Cuốn sách “Chiếc Ghế Người” của Edogawa Ranpo, dưới bản dịch của Miulan, là một tác phẩm kinh dị xuất sắc mà trong đó, cái ác được thể hiện thông qua những hành động và suy nghĩ tưởng chừng bình thường nhất của con người. Ranpo khám phá sâu sắc vào những góc khuất của tâm hồn con người, nơi ẩn chứa nỗi sợ hãi, ám ảnh và điên cuồng. Cốt truyện xoay quanh một thợ làm ghế, người tạo ra một chiếc sofa với bí mật kinh hoàng: nó được thiết kế để anh ta có thể ẩn mình bên trong và sống một cuộc đời bí mật, đồng thời thực hiện những hành động trộm cắp.
Tác phẩm này mang đến một cái nhìn sâu sắc về sự phản chiếu của con người qua các đối tượng vô tri, nơi mà niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật biến thành ám ảnh mất trí. Ranpo nhấn mạnh rằng những điều kinh hoàng nhất không đến từ thế giới siêu nhiên hay quái vật, mà chính là từ con người và tâm trí của họ.
Sự pha trộn giữa thực tế và tưởng tượng trong “Chiếc Ghế Người” khiến độc giả liên tục đặt câu hỏi về sự phân biệt giữa hai thế giới này. Ranpo không chỉ kể một câu chuyện kinh dị mà còn tạo ra một tác phẩm phản ánh về bản chất của nghệ thuật và tác giả. Qua đó, tác phẩm không chỉ là một truyện kinh dị thông thường mà còn là một bình luận sâu sắc về sự sáng tạo và sự điên rồ liên quan đến nó.
Bản dịch tinh tế của Miulan giữ được nguyên vẹn không chỉ nội dung mà còn cả tinh thần của tác phẩm gốc. Điều này mang đến cho độc giả Việt Nam một cái nhìn chân thực và sống động về tác phẩm kinh điển này của văn học Nhật Bản.
Đọc cuốn truyện, đọc giả sẽ lần lượt trải qua 10 chương với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bao gồm
- Truyện Số 1: Một Tấm Vé Thưởng
- Truyện Số 2: Căn Phòng Đỏ
- Truyện Số 3: Hai Phế Nhân
- Truyện Số 4: Chiếc Ghế Người
- Truyện Số 5: Địa Ngục Của Những Chiếc Gương
- Truyện Số 6: Sâu Bướm
- Truyện Số 7: Người Đàn Ông Ngao Du Cùng Bức Tranh Vải
- Truyện Số 8: Tình Yêu Cuồng Dại
- Truyện Số 9: Tội Ác Kì Lạ Của Bác Sĩ Mera
- Truyện Số 10: Kẻ Dạo Chơi Trên Gác Mái
Tóm lại, “Chiếc Ghế Người” là một tác phẩm đáng đọc cho những ai yêu thích thể loại kinh dị, cũng như muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về bản chất con người và khả năng sáng tạo đôi khi đi đến những cực đoan. Ranpo qua tác phẩm này đã chứng minh mình không chỉ là một nhà văn kinh dị mà còn là một nhà tư tưởng, khám phá những khía cạnh tối tăm nhất của tâm hồn con người. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Chiếc Ghế Người của tác giả Edogawa Ranpo
—-
TRUYỆN SỐ 1 MỘT TẤM VÉ THƯỢNG
Không, tôi cũng biết đôi chút. Chuyện đó quả nhiên là một bí ẩn dạo gần đây. Người ta thêu dệt đủ thứ từ đầu đến cuối. Nhưng chắc không ai rõ bằng cậu đâu. Cậu có thể tiết lộ với tôi đôi chút được không?”
Nói rồi, một cậu trai lịch thiệp, bảnh bao đưa lên miệng miếng thịt đẫm máu đỏ hồng.
“Ừm, vậy thì tôi sẽ kể một chuyện thôi nhé. Này, bồi bàn, cho tôi thêm một cốc bia nữa.”
Một thanh niên khác có vẻ ngoài trông khá chỉn chu nhưng mái tóc dài xõa ra một cách ngớ ngẩn. Anh ta bắt đầu kể chuyện.
“Chuyện xảy ra vào thời Đại Chính ngày 10 tháng 10, lúc bốn giờ sáng, địa điểm là đoạn đường sắt phía sau nhà của tiến sĩ Tomita, cuối thị trấn A. Đây chính là nơi diễn ra câu chuyện. Lúc bấy giờ đang là mùa đông (à không cũng có thể là mùa thu, nhưng mùa nào thì cũng không quan trọng lắm), trời vẫn còn nhá nhem tối, đoàn tàu số hiệu xxx đang lao vút tới. Đột nhiên, không biết vì lý do gì, một hồi còi báo động hú lên inh ỏi, ngay lập tức đoàn tàu phanh gấp lại và dừng đột ngột bởi một lực tác động vô cùng lớn. Nhưng do một chút sai sót trước khi tàu dừng hẳn, một người phụ nữ đã bị cán chết. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh đó. Lần đầu tiên trong đời tôi trông thấy cảnh tượng kinh khủng đến vậy.
Đó là vợ của ông tiến sĩ. Nghe tin cấp báo, một đám người không biết từ đâu chạy lại, toàn những kẻ hiếu kì. Một người trong số họ đã tức tốc chạy đến nhà tiến sĩ để báo tin. Ngay lập tức, ông tiến sĩ trong bộ dạng hốt hoảng lao ngay đến cùng người nhà. Như cậu cũng đã biết, tôi đã có mặt trong đám đông láo nháo đó bởi vì tôi có thói quen đi dạo vào sáng sớm, và tình cờ có mặt tại hiện trường khi tới khu phố A chơi. Thế rồi họ bắt đầu khám nghiệm tử thi. Một người đàn ông, hình như là bác sĩ pháp y tới kiểm tra tình trạng chấn thương. Sau khi hoàn tất các thủ tục, thi thể nhanh chóng được khiêng về nhà của tiến sĩ. Trong con mắt của những kẻ không liên quan thì sự việc gây chấn động đó có vẻ đã lắng xuống.
Đó là tất cả những gì tôi chứng kiến. Đoạn sau là do tôi tổng hợp lại các bài viết đăng trên báo, cộng với trí tưởng tượng của tôi. Cậu hãy nhớ cho điều đó. Trở lại câu chuyện, theo như những gì tay bác sĩ pháp y quan sát, nguyên nhân rõ ràng là tử vong do bị tàu cán, phần đùi bên phải bị cắt đứt lìa khỏi thân. Một bức thư rơi ra từ trong túi áo của người chết giải thích lý do tại sao lại ra cơ sự này. Bức thư của người vợ gửi cho ông tiến sĩ, trong đó có đoạn viết vì không thể chịu nổi sự đau đớn do căn bệnh lao phổi quái ác hành hạ trong nhiều năm trời và vì không muốn làm phiền mọi người xung quanh nên tôi đã quyết định tự tử. Sơ sơ là như vậy. Chuyện như này thực ra cũng không phải hiếm. Nếu như ở đây, không xuất hiện một vị thám tử lừng danh thì câu chuyện đã đi đến hồi kết, vụ tự sát do áp lực bệnh tật của phu nhân tiến sĩ sẽ chỉ dừng lại là một mẩu tin nhỏ nằm ở một góc của tờ báo chuyên đăng tải những tin tức giật gân mà thôi. Nhưng nhờ có vị thám tử tài ba nên chúng ta mới có chuyện hay để kể ở đây.
Người đó là Kuroda Kiyotaro, viên cảnh sát hình sự được báo chí hết lời ngợi khen, một gã đàn ông rất dị ngày nào cũng đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Ông ta bò xuống như một chú chó trong mấy cuốn tiểu thuyết trinh thám được dịch ra từ tiếng nước ngoài, hít hít ngửi ngửi khắp hiện trường. Sau đó, ông ta vào dinh thự của tiến sĩ, chất vấn chủ nhân cũng như người ở rất nhiều câu hỏi. Thậm chí, ông ta còn cầm kính lúp, sục sạo khắp các phòng không chừa bất cứ ngóc ngách nào dù là nhỏ nhất. Cậu cứ nghĩ là ông ta đang tiến hành các nghiệp vụ thám tử mới đi. Tay thám tử đã đứng trước mặt cấp trên và nói: ‘Chúng ta cần phải điều tra thêm một chút nữa.’ Những người có mặt ở đó không khỏi ngạc nhiên, cả căn phòng nhao nhao lên. Tử thi được đem đi giải phẫu theo lệnh của sĩ quan trưởng. Tại bệnh viện của trường đại học, ca giải phẫu được tiến hành bởi các bác sĩ đầu ngành. Và kết quả không nằm ngoài suy luận của thám tử lừng danh Kuroda. Nạn nhân có dấu hiệu sử dụng một loại độc dược trước khi bị tàu cán chết bởi. Tức là, vị phu nhân đã bị kẻ nào đó sát hại, sau đó hắn mang cái xác đặt trên đường ray và tạo dựng hiện trường giả cho giống với một vụ tự sát. Quả là một vụ giết người đáng sợ. Báo chỉ lúc đó đã giật tít Kẻ thủ ác là ai? nhằm khơi dậy sự tò mò của chúng ta. Vì thế, thám tử Kuroda đã bị công tố viên triệu tập, yêu cầu truy tìm chứng cứ phạm tội.
Chứng cứ mà ông thám tử đưa ra, thứ nhất là một đôi giày đế thấp, thứ hai là những mẫu dấu chân thu được tại hiện trường lấy được từ vữa trắng, thứ ba là vài tờ giấy nhàu nhĩ đã qua sử dụng. Có chút thi vị nhỉ? Với ba bằng chứng phạm tội này, người đàn ông đã kết luận, phu nhân của vị tiến sĩ không tự sát mà đã bị giết hại. Và kẻ gây án không ai khác chính là tiến sĩ Tomita. Cậu thấy thế nào? Thú vị đấy chứ?”
Gã thanh niên trẻ nhìn đối phương và nhếch miệng cười ranh mãnh. Cậu ta rút từ trong túi áo ra một hộp thuốc lá bằng bạc, khéo léo lấy một điếu và gập nắp lại đánh “cách”.
“Đúng thế!” Cậu thanh niên còn lại châm lửa cho bạn và nói tiếp. “Đến chỗ đó thì tớ cũng biết sơ sơ. Nhưng tớ muốn cậu nói cho nghe bằng cách nào mà cái tay Kuroda đó lại phát hiện được tên giết người ấy.”
“Câu chuyện trinh thám rất hay phải không? Theo như những gì tay Kuroda đó giải thích thì thứ khiến ông ấy nghi ngờ có kẻ khác nhúng tay vào là việc có rất ít máu chảy ra từ miệng vết thương của người chết. Ông ta đã ghé tai nói nhỏ với bác sĩ pháp y. Một chi tiết cực kì nhỏ nhặt. Về điều này thì cũng có một vụ, người mẹ già đã bị giết ở một thị trấn nọ vào năm Đại Chính, không rõ cụ thể ngày tháng năm nào, chỉ biết là sự việc xảy ra cách đây đã rất lâu. Điều cốt lõi của thuật trinh thám là càng nghi ngờ càng tốt. Với mỗi nghi ngờ, ta không được phép chủ quan mà phải điều tra thật kĩ lưỡng, tỉ mỉ từng điểm nghi vấn một. Vị thám tử này cũng nằm lòng bài học đó. Ông ta đã thử đặt ra một giả thuyết. Một kẻ nào đó, có thể là đàn ông hoặc phụ nữ, đã ép vị phu nhân này uống thuốc độc. Sau đó hắn đã mang thi thể của nạn nhân tới đường tàu và chờ cho đoàn tàu lăn bánh qua sẽ nghiến nát mọi thứ. Nếu giả thuyết này là đúng thì chắc chắn vẫn còn sót lại dấu vết nào đó của việc di chuyển cái xác tới đường tàu. Ông ta đã suy luận như vậy đấy. Mà số ông ta cũng hên. Trời mưa liên tục cho tới trước đêm xảy ra vụ giết người, những dấu chân hằn rõ trên mặt đất. Hơn nữa, quãng thời gian từ lúc tạnh mưa khoảng nửa đêm hôm trước đến hơn ba rưỡi sáng, có rất nhiều dấu chân gần hiện trường. Vì vậy, tay thám tử mới bắt đầu bò xuống hít hít ngửi ngửi như một chú chó, như tôi đã nói ban nãy. Ta cùng phác họa sơ đồ hiện trường một chút xem sao nhé.” Nói đoạn, Souda, người thanh niên trong vai trò là người kể chuyện, rút từ trong túi áo ra một quyển sổ nhỏ, và bắt đầu vẽ phác qua sơ đồ bằng một cây bút chì.
“Đường tàu hỏa hơi nhô cao hơn so với mặt đất, hai bên đều dốc, một bên đường ray cỏ mọc um tùm. Có một bãi đất trống rất rộng nối giữa đường tàu với cửa sau dinh thự nhà tiến sĩ Tomita, đúng rồi, nó phải rộng cỡ một cái sân tennis. Dấu chân in lên ở chỗ đó, phía bên kia đường ray – tức là phía đối diện với dinh thự của tiến sĩ – là một cánh đồng lúa rộng bao la, ta còn nhìn thấy ống khói của một nhà máy nào đó phía xa nữa. Tách biệt với thị trấn… trải dài theo hướng tây đông, dinh thự của tiến sĩ là một dãy các ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc cổ châu Âu nằm ở rìa phía tây, dãy nhà đó gần như nằm song song với đường tàu, ngôi nhà vẫn luôn có người sinh sống và ra vào. Và ngài thám tử của chúng ta, đã bò rạp xuống tìm kiếm khắp khu đất trống phía trước ngôi nhà và đường tàu. Thứ mà ông ta đánh hơi được là hàng chục dấu chân ngược xuôi xuất hiện ở đó. Thoạt nhìn thì không thể phân biệt được vì có vô số những dấu chân và chúng tập trung nhiều quanh khu vực xác chết nhưng sau khi xem xét kĩ lưỡng, Kuroda phát hiện ra có các kiểu dấu chân như dấu chân xỏ tất, dấu chân đi guốc mộc, dấu giày… Khi mang những kiểu dấu chân này so sánh với chân những người có mặt ở hiện trường thì ông ta thấy thừa ra một. Tức là có một dấu chân không xác định. Chưa hết, nó còn là dấu giày. Vào sáng sớm, không một ai trong đám người bọn họ đi giày. Có điểm gì đó hơi kì lạ. Sau khi điều tra thêm thì ông ta phát hiện, dấu chân đáng ngờ đó từ nhà bác sĩ đi ra.”
“Cậu cứ như maxó ấy nhỉ, cái gì cũng biết.” Matsumura, cậu thanh niên đang nghe bạn kể chuyện liền nói chen vào.
“Ồ không, về điểm này tôi thua mấy tờ báo lá cải nhiều lắm. Cứ hễ xảy ra những vụ án kiểu này, bọn họ sẽ tập trung đăng tải dài kỳ để thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều này đôi khi cũng rất hữu ích. Lần này, thám tử tiếp tục điều tra những dấu chân đi qua đi lại giữa nhà của tiến sĩ và nơi phát hiện ra tử thi thì ông ta thu được bốn loại dấu chân. Thứ nhất đó là dấu chân khả nghi không biết của ai mà tôi nói lúc nãy, thứ hai là dấu chân xỏ tất chạy tới hiện trường vụ án của tiến sĩ, thứ ba và thứ tư là dấu chân của người ở nhà tiến sĩ, chỉ có bốn loại đó, không tìm thấy dấu chân của nạn nhân đi bộ đến đường tàu. Nếu có dấu chân của nạn nhân thì hẳn nó phải là dấu chân xỏ tất tabi với kích thước chân vào loại nhỏ, nhưng không tìm thấy nó ở bất kì đâu. Thế là, thám tử Kuroda đưa ra kết luận, hoặc là nạn nhân đã xỏ vào giày của đàn ông và đi ra đường tàu, nếu không thì một kẻ nào đó có dấu chân phù hợp với bốn loại trên đã vác phu nhân đến đường tàu. Đương nhiên, khả năng đầu tiên không thể xảy ra. Vậy thì không còn chối cãi gì nữa, chắc chắn chỉ có thể là khả năng thứ hai. Dấu chân đó có một điểm hết sức kì lạ. Phần gót của nó hằn sâu lên mặt đất bất thường, chứng tỏ người mang nó đã phải vác theo một vật rất nặng. Sức nặng của món đồ đó làm gót chân cắm sâu xuống đất. Thám tử Kuroda đã rất tự đắc khoe trên báo lá cải chi tiết này. Ông ta đã nói nhiều lắm, trình bày chủ yếu những phương pháp điều tra để có thể nhận biết đâu là dấu chân của con người – thứ chỉ cho chúng ta biết rất nhiều điều. Dấu chân như thế này là của kẻ tàn tật, dấu chân như thế này là của kẻ mù lòa, còn dấu chân như thế này là của phụ nữ có thai.
Nếu quan tâm thì cậu hãy thử tìm đọc mấy tờ báo lá cải số ra trước đó.
Nếu kể hết thì sẽ dài lắm nên tôi sẽ bỏ qua một số tiểu tiết. Từ dấu chân nói trên, thám tử Kuroda đã phải rất vất vả điều tra mới cho ra được kết quả. Ông ta đã phát hiện ra một đôi giày đế thấp có chiều dài vừa khít với dấu giày nghi vấn. Nó được tìm thấy ở tận dưới bậc thềm trong nhà của tiến sĩ. Thật không may, nó lại chính là đôi giày mà vị học giả nổi tiếng vẫn hay dùng. Qua lời khai của người ở trong nhà, thám tử Kuroda đã biết được điều này. Còn rất nhiều những chứng cứ vụn vặt khác. Phòng của người ở nằm khá xa phòng của vợ chồng tiến sĩ, vào đêm xảy ra vụ án mạng, hai người hầu gái đều ngủ rất say. Họ không hề hay biết gì về việc xảy ra trong đêm hôm đó cho tới khi tỉnh giấc vì những tiếng ồn ào vào sáng sớm. Ông tiến sĩ, thật hiếm là đêm đó ông ta lại có mặt ở nhà. Hơn thế nữa, những uẩn khúc trong gia cảnh nhà tiến sĩ cũng như một sự làm chứng cho dấu giày. Uẩn khúc đó, chắc cậu cũng đã biết, tiến sĩ Tomita là con rể của cố bác sĩ Tomita. Tức là, tiến sĩ Tomita đi ở rể và đã kết hôn với phu nhân, vốn là một người con gái ích kỷ lại mắc phải căn bệnh lao phổi quái ác, khuôn mặt chẳng bao giờ lộ chút biểu cảm và càng ngày càng trở lên vô cùng điên loạn. Có lẽ không ít người sẽ tưởng tượng ra một mối quan hệ vợ chồng nhàm chán hình thành giữa họ. Quả thực là tiến sĩ đã bí mật xây nhà cho một geisha mà ông ta yêu mê mệt. Nhưng với tôi, tôi không nghĩ việc làm này ảnh hưởng đến giá trị của ông ta. Vì thế, bà vợ vốn đã điên loạn càng điên loạn hơn và thường xuyên nổi cơn thịnh nộ với chồng. Về phần tiến sĩ cũng vậy. Có lẽ mối quan hệ nhàm chán này đã vượt quá sức chịu đựng của mình nên ông ta mới gây ra thảm kịch đó. Lập luận đến đây đã khá là logic.
Nhưng còn một nghi vấn nữa chưa được làm sáng tỏ. Đó là bức thư rơi ra từ túi áo của nạn nhân như tôi đã kể ban đầu. Sau khi xem xét rất kĩ thì đó chính xác là chữ viết của phu nhân. Tại sao bà ta có thể viết ra những lời không đúng với lòng mình như vậy? Đó là một thách thức đối với thám tử Kuroda. Ông ta cũng nói để tìm ra chân tướng sự việc cần không ít thời gian. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng ông ta cũng tìm thấy chúng. Đó là những tờ giấy nhàu nhĩ mà tiến sĩ đã dùng chúng để bắt chước chữ của vợ mình. Trong đống giấy đó có một bức thư được gửi cho tiến sĩ khi ông ta đi du lịch. Ông ta đã lấy đó làm mẫu và bắt chước viết y chang. Thủ đoạn hết sức tinh vi. Thám tử đã tìm thấy chúng trong thùng rác ở phòng làm việc của tiến sĩ.
Vậy, kết luận là như thế này. Ông tiến sĩ đã quyết định ra tay với vợ mình, kẻ mắc chứng điên loạn không thuốc chữa đồng thời là cái gai trong mắt, là kẻ cản trở tình yêu vụng trộm của ông ta. Không những thế, ông ta còn lên sẵn một kế hoạch vô cùng kĩ lưỡng để hành động mà không làm tổn hại đến thanh danh của mình. Ông ta đã cho vợ uống thuốc, nhưng thực chất lại là một liều thuốc độc. Sau khi thành công, ông ta liền bế vợ lên, xỏ chân vào đôi giày để thấp nọ rồi đặt bà ta vào đường ray ở gần đó từ cửa sau. Ông ta còn cẩn thận nhét vào túi áo nạn nhân bức thư thay cho lời trăn trối. Khi cái xác được phát hiện, kẻ giết người táo bạo còn cả gan chạy lại hiện trường với khuôn mặt không giấu nổi sự ngạc nhiên. Toàn bộ câu chuyện là như vậy. Nhưng tại sao tiến sĩ không li hôn với vợ mà lại chọn cách nguy hiểm này nhỉ? Rất nhiều phóng viên đã đưa ra những suy luận riêng của họ, trong đó một tờ báo đã đưa ra lời giải thích như sau. Thứ nhất, vì tình nghĩa đối với người bố vợ quá cố nên ông ta phải ra tay theo cách đó để tránh những chỉ trích từ dư luận. Lý do thứ hai, cũng có thể là lý do chính dẫn đến việc tiến sĩ ra tay giết người một cách dã man, đó là vì người vợ được thừa hưởng một phần tài sản do cha mẹ để lại.
Vậy là thám tử Kuroda đã vạch trần được tội ác của tiến sĩ, tên tuổi của anh ta nổi như cồn. Mấy tay nhà báo tự nhiên thu hoạch được cả mớ tin để khai thác đến bất tận trong khi giới học thuật được một phen lao đao vì bê bối. Như cậu đã nói thì thiên hạ vẫn chưa ngưng bàn tán về vụ việc này. Bởi vì vụ án cũng có đôi chút kịch tính đó mà.”
Kể xong câu chuyện, Souda uống cạn cốc bia trước mặt mình.
“Cậu nói là thích khám phá hiện trường nhưng cũng tìm hiểu đáng kể đấy chứ nhỉ. Nhưng cái tay Kuroda đó, hắn đúng là một người thông minh và không có vẻ gì giống một sĩ quan cảnh sát nhỉ.”
“Ừ thì, ông ta cũng là một kiểu tiểu thuyết gia.”
“Ồ, ở mà cũng phải. Một tiểu thuyết gia lỗi lạc. Thậm chí có thể nói ông ta đã tạo ra thứ còn hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết ấy chứ.”
“Nhưng tôi lại nghĩ ông ta cũng chỉ là một tiểu thuyết gia không hơn mà thôi.”
Nói đoạn, Souda đưa tay vào túi áo gi-lê, vừa như tìm thứ gì đó. Cậu ta lại nhếch miệng cười một cách mỉa mai. “Ý câu là sao?”
Matsumura chớp chớp mắt hỏi trong làn khói thuốc lá. “Kuroda có thể là tiểu thuyết gia nhưng ông ta lại không phải một thám tử đâu.”
“Tại sao?”
Matsumura rất ngạc nhiên. Có thứ hay ho rồi. Cậu ta nhìn vào mắt Souda như thể chờ đợi một sự bất ngờ. Souda rút từ trong túi áo ngực ra một mẩu giấy nhỏ và đặt nó lên trên bàn.
“Cậu biết thứ này là gì không?”
Souda nói.
“Thứ đó thì sao cơ? Nó chẳng phải là một tấm vé của thương hội PL ư?”
Matsumura hỏi lại với vẻ mặt khó hiểu.
“Chính xác. Đây là tấm vé bốn mươi xu cho thuê gối trên toa hạng ba tàu tốc hành. Tình cờ tôi đã nhặt được nó ở hiện trường xảy ra án mạng. Tôi sẽ dùng nó để khẳng định sự vô tội của tiến sĩ.”
“Cậu nói cái gì ngớ ngẩn vậy? Cậu đùa đúng không?” Matsumura hỏi bằng giọng bản tín bán nghi, như thể cậu ta cũng không dám phủ định hoàn toàn.
“Bất kể bằng chứng là gì thì tiến sĩ vẫn vô tội. Bởi vì tiến sĩ Tomita là một học giả nên kể cả vợ ông ta có là một người phụ nữ cuồng loạn đi chăng nữa thì thế giới này… Phải rồi, tiến sĩ là người của thế giới. Người như ông ấy, thế gian này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một kẻ phải điện rồ tới mức nào mới muốn tự chôn mình khỏi thế giới này chứ? Matsumura này, thực ra, tôi có chuyến tàu vào lúc một giờ rưỡi hôm nay. Tôi định tới nhà tiến sĩ Tomita và muốn hỏi người nhà ông ấy một chút chuyện.”
Nói đoạn, Souda khẽ liếc xuống chiếc đồng hồ, cậu ta với lấy giấy ăn lau tay rồi đứng dậy.
“Cũng có thể tiến sĩ sẽ tự biện minh được cho chính mình hoặc những luật sư ủng hộ tiến sĩ sẽ biện hộ cho ông ấy. Nhưng chứng cứ tôi đang nắm trong tay lúc này thì không một ai có. Chắc cậu rất muốn tôi nói rõ vì sao tôi có thể khẳng định chắc nịch như vậy. Nhưng hãy đợi đấy. Mọi chuyện chưa thể kết thúc khi tôi còn chưa làm sáng tỏ điều này. Vẫn còn một chút lỗ hổng trong lập luận của tôi. Tôi phải lấp đầy lỗ hổng đó nên xin thất lễ với cậu một chút, tôi sẽ đi và quay lại. Này anh bồi bàn, hãy chuẩn bị ô tô cho tôi. Thế nhé, hẹn gặp cậu vào ngày mai.”
HẠ
Hôm sau, tại thành phố A, trên tờ nhật báo số ra buổi chiều được cho là có số lượng phát hành lớn chưa từng có, đăng tải một bài viết rất dài. Tiêu đề của bài báo là Chứng minh sự vô tội của tiến sĩ Tomita, phía dưới có ký tên Souda Goro.
Tôi đã nộp một tài liệu có nội dung tương tự bài báo này cho ông thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử tiến sĩ Tomita. Tôi nghĩ có lẽ chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ bằng chứng rồi nhưng đề phòng trường hợp thẩm phán có sự hiểu lầm khiến những lời nói chỉ từ miệng một gã sinh viên mọt sách là tôi bị chôn vùi trong bóng tối hoặc bị phản bác bởi vị thám tử đại tài rằng nó đi ngược lại với sự thật đi chăng nữa thì sau khi sự việc xảy ra, tôi muốn để dư luận được sáng tỏ rằng tiến sĩ Tomita, người mà tôi rất kính trọng hoàn toàn vô tội. Tôi không rõ quý tòa soạn có cho công bố bài báo này của tôi hay không nhưng với mục đích đánh động dư luận, tôi đã gửi nó đến quý tòa soạn.
Tôi không có ân oán gì với tiến sĩ. Tôi chỉ là một người rất bình thường vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng trí tuệ của tiến sĩ qua những cuốn sách mà ông ấy viết. Nhưng vì vụ việc xảy ra gần đây thì để giải cứu cho vị học giả đáng kính đã bị kết tội oan và vì tôi vô tình có trong tay chứng cứ mà tôi tin chắc rằng ngoài tôi không ai có, nên với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đương nhiên tôi phải hành động. Tôi hy vọng rằng sẽ không có sự hiểu lầm nào về điểm này.
Vì lý do gì mà tôi tin chắc rằng tiến sĩ vô tội? Nếu dùng vài từ để nói thì cơ quan tư pháp chỉ qua kết quả điều tra của viên thám tử Kuroda Kiyotaro mà đã vội kết luận rằng tiến sĩ là kẻ gây án thì e rằng không thu hút được dư luận cho lắm. Đúng là màn kịch vớ vẩn của trẻ con. Quý vị cảm thấy thế nào khi tôi so sánh trí tuệ vô song của một học giả lớn không bao giờ bỏ sót dù là chi tiết nhỏ nhất với vụ án lần này? Quý vị không thấy quá ư là nực cười bởi ý nghĩ xa vời đó ư? Trí tuệ của tiến sĩ đã già cỗi đến mức ông ta để lại những dấu giày vụng về, những nét chữ giả dạng nguệch ngoạc hay cốc thuốc độc rồi để cho ông Kuroda đó ghi danh với thiên hạ ư? Học giả kiêm kẻ bị tình nghi là tiến sĩ lại không tiên liệu trước được rằng thuốc độc sẽ sót lại trên thi thể của nạn nhân hay sao? Chưa cần phải giao nộp bất cứ bằng chứng nào thì tôi vẫn tin chắc rằng đương nhiên tiến sĩ vô tội. Nói thế thôi nhưng tôi không phải là người coi thường pháp luật đến mức đưa ra những suy luận chỉ mang tính phỏng đoán đâu.
Vị thám tử Kuroda Kiyotaro bây giờ chắc đang tỏa sáng vì những chiến công chói lọi. Người đời thậm chí còn khen ngợi ông ta là Sherlock Holmes của Nhật Bản nữa cơ đấy. Tôi cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ khi đẩy ông ta xuống vực sâu lúc ông ta đang ở trên đỉnh cao của danh vọng. Thực ra, tôi vẫn tin rằng ông ta là cánh tay hỗ trợ đắc lực của cảnh sát nước nhà. Thất bại lần này không may là vì ông ta thông minh hơn người khác. Cách suy luận của ông ta không sai. Chỉ có điều, ông ta vẫn thiếu quan sát và chưa tập hợp đủ chứng cứ cho những suy luận của mình. Nói cách khác, tôi cũng thấy tiếc cho ông ta vì đã kém hơn tôi, một sinh viên mọt sách rất đỗi bình thường, ở sự cẩn thận và kĩ lưỡng.
Hãy bỏ chuyện đó qua một bên. Chứng cứ mà tôi định mang đi nộp là hai món đồ vô cùng nhạt nhẽo sau đây.