Tình yêu và chiến tranh: một đề tài kinh điển, bởi vì dường như trong chiến tranh, tình yêu có thể tiết lộ hết sâu sắc của nó. Và với Chuyến tàu định mệnh của Georges Simenon, câu chuyện tình trong thời chiến nổi bật với sự chân thực hiếm có.
Sự chân thực ấy, một phần không thể tách rời trong cuộc đời viết văn đồ sộ của Simenon, đã tự nhiên được lựa chọn để kể về Marcel và Anna trên chiếc tàu hỏa huyền ảo, vào thời điểm chiến tranh bùng nổ tại châu Âu, vào mùa hè năm 1940. Hơn nữa, không ít chi tiết từ tiểu sử của Simenon cũng được tích hợp một cách tự nhiên vào Chuyến tàu định mệnh, tạo nên một cuốn tiểu thuyết đầy giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện về cuộc hành trình trên chuyến tàu mà còn là một tác phẩm văn học sâu sắc về tình yêu, sự lựa chọn và ý nghĩa của cuộc sống. Georges Simenon đã tạo ra một bức tranh đa chiều về con người và xã hội thông qua những nhân vật trong cuốn sách. Ông đã khéo léo thể hiện sự phức tạp của tâm hồn con người và khám phá những khía cạnh tối tăm của cuộc sống.
Chuyến Tàu Định Mệnh không chỉ là một cuốn sách giải trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa. Cuốn sách đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả và trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới. Đọc cuốn sách này, người đọc sẽ được trải qua một cuộc hành trình tâm hồn đầy ý nghĩa và suy tư về cuộc sống.
—
Nhà văn Georges Simenon sinh ngày 13.2.1903 và qua đời vào ngày 4.9.1989. Năm 16 tuổi, Simenon bắt đầu sự nghiệp văn chương làm phóng viên cho tờ La Gazette de Liège. Hàng ngày, ông đạp xe tới các địa điểm như bót cảnh sát, ngân hàng, trụ sở cứu hỏa và các sự kiện thể thao để thu thập tin cho báo. Năm 1922, ông chuyển đến Paris – thủ đô hoa lệ.
Tiểu thuyết đầu tay của ông, “Trên Chiếc Cầu Vòm Cung,” được xuất bản tại Liège (Bỉ) dưới bút danh Georges Sun. Tuy nhiên, thành công không mấy đến với tác giả trẻ này, người sử dụng hàng chục bút danh khác nhau như Jean du Perry, Gom Gut, Christian Brull… Trải qua mười năm cống hiến viết lách như một người lao động chăm chỉ, ông trở nên thành thạo trong việc sáng tác với tốc độ nhanh chóng. Điều này chính là thế mạnh của ông, được biết đến như là “bậc thầy trinh thám” sau này. Trong giai đoạn 1928-1931, ông chỉ viết về nhân vật Maigret, trung bình mỗi tháng một cuốn, nổi tiếng nhất là “Con Chó Vàng” (Le chien jaune, 1931) dưới tên thật Georges Simenon. Trong năm ấy, ông đã xuất bản 11 tác phẩm, trong đó có 10 cuốn là tiểu thuyết với nhân vật Maigret.
Với hơn 300 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, Simenon đã chinh phục hàng triệu người đọc trên khắp thế giới với khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Hơn 80 tiểu thuyết về Thanh tra Maigret không chỉ là những câu chuyện hình sự thông thường, mà còn mang giá trị văn học sâu sắc được các nhà phê bình đánh giá cao. Sau khi ông qua đời, Đại học Liège ở Bỉ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Georges Simenon và xuất bản các tác phẩm nghiên cứu về ông.
—
Khi tôi thức giấc, lớp rèm bằng vải mộc để lọt vào phòng thứ ánh sáng vàng nhạt mà tôi vốn quen thuộc từ lâu. Những khuôn cửa sổ phòng chúng tôi, ở lầu một, không có cánh chớp. Không cửa sổ nhà nào trên phố có cánh chớp. Trên bàn đầu giường, tôi nghe thấy tiếng đồng hồ báo thức kêu tích tắc và, bên cạnh tôi, tiếng thở đều đặn của vợ tôi, to gần bằng tiếng thở của những bệnh nhân, trong một cuộc giải phẫu, trên phim ảnh. Vợ tôi lúc đó có mang được bảy tháng rưỡi. Cũng như lần mang thai Sophie trước, cái bụng vĩ đại của nàng buộc nàng phải nằm ngửa.
Không nhìn đồng hồ báo thức, tôi thò một cẳng ra khỏi giường. Jeanne cựa quậy và nói ấp úng, giọng xa vắng:
– Mấy giờ rồi anh?
– Năm rưỡi.
Cả đời tôi, tôi quen dậy sớm, nhất là sau những năm ở liệu dưỡng viện, nơi mùa hè người ta mang hàn thử biểu cho chúng tôi từ lúc sáu giờ sáng.
Vợ tôi đã không còn để ý đến những gì xảy ra quanh nàng và một cánh tay nàng duỗi ra chỗ tôi vừa rời khỏi.
Tôi lặng lẽ mặc quần áo, cử hành, theo thứ tự, nghi thức của mỗi buổi mai, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn con gái, hồi đó, giường nó còn kê trong phòng chúng tôi. Tuy chúng tôi đã sắp đặt cho nó căn phòng đẹp nhất trong nhà, phía mặt tiền, thông sang phòng chúng tôi.
Nó không chịu ngủ ở đó.
Tôi rời phòng, tay cầm giày đi trong nhà và chỉ xỏ vào khi xuống tới chân cầu thang. Chính lúc đó tôi nghe thấy những hồi còi thứ nhất của tàu bè, gần cửa cống Uf, cách gần hai cây số. Theo quy định, các cửa cống phải mở cho sà lan qua lại ngay từ lúc mặt trời mọc và sáng nào cũng có cuộc hòa nhạc đó.
Trong bếp, tôi nhóm ga, đặt ấm đun nước. Ngày mới, thêm một lần nữa, lại báo hiệu nắng ấm. Trong suốt thời kỳ này, ngày nào cũng thắm tươi rực rỡ, và hẳn tôi vẫn còn có thể, mỗi giờ, chỉ chỗ các dấu mặt trời tại những gian phòng khác nhau trong nhà.
Tôi mở cửa thông ra khoảng sân đã được chúng tôi lợp mái kính để vợ tôi có thể giặt giũ bất cứ lúc nào, mưa cũng như nắng, và con gái tôi có thể chơi đùa ở đó. Giờ, tôi vẫn nhìn thấy chiếc xe của búp bê và xa hơn chút nữa là con búp bê đang nằm lăn lóc trên những phiến gạch lát hình vuông màu vàng.
Tôi tránh không vào xưởng ngay vì tôi đã nhất quyết theo đúng các nguyên tắc, như cách tôi gọi thời khóa biểu của tôi hồi ấy. Một cái thời khóa biểu tự nó thiết định lấy, dần dần từng chút một, do những thói quen tạo ra hơn là do nhu cầu.
Trong khi chờ nước sôi, tôi đổ đầy bắp vào cái chậu cũ men xanh, lòng gỉ sét, chẳng dùng được cho việc gì khác và tôi băng qua sân đi cho gà ăn. Chúng tôi có sáu con gà mái trắng và một con gà trống.
Sương lóng lánh trên những lá rau, trên cây tử đinh hương độc nhất của chúng tôi mà những bông hoa tím, năm nay nở sớm, đã bắt đầu úa héo, và tôi vẫn nghe thấy, không chỉ tiếng còi tàu bè trên sông Meuse, mà còn cả tiếng thở hổn hển của những tàu chạy dầu cặn.
Tôi tha thiết muốn tuyên bố ngay rằng tôi không phải là một người đàn ông bất hạnh, cũng không phải một người buồn rầu. Ở tuổi ba mươi hai, tôi thấy mình thẳng tiến trong mọi kế hoạch mà tôi có thể lập ra, trong mọi niềm hy vọng của tôi.
Tôi có một vợ, một nhà, một đứa con gái bốn tuổi hơi dễ kích động nhưng bác sĩ Wilhems cả quyết rằng nó sẽ hết thôi.
Tôi đã tự tay dựng cơ nghiệp và khách hàng của tôi mỗi ngày mỗi đông thêm, nhất là mấy tháng gần đây, dĩ nhiên. Tất cả mọi người, vì nhiều biến cố, đều muốn có máy radio. Tôi không ngừng bán máy mới, sửa chữa máy cũ và, vì chúng tôi ở cách bến tàu có vài bước, tàu bè nghỉ đêm ở đó, tôi còn có cả khách hàng trong đám thủy thủ nữa.
Tôi nhớ đã nghe thấy tiếng cửa mở tại nhà hàng xóm bên trái của chúng tôi, gia đình Matray, một cặp vợ chồng già rất lặng lẽ. Lão Matray, từng làm thủ quỹ ở Pháp quốc Ngân hàng trong suốt ba lăm hay bốn mươi năm gì đó, cũng là một người dậy sớm và bắt đầu mỗi ngày bằng cách đi lại thở hít không khí trong lành nơi vườn nhà.
Mọi mảnh vườn trên phố đều y như nhau, mỗi mảnh rộng bằng bề ngang căn nhà, cách nhau bằng bức tường cao đúng tầm để người ta chỉ nhìn thấy chỏm đầu hàng xóm.
Từ ít lâu nay, lão Marray có thói quen rình rập tôi, vì lẽ những chiếc máy của tôi cho phép bắt các loại sóng ngắn.
– Sáng nay không có tin tức gì sao, ông Féron?
Buổi sáng hôm đó, tôi trở vào nhà trước khi lão kịp hỏi tôi và chế nước sôi lên cà phê. Những đồ vật quen thuộc đều ở đúng chỗ của chúng, chỗ mà Jeanne và tôi đã định hoặc cuối cùng, theo thời gian, chúng đã tự chiếm lấy.
Nếu vợ tôi không có bầu thì hẳn tôi đã bắt đầu nghe thấy tiếng bước chân nàng trên lầu một bởi vì, vào lúc bình thường, nàng vẫn dậy liền sau tôi. Tuy nhiên, theo thói quen, tôi thích tự sửa soạn cho mình ly cà phê đầu tiên trước khi vô xưởng. Cứ thế chúng tôi tuân thủ một số nghi thức nhất định và tôi cho rằng chắc gia đình nào cũng vậy.
Lần mang bầu thứ nhất cực nhọc, sinh nở khó khăn. Jeanne đổ tính nóng nảy của Sophie cho cái gắp sắt mà người ta đã phải dùng đến và gây tổn hại cho đầu của đứa nhỏ. Từ khi có bầu trở lại, nàng sợ lại khó đẻ và bị ám ảnh sẽ cho ra đời một đứa trẻ bất thường.
Bác sĩ Wilhems, người được nàng rất tin cậy, cũng không trấn an nổi nàng, giỏi lắm thì cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ, và buổi tối, nàng thao thức không dỗ được giấc ngủ. Rất lâu sau khi chúng tôi vào giường, tôi còn nghe thấy nàng trăn trở tìm một thế nằm thoải mái và gần như bao giờ cuối cùng nàng cũng thì thào hỏi:
– Anh ngủ chưa, Marcel?
– Chưa.
– Em tự hỏi không biết cơ thể em có thiếu chất sắt không. Em đã đọc thấy trong một bài báo…
Nàng cố ngủ nhưng thường phải quá hai giờ sáng mới chợp mắt nổi và sau đó, cũng chẳng phải hiếm khi, nàng bỗng vùng dậy thét lên.
– Em lại bị ác mộng nữa, Marcel.
– Kể anh nghe.
– Không. Em thích đừng nghĩ đến điều đó nữa thì hơn. Khủng khiếp lắm. Em xin lỗi đã làm anh mất giấc ngủ, anh phải làm việc nhiều biết bao nhiêu…
Hồi gần đây, nàng thức dậy vào khoảng bảy giờ và sau đó xuống sửa soạn bữa sáng.
Ly cà phê trên tay, tôi bước vào xưởng và mở cánh cửa lắp kiếng ngó xuống sân cùng mảnh vườn. Vào lúc này đây, tôi được tận hưởng tia nắng đầu tiên của ngày, xế bên trái cửa ra vào một chút, và tôi biết chính xác lúc nào nó sẽ lần tới cái bàn thợ của tôi.
Thật ra đó không phải là một cái bàn thợ đúng nghĩa mà chỉ là cái bàn lớn rất nặng, từ một tu viện thải ra, tôi đã mua nó trong cuộc phát mãi. Luôn luôn trên bàn bao giờ cũng có dăm cái máy đang sửa. Dụng cụ của tôi được xếp vào giá treo trên tường, ngay trong tầm tay tôi. Khắp xung quanh phòng, hàng đống máy chồng chất ngổn ngang trên các tủ nhiều ngăn bằng gỗ trắng mà tôi đã kê, và được dán nhãn ghi tên khách hàng.
Rốt cuộc tôi cũng vặn các nút, dĩ nhiên. Trì hoãn giây phút này hầu như là một trò chơi. Tôi thường tự nhủ, trái với mọi lý lẽ: “Nếu mình chờ một chút xíu nữa, có thể sẽ là ngày hôm nay.”
Ngay sau đó, ngày hôm ấy, tôi hiểu cuối cùng có chuyện gì đó đã xảy ra. Tôi chưa hề thấy không khí bị bó rọ như thế bao giờ. Dù tôi chọn tần số nào thì các chương trình phát thanh cũng chằng chịt chồng lên nhau, những tiếng nói, những tiếng rít, những câu tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp và người ta cảm thấy trong không gian như thể có một sự dao động đầy kịch tính.
– Đêm nay, các toán quân Quốc xã đã tấn công quy mô lớn vào…
Chưa đến lượt nước Pháp – dù sao người ta cũng không nhắc đến nó – mà là Hòa Lan, nó vừa bị xâm chiếm. Đài tôi vừa nghe, là một đài Bỉ. Tôi kiếm Ba Lê, nhưng Ba Lê vẫn nín lặng.
Vệt nắng rung rinh chập chờn trên sàn nhà xám và ở cuối vườn, sáu con gà mái trắng của chúng tôi xao xác xung quanh con gà trống mà Sophie gọi là Nestor. Tại sao đột nhiên tôi lại tự hỏi cái chuồng gà bé nhỏ của chúng tôi sẽ ra sao? Lòng tôi hầu như se lại trước số phận của nó.
Tôi vặn các nút khác, tìm kiếm trong dải tần số ngắn nơi mà dường như tất cả mọi người đều nói cùng một lúc. Và thế là tôi bắt được, trong giây lát ngắn ngủi, một điệu quân nhạc mà tôi mất dấu ngay lập tức, đến nỗi tôi không thể biết điệu nhạc đó thuộc quân đội nào.
Một người Anh vừa đọc một bản tin vừa nhắc đi nhắc lại mỗi câu mà tôi không hiểu, như thể hắn đọc chính tả cho một thông tín viên chép lại, và ngay sau đó tôi lạc vào một máy phát mà tôi chưa hề nghe bao giờ, một máy phát dã chiến.
Máy phát đó chắc phải ở gần lắm, thuộc về một trong các trung đoàn từ hồi tháng Mười, hồi đầu của cuộc chiến kỳ quặc*, đã đóng quân trong vùng.
Mời các bạn đón đọc Chuyến Tàu Định Mệnh của tác giả Georges Simenon.