Cuốn sách “Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn” là một tác phẩm độc đáo của Napoleon Hill, đưa người đọc vào cuộc đối thoại đầy kịch tính giữa tác giả và “Con Quỷ” – đại diện cho những góc khuất, yếu điểm trong tâm trí mỗi người. Sau nhiều năm nghiên cứu miệt mài, Napoleon Hill đã “bắt giữ” Con Quỷ và buộc nó phải hé lộ những bí mật đen tối về bản ngã con người.
Cuốn sách xoay quanh những câu hỏi day dứt: Con Quỷ thực sự là ai? Nó tồn tại ở đâu? Làm thế nào để nó thao túng tâm trí con người? Và quan trọng nhất, làm thế nào để chiến thắng nó?
Napoleon Hill dẫn dắt người đọc qua hành trình khám phá bản ngã, đối mặt với những góc khuất và yếu điểm của chính mình. Con Quỷ đại diện cho những suy nghĩ tiêu cực, thói quen xấu và những nỗi sợ hãi kìm hãm tiềm năng con người. Bằng cuộc trò chuyện đầy lôi cuốn, tác giả đã vạch trần những mưu mô của Con Quỷ và cung cấp cho chúng ta những công cụ để chiến thắng nó.
Tuy nhiên, “Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn” không chỉ đơn thuần là một câu chuyện hư cấu. Napoleon Hill đã sử dụng những kiến thức tâm lý học và triết học để xây dựng nên một tác phẩm có giá trị thực tiễn cao. Cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ bản thân, nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực của Con Quỷ và từ đó rèn luyện bản lĩnh để chiến thắng nó.
Dù bạn có tin vào sự tồn tại của Con Quỷ hay không, “Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn” vẫn là một cuốn sách giá trị. Nó cung cấp cho chúng ta những bài học quý giá về cách đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, cách rèn luyện bản lĩnh và chiến thắng những yếu điểm của chính mình.
Mời các bạn đón đọc Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn của tác giả Napoleon Hill
—
LỜI NGỎ của Sharon Lechter
CHIẾN THẮNG CON QUỶ TRONG BẠN là cuốn sách sâu sắc nhất tôi từng đọc.
Trước tiên, phải nói rằng tôi vô cùng vinh dự khi Don Green – Giám đốc điều hành của Quỹ Napoleon Hill đã tin tưởng và mời tôi cùng tham gia vào dự án này. Tôi đọc bản thảo ngay sau đó và đã mất ngủ một tuần liền.
Chính Napoleon Hill đã soạn bản thảo này trên máy đánh chữ bằng tay từ năm 1938, nhưng sau đó nó đã được khóa lại và gia đình ông đã cất giấu nó trong 72 năm liền. Tại sao gia đình ông lại làm vậy? Bởi họ e dè trước những phản ứng cuốn sách sẽ tạo ra. Lòng can đảm dám vạch trần những Con Quỷ quanh mỗi chúng ta, hàng ngày, trong các nhà thờ, trường học, thậm chí trong cả chính phủ sẽ đe dọa đến tận gốc rễ của xã hội lúc bấy giờ.
Khi được hỏi vì sao gia đình lại cất giấu bản thảo này, Don Green kể lại nội tình câu chuyện như sau:
Người phản đối chính là vợ của Napoleon Hill – bà Annie Lou. Bà là thư ký của Tiến sĩ William Plumer Jacobs – Chủ tịch của Trường Giáo hội Trưởng lão tại Clinton, bang Nam Carolina. Jacobs đồng thời là chủ của hãng thông tấn Jacobs và một nhà tham vấn cộng đồng cho một nhóm các công ty dệt may ở Nam Carolina. Jacobs đã từng thuê Napoleon Hill đến Clinton để làm việc cho mình.
Annie Lou không muốn cho phát hành cuốn sách vì vai trò của Con Quỷ. Bà sợ phản ứng từ các tôn giáo nghiêm ngặt (và có thể là bà sợ nó ảnh hưởng đến công việc của Napoleon Hill nữa). Nên dù Napoleon Hill đã qua đời vào năm 1970, nhưng bản thảo vẫn chưa từng được công bố. Sau khi Annie Lou qua đời (vào năm 1984), bản thảo này thuộc quyền sở hữu của Tiến sĩ Charlie Johnson – cháu của Annie Lou, sau này ông trở thành Chủ tịch của Quỹ Napoleon Hill. Vợ của Charlie là Frankie biết chuyện về bản thảo này và từng chia sẻ rất nhiều cảm xúc với Annie Lou. Frankie kể với Charlie rằng bà Annie Lou không muốn bản thảo được xuất bản khi bà vẫn còn sống. Vài năm sau, vợ của Charlie mất và cuối cùng Charlie quyết định gửi bản thảo này cho tôi [Don Green], bản thảo được bọc trong tấm da thuộc màu đỏ với dòng chữ Chiến thắng Con Quỷ trong bạn được dập nổi. Quỹ Napoleon Hill tin rằng bản thảo ẩn chứa một thông điệp lớn lao cần được chia sẻ.
Sau khi nói chuyện với Don, tôi như ngập tràn trong những cảm xúc lớn lao. Dù cuốn sách được viết từ năm 1938, nhưng dường như nó được viết ra để xuất bản vào thời điểm này, để làm rung chuyển cả xã hội hiện nay của chúng ta! Nó được viết ra với mục đích mang lại đáp án cho thời kì bất ổn về cả kinh tế lẫn tinh thần này. Nó mang lại chiếc chìa khóa giúp chúng ta chiến thắng Con Quỷ trong cuộc sống riêng của mỗi người.
Nếu cuốn sách Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu đã giúp chúng ta hồi phục và thành công sau thời kỳ Đại Suy thoái thì Chiến thắng Con Quỷ trong bạn được viết ra với mục đích giúp chúng ta phục hồi và thành công trong thời đại ngày nay.
Có thể khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ thắc mắc không biết cuộc đối thoại giữa Napoleon và Con Quỷ có thật không, hay nó đơn thuần chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tác giả? Quyền lựa chọn câu trả lời là của chính bạn. Tôi cũng từng hỏi Don Green về những tư tưởng của Napoleon Hill trong các công trình khác của ông để xem chúng ta có thể có được một cách nhìn nhận khác vào sâu bên trong trí tuệ của ông không. Don đã trả lời như sau:
Với Napoleon Hill, việc sử dụng các cuộc đối thoại tưởng tượng thật ra không có gì mới mẻ. Vào năm 1953, ông đã phát hành cuốn sách Làm sao để tăng lương cho chính bạn? (How to Raise Your Own Salary), cuốn sách được viết dưới dạng một cuộc đối thoại giữa Napoleon Hill và Andrew Carnegie[1]. Trên thực tế, Napoleon Hill từng phỏng vấn Andrew Carnegie vào năm 1908, Carnegie mất vào năm 1919 – rất lâu trước khi cuốn sách được phát hành.
Đó cũng không phải lần đầu tiên Napoleon Hill sử dụng những cuộc gặp gỡ trong tưởng tượng để truyền tải điều ông muốn viết. Trong cuốn Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu, trong phần về “Giác quan thứ sáu”, ông đã viết về buổi gặp gỡ với một hội đồng trong tưởng tượng với chín người đàn ông mà Napoleon Hill vô cùng ấn tượng về sự nghiệp của họ. Chín thành viên trong hội đồng tưởng tượng đó là Emerson[2], Paine[3], Edison[4], Darwin[5], Lincoln[6], Burbank[7], Napoleon[8], Ford[9] và Andrew Carnegie. Trong những lần gặp gỡ với “các cố vấn vô hình” đó, ông thấy tâm trí mình dễ lĩnh hội được các ý tưởng, tư tưởng và kiến thức hơn.
Và tất nhiên Chiến thắng Con Quỷ trong bạn không phải là cuốn sách đầu tiên ông viết về tôn giáo. Thật ra, sau khi phát hành Luật thành công (Law of Success) vào năm 1928, ông đã nhận được rất nhiều lá thư chỉ trích quan điểm của ông về trường học và tôn giáo. Trong Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu, khi nói về “Sáu bóng ma sợ hãi”, ông viết rằng trong phần lớn các trường hợp, nỗi sợ chết thường bắt nguồn từ niềm tin quá mức vào tôn giáo. Thậm chí trên Tạp chí Nguyên tắc Vàng của mình, Napoleon Hill cũng nói khá nhiều về tôn giáo.
Vậy nên quyền lựa chọn cách hiểu vấn đề là của bạn. Napoleon Hill có thật sự nói chuyện với Con Quỷ không hay đó chỉ là câu chuyện ngụ ngôn Napoleon Hill sáng tạo ra để chạm đến và lay động trái tim bạn? Phong cách có một không hai của Napoleon Hill sẽ kéo bạn vào và lay chuyển bạn theo những cách bạn không thể ngờ tới. Mọi lời lẽ trong cuốn sách này là của riêng ông. Vì bản thảo gốc khá dài nên tôi đã chỉnh sửa hết sức cẩn thận để giữ gìn những tác động sâu sắc trong thông điệp của ông. Tôi cũng giữ lại ngôn ngữ nguyên bản của Napoleon Hill mặc dù ngữ pháp hiện đại đã được điều chỉnh ít nhiều.
Với nỗ lực nhấn mạnh một số vấn đề, khiến người đọc hiểu rõ mọi điều ông viết và để mọi người thấy những điều ông dự đoán đã trở thành sự thật như thế nào, tôi đã bổ sung thêm những suy nghĩ của mình trong suốt bản thảo theo một cách trình bày khác. Điều đó sẽ cho phép bạn lựa chọn đọc cuốn sách có hoặc không có những bình luận của tôi.
Hãy tận hưởng cuốn sách kì diệu này và chia sẻ nó với gia đình và bè bạn. Sức mạnh trong ngôn từ của Napoleon Hill có thể và sẽ thay đổi cuộc đời bạn.
Chương Một: CUỘC GẶP GỠ ĐẦU TIÊN VỚI ANDREW CARNEGIE
Trong suốt hơn một phần tư thập kỷ, tôi chỉ có một mục tiêu chính là thiết lập nên một triết lý về các nguyên tắc dẫn đến cả thành công và thất bại để giúp đỡ những người không có động lực và cơ hội tham gia vào dạng nghiên cứu này.
Công việc của tôi bắt đầu vào năm 1908, nó là kết quả của một cuộc phỏng vấn từ trước đó với Ngài Andrew Carnegie đã quá cố. Tôi đã nói rõ ràng với Ngài Carnegie rằng tôi mơ ước được theo học tại trường Luật và trong đầu tôi đã hình thành ý tưởng sẽ phỏng vấn những người thành công nhất, tìm ra con đường dẫn đến thành công của họ và viết những câu chuyện về những khám phá đó cho các tạp chí. Vào cuối buổi gặp đầu tiên giữa chúng tôi, Ngài Carnegie đã hỏi liệu tôi có đủ dũng cảm để thực hiện một gợi ý mà ông muốn đưa ra cho tôi hay không. Tôi đã trả lời ông rằng lòng dũng cảm là tất cả những gì tôi có và tôi sẵn sàng nỗ lực hết sức mình để thực hiện bất cứ gợi ý nào ông đưa ra.
Sau đó, ông nói với tôi rằng: “Cho đến lúc này, ý tưởng viết các câu chuyện về những người thành công rất đáng khen và tôi không hề có ý định làm cậu nản lòng. Nhưng tôi phải nói với cậu rằng nếu cậu muốn kéo dài công việc này, không chỉ với những người hiện đang còn sống, mà với cả những thế hệ sau nữa, thì cậu phải dành một khoảng thời gian rất dài để sắp xếp tất cả các nguyên nhân dẫn đến cả thành công cũng như thất bại.
Có hàng triệu người trên thế giới này không có ý niệm gì, dù là nhỏ nhất về những nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại. Trường lớp dạy mọi người thực hành mọi thứ, trừ các nguyên tắc để có được thành công. Họ yêu cầu những người trẻ tuổi dành từ bốn tới tám năm để tích lũy những kiến thức trừu tượng nhưng không dạy họ phải làm gì với những kiến thức đó.
Thế giới này đang cần một triết lý thực tế và dễ hiểu về thành công, triết lý đó được thiết lập từ kinh nghiệm thực tế của những người đàn ông và phụ nữ của Trường Đại học vĩ đại mang tên Cuộc sống. Trong lĩnh vực triết học, tôi chưa từng thấy có thứ triết lý nào có bất cứ nét tương đồng nào – dù là nhỏ nhất với thứ triết lý mà tôi đang có trong đầu. Có rất ít các nhà triết học có khả năng dạy mọi người về nghệ thuật sống.
Với tôi, dường như đây là cơ hội để thử thách một chàng trai trẻ tham vọng như cậu, nhưng chỉ có tham vọng thôi thì chưa đủ để thực hiện nhiệm vụ này. Người đảm nhận nó phải có đồng thời cả lòng dũng cảm và sự kiên trì.
Công việc này đòi hỏi ít nhất 20 năm nỗ lực không ngừng, trong khi đó người đảm trách nó phải kiếm sống từ những việc khác, vì kiểu nghiên cứu này sẽ không bao giờ có lợi nhuận ngay và thường thì những người có đóng góp cho nền văn minh của chúng ta qua các công trình kiểu như thế này phải đợi một trăm năm hoặc hơn thế sau đám tang của mình mới được ghi nhận vì những công việc mình làm.”
“Nếu cậu nhận công việc này, cậu nên phỏng vấn không chỉ một vài người đã thành công mà còn phải phỏng vấn rất nhiều người từng thất bại nữa. Cậu nên phân tích thật tỉ mỉ hàng ngàn người được xếp vào hàng ‘thất bại’, ý tôi nói ‘thất bại’ ở đây là những người đi đến chương cuối của cuộc đời họ trong nỗi thất vọng vì không đạt được mục tiêu mà họ khao khát. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng cậu sẽ học được cách làm thế nào để thành công từ những thất bại hơn những thứ được gọi là thành công. Họ sẽ dạy cậu những gì cậu không nên làm.
Suốt chặng đường đến khi cậu hoàn thành công việc này, nếu cậu thành công, cậu sẽ có một khám phá khiến cậu vô cùng ngạc nhiên. Cậu sẽ phát hiện ra rằng nguyên nhân dẫn đến thành công không phải thứ gì riêng rẽ hoặc tách biệt khỏi con người, đó là một sức mạnh vô hình trong tự nhiên mà phần lớn con người không bao giờ nhận thấy, một sức mạnh có thể được gọi chính xác là ‘cái tôi khác’. Đáng chú ý là ‘cái tôi khác’ này hiếm khi lộ diện trừ những trường hợp khẩn cấp khi con người bị đẩy đến những nghịch cảnh hoặc thất bại tạm thời.
Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng một người đang đến rất gần với thành công khi những thứ mà anh ta gọi là ‘thất bại’ xảy đến, bởi đây chính là dịp để anh ta buộc phải tư duy. Nếu tư duy đúng đắn, cùng với sự kiên trì, anh ta sẽ khám phá ra rằng những thứ được gọi là thất bại đó thực ra chỉ là một dấu hiệu nhắc anh ta phải trang bị lại cho bản thân mình một kế hoạch hoặc một mục đích mới. Phần lớn những thất bại thực sự đều bắt nguồn từ những giới hạn mà con người tự đặt ra trong tâm trí mình. Nếu có đủ dũng cảm để đi thêm một bước nữa, họ sẽ nhận ra sai lầm của mình.”
“Phần lớn những thất bại thực sự đều bắt nguồn từ những giới hạn mà con người tự đặt ra trong tâm trí mình.”
Một tư duy tiêu cực và tự ti có thể là trở ngại lớn nhất trên con đường đi đến thành công. Với tình hình kinh tế đang đi xuống như hiện nay, có quá nhiều người cả đời mọi chuyện luôn suôn sẻ, giờ đây, lần đầu tiên phải đối mặt với những vấn đề tài chính nghiêm trọng. Rào cản lớn nhất khiến họ chưa phục hồi lại được chính là nỗi sợ hãi và tự ti bắt nguồn từ những trải nghiệm gần đây của họ. Bạn có để tình hình kinh tế đang đi xuống hiện nay tác động đến bạn không? Bạn có để nỗi tự ti và hành vi tự phá hủy bản thân ngăn bạn đạt được ước mơ của mình không? Có phải bạn chính là kẻ thù tồi tệ nhất của bản thân mình? Trong cuốn Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu; Napoleon Hill đã kể lại câu chuyện về R. U. Darby – một người đào vàng. Vì quá thất vọng khi mạch quặng vàng đột nhiên biến mất, Darby đã bán lại quyền khai thác mỏ với giá rẻ mạt cho một người bán đồng nát ở thị trấn. Người bán đồng nát đó đã mời các chuyên gia về mỏ đến tư vấn và họ phát hiện ra rằng chỉ cần đào thêm một quãng độ ba bước chân nữa thôi, Darby sẽ tìm lại được mạch quặng. Giá như kiên trì thêm chút nữa, Darby đã giàu to nhưng anh đã từ bỏ giấc mơ của mình trong khi chỉ còn cách mỏ vàng có ba bước chân. Nhưng thay vì bị gục ngã bởi sai lầm của mình, Darby đã học từ trải nghiệm đó và tiếp tục xây dựng nên một đế chế trong ngành bảo hiểm. Bạn có từ bỏ mục tiêu của mình ngay trước khi đạt được những thành công vĩ đại, khi bạn chỉ còn cách mỏ vàng có ba bước chân không? (Trong cuốn sách Cách mỏ vàng ba bước chân [Three Feet from Gold], bạn có thể tìm đọc về rất nhiều tấm gương đã kiên trì vượt qua các hoàn cảnh khó khăn trong thời đại hiện nay.)
Bắt đầu một cuộc đời mới
Những lời Ngài Carnegie nói đã định hình lại toàn bộ cuộc sống của tôi và gieo vào lòng tôi một mục tiêu cháy bỏng, mục tiêu ấy luôn không ngừng thúc đẩy tôi dù lúc ấy tôi hoàn toàn mơ hồ và không hiểu ông có ý gì khi nhắc đến cụm từ “cái tôi khác”.
Trong suốt quá trình nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến thất bại và thành công, tôi đã có đặc quyền được phân tích hơn 25.000 người được đánh giá là “thất bại” (cả đàn ông lẫn phụ nữ) và hơn 500 người được phân loại là “thành công”. Nhiều năm trước, tôi đã bắt đầu có ý niệm đầu tiên về “cái tôi khác” mà Ngài Carnegie đã nhắc đến. Đúng như ông ấy đã nói, tôi đã khám phá ra điều đó sau hai bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình – hai tình huống khẩn cấp buộc tôi phải tư duy để vượt qua được những khó khăn tôi chưa từng gặp phải bao giờ.
Công việc nghiên cứu của tôi cần góp nhặt rất nhiều dữ liệu, nó thực sự đòi hỏi nhiều năm lao động miệt mài. Để giúp các bạn thấy được bức tranh toàn cảnh, tôi sẽ quay lại bước ngoặt đầu tiên trong hai bước ngoặt lớn và từng bước mang khám phá ấy đến với các bạn.
Khi tìm ra 17 nguyên tắc thành công và 30 nguyên nhân thất bại, tôi tưởng rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nên một triết lý hoàn chỉnh về thành công cá nhân. Nhưng thực ra, đó là một kết luận chủ quan và sai lầm của bản thân tôi. Vì lúc đó, công việc của tôi chỉ mới chập chững bắt đầu. Với 17 nguyên tắc thành công và 30 nguyên nhân thất bại, tôi mới chỉ dựng được một bộ khung cho triết lý đó và bộ khung ấy cần phải được “đắp” thêm rất nhiều ví dụ và trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, nó còn cần có “tâm hồn” để thôi thúc con người đối diện với khó khăn chứ không phải né tránh nó.
“Tâm hồn” – thứ còn thiếu đó, như sau này tôi mới phát hiện ra, nó chỉ đến sau khi tôi khám phá được “cái tôi khác” qua hai bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình.
Quá trình tìm ra “cái tôi khác” của tôi cũng là một câu chuyện dài. Dù có tham vọng viết sách nhưng lúc đầu tôi quyết tâm sẽ kiếm tiền bằng nghề khác. Tôi quyết định sẽ làm trong ngành quảng cáo và tôi đã trở thành người phụ trách quảng cáo cho Đại học Mở rộng LaSalle tại Chicago. Mọi chuyện đều thật tuyệt vời trong vòng một năm, rồi tôi đột nhiên thấy vô cùng chán ghét công việc đó và xin từ chức.
Sau đó tôi tham gia vào việc kinh doanh một chuỗi cửa hàng cùng với Cựu chủ tịch của Đại học Mở rộng LaSalle và tôi trở thành Chủ tịch Công ty Kẹo Betsy Ross. Nhưng thật không may, ít nhất là vào thời điểm đó tôi thấy chuyện đó thật xui xẻo, tôi bất đồng quan điểm với cộng sự của mình và chuyện đó lại khiến tôi xin rút lui khỏi vị trí mình đang đảm nhận.
Sự quyến rũ của ngành quảng cáo đã ăn sâu vào máu tôi và tôi quyết định sẽ tiếp tục làm công việc đó bằng việc mở một trường đào tạo về quảng cáo và bán hàng – một bộ phận nằm trong trường Cao đẳng Kinh doanh Bryant & Stratton.
Công việc đào tạo rất xuôi chèo mát mái và chúng tôi kiếm được cả bộn tiền khi nước Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Nhưng để đáp lại thôi thúc mãnh liệt từ bên trong mà không ngôn từ nào diễn tả được, tôi đã rời khỏi trường, gia nhập vào quân đội của chính phủ Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Woodrow Wilson[14] và để lại công việc kinh doanh tưởng chừng như hoàn hảo kia dần tan vỡ.
Vào ngày ký hiệp định chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (11/11/1918), tôi bắt đầu xuất bản tạp chí Nguyên tắc Vàng. Dù tôi chẳng có một xu tiền vốn nào nhưng tạp chí vẫn phát triển rất nhanh và sớm được phát hành rộng rãi trên toàn quốc với nửa triệu bản in mỗi kỳ, đến cuối năm đầu tiên trong lịch sử hoạt động, tạp chí đã lãi 3.516 đô la.
Theo đánh giá chính xác thì 3.156 đô la vào năm 1918 sẽ có giá trị tương đương với 45.000 đô la theo Chỉ số giá tiêu dùng trung bình hàng năm được biên soạn bởi Cục Thống kê Lao động Liên bang Mỹ và 202.000 đô la khi lấy tổng sản lượng nội địa theo giá cả thị trường hiện hành chia cho đầu người. Đó là con số không hề nhỏ cho năm đầu tiên kinh doanh tạp chí… Bởi khi đó có tới 80 đến 90% các tờ báo mới thất bại và thậm chí cả những tờ báo thành công nhất cũng phải mất từ ba đến năm năm mới bắt đầu có lãi.
Vài năm sau, một người có kinh nghiệm dày dạn trong ngành xuất bản đã bảo tôi rằng bất cứ ai có kinh nghiệm trong ngành xuất bản và phân phối các tạp chí trên cả nước cũng sẽ nghĩ rằng để bắt đầu xuất bản một tạp chí như thế phải có vốn liếng ít nhất là nửa triệu đôla.
Nhưng cuối cùng thì tôi cũng chia tay tạp chí Nguyên tắc Vàng. Chúng tôi càng thành công, tôi lại càng bất mãn, cuối cùng, vì những cơn bực mình chồng chất với các cộng sự, tôi tặng không cả tạp chí cho họ và rút khỏi nó. Lần này có lẽ tôi đã quăng cả một gia tài nhỏ chứ chẳng chơi.
Đây chỉ là sự khởi đầu của tình yêu Napoleon Hill dành cho tạp chí. Sau Nguyên tắc Vàng, ông xuất bản Tạp chí Napoleon Hill. Sau này, ông còn là biên tập viên của tạp chí Thành Công – một tạp chí hiện vẫn đang được xuất bản.
Sau đó, tôi mở một trường đào tạo nhân viên bán hàng. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là đào tạo một đội quân bán hàng gồm 3000 người cho một chuỗi cửa hàng, tôi nhận được 10 đô la cho mỗi nhân viên tham dự khóa đào tạo của mình. Trong vòng gần sáu tháng, tôi đã kiếm được khoảng hơn 30.000 đô la một chút. Chừng nào còn dính líu đến tiền bạc, mọi nỗ lực của tôi vẫn chỉ được đền đáp bằng những thành công về mặt tiền bạc. Tôi lại cảm thấy “nóng ruột”. Tôi không hạnh phúc. Có một sự thật ngày càng rõ ràng là chẳng có số tiền nào làm tôi thấy hạnh phúc cả.
Dù không có bất cứ một lý do hợp lý nào, cho dù là nhỏ nhất; tôi vẫn quyết định từ bỏ công việc giúp tôi dễ dàng kiếm được nhiều tiền ấy. Bạn bè và các cộng sự đều nghĩ rằng tôi thật điên rồ và cho đến bây giờ, điều họ nói vẫn đúng.
Rõ ràng là tôi sẵn sàng đồng ý với họ, nhưng tôi không thể làm khác được. Tôi tìm kiếm hạnh phúc nhưng chưa tìm thấy nó. Ít nhất thì đó là lời giải thích duy nhất tôi có thể đưa ra cho những hành động không bình thường của mình. Ai có thể hiểu bản thân tôi hơn chính mình được chứ?