệ thuật về chiến lược được phát minh và cải tiến. Thoạt tiên, chiến tranh không có tính chiến lược gì cả. Các trận chiến giữa các bộ lạc diễn ra theo một cung cách tàn bạo, một loại nghi thức bạo lực mà trong đó nhưng cá nhân có thể biểu lộ đức tính anh hùng của họ. Nhưng khi các bộ lạc mở rộng và phát triển thành các quốc gia, hoàn toàn rõ ràng rằng chiến tranh có quá nhiều tổn phí chìm ẩn, rằng việc tiến hành nó một cách mù quáng thường dẫn tới sự suy kiệt và tự hủy diệt, ngay cả đối với kẻ chiến thắng. Bằng một cách nào đó, các cuộc chiến cần phải được tiến hành một cách lý trí hơn.
Từ “chiến lược” ( strategy) xuất xứ từ từ cổ Hy Lạp strategos, có ý nghĩa chính xác là “ người chỉ huy của một đạo quân”. Chiến lược theo ý nghĩa này là nghệ thuật của việc chỉ huy, của việc điều động toàn bộ nỗ lực chiến tranh, của việc quyết định những đội hình phải triển khai, địa hình để chiến đấu, những thủ thuật cần áp dụng để chiếm lợi thế. Và khi tri thức này phát triển, những vị chỉ huy quân đội phát hiện ra rằng càng có tư duy và kế hoạch xa rộng hơn, họ càng có nhiều khả năng thành công hơn. Các chiến lược mới lạ có thể cho phép họ đánh bại những kẻ thù lớn mạnh hơn nhiều, như Alexander Đại đế đã thực hiện trong những chiến thắng của ông trước người Ba Tư. Việc đối đầu với những đối thủ cũng hiểu biết và áp dụng chiến lược đã tạo nên một áp lực vận động đi lên: để chiếm ưu thế, một viên tướng phải có đầu óc chiến lược hơn, lắt léo và thông minh hơn đối phương. Theo thời gian, những nghệ thuật chỉ huy quân sự dần dần trở nên phức tạp hơn, cũng như có nhiều chiến lược được phát minh hơn.
Mặc dù bản thân từ “strategy” bắt nguồn từ Hy Lạp, song khái niệm này vẫn xuất hiện ở mọi nền văn hóa, trong mọi thời kỳ. Các nguyên tắc bền vững về cách xử lý các sự cố bất khả kháng của chiến tranh, cách lên kế hoạch sau cùng, cách tổ chức quân đội tốt nhất – tất cả những điều này có thể tìm thấy trong những cẩm nang chiến tranh từ Trung Hoa cổ đại cho đến châu Âu hiện đại. Thủ thuật phản công, tấn công bên sườn hoặc phát triển đội hình, và các nghệ thuật nghi binh là chuyện bình thường đối với các đội quân của Thành Cát Tư Hãn, Napoleon và vua Shaka của người Zulu. Nhìn tổng thể, các nguyên tắc và chiến lược này biểu thị một kiểu trí tuệ quân sự phổ quát, một tập hợp những khuôn mẫu thích ứng có khả năng gia tăng các cơ may chiến thắng.
Có lẽ chiến lược gia vĩ đại nhất trong tất cả những người đó là Tôn Tử, tác giả của quyển cổ thư Trung Quốc Binh Pháp. Trong cuốn sách được ebookvie chia sẻ này – có lẽ được viết vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên – chúng ta có thể truy nguyên hầu như tất cả những khuôn mẫu và nguyên tắc chiến lược sẽ được phát triển trong suốt nhiều thế kỷ sau đó. Nhưng điều nối kết chúng lại – trong thực tế là điều thiết lập nên binh pháp trong cách nghĩ của Tôn Tử – là ý tưởng về việc chiến thắng mà không đổ máu. Bằng cách lợi dụng nhược điểm tâm lý của đối phương, bằng cách lừa đối phương vào những vị trí hiểm nghèo, bằng cách tạo ra những cảm giác thất vọng và bối rối, một chiến lược gia có thể khiến cho đối phương sụp đổ về mặt tinh thần trước khi đầu hàng về thể chất. Theo cách này, chiến thắng có thể đạt được ở cái giá thấp hơn rất nhiều.Và quốc gia thắng trận với ít tổn thất nhân mạng và khí tài hơn là quốc gia có thể thịnh vượng trong một quãng thời gian lâu dài hơn. Tất nhiên, phần lớn những cuộc chiến tranh không được tiến hành một cách thuần lý trí, nhưng những chiến dịch trong lịch sử tuân theo nguyên tắc này (Scipio Africanus ở Tây Ban Nha, Napoleon ở Ulm, T.E. Lawrence với những chiến dịch tiêu thổ trong Thế chiến thứ I) trở nên nổi bật và được vận dụng theo.
Chiến tranh không phải là một lĩnh vực riêng biệt tách rời với phần còn lại của xã hội. Nó là một phạm vi hoạt động hiển nhiên của con người, đầy những điều tốt đẹp và xấu xa nhất trong bản chất của chúng ta. Chiến tranh cũng phản ánh những xu thế trong xã hội. Sự tiến hóa tới các chiến lược phi truyền thống hơn – chiến tranh du kích, chủ nghĩa khủng bố – phản ánh một tiến hóa tương đồng trong xã hội, nơi hầu hết mọi sự vật đang vận động. Các chiến lược thành công trong chiến tranh, dù là theo truyền thống hay phi truyền thống, đều dựa vào tâm lý muôn đời; và những thất bại quân sự lớn đã dạy cho chúng ta nhiều điều về sự ngu xuẩn của con người và những giới hạn của sức mạnh trong bất kỳ đấu trường nào. Quan điểm mang tính chiến lược trong chiến tranh – tính chất cực kỳ lý trí và cân bằng về cảm xúc, nỗ lực chiến thắng với tổn thất tối thiểu về máu đổ và khí tài – có tầm ứng dụng vô hạn và thích đáng với những cuộc chiến hàng ngày của chúng ta.
Với những giá trị của các thời đại đã in sâu trong tâm khảm, nhiều người sẽ lý luận rằng chiến tranh có tổ chức vốn có tính dã man – một di tích của quá khứ bạo lực của loài người và là một điều cần khắc phục. Cổ động cho các nghệ thuật chiến tranh trong một môi trường xã hội, họ sẽ nói, là cản trở sự tiến bộ và khuyến khích sự xung đột và bất đồng. Chẳng lẽ thế giới này chưa đủ thứ đó hay sao? Lý luận này rất hấp dẫn, nhưng không hợp lý chút nào cả. Trong xã hội và trong thế giới nói chung, luôn luôn sẽ có những kẻ hung hăng hiếu chiến hơn chúng ta, những kẻ tìm mọi cách để đạt được những gì họ muốn, bằng trăm phương nghìn kế. Chúng ta phải cảnh giác và phải biết cách tự bảo vệ bản thân để chống lại những dạng người này. Các giá trị văn minh sẽ không tiến triển nếu chúng ta buộc phải đầu hàng những kẻ xảo quyệt và hùng mạnh. Trong thực tế, những người theo chủ nghĩa hòa bình khi đối mặt với lũ sói như thế là cội nguồn của một tấn bi kịch vô tận.
Mahatma Gandhi, người đã nâng sự bất bạo động thành một vũ khí vĩ đại cho biến chuyển xã hội, sau đó chỉ có một mục tiêu giản dị trong đời: đưa Ấn Độ thoát khỏi những lãnh chúa người Anh vốn làm nó lụn bại suốt nhiều thế kỷ. Người Anh là những nhà cai trị thông minh. Gandhi hiểu rằng nếu muốn bất bạo động đạt hiệu quả, nó phải cực kỳ có tính chiến lược, đòi hỏi phải nhiều tư duy và kế hoạch. Ông đã tiến một bước khá xa khi gọi bất bạo động là một phương cách tiến hành chiến tranh mới. Để cổ động cho một giá trị bất kỳ nào, bạn phải sẵn sàng chiến đấu vì nó và hướng về các kết quả – chứ không chỉ là cái cảm giác tốt đẹp, nồng nhiệt khi thể hiện các ý tưởng đó. Một khi hướng tới các kết quả, bạn đã đi vào lĩnh vực chiến lược. Chiến tranh và chiến lược có một logic không thể chuyển dời: nếu bạn muốn hoặc khát khao bất cứ điều gì, bạn phải sẵn sàng và có khả năng chiến đấu vì nó.
Những người khác sẽ lý luận rằng chiến tranh và chiến lược là những vấn đề chủ yếu mà đàn ông quan tâm, đặc biệt là những kẻ hiếu chiến hoặc nằm trong số tầng lớp ưu tú nhiều quyền lực. Họ sẽ bảo rằng việc nghiên cứu chiến tranh và chiến lược là một mưu cầu thuộc về giống đực, thuộc tầng lớp ưu tú và có tính áp chế, một phương thức để quyền lực duy trì chính nó. Một lý luận như thế thật phi lý và nguy hiểm. Khởi đầu, chiến lược thật sự thuộc về một ít thành phần chọn lọc – một vị tướng, ban tham mưu của ông ta, nhà vua, một số triều thần. Những người lính không được học chiến lược, bởi nó sẽ không giúp ích gì cho họ trên chiến trận. Ngoài ra, trang bị cho những người lính của mình một loại tri thức thực hành có thể giúp họ tổ chức một cuộc binh biến hay nổi loạn là việc kém khôn ngoan. Kỷ nguyên thực dân chủ nghĩa còn nâng nguyên tắc này lên cao hơn: những người dân bản xứ của các thuộc địa của châu Âu bị cưỡng bách gia nhập các đội quân phương Tây và thực hiện nhiều quân vụ, nhưng ngay cả những người lên tới các chức vụ hành chính cao vẫn không được học hỏi gì về chiến lược, cái được xem là quá nguy hiểm nếu truyền đạt cho họ biết. Chiến lược và các nghệ thuật chiến tranh vốn là một ngành tri thức đặc biệt thật sự chỉ nằm trong tay những tầm lớp ưu tú và chính quyền chuyên chế, những kẻ thích chia cắt và thống trị. Nhưng nếu chiến lược là nghệ thuật của việc đạt tới những kết quả, của việc biến các ý tưởng thành hành động, nó phải được phổ biến xa và rộng, đặc biệt là trong những người có truyền thống không buồn đếm xỉa tới nó, bao gồm cả những người phụ nữ. Trong những câu chuyện thần thoại của hầu hết tất cả những nền văn hóa, những vị thần chiến tranh vĩ đại là phụ nữ, trong đó có Athena của Hy Lạp cổ đại. Sự thiếu quan tâm của một phụ nữ đối với chiến lược và chiến tranh không phải là một thuộc tính sinh học mà là một thuộc tính xã hội, và có lẽ cả thuộc tính chính trị nữa.
Thay vì kháng cự lại sức hút của chiến lược và những ưu điểm của việc tiến hành chiến tranh theo lý trí hoặc cho rằng nó không đáng quan tâm, đối diện với sự cần thiết của nó là điều tốt hơn nhiều.
Làm chủ nghệ thuật này rốt cuộc sẽ chỉ làm cho cuộc đời của bạn bình ổn và phong phú hơn, vì bạn sẽ biết cách thức tham gia cuộc chơi và chiến thắng mà không cần bạo lực. Thiếu hiểu biết sẽ dẫn tới một cuộc đời hỗn loạn không ngừng và đầy thất bại
Sau đây là sáu mô hình lý tưởng cơ bản bạn nên hướng tới để tự biến bản thân thành một chiến lược gia trong cuộc sống hàng ngày.
Nhìn vào sự việc theo chính bản thân của chúng, không phải theo các cảm xúc của bạn. Trong chiến lược bạn phải xem các phản ứng xúc cảm của bạn đối với các sự kiện như là một căn bệnh phải được chữa trị. Nỗi sợ hãi sẽ khiến bạn đánh giá quá cao kẻ thù và hành động có tính chất tự vệ thái quá. Sự giận dữ và nóng nảy sẽ đẩy bạn tới những hành động hấp tấp làm mất đi các cơ hội chọn lựa của bạn. Sự tự tin thái quá, đặc biệt khi đó là kết quả của sự thành công sẽ khiến cho bạn đi quá đà. Tình yêu và sự cảm động sẽ khiến bạn mù quáng trước những thủ đoạn xảo trá của những kẻ nhìn bề ngoài đang đứng về phía bạn. Ngay cả những cấp độ vi tế nhất của những cảm xúc này cũng có thể làm thay đổi cách thức bạn nhìn vào các sự kiện. Liệu pháp duy nhất là nhận thức rằng không thể tránh khỏi sức hút của cảm xúc, để nhận ra nó ngay khi nó xảy ra và để bù đắp cho nó. Khi bạn thành công, hãy vô cùng thận trọng. Khi bạn giận dữ, không hành động gì cả. Khi bạn sợ hãi, biết rằng bạn sẽ cường điệu những mối hiểm nguy mà bạn đương đầu. Chiến tranh đòi hỏi sự duy thực tột cùng, nhìn sự vật theo bản thân của chúng. Càng hạn chế hoặc càng bù đắp được cho các phản ứng xúc cảm của bạn, bạn càng tiến tới gần mô hình lý tưởng này.
Xét đoán mọi người theo hành vi của họ. Điểm nổi bật của chiến tranh là không hề có một sự hùng biện hoặc cuộc đối thoại nào có thể thanh minh cho một thất bại ở chiến trường. Một vị tướng đã đưa các đội quân của mình tới chỗ bại trận, làm lãng phí sinh mạng, và đó là cách mà lịch sử sẽ phán xét ông ta. Bạn phải cố vận dụng chuẩn mực tàn nhẫn này vào cuộc sống hàng ngày của mình, xét đoán mọi người theo kết quả các hành vi của họ, những hành vi có thể nhìn thấy và đo lường được, các thủ đoạn họ đã sử dụng để đạt được quyền lực. Điều mà mọi người nói về mình không quan trọng; người ta sẽ nói bất cứ thứ gì. Hãy nhìn vào điều họ đã làm; hành vi không biết nói dối. Bạn cũng phải áp dụng logic này cho chính bản thân. Khi nhìn lại một thất bại, bạn phải nhận diện được những điều mà lẽ ra bạn đã phải thực hiện theo cách khác. Không phải sự chơi xấu của đối thủ, mà chính chiến lược tồi tệ của bạn là điều đáng khiển trách về thất bại của bạn. Bạn chịu trách nhiệm về những điều tốt đẹp và tồi tệ trong đời bạn. Như một hệ quả tất yếu của điều này, hãy nhìn vào mọi điều mà những người khác làm như một thủ đoạn chiến lược, một nỗ lực để giành chiến thắng. Ví dụ, những người tố cáo bạn chơi xấu, kẻ làm cho bạn cảm thấy có lỗi, kẻ nói về công bằng và đạo đức, [ là những người]1 đang cố gắng giành lợi thế trên bàn cờ.
Trông cậy vào vũ khí của chính bạn. Trong sự kiếm tìm thành công ở cuộc sống, mọi người có khuynh hướng trông cậy vào những điều có vẻ đơn giản, dễ dàng hoặc trước đó đã có hiệu quả. Điều này có thể là việc tích lũy tài sản, những biệt tài xoay xở, có nhiều đồng minh, hoặc có công nghệ mới nhất và lợi thế mà nó mang tới. Nó mang tính vật chất và cơ học. Nhưng chiến lược chân chính có tính tâm lý – một vấn đề của trí tuệ chứ không phải của sức mạnh vật chất. Mọi thứ trong đời có thể bị tước đoạt khỏi bạn và nhìn chung sẽ là như thế vào một thời điểm nào đó. Tài sản tiêu tan, bộ đồ cuối cùng đột nhiên trở thành lỗi thời, các đồng minh lìa bỏ bạn. Nhưng nếu tâm trí bạn được trang bị nghệ thuật chiến tranh, không một sức mạnh nào có thể tước đoạt được nó. Ở giữa một cơn khủng hoảng, tâm trí bạn sẽ tìm ra con đường đi tới giải pháp đúng của nó. Có những chiến lược cao cấp trong tay, bạn sẽ có một sức mạnh bất khả cưỡng kháng lại. Như Tôn Tử nói: “Sự bất năng khuất nằm trong bản thân ngươi.”
(1) Từ đây đến hết cuốn sách, những phần nằm trong dấu [] là của người dịch, nhằm làm rõ nghĩa câu, hoặc để ghi chú một từ /cụm từ nguyên văn trong bản tiếng Anh mà có thể độc giả cần đối chiếu, tham khảo.
Tôn thờ Athena chứ không phải Ares. Theo thần thoại Hy Lạp cổ đại, người thông minh nhất trong tất cả những vị thần bất tử là nữ thần Metis. Để phòng ngừa bà đánh lừa và hủy diệt mình, thần Zeus cưới bà, rồi nuốt chửng bà vào bụng, hy vọng sẽ hợp nhất được với trí thông minh của bà. Nhưng Metis đã mang thai với Zeus và có con là nữ thần Athena, người sau đó được sinh ra từ trán của ngài. Để thích hợp với dòng dõi của mình, Athena được ban cho tính xảo trá của Metis và khả năng chiến đấu của Zeus. Người Hy Lạp xem bà là nữ thần của chiến tranh có chiến lược, kẻ mà bà yêu thích nhất trong số những phàm nhân là Odysseus mưu lược. Ares là thần chiến tranh dưới hình thức tàn bạo và trực tiếp. Người Hy Lạp xem thường Ares và tôn thờ Athena, người luôn luôn chiến đấu với trí thông minh và sự tinh tế tột bậc. Mối quan tâm của bạn trong chiến tranh không phải là bạo lực, sự dã man, sự lãng phí nhân mạng và khí tài, mà là tính hợp lý và hành động thực tế buộc phải tiến hành nó với lý tưởng chiến thắng mà không đổ máu. Những mẫu người kiểu Ares trên thế giới thật sự hoàn toàn ngu xuẩn và dễ bị làm cho mê muội. Sử dụng sự thông tuệ của Athena, mục tiêu của bạn là chuyển bạo lực và tính hiếu chiến của dạng người đó chống lại chính họ, làm cho sự tàn bạo của họ trở thành nguyên nhân của sự suy vong. Như Athena, bạn luôn đi trước một bước, di động một cách lắt léo. Mục tiêu của bạn là phối hợp triết học và chiến tranh, sự khôn ngoan và chiến trận thành một hỗn hợp vô địch.
Nâng cao bản thân bạn lên trên cuộc chiến. Trong chiến tranh, chiến lược là nghệ thuật chỉ huy toàn bộ hoạt động quân sự. Các chiến thuật, mặt khác, là kỹ năng để bày binh bố trận trên chiến địa và xử lý những nhu cầu tại chỗ của chiến trận. Phần lớn chúng ta trong đời là những chiến thuật gia chứ không phải là những chiến lược gia. Chúng ta trở nên quá vướng víu vào những xung đột mà chúng ta đối đầu đến nỗi chỉ có thể nghĩ về cách làm thế nào để đạt được điều chúng ta muốn trong cuộc chiến đang xảy ra. Tư duy một cách chiến lược là điều khó khăn và trái với tự nhiên. Bạn có thể tưởng rằng bạn là một chiến lược gia, nhưng rất có khả năng bạn chỉ đơn giản là một chiến thuật gia. Để có được sức mạnh mà chỉ có chiến lược gia mới mang tới được, bạn phải có khả năng nâng cao chính bản thân lên trên cuộc chiến, tập trung vào những mục tiêu dài hạn của mình, hình dung ra một chiến dịch tổng thể, để thoát khỏi kiểu phản ứng mà bạn đã quen thuộc trong rất nhiều cuộc chiến trong đời. Giữ các mục tiêu tổng thể của bạn trong tâm trí, bạn sẽ dễ dàng quyết định được khi nào chiến đấu và khi nào rút lui. Điều đó làm cho những quyết định có tính chiến thuật hàng ngày trở lên đơn giản và hợp lý hơn. Các chiến thuật gia luôn luôn nặng nề và dính chặt vào mặt đất; các chiến lược gia thì khinh khoái và có thể nhìn xa trông rộng.
Tinh thần hóa cuộc chiến của bạn. Mỗi ngày bạn phải đối diện với những cuộc chiến – đó là thực tế đối với mọi sinh vật trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Nhưng cuộc chiến lớn nhất là cuộc chiến với chính bản thân – với sự nhu nhược của bạn, những cảm xúc của bạn, sự thiếu kiên quyết của bạn – trong việc nhìn nhận mọi sự vật cho tới điểm tận cùng. Bạn phải tuyên chiến không ngừng với chính bạn. Với tư cách là một chiến binh trong cuộc sống, bạn chào đón chiến trận và xung đột như là những cách thức để tự chứng tỏ mình, để trau dồi những kỹ năng, để đạt được lòng can đảm, sự tự tin và kinh nghiệm. Thay vì kìm nén những nghi vấn và sợ hãi của mình , bạn phải đối diện với chúng, chiến đấu với chúng. Bạn muốn có nhiều thách thức hơn, và bạn chào mời nhiều chiến tranh hơn. Bạn đang rèn luyện tinh thần của một chiến binh, và chỉ có việc thực hành thường xuyên mới đưa bạn tới đích.
33 chiến lược của chiến tranh là tinh túy của trí tuệ vô tận hàm chứa trong các bài học và nguyên tắc của việc thực hiện chiến tranh. Quyển sách được thiết kế để định hướng bạn với tri thức thực hành, tạo ra cho bạn vô số lựa chọn và thuận lợi khi đối đầu với những chiến binh lẩn khuất đang tấn công bạn trong cuộc chiến hàng ngày. Mỗi chương sách là một chiến lược hướng tới việc giải quyết một vấn đề cụ thể mà bạn thường gặp phải. Những vấn đề như thế bao gồm việc chiến đấu với một đạo quân vô mục đích ở sau lưng bạn; cảm giác bị áp đảo bởi sự xung đột chiến lược, tình trạng không nhất quán giữa các kế hoạch và thực tiễn; việc vướng vào những tình huống mà bạn không thể thoát ra được. Bạn có thể đọc các chương ứng dụng cho một vấn đề cụ thể trong từng thời điểm. Tuy vậy, tốt hơn bạn nên đọc tất cả các chiến lược, thẩm thấu chúng, cho phép chúng trở thành một phần trong kho vũ khí tinh thần của bạn. Ngay cả khi bạn tránh né một cuộc chiến, không chiến đấu với ai, nhiều chiến lược trong sách này cũng đáng được biết tới vì những mục đích phòng vệ và vì chúng giúp bạn nhận thức được điều mà đối phương có thể tiến hành. Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng không được xem là học thuyết hay công thức lặp đi lặp lại mà là những trợ lực để xét đoán trong không khí nóng bỏng của cuộc chiến, là những hạt giống sẽ mọc rễ bên trong bạn và giúp bạn tư duy về bản thân, phát triển nhà chiến lược tiềm ẩn trong đó. Bản thân các chiến lược được chọn lọc từ những tác phẩm và những thực tiễn của các tướng lĩnh vĩ đại nhất trong lịch sử (Alexander Đại đế , Hannibal, Thành Cát Tư Hãn , Napoleon Bonaparte, Shaka người Zulu, William Techumseh Sherman, Erwin Rommel, Võ Nguyên Giáp) cũng như những chiến lược gia vĩ đại nhất (Tôn Tử, Miyamoto Musashi, Carl von Clausewitz, Ardant du Picq, T.E Lawrence, đại tá John Boyd). Chúng trải từ các chiến lược cơ bản của chiến tranh cổ điển cho tới những chiến lược bẩn thỉu phi truyền thống của thời hiện đại. Quyển sách này phân thành năm phần: chiến tranh hướng nội (cách thức chuẩn bị tâm trí và tinh thần của bạn cho cuộc chiến); chiến tranh có tổ chức (cách thức cơ cấu và điều động quân đội của bạn); chiến tranh phòng ngự; chiến tranh tấn công; và chiến tranh phi truyền thống (bẩn thỉu). Mỗi chương được minh họa bằng ví dụ lịch sử, không chỉ từ bản thân sự thực hiện chiến tranh mà còn từ lĩnh vực chính trị (Margaret Thatcher), văn hóa (Alfred Hitchcock), thể thao (Muhammad Ali), kinh doanh (John D.Rockefeller), chỉ ra sự nối kết giữa quân sự và xã hội. Những chiến lược này có thể được áp dụng để đấu tranh ở mọi cấp độ: chiến tranh có tổ chức, các tranh chấp kinh doanh, quan hệ giữa các chính trị gia của một nhóm, và thậm chí cả những mối quan hệ cá nhân.
Tóm lại, chiến lược là một nghệ thuật đòi hỏi không chỉ một cách tư duy khác biệt mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với bản thân cuộc sống. Rất thông thường, có một cách biệt lớn giữa một bên là các ý tưởng và tri thức với bên kia là kinh nghiệm thực tiễn. Chúng ta hấp thu những thứ linh tinh và những thông tin choáng chỗ trong trí óc nhưng chẳng mang lại gì cho chúng ta cả. Chúng ta đọc những quyển sách làm cho đầu óc thư giãn nhưng ít khi thích ứng với cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có những ý tưởng cao thượng mà không biến chúng thành hành động. Chúng ta cũng có nhiều kinh nghiệm phong phú mà không hề phân tích chúng một cách trọn vẹn, để gợi cho chúng ta nảy ra những ý tưởng, và rồi chúng ta bỏ qua những bài học của chúng. Chiến lược đòi hỏi một mối quan hệ thường xuyên giữa hai lĩnh vực. Nó là tri thức thực hành ở hình thái cao nhất. Những sự kiện trong đời sống không có ý nghĩa gì cả nếu bạn không suy ngẫm một cách sâu xa về chúng, và các ý tưởng từ những cuốn sách cũng là vô nghĩa nếu chúng không có những ứng dụng vào hiện thực cuộc sống. Trong chiến lược, toàn bộ cuộc đời là một trận thi đấu mà bạn tham gia. Trận thi đấu này lý thú nhưng cũng đòi hỏi sự chú tâm sâu sắc và nghiêm túc. Những món tiền đặt cược quá cao. Những gì bạn biết phải chuyển hóa thành hành động, và hành động phải chuyển hóa thành chi thức. Theo cách này, chiến lược trở thành một thách thức trọn đời người và là nguồn cội của niềm vui bất biến trong việc khắc phục những khó khăn và giải quyết những vấn đề nan giải.
Trong thế giới này, nơi trò chơi được tiến hành với con súc sắc đã gieo, con người phải có một tính cách sắt thép, với lớp áo giáp chống ngăn được cú đấm của định mệnh và những vũ khí để đương cự với kẻ khác.
Cuộc đời là một trận chiến lâu dài; chúng ta phải chiến đấu trên từng bước chân; và Voltaire đã cực kỳ chí lý khi nói rằng nếu chúng ta thành công, đó là ở mũi kiếm, và rằng chúng ta chết với vũ khí trong tay.
Authur Schopenhauer,