Anh tự nghĩ mình không có tội. Nhưng tiếng kêu của người lính trẻ, còn rất trẻ thì không buông tha anh. Ít ra, anh cũng cảm thấy thế trên đoạn đường khoảng trăm rưởi hay hai trăm km gì đấy từ chỗ bị phục kích cho đến khi ngồi vật xuống dưới gốc cây hoa giấy trong viện quân y.Suốt quãng đường không rõ dài ngắn, không để ý đến những cú xe “khục” xuống “ổ trâu” đầu nhao ra khỏi khoang ca-bin đã vỡ, anh chỉ nghe tiếng kêu cứu o…o ở trong đầu mình, tiếng quát lạnh ở gáy và một bãi nước miếng nhổ vào mặt, bất giác anh đưa tay chùi vào má, bàn tay anh ướt nhây nhớt. Cho đến khi của đầu tóc, cả mặt, và khắp người thấm đẫm nước, bụi đường ùa vào như một lớp vỏ cứng đờ hai mi mắt và sàn sạn ở miệng, anh vẫn còn cảm giác những dòng nước cứ túa ra kia là bãi nước miếng người lính trẻ đã nhổ vào mặt mình.Chiếc U-oát từ sở chỉ huy mặt trận lao đến đỗ xịch trước mặt anh, trước cửa phòng cấp cứu. Anh tỉnh lại. Đại tá, người cha của chiến sĩ trẻ lầm lầm đứng trước mặt. Hơn nửa tháng, tiễn anh ở sân bay hai bàn tay ông siết vào nhau giơ lên trước mặt mình quát vui vẻ trong tiếng động cơ ầm ầm của chiếc trực thăng đang tự nâng mình rời khỏi mặt đất. Tôi chờ những nhận xét mới mẻ của anh về cuộc chiến đấu này. Nhất định gặp lại. Cả hai khuôn mặt lúc ấy đều cười lưu luyến. Bây giờ thì hai làn môi ông run run, mặt xám lại, hơi cúi, hai tay chắp sau lưng. Từ lúc đến trước mặt anh, ông vẫn đứng nguyên một chỗ, rồi trầm ngâm buông một câu khiến người nghe tưởng nó thoát ra từ một nào khác. Ở đời, cái gì xảy ra, nó ắt phải xảy ra, không có gì, không có gì hệ trọng cả. Nhưng mà, khác hẳn với thói quen nhìn việc cỏn con cũng biến thành triết lý lớn lao, lần này giọng hơi lạc, chìm dần xuống, ông quay ngoắt đi. Rồi đột ngột ông quay lại hỏi dồn dập, không cho anh kịp trả lời.Anh bình tĩnh để tôi kể lại. Vâng! Nó ngồi ở chòm cây thốt nốt, tựa lưng vào một gốc cây, tay nó còng vào tay người lính trẻ khác như nó hoặc trẻ hơn, không thể đoán được tuổi người chết. Cậu ấy nằm ngửa, hai tay ríu vào tay con anh, giơ lên cho vừa tầm tay con anh lúc nó ngã ngồi như kiểu người ngồi nghỉ để thở. Vì thằng sống còng tay với thằng chết, tôi không làm sao mở nổi cái khóa còng số tám, dù cháu cứ rối rít van lạy tôi. Tôi vác người chết lên vai để cho cháu chạy theo, nhưng chỉ được vài chục mét cả ba cùng ngã vật ra. Nếu không có tiếng còi ô tô và tiếng quát “ông nhà báo ở lại, tôi chạy đây” thì có lẽ tôi không thể nào nâng nổi người chết đè lên mình để bò dậy. Vâng! Lúc tôi vùng dậy và lao như một mũi tên tới mặt đường, thì chiếc ô tô tải đã bắt đầu vào số để vượt ra khỏi ổ phục kích.Không cần biết chuyện ấy, đại tá gầm lên: Có ai cứu nó không?Tại sao lại có thể nổi giận một cách vô lý như vậy. Từ lúc bám vào thành nhảy lên thùng xe, rồi đột ngột xe dừng, người lái xe bảo tôi xuống ngồi ở cabin, có lẽ để anh ta đỡ sợ, rồi cho xe lao đi thục mạng, làm sao tôi có thể biết điều anh cần biết.Dưới áng sáng xanh lét của ngọn đèn cao áp, nhà báo nhìn hai làn môi xanh nhợt nhạt của đại tá đang lật bật, anh bỗng hoảng sợ như kẻ sắp bị trả thù… Lúc đầu trên xe có sáu người, do một thiếu úy trợ lý quân pháp sư đoàn chỉ huy. Thực ra cũng là chỉ huy “ghép”. Mọi sự quyết định số phận của toàn chiếc xe vẫn do người lái xử lý theo nhiệm vụ và kinh nghiệm của anh ta. Xe vận tải do bộ chỉ huy quân sự tỉnh T. hợp đồng với công ty vận tải, tổ chức mười đầu xe thành một đại đội do trợ lý xăng dầu của ban hậu cần chỉ huy, tăng cường cho mặt trận khoảng cuối chiến dịch, nghĩa là mới chạy được hai chuyến dọc biên giới. Chuyến đầu đi cả đoàn, an toàn tuyệt đối. Đến lần này! Người ta điều hai xe chở đạn và xăng tiếp tế cho một đơn vị cách hai mươi lăm kilômét về phía tây bắc. Đến gần nơi giao hàng, nghe đâu chỉ cách độ nửa kilômét, thì xe téc bị bắn, cả người và xe đều cháy. Chiếc xe này trả hàng xong được chặn lại ở barie nhận mệnh lệnh đột xuất của phòng tham mưu sư đoàn đưa hai chiến sĩ phạm pháp về trại giam mặt trận. Một hạ sĩ mang AK cùng một thiếu úy trợ lý quân pháp “hộ tống”. Tôi có điện của tòa soạn yêu cầu về gấp nên được trợ lý câu lạc bộ thương lượng với trợ lý quân pháp cho đi nhờ.
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12 tháng 12 năm 1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu – Hưng Yên, là một nhà văn Việt Nam, thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974, chuyên về tiểu thuyết và truyện ngắn, tiêu biểu là Thời xa vắng đã được đạo diễn Hồ Quang Minh của Hãng phim Giải Phóng dựng thành phim truyện nhựa và ra mắt công chúng năm 2004. Ông hiện nay đang đảm nhiệm chức Giám đốc của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội.
Mời các bạn đón đọc Đại Tá Không Biết Đùa của tác giả Lê Lựu.