Cuốn sách “Dã Thú Đô Thành” là một câu chuyện đầy kinh hoàng về một kẻ thủ ác hàng loạt, người mắc phải một căn bệnh tâm thần gọi là bệnh tàn sát. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất không phải là hành vi tàn bạo của kẻ này, mà là khả năng của hắn trong việc che giấu và phủ nhận sự tàn ác của bản thân.
Câu chuyện bắt đầu khi thông tin về một tên sát nhân hàng loạt, người chọn những phụ nữ làm mục tiêu, lan truyền qua báo đài. Mỗi vụ án, hắn lại cắt bỏ một phần của cơ thể nạn nhân, với số lượng càng lớn hơn qua mỗi lần.
Điều đặc biệt đáng chú ý là kẻ thủ ác này không chỉ tàn bạo trong hành động mà còn cẩn trọng và tinh vi trong việc che giấu tội ác của mình. Điều này khiến cho người đọc cảm thấy kinh tởm và ám ảnh hơn. Đặc biệt, việc kẻ thủ ác không nhận ra bản thân là kẻ thủ ác, mà thậm chí còn tự cho rằng mình đang theo đuổi một dạng tình yêu “chân-thiện-mỹ”, khiến cho câu chuyện trở nên thêm phức tạp và kinh hoàng.
Ngoài ra, câu chuyện còn tập trung vào một kẻ thủ ác gián tiếp, người mắc phải căn bệnh ích kỷ, nhưng lại tự phản đối rằng họ chỉ làm những việc đó để bảo vệ gia đình. Họ che giấu tội lỗi của mình dưới lớp vỏ gia đình và sự quan tâm với người thân, trong khi thực chất lại gieo rắc mầm mống của sự hủy hoại và tàn bạo.
Tác giả đã thông qua cách viết tinh tế và kịch tính, che giấu sự thật và tạo ra những bất ngờ cho đến những phút cuối cùng của câu chuyện. Điều này khiến cho cuốn sách trở thành một tác phẩm gây ám ảnh và đầy ý nghĩa về bản chất tăm tối của con người. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Dã Thú Đô Thành của tác giả Abiko Takemaru
—-
Giải thích
Kasai Kiyoshi
Tính cho đến nay, Dã thú đô thành là tác phẩm nổi tiếng nhất của Abiko Takemaru, đồng thời cũng là đỉnh cao trong các tiểu thuyết trinh thám hiện đại có sử dụng thủ pháp kể chuyện đánh lừa. Chắc hẳn các độc giả sẽ cảm thấy ngỡ ngàng sau khi đọc xong tác phẩm.
Dưới đây tôi có đôi điều chia sẻ về cảm xúc “ngỡ ngàng” mà Dã thú đô thành tạo ra trong người đọc.
“Tiểu thuyết trinh thám hiện đại” là từ chỉ tiểu thuyết trinh thám ra đời từ nửa sau thập niên 1970 đến nay. Nếu xét lịch sử trinh thám thì là dòng tiểu thuyết này bắt đầu từ thời tạp chí Ảo Ảnh Thành[44] còn hoạt động. Tạp chí Ảo Ảnh Thành đã giúp hồi sinh tiểu thuyết trinh thám cổ điển trong thời hiện đại, với chủ đề và motif mới, sau một thời gian dài lép vé trước thể loại tâm lý giật gân. Mikihiko Renjo, một trong các tác giả tiêu biểu của tạp chí, với phong cách kể chuyện đánh lừa, đã tạo ảnh hưởng to lớn đến tiểu thuyết trinh thám hiện đại, từ series Quán của Yukito Ayatsuji đến series Lệch lạc của Ichi Orihara.
Trải qua thời kì thoái trào nửa đầu thập niên 1980, tiểu thuyết trinh thám hiện đại đã trải qua một bước ngoặt to lớn với tác phẩm Thập Giác Quán[45] của Yukito Ayatsuji. Từ Ayatsuji trở đi, các tác giả theo dòng này được truyền thông gọi là tác giả “trinh thám cổ điển mới”. Abiko Takemaru đã bắt đầu nghiệp bút của mình với vai trò là một tác giả “trinh thám cổ điển mới” như thế.
Nhiều yếu tố vốn mờ nhạt ở các tên tuổi lão làng, đến lớp tác giả như Abiko lại trở thành yếu tố trung tâm. Yếu tố ấy là cảm giác bất toàn, trống rỗng, ngột ngạt của cuộc sống vì mắc kẹt trong không gian chật hẹp, tù túng giống như bị cưỡng ép vào một góc nồi hấp. Nhìn chung, đây là bệnh lý của thời đại sản xuất hàng loạt. Bệnh lý này đóng vai trò trung tâm trong không gian nghệ thuật (động cơ phạm tội) ở các tác phẩm.
Bệnh lý của thời đại sản xuất hàng loạt suốt thập niên 1980 đã nuốt chửng hầu hết xã hội Nhật Bản. Ví dụ, trong Thập Giác Quán, Ayatsuji viết về việc trúng độc của một toán học sinh. Còn Phòng học kín của Rintaro Norizuki là về án mạng học đường. Đều là những kiểu án mạng đã bùng phát trong thập niên 1980 và được xem như đặc điểm bệnh lý của xã hội hiện đại. Đến thập niên 1990 này, tình trạng cơ bản cũng không có gì chuyển biến, ngược lại còn trầm trọng thêm, điển hình như số vụ tự sát do bị bắt nạt gia tăng thấy rõ.
Các tác phẩm trinh thám hiện đại từ thời Ayatsuji trở về sau thường bị các nhà phê bình văn học phiến diện chỉ trích là chuyên khắc họa “xã hội sa đọa”, nhưng thật ra chúng đều chỉ ra một sự thật hiển nhiên là dấu hiệu bệnh lý của thời đại. Đến lượt mình, Abiko Takemaru tiếp tục khai thác căn bệnh gặm nhấm các gia đình bình thường trong thập niên 1980, sau vụ giết bé gái hàng loạt và sau vụ con sát hại cha mẹ bằng gậy bóng chày[46]. Tiểu thuyết Dã thú đô thành cũng mang đậm dấu ấn thời đại như thế.
Chủ đề gia đình băng hoại đến mức chỉ còn là lớp vỏ trống rỗng đã tạo ra trào lưu lớn với các tác phẩm kinh dị hiện đại của Stephen King hay các tác phẩm tâm lý giật gân của Jonathan Kellerman. Tuy nhiên, Dã thú đô thành chẳng phải tác phẩm kinh dị hay giật gân, nó chỉ là tác phẩm trinh thám hiện đại mà thôi.
Với một tiểu thuyết trinh thám thì việc đảm đương tốt hai nhiệm vụ – bảo toàn mối quan hệ giữa tính thời đại và tính xã hội, đồng thời thể hiện được chất trinh thám – là điều không phải dễ thực hiện.
Với tác phẩm này, thủ pháp kể chuyện đánh lừa đã được vận dụng làm vũ khí quyết định để thực hiện nhiệm vụ vô cùng thử thách, cam go ấy. Trong thủ pháp kể chuyện đánh lừa, các tác giả thỉnh thoảng đánh lạc hướng về nhân vật hoặc không-thời gian.
Thủ pháp căn bản trong Dã thú đô thành là thủ thuật kể chuyện đánh lừa về nhân vật. Theo đó cố ý làm lẫn lộn cha và con. Cấu trúc này khá đơn giản, nên cần thì có thể sắp đặt hai, ba lớp thủ thuật đánh lừa nhân vật-không gian-thời gian chồng chéo nhau nhằm đánh lừa độc giả đến phút cuối một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, cấu trúc mà quá phức tạp thì sẽ gây loãng phần giải đáp bí ẩn. Dã thú đô thành là kiệt tác dồn hết tâm huyết vào thủ pháp đánh lừa nhân vật để khiến người đọc phải choáng váng.
Ở Mỹ hay ở Nhật Bản, bạo lực gia đình đều là vấn đề nghiêm trọng, tượng trưng cho sự băng hoại của mô hình gia đình hiện đại. Tuy nhiên, khuynh hướng bạo lực gia đình cơ bản ở mỗi nước mỗi khác. Ở Mỹ, là người cha bạo lực vợ con hay mẹ bạo lực con. Ở Nhật thì có nhiều trường hợp con cái bạo lực mẹ. Khi mô hình gia đình hạt nhân càng phổ biến, sự gắn kết giữa hai mẹ con dường như lại là mầm mống cho bệnh lý trong gia đình Nhật Bản.
Trong gia đình mà nòng cốt là mối quan hệ mẹ-con, sự tồn tại của người cha tất nhiên trở nên mờ nhạt. Một mặt, việc thiếu vắng bóng dáng người cha lại càng khiến mối quan hệ mẹ-con gắn bó hơn. Tuy nhiên, đó lại là điều hết sức bình thường mà các sách tâm lý học của Okonogi Keigo, Kishida Shu hay Machizawa Shizuo đã chỉ ra. Nếu cứ bê nguyên xi đồ thị tâm lý học vào tiểu thuyết thì có lẽ tiểu thuyết ấy chẳng đáng để đọc.
Trong cái kết của Dã thú đô thành, sau khi chứng kiến Minoru dâm ô với xác một phụ nữ lớn tuổi bị siết cổ chết, và tiếng vợ hắn hét lên, độc giả mới nhận rõ chân tướng Gamo Minoru. Trò đánh lừa của tác giả đã hoàn tất, khiến độc giả chỉ còn biết ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, ẩn sau cảm giác ngỡ ngàng này còn có một điểm đáng chú ý nữa. Thủ pháp đánh lừa của tác giả khiến người đọc vẫn tin “Minoru là con trai” giờ mới choáng váng “Minoru là bố”. Đồng thời, sự hoán đổi vai trò con trai và cha ở phần kết sẽ tạo ấn tượng mãnh liệt, không thể chối cãi, qua công thức rợn gai ốc “Con trai = Bố”.
Đẳng thức “Con trai = Bố” đã được nhiều nhà tâm lý học chỉ ra là nguyên nhân cho tình trạng băng hoại gia đình ở Nhật Bản hiện đại. Cũng giống Minoru, nhiều ông bố hiện đại của Nhật Bản đã chối bỏ trưởng thành như một “người bố” để mãi mãi chỉ là “con trai”. Đó là lý do vì sao khi thiếu vắng người bố thì tất nhiên mẹ con sẽ gắn bó với nhau hơn.
Dã thú đô thành đã đem lại phát hiện mới mẻ cho những kiến thức tâm lý học vốn đơn điệu bằng cách áp dụng thành công thủ pháp đánh lừa lấy nhân vật làm trung tâm. Trong phần kết truyện, người đọc không chỉ kinh ngạc trước thủ pháp đánh lừa của tác giả mà còn đối diện với bệnh lý của gia đình Nhật Bản hiện đại thông qua đẳng thức “Con trai = Bố” kia. Đây là hai lớp nghĩa tạo nên ấn tượng ngỡ ngàng của người đọc.
Abiko Takemaru từng nhận xét, “Thủ pháp kể chuyện đánh lừa không chỉ đơn giản là đánh lừa độc giả, mà đôi lúc còn tạo ra hiệu ứng khiến thế giới của họ sụp đổ. Đó là điều đương nhiên bởi vì độc giả luôn ngộ nhận về đặc điểm của nhân vật lẫn hoàn cảnh truyện. Khi sự ngộ nhận của độc giả và chủ đề tác phẩm trở thành một, cũng là lúc một kiệt tác gây rúng động sâu sắc ra đời.”
Có thể nói, nhận xét này cũng đúng cả với tác phẩm Dã thú đô thành của chính ông.
******
Tóm tắt truyện: “Dã thú đô thành” là câu chuyện xoay quanh 1 gia đình Nhật mà có thể coi là điển hình, với 1 người vợ nội trợ chăm lo cho cả gia đình, 1 người chồng đi làm từ sáng đến tối kiếm tiền, và không mảy may để ý gì đến chuyện chăm sóc con cái, 2 đứa con: 1 trai và 1 gái thì ngoài thời gian đi học ra cũng không mấy để ý đến bố mẹ hay việc nhà (đại loại vậy). Một gia đình như vậy, hiển nhiên là việc kết nối giữa các thành viên sẽ trở nên lỏng lẻo và đe dọa bị mất kết nối hoàn toàn nếu mỗi người tiếp tục duy trì thói quen sống trong thế giới riêng.
Trước tình cảnh đó, người vợ – người mẹ – người duy nhất thực sự muốn vun vén và duy trì tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình buộc phải tìm mọi cách để cứu vãn gia đình này, hoặc chí ít là bà muốn bảo bọc cho 2 đứa con của bà, còn ông chồng vô trách nhiệm muốn ra sao thì ra. Đấy, chuyện chỉ có thế thôi – cũng đơn giản và điển hình như những chuyện thường ngày nơi phố huyện Nhật Bản, nếu như không có những vụ sát hại phụ nữ dã man xảy ra khiến cho người mẹ linh cảm rằng những vụ án đó có liên quan đến gia đình mình – cụ thể là liên quan đến con trai bà. Mọi bi kịch tàn khốc cũng nảy sinh từ đó, và rất nhanh biến tướng thành 1 câu chuyện dị hợm, biến thái (cũng đúng chất Nhật luôn!)
Để phục vụ cho 1 câu chuyện có thể gây shock “nặng đô” cho độc giả, cuốn sách này ngồn ngộn những thứ biến thái, bệnh hoạn – những thứ mà cái tựa đề “Dã thú đô thành” hay cái bìa của nó không thể nào diễn tả hết được, dẫu có tìm cách để nhân mức độ biểu đạt lên nhiều lần đi nữa. Và vì nó quá thừa thãi những tình tiết ghê tởm như vậy nên nó nổi tiếng trong cộng đồng đọc sách là 1 cuốn “mặn”, “nặng đô”, rằng quyển này phù hợp với các bạn quen đọc “cướp giết hiếp, máu me be bét” vân vân và mây mây. Tuy nhiên, cá nhân mình thấy điều đó chưa hẳn là cái nhìn đúng để mọi người có thể hình dung ra nội dung cuốn sách này, và có thể những người gu mặn cũng chưa chắc thích câu chuyện của “Dã thú đô thành”, bởi vì nó không giống với hình dung của họ.
Truyện này có cú twist khá to và vốn dĩ có thể khiến người đọc ngã ngửa, vỗ đùi đen đét hay đại loại thế, nhưng, như đã nói, vì mọi cảm xúc đã bị chai sạn và ngấy ngá bởi quá nhiều sự bệnh hoạn mà cá nhân mình không còn muốn để ý đến cái twist đó nữa – cũng không muốn xem lại để đánh giá việc xây dựng twist là khéo hay vụng, fair hay không fair nữa.
*****
Trước hết nói về cuốn sách Dã Thú Đô Thành này, phải nói là… lần cuối cùng mình đọc về sự ghê tởm, kinh dị như thế này là lúc nào? Độ biến thái, bệnh hoạn của hung thủ trong truyện là ở mức đáng báo động, mức mà không từ gia có thể miêu tả được nữa. Đây cũng là lần đầu tiên mình đọc về kẻ ái tử thi, và những chi tiết bệnh hoạn trong này làm mình muốn ói. Tâm lý phải méo mó thế nào để thực hiện những hành động đồi bại, ghê tởm nhường vậy? Tuổi thơ hắn đã phải trải qua kí ức kinh hoàng nào mà để lại di chứng quá biến thái đến thế? Nhưng cái hay ở đây, tác giả miêu tả sự ghê rợn này nhưng để thể hiện tình trạng bệnh lý của kẻ ác phụ vụ cho câu chuyện chứ không nhằm mục đích làm cho truyện ghê sợ.
Mình thích nhất 2 nhân vật là kẻ thủ ác và bà mẹ. Góc nhìn của kẻ ác cho phép người đọc trải nghiệm toàn bộ quá trình gây án và quá trình hắn biện hộ về cái lý do, động cơ gây án (xuất phát từ tình yêu). Theo dõi quá trình này chỉ khiến mình rợn gáy vì mức độ bệnh hoạn của nó. Tên sát nhân này yêu phụ nữ, nhưng tình yêu vô cùng méo mó, lại còn xuất phát từ việc hắn bất lực trước người sống. Trong khi đó, nhân vật bà mẹ, luôn nghi ngờ hành vi ám muội của con trai mình và buộc phải lục lọi phòng con để củng cố những nghi ngờ đó. Bà có vẻ nhàm chán, cuộc sống vô vị, tẻ nhạt khiến bà để ý nhiều đến con cái, và người chồng vô tâm vô cảm. Mình thấy tiếc nhất là góc nhìn từ bà mẹ hơi ít, quá trình bà từ nghi ngờ đến theo dõi con trai bị ngắn quá nên còn thiếu sự liên kết.
Góc nhìn từ ông cảnh sát về hưu hơi thừa với mình. Vẫn có thể cho thêm ông này vào nhưng nên bớt phần về ông này đi và kéo dài phần về bà mẹ thì mình thấy truyện sẽ logic và hợp lý hơn. Mình không thích ông già này lắm, cảm giác ông cũng không làm được gì có ích mà đọc về ông chỉ thấy sự buồn chán và tẻ nhạt. Có cả em gái nạn nhân và một anh nhà báo mà mình thấy họ còn thú vị hơn cái ông về hưu kia.
Twist quá đột ngột và kết thúc nhanh chóng. Thủ pháp twist kiểu này cũng là một trong những trope yêu thích của mình (được dùng nhiều trong các cuốn thriller phương Tây). Nhưng mà do twist bị đột ngột quá, cảm giác chưa hiểu thấu được câu chuyện, lại thêm không có nhiều dấu hiệu nên có thể sẽ cảm thấy như bị tác giả lừa vậy.