Cuốn sách “Cứ Bình Tĩnh” của tác giả Tuệ Nghi là một tập tản văn ghi chép lại những cảm nhận của chính tác giả về con người, cuộc sống, tình yêu và những va vấp của tuổi trẻ. Từ những trải nghiệm của bản thân, Tuệ Nghi đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho các bạn trẻ đang trên hành trình tìm kiếm con đường riêng của mình.
Với lối viết tinh tế và đầy cảm xúc, Tuệ Nghi đã vẽ nên một bức tranh sinh động về cuộc sống của giới trẻ ngày nay. Qua những câu chuyện bình dị, gần gũi, tác giả đã chia sẻ những suy nghĩ và trăn trở của mình về tình yêu, tình bạn, ước mơ và hoài bão.
Cuốn sách được chia làm hai phần:
- Phần thứ nhất: Bình tĩnh với đời – là những câu chuyện, những cảm nhận của tác giả về cuộc sống, tình người và đặc biệt là tình yêu của lớp trẻ hôm nay.
- Phần thứ hai: Bình tĩnh với nghề – tác giả đã truyền tải những kinh nghiệm quý báu cho các bạn trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai.
Tác giả Tuệ Nghi khẳng định rằng những câu chuyện trong sách đều được lấy từ chất liệu cuộc sống, không hư cấu hay ngụy tạo. Đó có thể là chuyện thật của chính tác giả, hoặc được thổi hồn văn chương thông qua lời kể của những người bạn, người hâm mộ gửi về. Với Tuệ Nghi, viết là nghiệp đam mê, là dám làm, dám hiến thân để viết không quản ngại khổ cực.
“Cứ Bình Tĩnh” là một cuốn sách ý nghĩa dành cho các bạn trẻ đang tìm kiếm sự đồng cảm và định hướng trong cuộc sống. Cuốn sách sẽ giúp các bạn trẻ bớt hoang mang, lo lắng và có thêm niềm tin vào bản thân để chinh phục ước mơ của mình.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Cứ Bình Tĩnh của tác giả Tuệ Nghi
—
CỨ BÌNH TĨNH – Làm Sao Để Vượt Qua Những Nỗi Buồn?
Sinh ra làm con người, khi bắt đầu biết ý thức được dòng chảy của cuộc sống cũng là lúc chúng ta phải học cách đối diện với niềm vui lẫn nỗi buồn. Nếu cuộc sống chỉ toàn ngày buồn chồng chất, thì đấy là bất hạnh. Nhưng nếu cuộc đời vui quá lại mất hay, bởi đó là sự tẻ nhạt đến vô vị.
Sẽ có những điều làm ta buồn tưởng chừng như khó vượt qua, có thể là nỗi buồn âm ỉ buốt hết lồng ngực,cũng có thể là nỗi buồn cuồn cuộn sôi trào, tức tối muốn nổ tung. Không sao cả. Đó là cảm xúc thông thường mà ai cũng phải trải qua, cho đến lúc nằm xuống, con người ta mới ngừng phải đối diện với những điều như vậy.
Muốn uống rượu thật say thì cứ uống, muốn chửi thề cho thỏa thì cứ chửi, muốn khóc muốn cười thì cứ làm. Đôi khi để bản thân mình đi lệch ra khỏi khuôn khổ thường ngày cũng là điều hay, một trải nghiệm không tệ, chỉ cần không đánh mất chính mình và đừng lạc lối quá lâu trong đó là được. Vì đường đời quá dài mà sức người thì có hạn, ai cũng cần được dừng chân nghỉ ngơi để bước tiếp.
Cuộc sống đa chiều, có yêu có ghét. Sẽ là bất khả thi nếu khuyên con người đừng ghét bỏ ai. Tôi cũng từng ghét người khác, vì tôi nghĩ rằng họ khiến tôi mất đi điều mình trân trọng. Nhưng suy cho cùng, thứ đã là của mình thì không một ai lấy đi được. Nếu cứ tiếp tục thù ghét họ thì chính tôi mới tự lấy đi bình yên của bản thân mình. Và tôi quyết định thôi nghĩ về họ. Người giáng vào đời ta một cú, ta xô lại người một cú, hận thù thù hận đến bao giờ mới dứt? Lẽ thường con người ta cứ thấy mình trong vòng xoáy lẩn quẩn là vì thế. Nếu không thể thương nhau, thì cũng đừng ghét, mà đã ghét thì hãy tránh xa đừng nên tìm cách trả đũa nhau làm gì.
Sẽ mất rất lâu để bạn thật sự nhận ra và chấp nhận rằng, tình yêu là điều quan trọng của cuộc sống, nhưng lại không phải là tất cả. Khi ta bớt đi một lời trách cứ với người, không phải ta thôi yêu người, cũng không phải ta không giận người, chỉ là ta tặng cho người sự bình yên, cũng tặng cho ta sự thanh thản. Cuộc sống vốn đã cuồng quay, hận thù lại càng làm lòng người thêm chật chội, canh cánh hận thù rồi đánh đổi bằng sự an yên của bản thân, không đáng. Phụ nữ, đừng tranh thắng thua – hơn kém với người đàn ông của mình. Đàn ông, cũng đừng sĩ diện – bỏ mặc người phụ nữ của bản thân.
Hậu chia tay, đừng vội hẹn hò ngay một người khác để rồi cứ mãi quắt quay trong nỗi nhớ một người, càng buồn, càng khổ. Cứ bình tĩnh mà sống, ung dung tự tại, thích thì lên Facebook tăng động, tếu táo hài hước cho mọi người cùng vui, cho cuộc đời thanh thản. Tập trung hết sức mình cho công việc, chăm chỉ học hành, những đêm về cô đơn thì giết thời gian bằng đọc thêm sách, học thêm tiếng Anh, hay viết lách cho khuây khỏa. Mệt thì đi ngủ, thế là cũng hết một ngày, tự tại và an yên.
Nghe người ta bảo nam nữ bây giờ yêu nhau chóng, bỏ nhau vội, yêu lại cũng nhanh. Nhưng cứ thử bước ra khỏi guồng quay của cái thời “bây giờ” ấy, sống chậm, yêu chậm, lạc quan đón nhận mọi nỗi buồn. Bạn sẽ thấy rằng cuộc đời này vẫn trong veo đấy thôi.
Ngoại Tình
Nói một cách công bằng thì ở thời đại này, đàn ông hay phụ nữ đều có cơ hội và điều kiện để ngoại tình như nhau. Hôn nhân là một chặng đường dài, rất dài. Phải đến hết đời, khi cả hai cùng nằm xuống thì mới biết được rằng cuộc hôn nhân đó là thanh hay bại. Và trong những năm tháng dài như vậy đi cùng nhau, chắc chắn cả hai sẽ có một đôi lần “lạc lòng” với người khác. Nhẹ thì chỉ say nắng vu vơ, nặng thì là một mối quan hệ đi xe hơn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.
Nhiều người thường hỏi làm sao để đàn ông không ngoại tình?
Có người cho rằng phụ nữ phải biết làm đẹp, phải biết yêu bản thân mình, biết độc lập kiếm tiền để chồng không xem thường, biết vào bếp thật giỏi để chăm sóc tổ ấm, biết đối nội đối ngoại để làm rạng rỡ cho chồng. Thật ra những điều trên không hẳn là sai nhưng cũng chẳng phải hoàn toàn đúng.
Đúng là vì từ xưa đến nay không ai có thể phủ nhận được sự đáng trân quý của một người phụ nữ tài đức, công dung ngôn hạnh.
Nhưng chưa đúng là ở chỗ khi một người đã muốn nhìn về hướng khác, thì mọi lý lẽ không còn là lý lẽ.
Đàn ông ngoại tình ngoài những yếu tố vụn vặt thì vốn dĩ chỉ có hai nguyên nhân lớn, hoặc là để thỏa mãn dục vọng, tìm cảm hứng trong những cuộc chơi tình ái hoặc là để sẻ chia những điều không thể tâm sự cùng người phối ngẫu.
Vì vậy, phụ nữ cũng chỉ có hai sự lựa chọn. Nếu sự ngoại tình là nông nổi nhất thời, bản thân người vợ cũng có một phần lỗi – hãy mạnh dạn thứ tha, cho cả hai một cơ hội vì cuộc đời này ai cũng có đôi lần lỡ lầm.
Nhưng nếu đó đã là bản chất thì hãy dũng cảm từ bỏ.
Không có đúng hay sai, không có thắng hay thua. Tất cả chỉ là sự lựa chọn.
Gửi Người Đàn Ông Ra Đi Đã Mười Năm
Ba đã đi được mười năm rồi, không ngắn cũng chẳng dài, một thập kỷ trôi nhanh như chớp mắt. Con giờ đây cũng chẳng còn là đứa bé thơ dại ngày nào. Vào đêm con hay tin ba đi cho đến khi tiễn ba về nơi đất lạnh chỉ vỏn vẹn ba mươi sáu giờ đồng hồ ngắn ngủi, ba mươi sáu giờ khiến cả cuộc đời con cho đến tận thời điểm này vẫn chưa thể buông bỏ những điều mình chứng kiến, mặc dù tất cả đã lùi lại như một phần ký ức thuộc về cuộc đời của riêng con.
Trong suốt quãng đường dài vắng ba, người ra có thể làm đau con bằng mọi cách nhưng khi đau thật sự thì con lại không bao giờ rơi một giọt nước mắt. Vậy mà con vẫn khóc tức tưởi như một đứa trẻ chỉ cần có ai đó nhắc về ba, vừa khóc vừa đau, con thừa nhận ba chính là điểm yếu của mình.
Ba à, mẹ đã thôi giận ba từ lâu rồi. Chắc là ba biết, con cũng biết, mẹ yêu ba nhiều đến chừng nào. Nhờ mẹ mà con hiểu rằng tình yêu thật sự là điều có tồn tại. Nó tồn tại kể cả khi hai người đã thôi bước cùng nhau, thôi nhìn thấy nhau, nhưng vẫn từng ngày từng giờ nhớ về nhau một cách tôn thờ. Ba đi rồi nhưng tình yêu mà mẹ dành cho ba vẫn không ra đi, ngược lại mẹ đã nuôi dưỡng nó bằng kỷ niệm với ba trong những ngày xưa cũ, mẹ kể cho con nghe về ba mỗi ngày, đến mức con tin rằng ba vẫn còn ở đâu đó, chưa bao giờ ra đi, chỉ là một chuyến công tác quá dài và đã quá lâu ba chưa có dịp về thăm nhà. Thú thật mười năm qua con và mẹ vẫn tự lừa dối bản thân mình như thế, để tiếp tục sống.
Con từ lâu đã thay ba chăm sóc cho mẹ, bảo vệ mẹ, con là một “thằng con trai” mạnh mẽ trong nhà, ba có thấy không? Con bằng mọi giá xử lý hết những kẻ làm mẹ buồn, bất kể đúng sai con phải lao vào chiến đâu trước khi suy nghĩ chuyện gì sẽ tiếp diễn phía sau, con xử lý thẳng tay luôn ba à. Vâng, con chém gió. Chủ yếu con giết bằng mồm là chính. Vì chém gió là nghề của con, con nói làm sao mà khiến cho người ta phải cảm thấy muốn ăn thật nhiều bánh mì để tự tử tạ lỗi với mẹ. Tất nhiên cũng có lúc tai nạn nghề nghiệp, gặp đứa cao thử nó vỗ mồm lại, con ức quá chỉ muốn đập đầu vào gối chết cho xong.
Hai mươi tuổi, con lên xe hoa. Con nghĩ rằng đã tìm được người đàn ông để thay thế ba làm trụ cột trong gia đình, che chắn cho nhà mình qua những ngày dông tố. Rồi đến một thời điểm con đã nhận ra rằng, không ai có thể thay thế được ba, vì ba yêu con vô điều kiện và vô hạn. Còn người ta, yêu con có điều kiện và tình yêu đó vốn dĩ chỉ là hữu hạn.
Có một lần con ra Hà Nội, trong vòng tay bạn bè giữa lúc con gặp chuyện không vui, con nói nhớ ba, mọi người đều ngạc nhiên rất nhiều, không hiểu vì sao, chỉ có con hiể, vì nếu ba còn bên con thì bất cứ điều gì làm con buồn, ba sẽ san bằng nó. Trời sập xuống ba cũng sẽ chống lên cho con và nếu cả thế giới quay lưng với con thì ba sẽ châm lửa đốt cả thế giới.
Mẹ nói, rồi một ngày nào đó con sẽ tìm được một người đàn ông yêu con như tình yêu mà mẹ đã dành cho ba. Và con tin vào điều đó.
Ngày nhỏ mỗi lần đi học bị bạn đánh, con gái nhỏ chạy về khóc òa với ba, có lần ba nói: “Nín đi, con mà khóc thì không phải con ba. Hoặc là đánh lại nó, hoặc là lau nước mắt đi rồi sống tốt hơn nó!” Từ đó con thôi khóc. Kể cả khi phải một mình chống chọi với cuộc đời này.
Một trích đoạn thơ ngắn con đọc được trong nhật ký mẹ đã viết:
“…Mười năm, tuổi xuân đã mất
Mười năm, người còn đó không
Vẫn cười tươi như lúc trẻ
Hay người đã hóa hư không?
Nhà mình trở nên vắng vẻ
Mười năm, nay con đã lớn
Giận hờn nhau nữa mà chi
Hãy về bên tôi một lát
Mừng con ngày lễ Vu Quy!
Mười năm, nay tôi đã khóc
Tiễn người, lần cuối trong đời
Người đã lìa xa cõi tạm
Rồi ta cũng gặp nhau thôi…”
– Con gái của ba
Ba Bảo: Một Cây Nến Là Một Ước Mơ
Trước trung thu năm 1998, tôi bị tai nạn. Phải nói đó là tai nạn nặng nhất trong cuộc đời tôi tính đến thời điểm này. Vết thương toác cận sọ, máu chảy ướt đẫm hết áo của ba mẹ.
Chuyện đã qua gần hai mươi năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in đêm hôm đó. Trên đường đến bệnh viện, tôi liên tục bảo buồn ngủ, hai mắt cứ nặng trình trịch, mọi người hoảng hốt lay tôi dậy bằng mọi giá, mà đứa trẻ năm tuổi như tôi khi đó chẳng hiểu vì sao. Vào viện tỉnh, băng ca chạy rầm rập qua một khoảng hành lang tối như mực, tôi còn đưa tay chỉ: “Mẹ ơi, trăng sáng quá!” Mẹ tôi bảo lúc đó nghe ám ảnh kinh khủng mà cũng cảm thấy con mình lì kinh khủng, bị thương nặng như thế mà không kêu khóc lấy một tiếng, lại còn tao nhã ngắm trăng.
Người thân trong gia đình làm y bác sĩ tại bệnh viện hay tin tôi gặp nạn thì hộc tốc chạy xuống, ai nấy đứng tim khi nghe bác sĩ trưởng khoa bảo trước với gia đình có tiên lượng xấu. Trước khi thiếp đi, tôi còn nghe văng vẳng tiếng ba nạt mọi người: “Nín hết đi, giờ không phải lúc để khóc. Con tôi mạng lớn lắm!” Thế rồi tôi ngủ một giấc rất dài, tỉnh dậy thì băng trắng kín đầu, người không cựa quậy được, dây dợ lằng nhằng còn mặt thì ụp một cái ốp thở oxi, bên cạnh tiếng máy gì đó tít tít tít như phim. Giá mà lúc đó lớn hơn chút, có thêm “soái ca” nắm tay ngủ gật bên cạnh thì đúng là phim Hàn Quốc chiếu rạp luôn ấy chứ.
Nhưng rất tiếc, đây là phim Hong Kong, tỉnh dậy sau một giấc ngủ, “soái ca” chả thấy đâu, chỉ thấy ba tôi đang vơ chiếc ghế nhựa chuẩn bị phang một chú xấu trai kinh khủng. Thì ra chú đó là thủ phạm gây nên vết thương toác cận sọ cho công chúa. Phụ vương suýt làm thủ tục chia tay răng hàm mặt cho chú, may mà có mẫu hậu can ngăn.
Mà thôi, chuyện người lớn, phim Hong Kong mà không có nam chính đẹp trai thì tôi lại lăn ra ngủ tiếp.
Chẳng biết tôi ngủ trong bao lâu, chỉ biết khi tỉnh dậy thì sắp Trung thu, kiểu giấc ngủ của những nàng tiên, ngủ một giấc, tỉnh dậy là một trăm năm sau, hi hi.
Đùa vậy, sau giấc ngủ nàng tiên, tôi không đi được nữa, công chúa năm tuổi không thể cưỡi ngựa bắn cung, không săn bắn hái lượm được nữa, mà lại ngồi xe lăn. Chân tôi mất hết cảm giác vì tiêm nhiều quá. Nhưng với bản tính hiếu thắng, liếc qua giường bên cạnh thấy thằng cu xấu trai có cái đèn lồng điện tử kêu tò te tí te tèn ten tén ten…tôi cũng khoái, đòi ba mua cho bằng được.
Nhưng ba tôi lại không mua cho ngay, cứ mỗi lần thấy ba vào viện đi tay không, tôi lại dỗi. Ba cứ gãi đầu gãi tai bảo ba quên, để từ từ ba tìm rồi ba mua, làm tôi ngóng, cổ dài như con hươu. Từ một công chúa ngây thơ thánh thiện, tôi đã biến thành một con hươu năm tuổi như thế.
Một buổi tối khi con hươu năm tuổi đang húp cháo, ba của con hươu đã đem vào một chiếc lồng đèn ông sao bằng giấy kính màu đỏ. Tôi nhớ mãi các bạn ạ. Ba móc trong túi áo ra tầm hai, ba cây đèn cầy nhỏ màu hồng màu xanh, có cây còn bị gãy đôi. Con hươu thấy có đồ chơi thì húp vội cháo để được bồng xuống công viên rước đèn. Ba tôi nói đèn lồng có nhạc không vui bằng đèn lồng thắp nến, đốt lên một cây nến, thì sẽ ước được một điều ước. Khỏi phải nói, nghe xong mắt tôi sáng như đèn pha, đốt vội hai, ba cây, ước vội luôn hai, ba điều. Toàn là kiểu: Con ước có chiếc cặp đầy kẹo, con ước con có tóc dài, con ước bạn Khôi thích con (Bạn Khôi là bạn cùng lớp chồi của tôi, sau điều ước đó bạn ấy vẫn không thích tôi).
Quay trở lại chuyện cái đèn lồng ngôi sao màu đỏ. Thật ra, khi lớn lên một chút, bản thân tôi hiểu rất rõ, lúc đó ba tôi không có tiền mua đèn lồng có nhạc. Con hươu năm tuổi nằm viện, mỗi ngày ba mẹ tôi chỉ ăn có một bữa, nhiều khi chỉ ăn cơm trắng, bao nhiêu tiền dồn hết cho tôi. Thuốc tốt nhất, đồ ăn ngon nhất, bổ nhất, bác sĩ giỏi nhất. Tất cả đều là để tôi được sống.
Đi làm về, ba tất tả chạy vào viện, bảo mẹ về tắm giặt rồi nghỉ ngơi đi một chút để ba tôi trông cho. Mà lúc bé, tôi là chúa ngậm cơm, húp cháo cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Ra đường, ba tôi nóng nảy phát kinh, ai động vào vợ con là ba tôi làm thủ tục “nhào trộn răng môi” lập tức. Nhưng mà về nhà, ba vẫn kiên nhẫn ngồi bón từng thìa cháo cho con gái. Tôi cứ lải nhải: “Con mèo kêu sao hả ba?” Ba tôi lại: “Gâu gâu”, thì tôi mới ăn. Chứ ba tôi mà “Méo” thì tôi lãi giãy nãy lên bảo mèo mà kêu meo á? Chẳng hiểu tôi là yêu quái phương nào nữa. Ba kêu hết tiwwsng của thế giới động vật thì tôi mới giải quyết xong được bát cháo và nằm yên vị. Còn ba thì bưng hộp cơm nguội lạnh từ bao giờ, ra một góc bệnh viện ngồi ăn cơm chỉ có rau với một nửa quả trứng.
Tất cả những bậc cha mẹ trên khắp thế gian này, sinh ra một đứa con, nuôi nấng ngắm nhìn con mình lớn lên từng ngày, trong lòng hẳn mừng vui lắm.
Con bưng bát cơm của cha mẹ, vui thì ăn nhiều, buồn thì ăn ít, còn không thì giận dỗi, cha mẹ cũng phải mọi cách mà chiều lòng. Lớn lên ra đời, đi làm kiếm bát cơm ăn, nhìn mặt từng người để mà sống. Người ta vui thì đến bữa mình có bát cơm trắng để ăn, đến lúc buồn thì cơm toàn sạn sỏi. Thế mới nói, cơm cha mẹ ngẩng mặt mà ăn, cơm người đời cúi đầu mà nuốt.
Con có cha có mẹ, thích gì vòi nấy. Cha mẹ mỗi năm tấm áo manh quần cũng chẳng dám mua, nhưng con thích gì mẹ cha cũng đều đi kiếm tiền về mua cho con.
Người làm mẹ làm cha, có thể nhìn đói nhịn khát để con được no lòng, có thể chịu nắng chịu mưa để con được chăn êm nệm ấm, có thể dầm mình ngoài giá rét để kiếm thêm vài đồng mua cho con tấm áo đẹp, bát canh ngon. Bất trắc gì xảy ra, cha mẹ sẵn sàng đổi mạng mình để lấy sự sống cho con. Nuôi con có nhọc nhằn đến mấy cũng chẳng khiến cha mẹ cảm thấy buồn khổ, nhưng một lời sai trái của con cũng khiến cha mẹ tan nát cõi lòng. Vất vả, đói khổ bao nhiêu cũng chỉ mong con lớn khôn, mạnh khỏe. Thành nhân trước rồi mới nói đến thành công, biết trên biết dưới, biết trái biết phải, mong con có một ước mơ lớn hay nhỏ cũng được, miễn là phải có một hoài bão để mà theo đuổi, thực hiện. Có một nửa yêu thương con thật lòng thật dạ vì cha mẹ cũng chẳng thể mãi sống đời với con.
Trung thu nhiều năm qua, tôi chỉ luôn có duy nhất một điều ước.
Nhưng tiếc rằng, nến đốt đã nhiều mà biết điều ước vĩnh viễn sẽ chẳng thể nào thành hiện thực…
Chồng Cũ
Ba giờ sáng, ánh đèn vàng vọt hắt ra từ cửa sổ phòng tôi. Dưới đường, những tiếng xe hiếm hoi qua lại, khu phố giờ này đã ngủ yên, chỉ có chị là thức với những hoài niệm, cô đơn và sự ngổn ngang đông đặc trong lòng không có nút thắt nào gỡ bỏ được.
Sau ngày đó, chị dường như không thể mở lòng mình với bất cứ ai. Mặc dù cũng đã thử tìm hiểu vài người, nhưng chỉ là những cơn ngộ nhận vì vội vã trốn chạy nỗi cô đơn. Cô đơn là thứ cảm giác đáng ghét, thứ vật thể vô hình đáng sợ, càng chạy trốn nó càng đuổi theo, bám riết không buông. Lần nào chị cũng thua cuộc trong trò chơi đuổi bắt với sinh vật tên là “cô đơn” ấy.
Đôi lần tôi hỏi, chị cứ sống một mình như thế có buồn không? Chị chỉ im lặng không nói. Những người mà chị gặp, người thì thô lỗ cộc cằn, người thì ngọt ngào quá mức, nhưng chẳng thể che giấu đi chiếc đuôi cáo đang ngoe nguẩy đằng sau. Ai bảo đàn ông thì không biết lợi dụng, không biết dựa vào đàn bà để đạt được mục đích? Rồi thì dăm người đến với chị vì tò mò, háo thắng, hiếu chiến và khát khao chinh phục nhưng thấy khó quá thì rút lui, bởi họ có chân thành đâu để mà kiên nhẫn.
Đềm về, không chọn lấy một người để đón đưa, chị tự đưa mình về trên con đường đã đi lại cả vạn lần mà lần nào cũng thênh thang như thế. Radio văng vẳng khúc hát mà vợ chồng chị đã từng nghe cùng nhau những đềm về muộn.
Chị bất giác mỉm cười lau nước mắt.
Chồng cũ của chị ngày xưa, chẳng bao giờ nói lời làm chị đau đớn, mọi cuộc cãi vã dường như chỉ mình chị khơi mào, rồi mình chị độc thoại. Anh ấy thường cười xòa, hoặc là ra ngoài đi dạo, hoặc là ôm lấy chị rồi bảo rằng: “Em đừng gào lên nữa, đau họng không mua thuốc được đâu, giờ này muộn rồi.”
Chồng cũ của chị ngày xưa luôn là người làm lành với chị mỗi khi chị dỗi, luôn biết vì sao chị giận và luôn cố gắng để chị không bất an. Một cái chau mày của chị cũng làm anh cuống lên, dùng tay di di lên trán chị để đôi lông mày giãn ra. Vừa di vừa xuýt xoa: “Em thôi chau mày đi vợ ạ, mặt em già đi bao nhiêu, xem này.” Rồi họ bật cười ôm lấy nhau.
Chồng cũ của chị ngày xưa luôn biết chị mệt và ốm, là người sẽ nhắc nhở chị uống thuốc, ăn cơm, hỏi chị có mệt không, sữa tắm chị hết cũng là anh mua, dầu gội hết cũng là anh lo, sống với anh là những năm tháng ỷ lại và hậu đậu của một người vợ chẳng bao giờ cần trưởng thành. Năm năm có lẻ, những lần anh to tiếng với chị chỉ đếm trên đầu ngón tay, họ gần như không cãi nhau.
Chồng cũ của chị là người có thể ngồi xuống nói chuyện với chị những lúc bế tắc trong công việc. Khi đã mệt nhoài với những tranh đấu ở đời, chị về bên anh ấy, họ ngồi với nhau ở tiệm cà phê nhỏ cuối phố, những ngày mưa rào ướt đẫm bờ vai.
Và rồi sau những cố gắng, họ quyết định buông tay nhau.
Lặng lẽ.
Đớn đau.
Nuối tiếc.
Thêm hai năm nữa trôi qua kể từ ngày chị cương quyết ly hôn chồng, mặc cho anh khổ sở van xin chị đừng đi, tôi vẫn cảm nhận được rằng những năm tháng đó không thể nào phôi phai được trong lòng chị. Chị từng tâm sự với tôi rằng, mỗi lần gặp một người đàn ông khiến chị phải nghĩ suy chau mày, chị lại nhớ về chồng cũ và tự nhủ rằng: “Chồng cũ của mình không như thế.”
Ấy vậy mà chị vẫn cương quyết ra đi, cương quyết song song trên hai con đường với người đàn ông mình từng coi là tất cả. Họ đều biết trên chặng đường phía trước sẽ thật khó để tìm lại được bình yên lần nữa, tìm lại được một người có thể khiến họ thôi so sánh khi nghĩ về nhau.
Chị nói sau khi quyết định vĩnh viễn buông tay nhau, chị giờ đây chỉ nhớ những gì tốt đẹp nhất.
Những đớn đau, chị đã quên đi từ lâu rồi.
Đôi khi con người ta cứ mãi loay hoay trong những dấu hỏi rất lớn, yêu nhau nhiều đến thế, đối đãi với nhau tốt đến thế, mà sao người đàn ông vẫn có thể dối gian? Phải chăng đó là thứ bản năng của giống loài? Hay là một lý do nào khác?
Tôi không hiểu, chị cũng không hiểu, nhưng tôi biết có một người hiểu rõ nhất, đó chính là chồng cũ của chị.
Ngày chị biết cô nữ sinh đó đang mang thai con anh ở tháng thứ sáu, chị không một lời chì chiết, không một câu đay nghiến cũng chẳng buồn hỏi tại sao. Lẳng lặng thu xếp mọi thứ, chị nhường lại người đàn ông tối qua còn nằm cạnh mình cho một người đàn bà khác. Lỗi ở chị đã chẳng thể sinh cho anh một đứa con? Hay lỗi ở anh đã sớm bội bạc quên vạn lời thề hứa?
Chị nói chỉ cần nhớ những điều đã từng khiến chị yêu người đàn ông đó, những điều khiến chị tin rằng quyết định của chị ở một thời điểm nào đó là đúng. Còn lại mọi thứ, chị đã quên cả rồi.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều những đôi yêu nhau, những cặp vợ chồng, khi chia tay đều lời qua tiếng lại. Người mắng: “Cô chẳng còn đáng một xu với tôi!” Kẻ chửi: “Anh là thằng khốn nạn tồi tệ nhất tôi từng biết!” Mục tiêu của cả hai là làm nhau đớn đau, để bản thân mình là người thắng cuộc, nhưng vô hình họ không biết rằng đó lại chính là tự tát vào mặt mình, họ thắng đối phương nhưng không thắng được chính bản thân. Miệt thị đối phương để làm gì? Như vậy là khẳng định bản thân kém cỏi, đi yêu thương kẻ chẳng đáng một xu hay một kẻ đốn mạt? Như thế thì có làm bản thân mình hơn được một xu không? Vì ở đời chẳng phải người ta vẫn thường bảo nồi nào úp vung ấy đó sao?
Ngày cưới anh, chị rủ tôi ra một quán cà phê ven hồ ngồi, rít hết điếu thuốc và nhả khói, chị nhìn tôi cười buồn chẳng nói lấy một câu.
Chồng của chị, giờ mãi mãi sẽ là của một người không phải chị. Tôi vẫn luôn ám ảnh đôi mắt buồn mênh mang ngày hôm đó, tôi cảm nhận được nỗi đau đến tuyệt vọng của chị. Nhưng kể từ ngày chia tay anh, tôi chưa từng thấy chị khóc.
Chưa từng, dù chỉ một lần…
Đàn bà, đau quá thì sẽ buông. Trái tim càng đau lại càng lạnh. Chẳng ai hiểu được họ nghĩ gì mà họ cũng chẳng cần ai hiểu. Đôi lúc chỉ cần im lặng để lắng nghe nỗi đau chảy róc rách trong từng tế bào, len sâu từng ngóc ngách.
Buông tay nhau một lần, nỗi đau mang một đời.