Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Cáo Pax của tác giả Sara Pennypacker, cũng như link tải ebook Cáo Pax miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Giới thiệu sách Cáo Pax
“Cáo Pax” của Sara Pennypacker là câu chuyện cảm động về tình bạn đặc biệt giữa một cậu bé và chú cáo của mình, đặt trong bối cảnh chiến tranh đầy chia ly và mất mát.
Pax là chú cáo được Peter, cậu bé mười hai tuổi, nuôi nấng từ nhỏ sau khi mẹ cáo qua đời. Tình bạn giữa họ vô cùng khăng khít, không gì có thể tách rời. Tuy nhiên, chiến tranh bất ngờ ập đến, cha của Peter phải gia nhập quân đội và gửi cậu về ở với ông nội. Không thể mang Pax theo, Peter buộc phải bỏ lại người bạn thân thiết của mình trong rừng.
Bị bỏ rơi và lạc lõng, Pax bắt đầu hành trình tìm kiếm Peter. Trên hành trình đầy gian nan ấy, Pax đã gặp gỡ và nhận được sự giúp đỡ của nhiều người bạn mới, từ một con cáo cái đơn độc đến một cô bé cụt chân tốt bụng. Mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại trong Pax những bài học quý giá về tình bạn, lòng dũng cảm và sự cảm thông.
Trong khi đó, Peter cũng không nguôi nhớ Pax. Cậu quyết tâm tìm cách trở về với người bạn của mình. Hành trình của Peter cũng đầy chông gai và thử thách, nhưng chính tình yêu thương dành cho Pax đã cho cậu sức mạnh để vượt qua tất cả.
“Cáo Pax” là câu chuyện cảm động về tình bạn, lòng trung thành và sự tha thứ. Tác phẩm mang đến thông điệp ý nghĩa về hòa bình, về sự sẻ chia và cảm thông giữa con người với nhau và với muôn loài.
Review nội dung sách Cáo Pax
Ưu điểm:
- Câu chuyện cảm động về tình bạn đặc biệt: “Pax, Chú Cáo Biết Chờ” là câu chuyện cảm động về tình bạn khác loài giữa cậu bé Peter và chú cáo Pax. Pennypacker đã khéo léo khắc họa tình cảm gắn bó, sự trung thành và lòng dũng cảm của cả hai nhân vật trong hành trình tìm lại nhau đầy chông gai.
- Góc nhìn đa chiều: Truyện được kể đan xen giữa góc nhìn của Peter và Pax, giúp người đọc hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và cách nhìn nhận thế giới của cả con người và động vật.
- Thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương, lòng trắc ẩn: Thông qua câu chuyện, tác giả gửi gắm thông điệp về tình yêu thương, lòng trắc ẩn đối với động vật, sự thấu hiểu và cảm thông giữa con người với nhau.
- Phù hợp với nhiều lứa tuổi: “Pax, Chú Cáo Biết Chờ” là cuốn sách ý nghĩa dành cho cả trẻ em và người lớn, khơi gợi nhiều cảm xúc và suy tư về tình bạn, gia đình và thế giới xung quanh.
Nhược điểm:
- Nhịp truyện chậm: Truyện có nhịp điệu khá chậm, tập trung vào diễn biến tâm lý nhân vật nên có thể chưa đủ hấp dẫn với những độc giả nhỏ tuổi ưa thích sự kịch tính, gay cấn.
- Kết thúc để ngỏ: Kết thúc truyện có phần hơi buồn và để ngỏ, có thể khiến một số độc giả hụt hẫng.
Kết luận: “Pax, Chú Cáo Biết Chờ” là câu chuyện cảm động, sâu lắng về tình bạn, lòng trung thành và sự thấu hiểu. Cuốn sách mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc, từ ấm áp, yêu thương đến xúc động, trăn trở.
Đọc thử sách Cáo Pax
Trước cả cậu bé, chú cáo cảm nhận bánh xe đang lăn chậm dần, như cái cách nó vẫn cảm nhận được mọi thứ trước tiên. Qua phần đệm ở bàn chân, dọc sống lưng, trong những sợi râu nhạy bén nơi cườm chân trước. Dựa vào những dao động rung lắc, nó cũng nhận thấy đường đi ngày một mấp mô. Nó vươn vai nhỏm dậy khỏi đùi cậu chủ và hít hà những sợi hương len lỏi qua lớp cửa kính ô tô, báo hiệu cả bọn đang tiến vào rừng. Mùi thông nồng sực – từ thân cây, vỏ cây, quả thông và lá kim – luồn lách trong bầu không khí như những lưỡi dao, nhưng lẩn khuất bên dưới, chú cáo nhận ra hương cỏ ba lá dìu dịu cùng tỏi gấu và dương xỉ, thêm cả trăm thứ nó chưa từng gặp nhưng lại tỏa ra một mùi xanh mơn mởn mà giục giã.
Cậu bé giờ đây cũng đã linh cảm được điều gì đó. Cậu kéo con vật lại sát người và siết chiếc găng tay bóng chày thêm chặt.
Sự bồn chồn của cậu chủ làm chú cáo không khỏi ngạc nhiên. Vài dịp hiếm hoi hai đứa được đi ô tô trước đây, cậu đã rất bình tĩnh hay thậm chí còn phấn khích. Cáo dúi mõm vào phần lưới của chiếc găng tay, cho dù nó ghét mùi da thuộc. Lần nào nó làm vậy cậu chủ cũng bật cười, cậu sẽ khum găng lại quanh đầu chú thú cưng của mình, giả đò đấu vật, và thế là cáo sẽ làm phân tán tư tưởng của cậu bé.
Nhưng hôm nay cậu bé lại nâng chú thú cưng lên, vùi mặt vào khoang cổ trắng muốt, ôm ghì lấy nó.
Lúc ấy chú cáo mới nhận ra rằng cậu chủ đang rấm rứt khóc. Nó xoay người lại xem xét nét mặt cậu cho chắc. Đúng rồi, đang khóc – mặc dù chẳng thành tiếng, điều mà cáo chưa từng thấy ở cậu. Đã lâu rồi cậu bé không rơi nước mắt, nhưng cáo có nhớ: nếu là trước đây cậu sẽ luôn kêu gào om sòm, như thể đòi hỏi rằng một sự vụ quá đỗi lạ lùng như thứ nước mằn mặn đang giàn giụa từ đôi mắt kia cần phải được quan tâm đúng mực.
Cáo liếm láp chỗ nước mắt, thế rồi càng bối rối tợn. Không thấy mùi máu. Nó vặn vẹo khỏi vòng tay cậu để kiểm tra kỹ hơn, lo sợ rằng có thể mình đã không phát hiện ra vết thương nào đó, mặc dù khứu giác của nó chưa bao giờ nhầm lẫn. Không, tuyệt nhiên chẳng máu me gì cả; đến một chỗ bầm tụ máu dưới da hay một vết nứt xương rò tủy sống, trước đây đã từng một lần như thế rồi, cũng không.
Xe tấp vào lề bên phải, làm xê dịch chiếc va li đặt cạnh hai đứa. Căn cứ vào mùi hương, chú cáo biết bên trong là quần áo của cậu bé, cùng những vật dụng trong phòng cậu thường dùng nhất: tấm hình đặt trên tủ com mốt và mấy món đồ giấu tít trong ngăn kéo dưới cùng. Nó cào cào vào góc, hòng cậy va li mở ra vừa đủ cho khứu giác kém nhạy của cậu bé có thể ngửi thấy những đồ vật yêu thích và an tâm trở lại. Nhưng ngay lúc ấy xe lại giảm tốc, lần này vừa lề rề vừa ầm ĩ. Cậu bé gục về phía trước, hai tay ôm lấy đầu.
Trái tim cáo đập mạnh hơn và túm lông đuôi lởm chởm của nó dựng ngược lên. Mùi kim loại khen khét từ bộ đồ mới của người cha bỏng rát nơi cuống họng. Nó lao tới chỗ cửa sổ cào lấy cào để. Đôi khi ở nhà cậu chủ sẽ nâng bức tường kính từa tựa vậy lên nếu nó làm thế. Bao giờ nó cũng sẽ thấy ổn hơn khi bức tường kính được nâng lên.
Thay vào đó, cậu bé lại kéo nó vào lòng và khẩn khoản nói chuyện với cha. Chú cáo đã học được ý nghĩa của rất nhiều từ ngữ loài người, và nó nghe thấy cậu đang dùng tới một trong số chúng: “KHÔNG.” Thường thường “không” sẽ gắn liền với một trong hai cái tên mà nó biết: tên nó và tên cậu chủ. Nó chú tâm nghe ngóng, nhưng hôm nay chỉ có độc tiếng “KHÔNG” được lặp đi lặp lại với cha, đầy van vỉ tha thiết.
Chiếc xe rung lên trước khi dừng hẳn và nghiêng sang phải, đám bụi mờ mịt cuộn lên đằng sau ô cửa kính. Người cha lại nhoài người về phía băng ghế, và sau khi nói gì đó với con trai bằng chất giọng ôn tồn không hề ăn rơ với cái mùi ẩn dưới gay gắt, ông tóm lấy gáy của chú cáo.
Cậu bé không phản đối, nên cáo cũng chẳng mảy may chống cự. Nó lửng lơ mềm lả và yếu ớt trong nắm tay người đàn ông, dẫu giờ đã phát khiếp lên muốn cắn càn. Hôm nay nó sẽ không làm phiền lòng hai vị chủ nhân. Người cha mở cửa xe và giẫm lên đám sỏi lẫn cỏ dại mọc lỗ chỗ để sải bước về bìa rừng, cậu bé cũng xuống xe và theo chân cha.
Người cha đặt chú cáo xuống đất, và cáo vọt khỏi tầm với của ông. Nó nhìn chằm chằm hai con người, bất ngờ nhận ra họ cao suýt soát nhau. Cậu chủ dạo này đã trổ giò lớn bổng.
Người cha chỉ tay về phía khu rừng. Cậu bé nhìn cha lâu thật lâu, nước mắt lại lã chã rơi. Đoạn cậu lấy cổ áo phông lau mặt và gật đầu. Cậu mò trong túi quần bò lấy ra một anh lính nhựa cũ mèm, món đồ chơi ưa thích của chú cáo.
Chú cáo hoạt bát hẳn, lên dây cót cho trò tủ. Cậu chủ sẽ ném món đồ chơi đi, và nó có nhiệm vụ lần theo dấu vết – một chiêu có vẻ lúc nào cũng vô cùng xuất chúng trong mắt cậu. Nó sẽ lùng bằng được món đồ và ngậm trong miệng chờ đến khi cậu bé tìm tới chỗ mình để nhận lại rồi một lần nữa thảy đi.
Và quả nhiên, cậu bé giơ cao chú lính đồ chơi rồi quăng nó vào rừng. Cáo thở phào – té ra chúng tới đây chỉ để chơi đùa mà thôi! – rồi đâm lơi là cảnh giác. Nó chạy vụt về phía lùm cây mà không ngoái lại nhìn chủ. Giả như có, thì nó sẽ trông thấy cậu bé vùng vằng với cha rồi đưa tay lên che mặt, và nó sẽ quay lại ngay. Bất kể điều cậu chủ đang cần là gì – sự bảo vệ, sự sao lãng, tình thương mến – nó sẽ trao cho cậu.
Song nó lại cắm đầu lao theo món đồ chơi. Công cuộc truy lùng có đôi chút khó nhằn hơn thường lệ, bởi trong rừng có hằng hà sa số những mùi hương khác, tươi mới rõ rệt hơn. Nhưng chỉ đôi chút thôi nhé – suy cho cùng thì món đồ chơi cũng có mùi cậu chủ mà. Thứ mùi hương ấy có ở đâu thì nó cũng tìm ra.
Chú lính đồ chơi nằm úp mặt chỗ gốc cây óc chó phình to, cứ như là chàng ta tuyệt vọng quá mà tự phi thân vậy. Khẩu súng trường của anh chàng, báng súng kè kè áp vào mặt, cắm lút cán trong đống lá rụng. Chú cáo hẩy cho thứ đồ chơi long ra, nhe răng ngoạm lấy, và ngồi xổm để cậu chủ đến kiếm mình.
Giữa khu rừng vắng lặng, chuyển động duy nhất là những luồng nắng lấp loáng qua vòm lá cây tựa thủy tinh màu xanh lục. Nó ngồi thẳng người hơn. Cậu chủ vẫn biệt tăm biệt tích. Nỗi lo lắng nhói lên như kim châm khiến chú cáo không khỏi rùng mình nơi sống lưng. Nó nhả món đồ chơi ra và cất tiếng sủa. Không hồi âm. Sủa thêm một tràng nữa, lại chỉ có thinh lặng đáp lời. Đây mà là một trò mới ấy à, thì nó không thích tẹo nào đâu nhé.
Nó ngoạm anh lính đồ chơi lên và bắt đầu mò lại đường theo dấu chân. Khi nó vừa rảo bước chạy ra khỏi rừng, phía trên đầu một con chim giẻ cùi trờ tới, rít lên inh tai. Cáo đứng sững lại, lòng phân vân lắm.
Cậu chủ đang đợi để chơi đùa. Nhưng chim kìa! Khi nằm trong chuồng, nó đã dành hàng giờ liền để dõi theo đám chim chóc, người run lên trước cảnh tượng lũ chim táo bạo chao liệng trên nền trời tựa những vệt chớp nó thường thấy vào những đêm mùa hạ. Những sải cánh tự do khoáng đạt mới mê hoặc lòng nó làm sao.
Từ phía rừng sâu vọng về tiếng hót của con chim giẻ cùi, nhưng lần này được đáp lại bằng một dàn đông ca âm thanh. Cáo ngần ngừ thêm đôi lát, liếc mắt về phía rặng cây mong thêm một lần được nhìn vệt màu xanh lơ lướt qua như mũi tên.
Thế rồi, đằng sau, nó nghe tiếng cửa xe đóng sập, rồi một tiểng nữa. Nó hộc tốc chạy, chẳng đoái hoài tới gai tầm xuân đang cứa vào hai bên má. Động cơ ô tô gầm lên như hồi sinh, và chú cáo phanh kít lại tại mé đường.
Cậu chủ kéo cửa kính xuống và đưa tay ra. Và khi chiếc xe phóng vèo đi làm sỏi bắn lên tung tóe, người cha gọi lớn tên cậu, “Peter!” còn cậu thì la thật to cái tên còn lại mà cáo biết.
“Pax ơi!”