Cuốn sách “Án Mạng Trên Sân Golf” của tác giả Agatha Christie là một trong những tác phẩm nổi tiếng của bà, thuộc thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh điển. Tác phẩm này xoay quanh câu chuyện về một vụ án mạng bí ẩn xảy ra tại một sân golf danh tiếng, với nhiều bí ẩn và khó hiểu.
Cuốn sách bắt đầu với sự kiện chính là cái chết của một người đàn ông trên sân golf. Đầu trang của cuốn sách mở ra với việc giới thiệu nhân vật chính, thám tử nổi tiếng Hercule Poirot, người được mời đến để giải quyết vụ án này. Poirot là một nhà điều tra tài ba, với khả năng suy luận sắc bén và tinh tế.
Khi bắt đầu điều tra, Poirot phát hiện ra rằng không chỉ có nạn nhân, mà còn có nhiều người khác có động cơ để giết người. Mỗi nhân vật trong cuốn sách đều có lý do riêng để muốn loại bỏ nạn nhân, và tất cả đều trở nên nghi ngờ. Sự phức tạp của mối quan hệ giữa các nhân vật và những bí mật được vén mở dần khiến cho việc giải quyết vụ án trở nên khó khăn.
Agatha Christie đã tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và gây cấn, với nhiều bất ngờ và sự đan xen giữa các nhân vật. Bằng cách viết lời thoại và mô tả chi tiết, tác giả đã tạo ra một không khí căng thẳng và hồi hộp cho người đọc. Mỗi chi tiết nhỏ trong cuốn sách đều có ý nghĩa và đóng góp vào việc phân tích và giải quyết vụ án.
Cuốn sách “Án Mạng Trên Sân Golf” không chỉ là một câu chuyện trinh thám thông thường, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, nơi Agatha Christie thể hiện sự tài năng và sáng tạo của mình. Bằng cách kết hợp giữa tình tiết hấp dẫn và những nhân vật sắc nét, tác giả đã tạo ra một tác phẩm vô cùng đáng giá và đáng đọc.
Trong cuốn sách này, Agatha Christie cũng đưa ra những suy luận và quan điểm về tâm lý con người, về sự đạo đức và công bằng. Bằng cách phân tích hành vi của các nhân vật, tác giả đã cho thấy rằng đằng sau mỗi vụ án mạng luôn tồn tại những động cơ và yếu tố tâm lý phức tạp.
Tóm lại, cuốn sách “Án Mạng Trên Sân Golf” của Agatha Christie là một tác phẩm xuất sắc, đáng đọc và đáng suy ngẫm. Với cốt truyện hấp dẫn, những nhân vật đa chiều và sự phức tạp của mỗi chi tiết, cuốn sách đã chinh phục hàng triệu độc giả trên khắp thế giới và trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới.
—
Review Phong:
Vị thám tử nhỏ bé người Bỉ Hercule Poirot nhận được một bức thư cầu cứu từ ông triệu phú Renauld đang sinh sống tại Pháp, ông ta đề cập đến việc mình đang giữ một bí mật và có người muốn mưu sát ông để bí mật đó mãi mãi được giữ im lặng. Nhưng khi Poirot cùng người bạn đồng hành là đại úy Hastings đến ngôi biệt thự nơi Renauld đang sinh sống thì hay tin ông ta đã bị đâm chết sáng hôm đó. Cảnh sát điều tra tìm thấy một bức thư tình đề tên người gửi là Bella trong túi áo khoác của Renauld, cùng một mẩu ngân phiếu có tên Duveen trong phòng làm việc của ông ta. Khi Poirot lên đường đi Paris để tìm những thông tin liên quan đến vụ án thì lúc về ông được Hastings cho hay lại có thêm một cái xác bị đâm tại khuôn viên trong biệt thự của ông Renauld. Khác với lần trước, nạn nhân thứ hai này là một người hoàn toàn xa lạ mà không ai nhận diện được người này là ai. Cuộc điều tra càng kịch tính hơn với màn đấu trí giữa Hercule Poirot – người quan tâm đến bản chất vụ án để tìm ra lời giải thích cuối cùng, và ông thám tử người Pháp Girauld – người quan tâm đến những bằng chứng hữu hình để tìm ra thủ phạm.
Cuốn này là một bằng chứng rõ ràng cho nhận định: “Tiểu thuyết cổ điển thường dài dòng, chậm rãi và khiến người đọc mệt mỏi, nhưng vượt qua được giai đoạn đó rồi thì phần còn lại sẽ rất hay”. Mạch truyện khá từ từ, nhưng tác giả vẫn rất công bằng khi gieo rắc những chi tiết tưởng chừng nhỏ khiến người đọc không chú ý đến nhưng lại liên quan mật thiết đến vụ án. Thông thường, phần phá án trong các truyện của Agatha diễn ra ở 20 – 30 trang cuối, nhưng cuốn này lại khá đặc biệt: Đến trang 230, bạn có thể thấy toàn bộ vụ án đã được giải quyết rất thuyết phục rồi, nhưng khoảng 40 trang cuối những diễn biến mới liên tục được đưa vào và khiến kết quả quay ngoắt 360 độ, chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên và thầm thán phục tài năng tạo twist của nữ hoàng truyện trinh thám. Khi bạn tưởng như mình đã nắm mọi thứ trong tay, thì Agatha tuyên bố: “Cưng nghĩ cưng bắt bài được motif truyện của chị? Còn khuya!”
Điều mình không thích nhất trong truyện là dàn nhân vật có phần mờ nhạt và chưa tạo được điểm nhấn riêng. Và mình không thể ưa nổi thủ phạm của vụ này: quyết đoán, nhanh nhẹn và hơn hết là quá ác. “Án mạng trên sông Nile” có kiểu thủ phạm với tính cách tương tự như cuốn này nhưng mình lại thích thủ phạm trong truyện đó hơn nhiều.
Đây là một cuốn không hề dễ đọc dành cho các bạn mới đọc truyện của Agatha, vì như mình đã nói, diễn biến phần lớn truyện tiến triển khá chậm, nhưng vẫn là một cuốn hay và đáng đọc, các fan của Agatha thì chắc chắn không thể bỏ qua. Nếu đây là cuốn đầu tiên của Agatha mà mình đọc thì mình thấy nó rất hay, nhưng do đã đọc được một số truyện của bà rồi nên tất nhiên không tránh khỏi có sự so sánh giữa các cuốn với nhau. Về độ hay mình nghĩ nó ngang ngửa với “Chuỗi án mạng ABC”, nhưng vì một số lý do mà mình lại có cảm tình với “Chuỗi án mạng ABC” hơn, vì lẽ đó mà mình chỉ có thể chấm “Án mạng trên sân golf” 3 sao trên obook thôi, nhưng nhìn chung vẫn cảm thấy hài lòng với khoảng thời gian 2 ngày đọc nó.
—
Agatha Christie sinh năm 1890 tại Torquay, Anh. Cha bà tên là Frederick Miller, nên tên khai sinh của bà là Agatha Miller. Hồi còn nhỏ, Agatha không được tới trường mà chỉ được gia đình thuê gia sư về dạy dỗ tại nhà.
Là một đứa trẻ nhút nhát, khó có thể diễn tả chính xác ý kiến của mình. Ban đầu, bà tìm đến âm nhạc như một cách giải tỏa tâm sự và sau này là viết sách. Năm 1914, bà kết hôn với Archie Christie, một phi công chiến đấu. Trong khi chồng bận rộn chiến đấu ngoài chiến trường, bà làm y tá trong bệnh viện. Chính trong thời kỳ này, ý tưởng viết tiểu thuyết trinh thám đã nảy sinh trong tâm trí bà. Chỉ một năm sau, bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Những bí ẩn vùng Styles”, nhưng phải tới 5 năm sau nó mới được xuất bản (1920).
Agatha Christie được mọi người tôn vinh là Nữ hoàng truyện trinh thám. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã sáng tác 66 tiểu thuyết, rất nhiều truyện ngắn, kịch và hàng loạt tiểu thuyết tình cảm lãng mạn với bút danh là Mary Westmacott. Vở kịch “Chiếc bẫy chuột” của bà có lẽ là vở kịch trinh thám hay nhất thế giới. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim, nổi bật là bộ phim “Murder on the Orient Express” (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông) đã đoạt giải thưởng Hàn lâm năm 1974. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 100 thứ tiếng.
Trong suốt cuộc đời mình, nữ nhà văn Agatha Christie luôn căm ghét bạo lực và máu. Bà thường thú nhận rằng không biết gì về những công cụ giết người thông thường. Thậm chí bà cũng chưa từng một lần tiếp xúc với một kẻ giết người.
—
Có một giai thoại kể rằng, một nhà văn trẻ quyết tâm làm cho câu chuyện của mình thật độc đáo nhằm thu hút sự chú ý của ngay cả những biên tập viên hờ hững nhất, đã mở đầu bằng câu: “Kệ thây! nữ công tước thốt lên.”
Thật lạ đời, câu chuyện của tôi cũng bắt đầu gần đúng như thế. Chỉ có điều cô nàng thốt lên cái câu ấy chẳng phải nữ công tước.
Đó là một ngày đầu tháng Sáu. Tôi vừa giải quyết xong vài việc ở Paris và bắt chuyến tàu sớm trở về London, nơi tôi vẫn đang sống cùng người bạn lâu năm là cựu thám tử người Bỉ – Hercule Poirot.
Hôm ấy chuyến tàu tốc hành Calais trống vắng khác thường, cả khoang tàu này chỉ có tôi và một người nữa. Do rời khách sạn tương đối vội vã nên lúc tàu khởi hành, tôi còn bận kiểm tra mớ đồ đạc xem có quên gì không. Cho tới lúc đó, tôi gần như không để ý tới người đồng hành, nhưng bây giờ thì tôi buộc phải nhận ra sự có mặt của cô ta. Bởi vì cô ta vừa nhảy dựng lên khỏi ghế, hạ cửa sổ xuống, thò đầu ra ngoài rồi lập tức lại thụt vào và kêu lên: “Kệ thây!”
Là tuýp người cổ điển nên với tôi, phụ nữ là phải thùy mị. Tôi chẳng ưa nổi những cô gái hiện đại loạn thần kinh cứ nhảy nhót suốt từ sáng đến tối, hút thuốc như ống bễ, còn nói năng thì đến cả mấy bà hàng cá ở Billingsgate cũng phải đỏ mặt.
Tôi khẽ cau mày ngước lên. Trước mắt tôi là gương mặt vừa xinh xắn vừa xấc xược của một cô gái đội chiếc mũ đỏ ngang tàng, với những lọn tóc đen dày che khuất hai tai. Tôi đoán chừng cô ta chỉ mới hơn mười bảy tuổi, nhưng mặt thì đầy phấn còn môi thì đỏ chót.
Cô gái đón nhận cái nhìn của tôi chẳng chút thẹn thùng, lại còn nhăn mặt tình tứ.
“Cưng ơi, tụi mình làm quý ngài đây choáng rồi!” cô ta vờ như đang nói với một người khác. “Tôi xin lỗi vì cách ăn nói của mình. Chẳng đoan trang gì cả, nhưng… thật tình… tôi có lý do mà. Ngài có biết rằng tôi vừa lạc mất người em gái duy nhất của mình không?”
“Vậy sao?” tôi nhã nhặn đáp. “Bất hạnh thật.”
“Ông ấy mỉa mai cơ đấy!” cô nàng nhấm nhẳng. “Ông ấy mỉa mai, cả tôi lẫn em tôi. Mà thế thì thật bất công bởi vì ông ấy thậm chí còn chưa gặp con bé!”
Tôi toan cất tiếng nhưng cô gái chặn ngay: “Đừng nói nữa! Chẳng ai thương tôi cả! Tôi sẽ ra vườn mà mổ sâu thôi! Hu hu. Đời tôi thế là tiêu rồi!”
Nói đoạn cô ta núp luôn sau tờ báo biếm họa tiếng Pháp khổ lớn. Mấy phút sau, tôi thấy ánh mắt len lén nhìn mình qua tờ báo, khiến tôi chẳng thể nhịn cười. Và thế là cô gái lập tức đặt tờ báo xuống, bật cười giòn tan.
“Tôi biết ngài không ngốc như vẻ bề ngoài mà!”
Tiếng cười của cô nàng dễ lây tới nỗi tôi liền bị cuốn theo, dù chẳng bận tâm lắm tới từ ngốc.
“Đấy! Giờ chúng ta là bạn rồi nhé!” cô gái ranh mãnh tuyên bố. “Hãy nói là ông rất tiếc vì chuyện em gái tôi đi…”
“Tôi quả rất buồn lòng!”
“Thế mới ngoan chứ!”
“Để tôi nói nốt đã. Tôi đang định thêm rằng, dù rất buồn lòng, tôi sẵn sàng chịu đựng sự vắng mặt của cô đấy.” Tôi khẽ cúi đầu.
Nhưng cái cô nàng kỳ quặc nhất trên đời ấy nổi giận và lắc đầu lia lịa.
“Thôi ngay đi. Tôi thích cái trò ‘chê bai cao quý’ hơn đấy. Ôi trời, trông mặt ông kìa! Tỏ đúng cái thái độ ‘Không thuộc tầng lớp chúng ta’. Và chuyện đó thì ông đúng đấy – nhưng, xin nhắc ông rằng, ngày nay thì cũng khó mà nói được lắm. Không phải ai cũng phân biệt được một cô ả với một nữ bá tước đâu. Đấy, chắc tôi lại làm ông choáng nữa! Chắc người ta vừa mới khai quật được ông ở một chốn xa xôi hẻo lánh nào đấy, chắc chắn thế. Tôi thì chẳng để ý chuyện đó. Loại các ông có nhiều thêm một tí thì chúng tôi vẫn chịu được. Tôi chỉ không ưa nổi mấy gã thô bỉ bẩn thỉu thôi. Cái tính đó khiến tôi phát điên.”
Cô lắc đầu quầy quậy.
“Lúc phát điên thì cô sẽ thế nào?” tôi mỉm cười hỏi.
“Một con quỷ nhỏ điển hình! Không quan tâm mình nói gì, hay làm gì! Có lần suýt nữa tôi đã xử luôn một gã. Vâng, thật đấy. Gã cũng đáng bị thế lắm.”
Mời các bạn đón đọc Án Mạng Trên Sân Golf của tác giả Agatha Christie.