Xuân Nguyên (1931-2006) là một cái tên quen thuộc đối với người dân Yên Bái. Ông là một trong số những hội viên đầu tiên tham gia sáng lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái.
Cuộc đời Xuân Nguyên gắn bó với sự hình thành, phát triển của báo chí và
văn nghệ Cách mạng ở tỉnh miền núi, biên giới Lao Cai qua hai chặng đường chống Pháp và chống Mỹ gian khổ, ác liệt, sau đó là tỉnh Hoàng Liên Sơn – Yên Bái. Ông đã sớm có tác phẩm được đăng trên báo Văn nghệ – một tờ báo có uy tín lúc bấy giờ với hai truyện ngắn viết về đồng bào các dân tộc năm 1968 – 1969 là: Hai ông già chăn dê và Mùa hoa Đi-O-Khang.
Hầu hết các tác phẩm của Xuân Nguyên đều viết về đồng bào các dân tộc ở miền núi Lào Cai – Yên Bái như tập truyện ngắn Hoa đào tháng chín (1975), Người mẹ suối Lũng Pô (1980), Đêm mưa giông (1983), tiểu thuyết Cơn mưa giông (1995), Hạnh phúc chẳng ngọt ngào (2007).
Ông là người từng trải, giàu vốn sống, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, ông luôn có ý thức học hỏi ngôn ngữ các dân tộc, nhất là dân tộc Mông. Vì vậy, văn phong của ông gần gũi, giản dị, có sự kết hợp hài hòa giữa lối nói của người Kinh và lời ăn tiếng nói của các dân tộc vùng cao một cách nhuần nhuyễn. Điều này thể hiện ở trong các truyện ngắn như Giàng Tủa, Chiếc vòng bạc…
Nhiều truyện của Xuân Nguyên thường là sự đan cài giữa quá khứ và hiện
tại làm nổi lên hình ảnh cuộc sống tối tăm, cơ cực của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao dưới chế độ cũ, quá trình vùng lên chiến đấu của đồng bào dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh gian khổ không kém phần quyết liệt để từ bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu do chế độ cũ để lại, trong các tác phẩm Rừng ma, Hoa đào tháng chín…
Đặc biệt, tiểu thuyết Cơn lốc núi đề cập đến nội dung tiễu phỉ, một vấn đề nhạy cảm, hấp dẫn nhưng cũng không hề dễ viết.
Lại đến phiên chợ. Hồ Thầu rộn rịch tiếng vó ngựa từ lúc gà gáy. Còn tối đất, tiếng nhạc ngựa đã rung loong coong trên đường mòn. Sau một đêm thao thức chờ trời sáng, lúc này Vàng Khúa Ly đã trở dậy. Cô ra máng nước ở đầu bếp vã nước rửa mặt. Nước lạnh làm tan hẳn cơn ngái ngủ. Cô rút chiếc khăn chàm còn mới treo trên cái móc bằng mắt tre vấn lên đầu. Sau đó Khua Ly lấy chiếc áo xáo-khỏa và cái quần mới đã gói từ đêm trước để sẵn ở đầu giường bỏ vào mã làn cùng với những thứ hàng mang đi chợ bán. – Bắt con gà mái vàng béo nhất mang đi mà đổi muối. – Tiếng mẹ cô từ trong buồng nói vọng ra. – Vâng. – Vàng Khúa Ly đáp. – Nhớ mà về sớm. Dạo này lính Phăng Ky[1]hay ra chợ cướp gà và trêu con gái đấy ! Bọn con trai các bản cũng hay đi “cướp vợ”, nhớ rủ bạn đi cho đông… Đừng nhẹ dạ tin người buôn ở chợ. Khúa Ly sửa soạn đi chợ trong tiếng dặn ân cần của mẹ. Con ngựa buộc ở hiên nhà nghe tiếng hí của những con ngựa đi qua cửa cũng gõ móng cong cóc lên các tảng đá lát chuồng. Ngựa vẫn nhai ngô rau ráu, thỉnh thoảng lại thở phì phì trước cơn gió lạnh. Vàng Khúa Ly vác cái thồ đã buộc mã làn kềnh càng đặt lên lưng ngựa. Có tiếng gọi : – Khúa Ly, đi chợ thôi ! – Chị Seo Mỷ đấy à, em đi đây. Khúa Ly chào mẹ rồi cởi sợi dây thừng bằng móc dắt ngựa ra sân. Cô nhẹ nhàng nhảy lên ngồi giữa hai cái mã làn, hai chân vắt về một bên, rồi giật cương cho ngựa chạy xuống đường. Con ngựa đã chồn vó suốt đêm, giờ đây mặc sức nện vó trên nền đường đá. Chùm nhạc rung reng theo tiếng vó ngựa. Trời còn tối mò nhưng Khúa Ly đã nhận ra Seo Mỷ đúng đợi ở giữa đường qua tiếng thở phì phì của con ngựa. Hai con ngựa hí dài chào nhau. – Đi có sớm quá không ? – Không sớm đâu. Đến chợ thì ông mặt trời cũng lên quá đỉnh Ngũ Chỉ Sơn rồi. – Seo Mỷ trả lời Khúa Ly. – Em mới đi chợ lần đầu nên sợ lắm. – Khúa Ly nói dối chị rồi, có lần chị đã gặp Khúa Ly ở chợ đấy. – Lần ấy em đi theo bố mẹ. Lần này bố mẹ bảo con gái lớn rồi phải đi chợ một mình cho biết mua bán, cho con trai các bản xem mặt. – Khúa Ly bỗng thấy mặt nóng bừng, may mà trời còn tối nên Seo Mỷ không thấy. Tiếng vó ngựa nện trên đường núi đá giòn tan xen vào trong câu chuyện của hai cô. Họ say sưa ngắm cảnh bình minh đang đến. Thoạt đầu bầu trời đằng đông chuyển từ màu đen sang màu xanh nhạt. Rồi trên cái nền xanh cẩm thạch ấy lấp lánh những vẩy mây màu sáng bạc. Phút chốc các vẩy mây màu sáng bạc được ánh bình minh dát vàng rực rỡ. Sau cùng là màu hồng phơn phớt rồi đỏ hồng như mặt người say rượu. Gió núi lành lạnh đưa những tảng mây trắng xốp trôi bồng bềnh trên các đỉnh núi nhọn hoắt. Con đường xuyên qua những đám nương, ruộng bậc thang trồng toàn anh túc. Anh túc đang độ trổ hoa trông như một tấm vải trắng mênh mông trùm khắp các sườn núi. Những bông hoa anh túc ở ven bờ quệt vào cái mã làn đung đưa, nghiêng ngả. – Năm nay anh túc lại được mùa. Từ nay đến hết tháng không gặp mưa đá thì nhựa anh túc mùa này để đâu cho hết. – Seo Mỷ nói với Khúa Ly. Khúa Ly bổng buông tiếng thở dài : – Cứ nghĩ đến nhựa anh túc em lại lo đến héo cả ruột. – Sao thế ? – Lý trưởng Giàng Páo bắt bố em năm nay nộp hai mươi nén nhựa anh túc đủ mười tuổi[2]. – Sao nhiều thế ? – Nó bảo “Phăng Ky” năm nay lấy nhiều để đưa sang Tầu. Chẳng biết ông trời có cho thu không ? – Ông trời có cho thu thì đám ruộng ấy cũng không đủ hai mươi nén nhựa kể cả tốt lẫn xấu, chứ đừng nói đến hai mươi nén nhựa toàn loại mười tuổi. Nó cũng là người Mông sao nó không thương người Mông ta nhỉ ? – Bố em nói, con hổ ở đâu cũng muốn ăn thịt lợn, quan ở đâu cũng muốn ăn của dân. Nó còn muốn cướp cả ruộng trồng anh túc của nhà em đấy. – Ruộng nương nhà Giàng Páo thiếu gì. Năm nào cũng bắt dân đi làm ruộng nương không công cho nhà nó còn chưa đủ hay sao ? – Nó bảo ruộng nhà em ở giữa ruộng nhà nó. Bao nhiêu phân bón của nó trôi cả vào ruộng nhà em. Vì thế nó đang bắt bố em đổi đám ruộng ấy lấy đám ruộng ven rừng đá của nó. – Bố Khúa Ly trả lời ra sao ? – Bố em không chịu. Giàng Páo cho Giàng Seo Tính đến nói xa nói gần rằng : Là tôi muốn lợi cho ông nên nói mãi quan mới bằng lòng. Ông còn tiếc gì cái cảnh “chung ngựa với nhà quan”, phần thiệt bao giờ chẳng đến mình. – Giàng Seo Tính là người “nhà trong” của Giàng Páo, nó là em họ của Giàng Páo. Nó vừa là con chó săn vừa là cái đầu của Giàng Páo đấy ! – Bố em cũng biết vậy, nhưng đổi lấy đám ruộng ven rừng đá thì sống làm sao được. Ruộng ấy không trồng được anh túc. – Cả hai con đường đều cụt cả – Seo Mỷ cất tiếng thở dài thông cảm với Khúa Ly. Hai người đã đến khu rừng già. Những thân cây cao lớn vươn những cành sần sùi đủ các loài tầm gửi và phong lan buông rủ. Hương phong lan phảng phất ngầy ngậy. Các loài chim rừng ríu rít chào ánh sáng ban mai. Píu ! Píu ! Píu !… tiếng hót của bày họa mi bỗng vút lên lảnh lót, vượt lên hàng trăm thứ âm thanh của thế giới động vật có cánh. Một bầy chim “hoàng tử” dáng thanh mảnh, mang bộ lông đủ năm màu lướt nhẹ nhàng như những con thoi chuyền từ cây này sang cây khác. – Khúa Ly xem kìa, các “hoàng tử” cũng bắt đầu đi dự hội rồi đấy. – Seo Mỷ chỉ vào bầy chim “hoàng tử” nói đùa với Khúa Ly – Không biết con chim nào sẽ được chọn là “công chúa” nhỉ ? – Em chịu. – Nếu chị là những con chim “hoàng tử” thì chị sẽ chọn Khúa Ly làm chim “công chúa” đấy. – Seo Mỷ nói rồi cất tiếng cười giòn. – Chị Seo Mỷ lại trêu em rồi ! – Khúa Ly thấy mặt nóng ran. Vượt qua rừng già họ đi vào khu rùng sa mu xanh thắm. Những cây sa mu già trên trăm tuổi thẳng vút, trầm tĩnh tấu bản nhạc đều đều vô tận. Lẫn trong tiếng vi vút của ngàn sa mu là tiếng khèn của những chàng trai Mông đi chợ. … Vườn có hoa, ong mới về đậu,[3] Vì có em, anh mới đến đây. Nơi có hoa, ong mới về kêu Thấy bóng em, anh mới về hát …… Núi cao sinh cây gì ? Núi cao sinh cây sa mu. Đồi thấp sinh cây trúc Anh với em như sa mu với trúc Em đi khởi lòng anh nhớ khôn nguôi… Tiếng khèn lúc trầm trầm thủ thỉ, lúc vút lên như tiếng họa mi trong rặng sa mu. Tiếng khèn cứ như quấn quít lấy vó ngựa của Khúa Ly và Seo Mỷ : … Cô em hỡi, Hoa gì nở thắm tươi ? Hoa đào mùa xuân nỏ thắm tươi Em có lòng yêu anh, Xin hẹn chợ này ta gặp nhau một buổi. Hoa gì nở chi chít ? Hoa đào mùa xuân nở chi chít Em có lòng mến anh, Xin hẹn chợ này ta gặp nhau một ngày… Không bảo nhau nhưng cả Khúa Ly và Seo Mỷ cùng sửa lại hai vạt áo xáo-khoả che kín bộ ngực. Khúa Ly cất tiếng hỏi Seo Mỷ : – Anh Sùng Sử có đi chợ không ? – Có, nhưng đi sau. Còn bắt con lợn mang đi chợ. – Tưởng mùa này anh chị cưới nhau. Seo Mỷ buông tiếng thở dài : – Ông chú không chịu. – Ông Hảng A Dềnh ấy à ? Sao ông ấy lại không chịu ? – Ông ấy bảo con ngựa đắt tiền mới là con ngựa quý. Vì thế ông khăng khăng đòi lấy đủ một trăm đồng bạc trắng. Lợn, rượu thì Sùng Sử còn lo được, chứ bạc trắng thì lấy đâu ra. Mấy lần chị nói xin giảm cho Sùng Sử đều bị ông mắng lấn đi : “Mày đừng như con ngựa động đực, vừa thấy hơi ngựa đực đã cong đuôi chạy theo. Thằng Sùng Sử không đủ bạc trắng thì khối đứa có đủ. Chừng nào tao còn sống thì tao còn làm đúng lời bố mày dặn trước khi nhắm mắt”. Có lúc thương Sùng Sử quá chị đã bảo Sùng Sử rủ bạn “cướp”[4] chị chạy đi thật xa, nhưng Sùng Sử không chịu : “Làm thế còn mặt mũi nào nhìn dân bản, thà chịu phận nghèo, cô đơn còn hơn là mang tiếng xấu”. – Ôi, cuộc đời sao lắm nỗi éo le ? – Khúa Ly chép miệng thở dài. Câu chuyện của họ đến đây ngắt quãng. Trước mắt hai cô cái đồn “Phăng Ky” đã hiện ra rõ mồn một với những bức tường đá xám xịt bao quanh. Ngay dưới chân đồn, trên con đường dẫn vào chợ một đám vợ lính đứng đón đường mua hàng của những người đi chợ. – Tả cố mải lá dảng ?[5] – Mày bán cho tao đi. – Kỷ tố sền ?[6] – Tao có tiền trắng, mày bán đi, hay muốn đổi muối, diêm, thuốc lào ? Thứ nào tao cũng có tất, cứ mang vào đây.
Mời các bạn đón đọc Cơn Lốc Núi của tác giả Xuân Nguyên.