Cuốn sách “Cuộc Diễu Hành Thầm Lặng” bắt đầu với việc phát hiện thi thể của Namiki Saori, một nạn nhân mất tích ở Tokyo, tại một căn nhà bỏ hoang ở tỉnh Shizuoka sau hơn ba năm. Nghi phạm được xác định là Hasunuma Kanichi, một kẻ tội phạm tinh vi từng khiến cảnh sát không thể bắt được mười chín năm trước. Tuy nhiên, lần này, Hasunuma lại được phóng thích.
Sau đó, vào ngày diễu hành hóa trang nổi tiếng của thị trấn Kikuno, nơi Namiki Saori từng sinh sống, Hasunuma bị tìm thấy chết trong một căn phòng khóa kín. Vụ án trở nên rối ren, với ít manh mối hơn. Cảnh sát gặp khó khăn trong việc điều tra. Tuy nhiên, khi Yukawa Manabu, hay còn được biết đến với biệt danh “Giáo sư Galileo” – người đã giúp cảnh sát giải quyết nhiều vụ án trước đó – xuất hiện, những suy luận sắc sảo và táo bạo của anh bắt đầu ghép lại từng mảnh ghép trong bức tranh, hé lộ một sự thật gây chấn động…
Với sự thông minh và tài năng của Yukawa Manabu, cuộc điều tra đặc biệt này cuối cùng được giải quyết và một sự thật quan trọng được tiết lộ.
****
Sau khi lật đến trang cuối của cuốn “Cuộc diễu hành thầm lặng”, mình nhận thấy Yukawa, từ một con người siêu ngầu lòi, lý tính và dĩ nhiên có phần lạnh lùng đã trở thành một vị giáo sư ngày càng “ẤM ÁP” hơn. Những người đóng góp vào sự thay đổi có Kusanagi – cậu bạn thanh tra lâu năm, Kaoru, nữ thanh tra sắc sảo và đầy cảm xúc, còn cả Ishigami và Shingo cùng một vài nhân vật đóng vai trò quan trọng trong 9 tập truyện nữa. Nhờ sự tiếp xúc và tương tác với những cá nhân này mà các cuộc đối thoại giữa Yukawa với từng nhân vật khác tại quán ăn gia đình Namiki mang một màu sắc hoàn toàn khác hẳn. Không biết có bạn nào nghĩ giống mình không nhỉ?
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
****
Ở cuốn sách Cuộc Diễu Hành Thầm Lặng, chúng ta sẽ được gặp lại giáo sư vật lý Yukawa Manabu nổi tiếng và được mến mộ. Tuy nhiên thì cũng như mọi khi, câu chuyện phải bắt đầu chán chê mà vẫn chưa thấy bóng dáng Yukawa đâu (nhưng nếu ai đã đọc hết những truyện trong series về giáo sư vật lý này thì chỉ cần thấy có tên Kusanagi và Utsumi Kaoru là biết sớm muộn gì Yukawa cũng xuất hiện thôi). Truyện bắt đầu với việc Kusanagi va vào 1 vụ án oái oăm khi mà mọi thứ gần như sáng tỏ, thủ phạm cũng được xác định nhưng lại không thể bắt được hắn vì không đủ chứng cứ xác đáng, và tên tội phạm lại áp dụng chiến lược “im lặng là vàng”. Cái “luật im lặng” này của Nhật tuy khác “Luật im lặng” trong giới mafia của Mario Puzo nhưng đều khiến người đọc cảm thấy khó chịu cả. Cay cú hơn nữa khi đây không phải lần đầu Kusanagi chạm trán với tên tội phạm lỳ lợm và gian manh này, anh đã 1 lần thất bại trong việc truy tội hắn trong quá khứ – chính xác là ngay khi anh mới bước vào ngành!
Với nội dung như trên, cốt truyện có lẽ đi theo lối tâm lý chiến là chính, và bản thân tôi không hiểu Yukawa sẽ có vai trò gì trong câu chuyện này. Thế nhưng Yukawa vẫn xuất hiện – để phá vụ án theo một cách hoàn toàn khác – dù vẫn theo đúng phong cách của Yukawa – cách thức truy vết ngược thời gian khá tương đồng với cách nhà vật lý đã làm trong Phương trình hạ chí.
Tuy nhiên – vâng, lại tuy nhiên – trong lần này thì cách thức phá án của Yukawa chưa thực sự thuyết phục được cá nhân tôi. Nói đúng ra là nó quá vi diệu, vi diệu đến mức không thể tin được vào khả năng của nhà vật lý – như kiểu ông có cỗ máy thời gian để quay về quá khứ và biết mọi câu chuyện xảy ra trong quá khứ vậy. Kể cả chi tiết cuối truyện khi ông khám phá ra 1 bí mật giúp xoay chuyển kết quả mà ngay những người trong cuộc cũng không nhận biết được – cá nhân tôi thấy nó chưa đủ cơ sở để Yukawa kết luận như vậy – như kiểu Yukawa đang cố gắng uốn nắn sự việc để có được kết quả viên mãn nhất, thanh thản nhất cho mọi người vậy! Bởi thế nên tôi thấy kết truyện có thể thỏa mãn những nhân vật trong truyện, nhưng lại chưa thỏa mãn được độc giả là tôi.
****
Cuộc Diễu Hành Thầm Lặng là tập mới nhất nằm trong series truyện về Thám tử Galileo – nhà vật lý học Manabu Yukawa, Cuộc diễu hành thầm lặng đánh dấu sự trở lại của Giáo sư Yukawa sau 4 năm anh bay sang Mỹ công tác ngay khi vụ án Ma thuật bị cấm kết thúc. Lúc này, Yukawa đã trở thành Giáo sư chính thức tại Đại học Teito với nhiều mối bận tâm, trách nhiệm mới phải âu lo. Và tình cờ, khu Kikuno, địa điểm phòng nghiên cứu của anh mới chuyển đến, cũng là nơi diễn ra những vụ án bế tắc mà Thanh tra Kusanagi đang điều tra.
Tuy nhiên, tại tiểu thuyết đánh dấu Thám tử Galileo tái ngộ độc giả, thủ pháp gây án diễn ra trên trang sách lại không thể để lại ấn tượng như hàng loạt câu chuyện trước đó về Phía sau nghi can X hoặc Sự cứu rỗi của thánh nữ. Hay đối với cách thức hung thủ gây án ở cái chết của gã nghi phạm trong hai vụ án mạng 19 và 3 năm trước, vốn được tác giả Higashino Keigo gợi ý khá rõ ràng qua hàng loạt chi tiết, từ tiêu đề đến nội dung, rải rác khắp tác phẩm. Mà sự “gợi ý” đó, có thể gói gọn lại vào ba cụm từ: “cuộc diễu hành”, “án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” và “chạy tiếp sức.”
“Cuộc diễu hành” ứng với nhan đề cuốn sách Cuộc diễu hành thầm lặng, là một cụm từ đa nghĩa. Đa nghĩa bởi bên cạnh cuộc diễu hành cosplay quy mô rầm rộ được tổ chức thường niên tại khu Kikuno, còn một “cuộc diễu hành thầm lặng” khác diễn ra song song, ngay trong lòng chuyến đi chính, trước ánh mắt hàng ngàn, hàng vạn con người, qua hàng loạt khu phố. “Thầm lặng” nhưng không “lẳng lặng”, tách rời mà có quan hệ hết sức mật thiết.
Vì hành trình này tựa mang theo án tử vô hình, treo lên cổ kẻ thủ ác; được thực hiện theo hình thức “chạy tiếp sức.” Một hình thức vốn được Higashino Keigo sử dụng và miêu tả chi tiết rất lâu trước đây trong tiểu thuyết Trái tim của Brutus. Để rồi lần nữa, “chạy tiếp sức” lại xuất hiện ở Cuộc diễu hành thầm lặng, qua hành động giám đốc Tojima Shusaku đi tìm gặp tất cả những ai thân thuộc với Namiki Saori – nạn nhân trong vụ án 3 năm trước mà đưa ra đề xuất thay trời hành đạo, trả thù cho cô.
Và dù không trực tiếp được nhắc đến trong kế hoạch của Tojima, nhưng Keigo tiên sinh cũng ngầm ám chỉ “cuộc diễu hành thầm lặng” ông tái hiện, có liên hệ đến một tác phẩm của nữ tiểu thuyết gia Agatha Christie qua sự liên tưởng đầy tự nhiên khi Thanh tra Kusanagi nhìn hiện trường vụ án: “Anh nghĩ, có lẽ ngay cả căn phòng riêng trên con tàu tốc hành phương Đông nổi tiếng trong tiểu thuyết của Agatha Christie cũng khá hơn căn phòng này.”
Quả tình, với tất cả gợi ý đến vậy, chỉ cần là một người đọc tinh ý một chút, cũng có thể dễ dàng đoán biết thủ pháp gây án cùng danh tính nhóm tội phạm thực hiện hành động “phán quyết” với tên nghi phạm Hasunuma. Có chăng, “hung khí” là “làm khó” người đọc mà thôi.
Vậy, một cuốn sách hơn 500 trang như Cuộc diễu hành thầm lặng về một nhân vật vốn đã quá mức quen thuộc và góp phần làm nên tên tuổi của Higashino Keigo, thủ pháp gây án dễ đoán tới thế thì đâu sẽ là điều níu giữ bước chân độc giả tới tận trang sách cuối cùng? Nếu như không phải tư tưởng hướng đến “quyền giữ im lặng” Hasunama đã tận dụng triệt để lẫn cốt truyện án lồng án với những tình tiết được phong kín đến tận các chương truyện cuối cùng.
*****
Mở đầu câu chuyện trong cuốn sách “Cuộc Diễu Hành Thầm Lặng” là tin tức thi thể của một cô gái vốn đã mất tích từ 3 năm trước được phát hiện trong một ngôi nhà bị phóng hỏa. Ngôi nhà lại chính là nhà của mẹ kế của tên Hasunuma Kanichi – người có liên quan trực tiếp đến tất cả các vụ án mạng xảy ra trong sách. Hắn đã sử dụng quyền im lặng khi bị tra khảo, bởi thế cảnh sát không thể nào tìm ra được bằng chứng xác đáng để kết tội hắn, nhiều phiên tòa diễn ra, và tất nhiên: hắn được trắng án do không có bằng chứng chứng minh hắn là tên giết người. Đối diện với kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, đã thế sau khi được phóng thích thì tên Hasunuma này lại đến thẳng nhà của nạn nhân để khiêu khích đòi tiền người thân của cô ấy. Ai trong lòng cũng mang một nỗi niềm riêng, nhưng tất cả đều mong mình được “thay trời hành đạo”, bởi vì luật pháp đã không thể xử tội được hắn…
Thị trấn trong truyện mỗi năm sẽ tổ chức một lễ hội diễu hành vô cùng hoành tráng. Và sau buổi diễu hành đó, Hasunuma đã chết. Thời điểm hắn chết liệu có “vô tình” trùng hợp không? Tất nhiên là không, bởi lễ hội này tập trung rất nhiều người từ khắp nơi đổ về tham dự, trong lúc đó, kế hoạch trừng trị Hasunuma đã được thực thi. Kế hoạch này đã làm đau đầu phía cảnh sát, vì tất cả các nghi phạm đều có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng. Cùng với đó là những điều khó hiểu khi phía cảnh sát phát hiện là hung thủ thực ra có thể dễ dàng tiễn Hasunuma bằng một nhát sang thế giới bên kia lợi dụng lúc hắn đang ngủ, nhưng tại sao hung thủ lại không làm như vậy mà lại lập kế hoạch vô cùng rườm rà. Từ đây, án chồng án dẫn cuộc điều tra đi vào bế tắc, sự xuất hiện của nhà vật lý Yukawa đã soi đường cho cảnh sát. Bạn đọc thực ra vẫn có thể tự mình suy luận song song với mạch truyện, vì những gợi ý mà Yukawa đưa ra đã dẫn dắt chúng ta theo những khía cạnh mà bình thường không nghĩ đến. Mình thực sự thích phong cách này.
Sau nhiều năm ở nước ngoài, Yukawa cũng dần trở nên thân thiện hơn, không khô khan và khó gần như trước nữa. Hai người bạn là Kusanagi và Utsumi cũng đã trở thành những cảnh sát đầy kinh nghiệm và vô cùng sắc sảo, cứ như là sau khoảng thời gian time skip trong phim thì các nhân vật trở nên hoàn thiện hơn vậy. Có chi tiết này mình thấy thú vị “Cậu không thích ý tưởng này à? Chết dưới những quả bóng bay đầy màu sắc rực rỡ trong phòng kín thật siêu thực và thú vị, không phải là một mánh khóe rất vui sao?” :))) Ông chú khô khan ngày nào giờ chắc cũng đọc sách Haruki Murakami rồi.
Đọc quyển sách này xong mang lại cho mình cảm giác thương xót cho người nhà nạn nhân vì nỗi đau khổ, sự bất hạnh và những gì họ căm hận tên Hasunuma nhưng lại bất lực trước phán quyết vô tội từ tòa án….
Mặc dù khen là vậy nhưng thực ra phần kết truyện lại dài dòng quá, cứ như tác giả cố viết tiếp để có happy ending vậy. Plot twist cũng nhẹ nhàng, nhưng mà, tác giả cho nhà vật lý Yukawa ‘suy đoán’ hơi nhiều, tuy ông ấy đã tham gia phá nhiều vụ án hóc búa tương tự như thế này rồi nhưng không hiểu sao mình vẫn cảm thấy không được thuyết phục lắm.