Cuốn sách “Cửa Tiệm Hạnh Phúc” của tác giả Lê Di là một tác phẩm độc đáo về chủ đề hạnh phúc, được viết dành riêng cho những bạn trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống. Đọc cuốn sách, bạn sẽ nhận ra nhiều thứ thú vị như:
- Khám phá khái niệm hạnh phúc: Cuốn sách không chỉ đề cập đến việc hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc tích cực mà còn đi sâu vào bản chất của nó. Tác giả chia sẻ góc nhìn cá nhân về hạnh phúc, từ những trải nghiệm và quan sát của mình trong cuộc sống hàng ngày.
- Câu hỏi và thách thức: Tác giả đặt ra những câu hỏi và thách thức mà mọi người thường gặp phải khi tìm kiếm hạnh phúc. Những câu hỏi này khám phá sâu hơn về ý nghĩa và cách thức để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống đời thường.
- Góc nhìn tích cực: Cuốn sách tập trung vào việc nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực và tìm kiếm hạnh phúc trong những điều bình dị và nhỏ nhặt nhất. Tác giả khuyến khích độc giả sống thật với chính mình và hài lòng với những gì đã có.
Cuốn sách được xuất bản bởi NXB Thanh Niên vào tháng 11 năm 2017, với trọng lượng 280 gram và kích thước bao bì 14 x 19 x 1.3 cm. Cuốn sách có 256 trang và được bán với hình thức bìa mềm.
“Cửa Tiệm Hạnh Phúc” là một tài liệu thú vị và ý nghĩa cho những ai đang tìm kiếm sự bình yên và niềm vui trong cuộc sống. Tác giả Lê Di không chỉ chia sẻ về ý nghĩa của hạnh phúc mà còn khuyến khích độc giả đặt câu hỏi và suy ngẫm về cách tạo ra hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Cuốn sách là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về giá trị của sự biết ơn và hài lòng.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Cửa Tiệm Hạnh Phúc của tác giả Lê Di
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
LỜI MỞ ĐẦU
Trong cõi hỗn độn của tạo hóa tự thuở sơ khai, con người đã nhận ra ý niệm về thời gian rồi ngẫu nhiên trở nên lệ thuộc vào đó ngày một nhiều. Không ai thức dậy mà không tự nhủ trong đầu hôm nay là ngày mấy tháng mấy, mấy giờ mình có việc gì, phải làm xong cái gì trong 24 giờ tới,… “Thời gian là trường tồn, đời người là hữu hạn.” – Con người mãi chấp vào suy nghĩ đó để cứ luôn tự thôi thúc chính mình nhanh lên chứ, vội vàng lên chứ.
Rồi cũng trong lúc đó, con người nhận ra một thứ kỳ diệu đã từ rất lâu ẩn sâu trong chính mình, có thể sánh bước và có chăng là điều hiếm hoi duy nhất có thể đồng hành cùng thời gian trên quãng đường dài vô hạn. Chính là tình yêu.
Tình yêu là gì? Một câu hỏi muôn thuở. Chưa lúc nào loài người thôi tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc đó. Nhưng suy cho cùng thì đến cả thời gian cũng không thể giải đáp được cái băn khoăn ấy dù đã đồng hành với nó qua hàng vạn vạn kiếp người.
Bất lực trước việc định nghĩa một thứ mông lung, sâu xa và đầy bí ẩn như thời gian, con người chuyển sang tìm kiếm lời giải cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản hơn: “Tại sao ta lại yêu?”. Nhiều thế hệ đã đưa ra những câu trả lời nhất định. Nghe thoáng qua, ta phần nào tìm được sự đồng cảm. Nhưng nghĩ kỹ lại thì phải chăng những lý lẽ ta đưa ra cốt chỉ để trấn an chính con tim non nớt của mình?
Yêu vì yêu. Nhiều người lúng túng hay nói câu này. Cũng chỉ là một cách nói khác của việc yêu không vì gì cả, yêu vô điều kiện. Nhưng có thật sự là có tình yêu như thế? Tự dưng yêu mà chả có lý do gì? Không thể. Bởi chả lý gì lại yêu khi lần đầu gặp mặt không có ấn tượng gì. Chí ít cũng phải là vẻ bên ngoài toát ra được nội tâm bên trong, hay nghe đâu đó tiếng lành đồn xa rồi đến khi gặp gỡ tình đơm hoa. Cho nên ví như mới yêu mà thốt nên lời đó thì âu cũng là lời có cánh để cho ta thấy chút lâng lâng vị lãng mạn của tình yêu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Bởi không dưng mà cái từ “tình yêu vô điều kiện” lại sinh ra rồi để người ta ngưỡng mộ và vươn tới. Dĩ nhiên là chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen, mà phải tiến đến một cái mốc xa hơn khi tình yêu trở nên thân thuộc với thời gian. Đó là lúc người ta yêu nhau đủ lâu để thấy được hết những mặt trái của đối phương và chấp nhận tất cả, không oán trách, không hối hận. Chính lúc đó, tình yêu mới là vô điều kiện. Chính lúc đó, mọi lý do trước đó được vin vào để nuôi giữ tình yêu trở nên vô nghĩa. Chính lúc đó, con người mới thật sự hiểu thế nào là yêu vì yêu.
Nhờ sự song hành của tình yêu cùng với thời gian, con người ngộ ra được điều quý giá trong cuộc sống mà đôi khi đánh đổi cả đời cũng không tìm thấy. Đó là hạnh phúc. Không khó để hiểu về hai từ này, nhưng cũng như tình yêu, thật khó để định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Với nhiều người, hạnh phúc là giàu có, sung túc, được ăn ngon mặc đẹp, không phải động chân động tay. Số khác thì cho rằng hạnh phúc chỉ đơn giản là được sống mà không bị ràng buộc. Cao thượng hơn thì có suy nghĩ cho rằng hạnh phúc là được làm cho người khác hạnh phúc. Nhìn chung, chúng ta có thể kết luận một điều đơn giản là hạnh phúc bắt nguồn từ tình yêu. Nếu không yêu sự giàu sang, phú quý, không yêu ô tô, nhà lầu thì bạn sẽ chẳng hạnh phúc khi có được ngần ấy thứ. Nếu không yêu đời, bạn cũng không hạnh phúc khi được sống. Và tương tự, nếu không có tình yêu với một điều gì đó, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thấy hạnh phúc khi có được nó. Dù vô tình hay cố ý, tạo hóa cũng đã vẽ nên sợi dây vô hình gắn kết hạnh phúc và tình yêu rồi trao cho loài người như một món quà tinh thần vô giá.
Hiểu được những điều trên không khó. Sống từng ấy năm, chứng kiến từng ấy việc, qua mấy câu chuyện yêu đương trong sách vở, chúng ta đủ để đúc kết vài điều đơn giản như trên. Có lẽ điều đau đầu đáng để quan tâm hơn là bạn tìm hạnh phúc ở đâu và như thế nào. Có người nói nếu bạn ngừng tìm kiếm và định nghĩa hạnh phúc là gì, tự nó sẽ đến với bạn. Nghe có vẻ cao siêu, nhưng sao chúng ta ngăn nổi cái khát khao của tuổi trẻ kiếm tìm thứ gọi là hạnh phúc. Mỗi người có một quan niệm khác nhau, mỗi người có một cột mốc khác nhau cho mức độ hạnh phúc của mình. Có người thành công. Có người thất bại. Nhưng cách họ chọn đều giống nhau, chạy đua với niềm khát khao cháy bỏng, đôi khi mù quáng. Vậy những ai đang vấp váp, đang lạc giữa vô vàn lối rẽ hay băn khoăn không biết phía cuối liệu có còn đường, hạnh phúc liệu có đó không? Hãy tin tôi, phía cuối mọi con đường đều có hạnh phúc. Vì nếu con đường đó tốt đẹp thì hiển nhiên bạn sẽ thấy hạnh phúc, còn nếu khổ đau thì cái kết cuối cùng âu cũng là siêu thoát. Hãy chậm lại, hãy kiềm chế khát khao của mình lại, hãy tĩnh tâm, hãy cảm một chút trước khi tiếp tục cuộc đua cùng thời gian.
Hãy thử một lần nhìn cuộc sống như một đoạn băng quay chậm, từ từ, từ từ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những nụ cười người ta trao nhau khi sáng sớm, những lời ân cần quen thuộc lúc tan sở, những ánh mắt trìu mến trong bữa cơm chiều, những câu chuyện đời thường giản dị người ta kể cho nhau mỗi tối quây quần sau một ngày làm việc. Bạn đang nhìn thấy hạnh phúc. Đừng vội nghĩ tôi đang nói chuyện phiếm khi bạn đọc đến đoạn này. Hãy tự vấn lương tâm mình xem cái bạn thật sự cần là gì khi bạn chỉ sống được vài chục năm, khi mà mọi thứ bạn có được rồi sẽ theo quy luật tự nhiên trở về với thời gian. Có người ước nhiều tiền. Cũng hay. Nhưng còn hay không khi thiếu đi tiếng cười và những ánh mắt thân thương mỗi bữa ăn. Có người ước lãng mạn, ước cuộc sống như cổ tích. Nhưng giữa việc sống trong cổ tích được vài giờ rồi trở lại với thực tại lẻ loi gần một thế kỷ với việc sống trong hạnh phúc giản dị, thật lòng bạn sẽ chọn điều gì? Đừng nghĩ một lời yêu nói ra là thừa. Đừng nghĩ một cái ôm trao đi là đáng ngại. Đừng nghĩ một ánh mắt thân thiện, hay một nụ cười vu vơ sẽ khiến bạn thành đứa dở hơi. Tin tôi đi! Tất cả những điều đó sẽ làm cho những người xung quanh thấy ấm lòng. Và khi bạn nhận lại được những điều giản đơn đó, bạn cũng sẽ như tôi, thấy mọi thứ thật tuyệt vời.
Thời gian kiểm chứng và nuôi dưỡng tình yêu. Để rồi tình yêu tạo ra hạnh phúc. Và hạnh phúc nuôi nấng con người. Hãy biết trân trọng! Trân trọng mọi thứ đang thật sự nằm trong tay, đang thật sự tồn tại trong đời mà ta tưởng chừng như nghiễm nhiên là thế. Không có gì là tự nhiên có, cũng không có gì tự động lìa xa. Có chăng là ta vô tình đánh mất cái ta tìm kiếm. Hãy thử vươn tay ra! Hãy thử cất bước! Chưa cần chạy đua đâu. Bạn đã chạm tới hạnh phúc rồi.
—
01. Hạnh phúc là gì?
ĐỊNH NGHĨA VỀ HẠNH PHÚC
Người ta vẫn nói, để đạt được mục tiêu, bạn cần xác định nó thật rõ ràng và cụ thể; hay chí ít, bạn cũng cần biết nó là cái gì để còn vươn tới. Vậy nên, có lẽ với một cuốn sách liên tục nói về “hạnh phúc”, hai chữ mơ hồ đó cũng nên được định nghĩa đôi phần.
Về lý thuyết mà nói, bạn và tôi, chúng ta có thể tự tìm thấy nhiều hơn một định nghĩa về “hạnh phúc” trên thế giới “online” hay chỉ đơn thuần trong sách vở.
Ba nói: “Hạnh phúc là cứ an phận và sống một cuộc đời vui vẻ, chẳng ganh đua tranh giành với ai.”
Mẹ nói: “Hạnh phúc là khi ba mày tâm lý và lãng mạn hơn một tí, biết tặng mẹ hoa và quà vào sinh nhật hay những ngày đặc biệt.”
Từ điển tiếng Việt nói: “Hạnh phúc là cảm giác sung sướng vì đạt được ý nguyện.”
Wikipedia nói: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.”
Các triết gia và nhà truyền giáo thì hay nói: “Hạnh phúc là việc có một cuộc sống tốt đẹp và hưng thịnh.” hay “Hạnh phúc là cái ‘phúc’ do ‘hạnh’ mà có.”
Ấy vậy nhưng, suy đến cùng thì mọi định nghĩa dường như đều trở nên mơ hồ và thật sự chẳng dẫn bạn đến một nơi nào cụ thể.
Tất cả những gì chúng ta biết về “hạnh phúc”, chỉ đơn thuần rằng đó là thứ khiến ta vô cùng dễ chịu. Cảm giác đó mạnh hơn cả tình yêu, mạnh hơn bất kỳ loại cảm xúc nào khác ta có thể hình dung tới. Người người muốn có nó, nhà nhà muốn có nó, ai ai cũng “nghiện”, thèm khát, mong muốn và mưu cầu hạnh phúc.
Suy cho cùng thì “hạnh phúc” với lịch sử hàng vạn năm được săn đón và tìm kiếm như vậy, có lẽ không cần phải được định nghĩa cụ thể. Hạnh phúc đơn giản chỉ là một khái niệm người ta đưa ra để có thể gọi tên một thứ vô hình. Bạn chẳng biết nó trông như thế nào, hình thù ra làm sao, có những đặc tính gì. Nhưng chắc chắn khi hạnh phúc xuất hiện, bạn sẽ nhận ra, vô điều kiện. Đến một ngày đẹp trời, khi bàn chân chợt nhói đau và bạn nhận ra mình đã tìm lại được chiếc kim bị lạc, hạnh phúc cũng đến bất chợt như vậy, nhưng chỉ khác một điều, thứ cảm giác bạn nhận được chắc chắn không phải nỗi đau.
Vậy nên, thay vì cố gắng định nghĩa “hạnh phúc”, có lẽ chúng ta nên chuyển sang việc làm thế nào để biết “hạnh phúc” có đang tồn tại trong cuộc sống của bạn hay không và làm thế nào để tăng cái gọi là “chỉ số hạnh phúc” của chính mình.
Có một điều kỳ diệu là hằng năm, người ta vẫn đưa ra những báo cáo chỉ số hạnh phúc của từng quốc gia liên tục và đều đặn. Hành trình đo lường đó chỉ đơn giản diễn ra xoay quanh hai câu hỏi:
Thang điểm hạnh phúc bạn tự dành cho cuộc sống hiện tại của mình là bao nhiêu?
và,
Thang điểm hạnh phúc bạn tự dành cho chính mình là bao nhiêu?
Nếu như bạn hình dung ra một chiếc thang hạnh phúc với viễn cảnh tồi tệ nhất nằm ở bậc đầu tiên và tương lai hoàn mỹ nhất ở bậc trên cùng, tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng ra về các cấp bậc của hạnh phúc đều sẽ nằm gọn trên chiếc thang ấy. Sau đó, tất cả những gì bạn cần làm là đánh giá xem mình đang ở bậc thang thứ mấy.
Và dĩ nhiên, bạn sẽ thật sự hạnh phúc khi nhận ra mình đang đứng ở bậc thang cuối cùng, để đón những cơn gió mát đầy dễ chịu thay vì giống như bao người đang phải trầy trật, cố gắng leo được lên đó.
Nhưng, đó chắc chắn là bạn ở một thời điểm khác; bởi chỉ số hạnh phúc bình quân cao nhất tính theo từng quốc gia trong năm vừa qua cũng vẫn chỉ xoay quanh con số 7, nếu tính trên thang điểm 10.
Tuy nhiên, chí ít, nếu dựa trên thang đo này, bạn và tôi, chúng ta sẽ không còn quá vất vả để định nghĩa một khái niệm trừu tượng như “hạnh phúc” và có thể bắt đầu hình dung ra những kế hoạch cụ thể hơn, rành mạch hơn trên chặng đường khám phá thế giới hạnh phúc của chính mình.
Tại sao không?
—
NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CẢM XÚC
Có một bí mật tưởng chừng như vô lý của cảm xúc đó là mọi thứ thường gắn liền với con số hai.
Cứ hai ngày, bạn sẽ thay đổi tâm trạng một lần.
Cứ hai tuần, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ một lần.
Và cứ hai tháng, bạn sẽ thay đổi cách hành xử một lần.
Đó là lý do vì sao tâm trạng của bạn luôn có chiều hướng biến động theo một biểu đồ hình sin với biên độ dao động lớn nhỏ khác nhau tùy người và tùy thời điểm.
Với một cái đầu mạnh mẽ, biên độ dao động cảm xúc của bạn có thể sẽ nhẹ tới mức đến chính bạn cũng không hề để ý hay bị điều đó ảnh hưởng. Mọi thứ đều chỉ cần xoay quanh lý trí và thực tế. Thật đơn giản biết bao.
Tuy nhiên, với một con tim mong manh và sở hữu tập cảm xúc luôn quá tải mọi lúc mọi nơi, thì chuyện hôm vui, hôm buồn, hôm quyết tâm, hôm chán nản, cũng là lẽ thường tình mà bạn cần học cách sống chung. Phải. Là thế đó. Chứ thực ra, bạn vốn chẳng có bệnh gì nghiêm trọng đâu, chỉ là cơ thể cảm thấy cần những trạng thái đó mà thôi.
Mọi thứ vốn chẳng có gì là tuyệt đối. Trong buồn có vui, trong vui có buồn.
Những lúc bạn đang ở đỉnh cao nhất của hạnh phúc, chìm trong trạng thái lâng lâng nhất của một thứ xúc cảm tuyệt vời bạn cũng chẳng rõ tên,… đó cũng sẽ là lúc, bạn cảm nhận được dấu hiệu mơ hồ của một cơn tụt dốc cảm xúc vào những ngày sau đó.
Hay giả như, khi bạn thấy mình đang ở đáy tận cùng mệt mỏi, thì chỉ sau một giấc ngủ sâu, bình minh tiếp theo sẽ chỉ mang đến cho bạn đôi phần hạnh phúc hơn chút đỉnh, bởi chẳng còn vực thẳm tâm trạng nào để bạn có thể thả trôi mình thêm nữa.
Chẳng thể có lời khuyên cụ thể nào cho những tình huống éo le như vậy. Đơn giản vì chúng ta vốn đã được tạo hóa nhào nặn ra như thế. Có chăng, là nhịp độ của mỗi người mỗi khác nhau, người dài, người ngắn; hoặc biên độ dao động lớn, bé tùy tính cách và môi trường.
Điều duy nhất tôi có thể nói với bạn, đó là hãy hít một hơi thật sâu, tự nhủ với mình những điều sắp xảy ra, chấp nhận, thu nạp nó như một lẽ dĩ nhiên, để nó thẩm thấu qua từng tế bào trên cơ thể bạn, rồi thả trôi nó ra khỏi không khí như chưa từng tồn tại. Mọi yêu thương hay hờn ghen quá độ rồi cũng sẽ tan biến theo cách đó, trả lại cho bạn một bản thể vẹn nguyên, trong trẻo.
Và, khi bạn đủ tĩnh tâm để hiểu được cơ thể, xem mình đang ở trạng thái nào, hãy tận dụng thật tốt trạng thái đó trong hai ngày, hai tuần hay hai tháng, để cảm thấy mình sống có ích hơn.
Rồi, hạnh phúc, sẽ tự động đọng lại thật lành trong tâm trí.
—
HẠNH PHÚC BAO GỒM CẢ NỖI BUỒN
Nếu tôi nói bạn nghe về nỗi buồn cũng có tên “hạnh phúc”, chắc có lẽ, bạn sẽ lắc đầu và chẳng tin vào điều tôi nói. Nhưng, tôi có thể cam đoan với bạn rằng, sẽ có những lúc, bạn chỉ ước, giá như mình biết buồn.
Đó sẽ là những ngày đột nhiên bạn thấy mình đang chẳng cảm nhận được bất cứ điều gì xung quanh. Bạn không còn vui những nỗi vui thường nhật, chẳng còn buồn những chuyện buồn xưa cũ. Bạn, bỗng dưng, lạc giữa lưng chừng dòng cảm xúc, không biết nên tự đưa mình dạt về đâu. Tôi thường gọi đó là những chuỗi ngày vô cảm.
Những ngày này, tất cả những gì bạn làm, là tự vẽ ra cho mình một lịch trình cứng nhắc trong ngày, trong tuần, thậm chí là kéo dài vài tháng. Bạn như người máy, quay đi quay lại một thước phim đã được lập trình sẵn, chẳng cần biết đúng hay sai, chẳng cần biết mình được hay mất.
Cho đến một ngày, bạn, tự dưng, ngộp thở.
Đôi chân bạn bắt đầu thấy vô nghĩa khi đi trên con đường đó.
Lý trí bạn bắt đầu mách bảo bạn đang chẳng đi về đâu cụ thể.
Con tim bạn gào thét, đòi hỏi nhiều hơn những nhịp đập lúc nhanh lúc chậm, chứ không thể mãi đều đều như vậy.
Bạn, cần một thứ cảm xúc mạnh hơn cả nụ cười.
Và đó, cũng là lúc, bạn ước, mình được buồn thêm lần nữa.
Và giả như, có một phép màu ngay lúc đó khiến bạn bật khóc, chắc chắn, bạn sẽ nhìn thấy hạnh phúc đang dang tay chờ bạn để bắt đầu những ủi an.
Thế đó, bạn của tôi, nếu thật sự ngay lúc này bạn đang buồn, hãy cứ tin rằng, nỗi buồn đó của bạn cũng chính là hạnh phúc mà nhiều người đang ao ước ngoài kia. Bạn nào đã phải là người bất hạnh nhất, phải không?