Cuốn sách “Các Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ” mang đến một góc nhìn sâu sắc về những cuộc chiến tranh tiền tệ trong lịch sử và hiện tại, đồng thời dự đoán những hệ quả tiềm ẩn trong tương lai.
- Tóm tắt nội dung được đề cập trong cuốn sách:Phân tích hai cuộc chiến tranh tiền tệ trong lịch sử: Tác giả cung cấp một bản tóm tắt đầy đủ về hai cuộc chiến tranh tiền tệ đã diễn ra, giúp người đọc hiểu được nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của những cuộc chiến này.
- Lý thuyết tài chính và tiền tệ: Cuốn sách cung cấp những kiến thức nền tảng về tài chính và tiền tệ, giúp người đọc hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái, lạm phát, và chính sách tiền tệ.
- Liên hệ với tình hình hiện tại: Tác giả phân tích tình hình giằng co giữa các đồng tiền mạnh trên thế giới hiện nay, đồng thời đưa ra những dự đoán về những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.
Điểm khác biệt so với cuốn Chiến Tranh Tiền Tệ của tác giả Song Hong Bing là
- Tập trung vào thế giới hiện đại: So với cuốn “Chiến tranh tiền tệ” do tác giả Trung Quốc viết, “Các Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ” tập trung nhiều hơn vào những sự kiện và phân tích tình hình hiện đại của thế giới tài chính.
- Lồng ghép thông tin khéo léo: Tác giả lồng ghép những sự kiện lịch sử, lý thuyết chuyên ngành và thực tiễn hiện tại một cách khéo léo, giúp người đọc dễ dàng tiếp thu kiến thức và hiểu rõ hơn về vấn đề chiến tranh tiền tệ.
“Các Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ” là một cuốn sách giá trị, cung cấp cho người đọc những kiến thức và góc nhìn hữu ích về một vấn đề quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ và muốn hiểu rõ hơn về những biến động trong nền kinh tế thế giới. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Các Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ của tác giả James Rickards
—
LỜI NÓI ĐẦU
Một chiều chủ nhật yên ả ngày 15 tháng Tám năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã xuất hiện trên chương trình truyền hình phổ biến nhất Hoa Kỳ, công bố chính sách kinh tế mới của ông. Chính phủ đang áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả trên toàn nước Mỹ, áp thuế nhập khẩu cao và cấm dùng đô-la để mua vàng. Đất nước đang trong cơn khủng hoảng, hậu quả từ một cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra khiến cho niềm tin vào đồng đô-la Mỹ bị đổ vỡ, và Tổng thống đã quyết định rằng các biện pháp cực đoan là cần thiết.
Hiện nay chúng ta cũng đang có một cuộc chiến tranh tiền tệ mới, và một cuộc khủng hoảng niềm tin vào đồng đô-la cũng đang diễn ra. Lần này các hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với thời Nixon. Tiến trình toàn cầu hóa, các công cụ phái sinh và đòn bẩy được sử dụng hơn bốn mươi năm qua đã tạo nên sự hỗn loạn tài chính và nó còn lan tràn khắp nơi, không thể ngăn chặn nổi.
Cuộc khủng hoảng mới sẽ có thể khởi nguồn từ các thị trường tiền tệ và lây lan nhanh chóng sang các thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường hàng hóa. Khi đồng đô-la sụp đổ, các thị trường được định giá bằng đồng tiền này cũng sẽ sụp đổ theo. Sự hỗn loạn sẽ nhanh chóng lan tràn khắp thế giới.
Kết quả là, một vị Tổng thống Hoa Kỳ, có thể là ông Obama, sẽ lại xuất hiện trên sóng phát thanh truyền hình và trên không gian mạng để thông báo một kế hoạch can thiệp triệt để nhằm giải cứu đồng đôla không để nó sụp đổ hoàn toàn, kêu gọi sự tham gia của các cơ quan quyền lực nhà nước. Kế hoạch mới này có thể liên quan đến việc quay lại chế độ Bản vị vàng. Nếu vàng được sử dụng, giá vàng sẽ được đẩy cao hơn rất nhiều nhằm hỗ trợ khối lượng cung tiền khổng lồ với số lượng cố định của lượng vàng khả dụng. Những người Mỹ đã đầu tư vào vàng sẽ phải đối mặt với mức thuế 90% đánh vào “các khoản lợi nhuận mới từ trên trời rơi xuống”, thuế này được áp dưới danh nghĩa là sự công bằng. Vàng của châu Âu và Nhật Bản hiện nay được cất giữ tại New York sẽ có thể được quốc hữu hóa và chuyển đổi để phục vụ cho Chính sách đô-la mới. Không nghi ngờ gì nữa, người châu Âu và Nhật Bản sẽ được nhận các tờ biên nhận số lượng vàng trước đây của họ, có thể chuyển đổi thành tiền đô-la mới theo một mức giá cao hơn.
Theo cách chọn lựa khác, Tổng thống có thể tránh không quay lại với vàng mà sử dụng một loạt các hoạt động kiểm soát vốn cùng với sự sáng tạo ra một đồng tiền toàn cầu từ IMF nhằm khôi phục thanh khoản và ổn định tình hình. Vụ giải cứu trên quy mô toàn cầu này của IMF sẽ không dùng đồng đô-la cũ – loại tiền không thể chuyển đổi được – mà phải là một loại tiền toàn cầu mới được phát hành, gọi là đồng SDR. Cuộc sống sẽ tiếp diễn, nhưng hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ không bao giờ giống như trước kia.
Đây không phải là sự tiên đoán quá lời. Điều này đã từng lặp đi lặp lại trong quá khứ: các loại tiền giấy sụp đổ, tài sản bị đóng băng, vàng bị sung công và hoạt động kiểm soát vốn được áp đặt. Hoa Kỳ không được “miễn dịch” với các động thái này; thực ra nước Mỹ đã từng biện hộ nhiều cho việc giảm giá đồng đô-la từ thập niên 1770 đến thập niên 1970, thông qua giai đoạn Cách mạng, thời Nội chiến, Đại khủng hoảng và siêu lạm phát thời chính quyền Carter. Việc đồng tiền không sụp đổ trong một thế hệ chỉ mang hàm ý rằng sẽ có sụp đổ trong tương lai. Đây không phải là vấn đề dự đoán – hiện đã có đủ các điều kiện tiên quyết.
Ngày nay, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ben Bernanke, đang chơi một canh bạc lớn nhất trong lịch sử tài chính. Bắt đầu từ năm 2007, Fed đã tranh đấu không để suy sụp nền kinh tế bằng cách cắt giảm các mức lãi suất ngắn hạn và cho vay tự do. Cuối cùng, các mức lãi suất về zero, và Fed dường như đã “hết đạn”.
Sau đó, trong năm 2008, Fed đã tìm thấy một “viên đạn mới”: nới lỏng định lượng (quantitative easing). Trong khi Fed mô tả chương trình này là sự nới lỏng các điều kiện tài chính thông qua việc hạ thấp các mức lãi suất dài hạn, thì về bản chất đây chỉ là chương trình in tiền để thúc đẩy tăng trưởng.
Fed đang cố gắng để thổi phồng giá tài sản, giá hàng hóa và giá tiêu dùng nhằm bù đắp sự giảm phát tự nhiên và kéo theo sau là đổ vỡ. Tổ chức này, xét về căn bản, đang chơi kéo co với nạn giảm phát, mà giảm phát thường đi kèm với suy thoái. Giống như trong trò kéo co điển hình, mới đầu sẽ chưa có gì xảy ra. Hai đội cân bằng với nhau và ghìm nhau bất động một lúc, chỉ có sợi dây là rất căng. Cuối cùng, một bên sẽ sụp đổ, và phía bên kia sẽ kéo những kẻ thua cuộc qua vạch ngang để tuyên bố chiến thắng. Đây là bản chất canh bạc của Fed. Phải gây ra lạm phát trước khi giảm phát chiếm ưu thế, phải giành chiến thắng trong trò kéo co này.
Trong trò kéo co, sợi dây là kênh dẫn để bên này truyền áp lực cho bên kia. Cuốn sách này muốn trình bày về sợi dây. Trong cuộc thi kéo co giữa lạm phát và giảm phát, sợi dây là đồng đô-la. Đồng đô-la chịu tất cả các sức căng của các lực lượng đối lập nhau và lan tỏa áp lực ra toàn thế giới. Giá trị của đồng đô-la là cách để biết ai là người thắng. Thực chất trò kéo co này là cuộc chiến tranh tiền tệ, là cuộc tấn công vào giá trị của mỗi cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa trên thế giới.
Trong viễn cảnh tốt nhất mà Fed có thể có, giá trị tài sản sẽ được củng cố, các ngân hàng khỏe mạnh hơn, nợ công tan biến và dường như không còn bị người ta quan tâm để ý đến nữa. Nhưng khi in thêm tiền với quy mô chưa từng có, Bernanke đã trở thành một Pangloss của thế kỷ 21, hy vọng điều tốt đẹp nhất và không chuẩn bị kỹ cho điều tồi tệ nhất.
Có một mối nguy thực sự: việc Fed in tiền có thể bất ngờ dẫn đến siêu lạm phát. Ngay cả khi lạm phát không ảnh hưởng đến giá tiêu dùng, nó vẫn có thể thể hiện rõ thông qua giá tài sản dẫn đến bong bóng cổ phiếu, hàng hóa, đất đai và các loại tài sản hữu hình khác – các dạng bong bóng này dễ bị nổ tung giống như bong bóng cổ phiếu công nghệ vào năm 2000 hoặc bong bóng nhà ở năm 2007. Fed tuyên bố rằng họ đã có các công cụ cần thiết để ngăn chặn hậu quả, nhưng những công cụ đó chưa bao giờ được thử nghiệm trong những bối cảnh và trong quy mô lớn như trên. Các biện pháp khắc phục hậu quả của Fed – nâng cao lãi suất và thắt chặt tiền tệ – có thể trực tiếp dẫn đến dạng suy thoái mà Fed ngay từ đầu đã muốn né tránh. Nền kinh tế Mỹ đang nằm trong ranh giới mong manh giữa suy thoái và siêu lạm phát. Hàng triệu nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp và người lao động tự hỏi liệu Fed còn có thể cầm cự được bao lâu nữa.
Tệ hơn nữa, những sự việc này không xảy ra trong môi trường chân không. Nếu các động thái của Fed chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong phạm vi nền kinh tế Mỹ thì không có thêm chuyện, nhưng thực tế không phải vậy. Các hiệu ứng của việc in thêm tiền đô-la là mang tính toàn cầu; khi tiến hành nới lỏng định lượng, Fed đã tuyên bố chiến tranh tiền tệ trên toàn thế giới. Rất nhiều hiệu ứng đáng sợ từ chính sách của Fed tại Hoa Kỳ lại đang xuất hiện ở các nước khác. In thêm đô-la tại Hoa Kỳ có nghĩa là lạm phát ở Trung Quốc cao hơn, giá lương thực ở Ai Cập cao hơn và xuất hiện bong bóng chứng khoán tại Brazil. In tiền có nghĩa là khoản nợ của Mỹ đã giảm giá trị, các chủ nợ nước ngoài sẽ được bồi hoàn bằng đồng đô-la có giá rẻ hơn. Phá giá tiền tệ nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn tại các nền kinh tế đang phát triển vì ngành xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ hơn đối với người Mỹ. Tình trạng lạm phát đi theo cũng có nghĩa là giá cả của những đầu vào thiết yếu bị đẩy cao hơn tại các nền kinh tế đang phát triển: đồng, dầu mỏ, bắp và lúa mì chẳng hạn. Các chính phủ nước ngoài đã bắt đầu đấu tranh chống lại nạn lạm phát do nước Mỹ gây ra, thông qua các biện pháp như trợ giá, thuế quan và kiểm soát vốn; cuộc chiến tranh tiền tệ đang mở rộng nhanh chóng.
Nếu như việc Fed in tiền trên một quy mô hàng nghìn tỷ đô-la có thể là chuyện mới, thì các cuộc chiến tranh tiền tệ không mới. Chiến tranh tiền tệ đã xảy ra và chỉ trong thế kỷ 20 đã có hai cuộc chiến và luôn luôn mang đến những kết thúc tệ hại. Ở mức độ tốt đẹp nhất, các cuộc chiến tranh tiền tệ để lại cảnh tượng thảm hại của những quốc gia đánh cắp sự tăng trưởng của các đối tác thương mại. Với mức độ tệ hại nhất thì chúng thoái hóa thành các cơn lạm phát, suy thoái kinh tế, những hành động trả đũa và bạo lực thực sự bởi vì tranh giành nguồn tài nguyên sẽ dẫn đến chiến tranh và xâm lược. Các tiền lệ đã được người ta nhận thức đầy đủ, nhưng các mối hiểm nguy hiện nay thậm chí còn lớn hơn, tăng theo hàm lũy thừa bởi quy mô và sự phức tạp của các mối liên kết tài chính trên toàn thế giới.
Nhiều nhà quan sát đã thất vọng khi chứng kiến hàng loạt nhà kinh tế học đã không dự đoán được hoặc ngăn chặn được những thảm họa kinh tế trong những năm gần đây. Họ không chỉ có các lý thuyết thất bại trong việc ngăn ngừa tai họa, mà họ còn đang làm cho các cuộc chiến tranh tiền tệ trở nên xấu hơn. Các giải pháp mới nhất – chẳng hạn như tiền tệ toàn cầu được gọi là đồng SDR – cho thấy các mối nguy tiềm ẩn, trong khi chẳng giải quyết được các tình thế lưỡng nan hiện nay.
Trong số các nguy cơ mới, có các mối đe dọa không chỉ đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế mà còn thách thức đến an ninh quốc gia của chúng ta. Khi các chuyên gia an ninh nghiên cứu các vấn đề tiền tệ (theo lối truyền thống thì việc này của Bộ Ngân khố), họ liên tục chú tâm đến các mối đe dọa mới, từ việc mua vàng bí mật của Trung Quốc đến chương trình làm việc của những quỹ đầu tư quốc gia. Lớn hơn bất kỳ mối đe dọa đơn lẻ nào khác chính là sự nguy hiểm khi bản thân đồng đô-la sụp đổ. Các quan chức quân sự và tình báo cấp cao hiện đã nhận ra rằng ưu thế quân sự độc nhất của Hoa Kỳ chỉ có thể được duy trì khi đồng đô-la giữ được vị thế thượng phong độc nhất. Nếu đồng đô-la sụp đổ, nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ cũng sụp đổ theo.
Trong khi kết quả của cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay là chưa rõ ràng, có một số kịch bản dành cho trường hợp tồi tệ nhất là gần như không thể tránh khỏi nếu các nhà lãnh đạo kinh tế Hoa Kỳ và thế giới không học hỏi được từ những sai lầm của những người tiền nhiệm. Cuốn sách này nghiên cứu về cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay của chúng ta thông qua các góc độ: chính sách kinh tế, an ninh quốc gia và các tiền lệ trong lịch sử. Sách giải thích các mô hình đã thất bại, các lối tư duy hão huyền và sự vận hành chính sách công một cách kiêu căng ngạo mạn như hiện nay, và trình bày cách thức hướng đến một chuỗi hành động sáng suốt và hiệu quả hơn. Sau cùng, độc giả sẽ hiểu tại sao cuộc chiến tranh tiền tệ lần này lại là cuộc đấu tranh có ý nghĩa nhất trên thế giới hiện nay – nó quyết định kết quả của tất cả những cuộc đấu tranh khác.
—-
TRƯỚC CHIẾN TRANH
“Hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay là sản phẩm của quá khứ.” — Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, 16/01/2011
Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng (APL), tọa lạc trên một khoảnh đất rộng hơn 400 mẫu Anh vốn trước kia là đất trồng trọt ở khoảng giữa Baltimore và thủ đô Washington, D.C., là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của các cơ sở nghiên cứu vũ khí và vật lý ứng dụng kỹ thuật cao và tối mật của Hoa Kỳ. Phòng thí nghiệm này phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, chuyên môn chính của họ bao gồm việc nghiên cứu vũ khí hiện đại và thám hiểm không gian. Các chuyên gia tại đây rất tự hào khi nói với quý khách viếng thăm rằng trên bề mặt hoặc bay gần Mặt Trăng và mọi hành tinh trong hệ mặt trời đều có một thiết bị do APL thiết kế.
Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng này được lập nên một cách vội vã vào năm 1942, không bao lâu sau cuộc tấn công tại Trân Châu Cảng, với mục đích ứng dụng khoa học vào việc giải quyết vấn đề hiện đại hóa vũ khí. Đa số vũ khí mà quân đội Mỹ sử dụng trong những ngày đầu Thế chiến thứ II đã lỗi thời hoặc kém hiệu quả. Thoạt tiên, phòng thí nghiệm được đặt tại một cửa hàng buôn bán xe hơi cũ, được Bộ Chiến tranh trưng dụng, nằm trên đại lộ Georgia thuộc Silver Spring, Maryland. Từ những ngày đầu thành lập, đơn vị này đã hoạt động trong bí mật, tất nhiên hệ thống bảo mật đã thay đổi nhiều, từ một vài người lính vũ trang gác cổng lúc đầu trở thành những bộ phận cảm biến tinh vi và rất nhiều vòng kiểm soát an ninh hiện nay. Nhiệm vụ đầu tiên của APL là phát triển một loại ngòi nổ không tiếp xúc[1] mang tên VT, dùng cho các tàu chiến khi chống không kích từ máy bay địch. Sau này, cùng với bom nguyên tử và radar, loại ngòi nổ này được xem là một trong ba công nghệ đóng góp nhiều nhất vào thắng lợi của Mỹ trong Thế chiến thứ II. Kể từ thành công ban đầu đó, các chương trình, ngân sách và cơ sở vật chất dành cho APL càng lúc càng phát triển. Trong những thập kỷ gần đây, có thể kể tên hàng loạt vũ khí cao cấp và hệ thống vũ trụ do APL phát triển cho Bộ Quốc phòng và NASA như tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa phòng thủ Aegis hay các tàu vũ trụ chuyên dụng.
Bên cạnh việc nghiên cứu vũ khí và không gian, phòng thí nghiệm này luôn quan tâm đến khía cạnh tri thức và chiến lược trong những gì họ làm cho quân đội. Trong số những chức năng khá trừu tượng này, nổi bật hơn cả là bộ phận thí nghiệm Phân tích Chiến tranh, một trong những cơ sở hàng đầu trong cả nước Mỹ về trò chơi chiến tranh và lập kế hoạch chiến lược. Do phòng thí nghiệm ở khá gần thủ đô Washington D.C., đây trở thành địa điểm được ưa thích để tổ chức những tình huống giả lập về chiến tranh. Phòng thí nghiệm này đã đóng vai trò chủ nhà cho khá nhiều trò chơi chiến tranh như vậy trong nhiều thập kỷ. Cũng chính là để thực hiện một trò chơi giả lập về chiến tranh do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ mà khoảng 60 chuyên gia từ các cộng đồng quân sự, tình báo và học thuật đã tập trung về APL vào một buổi sáng mưa gió cuối mùa đông năm 2009. Lần này, trò chơi chiến tranh giả lập sẽ hoàn toàn khác biệt so với những lần trước: luật chơi cấm hoàn toàn các phương pháp mang tính vận động, tức là những vũ khí dùng để bắn hay gây nổ. Sẽ không có các cuộc đổ bộ, các đội đặc nhiệm hay những đợt tấn công từ hai cánh của đối phương với lực lượng thiết giáp.
Thay vào đó, những vũ khí được phép sẽ chỉ là… vũ khí tài chính, bao gồm tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, các chứng khoán phái sinh. Một cách hình ảnh, Lầu Năm Góc sẽ chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh tài chính toàn cầu, sử dụng vũ khí là các đồng tiền và thị trường vốn, thay vì tàu chiến và phi cơ!
Đầu thế kỷ XXI, sự ưu thắng của quân đội Mỹ về các hệ thống vũ khí quy ước và công nghệ cao, cũng như về cái mà giới quân sự gọi là 4CI (command – chỉ huy, control – kiểm soát, communica tions – thông tin, computers – máy tính, intelligence – tình báo) đã trở nên rõ ràng đến mức không có quốc gia đối địch nào dám chống lại. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra. Một quốc gia thuộc nhóm “khó ở” như Triều Tiên vẫn có thể lợi dụng một sự kiện nào đó để leo thang thành một cuộc tấn công quy mô. Nước Mỹ cũng có thể sa vào cuộc chiến liên quan tới những nước khác như Iran hay Israel nếu lợi ích quốc gia của Mỹ bị ảnh hưởng. Trừ những trường hợp đặc biệt vừa nêu, một cuộc đối đầu quân sự thông thường xem ra khó xảy ra do khả năng của Mỹ hoàn toàn có thể khống chế và tiêu diệt sức mạnh quân sự của đối phương. Chính vì vậy, các quốc gia và các tổ chức xuyên quốc gia thù địch với nước Mỹ ngày càng phát triển năng lực của họ trong những cuộc chiến khác không theo quy ước thông thường, bao gồm chiến tranh mạng, vũ khí sinh học hay hóa học, vũ khí hủy diệt hàng loạt, và giờ đây bất ngờ nhất là các vũ khí tài chính. Trò chơi chiến tranh (giả lập) nói trên chính là nỗ lực đầu tiên của Lầu Năm Góc để tìm hiểu cách thức phát triển của một cuộc chiến tài chính thực sự, cũng như những bài học có thể rút ra từ đó.
Trò chơi này mất nhiều tháng để xây dựng, cá nhân tôi cũng tham gia các buổi thảo luận về chiến lược và thiết kế trò chơi giả lập trước khi trò chơi chính thức bắt đầu. Mặc dù một trò chơi chiến tranh được thiết kế tốt sẽ luôn hướng tới những kết quả bất ngờ và cố gắng để mô phỏng “màn sương mờ ảo” của một cuộc chiến thực thụ, vẫn cần phải quy định rõ những điều kiện khởi đầu cũng như một số quy tắc để tránh tình trạng trò chơi rơi vào hỗn loạn. Đội thiết kế trò chơi tại APL là những người rất giỏi trong công việc của họ, tuy nhiên một trò chơi liên quan tới tài chính hẳn sẽ đòi hỏi những cách tiếp cận hoàn toàn mới (kể cả việc tiếp cận những kiến thức chuyên môn của phố Wall), mà đây lại là những kiến thức mà các chuyên gia vật lý và những người lập kế hoạch quân sự không có. Vai trò của tôi chính là để lấp đầy khoảng trống nói trên!
Mối liên hệ giữa tôi và phòng thí nghiệm APL bắt đầu từ hồi tháng 12/2006 tại Omaha, Nebraska, khi tôi tham dự một diễn đàn về chiến lược do Bộ Tư lệnh đặc trách Chiến lược (STRATCOM) chủ trì. Tại đây tôi trình bày một tham luận về môn khoa học mới mang tên tình báo thị trường, mà các chuyên gia tình báo gọi là MARKINT, liên quan tới việc phân tích các thị trường vốn để tìm kiếm những thông tin về ý định của các thành viên tham gia thị trường. Các quỹ đầu tư phòng vệ (hedge funds) và các ngân hàng đầu tư đã nhiều năm sử dụng những phương pháp này để giành những lợi thế thông tin trong những thương vụ mua lại hay những chuyển biến trong chính sách công. Còn lúc này, cùng với các cộng sự gồm Chris Ray, một nhà kinh doanh chứng khoán quyền chọn dày dạn kinh nghiệm và cũng là nhà quản lý rủi ro, và Randy Tauss, người vừa nghỉ hưu sau 35 năm phục vụ cho CIA, chúng tôi xây dựng những cách thức mới để sử dụng các kỹ thuật đó trong lĩnh vực an ninh quốc gia nhằm nhận diện trước những nguy cơ tấn công khủng bố cũng như có được những cảnh báo sớm về những đợt tấn công vào đồng đô-la Mỹ. Nhiều thành viên của bộ phận thí nghiệm Phân tích Chiến tranh thuộc APL cũng có mặt tại diễn đàn Omaha, sau đó đã liên lạc với tôi về khả năng hợp tác nhằm tích hợp những khái niệm tình báo thị trường (MARKINT) vào trong các nghiên cứu của họ.
Do đó tôi không mấy ngạc nhiên khi vào mùa hè 2008 nhận được lời mời tham gia một hội thảo tài chính toàn cầu được Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tài trợ, do APL chủ trì. Hội thảo dự kiến tổ chức vào tháng 9 năm đó, với mục tiêu được nêu rõ là “xem xét, nghiên cứu ảnh hưởng của các hoạt động tài chính toàn cầu lên các vấn đề an ninh quốc gia”. Đây là một hội thảo trong chuỗi hội thảo được Bộ Quốc phòng dự định tổ chức vào cuối hè và thu năm 2008 để chuẩn bị cho trò chơi giả lập chiến tranh. Bộ Quốc phòng trước tiên muốn biết rõ tính khả thi của trò chơi này, cụ thể liệu nó có ý nghĩa gì không? Họ cũng cần suy nghĩ về các “đội chơi” phù hợp: đó sẽ là các quốc gia, các quỹ đầu tư quốc gia, các ngân hàng, hay một sự kết hợp nào đó? Họ cũng cần suy nghĩ về những bối cảnh đặc thù nhưng vẫn hợp lý để những người chơi hành động. Người ta cần lập ra một danh sách những người chơi giàu kinh nghiệm, liên lạc và mời tham gia với những người chưa từng tham gia trò chơi giả lập chiến tranh trước đây. Sau hết, các quy tắc chơi cũng cần được thiết lập.
Để bảo mật tối đa cho những công việc tại phòng thí nghiệm, quy trình kiểm soát an ninh đối với khách tại đây cũng chặt chẽ như tại bất cứ cơ sở quân sự hay tình báo nào của nước Mỹ, bắt đầu với những vòng kiểm tra gắt gao về nhân thân, nguồn gốc… Những người khách mau chóng được phân thành hai nhóm “Không có người hộ tống” và “Có người hộ tống”, thể hiện qua những huy hiệu có màu sắc khác nhau. Ảnh hưởng bên ngoài của việc phân nhóm này chỉ thấy rõ khi mọi người đi đến những máy pha cà phê, nhưng chúng ta phải ngầm hiểu rằng những ai đeo huy hiệu “Không có người hộ tống” là những người được phép tiếp cận thông tin mật từ ban giám đốc hay các nhà thầu chính phủ. Điện thoại BlackBerry, iPhone và các thiết bị kỹ thuật số khác phải để lại bàn kiểm tra an ninh và chỉ được lấy lại trước khi ra về. Máy quét X quang, các thiết bị dò kim loại, hàng loạt vòng kiểm soát an ninh và lính gác có vũ trang là những biện pháp thường xuyên được áp dụng. Một khi đã vào trong khu vực này, thực sự bạn đã bước vào khu phức hợp quân sự – tình báo hàng đầu của nước Mỹ.
Tại buổi hội thảo vào tháng 9, có tổng cộng khoảng 40 người tham dự, bao gồm một số học giả danh tiếng, các chuyên gia thuộc các thinktank, các chuyên gia tình báo và quân sự. Tôi là một trong năm người được mời lên thuyết trình chính thức vào ngày hôm đó, đề tài của tôi là các quỹ đầu tư quốc gia (Sovereign Wealth Funds, hay SWF). Đây là các quỹ khổng lồ do các chính phủ lập ra để đầu tư khoản dự trữ dôi dư của họ, nhiều quỹ có tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đô-la hay hơn nữa. Những khoản dự trữ này chủ yếu là thặng dư bằng ngoại tệ mạnh, đa phần là đô-la Mỹ mà các chính phủ có được từ nguồn xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên hay hàng hóa chế tạo. Dự trữ lớn nhất thuộc về những nước sản xuất dầu như Na Uy và các nước Ả Rập, hay những cường quốc xuất khẩu hàng chế tạo như Trung Quốc và Đài Loan. Trước đây những khoản dự trữ này do các ngân hàng trung ương quản lý một cách rất cẩn thận, việc sử dụng chúng để đầu tư bị giới hạn trong những hình thức đầu tư ít rủi ro, thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ Mỹ. Chiến lược này giúp quỹ dự trữ có tính thanh khoản cao nhưng hiệu quả về thu nhập lại thấp, ngoài ra một phần lớn trong danh mục đầu tư được tập trung vào một hình thức đầu tư nào đó mà thôi. Thực tế thì những quốc gia có nguồn thặng dư nói trên đã bỏ tất cả số trứng mà họ có vào một rổ, và chẳng thu nhập được gì nhiều. Đầu những năm 1990, phần nào do quá trình toàn cầu hóa, các khoản dự trữ tăng rất mạnh, do đó các quốc gia thặng dư bắt đầu tìm cách tăng cao thu nhập từ các khoản đầu tư của họ. Các ngân hàng trung ương không có khả năng làm tốt nhiệm vụ này bởi họ thiếu những nhân sự cần thiết (chuyên viên đầu tư, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư) để chọn lựa đầu tư vào cổ phiếu, hàng hóa, cổ phần tư nhân, địa ốc hay quỹ phòng vệ…, tức là những hình thức đầu tư chính để mang về thu nhập cao hơn. Từ đó người ta lập ra các quỹ SWF để quản lý hiệu quả các hình thức đầu tư này. Những SWF đầu tiên xuất hiện cách đây vài thập kỷ, nhưng đa số hình thành trong khoảng mười năm gần đây, khi các chính phủ giao cho họ những khoản tiền cực lớn từ quỹ dự trữ của ngân hàng trung ương, với nhiệm vụ đầu tư vào các danh mục đa dạng trên khắp thế giới.
Ở hình thức căn bản của mình, các quỹ đầu tư quốc gia có ý nghĩa về mặt kinh tế. Hầu hết tài sản đều được đầu tư một cách chuyên nghiệp, không mang ý đồ chính trị nào. Tuy nhiên, thực tế không luôn luôn đúng như vậy. Một số quỹ đầu tư vào những dự án phù phiếm (như trường hợp các quỹ của Trung Đông đầu tư vào các đội đua xe thể thức 1 của McLaren, Aston Martin và Ferrari), một số sự đầu tư lại có những ý đồ chính trị và kinh tế hoàn toàn khác. Trong giai đoạn đầu của cuộc suy thoái năm 2007, các quỹ SWF là nguồn tiền chính dùng cho quá trình giải cứu nền kinh tế. Cuối 2007 và đầu 2008, các quỹ SWF đầu tư hơn 58 tỷ đô-la để vực dậy các tập đoàn lớn như Citigroup, Merrill Lynch, UBS và Morgan Stanley. Trung Quốc thậm chí còn dự tính bơm thêm 1 tỷ đô-la đầu tư vào Bear Stearns hồi đầu năm 2008, dự tính này chỉ bị bãi bỏ khi Bear Stearns gần như sụp đổ vào tháng 3 năm đó. Rồi sau khi những khoản đầu tư này tan thành mây khói trong Cơn hoảng loạn 2008, chính phủ Mỹ đành phải nhảy vào, dùng tiền thuế thu được từ người dân để tiếp tục các đợt giải cứu. Quỹ đầu tư quốc gia mất một khoản tiền cực kỳ to lớn vào những vụ đầu tư vừa nêu, tuy nhiên vị thế chứng khoán và ảnh hưởng của chúng vẫn còn tồn tại.
Phần thuyết trình của tôi tập trung vào khía cạnh tiêu cực của những khoản đầu tư của SWF, cụ thể là cách các quỹ đầu tư quốc gia này hoạt động thông qua cái mà các nhà phân tích tình báo tài chính gọi là công ty bình phong (front company[2]) như quỹ phòng vệ, các ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ, quỹ tín thác, quản lý tài khoản… Với những công ty bình phong như vậy, các quỹ SWF có thể được dùng để gây ảnh hưởng xấu lên những công ty mục tiêu, nhằm đánh cắp công nghệ, phá hoại các dự án mới, bóp nghẹt sự cạnh tranh, gian lận trong đấu thầu hay lũng đoạn thị trường. Tôi không khẳng định rằng những hoạt động kiểu này là phổ biến hay là quy tắc, mà chỉ muốn nói rằng chúng có khả năng xảy ra, và do đó nước Mỹ cần phát triển một cơ chế giám sát mạnh mẽ hơn để bảo vệ những lợi ích đối với an ninh quốc gia của họ. Bên cạnh những nguy cơ đó, tôi còn nêu ra một mối đe dọa nghiêm trọng hơn thế, đó là một cuộc tấn công toàn diện vào các thị trường vốn của thế giới phương Tây nhằm triệt hạ động cơ của xã hội tư bản chủ nghĩa. Bài thuyết trình của tôi cũng đề xuất những thước đo và đặc tính cần có của hệ thống để giám sát hành vi của các quỹ SWF, giám sát các hành vi có động cơ xấu ở “phía sau hậu trường”, cũng như nhận diện các nút thắt về tài chính (những “kênh đào Suez” hay “eo biển Hormuz” của thời đại thông tin!), những nút thắt mà khi được giám sát tốt sẽ giúp ngăn ngừa hoặc chống trả hữu hiệu các cuộc tấn công tài chính trong tương lai.
Đến cuối cuộc hội thảo kéo dài hai ngày nói trên, các quan chức Bộ Quốc phòng có vẻ rất hài lòng khi thấy phòng thí nghiệm xây dựng được một tập hợp vững chắc các chuyên gia, chủ đề và phân tích nguy cơ, những yếu tố cần thiết để đưa trò chơi giả lập chiến tranh lên một tầm cao mới.
Tháng sau đó, nhóm chuyên gia nòng cốt lại họp một lần nữa tại phòng thí nghiệm để tiếp tục phát triển trò chơi chiến tranh. Ngoài các chuyên gia của APL (đơn vị chủ nhà) và những nhà bảo trợ từ Bộ Quốc phòng, còn có các đại diện của các cơ quan cấp Bộ khác là Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng, một số đại học hàng đầu (như Đại học Hải quân – Naval War College); các viện nghiên cứu như Viện Peterson và Viện RAND Corporation; các phòng thí nghiệm vật lý khác như Los Alamos; và các quan chức cao cấp trong quân đội từ Bộ Tổng tham mưu.
Lúc này, tôi chợt nhận ra rằng không có thành viên nào tại đây có kinh nghiệm thực tế về thị trường vốn cả. Tôi là người duy nhất trong phòng họp có một quá trình làm việc lâu dài tại phố Wall, với các ngân hàng đầu tư, quỹ phòng vệ và sở giao dịch chứng khoán. Nếu phải tiến hành một cuộc chiến tài chính, chúng ta cần những người biết sử dụng vũ khí tài chính – những thứ như giao dịch chạy trước, thông tin nội gián, tin đồn, báo giá ảo, thúc ép bán khống và nhiều chiêu trò khác đặc trưng cho phố Wall. Chúng ta cần những người mà theo lối nói của nhà kinh doanh chứng khoán huyền thoại John Gutfreund[3] thì phải sẵn sàng “cắn xé nhau” khi kinh doanh tiền tệ, chứng khoán và các sản phẩm phái sinh khác. Những chuyên gia quân sự và tình báo ngồi trong phòng họp không hề thiếu sự mạnh mẽ, nhưng họ hiểu về việc dùng công cụ hoán đổi vi ước tín dụng (credit default swaps, viết tắt là CDS) để phá hoại một quốc gia cũng không nhiều hơn một nhà kinh doanh chứng khoán trung bình hiểu về trình tự bắn tên lửa liên lục địa ICBM! Để dự án này thành công, tôi cần thuyết phục Bộ Quốc phòng cho tôi mời thêm một số đồng nghiệp trong ngành tài chính, giúp trò chơi giả lập trở nên thực tế và có giá trị hơn.
Trong phiên họp vào tháng 10, tôi trình bày về các sản phẩm tài chính tương lai và phái sinh, giải thích tại sao các công cụ có sử dụng đòn bẩy tài chính này lại có thể dùng để gây ảnh hưởng lên các thị trường hàng hóa vật chất liên quan, kể cả những thị trường của các hàng hóa chiến lược như dầu mỏ, uranium, đồng và vàng. Tôi cũng giải thích tại sao việc bãi bỏ giám sát các sản phẩm phái sinh trong đạo luật Hiện đại hóa Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Commodity Futures Modernization Act) do Thượng nghị sĩ Phil Gramm đề xuất và Tổng thống Clinton phê chuẩn hồi năm 2000 đã mở toang cánh cửa cho quy mô và tính đa dạng của các công cụ đầu tư này, khiến cho việc giám sát chúng là hoàn toàn bất khả thi khi mà chúng đã được đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán của các ngân hàng lớn. Để kết luận, tôi mô tả cách thức mà các công ty bình phong, quỹ đầu tư quốc gia và đòn bẩy tài chính của các công cụ phái sinh có thể kết hợp lại và tạo ra một cú Trân Châu Cảng tài chính, điều mà nước Mỹ hoàn toàn chưa chuẩn bị để đối phó. Đến đây các hội thảo bắt đầu đạt được mục tiêu, khi các chuyên gia quân sự, tình báo và ngoại giao quen dần với lối suy nghĩ của dân tài chính. Nguy cơ của chiến tranh tài chính trở nên rõ ràng hơn.
Phiên hội thảo thứ ba của nhóm chúng tôi diễn ra vào khoảng giữa tháng 11, lần này có một số thành phần mới tham gia, bao gồm một số quan chức cao cấp trong ngành tình báo. Lần này chúng tôi không còn xem xét tính khả thi của một cuộc chiến tài chính giả lập, mà chủ yếu tập trung vào việc thiết kế trò chơi giả lập này. Tôi trình bày các bối cảnh chi tiết của một cuộc chiến tài chính cũng như ranh giới của một “sân chơi”, theo đó thiết kế trò chơi này phải tính đến những hậu quả không thể lường trước, sẽ gây ngạc nhiên cho cả bên tấn công lẫn bên phòng thủ, do những động lực vô cùng phức tạp của các thị trường vốn. Kết thúc hội thảo, đội thiết kế trò chơi của APL và Bộ Quốc phòng đã được các chuyên gia cung cấp đầy đủ các dữ liệu đầu vào để hoàn thành bản thiết kế sau cùng. Phần việc còn lại là chọn lựa người chơi, xác định thời gian và bắt đầu trò chơi.
Sau một vài sự chậm trễ và bất ổn do quá trình chuyển giao quyền lực sau bầu cử, nội các mới của Tổng thống Obama đã chấp thuận cho kế hoạch được tiến hành như dự định. Lời mời chính thức tham gia trò chơi giả lập này được đưa ra vào cuối tháng 1/2009. Trò chơi sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18 tháng Ba tại phòng thí nghiệm Phân tích Chiến tranh APL, bên trong căn phòng chiến tranh rộng lớn từng được sử dụng trong nhiều mô hình giả lập trước đây.
Mọi trò chơi giả lập chiến tranh đều có chung một số đặc điểm: có ít nhất hai đội chơi, phân biệt bởi tên quốc gia của họ hay màu sắc. Một trò chơi điển hình thường có đội đỏ (phe địch, người xấu) và đội xanh (phe ta, người tốt), tuy nhiên cũng có trò chơi gồm nhiều bên tham gia. Quan trọng là phải có một đội trắng, gồm người chủ trò chơi và các cá nhân được giao nhiệm vụ trọng tài. Đội “Trắng” sẽ quyết định một “nước đi” nào đó trong trò chơi có hợp lệ/được chấp nhận hay không, bên nào thắng trong từng vòng chơi. Nhìn chung những nhà thiết kế trò chơi đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng bên, do đó người ta kỳ vọng những người chơi có những “nước đi” theo hướng mục tiêu đặt ra, hơn là những nước đi lạc hướng. Nhóm thiết kế cũng nhờ những nhà khoa học chính trị, các nhà chiến lược quân sự và các nhà phân tích khác mô tả các điều kiện ban đầu ảnh hưởng lên tất cả mọi người chơi – nói cách khác, họ xác định vạch xuất phát cho mọi người. Sau hết, người ta cũng lập ra một hệ thống đo lường sức mạnh, từ đó xác định sức mạnh tương đối của các bên khi bắt đầu chơi, tương tự như việc biết được đội quân này đông hơn đội quân kia, hay nền kinh tế này có tiềm năng công nghiệp lớn hơn một nền kinh tế khác vào đầu cuộc chiến vậy.
Khi bắt đầu chơi, các đội sẽ thực hiện các nước đi, còn bộ phận trọng tài sẽ cộng hay trừ điểm cho từng bên dựa trên sự đánh giá của họ về sự thành bại của nước đi đó. Một số đặc điểm nữa của trò chơi là thời gian chơi (bao nhiêu ngày) cũng như số nước đi thực hiện trong một ngày. Đây là một hạn chế rất thực tế, bởi nhiều chuyên gia khách mời của trò chơi khó thu xếp thời gian vắng mặt quá 2-3 ngày khỏi công việc hiện tại của họ.
Tôi chẳng phải là chuyên gia của trò chơi giả lập này mà chỉ là chuyên gia tài chính được chỉ định, vì thế tôi phối hợp với đội thiết kế trò chơi để đưa cái thế giới tài chính mà tôi biết vào các tham số về nhóm, thời hạn, quy tắc, ngân sách… của họ khi thiết kế. Một nhiệm vụ chính của tôi là đảm bảo rằng trò chơi được thiết kế tính đến những bối cảnh bất thường. Tôi hiểu rằng một cuộc tấn công tài chính thực sự sẽ không bao gồm những gì dễ thấy như phá giá trái phiếu chính phủ Mỹ trên thị trường, bởi Tổng thống Mỹ hầu như có quyền phong tỏa bất kỳ tài khoản nào có dấu hiệu mưu tính lũng đoạn thị trường như vậy. Cuộc tấn công chắc chắn sẽ liên quan tới những đầu mối khó nhận diện, những công cụ phái sinh khó theo dõi và giám sát. Trên tất cả, một cuộc tấn công tài chính hầu như chắc chắn sẽ liên quan tới bản thân đồng đô-la. Phá hoại lòng tin vào đồng đô-la sẽ có tác dụng hơn nhiều so với việc cố gắng phá giá của bất kỳ công cụ định giá bằng đô-la nào. Nếu đồng đô-la sụp đổ thì mọi thị trường định giá bằng đô-la cũng sụp theo, và quyền lực về phong tỏa tài khoản của Tổng thống trở nên không chắc chắn. Tôi muốn chắc chắn rằng thiết kế trò chơi phải tính đến bối cảnh của một cuộc chiến tiền tệ thực sự, chứ không đơn thuần chỉ là cuộc chiến về cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.
Những mảnh ghép cuối cùng cũng đã hoàn thành. Nhóm thiết kế thống nhất rằng trò chơi sẽ gồm có các đội Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, còn thêm một đội Vành đai Thái Bình Dương, tượng trưng cho cả Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam, cùng nhiều nước khác trong khu vực địa lý này. Điều này chưa được hoàn hảo lắm, bởi những quốc gia riêng biệt như Hàn Quốc và Đài Loan có thể có những quan điểm rất khác nhau tùy vào vấn đề liên quan cụ thể, nhưng điều này có thể tạm chấp nhận do những hạn chế kinh phí và để tiến hành trò chơi giả lập ngay. Ngoài các đội nêu trên, sẽ còn một “đội xám” tượng trưng cho phần còn lại của thế giới (Tôi không rõ những người châu Âu sẽ cảm thấy thế nào khi khu vực của họ không được xếp riêng thành một đội mà phải nằm chung với IMF, các quỹ phòng vệ và đảo Cayman trong trò chơi này). Tất nhiên, đội cuối cùng là đội trắng – các trọng tài đầy quyền lực, có nhiệm vụ hướng dẫn và khởi động trò chơi.
Trò chơi diễn ra trong hai ngày với ba “nước đi”: các đội sẽ thực hiện 2 nước đi trong ngày đầu và nước đi còn lại trong ngày hôm sau, thời gian cuối ngày được dành cho phỏng vấn, trao đổi. Các đội chơi đều có những tiện ích và nguồn lực riêng để quyết định mỗi nước đi, và các phiên họp toàn thể tại phòng chiến tranh, nơi họ thực hiện các nước đi và đối thủ phản ứng lại. Đội trắng (trọng tài) chủ trì các phiên họp toàn thể và cộng hay trừ điểm cho từng đội chơi vào bảng “chỉ số sức mạnh quốc gia”. Các đội cũng có thể tổ chức các cuộc họp hay thương lượng song phương với nhau trong những phòng họp dành riêng khác, khi thực hiện các nước đi của họ.
Thú vị nhất là việc mỗi đội đều có một số thẻ cho phép thực hiện các hành động và phản ứng không được tính đến trong bối cảnh ban đầu của trò chơi. Tuy trò chơi này lần đầu được thực hiện với một kinh phí hạn hẹp và kết quả lúc đầu chưa hề rõ ràng, song chỉ riêng sự kết hợp của các phiên họp toàn thể và các thẻ