Chết ở Venice là một cuốn sách quyến rũ đến bệnh hoạn. Ánh mắt của kẻ si tình, đã trở thành cái gương soi chiếu tuyệt đối của cái đẹp. Chàng thiếu niên trẻ tuổi hiện lên qua đôi mắt mê mẩn của Aschenbach thì trở nên tuyệt mỹ, không gì có thể cưỡng lại được. Đó không phải là thứ ái tình đơn thuần, và Mann ngay từ đầu cũng không chỉ viết về một câu chuyện tình yêu đơn phương tuyệt vọng.Mann đeo đuổi cậu bé niên thiếu xinh đẹp kia qua hết các đường phố ổ Venice, cũng để ngắm vẻ xinh đẹp như thiên thần của cậu. Từng chi tiết, đường nét trên khuôn mặt, thân thể cậu đều được nhìn ra bằng ánh mắt mê mụ kỳ lạ. Chỉ có cái tình của một nghệ sĩ đắm đuối cái đẹp mới có thể nhìn thấy và nâng niu từng chút từng chút đẹp đẽ đến như thế. Và đoạn cuối của cuộc hành trình, với cái chết lặng lẽ của Aschenbach, Chết ở Venice đã đạt đến sự tuyệt hảo của câu chuyện, lúc người nghệ sĩ hoàn toàn quy phục cái đẹp, bước vào của sự dấn thân vào mê đắm, con người không thể nào thoát ra được, chỉ có cái chết mới là tận cùng. Cái kết đỉnh cao này, dễ khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của người đàn ông trong Tiếng cười trong bóng tối của Nabokov, khi đã đi đến tận cùng của si mê và cám dỗ.Ở cuốn sách mỏng này, người đọc có thể dễ dàng nhận ra cái chất đặc biệt của Mann, ấy là sự suy nghiệm đậm chất triết lý, với những quan điểm rõ ràng về nghệ thuật bằng lòng tôn sùng cái đẹp. Mann coi cái đẹp là nguồn cơn của sáng tạo, và vì thế cả đời mải miết đi tìm cái cùng sâu bản nguyên của cái đẹp. Ở kiệt tác đầu tay, Gia đình Buddenbrooks, là cái đẹp của sự những hào quang tàn lụi. Tới Núi thần lại là cái đẹp tuyệt đỉnh cô quạnh của thiên nhiên xa vắng, và lòng người mênh mang. Còn với Chết ở Venice, bên cạnh thành phố Venice xinh đẹp như hư ảo, chính Mann đã tìm ra cái con đường để phá hủy của những vòng vây triết lý khô cứng, nguyên tắc, để khai phá tận cùng bản năng thấm nhuần cái đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ.Chết ở Venice được xuất bản lần đầu vào năm 1912, cùng thời gian đó, ông bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đồ sộ Núi thần. Hai cuốn sách này có nhiều điểm khá tương đồng, dù xét về mặt ngôn ngữ, Núi thần đưa lại cảm giác tươi sáng dễ chịu hơn, và những suy niệm về tình yêu, lòng ham muốn nhục dục cũng như cái chết đều được miêu tả rõ ràng, chi tiết hơn, khác với sự dồn nén, ngột ngạt cực độ mà tác phẩm mang lại. Nếu nhà văn Aschenbach vì cuồng si cậu bé Tadzio mà ở lại Venice, thì chàng trai Hans Castorp cũng vì ham muốn một thiếu phụ người Nga mà ở lại núi thần. Đặc biệt, trong cả hai cuốn sách, Mann đều chọn những nơi có bối cảnh tuyệt đẹp để kể câu chuyện của mình, ấy cũng được xem là cái duy mỹ vô cùng của nhà văn. Núi thần hoàn thành sau Chết ở Venice hơn chục năm với nhiều lần sửa chữa, bỏ dở. Thomas Mann được trao giải Nobel năm 1929.***Paul Thomas Mann là nhà văn Đức đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1929 và Giải Goethe năm 1949. Ông được coi là nhà văn lớn nhất của Đức thế kỷ 20.
Thomas Mann sinh ở Lübeck, Đức, là con trai thứ hai của Thomas Johann Heinrich Mann (thương gia và thành viên Hội đồng thành phố), và Júlia da Silva Bruhns (một người Brasil sang Đức năm lên 7 tuổi). Thomas có anh trai tên là Heinrich, cũng là một nhà văn nổi tiếng, một em trai và hai em gái. Thời nhỏ gia đình Mann sống sung túc, các con được học hành đến nới đến chốn. Năm 1891, cha Thomas Mann mất vì bệnh ung thư. Theo di chúc của cha ông, gia đình bán công ty và nhà ở Lübeck, mẹ ông và các con chỉ sống bằng tiền gửi tiết kiệm. Từ đây cả gia đình chuyển đến sống ở München – một trung tâm văn hóa và tri thức của nước Đức. Năm 19 tuổi Thomas Mann đã bắt đầu viết báo nhưng luôn mơ ước trở thành nhà văn như anh trai mình. Những truyện ngắn đầu tiên của ông in trong tập Der kleine Herr Friedemann (Ngài Friedemann bé nhỏ) xuất bản năm 1898. Năm 1901, Mann xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Buddenbrooks – Verfall einer Familie (Gia đình Buddenbrooks) – kể về sự suy sụp của một gia đình ba đời buôn bán ở Lübeck trong bối cảnh cạnh tranh của chủ nghĩa đế quốc. Bộ tiểu thuyết đặc sắc này đã mang lại cho ông giải Nobel năm 1929.
Thomas Mann là nhà văn có tư tưởng nhân đạo dân chủ tư sản, chống phát xít, đại diện cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc Đức. Ông tập trung miêu tả quá trình suy sụp của giai cấp tư sản với một ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lý, đi sâu vào các khía cạnh bệnh hoạn, cái phù du và cái chết. Văn của Mann chính xác, từ ngữ gọt giũa kĩ lưỡng, đòi hỏi người đọc phải tập trung suy nghĩ, ông dùng nhiều từ ngữ nước ngoài, sử dụng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học.
T
HOMAS MANN (1875 – 1955) là văn hào Đức nổi tiếng đầu thế kỷ XX với bút pháp hiện thực sinh động, ẩn giấu nụ cười mỉa mai thâm thúy.Mùa hè năm 1911 Thomas Mann đến nghỉ mát ít ngày trên hòn đảo Lido thuộc Venice, và một loạt sự kiện cùng ấn tượng ở đó đã tạo cảm hứng cho nhà văn sáng tác truyện dài này. Đầu tiên chỉ là một ý tưởng hoàn toàn ngẫu húng, nhưng rồi câu chuyện tự nó có sức sống riêng, tự nó phát triển theo Logich của riêng mình để dẫn đến một kết cục tất yếu. Cũng như đa số các tác phẩm của Thomas Mann, Chết ở Venice không phải là một cốt truyện hoàn toàn hư cấu: gã lái đò gondola kỳ quái, cậu bé Tadzio và cả gia đình, chuyến đi không thành vì hành lý bị thất lạc, trận dịch tả, anh nhân viên văn phòng du lịch thật thà, tay nghệ sĩ hát rong hung ác -tất cả đều có thật ngoài đời, nhà văn chỉ cần đặt vào trong tác phẩm. Cả nhân vật chính Aschenbach cũng có hình mẫu thực, trong bài nói chuyện On Myself đọc trước sinh viên trường đại học Princeton ở Mỹ năm 1940 tác giả đã thú nhận, ban đầu ông dự định viết khác hẳn. Ông muốn viết về mối tình muộn màng Goethe (1749 -1832) dành cho cô Ulrike von Levetzow, khai thác đề tài một vĩ nhân khi về già sa ngã vì tình yêu với một cô gái trẻ. Nhưng rồi ông chưa dám đụng đến thần tượng Goethe vì sợ mình không đủ sức. Vậy nên ông đã dựng lên nhân vật chính là một nhà văn hiện đại, một nghệ sĩ nhạy cảm, tiêu biểu cho đạo đức và đạt đến vinh quang nhờ lao động. Tướng mạo bề ngoài của Gustav von Aschenbach ông mượn của Gustav Mahler (1860 -1911), một nhạc sĩ lớn người Áo khi ấy vừa từ chuyến lưu diễn Mỹ trở về và đang lâm bệnh nặng. Chủ đề chính của ông vẫn là sức công phá mãnh liệt của tình yêu, khi mù quáng lao theo dục vọng đã hủy diệt cả một cuộc đời nền nếp, một sự nghiệp tưởng chừng vững như bàn thạch. Câu chuyện được kể với nhiều ẩn dụ, giàu hình ảnh và tính nhạc, kết cấu rành mạch với năm chương sách như năm màn của một vở bi kịch cổ điển: chương một dẫn dắt vào đề, chương hai giới thiệu nhân vật chính; chương ba giới thiệu bối cảnh xảy ra sự việc, chương bốn diễn biến sự việc và chương năm đạt đến cao trào với kết cục bi thương. Tác giả cho ta làm quen với một Aschenbach đạo cao đức trọng, đã đạt tới tột đỉnh vinh quang, có những sáng tác “chính thống” và “mô phạm” được đưa vào sách giáo khoa để giáo dục thanh thiếu niên. Ngôn ngữ trang trọng với “phong cách bậc thầy” được nhấn mạnh một cách cố ý, để sau đó dần dần càng làm nổi bật từng bước sa ngã của Aschenbach, đánh mất phẩm giá, trở nên lố bịch và vô liêm sỉ. Chắc chắn tác giả có nhiều mối tương đồng với nhân vật chính, tiểu sử Thomas Mann có rất nhiều điểm trùng hợp với cuộc đời Aschenbach, nội dung tác phẩm cũng là mối ưu tư của tác giả, diễn giải nội tâm Aschenbach cũng là cách ông giải quyết xung đột giữa tư tưởng thị dân tiểu tư sản và nhân sinh quan nghệ thuật của chính mình. Nhưng Thomas mann không phải là Aschenbach. Có một điều khác biệt căn bản, mấu chốt của vấn đề, đó là sau mấy ngày nghỉ ngơi trên đảo Lido. Thomas Mannđã trở về với công việc sáng tác, với “cuộc vật lộn hằng ngày”. Ông chỉ để trí tưởng tượng tiếp tục bay bổng tìm cách trả lời câu hỏi, nếu nhà văn buông thả theo cảm xúc, lơ là nghĩa vụ và trách nhiệm, thì kết cục sẽ ra sao? Ông nhìn thấy kết cục thảm hại của Aschenbach, ông biết cách giữ mình không để rơi vào kết cục như thế, nhưng lòng ông vẫn day dứt không yên vì ông biết mình đã phải đánhnh đổi những gì.Như vậy Chết ở Venice là sự tiếp nối những tác phẩm trước của Thomas Mann, cũng như Hanno trong Gia đình Buddenbrook (1901), Spinell trong Tristan (1903) và Tonio Kröger trong tác phẩm cùng tên (1903), nhân vật Aschenbach bị giằng xé trong mối xung đột nội tâm giữa nghệ thuật và cuộc sống. Bằng những hình tượng này, Thomas Mann đã đưa cuộc đời nghệ sĩ của mình ra mổ xẻ, cuộc đời “một thường dân lạc lối vào nghệ thuật, một lãng tử giang hồ luôn hoài vọng mái ấm gia đình, một nghệ sĩ không ngừng bị lương tâm cắn rức”, như nhân vật Tonio Kröger của ông tự nhận. Bây giờ xin mời độc giả lần tìm vào những ngõ ngách nội tâm của nhà văn Aschenbach, ở nhiều khá cạnh cũng là của chính Thomas Mann…Hannover, tháng Giêng 2012 Nguyễn Hồng Vân
Mời các bạn đón đọc Chết ở Venice của tác giả Thomas Mann.