Cuốn sách “Bóng Ma Trên Mạng” không chỉ là một hành trình kể về quá khứ oai hùng của tác giả, mà còn là một tác phẩm về cuộc đời đầy biến động của một hacker nổi tiếng nhất thế giới. Từ những ngày đầu tiên trong thế giới hacking, khi mà Kevin Mitnick khám phá sự sáng tạo và sự mạo hiểm của mình, đến những thời điểm căng thẳng và hồi hộp khi ông phải chạy trốn khỏi FBI, cuốn sách đưa độc giả qua một hành trình đầy kịch tính và khó quên.
Cao trào của cuốn sách đến khi Mitnick bắt đầu cuộc phiêu lưu chạy trốn khỏi sự truy nã của FBI, một chặng đường kéo dài ba năm đầy nguy hiểm và hấp dẫn. Mitnick phải sử dụng mọi mưu mẹo, tạo ra những danh tính giả và thậm chí thay đổi vị trí làm việc của mình để trốn tránh sự truy đuổi. Mặc dù đối mặt với những khó khăn và đau khổ, Mitnick không bao giờ từ bỏ niềm đam mê hacking của mình, cho đến khi cuối cùng ông bị bắt và phải đối mặt với hậu quả của những hành vi của mình.
Cuốn sách không chỉ là một cuộc hành trình qua thời gian và không gian, mà còn là một bức tranh chân thực về cuộc sống của một tội phạm mạng, với tất cả những niềm vui, nỗi buồn, và những quyết định khó khăn mà ông phải đối mặt. Việc viết với phong cách hài hước, dí dỏm nhưng cũng không kém phần lôi cuốn của tác giả đã khiến “Bóng Ma Trên Mạng” trở thành một cuốn sách không thể bỏ qua, một câu chuyện đầy sức hút về cuộc đời của một trong những hacker nổi tiếng nhất thế giới.
Mời các bạn đón đọc Bóng Ma Trên Mạng của tác giả Kevin Mitnick
====
LỜI NÓI ĐẦU
“Cuộc đột nhập thực tế”: lẻn vào tòa nhà của công ty mục tiêu. Tôi không bao giờ thích làm việc này. Quá nguy hiểm. Chỉ viết về nó thôi cũng khiến tôi vã mồ hôi rồi.
Nhưng tôi đã ở đó, núp trong bãi đỗ xe tối đen của một công ty trị giá hàng tỷ đô-la trong buổi tối mùa xuân ấm áp để tìm cơ hội. Một tuần trước, tôi đã ghé thăm tòa nhà này vào ban ngày, lấy cớ chuyển một bức thư cho nhân viên tại đây. Lý do thực sự là để tôi có thể nhìn kỹ thẻ ID của họ. Công ty này đặt ảnh nhân viên ở góc trái phía trên, tên ngay bên dưới, họ ở trước, in hoa. Tên công ty ở phía dưới thẻ, màu đỏ, cũng in hoa.
Tôi từng đến Kinko’s và xem qua trang web của công ty, do đó, tôi có thể tải về và sao chép hình ảnh logo công ty. Có ảnh này và bản scan ảnh của chính mình, tôi chỉ mất chừng 20 phút dùng Photoshop để thiết kế và in ra một tấm thẻ nhân viên công ty khá chuẩn, rồi nhét nó vào một dây đeo thẻ rẻ tiền mua ở một cửa tiệm bách hóa. Tôi chế thêm một thẻ ID giả nữa cho bạn mình, người đã đồng ý đi cùng trong trường hợp tôi cần giúp đỡ.
Bất ngờ thay, những tấm thẻ này thậm chí còn không cần phải trông giống hàng thật. 99% là người ta sẽ chỉ liếc mắt nhìn nó lấy lệ. Miễn sao những chi tiết chính yếu ở đúng vị trí và trông có vẻ giống thẻ thật, bạn sẽ dễ dàng vượt qua cửa kiểm soát… đương nhiên là trừ khi có một gã bảo vệ quá hăng hái hoặc một nhân viên nào đó khoái trò kiểm tra an ninh khăng khăng muốn nhìn thật kỹ. Đây là mối nguy hiểm bạn buộc phải chấp nhận nếu sống một cuộc đời như tôi.
Trong bãi đỗ xe, tôi nấp vào chỗ kín đáo, theo dõi từng đốm sáng lóe lên từ những điếu thuốc của dòng người bước ra ngoài nghỉ giải lao. Cuối cùng, tôi phát hiện ra một nhóm nhỏ chừng 5-6 người chuẩn bị quay trở lại tòa nhà. Cửa hậu là một trong những cánh cửa chỉ mở khóa khi nhân viên đặt thẻ ra vào của mình lên máy đọc thẻ. Khi cả tốp xếp thành hàng đi qua cửa, tôi nhảy ngay vào cuối hàng. Gã ở phía trước với tay lên cửa và để ý thấy còn ai đó đứng ngay sau, đưa mắt để đảm bảo tôi có đeo thẻ nhân viên của công ty, rồi giữ cửa giúp. Tôi gật nhẹ cảm ơn.
Kỹ thật này gọi là “tailgating” – theo đuôi.
Vào tới trong, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là tấm áp phích chình ình trước mắt. Nó là một tấm áp phích an ninh, cảnh báo bạn không được giữ cửa cho người khác và yêu cầu mỗi người đều phải qua cửa bằng cách đặt thẻ của mình vào máy đọc thẻ. Có điều, thói lịch thiệp xã giao, phép lịch sự đối với “đồng nghiệp” đồng nghĩa với việc lời cảnh báo trên tấm áp phích an ninh này thường xuyên bị tảng lờ.
Khi đã yên vị ở trong tòa nhà, tôi bắt đầu bước qua từng dãy hành lang đầy những người đang rảo bước trên đường thực hiện nhiệm vụ quan trọng nào đó. Trên thực tế, tôi đang trong hành trình khám phá, cố tìm cho ra Phòng Công nghệ Thông tin (IT). Sau khoảng 10 phút, tôi tìm thấy nó ở khu phía tây của tòa nhà. Tôi đã chuẩn bị kỹ càng trước đó và biết tên của một trong những kỹ sư mạng ở đây; tôi đoán là anh ta có toàn quyền quản trị hệ thống máy tính của cả công ty.
Chết tiệt! Nơi anh ta ngồi không phải là một ô làm việc dễ dàng thâm nhập, mà là một văn phòng riêng … đằng sau cánh cửa đã bị khóa kín. Nhưng tôi đã có cách. Trần nhà được làm từ những tấm vật liệu vuông, trắng, cách âm vẫn thường được dùng để tạo ra lớp trần thấp có khoảng trống ở giữa có thể bò qua, nơi chứa các đường ống, đường dây điện, thông khí…
Tôi gọi điện cho chiến hữu để yêu cầu trợ giúp và quay trở lại cửa hậu để mở cửa cho anh vào. Với dáng người cao lêu nghêu và gầy, hy vọng anh ấy có thể làm được việc mà tôi không thể. Quay trở lại phòng IT, anh ấy trèo lên một chiếc bàn. Tôi ôm chặt hai chân anh, đẩy anh lên cao đủ để có thể nâng một tấm trần vuông lên và trượt nó sang một bên. Trong lúc tôi căng sức để nâng cao hơn nữa, thì anh ấy cũng cũng xoay xở để có thể túm chặt lấy một đường ống và đu lên. Vài phút sau, tôi nghe thấy tiếng anh nhảy vào văn phòng khóa kín. Nắm cửa xoay mở và anh đứng đó, người đầy bụi, miệng cười nhăn nhở.
Tôi bước vào phòng và nhẹ nhàng đóng cửa. Chúng tôi đã an toàn, ít có khả năng bị phát hiện. Căn phòng tối đen. Bật đèn có thể gây nguy hiểm mà cũng không cần thiết – ánh sáng phát ra từ chiếc máy tính của gã kỹ sư đủ để tôi nhìn thấy mọi thứ mình cần, giảm thiểu được khối rủi ro. Tôi nhìn lướt trên bàn, kiểm tra ngăn kéo trên cùng và dưới bàn phím xem liệu gã có ghi lại mật khẩu máy tính ở đâu đó không. Tiếc là không. Nhưng đó không phải là vấn đề.
Từ túi đeo hông, tôi rút ra một chiếc đĩa CD với phiên bản có thể khởi động máy tính của hệ điều hành Linux, chứa bộ công cụ dành cho hacker và thả vào ổ CD của gã, sau đó khởi động lại máy. Một trong những công cụ này cho phép tôi thay đổi mật khẩu quản trị trên máy tính; sau khi đổi xong, tôi có thể đăng nhập bình thường. Tôi bỏ chiếc đĩa CD ra khỏi ổ và khởi động lại máy tính một lần nữa, lần này là để đăng nhập vào tài khoản quản trị.
Thao tác nhanh nhất có thể, tôi cài đặt một phần mềm gián điệp cho phép truy cập từ xa (remote access Trojan), phần mềm mã độc giúp tôi có toàn quyền đăng nhập vào hệ thống, nhờ vậy tôi có thể ghi lại thao tác bàn phím, lấy được chuỗi mã băm1 mật khẩu và thậm chí, điều khiển webcam chụp hình người đang sử dụng máy tính. Loại Trojan mà tôi cài đặt sẽ khởi động kết nối mạng Internet tới một hệ thống khác dưới quyền kiểm soát của tôi sau mỗi vài phút, cho phép tôi toàn quyền kiểm soát máy tính của nạn nhân.
1 Mã băm (hash): Chuỗi ký tự có độ dài cố định do các thuật toán mã hóa thông tin tạo ra, được dùng phổ biến trong việc kiểm tra chữ ký điện tử, tập tin… (BTV)
Gần xong việc, ở bước cuối cùng, tôi vào phần lưu thông tin cấu hình hoạt động của máy tính và đặt mục “tài khoản đăng nhập lần cuối” (last logged-in user) sang tài khoản của gã kia, như vậy tôi sẽ không để lại bất kỳ dấu vết nào cho lần đăng nhập này bằng tài khoản quản trị. Sáng hôm sau, gã kỹ sư có thể phát hiện ra mình đã thoát khỏi máy. Không thành vấn đề: miễn sao khi đăng nhập, mọi thứ trông vẫn hệt như cũ là được.
Tôi đã sẵn sàng rời đi. Lúc này, chiến hữu của tôi đã đặt tấm lát trần vào chỗ cũ. Trên đường ra, tôi khóa phòng lại như cũ.
Sáng hôm sau, gã kỹ sư bật máy vào khoảng 8 giờ 30 phút, và phần mềm gián điệp đã khởi động kết nối tới máy tính xách tay của tôi. Bởi Trojan đang chạy trên tài khoản của gã còn tôi nắm toàn quyền quản trị miền, nên chỉ mất vài giây để xác định được bộ điều khiển miền2 chứa toàn bộ mật khẩu tài khoản của cả công ty. Một công cụ hacker có tên “fgdump” cho phép tôi trích xuất các chuỗi mã băm mật khẩu của tất cả người dùng.
2 Bộ điều khiển miền (domain controller): Máy chủ có chức năng phản hồi các yêu cầu xác nhận an ninh (như đăng nhập, kiểm tra quyền, v.v…). (BTV)
Chỉ sau vài giờ, tôi đã quét toàn bộ chuỗi mã băm này qua một “bảng danh sách cầu vồng” (rainbow table) – một cơ sở dữ liệu khổng lồ chứa các chuỗi mã băm mật khẩu có sẵn – nhằm khôi phục mật khẩu của hầu hết nhân viên trong công ty. Tôi còn tìm được một trong những máy chủ back-end3 xử lý các giao dịch khách hàng, nhưng mã số thẻ tín dụng đều bị mã hóa. Không thành vấn đề: Tôi phát hiện ra chìa khóa để mã hóa số thẻ được giấu trong một đoạn mã chương trình lưu bên trong cơ sở dữ liệu của máy tính được gọi là “máy chủ SQL”, có khả năng tiếp cận bất kỳ quản trị cơ sở dữ liệu nào.
3 Back-end: Thuật ngữ chỉ giai đoạn kết thúc của một quá trình xử lý, khái niệm này thường được sử dụng trong lĩnh vực phát triển phần mềm, ám chỉ việc tương tác với hệ quản trị dữ liệu. (BTV)
Hàng triệu triệu số thẻ tín dụng. Tôi có thể mua sắm cả ngày bằng cách mỗi lần sử dụng một thẻ khác nhau mà không bao giờ cạn thẻ.
Nhưng tôi không làm vậy. Câu chuyện thực này không phải tái hiện cảnh hacking đã đẩy tôi vào bước đường cùng. Ngược lại, đó là công việc tôi được thuê làm.
Đây là thứ chúng tôi gọi là “pen test” (đánh giá bảo mật), viết tắt của cụm từ “penentration test” (phép thử đột nhập) và nó chiếm phần lớn những gì đang diễn ra trong cuộc sống của tôi. Tôi đã tấn công vào những công ty lớn nhất trên hành tinh và đột nhập vào những hệ thống máy tính tốt nhất từng có – chính các công ty đã thuê tôi để giúp họ hàn gắn các kẽ hở và phát triển hệ thống an ninh, nhờ đó họ không trở thành nạn nhân kế tiếp của trò hack. Phần lớn kiến thức tôi có được là nhờ tự học với nhiều năm nghiên cứu phương pháp, chiến thuật, chiến lược để phá vỡ an ninh máy tính, và để học hỏi thêm nhiều điều về cơ chế hoạt động của các hệ thống máy tính cùng hệ thống viễn thông.
Đam mê của tôi dành cho công nghệ và sự mê hoặc của nó đã đẩy tôi vào một hành trình gập ghềnh. Hành vi hack liều lĩnh đã khiến tôi phải trả giá bằng 5 năm bóc lịch trong tù và khiến những người tôi yêu thương tổn thương.
Đây là câu chuyện của tôi, từng chi tiết đều chính xác theo những gì tôi nhớ, các ghi chép cá nhân, biên bản phiên tòa công khai, các tài liệu có được thông qua Luật Tự do Thông tin, bản ghi âm các cuộc nghe lén FBI, nhiều giờ phỏng vấn và cả các cuộc thảo luận cùng hai kẻ chỉ điểm của chính phủ.
Đây là câu chuyện kể về hành trình trở thành hacker máy tính bị truy nã gắt gao nhất thế giới của tôi.
—
Phần một: SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT HACKER
1
KHỞI ĐẦU CHÔNG GAI
Yjcv ku vjg pcog qh vjg uauvgo wugf da jco qrgtcvqtu vq ocmg htgg rjqpg ecnnu?
Bản năng tìm cách tránh né rào cản và chốt chặn của tôi bắt đầu từ rất sớm. Hồi một tuổi rưỡi, tôi đã tìm ra cách để trèo khỏi cũi, bò tới thanh chắn an toàn ở cửa và tìm được cách mở nó. Đối với mẹ tôi, đây là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên cho những gì sau này.
Tôi là con một trong nhà. Sau khi cha bỏ đi lúc tôi lên ba, mẹ tôi, tên là Shelly, và tôi đã sống trong những căn hộ đẹp với mức giá trung bình thuộc các khu dân cư an toàn ở Thung lũng San Fernando, chỉ cách thành phố Los Angeles một ngọn đồi. Chúng tôi sống nhờ công việc chạy bàn của mẹ tại một trong những nhà hàng nằm trên Đại lộ Ventura, chạy theo hướng đông-tây suốt chiều dài thung lũng. Cha tôi sống ở một bang khác và dù có quan tâm đến tôi, nhưng nhìn chung, ông chỉ tới thăm tôi vài lần cho tới khi ông chuyển đến Los Angeles năm tôi 13 tuổi.
Mẹ con tôi chuyển nhà nhiều đến mức tôi không có cơ hội kết bạn như những đứa trẻ khác. Tôi dành thời thơ ấu cho các thú vui đơn độc, phần lớn là những hoạt động không phải di chuyển. Khi tôi còn đi học, các thầy cô thường nói với mẹ rằng tôi thuộc nhóm 1% đứng đầu về toán và đánh vần, vượt xa so với các bạn cùng tuổi. Nhưng do bản tính hiếu động, nên thật khó để tôi có thể ngồi yên một chỗ.
Trong suốt quá trình trưởng thành của tôi, mẹ đã lấy thêm ba người chồng và có vài người bạn trai. Một kẻ hành hung tôi, một gã khác – tay này làm trong lực lượng chấp pháp – đã quấy rối tôi. Không giống như các bà mẹ mà tôi từng biết, mẹ chưa bao giờ làm ngơ. Ngay khi bà phát hiện ra tôi bị đối xử tệ hại – hoặc thậm chí chỉ là bị nặng lời – gã đàn ông đó sẽ phải ra khỏi nhà ngay lập tức. Tôi không định kiếm cớ bao biện, nhưng tôi thường tự hỏi không biết những gã đàn ông ưa bạo lực kia có góp phần làm nên tư tưởng chống đối lực lượng chức năng của tôi hay không.
Mùa hè là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, đặc biệt là khi mẹ làm theo ca và được nghỉ vào giữa ngày. Tôi sung sướng được mẹ cho đi bơi ở bãi biển Santa Monica tuyệt vời. Mẹ nằm trên cát, tắm nắng và thư giãn, nhìn tôi chơi đùa cùng những con sóng, bị sóng đánh ngã rồi lại nhổm lên cười. Ngoài ra, tôi còn tập luyện mấy kiểu bơi được học ở trại hè YMCA mà tôi đã tham gia được vài kỳ (tôi luôn ghét chúng trừ những lúc được dẫn ra biển).
Khi còn bé, tôi khá giỏi thể thao và cảm thấy thích thú khi được chơi tại Giải Bóng chày Thiếu niên (Little League). Tôi nghiêm túc với việc này tới mức dành hết thời gian rảnh rỗi để tập đánh bóng. Nhưng niềm đam mê dẫn tới hành trình trọn đời của tôi bắt đầu từ năm tôi lên 10. Người hàng xóm sống trong căn hộ đối diện có cô con gái trạc tuổi mà tôi rất có cảm tình. Ở tuổi đó, điều tôi thấy hứng thú hơn cả lại là thứ mà cha cô bé mang tới: ảo thuật.
Ông là một nhà ảo thuật có tài với những màn ảo thuật bằng lá bài, đồng xu và những hiệu ứng hoành tráng đầy mê hoặc. Nhưng quan trọng hơn, tôi nhìn thấy niềm hân hoan trên gương mặt các khán giả của ông khi bị qua mặt, dù đó là một người, ba người, hay cả căn phòng. Dù chưa từng thực sự suy ngẫm về điều này, nhưng việc phát hiện ra rằng con người thích bị lừa đã ảnh hưởng rất lớn đến đường đời của tôi.
Cửa hàng bán đồ ảo thuật chỉ cách nhà một cuốc xe đạp ngắn trở thành chốn bí mật yêu thích của tôi trong thời gian rảnh rỗi. Ảo thuật là cánh cửa đầu tiên đưa tôi đến với nghệ thuật qua mặt con người.
Đôi khi thay vì đạp xe, tôi sẽ nhảy lên xe buýt. Vào một ngày nọ, vài năm sau, Bob Arkow, một tài xế xe buýt, người để ý thấy tôi mặc chiếc áo phông có ghi “CBers Do It on the Air” (tạm dịch: Dân chơi mạng làm việc như trên mây), đã nói rằng anh ta vừa kiếm được một thiết bị cầm tay Motorola vốn là chiếc bộ đàm của cảnh sát. Tôi nghĩ có thể gã đã bắt được tần số của cảnh sát, nếu thế thì thật tuyệt. Hóa ra, gã bịp tôi chuyện đó, nhưng Bob là một gã cuồng chơi vô tuyến điện nghiệp dư4 (ham radio), và sự nhiệt tình của gã với thú vui đó đã khơi lên mối quan tâm trong tôi. Gã cho tôi thấy cách thực hiện một cuộc gọi miễn phí thông qua sóng vô tuyến điện, nhờ một tính năng có tên là miếng vá tự động5 trên một số vô tuyến điện nghiệp dư. Gọi điện thoại miễn phí! Điều này khiến tôi ấn tượng không tài nào kể xiết. Tôi nghiện trò này luôn.
4 Vô tuyến điện nghiệp dư (ham radio hay còn gọi là amatuer radio): Thiết bị sử dụng các dải tần số vô tuyến cho mục đích phi thương mại như giải trí, trao đổi tin nhắn… (ND)
5 Miếng vá tự động (auto patch): Một tính năng của ham radio, được dùng để thực hiện cuộc gọi đi trên điện thoại. Người dùng có bộ thu phát có thể tạo ra tín hiệu điện thoại quay ở trạng thái âm kép đa tần để thực hiện các cuộc gọi bị giới hạn trong mô-đun của miếng vá tự động đến các số điện thoại cố định, như cuộc gọi nội hạt hoặc các số điện thoại không mất phí. (BTV)
Sau vài tuần tham dự lớp học buổi tối, tôi đã nắm được mạch liên lạc vô tuyến và các quy định về ham radio để qua bài thi viết, và cũng đã đủ thành thạo về mã Morse để lấy được chứng chỉ. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được một phong bì từ Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đựng giấy phép ham radio của tôi, mà không nhiều đứa trẻ mười mấy tuổi có được. Tôi tự hào ghê gớm.
Lừa gạt mọi người bằng ảo thuật cũng thú vị. Nhưng học cách vận hành hệ thống điện thoại mới mê hoặc. Tôi muốn biết mọi thứ liên quan tới công ty điện thoại. Tôi muốn thông thạo cách thức vận hành bên trong đó. Tôi luôn đạt điểm cao hồi cấp 1 và cấp 2, nhưng đến năm lớp 8 hay lớp 9, tôi bắt đầu trốn học và lảng vảng ở Henry Radio, một cửa hàng ham radio phía Tây Los Angeles, để đọc sách về lý thuyết vô tuyến điện hàng giờ liền. Đối với tôi, điều đó tuyệt như một chuyến đi đến Disneyland vậy. Ham radio cũng đem đến một số cơ hội để tôi có thể giúp đỡ cộng đồng. Có dạo tôi hoạt động tình nguyện vào các dịp cuối tuần nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ thông tin liên lạc cho hội Chữ thập Đỏ địa phương. Có mùa hè tôi cũng làm việc tương tự cả tuần cho kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Đối với tôi, những chuyến xe buýt hệt như một kỳ nghỉ – tận hưởng khung cảnh thành phố, ngay cả ở những nơi quen thuộc. Thời tiết ở Nam California luôn hoàn hảo, trừ những lúc có sương mù. Vé xe tốn 25 xu, thêm 10 xu để đổi chuyến. Vào kỳ nghỉ hè khi mẹ đi làm, có khi tôi ngồi xe buýt cả ngày. Đến năm 12 tuổi, đầu óc tôi đã nảy ra những ý tưởng khác người. Một ngày tôi phát hiện ra, nếu có thể tự bấm vé chuyển chuyến, mình sẽ chẳng tốn xu nào.
Cha và chú bác tôi đều là những người bán hàng khéo miệng. Tôi đoán mình thừa hưởng gen đó nên ngay từ nhỏ, tôi đã có tài thuyết phục mọi người làm điều gì đó cho mình. Tôi lên xe buýt qua cửa trước và ngồi gần ghế lái. Khi tài xế dừng đèn đỏ, tôi nói: “Cháu đang thực hiện một bài tập ở trường và cần bấm lỗ tạo hình thù hay ho lên mấy miếng bìa các-tông. Cháu thấy cái máy bác dùng để bấm lỗ lượt chuyển chuyến tuyệt quá. Cháu có thể mua nó ở đâu ạ?”
Tôi không nghĩ người tài xế sẽ tin tôi vì điều này nghe thật ngu ngốc. Hẳn ông ấy không ngờ một thằng nhóc ở độ tuổi tôi lại đang cố lợi dụng mình. Ông ấy cho tôi biết tên cửa hiệu, và khi tôi gọi đến đó, họ nói chiếc máy bấm lỗ có giá 15 đô-la. Khi bạn 12 tuổi, bạn có thể nghĩ kế để xin mẹ 15 đô-la không? Tôi làm chuyện đó ngon ơ. Ngay ngày hôm sau, tôi đã có mặt ở cửa hàng để mua máy bấm lỗ. Nhưng đó mới chỉ là Bước 1. Làm thế nào để có được cả một xấp vé chuyển chuyến còn trống?
Hừm, người ta rửa xe buýt ở đâu nhỉ? Tôi đi bộ đến một trạm xe gần đó, thấy một thùng rác lớn ở trạm nơi các xe được dọn rửa, đu lên trên đó và nhìn ngó.
Trúng lớn rồi!
Tôi nhét đầy túi những tập vé chưa dùng hết – lần đầu tiên trong vô vàn lần “Lục-thùng-rác” sau này.
Tôi có trí nhớ khá tốt và đã cố gắng nhớ lịch xe buýt của gần như toàn bộ Thung lũng San Fernando. Tôi bắt đầu đi khắp nơi có hệ thống xe buýt – Quận Los Angeles, Quận Riverside, Quận San Bernandino. Tôi vui sướng nhìn ngắm tất cả các địa danh khác nhau đó và thu nhận thế giới xung quanh.
Trong quá trình rong ruổi, tôi kết bạn với Richard Williams, người cũng làm trò tương tự nhưng có chút khác biệt. Thứ nhất, Richard là con trai của một tài xế xe buýt, nên việc cậu ta được đi lại miễn phí bằng xe buýt là điều đương nhiên. Thứ hai (ít nhất lúc đầu là vậy) là cân nặng: Richard mập ú và thường dừng ở Jack in the Box6 để gọi một phần bánh Taco cỡ lớn 5-6 lần một ngày. Tôi học theo lối ăn uống của cậu ta gần như ngay lập tức và bắt đầu phát tướng phần bụng.
6 Jack in the Box: Thương hiệu đồ ăn nhanh ở Mỹ. (ND)
Chẳng bao lâu sau, một cô bé với mái tóc vàng tết đuôi sam đi cùng chuyến xe buýt đến trường bảo tôi: “Trông cậu cũng dễ thương đấy, nhưng hơi béo. Cậu phải giảm cân đi.”
Liệu tôi có tiếp nhận lời khuyên tuy khó nghe nhưng đúng đắn đó không? Không.
Liệu tôi có gặp rắc rối vì đã lục-thùng-rác để có vé chuyển chuyến và đi xe miễn phí không? Cũng không. Mẹ nghĩ tôi thật thông minh, còn cha nghĩ tôi thật sáng tạo, và những tài xế biết tôi tự bấm vé chuyển chuyến nghĩ đó là một trò vui lớn. Cứ như thể, tất cả những người biết tôi đều đang khuyến khích tôi làm vậy.
Trên thực tế, tôi không cần lời khen ngợi từ mọi người để những trò quỷ đẩy tôi vào rắc rối. Ai ngờ rằng một lần mua sắm nhỏ lại có thể dạy cho tôi một bài học sẽ làm thay đổi cuộc đời tôi sau này… theo một hướng không may?
—-
02
CHỈ LÀ GHÉ THĂM
Wbth lal voe htat oy voe wxbirtn vfzbqt wagye C poh aeovsn vojgav?
Rất nhiều gia đình Do Thái dù không mộ đạo vẫn muốn tổ chức lễ trưởng thành Bar mitzvah cho con trai họ và tôi nằm trong số đó. Buổi lễ bao gồm việc đứng trước đám đông và đọc một đoạn trong Kinh Torah – bằng tiếng Hebrew. Dĩ nhiên, tiếng Hebrew sử dụng một bảng chữ cái hoàn toàn khác biệt với các ký tự kiểu ב ,ךּ ,שּׁ, do đó, người đọc phải mất vài tháng mới có thể thành thạo một đoạn Kinh Torah.
Tôi đăng ký vào một trường Hebrew ở Sherman Oaks nhưng bị đuổi vì tội lười biếng. Mẹ tìm được một vị chỉ huy ban thánh ca để kèm riêng cho tôi, vì vậy tôi không thể né tránh bằng cách lén đọc sách công nghệ dưới gầm bàn nữa. Tôi xoay xở học vừa đủ để hoàn thành nhiệm vụ trong buổi lễ và đọc to đoạn Kinh Torah của mình trước cả giáo đường mà không vấp váp quá nhiều cũng như tự làm xấu mặt bản thân.
Sau buổi lễ, tôi bị cha mẹ mắng vì đã bắt chước giọng đọc và điệu bộ của rabbi7. Nhưng đó chỉ là vô thức. Sau này, tôi mới nhận ra đây là một kỹ thuật vô cùng hiệu quả vì con người thường bị cuốn hút bởi những người có nét giống họ. Vậy là ngay từ khi còn rất nhỏ, dù chưa nhận thức rõ nhưng tôi đã luyện tập cái được gọi là “tấn công bằng kỹ thuật xã hội”8 – một phương thức thao túng người khác, dù vô tình hay cố ý, nhằm tác động đến họ và khiến họ thực hiện những điều thông thường không làm, trong đó bao gồm cả việc thuyết phục mà không khiến họ mảy may nghi ngờ.
7 Rabbi: Thầy giảng đạo người Do Thái. (BTV)
8 Tấn công bằng kỹ thuật xã hội (social engineering): Phương pháp phi kỹ thuật được dùng để đột nhập vào hệ thống hoặc mạng công ty. Đó là quá trình đánh lừa người dùng của hệ thống, hoặc thuyết phục họ cung cấp thông tin có thể giúp các hacker đáng bại bộ phận an ninh. Có hai hình thức tấn công chính: Dựa vào kỹ thuật khai thác mối quan hệ giữa người với người (human-base) và dựa vào sự trợ giúp của máy tính (computer-base). (BTV)
Trong đống quà đặc trưng của họ hàng và những người tham dự buổi tiệc sau lễ trưởng thành ở nhà hàng Odyssey, tôi thu được một tấm trái phiếu chính phủ Mỹ với con số lớn đến kinh ngạc.
Tôi là một tên mọt sách. Một lần săn sách đã dẫn bước tôi tới tiệm Survival ở Bắc Hollywood. Đây là một tiệm sách nhỏ nằm trong một khu dân cư nhớp nhúa bẩn thỉu. Chủ tiệm, một người phụ nữ trung niên tóc vàng thân thiện, đã đề nghị tôi gọi cô bằng tên riêng thay vì họ. Bên trong cửa tiệm hệt như một chiếc rương kho báu. Thần tượng của tôi thời đó là Bruce Lee, Houdini, Jim Rockford – gã thám tử tư do James Garner thủ vai trong The Rockford Files (tạm dịch: Hồ sơ của Rockford), người có thể bẻ khóa, thao túng mọi người và khoác lên mình bất kỳ thân phận nào trong nháy mắt. Tôi muốn mình có thể làm tất cả mọi thứ chất như Rockford đã làm.
Tiệm sách Survival chứa đầy những cuốn sách mô tả cách để làm được mọi thứ giống như Rockford và cả nhiều thứ khác. Từ năm 13 tuổi, tôi đã dành rất nhiều dịp cuối tuần tại đây, nghiên cứu hết cuốn sách này đến cuốn sách khác suốt cả ngày – chẳng hạn như The Paper Trip (tạm dịch: Hành trình giấy) của Barry Reid với nội dung kể về cách tạo ra một thân phận mới bằng giấy khai sinh của ai đó đã qua đời.
Cuốn The Big Brother Game (tạm dịch: Trò chơi Anh Cả) của Scott French đã trở thành Thánh Kinh của tôi. Cuốn sách hướng dẫn cụ thể cách có được bằng lái xe, giấy sở hữu tài sản, lịch sử tín dụng, thông tin ngân hàng, số điện thoại không đăng ký và cả thông tin từ sở cảnh sát. (Rất lâu sau này, khi một người Pháp viết tiếp câu chuyện, anh ta đã gọi điện đề nghị tôi viết một chương về các phương pháp tấn công bằng kỹ thuật xã hội nhắm tới các công ty điện thoại. Tại thời điểm đó, tôi và đồng sự đang viết cuốn sách thứ hai, The Art of Intrusion (tạm dịch: Nghệ thuật xâm nhập), tôi quá bận nên không thể nhận dự án này dù khá thích thú vì sự trùng hợp này cũng như khá vui vì đã được mời.)
Tiệm sách chứa đầy những cuốn sách “ngầm” dạy bạn những điều lẽ ra không được biết – với một kẻ luôn mang trong mình khao khát có được thứ tri thức từ trái táo cấm, chúng chính là một kho vàng. Tôi đắm chìm trong những kiến thức này, để rồi cuối cùng chúng trở nên vô giá trong suốt thời gian trốn chạy gần hai thập niên sau đó.
Ngoài sách ra, còn có một món đồ hấp dẫn khác trong cửa tiệm: những dụng cụ bẻ khóa giảm giá. Tôi mua vài loại khác nhau. Bạn có nhớ câu chuyện hài cổ này: “Làm thế nào để đến được Carnegie Hall? Luyện tập, luyện tập, luyện tập”?9 Đó chính là những gì tôi đã làm để thành thạo nghệ thuật bẻ khóa. Đôi khi, tôi cũng xuống khu vực có dãy tủ chứa đồ của người thuê nhà trong tòa chung cư, cạy mở vài chiếc khóa bấm, đổi chỗ cho nhau rồi khóa lại. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đó là một trò đùa vui vẻ, giờ nghĩ lại, một số người hẳn đã phát điên và rơi vào một đống rắc rối cộng thêm việc phải mua một chiếc khóa mới sau khi xoay xở vứt bỏ chiếc khóa cũ. Tôi đoán là trò đùa chỉ vui khi bạn còn là một tên nhóc con.
9 Carnegie Hall là hội trường biểu diễn hòa nhạc nổi tiếng thế giới tại New York, Mỹ. Câu chuyện cười về Carnegie có nội dung về một người đi đường hỏi một nghệ sĩ đàn vừa bước ra khỏi taxi: “Làm thế nào để đến được Carnegie Hall?” Nghệ sĩ đàn đã trả lời không hề do dự: “Luyện tập”. (ND)
Năm 14 tuổi, một hôm tôi đi chơi cùng bác Mitchell, ngôi sao sáng của đời tôi thuở ấy. Chúng tôi ghé qua Cục Cấp phép Phương tiện Cơ giới (DMV) và thấy rất đông người ở đó. Tôi đứng ngoài đợi trong khi bác Mitchell bước thẳng vào quầy thu ngân – lướt thẳng qua mặt tất cả những người đang xếp hàng. Nhân viên sở, một người phụ nữ với vẻ mặt chán nản, ngước lên đầy ngạc nhiên. Bác Mitchell cũng chẳng buồn đợi cô ta xong việc đang làm với người đàn ông bên cửa sổ mà cất lời luôn. Bác chỉ nói vài lời, sau đó cô nhân viên kia gật đầu, ra hiệu cho người đàn ông nọ bước sang một bên, rồi xử lý việc gì đó mà bác Mitchell yêu cầu. Bác tôi có một loại tài năng đặc biệt trong cách đối xử với mọi người.
Có vẻ tôi cũng được thừa hưởng gen đó. Đây là lần đầu tiên tôi ý thức được về phương pháp tấn công bằng kỹ thuật xã hội.
Mọi người nói gì về tôi thời còn học cấp ba ở trường Monroe? Các thầy cô có lẽ sẽ nói rằng tôi chỉ luôn làm những điều kỳ quặc. Trong khi bạn bè làm việc trong các tiệm sửa chữa tivi thì tôi lại nối gót Steve Jobs và Steve Wozniak tạo ra một chiếc hộp xanh cho phép tôi thao túng hệ thống điện thoại, thậm chí là để gọi điện miễn phí. Tôi luôn mang bên mình chiếc ham radio cầm tay và nói chuyện vào đó suốt giờ ăn và giờ nghỉ.
Một cậu bạn đồng môn đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Steven Shalita là một anh chàng kiêu căng không ngừng mơ tưởng sau này trở thành một cảnh sát mật – xe của hắn gắn đầy ăng-ten radio. Hắn thích thể hiện mấy trò bịp bằng điện thoại, và thực sự có thể làm ra những điều kỳ diệu. Shalita biểu diễn cách người khác gọi điện cho hắn mà không để lộ cho họ biết số điện thoại thực của mình bằng cách dùng mạch kiểm tra của công ty điện thoại gọi là “loop-around” (vòng lặp vòng quanh); hắn có thể gọi đến một trong những số điện thoại của một vòng (loop) trong khi người khác đang gọi số thứ hai của vòng đó. Hai người gọi sẽ kết nối với nhau một cách thần kỳ. Hắn có thể có được tên và địa chỉ của bất kỳ số điện thoại nào, dù họ có đăng ký hay không, nhờ gọi tới Cục Tên và Địa chỉ Khách hàng (Customer Name and Addres – CAN) của công ty điện thoại. Chỉ với một cuộc gọi, hắn đã có được số điện thoại chưa từng đăng ký của mẹ tôi. Quá tuyệt! Hắn có thể có được số điện thoại và địa chỉ của bất kỳ ai, thậm chí là một ngôi sao điện ảnh với số không đăng ký. Cứ như thể mấy gã ở công ty điện thoại sinh ra để phục vụ hắn vậy.
Tôi bị mê hoặc, thích thú và ngay lập tức trở thành chiến hữu của Shalita, luôn háo hức tìm cách học được tất cả những mánh khóe thần kỳ nhất đó. Nhưng Shalita chỉ có hứng thể hiện mánh khóe của mình thay vì chỉ cho tôi cách, làm sao hắn có thể áp dụng các kỹ năng tấn công bằng kỹ thuật xã hội với những người hắn đang trò chuyện.
Không lâu sau đó, tôi đã học được gần như mọi thứ mà Shalita sẵn lòng chia sẻ về phone phreaking,10 đồng thời dành hầu hết thời gian rảnh để khám phá mạng viễn thông, tự mày mò và học được cả những gì Shalita không biết. Các phreaker có một mạng xã hội riêng. Tôi bắt đầu làm quen với những người có chung sở thích và đến các buổi giao lưu, dù phải nói rằng vài người trong số họ khá lập dị – xa rời xã hội và chẳng có gì thú vị.
10 Phone phreaking (Lừa bịp qua điện thoại, hay còn gọi tắt là phreaking): Trò sửa đổi hệ thống điện thoại trái phép để thực hiện các cuộc gọi đường dài mà không phải trả phí; một dạng đùa nghịch phạm pháp. Người thực hiện hành vi này được gọi là phreaker. (Wikipedia)
Có vẻ tôi khá có khiếu với trò tấn công bằng kỹ thuật xã hội của phreaking. Liệu tôi có thể thuyết phục kỹ thuật viên của công ty điện thoại lái xe tới một “CO” (văn phòng trung tâm – trung tâm chuyển mạch của khu dân cư, nơi kết nối các cuộc gọi đến và đi từ điện thoại) vào nửa đêm để kết nối một mạch “khẩn cấp” chỉ vì anh ta nghĩ tôi thuộc một CO khác, hay là nhân viên gác đường dây trong vùng không ư? Quá dễ. Tôi vốn biết mình có tài trong khoản này, nhưng chính Shalita đã dạy cho tôi biết năng lực này có sức mạnh tới cỡ nào.
Mẹo rất đơn giản. Trước khi bắt đầu tấn công phi kỹ thuật vì mục đích nào đó, bạn phải thăm dò trước. Bạn cần kết nối các mẩu thông tin rời rạc về công ty này với nhau, bao gồm các ban ngành hay đơn vị kinh doanh hoạt động thế nào, chức năng là gì, nhân viên trong đó có quyền truy nhập những thông tin nào, quy trình chuẩn để đưa ra yêu cầu ra sao, họ thường đưa ra yêu cầu với ai, ở điều kiện nào thì các thông tin mong muốn được tiết lộ, cả tiếng lóng và các thuật ngữ thường dùng trong công ty nữa.
Tấn công bằng kỹ thuật xã hội thường hiệu quả đơn giản vì mọi người có xu hướng tin tưởng ai đó vốn tạo dựng được sự tín nhiệm, ví dụ như một nhân viên ủy quyền của công ty. Đó chính là lúc cần nghiên cứu. Khi đã chuẩn bị đầy đủ để có được số điện thoại không công khai, tôi gọi điện cho một trong những đại diện phòng kinh doanh của công ty điện thoại và nói: “Tôi là Jake Roberts từ Cục Không Công khai. Tôi cần nói chuyện với người phụ trách.”
Khi người phụ trách cầm máy, tôi giới thiệu bản thân một lần nữa và nói: “Chị đã nhận được thông báo về việc chúng ta thay đổi số điện thoại chưa?”
Cô ta kiểm tra một chút, sau đó quay lại và nói: “Chúng tôi chưa biết việc đó.”
Tôi nói: “Chị đang dùng số 213 687-9962 đúng không?”
“Không,” Cô ta đáp. “Chúng tôi dùng số 213 320-0055.”
Tèn ten!
“Được rồi,” tôi trả lời. “Chúng tôi sẽ gửi thư báo cấp 2 liên quan đến việc thay đổi” – đây là tiếng lóng của công ty điện thoại mà các quản lý thường dùng. “Tạm thời cô cứ tiếp tục dùng số 320-0055 nhé.”
Nhưng khi gọi cho Cục Không Công khai, tôi mới biết hóa ra tên tôi nằm trong danh sách những người được ủy quyền và phải có số điện thoại nội bộ thì mới được cung cấp thông tin khách hàng. Một người thực hiện tấn công bằng kỹ thuật xã hội còn non tay hoặc thiếu khả năng có lẽ sẽ bỏ cuộc. Điều không hay là việc này sẽ làm dấy lên nghi ngờ.
Vận dụng khả năng ứng khẩu của mình, tôi nói: “Quản lý của tôi nói anh ấy đã đưa tên tôi vào danh sách. Tôi sẽ báo lại là cô vẫn chưa nhận được thư báo.”
Còn một chướng ngại khác: Bằng cách nào đó, tôi phải trình ra được số điện thoại nội bộ của công ty.
Tôi phải gọi tới ba phòng kinh doanh khác nhau để tìm ra một vị quản lý thứ cấp là nam giới – người mà tôi có thể giả mạo được. Tôi nói với anh ta, “Tôi là Tom Hansen tới từ Cục Không Công khai. Chúng tôi đang cập nhật lại danh sách các nhân viên có thẩm quyền. Anh có cần ở trong danh sách không?”
Đương nhiên anh ta nói có.
Sau đó, tôi nói anh ta đánh vần tên và cho tôi biết số điện thoại. Dễ như ăn kẹo vậy.
Cuộc gọi kế tiếp là tới RCMAC – Trung tâm Ủy quyền Lưu trữ Thay đổi,11 một đơn vị của công ty điện thoại có nhiệm vụ thêm vào hoặc bỏ đi các dịch vụ điện thoại khách hàng, chẳng hạn như các tính năng gọi điện tùy chỉnh. Tôi gọi điện trên danh nghĩa quản lý phòng kinh doanh, dễ dàng thuyết phục viên thư ký thêm dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi tới đường dây của viên quản lý bởi số điện đó thuộc về công ty Pacific Telephone.
11 Các hệ thống chuyển mạch điện tử thường dùng một bộ nhớ gọi là Vừa Thay đổi (Recent Change). Lý do là vì sự thay đổi người dùng và số điện thoại của họ khá thường xuyên, nên dữ liệu này được ghi vào một vùng đặc biệt của bộ nhớ. Trung tâm RCMAC có nhiệm vụ cập nhật Dữ liệu Vừa Thay đổi nếu có yêu cầu. (ND)
Mọi chuyện diễn ra cụ thể như sau: Tôi gọi điện cho kỹ thuật viên ở văn phòng trung tâm. Nghĩ rằng tôi là kỹ sư sửa chữa hiện trường, anh ta nối máy cho tôi vào đường dây của quản lý thông qua một thiết bị cầm tay của nhân viên đường dây và gọi tới số tôi đã đưa, nhờ đó, chuyển tiếp thành công cuộc gọi từ điện thoại của quản lý vào mạch vòng “loop-around” của công ty điện thoại. Mạch vòng là một mạch đặc biệt có hai con số gắn liền với nó. Khi hai bên gọi vào mạch vòng nhờ quay các số tương ứng, họ sẽ được kết nối một cách thần kỳ như thể là họ đã gọi cho nhau.
Tôi quay số vào mạch vòng và kết nối ba chiều bằng một số chỉ đổ chuông. Khi Cục Không Công khai gọi điện tới máy vị quản lý được ủy quyền kia, cuộc gọi sẽ được chuyển tiếp vào vòng, và người gọi có thể nghe tiếng điện thoại chờ kết nối. Tôi để bên kia nghe vài lần chuông đổ, sau đó trả lời: “Steve Kaplan của công ty điện thoại Pacific Telephone xin nghe.”
Lúc này, người bên kia đầu dây có thể cung cấp cho tôi bất kỳ thông tin không công khai nào mà tôi cần. Sau đó, tôi gọi điện lại cho tay kỹ thuật viên và hủy chế độ chuyển tiếp cuộc gọi.
Thử thách càng lớn, tôi càng thấy hào hứng. Mẹo này đã hiệu quả trong nhiều năm và tới giờ có lẽ vẫn có tác dụng.
Qua một loạt các cuộc gọi khác nhau – người ta sẽ nghi ngờ nếu tôi gọi cho Cục Không Công khai để hỏi số điện thoại của nhiều người nổi tiếng một lúc – tôi đã có được số điện thoại và địa chỉ của Roger Moore, Lucille Ball, James Garner, Bruce Springsteen và nhiều người khác. Đôi khi, họ quả thực đã nhấc máy, tôi sẽ chào vài câu đại loại như: “Chào Bruce, dạo này anh thế nào?” Việc này chẳng gây hại gì cho ai, chỉ đơn giản là tôi thấy thích thú khi có được bất kỳ số điện thoại nào mình muốn mà thôi.
Có một khóa học về máy tính ở trường cấp ba Monroe. Tôi vốn không đủ điều kiện đăng ký do chưa qua môn Toán và Khoa học như yêu cầu, nhưng thầy Christ phụ trách môn đã nhận tôi vào học sau khi thấy sự hào hứng của tôi và biết tôi đã tự học được khá nhiều. Tôi nghĩ hẳn sau đó thầy sẽ thấy hối hận về quyết định này của mình: Tôi là một tay gây rối khó chịu. Tôi thường ăn trộm mật khẩu kết nối vào máy tính cỡ trung12 của trường mỗi khi thầy đổi mật khẩu mới. Tuyệt vọng và cố gắng tỏ ra trên cơ tôi, thầy đã dập lỗ mã mật khẩu trên băng giấy máy tính13, một phương thức lưu trữ dữ liệu thường dùng trước thời đĩa mềm (floppy disk). Như vậy, thầy có thể đưa giấy vào máy đọc băng mỗi lần cần đăng nhập máy tính. Nhưng thầy Christ để mẩu giấy đục lỗ đó trong túi áo sơ mi và không khó để nhìn ra các chấm lỗ qua lớp vải áo mỏng. Một vài người bạn cùng lớp đã giúp tôi đoán được dải lỗ trên băng và biết được mật khẩu mới nhất của thầy sau mỗi lần thầy thay mới. Thầy chưa từng phát hiện ra điều này.
12 Máy tính cỡ trung (minicomputer): Những máy tính có kích thước lớn hơn máy tính cá nhân. Chúng thường được sử dụng trong kiểm soát quá trình sản xuất, chuyển mạch điện thoại và kiểm soát thiết bị phòng thí nghiệm. (BTV)
13 Băng giấy máy tính (punched tape): Băng đục lỗ bằng giấy, đây là phương thức lưu trữ dữ liệu bao gồm một dải giấy dài trên đó đục các lỗ mô phỏng dữ liệu. (ND)
Thế rồi nhà trường lắp điện thoại trong phòng thí nghiệm máy tính – một dạng điện thoại kiểu cũ với vòng quay số. Chiếc điện thoại này được lắp đặt chỉ để gọi cho các số nội bộ trong phòng giáo dục địa phương. Bằng việc gọi điện cho người phụ trách chuyển mạch: “Tôi là Christ đây. Tôi cần nối máy ra ngoài,” tôi đã có thể dùng điện thoại kết nối vào máy tính của Đại học Nam California (USC) để chơi điện tử. Sau vài cuộc gọi như vậy, khi người phụ trách bắt đầu nghi ngờ, tôi chuyển sang các mẹo phreaking, trực tiếp gọi điện tới phòng chuyển mạch của công ty điện thoại và đề nghị hủy các thiết lập hạn chế, để có thể nối máy tới USC bất kỳ khi nào muốn. Cuối cùng, thầy Christ cũng phát hiện ra việc tôi đã xoay xở để thực hiện rất nhiều cuộc gọi không giới hạn.
Không lâu sau, thầy tự hào tuyên bố với cả lớp rằng thầy sẽ dứt khoát chặn đứng tôi, và khoe một chiếc khóa được chế tạo đặc biệt dành cho điện thoại quay số: Khi khóa chốt ở vị trí số “1”, vòng quay sẽ không thể xoay tới các vị trí số khác.
Ngay khi thầy gắn khóa trước mặt cả lớp, tôi nhấc tay cầm ống nghe điện thoại lên và bắt đầu ấn vào móc chuyển đổi: Chín lượt bấm nhanh để quay số “9” kết nối mạng bên ngoài, Bảy lượt bấm nhanh để quay số “7”. Bốn lượt bấm nhanh cho số “4”. Chỉ trong vòng một phút, tôi đã kết nối tới USC.
Với tôi, đây chỉ là một trò láu cá. Nhưng thầy Christ tội nghiệp đã bị bẽ mặt trước cả lớp. Thầy đỏ mặt tía tai tóm lấy chiếc điện thoại trên bàn và ném thẳng xuống cuối lớp.
Thời đó, khi tôi đang tự học về RSTS/E (đọc là RIS-tisEE), một hệ điều hành do Digital Equipment Corporation (DEC – Công ty trang thiết bị số) sản xuất, chuyên dùng trong các máy tính cỡ trung của trường học ở vùng trung tâm Los Angeles. Cơ sở Cal State của trường Northridge (SCUN) gần đó cũng dùng hệ điều hành RSTS/E cho máy tính của họ. Tôi đặt lịch hẹn với ngài Wes Hampton, trưởng khoa Khoa học Máy tính của trường, và nói: “Cháu thực sự muốn học về máy tính. Liệu cháu có thể mua một tài khoản để sử dụng máy ở đây không?”
“Không, máy chỉ dành cho các sinh viên của trường thôi.”