“Chiến binh cầu vồng” thuộc thể loại tiểu thuyết là một tác phẩm đầy cảm xúc của nhà văn Andrea Hirata, đưa người đọc đến với hòn đảo Belitong xinh đẹp nhưng ẩn chứa nhiều bất công. Nơi đây, giáo dục trở thành thứ xa xỉ đối với những đứa trẻ nghèo khổ, buộc phải gác lại ước mơ đến trường vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Bối cảnh của câu chuyện là ngôi trường Tiểu học Muhammadiyah với chỉ 10 học sinh, 1 cô giáo và 1 thầy hiệu trưởng. Họ cùng nhau chiến đấu với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, sự phân biệt đối xử, và những định kiến của xã hội.
Cuốn sách được viết nên bằng niềm vui, nước mắt và sự chân thành của tác giả. Qua những câu chuyện sâu sắc và cảm động, người đọc nhận được những bài học mang đậm giá trị nhân văn, cùng khóc cùng cười với các nhân vật trong từng trang sách.
“Chiến binh cầu vồng” là lời ca ngợi cho tinh thần vượt khó, cho niềm khao khát học tập và cho sức mạnh của giáo dục. Nó cho ta thấy rằng, dù trong hoàn cảnh nào, con người vẫn luôn có thể vươn lên bằng chính nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của cộng đồng.
Mời các bạn đón đọc Chiến Binh Cầu Vồng của tác giả Andrea Hirata.
► Các sách này cũng hay lắm nè:
- Sách 21 Nguyên Tắc Tự Do Tài Chính PDF
- Sách Cân Bằng Cảm Xúc Cả Lúc Bão Giông PDF
- Sách Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường PDF
—
Chương 1 – Mười học sinh mới
BUỔI SÁNG HÔM ẤY, hồi vẫn còn bé, tôi ngồi trên chiếc ghế dài trong sân trường. Dưới tán cây filicium già nua rợp bóng. Cha tôi ngồi bên, hai tay ôm lấy vai tôi, gật đầu mỉm cười chào những ông bố bà mẹ khác đang ngồi cạnh con mình trên chiếc ghế dài đối diện. Hôm nay là một ngày trọng đại: ngày đầu tiên đi học.
Cuối những chiếc ghế dài ấy là cánh cửa để ngỏ dẫn vào một lớp học trống trơn. Khung cửa cong queo. Thật ra, toàn bộ ngôi trường đang trong tình trạng ọp ẹp như thể nó sẽ đổ sập xuống bất kỳ lúc nào. Hai giáo viên đứng ở cứa cứ như hai vị chủ nhà đang chào đón khách đến dự tiệc. Một người đàn ông luống tuổi nét mặt điềm tĩnh, thầy hiệu trưởng K.A. Harfan Effendy Noor, còn gọi là thầy Harfan và một cô gái trẻ măng quấn jilbab – khăn trùm đầu, cô NA. Muslimah Hafsari, hay cô Mus. Giống như cha tôi, hai người họ cùng đang mỉm cười.
Nhưng nụ cười của cô Mus trông mới gượng gạo làm sao: cô đang lo lắng. Nét mặt cô căng thẳng và các cơ cứ rần rật một cách bồn chồn. Cô đếm đi đếm lại mãi số học sinh đang ngồi trên hàng ghế dài bên ngoài, lo lắng đến độ chẳng để ý gì tới mồ hôi đang vã xuống chảy cả vào mắt. Những giọt mồ hôi đua nhau rịn ra xung quanh mũi làm nhòe nhoẹt lớp phấn trang điểm, vạch những đường sọc loang lổ khắp mặt khiến trông giống như người hầu gái của nữ hoàng trong Dul Muluk, một vở kịch cổ của làng chúng tôi.
“Chín em, mới có chín em thôi, thưa thầy, vẫn còn thiếu một,” cô nói với thầy hiệu trưởng giọng âu lo. Thầy hiệu trưởng Harfan đưa mắt sang cô với ánh nhìn trống rỗng.
Tôi cũng cảm thấy căng thẳng. Căng thẳng bởi vì cô Mus đang bồn chồn không yên, và vì cảm nhận được sức nặng từ cha đè lên toàn bộ cơ thể tôi. Mặc dù sáng nay trông ông có vẻ dễ chịu và thoải mái, nhưng cánh tay thô ráp của ông choàng quanh cổ tôi khiến tôi nghe được cả nhịp tim ông hối hả. Tôi biết ông cũng đang căng thẳng, và tôi cũng nhận thức được rằng đối với một người cha bốn mươi bảy tuổi đông con làm nghề thợ mỏ với đồng lương eo hẹp, cho con đi học không phải là chuyện đơn giản. Dắt tôi đến làm đứa giúp việc cho bà chủ cửa hàng tạp hóa người Hoa ở phiên chợ sáng, hay cho tôi ra bờ biển làm cu li để giúp giảm đi phần nào gánh nặng tài chính cho gia đình là việc dễ dàng hơn nhiều. Cho một đứa con đi học có nghĩa là phải trang trải nhiều khoản chi phí trong suốt mấy năm trời, và đối với gia đình tôi ấy là một việc chẳng hề dễ.
Người cha đáng thương của tôi.
Tôi không đành lòng nhìn vào mắt ông.
Sẽ tốt hơn nếu ngay lúc này tôi đứng lên trở về nhà, quên đi chuyện học hành, nối gót mấy ông anh và cả những người anh em họ của tôi nữa – trở thành một cu li…
Cha tôi không phải là người duy nhất đang trong tình trạng căng thẳng như vậy. Nét mặt của những bậc cha mẹ khác cũng cho thấy dường như họ không thực sự đang ngồi trên dãy ghế này. Giống như cha tôi, họ cũng đang đưa dòng suy tư của mình trôi về phiên chợ sáng với ý nghĩ con trai họ nên đi làm thì hơn. Họ không mấy tin vào chuyện nếu con cái được học hành – mà họ cũng chỉ đủ trang trải cho chúng đến hết bậc trung học cơ sở là cùng – tương lai của gia đình họ sẽ tươi sáng hơn. Sáng nay họ buộc phải có mặt tại ngôi trường này, hoặc là để chính quyền địa phương không khiển trách tại sao chẳng chịu đưa con em đến trường, hoặc là vì nghe theo lời chính quyền những mong cho con mình thoát khỏi cảnh một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Tôi quen mặt hết thảy các bậc cha mẹ và cả mấy đứa con của họ đang ngồi đằng trước tôi kia – ngoại trừ một thằng bé nhỏ thó nhếch nhác với mái tóc đỏ xoăn tít cố vùng ra khỏi cái nắm tay siết chặt của cha nó. Người cha đó chẳng giày dép gì cả, còn chiếc quần ông đang mặc được may bằng loại vải cotton rẻ tiền. Tôi không hề biết họ.
Những đứa còn lại đều là bạn chí cốt của tôi. Như thằng Trapani đang ngồi trong lòng mẹ nó kia, hoặc thằng Kucai ngồi cạnh cha nó, haỵ con Sahara, mới lúc nãy đã cáu kỉnh với mẹ nó chỉ vì muốn mau được vào lớp học, rồi còn Syahdan, cái đứa chẳng có cha mẹ gì đi cùng. Chúng tôi là hàng xóm, và đều là những người Belitong-Mã Lai thuộc cộng đồng, nghèo nhất trên đảo. Như ngôi trường này đây, Trường Tiểu học Muhammadiyah, cũng là ngôi trường làng nghèo nhất ở Belitong. Có ba lý do khiến các bậc phụ huynh đưa con em đến học trường này. Một là, Trường Tiểu học Muhammadiyah không bắt buộc đóng học phí, và phụ huynh có thể đóng góp bất kỳ thứ gì vào bất kỳ lúc nào họ có khả năng. Hai là, phụ huynh sợ rằng con em mình với tâm tính yếu đuối có thể dễ bị cái xấu lôi kéo, thế nên họ muốn chúng được dạy dỗ theo những nguyên tắc khắt khe của đạo Hồi ngay từ khi còn nhỏ. Ba là, không một trường nào khác nhận con em họ vào học.
Cô giáo Mus, lúc này càng trở nên bồn chồn tợn, cứ dõi mắt chăm chăm ra đường cái với hy vọng có thêm một học sinh mới nữa. Nhận thấy hy vọng của cô thật khó thành hiện thực, chúng tôi đâm hoảng. Vậy nên không giống như mấy trường tiểu học khác nơi buổi tựu trường dành cho học sinh lớp-một ngập tràn niềm hân hoan, không khí của ngày đầu tiên đi học tại Trường Tiểu học Muhammadiyah này lại nhuốm một màu âu lo khắc khoải, và người lo lắng hơn cả chính lã cô giáo Mus và thầy hiệu trưởng Harfan.
Hai con người khốn khổ đang lâm vào tình trạng đứng ngồí không yên như vậy là do chỉ thị từ vị thanh tra trường học của Sở Giáo dục và Văn hóa miền Nam Sumatra rằng: Nếu trường Tiểu học Muhammadiyah năm nay có ít hơn mười học sinh mới, thì ngôi trường lâu đời nhất ở Belitong này sẽ bị đóng cửa. Do vậy, trong khi cô Mus và thầy hiệu trưởng Harfan lo lắng trường sẽ có nguy cơ đóng cửa, các bậc phụ huynh lại lo lắng về những khoản chi phí, còn lũ trẻ chúng tôi – chín đứa nhỏ mắc kẹt chính giữa – lại lo cả bọn sẽ không được đi học mất thôi.
Năm trước Trường Tiểu học Muhammadiyah chỉ có mười một học sinh. Thầy hiệu trưởng Harfan không mấy tin rằng năm nay trường sẽ đạt chỉ tiêu mười học sinh, nên thầy đã âm thầm chuẩn bị bài diễn văn đóng cửa trường học. Thầy chỉ mong muốn duy nhất một điều – thêm một học sinh nữa. Thực tế đó sẽ khiến cho bài diễn văn càng thêm xót xa.
“Ta sẽ đợi đến mười một giờ,” thầy hiệu trưởng Harfan nói với cô Mus và với cả những bậc phụ huynh hoàn toàn không còn chút hy vọng nào. Bầu không khí im phăng phắc bao trùm.
Khuôn mặt cô Mus giờ đã hơi sưng lên do cố nén những giọt nước mắt cứ chực trào ra. Tôi hiểu cảm giác của cô hiện giờ, vì niềm hy vọng được đứng lớp của cô cũng lớn lao ngang bằng niềm mong ước được đi học của bọn tôi. Hôm nay là ngày đầu tiên cô được làm cô giáo, cái giây phút mà bao lâu nay cô hằng mong mỏi. Cô vừa tốt nghiệp trường Sekolah Kepandaian Putri (trường dạy nghề dành cho nữ sinh) tuần trước, một trường trung học cơ sở ở Tanjong Pandan. Cô chỉ mới mười lăm tuổi. Đáng buồn thay, cái mong ước bỏng cháy được làm cô giáo của cô đang sắp bị thực tại cay đắng kia dập tắt một cách phũ phàng – trường học có nguy cơ đóng cửa chỉ vì thiếu một học sinh.
Cô Mus đứng thần người ra bên dưới cái chuông, nhìn chăm chăm vào khoảng sân trường rộng lớn và con đường cái phía trước. Vẫn không thấy ai xuất hiện.
Mặt trời lên cao, sắp Ngọ. Nỗi chờ đợi thêm một học sinh nữa chẳng khác nào nỗ lực cố tóm bắt một cơn gió.
Trong lúc ấy, các bậc phụ huynh có lẽ đang miên man với suy nghĩ rằng thiếu đứa học sinh thứ mười có nghĩa là con cái họ sẽ không phải đến trường nữa – thật tốt hơn nhiều nếu cho chúng đi làm kiếm tiền. Cả tôi lẫn mấy đứa kia đều cảm thấy tim mình như vỡ ra: thật đau lòng khi phải đối mặt với những người cha người mẹ nghèo khổ cơ cực, đau lòng khi phải chứng kiến những giây phút cuối cùng của ngôi trường cũ kỹ trước khi nó bị đóng cửa vào chính cái ngày đầu tiên đi học của bọn tôi, và đau lòng quá đỗi khi biết rằng cái khao khát học hành mãnh liệt của bọn chúng tôi sẽ bị đập tan không thương tiếc chỉ bởi thiếu một học sinh. Đầu đứa nào đứa nấy đều rũ cả xuống.
Còn năm phút nữa là đến mười một giờ. Cô Mus không thể che giấu nỗi thất vọng được nữa. Những dự định lớn lao của cô dành cho ngôi trường tội nghiệp này sắp vỡ tan tành trước khi cô kịp bắt tay vào thực hiện, và ba mươi hai năm toàn tâm toàn ý dành cho sự nghiệp trồng người thầm lặng của thầy Harfan sắp khép lại vào buổi sáng bi thảm hôm nay.
“Chỉ có chín em thôi, thưa thầy,” cô Mus thốt lên giọng run rẩy. Cô dường như không còn nghĩ ra được điều gì khác mà cứ lặp đi lặp lại mãi cái thực tế mà ai nấy đều đã rõ. Nghe giọng cô cứ như thể cô sắp chết đến nơi.
Rốt cuộc, thời khắc quyết định đã điểm. Mười một giờ năm phút rồi mà tổng số học sinh vẫn chưa đủ mười. Niềm hân hoan vô bờ bến khi được đến trường trong tôi giờ đã gần như cạn sạch. Tôi hất tay cha ra khỏi vai. Sahara nức nở khóc trong vòng tay mẹ nó bởi vì quả thực nó muốn đi học tại trường Tiểu học Muhammadiyah này biết mấy. Con nhỏ mang tất và giày, jilbab, chiếc áo cánh, mấy cuốn sách, một chai nước và túi xách – tất cả đều mới toanh.
Thầy hiệu trưởng Harfan đến bên các bậc phụ huynh và chào lần lượt từng người một. Thật đau lòng. Ai cũng vỗ vỗ lưng thầy tỏ ý an ủi. Hai mắt cô Mus giờ giàn giụa nước. Thầy hiệu trưởng Harfan bước ra đứng trước các bậc phụ huynh. Trông thầy thật khốn khổ khi chuẩn bị đọc bài phát biểu cuối cùng của mình. Thế nhưng, ngay khi thầy vừa thốt ra được mấy từ, “Assalamu’alaikum, cầu chúc mọi người an lành,” thì thằng Trapani hét tướng lên và chỉ tay về phía ngoài sân trường, khiến ai nấy đều giật bắn cả mình.
“Harun kìa!”
Ngay lập tức, tất cả đều quay lại nhìn, và ở xa tít ngoài kia là một cậu con trai gầy nhẳng cao kều đang lóng ngóng tiến về phía chúng tôi. Quần áo đầu tóc của cậu rất tinh tươm. Cậu mặc sơ mi trắng dài tay được bỏ gọn gàng trong quần soóc. Hai đầu gối cậu lục cục va vào nhau theo mỗi bước đi loạng choạng. Một phụ nữ trung niên béo tròn đang chật vật cố nắm chặt tay cậu. Cậu con trai ấy là Harun, một cậu con trai vui nhộn và là bạn tốt của cả bọn chúng tôi. Cậu đã mười lăm tuổi, ngang tuổi với cô Mus, nhưng đầu óc hơi kém phát triển. Cậu vô cùng sung sướng và bước đi thật nhanh gần như chạy, như thể cậu không thể đợi thêm một phút giây nào nữa để được nhập bọn cùng chúng tôi. Cậu chẳng để ý gì đến mẹ mình, còn bà thì khấp kha khấp khởi chạy theo cậu con trai, cố nắm chặt tay cậu.
Cả hai gần như thở không ra hơi khi đến được trước mặt thầy hiệu trưởng Harfan.
“Thưa thầy,” bà mẹ nói trong hơi thở hổn hển. “Làm ơn nhận thằng Harun với. Trường dành cho trẻ đặc biệt mãi tít ở đảo Bangka. Chúng tôi không đủ tiền để cho thằng bé học ở đấy.”
Harun khoanh tay trước ngực, nét mặt bừng lên rạng rỡ. Mẹ cậu nói tiếp.
“Và quan trọng hơn cả, đưa nó vào học trường này còn hơn là cho nó ở nhà, thằng bé cứ rượt đuổi bọn gà con chạy tán loạn hết cả.”
Harun ngoác miệng cười, để hở những chiếc răng dài, vàng khè.
Thầy hiệu trưởng Harfan cũng cười. Thầy đưa mắt nhìn cô Mus, nhún vai.
“Đủ mười rồi đấy,” thầy nói.
Harun đã cứu chúng tôi! Tất cả đồng loạt vỗ tay hoan hô. Con nhỏ Sahara không thể nào ngồi yên được nữa, nó đứng thẳng lên sửa sang những nếp gấp trên jilbab và xốc xốc lại túi xách cho chắc chắn. Cô Mus mặt đỏ bừng. Cô giáo trẻ giờ đã thôi khóc, lấy tay quệt vội mồ hôi trên khuôn mặt nhòe nhoẹt phấn.
Chương 2 – Người đàn ông có dáng người giống cây thông
KHUÔN MẶT CÔ MUS mới một ít phút trước còn sưng húp, nhòe nhoẹt phấn, giờ tươi rói như đóa hoa huệ tây trên rặng Himalaya. Cô rướn thẳng người hệt như thân cây của loài hoa xinh đẹp ấy. Tấm khăn của cô mang vẻ mềm mại trắng muốt của hoa huệ tây, và quần áo của cô thậm chí cũng tỏa ra mùi hương hoa huệ tây ngọt ngào. Với nét mặt hớn hở tươi vui như thế, cô bắt đầu sắp xếp chỗ ngồi cho chúng tôi.
Cô Mus đến bên từng bậc cha mẹ đang ngồi trên những chiếc ghế băng dài, thân mật chào hỏi vài ba câu trước khi bắt đầu điểm danh. Mấy đứa khác đều đã vào lớp và đã có bạn cùng bàn, chỉ còn lại tôi và đứa con trai nhỏ thó nhếch nhác tóc đỏ hoe xoăn tít – cái đứa tôi chưa hề gặp lần nào ấy. Thằng đó cứ ngọ nguậy suốt, và ở nó bốc ra mùi cao su cháy.
“Ông Cik, con trai ông sẽ ngồi cùng bàn với Lintang”, cô Mus nói với cha tôi.
Ồ, vậy ra tên nó là Lintang. Tên gì mà kì cục quá.
Nghe thấy thế, Lintang ngọ nguậy cố vùng ra khỏi vòng tay cha. Người cha cố hết sức giữ yên nó, nhưng Lintang rốt cuộc cũng thoát ra được và chạy ù vào lớp tìm chỗ ngồi. Tôi bị bỏ lại đằng sau, đứng trân trân nhìn vào lớp học. Thằng nhóc đó cứ như đứa bé ngồi trên con ngựa non – sung sướng, chẳng muốn xuống tẹo nào. Nó đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để được đi học cơ mà.
Cô Mus lại gần cha Lintang. Ông giống hệt một cây thông bị sét đánh: đen trũi, héo hắt, gầy gò, và khô đét. Ông làm nghề đánh cá nhưng nhìn mặt ai cũng nghĩ ông là một người chăn cừu tốt bụng – một người hiền lành, nhân hậu và chứa chan hy vọng. Tuy vậy, giống như mọi người dân Indonesia khác, ông không nhận thức được rằng đi học là một quyền cơ bản của con người.
Không như những ngư dân khác, giọng ông nghe rất nhẹ nhàng. Ông kể cho cô Mus nghe một câu chuyện.
“Hôm qua”, giọng ông căng thẳng, “một đàn chim pelintang pulau về đậu trên bờ biển đấy.”
Ông tiếp tục kể cho cô giáo nghe về chuyện những con chim thiêng đó về đậu lại một chốc trên đọt cây hạnh như, báo hiệu một cơn bão sắp đổ bộ vào, và thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, khiến cho biển cả nổi trận lôi đình. Ngư dân vùng Belitong, như cha của Lintang, có một niềm tin mãnh liệt rằng sự xuất hiện của loài chim này báo hiệu cơn bão đang đến gần.
Chắc chắn rằng tất cả những thế hệ trước trong gia đình của người đàn ông có dáng người giống cây thông này chưa khi nào thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, cứ mặt nhiên trở thành những ngư dân trong cộng đồng người Mã Lai này. Những ngư dân này không thể độc lập làm việc được – không phải vì biển không đủ rộng, chỉ là vì thiếu thuyền. Năm nay, cha của Lintang muốn bẽ gãy cái vòng lẩn quẩn đó. Đứa con trai cả, Lintang, sẽ không trở thành một ngư dân như cha nó. Thay vào đó, Lintang sẽ ngồi bên cạnh một cậu nhóc khác với tóc xoăn tít – là tôi – và ngày ngày sẽ đi xe đạp đến trường và về nhà. Nếu nó thực sự muốn trở thành một ngư dân, thì đoạn đường dài bốn mươi cây gập ghềnh sỏi đá kia sẽ đập tan quyết định đi học của nó. Cái mùi khét lẹt tôi ngửi thấy lúc nãy thật ra là mùi của đôi xăng đan cunghai làm từ lốp xe ô tô nó đang đi. Đôi giày mòn vẹt và bốc mùi khét vì Lintang đã phải đạp xe hết một đoạn đường dài mới đến được trường.
Gia đình của Lintang ở Tanjong Kelumpang, một ngôi làng cách bờ biển không xa lắm. Để đến được đó, bạn phải đi qua bốn rừng cọ rậm rì, những vùng đầm lầy khiến cho người làng tôi mỗi khi đi qua đều rợn cả tóc gáy. Nơi này, gặp phải cá sấu là chuyện thường – những con cá sấu to bằng thân cây dứa hay bò ngang qua đường. Ngôi làng ven biển của Lintang nằm ở cực Đông của Sumatra và có thể nói là nơi hẻo lánh và đói nghèo nhất đảo Belitong. Đối với Lintang, nơi có ngôi trường nó đến học đây như thể là một thành phố mang tầm cỡ quốc tế, và đến được đây nó đã phải bắt đầu đạp xe từ lúc subuh, giờ cầu kinh sáng, khoảng bốn giờ. Ái chà! Cái thằng nhỏ thó đó…
Khi tôi vào lớp lại gần Lintang, nó chào tôi bằng một cái bắt tay siết chặt, cứ như một người cha bắt tay chàng trai đầu tiên đến cầu hôn con gái mình vậy. Bầu nhiệt huyết dồi dào trong người nó truyền sang tôi, lan khắp người tôi như một nguồn điện cao áp. Nó thao thao đầy hứng khởi, bằng một thứ phương ngữ vùng Belitong, đặc trưng của dân vùng sâu vùng xa, nghe rất thú vị. Mắt nó sáng rực lên khi lia khắp phòng học với vẻ háo hức không giấu đi đâu được. Nó cứ như một cái cây dương xỉ. Hễ có vài giọt nước rơi xuống cánh hoa là ngay lập tức nó bắn tung phấn ra – lấp lánh, rực rỡ và đầy nhựa sống. Ở bên cạnh Lintang, tôi cứ có cảm giác như thể mình đang bị thách tham gia một cuộc chạy đua cự ly một trăm mét vậy. “Cậu chạy nhanh đến mức nào?” ánh nhìn của nó thách thức.
Cô Mus phát cho tất cả các bậc cha mẹ mẫu đơn để điền các thông tin liên quan đến tên tuổi, nghề nghiệp, nơi ở. Ai nấy cắm cúi viết, trừ cha của Lintang. Ông dè dặt đón lấy tờ mẫu, nắm chặt trong tay, bồn chồn. Tờ giấy ấy cứ như một vật thể lạ trong nắm tay ông. Ông nhìn quanh quất, sang trái, rồi sang phải, nhìn những bậc cha mẹ khác đang hí húi điền vào tờ mẫu. Ông lúng túng đứng lên.
“Cô giáo à,” ông chậm rãi nói. “Thứ lỗi cho tôi, tôi không biết đọc biết viết.”
Rồi cha của Lintang rầu rầu nói thêm rằng ngay cả đến năm sinh của mình ông cũng không biết nốt. Đột nhiên Lintang đứng lên đến bên cha mình, lấy tờ mẫu từ tay ông rồi dõng dạc, “Con sẽ điền vào tờ mẫu này sau, thưa cô, chừng nào con biết đọc biết viết hẵng!”
Mọi người sửng sốt ngước nhìn Lintang, một đứa nhóc dám đứng ra che chở cho cha nó.
Chính tôi cũng cảm thấy bối rối. Một đứa nhóc trong thoáng chốc phải trải nghiệm quá nhiều thứ mới mẻ. Căng thẳng, mừng rỡ, lo lắng, ngượng ngập, bạn mới, cô giáo mới, mọi cảm xúc lẫn lộn rộn lên trong lòng tôi.
Một chuyện nữa khiến tình huống tệ hơn: ấy là đôi giày mẹ mới mua cho. Tôi thụt chân ra đằng sau cố giấu để không ai trông thấy. Đôi giày đen sọc trắng bằng nhựa cứng giống như giày đá banh xấu không chịu nổi. Bữa sáng nay, mấy ông anh trai cười nắc nẻ. Chỉ một cái liếc mắt của cha tôi thôi là mấy ông tướng đó im bặt. Nhưng chân tôi thì đau và lại còn ngượng nữa chứ, tất cả cũng chỉ tại đôi giày này mà ra cả.
Trong lúc ấy, đầu thằng Lintang cứ xoay qua xoay lại như đầu một con cú. Đối với nó, khung cảnh hỗn độn của lớp học – một cây thước gỗ, một lọ hoa bằng đất sét do mấy anh chị lớp sáu làm trong giờ thủ công nằm chễm chệ trên bàn cô Mus, một tấm bảng đen cổ lỗ sĩ và những mẩu phấn vung vãi khắp sàn, một số mẩu vừa mới bị nghiền nát bốc lên một lớp bụi mỏng – khiến nó cực kỳ ngạc nhiên và thích thú.
Rồi tôi trông thấy cha của Lintang, người đàn ông có dáng người giống cây thông ấy, nhìn thằng con đang ngắm nghía xung quanh với niềm háo hức ngày một dâng cao, miệng ông cười mà lòng ngổn ngang – buồn vui lẫn lộn. Tôi hiểu. Người đàn ông đến năm sinh của mình cũng không biết tưởng tượng ra cảnh thấy thằng con sẽ rầu rĩ đến thế nào nếu buộc phải thôi học năm lớp một hay lớp hai bậc tiểu học vì những lý do muôn thuở liên quan đến tiền bạc hay những bức bách đầy bất công của cuộc sống. Đối với ông, giáo dục là một điều bí ẩn. Nếu cha Lintang nhớ không lầm thì trong bốn đời dòng họ nhà ông. Lintang là người đầu tiên được đến trường. Còn nhiều thế hệ trước đó nữa mà ông không thể nào kể hết được, những thế hệ sống cách đây đã lâu rồi, khi người Mã Lai vẫn còn sống rày đây mai đó. Họ mặc quần áo làm từ vỏ cây, ngủ trên các cành cây và thờ mặt trăng.
Nhìn chung, cô Mus xếp chúng tôi ngồi chung dựa trên nét giống nhau của hai đứa. Lintang và tôi ngồi cùng bàn vì tóc cả hai đều xoăn tít. Trapani ngồi cùng Mahar vì hai đứa đó dễ coi nhất, có nhiều nét giống hệt những ca sĩ Mã Lai truyền thống được mọi người hâm mộ. Trapani không màng gì tới lớp học; nó cứ liếc trộm ra ngoài cửa sổ, dõi theo cái đầu của mẹ nó nhấp nhô lẫn với đầu các bậc cha mẹ khác.
Nhưng Borek và Kucai được xếp ngồi chung không phải vì chúng trông giống nhau mà vì cả hai đều nghịch như quỷ sứ. Chỉ mới một lúc thôi mà thằng Borek đã kịp lấy khăn lau bảng chùi khắp mặt thằng Kucai. Nhất là con nhỏ Sahara, đứa con gái nhỏ người quấn khăn ấy, nó cố tình hất đổ chai nước của thằng A Kiong, khiến thằng nhóc người Phúc Kiến – Trung Quốc khóc thét lên như thấy ma hiện hồn. Sahara đúng là một con nhóc ương ngạnh hết chỗ nói. Chuyện chai nước hôm đó đã khởi sự mối thù nghịch giữa hai đứa kéo dài mãi cho đến những năm sau. Cơn khóc của thằng A Kiong suýt chút nữa khiến cho buổi học đầu tiên đầy rộn ràng kém vui đi.
Đối với tôi, sáng hôm ấy là một buổi sáng không thể nào quên, nó luôn hiện hữu trong tâm trí tôi suốt hàng chục năm sau đó. Sáng hôm ấy, tôi trông thấy Lintang lóng ngóng đánh vật với cây bút chì to tổ bố, đầu chì không được vót nhọn, cứ như cầm con dao thái. Cha nó đã mua phải bút chì không phù hợp. Nó có hai màu khác nhau, một đầu màu đen, đầu kia màu xanh da trời. Đó chẳng phải loại bút thợ may dùng để làm dấu lên vải hay sao? Hay thợ đóng giày dùng để làm dấu lên da? Dù cho thế nào đi nữa, đây dứt khoát không thể là bút dùng để viết.
Ông cũng mua phải loại vở không phù hợp. Ấy là một cuốn vở bìa màu xanh dương loại ba ô li. Có phải ấy là loại vở dùng cho lớp hai khi chúng tôi tập viết chữ thảo không nhỉ? Nhưng có một điều tôi không thể nào quên được, đó là buổi sáng hôm ấy, tôi được mục kích một đứa con trai miền biển, bạn cùng bàn, lần đầu tiên được cầm bút vở. Và suốt những năm sau đó, mọi thứ nó viết ra đều là thành quả của một bộ óc sáng sủa, một câu nói thốt ra từ miệng nó đều tỏa rạng một thứ ánh sáng chan hòa rực rỡ. Và cùng với thời gian, đứa con trai miền biển nghèo khó ấy đã xua tan đám mây đen u ám bấy lâu bao phủ ngôi trường vì sau này cậu đã trở thành một nhân vật kiệt xuất nhất tôi từng gặp trong suốt cả cuộc đời mình.
Chương 3 – Tủ kính trưng bày
MUỐN MIÊU TẢ NGÔI TRƯỜNG của bọn tôi thì chẳng khó khăn gì. Ấy là một trong hàng trăm – thậm chí là hàng ngàn – ngôi trường cũ kỹ xập xệ ở Indonesia. Nói không ngoa, nếu có con dê nào đang nổi cơn động dục chạy đâm sầm vào thì nó sẽ ngay lập tức đổ ầm xuống thành một đống gạch vụn cho xem.
Ở đây chỉ có hai giáo viên đảm nhiệm tất cả các môn và tất cả các khối lớp. Bọn tôi không có đồng phục gì cả. Ngay cả toa lét cũng không nốt. Ngôi trường này nằm ngay bìa rừng, thế nên mỗi khi thấy buồn đi, bọn tôi chỉ cần chui vào bụi rậm là xong. Cô giáo thường phải đi theo trông chừng, nhỡ có đứa nào đụng phải rắn rết nơi nhà xí lộ thiên đó.
Ở đây cũng không có dụng cụ sơ cứu y tế. Hễ đứa nào ốm, dù bất kỳ bệnh gì – tiêu chảy, sưng, ho, cảm cúm, ghẻ ngứa – cô giáo đều cho uống ngay một viên thuốc tròn to cồ cộ như cái cúc áo đi mưa. Viên thuốc màu trắng, đăng đắng, uống xong là no luôn. Trên viên thuốc có ba chữ cái to tướng: APC – Aspirin, Phenacetin và Caffein. Viên thuốc APC trở thành huyền thoại khắp miền ngoại ô Belitong như một thứ thần dược có thể chữa bách bệnh. Viên thuốc chữa bách bệnh đó là giải pháp của chính phủ dành cho người nghèo thiếu thuốc men.
Trường chúng tôi chưa khi nào được các vị quan chức, các nhà quản lý giáo dục, hay những thành viên của hội đồng lập pháp đến thăm hỏi lấy một lần. Chỉ có mỗi một anh ăn mặc hệt ninja là đều đặn đến thôi. Anh đeo trên lưng một cái bình bằng nhôm có vòi kéo lê theo sau. Trông cứ như anh sắp lên mặt trăng ấy. Anh này do sở y tế cử đến làm nhiệm vụ phun thuốc diệt muỗi. Cứ hễ thấy luồng hơi trắng đậm đặc phụt ra giống như những đám khói tín hiệu là bọn tôi nhất loạt hò reo vang dội.
Trường bọn tôi không cần bảo vệ vì chẳng có thứ gì đáng giá để bọn trộm nhìn ngó. Người ta biết chỗ này là trường học nhờ vào một thứ duy nhất – cái cột cờ bằng tre đã ngả vàng. Trên đó lủng lẳng một tấm biển màu xanh lá cây có vẽ hình mặt trời tỏa tia nắng màu trắng. Chính giữa tấm bảng có hai dòng chữ:
Có một câu được viết bằng tiếng Ả Rập ngay bên dưới biểu tượng mặt trời. Năm lớp hai, khi đã rành tiếng Ả Rập, tôi mới biết câu amar makruf nahi mungkar ấy có nghĩa là “nên làm điều thiện, tránh làm điều ác” – nguyên tắc số một của Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai tại Indonesia với hơn ba mươi triệu tín đồ. Lời răn ấy khắc sâu vào tâm trí chúng tôi và ở mãi đó trong suốt những năm tháng học làm người; đứa nào cũng thuộc nằm lòng.
Nhìn từ xa, ngôi trường cứ như thể muốn đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Những xà gỗ đã mục ruỗng nằm xộc xệch, không thể chịu nổi cái nặng trình trịch. Nó giống như một kho chứa củi dừa khô. Kết cấu của ngôi trường không theo một lối kiến trúc quy củ nào. Cửa sổ và cửa lớn không thể đóng được vì không khớp với khung, nhưng đằng nào thì cũng đâu cần phải khóa.
Quang cảnh trong lớp học có thể được miêu tả bằng những từ như thế này: ít sử dụng, lạ lùng, gợi lên lòng thương cảm đến ngậm ngùi. Một trong những thứ ít được sử dụng nhất là cái tủ kính trưng bày bằng cấp cửa đóng không khít. Chỉ có thể đóng kín cánh cửa bằng cách gấp một tờ giấy làm cái nêm. Bên trong một lớp học đích thực, cái tủ trưng bày như thế thường lưu giữ ảnh các cựu học sinh thành đạt hay ảnh chụp thầy hiệu trưởng cùng bộ trưởng bộ giáo dục, hoặc thầy phó hiệu trưởng cùng các vị thứ trưởng giáo dục, có khi cái tủ ấy cũng được dùng để trưng bày giấy khen, huy chương, chứng chỉ, kỷ niệm chương về những thành tích vang dội của nhà trường. Thế nhưng trong lớp học của bọn tôi, cái tủ kính to tướng ấy đứng chơ vơ tủi hổ nơi góc phòng. Nó trống hơ trống hoác trông hết sức thảm thương vì chẳng có vị quan chức nào muốn đến thăm thầy cô giáo trường bọn tôi, trường cũng chẳng có lấy một cựu học sinh nào đáng tự hào, và đương nhiên là bọn tôi chưa đạt được một thành tích đáng tuyên dương nào cả.
Không giống lớp học ở những trường tiểu học khác, bên trong lớp chúng tôi không có một bảng nhân nào. Bọn tôi cũng không hề có lịch. Thậm chí chẳng có lấy một tấm ảnh của Tổng thống hay Phó Tổng thống Indonesia hay biểu tượng của quốc gia – con chim có hình dáng kỳ lạ với cái đuôi có tám sợi lông luôn ngoảnh nhìn phía bên phải ấy. Thứ duy nhất treo trong lớp học là một tấm áp phích. Nó ở ngay đằng sau bàn của cô Mus với sứ mệnh che chắn một lỗ hổng bự chảng trên vách tường ván. Tấm áp phích in hình một anh chàng có bộ râu quai nón rậm rì. Anh mặc áo choàng dài buông thõng, khoác trên vai một cây ghi ta hết sức kiểu cách. Đôi mắt u sầu của anh cháy bỏng, như thể anh đã kinh qua hết những thử thách cay nghiệt của cuộc đời, và trông anh có vẻ thật sự quyết tâm chống lại hết thảy mọi bất công, mọi tệ nạn trên trái đất này. Anh đang ngước mắt trông lên bầu trời, và bao nhiêu là tiền đang rơi xuống. Anh là Rhoma Irama, một ca sĩ nhạc dangdut[1], thần tượng âm nhạc của người Mã Lai – Elvis Presley của chúng tôi. Phía dưới tấm áp phích có hai câu mà vào ngày đầu tiên đi học tôi không hiểu gì cả. Nhưng đến khi học lớp hai, lúc đã có thể đọc thông, tôi mới biết đó là: RHOMA IRAMA. HUJAN DUIT! Rhoma Irama, cơn mưa tiền!