Cuốn sách “Chùm Nho Thịnh Nộ” của John Steinbeck là một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ, khắc họa một bức tranh chân thực về cuộc sống của những người nông dân Mỹ trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng.
Câu chuyện xoay quanh gia đình Joad, buộc phải rời bỏ quê hương Oklahoma do hạn hán và bão bụi, để đến California tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên hành trình gian khổ, họ phải đối mặt với vô số khó khăn, từ sự bóc lột của giới chủ, sự bất công của xã hội, đến những định kiến và sự thù địch từ người dân địa phương.
Tuy nhiên, “Chùm Nho Thịnh Nộ” không chỉ là một câu chuyện về sự bi thương. Nó còn là một khúc ca về sức mạnh và lòng dũng cảm của con người, về tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
Tác phẩm đã thành công trong việc phơi bày ranh giới tàn khốc giữa giàu có và bần hàn, giữa bạo quyền và cô thế. Steinbeck đã lên án mạnh mẽ một xã hội khinh rẻ sức người, chà đạp lòng tự trọng, đồng thời tôn vinh sức mạnh và phẩm giá của tầng lớp bình dân.
Cuốn sách đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải Pulitzer cho Tiểu thuyết năm 1940, Giải Nobel Văn chương 1962 và được chuyển thể thành phim vào năm 1940.
Mời các bạn đón đọc Chùm nho phẫn nộ của tác giả John Steinbeck
—
CHƯƠNG 1
Trên những vùng đất đỏ và một phần các vùng đất xám bang Oklahoma, những trận mưa cuối vụ rơi lâm thâm, không đủ sức xói lở mặt đất vốn đã bị nứt nẻ. Các lưỡi cày đi qua lộn lại cắt ngang các vết hằn của những con suối nhỏ. Những trận mưa cuối cùng khiến cho ngô lớn lên rất nhanh, cỏ và nhiều thứ cây dại khác lan rộng dọc các con đường cái và dần dà các vùng đất đỏ và đất xám biến mất dưới một tấm thảm xanh. Cuối tháng năm, bầu trời tái nhợt, các cụm mây mùa xuân đã bồng bềnh quá lâu ở tít trên cao nay đang tản mát dần. Ngày lại ngày mặt trời đốt nóng cây ngô đang vươn mạnh mãi tới khi có một đường viền màu nâu kéo dài ra trên mỗi chiếc lưỡi lê xanh. Mây hiện ra rồi lại trôi đi xa, và chẳng bao lâu thậm chí mây không buồn động đậy. Để tự bảo vệ, cỏ khoác một màu xanh thẫm hơn và thôi không lan tràn nữa, mặt đất cứng lại phủ dưới một vỏ khô mỏng và rắn, khi bầu trời tái nhợt đất đỏ nhuốm sắc hồng, còn đất xám nhuốm sắc trắng.
Trong những khe rãnh do nước đào xới, đất sụt lở, bụi chảy xuống thành những con suối nhỏ khô. Chuột rừng và kiến sư tử mải leo lên leo xuống, gây nên những thác bụi bé nhỏ. Hết ngày này sang ngày khác, ánh mặt trời gay gắt đánh xuống liên miên, lá ngô non như những mũi tên thôi không còn cứng ngắc nữa, chúng bắt đầu uốn cong trở vào, rồi các đường gân chính lại bị oằn, nên mỗi chiếc lá rũ xuống mềm nhũn. Tháng sáu tới, mặt trời chói chang dữ dội, trên các lá ngô, đường viền màu nâu rộng thêm ăn lan đến các đường gân giữa. Cỏ dại rách xơ ra co rúm về gốc rễ. Không khí loãng hơn, bầu trời nhạt hơn, và mỗi ngày, đất cũng tái nhợt thêm.
Trên các đường cắt, nơi xe ngựa qua lại, đất bị đầm giẽ dưới móng vó ngựa lại bị bánh xe nghiền nát, lớp vỏ cứng vỡ ra tan thành bụi. Tất cả những gì chuyển động trên đường đều làm cho bụi bay lên, một bước chân khách bộ hành xốc lên một lớp bụi mỏng ngang tầm thắt lưng, một chiếc xe bò khiến bụi bay là là trên đầu các bờ dậu, một chiếc xe tải cuốn theo sau những đám bụi dày đặc, cuồn cuộn. Và rất lâu, rất lâu bụi cứ bay lơ lửng không chịu nằm xuống lại.
Giữa tháng sáu, từ Texas và vùng Vina, ùn ùn kéo tới những đám mây to lớn nặng nề, chứa chất những cơn giông tố. Trên các đồng ruộng, có những người đứng nhìn mây, hít ngửi và thấm ướt ngón tay để lường hướng gió. Chừng nào mây còn nằm lặng trên bầu trời, những con ngựa vẫn tỏ ra cáu kỉnh. Các đám mây giông gieo xuống vài hạt mưa lưa thưa rồi vội vã trốn về các miền khác. Phía sau chúng, bầu trời lại tái nhợt, mặt trời nóng như thiêu như đốt. Những hạt mưa xói những lỗ nhỏ trên mặt đất để lại những vết bụi đậm nét bám vào thân ngô. Và chỉ có thế.
Một ngọn gió phe phẩy bay theo các đám mây mưa, đẩy chúng về phương Bắc, cây ngô kêu xào xạc và đang khô dần. Một ngày trôi qua, gió thổi mạnh hơn, liên tục, tuy vẫn không có trận gió nào đánh gãy thân cây ngô. Bụi đường dâng cao, trải rộng, rơi xuống đám cỏ bên bờ và trong các đám ruộng. Rồi gió nổi lên ào ào, dữ dội ác liệt, tấn công lớp vỏ cứng do mưa tạo nên trên cánh đồng. Dần dà, bầu trời tối sầm lại sau màn bụi hỗn loạn, lướt qua mặt đất, cuốn bụi tung mịt mù. Gió càng mạnh thêm. Lớp vỏ cứng tan vỡ, phía trên cánh đồng, bụi càng bốc cao, vạch trên không khí những túm lông xam xám tựa những vệt khói uể oải. Ngô nhào trộn gió trong tiếng rào rào ròn khô. Đám bụi mịn nhất không còn lắng đọng trên mặt đất nữa, mà đã biến mất vào bầu trời âm u.
Gió lại mạnh thêm, rạch đường đi ngang qua cánh đồng, luồn xuống dưới các tảng đá, cuốn bay các cọng rơm, các lá khô và ngay cả các cục đất nhỏ. Không trung và bầu trời sầm lại, mặt trời hiện ra đỏ rực, và trong không khí thoang thoảng một mùi hăng hắc. Một đêm nọ, gió mở thêm tốc lực qua vùng đồng quê, ranh mãnh đào xới quanh các gốc ngô gầy, thân ngô đưa các tàu lá yếu ớt ra chống đỡ, mãi cho đến khi có một ngọn gió tọc mạch luồn tới nhổ bật gốc rễ. Thân cây đã kiệt sức, nghiêng ngửa rồi đổ vật xuống theo hướng gió thổi.
Bình minh đang rạng dần, nhưng ngày chưa sáng tỏ. Trên bầu trời xám xịt, một mặt trời đỏ – một chiếc đĩa đỏ ló ra mờ mờ hắt xuống một thứ ánh sáng yếu ớt của buổi hoàng hôn. Ngày càng rõ dần thì hoàng hôn lại trở về với bóng tối, và gió gào rú hoặc rên rỉ trên thân cây ngô đổ rạp.
Đàn ông và đàn bà nấp trong nhà, khi bước ra ngoài, họ thắt một chiếc khăn quanh mũi, đeo những cặp kính kín mít để che mắt.
Đêm trở lại, một đêm tối như mực, vì các ngôi sao không thể chọc thủng lớp bụi để rọi ánh sáng xuống, và ánh đèn từ cửa sổ hắt ra chỉ soi tỏ các mảnh sân. Bụi hòa trộn đều với không khí, tạo nên một lớp hỗn hợp bụi bậm. Nhà cửa đều đóng kín mít, các dải đệm bít chặt các khe cửa lớn, cửa sổ, nhưng bụi nhỏ li ti vẫn luồn lẻn vào phía trong nhà, đọng lại như bụi phấn hoa trên bàn ghế, bát đĩa. Người ta phải lấy vải phủi bụi thấm trên vai, những vạch bụi mịn tơi bám đậu dưới chân cửa thành những đường gạch nhỏ.
Nửa đêm hôm đó, gió lặng, và cảnh vật im ắng đè nặng lên mặt đất. Không khí đầy ứ bụi bóp nghẹt các âm thanh một cách trọn vẹn hơn cả sương mù. Nằm trên giường, dân giã lắng nghe gió ngưng thổi. Họ thức tỉnh lúc gió hú đã im bặt. Họ nín thở nằm nghe tĩnh mịch. Rồi gà cất tiếng gáy, người ta nằm trăn trở nôn nóng chờ đợi bình minh. Họ biết rằng phải còn lâu lắm bụi mới lắng hết xuống mặt đất. Sáng ngày ra, bụi vẫn treo lơ lửng chẳng khác sương mù, và mặt trời đỏ như máu đông đặc. Suốt ngày bụi từ trên cao cứ rơi xuống dần như xuyên qua một cái rây. Ngày tiếp theo bụi tiếp tục sa xuống, bao phủ mặt đất dưới một tấm màn đồng màu. Bụi lắng đọng trên ngô, bám đầy trên đầu cọc rào, bám đặc trên các sợi dây thép, trải rộng trên các mái nhà, che lấp cỏ và cây. Mũi được che chắn cẩn thận, mọi người ra khỏi nhà và ngửi không khí nóng ăn mòn da thịt. Bọn trẻ con cũng bắt chước người lớn nhưng chúng không hò hét, không chạy nhảy như trước kia mỗi lần mưa tạnh. Người lớn đứng gần bờ dậu, nhìn cánh đồng ngô bị tàn hại hiện đang khô héo. Họ đứng câm lặng và nhiều khi không động đậy. Rồi đến lượt các phụ nữ ra đứng cạnh đàn ông để xem lần này cánh đàn ông có bị nao núng trước thời tiết tai ác như vậy không. Họ kín đáo nhìn gương mặt đám đàn ông, bởi vì ngô có thể biến mất nhưng cũng không sao, qui hồ còn lại thứ gì khác. Lũ trẻ con đứng gần đấy, lấy ngón chân cái vạch vạch các hình vẽ trên cát bụi, và với giác quan thức tỉnh, chúng tìm cách đoán xem chẳng hay người lớn có nao núng hay không. Chúng liếc trộm vẻ mặt của người lớn rồi lại chăm chú đưa đầu ngón chân vạch vạch trên đất bụi. Những con ngựa đi tới máng nước, lỗ mũi phì phì xua bụi đóng váng trên đó. Sau một lúc, khuôn mặt những người đàn ông đang quan sát mất hẳn vẻ sững sờ ngơ ngác và trở nên đanh lại, giận dữ, cương quyết. Thế là các phụ nữ hiểu ra rằng nguy cơ đã qua và sẽ không có chuyện suy sụp xảy ra. Họ bèn hỏi:
– Ta làm thế nào bây giờ?
Đám đàn ông đáp:
– Chưa biết sao.
Nhưng mọi việc đều ổn thỏa, đám phụ nữ biết rằng mọi việc đều ổn. Từ đáy lòng, đàn bà và trẻ con đều biết rằng một khi đàn ông họ vững vàng thì không có nỗi bất hạnh nào là quá nặng nề. Phụ nữ trở vào nhà, lại bắt tay vào công việc thường ngày, còn trẻ con lại bắt đầu nô đùa, tuy mới đầu có vẻ hơi rụt rè.
Càng về trưa, mặt trời càng bớt đỏ rực, phóng những tia nắng gắt xuống miền quê bị bao trùm dưới bụi. Đàn ông ngồi trên bậc cửa, tay mân mê những chiếc gậy hoặc những hòn sỏi bé nhỏ. Họ ngồi im lặng, suy nghĩ và tính toán.
CHƯƠNG 2
Một chiếc xe tải lù lù đỗ lại trước một tiệm ăn bé nhỏ nằm bên rìa đường, ống thoát hơi thẳng đứng kêu ro ro, và một quầng khói xanh lam hầu như vô hình lượn lờ phía trên đầu ống. Đây là một chiếc xe tải mới sơn màu đỏ chói gắt, hai bên thành xe có một dòng chữ to tướng Công ty vận tải thành phố Oklahoma. Bánh xe đôi mới cứng, một núm khoá bằng đồng lòi ra ngoài các nẹp sắt trên các cánh cửa to ở phía sau. Quán ăn có các ô cửa được bảo vệ bằng một tấm lưới sắt, một loa truyền thanh đang chơi bản nhạc khiêu vũ âm thầm như lúc không có ai lắng nghe; một chiếc quạt nhỏ lặng lẽ quay tròn trong chiếc cửa mắt bò phía trên chỗ ra vào; đàn ruồi hối hả vo ve quanh cửa lớn và cửa sổ, chốc chốc lại đụng vào các tấm lưới sắt. Trong quán có một tài xế là khách độc nhất: ngồi thoải mái trên chiếc ghế đẩu, khuỷu tay tì lên quầy hàng, qua miệng tách cà phê, y nhìn cô phục vụ gầy nhom và lẻ loi. Anh tài nói chuyện với cô bằng thứ ngôn ngữ linh hoạt và lơ đãng của cánh lái xe đường trường.
– Tớ đã thấy hắn cách đây gần ba tháng. Mới mổ xong. Bị cắt mất cái gì đó, tớ chả biết.
Và cô ta:
– Còn mình, hình như mình thấy hắn cách đây chưa đầy một tuần. Có vẻ khoẻ ra trò. Một anh chàng chả xấu bụng gì, miễn là đừng say bét nhè.
Thỉnh thoảng đàn ruồi sà tới, khẽ vo ve bên tấm lưới sắt của cửa lớn. Một luồng hơi thoát ra từ chiếc bình pha cà phê, cô phục vụ không quay lại, chìa tay ra sau để đóng tay gạt.
Bên ngoài, một gã thanh niên đang đi bên lề đường bỗng tạt ngang qua và tới gần chiếc xe tải. Anh chậm rãi bước tới trước mui xe, đặt tay lên thanh chắn bảo hiểm lấp lánh. Anh nhìn cái nhãn dính ở tấm chắn gió: No Riders 1. Trong một lúc, anh có vẻ như muốn tiếp tục cuộc hành trình, nhưng rồi thay đổi ý kiến, anh ngồi xuống trên bậc xe đối diện với quán ăn. Anh chưa đầy ba mươi tuổi. Đôi mắt màu nâu xám, con ngươi sắc nâu nhạt. Lưỡng quyền cao, những nếp nhăn hằn trên đôi má và uốn cong xung quanh miệng. Môi trên dài, và vì hàm răng vẩu, anh luôn luôn giữ ý khép miệng lại. Đôi bàn tay cứng, ngón to bè, móng tay và có đường vân như loài sò. Khoảng giữa ngón cái, ngón trỏ và gan bàn tay nổi lên những cục chai bóng láng.
Anh mặc quần áo mới, tất cả những gì anh mang đều rẻ tiền và mới. Chiếc mũ cát két mới nguyên đến nỗi lưỡi trai còn cứng ngắc và chiếc khuy bấm còn dính chặt vào đấy. Nó còn chưa biến dạng và méo mó như về sau, khi đã trải qua một thời gian làm tròn những lợi ích khác nhau dành cho loại mũ cát két, ba lô nhỏ, khăn trải bàn và khăn tay. Bộ com lê bằng dạ xám rẻ tiền còn mới đến nỗi chiếc quần còn giữ nguyên nếp, áo sơ mi bằng vải lanh xanh, vải còn cứng hồ và chưa bị nhăn nheo. Chiếc vét tông quá rộng, chiếc quần ngắn cũn cỡn vì anh chàng người to cao. Đường khâu chỗ khoét nách chùng xuống và ngay dù vậy, ống tay áo vẫn ngắn và thân áo trước lè phè nơi bụng. Anh đi một đôi giày màu vàng sáng, mới, kiểu giày xăng đá của quân đội có đóng đinh và có đóng sắt để khỏi vẹt gót. Anh ngồi ở bậc lên xuống, cất mũ lưỡi trai, lau mồ hôi mặt. Rồi anh đội lại mũ, kéo sụp lưỡi trai xuống. Anh để ý đến đôi bàn chân, anh cúi xuống, nới lỏng dây giày và cứ để nguyên không buộc lại nữa. Phía trên đầu anh ống hơi Diesel rầm rì nhả những cuộn khói lam đang thoát nhanh.
Trong quán nhạc đã tắt: và từ loa phóng thanh có tiếng đàn ông vang ra, nhưng cô phục vụ vẫn để mặc không tắt máy. Mấy đầu ngón tay táy máy sục sạo đã lần ra một cục u ở phía sau tai. Cô cố hiếng mắt, nhìn vào chiếc gương đứng đặt phía sau quầy, và để anh lái xe khỏi chú ý tới, cô giả vờ sửa lại mấy cụm tóc lòa xòa. Anh lái xe nói:
– Vừa rồi ở Shawance có khiêu vũ lớn ghê. Hình như ai đó bị giết, hay đại để như thế. Đằng ấy không biết tin sao?
– Không – cô vừa đáp vừa nhẹ nhàng mân mê cục thịt sau tai.
Ở bên ngoài, anh thanh niên đang đứng lên nhìn qua tấm màn che và quan sát quán ăn trong chốc lát. Rồi anh lại ngồi xuống, rút ở túi sau ra một gói thuốc lá rời và giấy cuốn. Anh chậm rãi, khéo léo cuốn điếu thuốc, ngắm nghía nó rồi đưa đầu lưỡi miết. Mãi sau anh mới châm lửa hút và ném que diêm cháy dở xuống bụi đường. Trưa đang tới gần, mặt trời cắt ngắn bóng chiếc xe tải. Trong quán, anh tài xế đứng lên trả tiền, rồi đặt hai đồng năm xu mà cô hàng trả lại, qua rãnh một máy quay xu. Trục quay không dừng lại ở bất cứ con số nào.
– Họ gian lận, chẳng bao giờ mình kiếm chác được chút gì, – y nói với cô hàng.
Và cô đáp:
– Ấy có một thằng cha đã trúng một cái bình chốt cắm đấy thôi. Cách đây chưa quá hai tiếng. Hắn vớ được tám mươi đô la. Bao giờ cậu quay lại?
Anh tài xế để cửa lưới sắt hé mở.
– Từ nay tới đó, cũng phải tám, mười ngày. Tớ phải đánh xe tới tận Tusla. Định về sớm nhưng chả bao giờ được.
Cô càu nhàu:
– Đừng để ruồi vào. Hoặc là ra hẳn, hoặc là vào hẳn, nào!
– Tạm biệt, – anh tài nói rồi đi ra.
Cửa lưới sắt kêu đánh cách phía sau y. Đứng ngoài nắng, y rút trong bọc ra một chiếc kẹo cao su. Đây là một gã đẫy đà, vai rộng, bụng nặng nề. Khuôn mặt đỏ, đôi mắt xanh dài ti hí vì mải nhấp nháy trong ánh sáng chói chang. Y mặc một chiếc quần nhà binh, mang đôi bốt có dây buộc. Tay cầm chiếc kẹo cao su ngang miệng, y nói qua cánh cửa:
– Bảo này, tớ đi rồi thì đằng ấy chớ có léng phéng, nghe?
Cô phục vụ mắt quay về phía chiếc gương ở tường phía trong, càu nhàu một lời đáp. Gã tài chậm rãi nhá nhẩm đầu kẹo, mỗi lần nhai lại há rộng quai hàm. Y đưa đầy chiếc kẹo trong miệng, vừa luồn nó xuống phía dưới lưỡi, vừa tiến về phía chiếc xe tải màu đỏ.
Anh chàng đi nhờ xe bèn đứng lên nhìn qua cánh cửa sổ.
– Thưa ông, ông có thể cho tôi đi nhờ một quãng đường, được không?
Người tài xế thoáng nhìn trộm về phía tiệm ăn.
– Anh không nom thấy cái nhãn dán ở chắn gió, sao?
– Có chứ, có thấy. Nhưng thiết nghĩ, nhiều lúc, vẫn có những người quân tử, bất chấp một gã nhà giàu chết tiệt nào đó buộc y phải đeo một cái nhãn.
Anh tài thong thả ngồi vào xe, ngẫm nghĩ đến câu trả lời đó. Giá bây giờ mà từ chối thì cũng dở, đã không phải là tay quân tử mà vẫn phải đèo thêm mỗi cái nhãn buộc người ta không cho ai đi cùng. Còn nếu y để cho cái gã lang thang này lên xe thì sao? Tự khắc y là tay quân tử, hơn nữa, lại không thuộc vào hạng người bị một tên nhà giàu xỏ mũi. Y cảm thấy mình bị kẹt, nhưng không có cách thoát ra. Mà y lại muốn làm một tay quân tử. Một lần nữa, y liếc nhìn vào quán rồi nói:
– Cậu ngồi nấp ở bậc lên xuống chờ cho mình đánh xe quá khúc ngoặt.
Anh chàng đi nhờ xe ngồi xệp xuống cho khỏi ai nom thấy tay quắp chặt núm cửa. Máy xe rồ lên một chốc, cần gạt số kêu lanh canh và chiếc xe tải to lớn mở máy, tốc độ một, tốc độ hai, tốc độ ba, rồi một tăng tốc dài, và cuối cùng, tốc độ bốn. Khúc ngoặt ở cách đấy một dặm. Vượt qua chỗ rẽ, chiếc xe chạy chậm lại. Anh đứng lên, mở cửa và luồn vào ngồi trên ghế. Qua đôi mi hé mở, anh tài xế quan sát anh, miệng vẫn tiếp tục nhai. Chẳng khác ý nghĩ và ấn tượng của y được sàng lọc và sắp xếp bởi đôi quai hàm trước khi chúng được xếp loại trong đầu óc. Thoạt tiên đôi mắt y chốt vào chiếc mũ mới, rồi lần xuống bộ quần áo mới để rồi dừng lại ở đôi giày mới. Anh đi nhờ xe ngã người vào chỗ tựa, vặn vẹo người để ngồi cho thoải mái, rồi cất mũ lau mồ hôi trán và cằm.
– Cám ơn, anh bạn, – anh nói. – Chân mình long ra rồi.
– Giày mới mà lại? – anh tài nói. Cũng như đôi mắt, giọng nói của y có tính cách bí mật và lấy lòng. – Nắng nôi thế này mà lại mang giày mới đi dạo… kể cũng trái khoáy.
Anh đi nhờ xe cúi mắt nhìn xuống đôi giày bám đầy bụi.
– Mình chả có đôi nào khác. Đành phải mang đôi này vậy.
Với vẻ thông cảm, anh tài xế nheo đôi mí nhìn phía trước mặt rồi cho xe chạy nhanh thêm. Y hỏi:
– Cậu đi xa không?
– Ô! Mình có thể cuốc bộ được, giá như bộ giò nó chịu chiều mình.
Những câu hỏi của anh tài có cái giọng hỏi cũng tế nhị. Bằng cái câu hỏi, hình như y chẳng bầy đặt lưới phục.
– Cậu đi tìm việc làm à?
– Không. Ông già mình có trang trại. Bốn mươi acrơ 2. – Làm tá điền, nhưng đã ở đấy từ đời nảo đời nào.
Gã tài xế ném một cái nhìn thông thạo lên những cánh đồng nằm hai bên đường cái, ở đây ngô đã nằm rạp vùi lấp trong đất bụi. Anh tài xế nói như nhủ thầm:
– Bốn mươi acrơ. Thế ông già đã trụ lại được với bụi hay sao? Mà máy cày còn chưa tới xua đuổi ông đi ư?
– Cũng phải nói là lâu nay, tớ chả có tin tức nhà.
– Lâu đấy – anh tài xế nói.
Một con ong bay vào buồng lái rồi tới vo ve sau tấm chắn gió. Gã tài vươn tay ra, thận trọng bắt lấy nó và thả ra ngoài cửa.
– Thời buổi này, – y nói tiếp, – dân cày sẽ biến nhanh thôi. Người ta tự dẫn xác đến một chiếc xe xích, và thế là mười gia đình bị tống ra ngoài… Trong xứ, đầy rẫy những chiếc xe bánh xích sắt chết tiệt. Chúng nhổ sạch mọi thứ, tống khứ dân cày ra đường. Ông già cậu trụ làm sao được?
Lưỡi và quai hàm của y bắt đầu nghiền chiếc kẹo cao su, cuộn nó lại, rồi lại nhai. Mỗi lần y há miệng, người ta có thể thấy đầu lưỡi lật trở viên kẹo.
– Ô… lâu nay mình không có tin tức gì của ông già. Mình không thạo chuyện viết thư, ông già cũng không. – Rồi anh nói tiếp, rất nhanh: – Nhưng nếu muốn thì mình có thể viết, ông cụ cũng vậy.
– Cậu có công ăn việc làm ở đâu đó chứ?
Một lần nữa, lại vẫn cái tính tò mò kín đáo sau vẻ thờ ơ bên ngoài. Đôi mắt y nhìn ra xa xa trên cánh đồng quê, vào bầu không khí rung rinh, rồi giữ chiếc kẹo sát vào má để khỏi bị vướng, y nhổ qua cánh cửa.
– Tất nhiên là thế, – anh chàng đi nhờ xe nói.
– Tớ đã ngờ thế rồi. Chỉ nhìn bàn tay của cậu là biết. Cậu đã cầm cuốc rìu, hoặc búa. Tay chai bóng lên kia kìa! Ngay tức thì tớ đã để ý đến các vệt xước. Tớ tin lắm.
Anh đi nhờ xe nhìn y chòng chọc. Bánh xe tải hát réo trên đường cái.
– Cậu muốn biết thêm chuyện gì khác nữa ư? Mình có thể nói cậu nghe thôi mà! Việc gì phải đoán.
– Cậu đừng giận. Tớ đâu có cái thói chõ mũi vào chuyện riêng của cậu.
– Mình sẽ nói những gì cậu muốn. Chả có gì phải dấu.
– Thôi mà, đừng giận. Đơn giản là mình thích nhận xét thế này thế nọ. Gọi là để giết thì giờ.
– Tớ sẽ nói những gì cậu muốn. Tên tớ là Joad, Tom Joad. Bố tớ là ông già Tom Joad. Nói xong, anh ta đặt một cái nhìn ủ ê lên gã tài xế.
– Cậu đừng nên giận. Tớ chả nghĩ quanh nghĩ co gì đâu mà.
– Thì tớ cũng thế, tớ chả nghĩ xa nghĩ gần gì sất. Đơn giản là tớ gắng tự xoay xở lấy để khỏi phiền lụy đến ai.
Anh ngừng lại, nhìn cánh đồng quê khô hạn và các bụi cây đói khát ở phía xa xa cháy bỏng. Từ túi bên, anh rút thuốc lá và giấy cuốn ra. Anh cuốn điếu thuốc giữa hai đầu gối để tránh gió.
Anh tài xế nhai nhỏ nhẹ, đều đặn, tư lự hệt như con bò cái nhai trầu. Y chờ cho mẩu chuyện vừa rồi hòa tan trong quên lãng. Cuối cùng, khi bầu không khí đã bình thường trở lại, y nói:
– Anh chàng nào mà chưa bao giờ lái xe thì không thể biết được đấy là đâu. Các ông chủ không muốn cho người ta chở khách. Thế là đành phải ngồi lỳ trước tay lái, trừ phi là muốn bị tống cổ. Như việc tớ làm với cậu đây, dễ bị lắm.
– Mình chịu ơn cậu nhiều.
– Tớ biết có những tay vừa lái xe vừa làm những trò đến là ngộ. Có một tay lại còn rặn ra thơ nữa. Để giết thì giờ…
Y liếc nhìn để xem Joad có quan tâm hay ngạc nhiên gì không, nhưng Joad vẫn lặng im, mắt nhìn vào xa xa trên con đường cái trắng xoá đang nhẹ nhàng nhấp nhô như sóng ngầm. Mãi sau, anh lại tiếp tục:
– Tớ có biết một bài thơ mà thằng cha kia đã viết. Hắn cùng với mấy thằng khác vừa chu du khắp thiên hạ, vừa nhậu nhẹt, làm đủ trò bậy bạ, hôn hít lung tung. Tiếc là, bài thơ đó, tớ không nhớ nó thế nào. Thằng cha ấy hắn rót vào tai người ta những tiếng mà đến Chúa Cha, Chúa Con và Đức Thánh thần cũng chẳng biết là cái quái gì. Ồ, có đoạn nói thế này: “Ở đấy, tôi nom thấy có một thằng da nâu sẫm có một thanh gươm ngắn, to như một khúc ruột thừa của voi hoặc cái buồi của cá nhà táng”. Khúc ruột thừa, đại để ý nói cái mũi, ờ, con voi, đó là cái vòi. Hắn chỉ cho tớ xem trong một cuốn từ điển. Đi đâu hắn cũng mang theo cái cuốn sách khỉ gió đó, cậu ạ. Vừa đỗ xe lại là hắn uống một tách cà phê, ăn một miếng mứt, xong, là chúi mũi vào sách.
Y im bặt khi cảm thấy mình lẻ loi khi nói dài dòng văn tự. Đôi mắt của y len lét quay về phía người khách. Joad vẫn lặng câm… Ngỡ ngàng, anh tài xế cố thử lôi cuốn anh vào câu chuyện.
– Cậu không thể biết có những gã hay dùng những từ rỗng tuếch như vậy sao?
– Các ông mục sư.
– À mà mình đây mình đâm cáu khi nghe một thằng cha dùng những tiếng đao to búa lớn. Cố nhiên một ông mục sư thì không giống thế, vả lại ai hơi đâu đi mất thì giờ với một mục sư. Còn cái thằng cha kia mới kỳ cục làm sao. Hắn có nói thì cũng chẳng ai buồn nghe, nói thế hay nói gì khác cũng thế thôi. Hắn không có ý trộ thiên hạ, làm ra vẻ ta đây.
Anh lái xe thấy yên tâm. Ít ra thì y cũng biết là Joad đang lắng nghe. Đùng một cái y xoay mạnh tay lái, quẹo cái xe đồ sộ sang khúc ngoặt. Bánh xe rít lên. Rồi y lại nói tiếp:
– Như mình vừa nói với cậy ấy mà, mấy tay lái xe tải chúng tớ làm những chuyện gàn bất sách. Buộc phải thế. Không thì người ta phát điên lên vì cứ mải ngồi đấy mà dán mắt vào con đường đang lủi trốn ở phía trước. Có một đứa nó nói là bọn lái xe chúng nhậu nhẹt suốt ngày… Suốt ngày cứ sà vào quán ăn dọc đường.
– Bởi thế mà có vẻ như chúng sống đời sống kiếp ở những nơi đó, – Joad tán đồng.
– Dĩ nhiên chúng hay dừng lại các nơi đó, nhưng đâu phải để ăn. Nói như ai nói, chúng chẳng bao giờ thấy đói. Thì có gì đâu. Ngồi xe mãi cũng đâm ngán, lạy Chúa, ngán phát ốm! Mà đỗ lại thì đỗ đâu được ngoài quán rượu? Mà đã đỗ lại thì cũng phải gọi món gì đó chứ chả nhẽ? Rồi cũng là để tán chuyện nhăng nhít với em bé ở quầy. Thế là, dùng một tách cà phê ăn một chiếc bánh kem. Nói như ai nói, nhờ đó xả hơi được tí chút.
Y chậm rãi nhai chiếc kẹo, đưa lưỡi đảo đi đảo lại.
– Tại cuộc sống gay go quá mà! – Joad nói, tuy không tin cho lắm.
Gã tài xế thoáng liếc anh một cái, chờ đợi một sự châm biếm.
– Đúng thế, chả phải ngày nào cũng ngộ như ngày nào đâu, – y nói, giọng ấm ức. – Nom thì dễ ợt, cứ ngồi sau tay lái cho tới lúc đã tiêu hết tám tiếng, nếu không phải mười hai hay mười bốn tiếng. Nhưng mãi rồi, con đường nó như xích mình lại. Phải làm một cái gì đó. Có đứa hát hỏng, có thằng huýt sáo. Công ty không muốn người ta có máy vô tuyến. Có một số đứa đem theo nửa lít chất cay, nhưng bọn này thì chả bao giờ bền, – y nói thêm với vẻ tự mãn – Tớ thì chưa xong việc thì tớ chưa uống.
– Thật thế ư?
– Thật chứ! Trên đường đời, phải đạt được cái gì đó. Như tớ đấy, tớ có ý định theo học lớp hàm thụ để trở thành kỹ sư cơ khí. Cũng dễ thôi. Chỉ cần học ở nhà, một ít bài dễ. Chuyện đó nó cứ long tong trong đầu tớ. Sau đó thì tớ không cần lái xe nữa. Việc đó, tớ sai bảo các đứa khác làm.
Joad rút ở túi áo ra một chai whisky.
– Hỏi thật, cậu có làm một ngụm không? – Giọng nói của anh ta có cái gì như giễu cợt.
– Không! Lạy Chúa. Tớ không muốn đụng tới. Như tớ đây, đã quyết chí rồi thì không thể vẫn cứ uống rượu được.
Joad mở nút chai, làm liền một hơi hai ngụm rồi nhét chai vào túi. Mùi rượu cay nồng ngập buồng lái.
– Nom cậu có vẻ phởn lắm, – Joad nói. – Có chuyện gì vậy? Có rồi chắc?
– Ừ, cố nhiên. Nhưng sống chết gì thì mình cũng phải vượt lên. Mình đang luyện trí nhớ.
Rượu Whisky hình như đem lại cho Joad sự cởi mở. Anh cuốn một điếu thuốc khác và châm lửa hút.
– Bây giờ thì tớ chả còn phải đi xa nữa.
Anh tài nói nhanh:
– Tớ chả cần rượu. Để thì giờ mà luyện trí nhớ. Trên kia tớ có theo một lớp, đã được hai năm, – Y đưa tay phải đập đập vào tay lái. – Giả dụ tớ gặp một thằng cha trên đường cái. Tớ nhìn hắn, hắn đi qua rồi, tớ cố nhớ xem hắn thế nào, mặc loại quần áo gì, giày dép ra làm sao, rồi hắn đi đứng ra làm sao, đôi khi nhìn lại thân hình hắn, ước lượng nặng nhẹ bao nhiêu, mặt có sẹo hay không. Kể ra tớ nhận xét cũng sành, có thể vẽ lại cả một bức chân dung trong óc mình. Lắm lúc tớ nghĩ, dễ chừng phải theo một lớp để trở thành chuyên viên lấy dấu tay. Người ta có trí nhớ đến thế nào, cậu không hình dung được đâu.
Joad nhanh nhẹn uống một ngụm nữa. Điếu thuốc đã gần sổ ra, anh rít một hơi cuối cùng, bóp bẹp, mẩu thuốc cháy dở giữa hai nốt chai sạm ở ngón cái và ngón trỏ. Anh nhai nát mẩu thuốc thừa rồi nhả bã luồn nó ra cửa cho gió cuốn đi. Trên đoạn đường đá giăm nện, bánh xe ngân một nốt lanh lảnh. Vừa ngắm con đường, đôi mắt đen và bình lặng của Joad lộ vẻ vui vui. Gã tài xế chờ đợi, băn khoăn liếc nhìn anh. Sau cùng Joad nhếch môi nhăn nhở để lộ hàm răng vẩu, anh cười lặng lẽ làm bộ ngực rung chuyển.
– Anh bạn ơi, để đạt ý muốn, cậu mất khá nhiều thời gian đấy. Gã tài xế không nhìn anh, hỏi:
– Đạt cái gì kia? Cậu định nói gì vậy?
Joad mím chặt môi che kín hàm răng vẩu, rồi anh liếm môi, bắt đầu từ giữa miệng sang phải rồi sang trái.
Tiếng anh trở nên gay gắt:
– Cậu biết mình định nói gì. Mình vừa bước chân lên xe thì cậu đã củ soát mình rồi còn gì? Lọt mắt mình sao được.
Gã tài xế nhìn thẳng về phía trước, tay bíu chặt tay lái, khiến cơ bắp ở bàn tay căng lên, mu bàn tay tai tái, Joad tiếp tục:
– Cậu biết mình từ đâu tới rồi.
Gã tài xế im lặng.
– Không đúng sao? – Joad nói.
– Ờ… ờ… có chứ. Không… có thể là thế. Nhưng chuyện đó chả dính dáng đến mình. – Giờ thì gã nói dồn dập. – Mình không chõ mũi vào việc người khác.
Bất thình lình, gã nín bặt, chờ đợi. Đôi bàn tay trắng của gã vẫn bíu chặt tay lái. Một con châu chấu chui qua cửa nhỏ, đậu trên tấm bảng ở bên, rồi gãi gãi bộ cánh với đôi càng gãy góc. Joad với tay dí nát cái đầu bé nhỏ của nó tương tự đầu người chết. Đoạn anh thả nó ra theo luồng gió ngoài cánh cửa nhỏ. Joad lại vừa cười rúc rích, vừa chúi vào ngón tay những gì còn sót lại của xác con vật bị bóp nát.
– Ông bạn ơi, ông đã hiểu sai tớ. Tớ chả giấu diếm. Rõ ràng tớ đã ở Mac Alester. Bốn năm. Rõ ràng đây là những thứ họ cho tớ khi ra tù. Thiên hạ có biết tớ cũng đếch cần. Nay tớ trở về nhà ông già tớ để khỏi phải nói dối, nếu muốn tìm việc làm.
Gã lái xe nói:
– Ờ… chuyện đó chả dính dáng đến tớ. Tớ không phải là đứa tọc mạch.
– Có đấy, không nhiều thôi. Trừ cái điều là cái mũi của cậu đi cách trước mặt cậu đến hai ngày đường. Cậu đã đưa nó lượn quanh trên người tớ, chả khác con bò cái trong vạt rau.
Khuôn mặt anh tài xế căng lên:
– Cậu hiểu sai tớ…, – gã nói yếu ớt.
Joad cười giễu cợt.
– Đã nói rồi, cậu quân tử lắm. Đã cho mình đi nhờ. Vậy thì có quái gì mà tớ phải giấu nhỉ? Mẹ kiếp! Tớ đã ở tù. Rồi thế nào nữa? Cậu thèm muốn biết sao tớ ở tù, hả?
– Cái đó không dính dáng gì đến tớ.
– Phải, chả dính dáng đến cậu, ngoài cái việc lái cái xe chết tiệt này, và chính cậu cũng đếch cần đến nó. Mà này, cậu có thấy con đường ở kia không?
– Có.
– Tớ xuống ở đấy. Rõ quá, cậu thèm muốn biết tớ đã làm gì mà bị tù tội, thèm vãi đái ra quần mà. Đừng chối vô ích, với tớ thì đừng chối.
Tiếng động cơ kêu o o buồn tẻ và tiếng reo hát của bánh xe cũng trầm xuống. Joad lôi chai rượu ra làm một ngụm. Chiếc xe tải dừng lại ở chỗ con đường nhỏ cắt thẳng góc với con đường cái. Joad bước xuống và đứng gần cửa. Chiếc ống thoát hơi thẳng đứng nhả vào không khí làn khói xanh gần như vô hình. Joad nghiêng người về phía anh lái xe.
– Sát nhân đấy, – Anh nói nhanh. – Nói thế nghe hoảng quá… có nghĩa là hạ một thằng nào đó. Bảy năm. Được bốn năm, họ thả tớ ra vì đã cố kìm mình, không quấy đảo.
Gã tài xế đưa mắt khắp mặt Joad để in nó vào trí nhớ.
– Tớ chả hỏi gì cậu hết. Tớ lo việc tớ mà.
– Cậu có thể cứ việc kể chuyện đó khắp các quán từ đây tới Texas, – anh mỉm cười. – Tha hồ.
– Thôi, tạm biệt anh bạn. Cậu quân tử lắm. Có điều, nghe nhé. Khi người ta sống trong tù một thời gian, ai định hỏi gì thì người ta đánh hơi được ngay. Nhưng cậu, cậu vừa há mỏ ra là đã điện các câu hỏi của cậu đi rồi.
Anh lấy lòng bàn tay vỗ vỗ vào cánh cửa sắt.
– Cám ơn buổi đi dạo. Tạm biệt.
Anh quay gót bước vào con đường nhỏ.
Gã tài xế đưa mắt nhìn theo anh, rồi nói:
– Chúc may mắn.
Joad vẫy vẫy tay nhưng không ngoảnh lại. Thế rồi tiếng động cơ nổ ầm ầm mạnh hơn, chiếc xe tải to sơn màu đỏ nặng nề lao vút đi.