Cuốn sách “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell là một tác phẩm văn học kinh điển, đã chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới từ khi ra đời vào năm 1936. Bối cảnh của câu chuyện là cuộc nội chiến Mỹ giữa Bắc và Nam, và thông qua những nhân vật sống động và cốt truyện rõ ràng, tác giả đã tái hiện lại tâm trạng và tính cách của nhiều nhân vật trong thời kỳ chiến tranh và hậu chiến.
Nhân vật chính là Scarlett O’Hara cùng với Rhett Butler đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sức mạnh trong văn học Hoa Kỳ. Cuốn sách này thu hút không chỉ giới trẻ Mỹ mà còn thu hút sự quan tâm của thanh niên trên toàn thế giới, bởi nó là một câu chuyện tình yêu đặc sắc. Mặc dù trong thời kỳ chiến tranh và hậu chiến đầy gian khổ, nhưng tình yêu vẫn luôn tỏa sáng và trở thành nguồn động viên giúp con người vượt qua mọi khó khăn.
Ngoài tình yêu giữa các nhân vật, “Cuốn theo chiều gió” cũng là một lời ca ca ngợi về tình yêu quê hương và đất nước, cũng như tình thân tương ái.
Ba năm sau khi xuất bản, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Margaret Mitchell đã trở thành một hiện tượng lớn, là niềm tự hào của điện ảnh Mỹ. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Cuốn Theo Chiều Gió của tác giả Margaret Mitchell
—-
LỜI GIỚI THIỆU
Vào năm thứ ba mươi sáu của thế kỷ XX, một sự kiện được ghi lại trong lịch sử văn học hiện đại nước Mỹ. Đó là sự ra đời của một tác phẩm văn học chẳng những mau chóng thu phục được tấm lòng người dân Mỹ mà còn cả trái tim của hàng triệu người trên khắp các lục địa. Tác phẩm ấy mang tên Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind).
Chỉ ba tuần sau khi được xuất bản Cuốn theo chiều gió đã thu hút ngay sự chú ý của hơn mười bảy vạn độc giả. Và liền năm sau, 1937, nó được tặng giải thưởng Pulitzer, một giải thưởng được nhiều nhà văn ao ước. Đến tháng 12 năm 1938 hơn một triệu bảy bản đã được ấn hành tại nước Mỹ. Sau đó đúng một năm khi bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết này lần đầu tiên ra mắt khán giả Mỹ, hơn hai triệu bản Cuốn theo chiều gió đã được in và dịch ra mười sáu thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tính đến năm 1962 thì lên tới hơn mười triệu bản và cuốn sách được dịch ra hơn ba chục thứ tiếng và đã được chuyển thể thành sách cho người mù đọc.
Cuốn theo chiều gió là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ tác giả Margaret Mitchell. Bà sinh năm 1900 tại Atlanta (bang Georgia, Mỹ) và cũng qua đời tại thành phố này ngày 16 tháng 8 năm 1949. Cha bà là một luật gia nổi tiếng, chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử Atlanta. Mẹ và anh Margarett Mitchell cũng rất thích lịch sử. Sống trong một bầu không khí như thế, cô bé Margaret ham say nghe những chuyện kể về cuộc Chiến tranh Ly khai Nam Bắc. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Atlanta, Margaret theo học y khoa tại trường Đại học Smith. Nhưng cái chết đột ngột của mẹ đã thay đổi hoàn toàn hướng đi của Margaret. Cô trở về quê hương sống với cha và anh. Sau đó cô bắt đầu nghề báo dưới bút danh Peggy Mitchell. Nhưng một tai nạn đã làm Margarett giập mắt cá và buộc phải bỏ nghề làm báo. Năm trước, 1925, cô đã kết hôn với John R. March, giám đốc phụ trách quảng cáo cho Công ty Điện lực Georgia.
Trước đó nhiều lần Margaret Mitchell đã thử viết tiểu thuyết và một số truyện ngắn. Nhưng lần nào bản thảo cũng bị trả lại với một lời xin lỗi và nhận xét gần như muôn thuở: “Sách của bà khá lý thú, nhưng tiếc rằng đăng vào lúc này không thích hợp”. Nhưng Margaret Mitchell không hề nản chí mà vẫn kiên trì sáng tác. Cũng vào năm 1936 bà bắt tay thật sự vào cuốn tiểu thuyết lịch sử vĩ đại Cuốn theo chiều gió. Bà đã viết trong mười năm ròng trong một tâm trạng gần như bệnh hoạn. Cung cách làm việc của Margaret Mitchell khá là độc đáo. Chẳng hạn bà đã viết kết luận trước khi triển khai cốt truyện. Bà thu thập các tình tiết, góp nhặt những tư liệu mới, phát triển tính cách các nhân vật của mình, thậm chí sống cuộc sống của họ. Người ta kể lại rằng, một đêm Margaret ngồi cặm cụi viết trong căn phòng nhỏ của mình. Bỗng nhiên người nhà nghe thấy tiếng nức nở của bà. Người ta gõ cửa phòng nhưng Margaret nhất định không chịu mở cửa. Sáng hôm sau, đầu tóc rối bù, mắt thâm quầng vì qua một đêm không ngủ, Margaret Mitchell thét lên: “Melanie đã chết rồi!” Lời nói đó thốt ra từ trái tim nặng trĩu của tác giả khóc than cho số phận một nhân vật mà bà vô cùng yêu mến. Nỗi đau khổ tột cùng này gợi cho ta nhớ lại tâm trạng của L.Tolstoy hay của G.Flaubert trước cái chết thảm thương của Anna Karenina và của bà Bovary.
Năm 1935, H. S. Latham, phó giám đốc nhà xuất bản MacMillian, một nhà xuất bản lớn của nước Mỹ, đến Atlanta. Ông đã xem qua công trình đồ sộ nhưng còn dị dạng kia. Ông ấn định một thời hạn và vào mùa xuân năm 1936 cuốn tiểu thuyết ra đời. Nó đã thu được một thắng lợi vang lừng. Có những ngày năm vạn cuốn bán hết tại nước Mỹ. Vinh quang rực rỡ đó không hề thay đổi bản chất của Margaret Mitchell. Bà vẫn tiếp tục tự do sống trong ngôi nhà nhỏ tại Atlanta, tiếp tục một cuộc sống vô cùng giản dị. Thư từ và hàng vạn điện tín của độc giả tới tấp gửi đến ca ngợi bà. Ngày ngày Margaret Mitchell đã ngồi trong phòng kiên nhẫn và hòa nhã trả lời thư tín của các độc giả ngưỡng mộ bà. Tuy nhiên bà đã buộc phải ra mắt công chúng nhân dịp cuốn phim cùng tên Cuốn theo chiều gió được chiếu lần đầu, vì có nhiều kẻ gian dối đã mạo danh bà làm những điều xằng bậy. Năm bốn mươi chín tuổi, trong khi cùng chồng đi qua một đường phố ở Atlanta, bà bị một chiếc xe tải đâm phải. Năm ngày sau bà qua đời giữa muôn vàn thương tiếc của người thân và bạn đọc. Người phụ nữ nhỏ bé, duyên dáng và khiêm nhường có đôi mắt màu xanh xinh đẹp đó đã từng nói: “Tôi chỉ tìm thấy mình trong công việc và tác phẩm mà thôi; còn cái riêng tôi thì chẳng là gì cả.”
Các nhà phê bình văn học đã viết rất nhiều về Cuốn theo chiều gió. Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về tác phẩm văn học này. Nhưng có một điều không thể chối cãi được là vào bất kì thời nào nó cũng được các bạn đọc trẻ tuổi ham thích. Câu chuyện được đặt trong bối cảnh lịch sử của cuộc Chiến tranh Nam Bắc phân tranh giữa một bên là Miền Bắc công nghiệp, đại diện cho lực lượng tiến bộ chủ trương thủ tiêu chế độ nông nô, và một bên là Miền Nam – đại diện cho lực lượng bảo thủ phản động ngoan cố duy trì chế độ nô lệ da đen. Nhân vật chủ yếu của cuốn tiểu thuyết hơn một nghìn trang là Scarlett O’Hara. Scarlett là một cô bé xinh đẹp, con gái một điền chủ giàu có. Được nuông chiều từ bé, Scarlett rất ngang bướng và ích kỷ, nhưng có nhiều nghị lực. Sau khi Atlanta thất thủ, Scarlett quay về ấp trại của mình và bắt tay xây dựng lại từ đầu. Nhờ có tính ngoan cường và cách suy nghi rất thực tế, Scarlett đã cứu cửa nhà khỏi sự tàn phá của quân lính tướng Sherman. Những khó khăn khủng khiếp do cuộc chiến tranh tàn khốc gây ra đã rèn luyện tính cách của Scarlett nên đến cuối chiến tranh nàng đã trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn. Song song với Scarlett là một nhân vật rất điển hình: Rhett Butler, một con người hết sức thực dụng và mưu trí. Rhett Butler đã lợi dụng chiến tranh và phong tỏa để thực hiện nhiều vụ áp phe lớn mang lại cho y rất nhiều lợi nhuận. Scarlett và Rhett hợp nhau ở rất nhiều điểm, nhưng vì kiêu căng và ngộ nhận Scarlett đã cự tuyệt tình yêu, mãi đến cuối cùng sau khi đã chia tay với Rhett, nàng mới nhận thức sâu sắc rằng chính Rhett mới là người yêu lý tưởng của mình. Trong khi đó suốt bao nhiêu năm ròng nàng vẫn tưởng mình yêu Ashley Wilkes, chồng Melanie.
…Tuy là hai nhân vật thứ yếu, Melanie và Ashley đã để lại một ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người đọc. Melanie gợi nhớ lại cho ta hình ảnh của Agnes dịu hiền trong David Copperfield của Dickens. Nhưng người con gái yếu đuối, đôn hậu kia trong giây phút quyết liệt cũng đã dám nổ súng vào kẻ thù để cứu bạn. Còn Ashley thì quả là một nhân vật đầy mâu thuẫn. Phải chăng đó là một kẻ hèn nhát, thiếu nghị lực và quyết đoán, một vai trò tẻ nhạt, tầm thường? Tuy nhiên khi đi sâu tìm hiểu tâm tư tình cảm của con người hào hoa phong nhã đó, ta sẽ thấy cảm thông với chàng thanh niên dũng cảm, hăm hở lên đường ra trận nhưng đã hoàn toàn vỡ mộng sau thảm hại ở Appomatto.
Câu chuyện thực ra không có gì là phức tạp, rắc rối cả. Mọi tình tiết đều diễn ra rất logic, ít mang tính kịch cao. Nhưng xoay quanh những tình tiết không mấy li kì đó Margaret Mitchell đã khắc họa nên những nhân vật hết sức điển hình, tiêu biểu cho những cá tính và những quan niệm riêng biệt, độc đáo. Điều này cắt nghĩa tại sao Cuốn theo chiều gió được sự hưởng ứng mạnh mẽ và mau lẹ của độc giả trong và ngoài nước Mỹ. Dĩ nhiên ta không thể phủ nhận là bộ phim phát hành năm 1939 đã góp phần không nhỏ vào hành công to lớn và lâu dài của cuốn sách.
Hơn năm mưới năm đã qua từ ngày Cuốn theo chiều gió xuất hiện trên văn đàn thế giới. Bao nhiêu cuộc chiến tranh đã xảy ra trên hành tinh chúng ta, phi nghĩa cũng như chính nghĩa. Bao nhiêu thế hệ độc giả đã say sưa đọc và xem Cuốn theo chiều gió. Những thế hệ tương lai sẽ tiếp tục say mê Cuốn theo chiều gió. Vì cuốn tiểu thuyết lớn của Margaret Mitchell đã khơi dậy trong lòng các thế hệ độc giả khác nhau tình yêu quê hương xứ sở, tình thương đồng đội. Nó đã tiếp thêm cho họ nghị lực và kiên nhẫn để vượt qua mọi đau thương gian khổ mà chiến tranh mang lại cho con người. Và quan trọng nhất là nó đã dựng được những nhân vật điển hình khó lòng quên được.
Vì thế mặc dù Cuốn theo chiều gió còn nhiều thiếu sót về mặt quan điểm lịch sử và chính trị, mặc dù những sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức đối với bọn ba K (KKK – Ku Klux Klan), chúng ta không thể phủ nhận cống hiến của Margaret Mitchell đối với kho tàng văn học thế giới.
Mấy chục năm qua, ở Việt nam đã dịch và xuất bản hơn một lần Cuốn theo chiều gió. Với lần xuất bản này chúng tôi hi vọng đáp ứng lòng mong đợi của độc giả.
TRẦN HOÀNG
—-
CHƯƠNG I
Scarlett O’Hara không đẹp, nhưng điều đó, đàn ông đã say duyên cô như kiểu hai anh em sinh đôi nhà Tarleton, họa hoằn lắm mới nhận ra. Gương mặt cô pha trộn quá rõ những nét thanh tú của bà mẹ, một phu nhân quý tộc miền Duyên hải, gốc Pháp, với những nét nặng nề của ông bố da dẻ hồng hào người Ireland. Nhưng đó là một bộ mặt đầy sức hấp dẫn, nhọn cằm mà lại vuông hàm. Cặp mắt xanh nhạt hơi xếch, không một gợn màu hạt dẻ, rợp bóng rặng mi đen. Bên trên, cặp lông mày đen rậm xuyên một đường chéo bất ngờ trên làn da trắng như hoa mộc lan – thứ nước da mà phụ nữ phương Nam rất chuộng và chăm chút bảo vệ bằng đủ thứ: mũ, mạng, găng tay, chống lại ánh nắng chói chang miền Georgia.
Vào cái buổi chiều huy hoàng tháng tư năm 1861 ấy, ngồi với Stuart và Brent Tarleton trong bóng mát hàng hiên của ấp Tara, đồn điền của cha cô, Scarlett tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Chiếc áo dài mới bằng muslin xanh in hoa xòe cả chục mét vải cuộn sóng trên những vòng căng váy và hoàn toàn ăn với đôi dép da bê thuộc màu xanh gót bẹt mà cha cô vừa mang từ Atlanta về làm quà cho con gái. Chiếc áo dài làm nổi bật một cách hoàn mỹ vòng eo bốn mươi ba phân – vòng eo nhỏ nhất trong cả ba hạt – và chiếc áo lót vừa khít khuôn lấy bộ ngực tròn đầy đối với độ tuổi mười sáu của cô. Nhưng tất cả vẻ bề ngoài, sự e lệ thể hiện ở những nếp váy xòe rộng, nét đoan trang của mớ tóc búi gọn và đôi tay nhỏ trắng muốt lặng lẽ chắp trong lòng, không che đậy nổi bản ngã thật sự của cô. Trên khuôn mặt cố hết sức làm ra vẻ thùy mị, đôi mắt màu lam ngỗ ngược, bướng bỉnh và đầy sức sống đối chọi rõ ràng với thái độ đứng đắn của cô. Cung cách của cô là do bên ngoài áp đặt – những lời răn bảo dịu dàng của bà mẹ và kỷ luật nghiêm khắc của Mammy[1] – còn cặp mắt mới thực là của cô.
Hai bên cô, cặp anh em sinh đôi ngả người thoải mái trong ghế bành, nheo mắt dõi nhìn ánh nắng qua những chiếc cốc cao thành đầy nước bạc hà, cười cười nói nói, thẻo đảnh bát chéo đôi cẳng dài kỵ sĩ cuồn cuộn bắp thịt đi ủng cao đến tận đầu gối. Mười chín tuổi, cao khoảng một mét tám mươi lăm, mặt rám nắng, tóc hung sẫm, mắt vừa tươi vui, vừa ngạo mạn, mình vận áo vét xanh và quần cưỡi ngựa màu vàng sẫm, y hệt nhau, họ giống nhau như hai giọt nước.
Bên ngoài, mặt trời chiều chênh chếch chiếu xuống sân, làm bật sáng rực rỡ hàng cây sơn thù du với những mảng dày đặc hoa trắng trên nền xanh mơn mởn. Ngựa của anh em Tarleton buộc ở lối đi, những con vật to lớn, lông hung đỏ như tóc của chủ chúng; và dưới chân chúng, đang gầm gừ lũ chó săn Opot gầy nhẳng, dễ kích động, chủ đi đâu cũng theo bám không rời. Tách ra một quãng cho phù hợp với cương vị quý tộc của mình, một chú khuyển Dalmatian mình đốm đen nằm ghếch mõm lên chân, kiên nhẫn chờ hai công tử về nhà ăn tối.
Giữa hai anh em sinh đôi, bầy chó và cặp ngựa của họ, có một quan hệ thân thuộc sâu sắc hơn mối thân tình nảy sinh do thường xuyên gần gũi nhau. Tất cả đều khỏe mạnh, vô tư, mỡ màng, duyên dáng, dũng cảm, hai chàng trai cũng hăng như đôi ngựa họ cưỡi, hăng và nguy hiểm, song kỳ thực bên trong lại dịu dàng và ngoan ngoãn đối với ai biết lựa chiều khiển lái.
Mặc dù sinh trưởng trong cảnh an nhàn của đồn điền, được săn sóc hầu hạ từ tấm bé, nhưng diện mạo của ba người ngồi chơi ở hàng hiên không hề có chút gì là ẽo ợt hoặc mềm yếu. Họ đều có cái vẻ mạnh mẽ và nhanh nhẹn của những người vùng quê suốt đời sống ngoài thiên nhiên thoáng đãng và rất ít bận bịu đầu óc với những điều tẻ ngắt trong sách. Cuộc sống ở Bắc Georgia, hạt Clayton hãy còn mới mẻ, và xét theo tiêu chuẩn của Augusta, Savannah và Charleston, thì có phần hơi thô lậu. Những người phương Nam trầm tĩnh ở những vùng xưa cũ hơn nhìn dân Georgia ở mạn trên với chút khinh thị, nhưng ở Bắc Georgia đây, có thiếu những điều tế nhị của học vấn cổ điển cũng chả có gì đáng xấu hổ, miễn sao người đàn ông tỏ ra giỏi giang, khéo léo trong những vấn đề quan trọng. Và khai thác bông tốt, cưỡi ngựa hay, bắn giỏi, khiêu vũ lẹ làng, tháp tùng các bà, các cô một cách thanh nhã và uống rượu với tư thế đàng hoàng của một người hào hoa phong nhã, đó chính là những vấn đề quan trọng.
Về những tài lẻ đó, cặp anh em sinh đôi này thật là cự phách và họ cũng xuất chúng đến mức nổi tiếng là không thể học được bất cứ điều gì chứa đựng giữa những tấm bìa của các cuốn sách. Gia đình họ có nhiều tiền, nhiều ngựa, nhiều nô lệ hơn bất kì ai ở trong hạt, nhưng về khoản ngữ pháp thì hai cậu công tử lại nghèo hơn đa số những người Cracker[2] khố rách áo ôm ở vùng xung quanh.
Chính vì lý do đó mà Stuart và Brent ngồi chơi tếu ở hàng hiên ấp Tara buổi chiều tháng Tư ấy. Họ vừa bị đuổi khỏi trường Đại học Georgia, trường đại học thứ tư đã trục xuất họ trong vòng hai năm trời, và hai người anh trai, Tom và Boyd, cũng cùng về nhà với họ, không chịu ở lại một học đường không hoan nghênh cặp anh em sinh đôi này. Stuart và Brent coi việc họ bị đuổi học gần đây nhất là một trò đùa thú vị. Scarlett, vốn từ dạo rời trường nữ học Phayetteville không lần nào tự nguyện mở đến một quyển sách, cũng thấy chuyện đó là hay hay như họ.
– Tôi biết hai anh bất cần chuyện bị đuổi, cũng như cả anh Tom nữa, cô nói. Nhưng còn Boyd? Xem chừng anh ấy có vẻ quyết tâm học đến nơi đến chốn, thế mà hai anh đã kéo theo anh ấy bật khỏi các trường Đại học Virginia, Alabama, Nam Carolina và bây giờ lại đến Georgia nữa. Cứ cái đà này thì anh ấy sẽ chả bao giờ học xong được.
– Ồ, anh ấy có thể đọc sách luật trong văn phòng quan tòa Parmalee, Brent nhơn nhơn đáp. Với lại, cái đó cũng chả hệ trọng gì lắm. Đằng nào bọn này cũng phải về nhà trước khi kết thúc niên học.
– Tại sao?
– Chiến tranh chứ còn sao nữa, cô bé ngốc nghếch! Chiến tranh sắp nổ ra bất kỳ ngày nào, cô tưởng có ai trong bọn chúng tôi sẽ ở lại trường trong khi chiến sự diễn ra chắc?
– Các anh thừa biết là sẽ chẳng có cuộc chiến tranh nào hết, Scarlett bực bội nói. Toàn là chuyện phiếm. Này hai cha con Ashley Wilkes tuần trước vừa mới bảo ba tôi là các đại diện của ta ở Washington sẽ đi đến một… một… một thỏa thuận hòa hữu về Liên bang với ông Lincoln. Và dù sao đi nữa, bọn Yankee[3] cũng sợ chúng ta hết vía, chả dám đánh nhau đâu. Sẽ chẳng có cuộc chiến tranh nào hết, tôi nghe chuyện ấy phát ớn lên rồi.
– Sẽ không có cuộc chiến tranh nào hết! Hai anh em sinh đôi bất bình kêu lên như thể bị mất cắp vậy.
– Này cô bạn thân yêu ạ, tất nhiên là sẽ có chiến tranh, Stuart nói. Có thể là bọn Yankee sợ chúng ta, nhưng sau khi tướng Beauregard nã đại bác đánh bật chúng khỏi pháo đài Sumter ngày hôm kia một cách nhục nhã như thế, chúng sẽ phải đánh, kẻo mang tiếng hèn nhát trước toàn thế giới. Chà, Liên bang…
Scarlett bĩu môi chán ngán và sốt ruột.
– Các anh chỉ cần nói “chiến tranh” một lần nữa là tôi sẽ vào nhà đóng cửa lại tức thì. Trừ mấy từ “ly khai” ra, không từ nào trên đời làm tôi chán ngấy bằng mấy từ “chiến tranh”. Ba tôi sáng, trưa, chiều tối chỉ thấy nói toàn những chuyện chiến tranh, và các tôn ông đến thăm ba cũng hò hét về pháo đài Sumter, về cái quyền của bang, về Abe Lincoln cho đến khi tôi phát chán muốn hét toáng lên! Và các chàng thanh niên cũng toàn nói chuyện ấy – chiến tranh và Đội của họ. Năm nay không có cuộc vui chơi nào thú vị bởi vì cánh trai trẻ không nói chuyện gì khác. Tôi rất mừng thấy Georgia đợi đến sau Noel mới ly khai, nếu không, các cuộc vui chơi của chúng ta nhân dịp Noel cũng sẽ hỏng hết. Nếu các anh còn nói “chiến tranh” nữa tôi sẽ vào nhà đấy.
Scarlett nói thật tình, vì cô không bao giờ đủ kiên nhẫn chịu đựng dài một cuộc trò chuyện trong đó cô không phải là đầu đề chính. Nhưng cô vừa nói, vừa cười nụ, cố ý làm lún sâu thêm lúm đồng tiền và hàng mi đen rậm chấp chới như cánh bướm. Đúng như chủ đích của cô, hai cậu công tử phải bả thích mê và vội vã xin lỗi đã làm cô khó chịu. Không vì cô thiếu quan tâm mà họ bớt quý mến cô. Thực tế, họ quý cô hơn. Chiến tranh là việc của đàn ông, đâu phải việc của đàn bà, cho nên họ xem thái độ ấy là bằng chứng hiển nhiên về nữ tính của cô.
Sau khi lái họ khỏi cái đề tài chiến tranh chán ngắt, cô hào hứng quay trở lại tình cảnh trước mắt của họ.
– Thế bác gái nói gì về việc hai anh lại bị đuổi học?
Hai cậu có vẻ không thoải mái khi nhớ lại ứng xử của mẹ cách đây ba tháng, hồi họ từ trường Đại học Virginia trở về nhà.
– À, Stuart nói, bà cụ chưa có dịp nói gì cả. Bọn tôi và anh Tom đi khỏi nhà từ sáng sớm hôm nay, trước khi bà cụ dậy, anh Tom thì đang ở nhà gia đình Phontaine, còn bọn tôi tới đây.
– Bà cụ có nói gì khi các anh về đến nhà đêm hôm qua không?
– Đêm qua, tụi tôi gặp may. Ngay trước khi tụi tôi về tới nhà, người ta mang đến con ngựa giống mới mà bà cụ đã mua ở Kentucky và cả nhà cứ là loạn cả lên. Cái đồ vũ phu to xác ấy – nó là một con ngựa cao lớn, Scarlett ạ, cô phải nói với ba cô sang xem ngay đi – nó đã cắn tên bồi ngựa một miếng ra trò trên đường đi về đây và giẫm cả lên hai tên nô lệ da đen của mẹ tôi ra đón tàu hỏa ở ga Jonesboro. Và ngay trước lúc tụi tôi về đến nhà, chỉ thiếu chút nữa thì nó đạp đổ chuồng, suýt giết chết con Strawberry, con ngựa nòi cũ của bà cụ. Khi bọn này đến nhà thì bà cụ đang ở ngoài chuồng ngựa với cả một hũ đường miếng, cố xoa dịu nó và phải công nhận là bà cụ làm việc đó rất thành công. Bọn lệ da đen sợ hết vía, đánh đu ở các rui kèo, tròn xoe mắt, nhưng bà cụ thì nói chuyện với con ngựa như nói với người và cho nó ăn ngay trong lòng bàn tay mình. Thật không có ai dỗ ngựa khéo như bà cụ. Và khi trông thấy bọn này, bà liền nói: “Trời đất, bốn ông tướng lại về nhà làm gì vậy? Chúng bay còn tệ hại hơn cả các họa ở Ai Cập[4]”. Thế rồi con ngựa lại hí và đá hậu, bà liền bảo: “Cút khỏi đây ngay! Chúng bay không thấy nó sợ à, tội nghiệp con vật to đùng? Sáng mai ta sẽ hỏi đến bốn đứa bay!”. Thế là bọn này đi ngủ và sáng nay tót đi trước khi bà cụ có thể tóm cổ và để Boyd lại đối phó với bà.
– Liệu bác có đánh anh Boyd không? Scarlett, cũng như mọi người khác trong hạt, không sao quen được với cái cách bà Tarleton bé nhỏ đối xử thô bạo với những con trai đã lớn của mình, hễ gặp dịp xem chừng như chính đáng là quất roi ngựa lên lưng họ.
Beatrice Tarleton là một người đàn bà bận rộn, ngoài việc cai quản một đồn điền bông rộng lớn, một trăm nô lệ da đen và tám người con, còn phải trông nom khu trại nuôi ngựa lớn nhất trong toàn bang nữa. Tính bà nóng và dễ điên tiết lên bởi những vụ bỏ học thường xuyên của bốn cậu con trai; và trong khi không cho phép ai được dùng roi đánh ngựa hoặc nô lệ, bà vẫn cảm thấy là thỉnh thoảng cho các cậu ấm một trận đòn cũng chẳng có hại gì.
– Tất nhiên là bà cụ không đánh Boyd. Bà chả bao giờ đánh Boyd nhiều vì anh ấy là cả và hơn nữa lại là gà còi. Stuart nói, hãnh diện với chiều cao một mét tám mươi lăm của mình. Vì thế mà bọn này để anh ấy ở nhà để trình bày mọi sự với bà cụ. Lạy Chúa Toàn Năng, bà cụ phải thôi đánh bọn này đi chứ! Hai chúng tôi đã mười chín, Tom thì hai mươi mốt, thế mà bà cứ làm như bọn tôi mới lên sáu!
– Liệu mai bác gái có cưỡi con ngựa mới sang dự bữa tiệc ngoài trời[5] của gia đình Wilkes không?
– Bà cụ muốn thế đấy, nhưng ba tôi bảo nguy hiểm lắm. Với lại, dù thế nào đi nữa, mấy đứa con gái cũng chẳng để bà làm thế. Chúng bảo ít ra cũng có một lần chúng đưa bà đi dự tiệc bằng xe ngựa như một vị phu nhân.
– Mong sao ngày mai trời đừng mưa, Scarlett nói. Một tuần nay ngày nào cũng mưa rồi, không có gì chán hơn một bữa tiệc ngoài trời phải chuyển vào trong nhà.
– Ồ, ngày mai trời sẽ trong sáng và nóng như cữ tháng sáu, Stuart nói. Nhìn vầng mặt trời lặn kìa. Tôi chưa bao giờ thấy một ráng chiều đỏ hơn. Bao giờ cũng có thể đoán thời tiết bằng vào mặt trời lặn.
Họ đưa mắt nhìn những cánh đồng bông mới cày vỡ của ông Gierald O’Hara trải dài tít tắp đến tận chân trời đỏ ối. Giờ đây, khi mặt trời đã lặn vào một vùng hỗn mang rực đỏ đằng sau dãy đồi bên kia con sông Flint, cái nóng ban ngày tháng tư dịu dần thành mát rượi, dễ chịu.
Năm ấy, mùa xuân đến sớm với những cơn mưa rào ngắn ấm áp, với sắc hồng của hoa đào đột ngột nở rộ, với hoa sơn thù du rắc những đốm sao trắng lên bờ đầm tối sậm cùng những ngọn đồi xa. Các thửa ruộng đã cày gần xong và ánh tà dương rực rỡ như máu, càng tô đỏ thêm những luống đất sét đỏ miền Georgia mới xới lên. Chất đất ẩm, đói, vừa được cày đảo nằm chờ hạt bông gieo xuống, phô sắc hồng hồng trên chốc luống có lẫn cát, đỏ son, đỏ tía và nâu sẫm ở những quãng bóng râm phủ lên dọc hai thành rãnh. Ngôi nhà gạch quét vôi trắng của đồn điền tựa như một hòn đảo giữa vùng biển đỏ man dại, một vùng biển cuồn cuộn những đợt sóng cồn vồng lên, xoáy lộn, đột nhiên sững lại khi tóe ra thành từng chùm bọt hồng. Vì ở đây không có những luống dài thẳng tắp như thường thấy ở những cánh đồng đất sét vàng của vùng Trung Georgia bằng phẳng hoặc ở dải đất đen nục nạc của các đồn điền ven biển. Ở miền Bắc Georgia, những thửa ruộng lượn sóng dưới chân đồi được cày thành hàng triệu luống cong cong để ngăn chất đất màu mỡ khỏi trôi tuột xuống lòng sông.
Đó là một vùng đất đỏ hoang sơ, mưa nhiều thì như màu máu, hạn hán thì như bụi gạch – vùng đất trồng bông tốt nhất thế giới. Đó là một miền dễ chịu với những ngôi nhà trắng, những cánh đồng cày thanh bình và những dòng sông màu vàng đục lờ đờ xuôi chảy, song lại là một miền đất của những tương phản, của ánh nắng chói chang nhất và bóng râm đậm đặc nhất. Những khoảng rừng thưa trong khu vực đồn điền và những cánh đồng bông trải dài hàng dặm mỉm cười với một mặt trời ấm áp, bình thản và tự mãn. Xung quanh sừng sững những cánh rừng già tối thẳm, ngay cả những buổi trưa nóng nực nhất cũng vẫn mát mẻ, những cánh rừng huyền bí có phần hơi hắc ám, ở đó những cây thông rì rào dường như kiên trì chờ đợi hàng thế kỷ và cất lời đe dọa trong những tiếng thở dài se sẽ: “Cẩn thận đấy! Cẩn thận đấy! Bọn ta đã từng thắng các người. Bọn ta có thể lại thu phục các người lần nữa.”
Ngồi dưới mái hiên, ba người trẻ tuổi vẳng nghe tiếng vó nện, tiếng dây thắng lanh canh và tiếng cười the thé ẩu xịa của đám nô lệ da đen dắt la từ ngoài đồng trở về. Từ trong nhà bay ra giọng nói êm nhẹ của bà Ellen O’Hara Hara, mẹ của Scarlett, gọi con bé da đen mang chiếc làn đựng chìa khóa của bà. Một giọng trẻ con lanh lảnh đáp: “Thưa bà, vâng”, và có tiếng chân ra cửa sau đi về phía nhà sấy, nơi bà Ellen chia khẩu phần thức ăn cho các lực điền đang lục tục về. Có tiếng bát đĩa sứ và thìa, đĩa bạc chạm nhau lách cách trong khi quản gia Pork của ấp Tara dọn bàn ăn.
Những âm thanh cuối cùng này nhắc cặp anh em sinh đôi là đã đến giờ lên đường về nhà. Nhưng họ ngại giáp mặt với bà mẹ và nấn ná ở hàng hiên ấp Tara thêm một lát, hi vọng Scarlett mời ở lại ăn tối.
– Này, Scarlett, về chuyện ngày mai ấy mà, Brent nói. Bọn này đi vắng nên không biết mai có bữa tiệc ngoài trời và vui chơi khiêu vũ, nhưng không phải vì thế mà đêm mai bọn này đành chịu chay tịnh không được nhảy cho đã. Cô chưa hứa dành trước tất cả các điệu nhảy chứ?
– Rồi mà! Làm sao tôi biết trước là các anh về nhà? Tôi không thể can tâm chờ phục dịch hai anh mà chịu nguy cơ tựa tường không có ai mời nhảy.
– Cô mà lại dựa tường không có ai mời nhảy! Hai cậu công tử phá lên cười ầm ĩ.
– Này, cô bé thân yêu. Cô phải dành cho tôi điệu waltz đầu tiên và cho Stu điệu cuối cùng và cô phải ăn tối với tụi tôi. Chúng mình sẽ ngồi trên sàn cầu thang như trong đêm vũ hội lần trước và lại bắt Mammy Jincy đến xem bói cho chúng mình lần nữa.
– Tôi không thích nghe Mammy Jincy bói. Các anh biết đấy, bà ấy bảo tôi sẽ lấy một ông tóc đen nhánh, để ria dài mà tôi thì không ưa các ông tóc đen.
– Cô thích đàn ông tóc hung chứ gì, cô gái thân yêu? Brent cười toe toét. Nào, ừ đi, hãy hứa nhảy với bọn này tất cả các bài waltz và cùng ăn tối nhé.
– Nếu cô hứa, bọn tôi sẽ cho cô biết một điều bí mật, Stuart nói.
– Điều gì? Scarlett reo lên, linh lợi như một đứa bé khi nghe thấy hai tiếng “bí mật”.
– Có phải cái chuyện chúng mình nghe thấy hôm qua ở Atlanta không, Stu? Nếu là chuyện ấy thì nên nhớ là chúng ta đã hứa sẽ không nói cho ai biết.
– À, Miss[6] Pitty đã nói cho bọn này biết.
– Miss gì?
– Cô biết đấy, bà cô họ của Ashley Wilkes hiện ở Atlanta ấy mà, Miss Pittypat Hamilton, – cô của Charles và Melanie Hamilton.
– Tôi biết rồi, cả đời tôi chưa bao giờ gặp một bà già nào ngu độn hơn thế.
– Thế hôm qua khi bọn này ở Atlanta chờ tàu hỏa về nhà thì xe ngựa của bà ấy đi qua cửa ga và bà dừng lại nói chuyện với bọn này, bà bảo là trong vũ hội đêm mai tại nhà Wilkes, người ta sẽ công bố một cuộc đính hôn.
– Ồ, chuyện ấy thì tôi biết rồi, Scarlett thất vọng nói. Cái gã cháu trai ngu đần của bà ta, Charlie Hamilton đính hôn với Honey Wilkes chứ gì. Mọi người đều đã biết từ mấy năm nay là đến một lúc nào đó, họ sẽ lấy nhau, cho dù cậu chàng có vẻ như không mặn mà gì lắm.
– Cô nghĩ là hắn đần độn à? Brent hỏi. Noel vừa rồi, cô chả để cho hắn bám quanh vo ve mãi là gì?
– Tôi không thể cấm anh ta được, Scarlett hờ hững nhún vai. Theo tôi, anh ta là một gã õng ẹo gớm chết.
– Vả lại, đâu phải là họ sẽ công bố cuộc đính hôn của hắn, Stuart đắc thắng nói. Mà chuyện Ashley với em gái Charlie, tiểu thư Melanie cơ.
Sắc mặt Scarlett không thay đổi, nhưng môi cô tái nhợt đi, như một người bất thình lình bị một đòn đau điếng và trong phút choáng đầu tiên, không hiểu là chuyện gì đã xảy ra. Trong khi trừng trừng nhìn Stuart, mặt cô im sững đến nỗi gã này, vốn không bao giờ biết phân tích tâm lý, cứ yên trí rằng cô chỉ ngạc nhiên và rất chú ý mà thôi.
– Miss Pitty nói với bọn này rằng họ định sang năm mới công bố vì tiểu thư Melly[7] không được khỏe lắm; nhưng thấy thiên hạ chỉ bàn tán toàn chuyện chiến tranh, mọi người ở cả hai bên gia đình đều cho rằng cứ cho cưới quách đi thật sớm lại hơn. Cho nên họ định công bố vào quãng giữa bữa ăn tối mai. Scarlett, bây giờ bọn này đã nói cho cô biết điều bí mật, vậy cô phải hứa ăn tối với bọn này đi.
– Dĩ nhiên là thế, Scarlett nói như cái máy.
– Và tất cả các bài waltz nữa nhé?
Tất cả.
Cô thật đáng yêu! Tôi cuộc là các cậu kia sẽ tức điên lên cho mà xem.
Cho họ tức, Brent nói. Hai chúng mình có thể xử trí được với bọn họ. Này Scarlett, trong bữa tiệc ngoài trời ban sang, cô ngồi với bọn này nhé!
Cái gì?
Stuart nhắc lại lời yêu cầu.
– Tất nhiên.
Hai anh em sinh đôi nhìn nhau sướng rơn, nhưng có phần hơi ngạc nhiên. Mặc dù tự coi mình là những người được Scarlett ưu đãi trong đám rắp ranh giương cung bắn sẻ, trước đây họ chưa bao giờ giành được những biểu hiện của đặc ân đó một cách dễ dàng như lần này. Thông thường cô để họ phải nài nỉ, van xin mà vẫn lần lữa trì hoãn, không chịu trả lời dứt khoát có hay không, phá lên cười mỗi khi họ hờn dỗi, ra mặt lạnh lùng nếu họ nổi cáu. Và đây, thực tế cô đã hứa dành cho họ hầu như toàn bộ ngày mai – ngồi cạnh suốt bữa tiệc ngoài trời, tất cả các bài waltz (họ sẽ xoay sở sao cho tất cả các bài nhảy đều là nhịp waltz) và cùng ăn tối nữa. Thật cũng bõ bị đuổi khỏi trường Đại học!