Cuốn sách “Dám Nghĩ Lại” của tác giả Adam Grant là một tác phẩm đáng đọc và đáng suy ngẫm về khả năng tái định hình suy nghĩ của chúng ta. Trong cuốn sách này, Grant đưa ra những khái niệm và phương pháp để chúng ta có thể học cách suy nghĩ lại, đưa ra quyết định thông minh và hiệu quả hơn.
Adam Grant là một nhà tâm lý học hàng đầu, nổi tiếng với việc nghiên cứu về sự sáng tạo, sự đổi mới và hiệu suất làm việc. Trong “Dám Nghĩ Lại”, ông khám phá sâu hơn về quá trình suy nghĩ và quyết định của con người, và làm thế nào chúng ta có thể cải thiện khả năng suy nghĩ của mình để đạt được kết quả tốt hơn trong công việc và cuộc sống.
Cuốn sách bắt đầu bằng việc phân tích sự cần thiết của việc suy nghĩ lại trong thời đại hiện đại, khi mà thông tin tràn lan và thay đổi nhanh chóng. Grant lập luận rằng, để thành công trong môi trường đầy thách thức này, chúng ta cần phải linh hoạt và sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình khi có thông tin mới.
Tiếp theo, tác giả giải thích về các rào cản tâm lý mà chúng ta thường gặp phải khi cố gắng suy nghĩ lại. Grant chỉ ra rằng, sự tự mãn, sự kiêu ngạo và sự sợ hãi là những yếu tố ngăn cản chúng ta khỏi việc chấp nhận thông tin mới và thay đổi suy nghĩ của mình. Ông cũng đưa ra các chiến lược để vượt qua những rào cản này và trở thành người suy nghĩ linh hoạt và sáng tạo.
Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là việc Grant không chỉ giới thiệu lý thuyết mà còn cung cấp các ví dụ và trải nghiệm thực tế để minh họa ý tưởng của mình. Nhờ vậy, người đọc có thể dễ dàng áp dụng những kiến thức và kỹ năng mà tác giả chia sẻ vào cuộc sống hàng ngày của mình.
Ngoài ra, “Dám Nghĩ Lại” cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự đa dạng suy nghĩ và quan điểm trong tổ chức. Grant lập luận rằng, khi chúng ta chấp nhận và khuyến khích sự khác biệt, chúng ta sẽ tạo ra môi trường làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn. Ông cũng đưa ra các phương pháp để xây dựng một đội ngũ đa dạng về suy nghĩ và quan điểm.
Tóm lại, cuốn sách “Dám Nghĩ Lại” của Adam Grant là một tác phẩm giáo dục và truyền cảm hứng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình suy nghĩ và quyết định của chúng ta. Bằng cách học cách suy nghĩ lại, chúng ta có thể trở thành những người đổi mới, sáng tạo và thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
—
Adam Grant, sinh năm 1981, là một giáo sư xuất sắc đã giữ vị trí hàng đầu tại Đại học Wharton suốt bảy năm liên tiếp. Ông được công nhận là một trong những chuyên gia tâm lý tổ chức hàng đầu, là một trong mười nhà tư tưởng về quản lý có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới theo tạp chí HR và còn được xếp vào danh sách 40 giáo sư kinh doanh xuất sắc nhất thế giới dưới 40 tuổi. Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy, Adam hiện đang đảm nhận vai trò là phóng viên độc lập cho chuyên mục “Công việc và Tâm lý” của New York Times. Hơn nữa, ông là người chủ trì podcast WorkLife của tổ chức TED.
—
au một chuyến bay dằn xóc, mười lăm người đàn ông nhảy xuống từ máy bay trên bầu trời Montana. Nhưng họ không phải là những vận động viên nhảy dù. Họ là đội lính cứu hỏa trên không: những người tinh nhuệ phụ trách vùng hoang địa này đến để dập tắt một vụ cháy rừng bùng lên do sét đánh vào hôm trước. Họ không biết rằng chỉ trong vòng vài phút tới, họ sẽ phải chạy đua với số phận.
Đội lính cứu hỏa đáp xuống gần đỉnh Mann Gulch vào cuối buổi chiều tháng Tám nắng như thiêu của năm 1949. Vì đám cháy đã lan ra khắp khe núi, họ phải tiến theo triền dốc hướng về phía bờ sông Missouri. Kế hoạch của đội là đào một hào đất bao quanh đám cháy để cô lập và chuyển hướng nó về nơi không có nhiều thứ có thể bắt lửa.
Sau khi di chuyển được khoảng 400 mét, đội trưởng Wagner Dodge phát hiện đám cháy đã bùng lên khắp thung lũng và đang tiến thẳng về phía họ. Ngọn lửa đã vươn cao hơn mười mét. Chẳng bao lâu, đám cháy sẽ lan với tốc độ đủ đến thiêu rụi mọi thứ trong phạm vi chiều dài hai sân vận động chỉ với một phút đồng hồ.
Năm giờ bốn mươi lăm phút chiều. Tình hình cho thấy việc đào hào bao quanh đám cháy đã không còn là một giải pháp đáng cân nhắc. Nhận ra đó là lúc phải chuyển từ trạng thái chiến sang chạy, Dodge ngay lập tức chỉ đạo toàn đội chạy ngược trở lên triền dốc. Đội lính cứu hỏa giờ đây phải dồn hết sức lực để leo lên dốc núi dựng đứng, băng qua đám cỏ cao ngang đầu gối mọc trên địa thế gập ghềnh. Trong tám phút, họ đi được gần 500 mét, chỉ còn cách đỉnh núi chưa đầy 200 mét nữa.
Trong tình huống đích đến an toàn đã ở ngay trước mặt nhưng ngọn lửa đang đuổi sát theo sau, Dodge đã có một hành động khiến cả đội bàng hoàng. Thay vì cố chạy thoát thân trước khi lửa bắt kịp, anh dừng lại và khum người xuống. Anh rút ra một hộp diêm, quẹt hết các que diêm và ném chúng vào đám cỏ trước mặt. “Chúng tôi nghĩ anh ấy hẳn là mất trí rồi”, một thành viên sống sót của đội sau này nhớ lại. “Ngọn lửa sắp táp vào lưng chúng tôi rồi, đội trưởng điên hay sao mà gây thêm một đám cháy khác như thế?”. Anh ta còn nghĩ bụng: Gã Dodge khốn kiếp này muốn thiêu sống tôi đây mà. Tất nhiên là chẳng một ai trong đội nghe theo Dodge khi anh ra sức hò hét, vẫy tay gọi mọi người đến chỗ anh: “Nhanh lên! Theo lối này này!”.
Điều mà các thành viên đội cứu hỏa trên không không nhận ra là Dodge đã vạch ra một chiến lược sinh tồn: anh đã tạo ra một lối thoát hiểm bằng lửa. Bằng cách đốt cháy trụi đám cỏ trước mặt, anh đã dọn sạch nguồn bắt lửa của đám cháy phía sau. Kế đến, Dodge thấm ướt chiếc khăn tay bằng nước từ bình nước cá nhân, dùng chiếc khăn ướt che miệng, rồi anh nằm úp mặt xuống ở chỗ đất đã cháy rụi cỏ trong mười lăm phút tiếp theo. Khi lửa từ đám cháy rừng đuổi tới nơi và cháy phừng phực phía trên đầu Dodge, anh vẫn không bị ngợp nhờ sát mặt đất có đủ ô-xy.
Bi kịch là mười hai thành viên đội cứu hỏa trên không đã tử nạn. Người ta tìm thấy chiếc đồng hồ bỏ túi của một trong các nạn nhân, kim đồng hồ chỉ năm giờ năm mươi sáu phút chiều trước khi nó bị nung chảy.
Vì sao chỉ có ba người lính cứu hỏa sống sót? Thể lực có thể là một yếu tố quyết định, vì hai thành viên sống sót đã chạy nhanh hơn lửa, kịp leo đến đỉnh đồi nên thoát chết. Nhưng trong trường hợp của Dodge thì chính sự tráng kiện của trí óc đã cứu sống anh.
–––
KHI NÓI ĐẾN NHỮNG ĐIỀU KIỆN để có một trí óc minh mẫn, người ta thường nghĩ ngay đến trí thông minh. Càng thông minh, bạn càng giải quyết được các vấn đề phức tạp hơn – và thời gian bạn giải quyết cũng nhanh hơn. Trí thông minh vốn được nhìn nhận như là khả năng tư duy và học hỏi. Nhưng trong một thế giới đầy biến động, con người cần có một bộ kỹ năng nhận thức khác quan trọng hơn nhiều: đó là khả năng tái tư duy 1 và quên đi những điều đã học.
Thử hình dung bạn vừa làm xong một bài kiểm tra trắc nghiệm, và bạn bắt đầu đắn đo về một trong các đáp án của mình. Bạn vẫn còn thời gian – vậy bạn sẽ giữ nguyên câu trả lời theo trực giác ban đầu hay thay đổi lựa chọn?
Khoảng ba phần tư sinh viên khi được hỏi tin rằng thay đổi lựa chọn ban đầu thường khiến họ bị điểm thấp hơn. Kaplan, một công ty luyện thi hàng đầu, từng cảnh báo sinh viên “hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thay đổi một đáp án đã chọn.
Kinh nghiệm cho thấy nhiều sinh viên chọn đổi câu trả lời đều đổi thành câu trả lời sai”.
Mặc dù hết sức tôn trọng những đúc kết từ kinh nghiệm, tôi vẫn tin vào chứng cứ rõ ràng hơn. Một nhóm ba nhà tâm lý học đã tiến hành phân tích một cách toàn diện kết quả của ba mươi ba nghiên cứu và khám phá ra rằng: trong mọi trường hợp, đa số các lần thay đổi đáp án đều dẫn đến câu trả lời đúng. Hiện tượng này được gọi là ảo tưởng về trực giác ban đầu.
Trong một buổi thực nghiệm, các nhà tâm lý học đã đếm số câu trả lời được sửa lại dựa trên vết tẩy trong bài kiểm tra của hơn 1.500 sinh viên ở bang Illinois (Hoa Kỳ). Chỉ một phần tư số đáp án thay đổi là từ đúng sang sai, trong khi một nửa số lựa chọn thay đổi là từ sai sang đúng. Bản thân tôi cũng chứng kiến điều này trong suốt những năm đi dạy: các bài kiểm tra cuối kỳ của sinh viên trong lớp tôi rất ít vết tẩy xóa để sửa đáp án, nhưng những sinh viên xem xét lại câu trả lời thay vì giữ nguyên lựa chọn ban đầu rốt cuộc lại đạt điểm cao hơn.
Tất nhiên, có thể câu trả lời sau chưa chắc chính xác hơn câu trả lời đầu, nó chỉ chính xác hơn bởi vì sinh viên rất ngại sửa đổi, nên một khi quyết định thay đổi câu trả lời thì thường là vì họ đã chắc chắn. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã đưa ra một cách lý giải khác: mấu chốt cải thiện điểm số không nằm ở việc thay đổi câu trả lời mà nằm ở việc bạn cân nhắc liệu mình có nên xem lại và thay đổi suy nghĩ không.
Chúng ta không chỉ lưỡng lự trong việc xem lại bài làm của mình. Chỉ riêng ý tưởng phải suy nghĩ lại đã khiến chúng ta ngại ngần. Trong một thực nghiệm khác, hàng trăm sinh viên đại học được chọn tham gia ngẫu nhiên để tìm hiểu về ảo tưởng trực giác ban đầu. Trước tiên, một diễn giả truyền đạt cho họ giá trị của việc thay đổi suy nghĩ và đưa ra lời khuyên trong trường hợp nào thì làm như vậy là hợp lý. Nhưng trong hai bài kiểm tra mà họ làm sau đó, phần lớn các sinh viên vẫn không cân nhắc lại câu trả lời của mình.
Một phần lý do nằm ở sự lười biếng trong tư duy. Một số nhà tâm lý học chỉ ra rằng con người là những “kẻ hà tiện” tư duy: chúng ta thường chọn sự nhàn hạ của việc giữ nguyên những nhận thức cũ thay vì vật lộn với những cái mới. Tuy nhiên, còn có những lý do mạnh mẽ hơn tiềm ẩn sau sự kháng cự của chúng ta với việc suy nghĩ lại. Việc chất vấn lại bản thân khiến chúng ta cảm thấy thế giới trở nên bất định. Nó đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều điều chúng ta vẫn tin là đúng có thể đã thay đổi, rằng những gì từng đúng trước đây giờ có thể đã trở thành sai. Việc cân nhắc lại những điều mình tin tưởng sâu sắc có thể đe dọa căn tính của chúng ta, như thể ta có thể đánh mất một phần con người mình.
Tái tư duy không phải luôn là một trận chiến với mọi khía cạnh của cuộc sống. Nói đến của cải, chúng ta luôn sẵn lòng cập nhật cái mới với tất cả sự hồ hởi. Chúng ta hào hứng làm mới cả tủ quần áo khi chúng không còn hợp mốt và hăng hái tân trang toàn bộ đồ nhà bếp khi thấy chúng lỗi thời. Nhưng với những vấn đề liên quan đến hiểu biết, quan điểm hay suy nghĩ, chúng ta khư khư giữ lấy lập trường của mình. Các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là mắc kẹt và đóng băng1. Chúng ta ưa thích sự thoải mái của niềm tin chắc chắn hơn sự khó chịu của hoài nghi, và chúng ta để mặc những niềm tin của mình trở nên già cỗi. Chúng ta chế nhạo những người hiện vẫn dùng Windows 95, trong khi chính ta vẫn trung thành với những quan điểm được định hình cùng năm hệ điều hành đó ra đời. Chúng ta chọn nghe những quan điểm mình muốn nghe, thay vì những ý tưởng bắt chúng ta phải động não.
Có thể bạn đã từng nghe về thí nghiệm “con ếch luộc”: Nếu bạn thả một con ếch vào một nồi nước đang sôi, nó sẽ lập tức nhảy ra khỏi nồi. Nhưng nếu bạn thả nó vào một nồi nước âm ấm, rồi từ từ tăng dần nhiệt độ lên, con ếch sẽ chết. Con ếch chết vì nó thiếu khả năng nhìn nhận lại tình huống, và không nhận ra được mối nguy cho tới khi quá muộn.
Gần đây, tôi đã thực hiện một nghiên cứu về câu chuyện nổi tiếng này và kết quả thật bất ngờ: thực tế không đúng như vậy.
Khi bị ném vào một nồi nước đang sôi, con ếch sẽ bị phỏng nặng và nó có thể nhảy được ra khỏi nồi nhưng cũng có thể không. Thực tế, con ếch có cơ hội thoát chết cao hơn nếu nước trong nồi nóng lên từ từ, vì nó sẽ nhảy ra ngoài ngay khi nước trong nồi nóng đến mức nó không chịu được nữa.
Vậy hóa ra, đối tượng không có khả năng nhận định lại tình hình không phải là con ếch, mà chính là chúng ta. Một khi đã nghe câu chuyện và chấp nhận nó là đúng, chúng ta hiếm khi chất vấn độ tin cậy của nó.
–––
KHI ĐÁM CHÁY RỪNG Ở MANN GULCH đuổi sát nút, những người lính cứu hỏa buộc phải đưa ra quyết định. Trong thế giới lý tưởng, họ sẽ có đủ thời gian để dừng lại, phân tích tình hình, và cân nhắc các lựa chọn. Nhưng với ngọn lửa đang cháy bùng dữ dội sau lưng chỉ còn cách đó chưa đầy 100 mét, việc ngừng lại suy nghĩ là không thể. “Trong biển lửa không có thời gian và bóng râm để người chỉ huy và các thành viên trong đội ngồi xuống đối thoại suông về biến cố”. Norman Maclean, một học giả và là cựu lính cứu hỏa, đã bình luận như thế trong cuốn biên khảo đoạt giải của ông về thảm kịch trên, cuốn Young Men and Fire (tạm dịch: Những người lính trẻ và đám cháy rừng). “Nếu Socrates 1 là đội trưởng đội lính cứu hỏa trong thảm họa cháy rừng Mann Gulch, ông ấy và cả đội chắc hẳn đã bị biến thành tro trong lúc ngồi lại cân nhắc xem phải làm gì.”
Dodge không thoát chết nhờ suy nghĩ chậm rãi, thấu đáo. Ông sống sót nhờ khả năng nhận định lại tình huống nhanh hơn người khác. Mười hai đồng đội của ông đã trả giá quá đắt bởi vì họ không hiểu được cách xử lý của Dodge. Họ cũng không suy xét lại các giả định của mình kịp lúc.
Trong tình huống căng thẳng cực độ, con người thường quay về cơ chế phản ứng tự động, theo những gì đã ăn sâu trong đầu. Đó là sự thích nghi để tiến hóa – miễn là bạn vẫn ở trong cùng một điều kiện môi trường mà những phản ứng đó từng hiệu quả. Là lính cứu hỏa, phản xạ đã ăn sâu trong trí bạn là tìm mọi cách để dập lửa chứ không phải châm thêm một ngọn lửa khác. Nếu bạn ở trong tình huống phải thoát khỏi đám cháy để giữ mạng, cách phản ứng bạn đã học là chạy càng xa càng tốt khỏi đám cháy chứ không phải chạy về phía nó. Trong các tình huống thông thường, những bản năng kia có thể sẽ cứu sống bạn. Dodge sống sót trong thảm kịch Mann Gulch bởi vì ông đã nhanh chóng gạt bỏ cả hai kiểu phản xạ trên.
Dodge chưa từng được ai dạy cách đốt lửa để mở đường thoát. Ông thậm chí cũng chưa từng nghe đến khái niệm này trước đó; nó thuần túy là sự ứng biến của ông. Sau này, hai thành viên sống sót đã làm chứng trước tòa, khẳng định rằng không có bất cứ kỹ thuật nào tương tự việc tạo đám lửa để mở đường thoát từng được dạy trong chương trình huấn luyện lính cứu hỏa. Nhiều chuyên gia dành cả đời nghiên cứu các nạn cháy rừng cũng không biết rằng có thể thoát chết bằng cách đốt lửa để tạo một khoảng không an toàn xuyên qua lửa.
Khi tôi chia sẻ với mọi người về câu chuyện thoát hiểm của Dodge, mọi người đều kinh ngạc về khả năng ứng biến của Dodge trong tình huống đầy áp lực. “Thật tài tình!”, họ nói. Sự ngạc nhiên, thán phục nhanh chóng trở thành nỗi ngậm ngùi khi họ kết luận rằng những khoảnh khắc xuất thần ấy hoàn toàn ngoài khả năng của người thường. “Đến những bài toán lớp bốn của con mình còn khiến tôi phải loay hoay”. Song, hầu hết những hành vi tái tư duy đều không đòi hỏi bất cứ kỹ năng hay tố chất đặc biệt nào cả.
Trở lại vụ cháy rừng Mann Gulch, vài phút trước khi tình huống trở nên nguy kịch, những người lính cứu hỏa còn bỏ lỡ một cơ hội tái tư duy khác – mà cơ hội đó lại ở ngay trong tầm tay. Trước khi Dodge bắt đầu ném các que diêm ra bãi cỏ, ông đã chỉ đạo cả đội vứt bỏ lại các thiết bị nặng mà họ mang theo. Họ đã trải qua tám phút dồn hết sức để leo lên triền dốc trong khi vẫn mang vác những dụng cụ chữa cháy như búa, cưa, xẻng và cả túi hành trang nặng hơn chín ký lô.
Nếu bạn đang phải chạy hết sức để giữ mạng mình, dường như việc hiển nhiên bạn cần làm đầu tiên là phải bỏ lại mọi thứ khiến bạn chậm lại. Tuy nhiên với lính cứu hỏa, các trang bị này là những vật bất ly thân để làm nhiệm vụ. Luôn mang bên mình và bảo quản đồ nghề cẩn thận là điều họ đã thuộc nằm lòng qua chương trình huấn luyện và qua kinh nghiệm làm việc. Vì vậy, chỉ tới khi Dodge ra lệnh thì hầu hết các đội viên mới vứt bỏ trang bị của họ, nhưng ngay cả khi đó, vẫn có một người cầm theo cái xẻng cho đến khi một đồng đội giằng nó ra khỏi tay anh ta. Nếu đội lính cứu hỏa bỏ lại các trang bị sớm hơn, biết đâu họ đã thoát nạn?
Chúng ta chẳng bao giờ biết chắc điều đó, nhưng Mann Gulch không phải là trường hợp cá biệt. Chỉ tính riêng từ năm 1990 đến năm 1995 đã có tổng cộng hai mươi ba lính cứu hỏa trên không tử nạn khi cố hết sức chạy lên dốc núi để thoát khỏi đám cháy, trong khi nếu bỏ lại những trang bị trên người họ có thể đã thoát chết. Vào năm 1994, tại khu vực núi Storm King ở bang Colorado, gió lớn đã khiến lửa bùng cháy khắp khe núi. Mười bốn lính cứu hỏa trên không, trong đó có bốn người là nữ, đã thiệt mạng khi cố hết sức chạy ngược dốc trên một vách núi đá gập ghềnh để thoát khỏi đám cháy đuổi sát phía sau, dù họ chỉ còn cách nơi an toàn chưa đầy bảy mươi mét.
Sau đó, các nhà điều tra đã tính toán rằng nếu không mang theo trang bị và ba lô, đội lính cứu hỏa có thể đã di chuyển nhanh hơn từ mười lăm đến hai mươi phần trăm. “Hầu hết đã có thể sống sót nếu họ đơn giản là bỏ lại đồ nghề và chạy thoát thân”, một chuyên gia đã nhận định như thế. Báo cáo của Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ cũng đồng tình: “Nếu những người lính cứu hỏa bỏ hết trang bị và hành lý, họ đã có thể đến được đỉnh đồi an toàn trước khi ngọn lửa bắt kịp”.
Có thể giả định rằng ban đầu đội lính cứu hỏa chạy theo quán tính và không ý thức được mình vẫn đang mang vác vô số đồ nghề và hành lý. “Khi còn cách đỉnh đồi chưa đầy 300 mét”, một người sống sót sau thảm họa cháy rừng tường thuật lại, “tôi chợt nhận ra mình vẫn còn đeo cái cưa trên vai!”. Ngay cả sau khi sáng suốt quyết định bỏ lại cái cưa máy nặng hơn mười một ký lô, người này vẫn lãng phí một khoảng thời gian quý báu: “Tôi vô thức nhìn quanh xem có chỗ nào có thể bỏ lại chiếc cưa mà nó không bắt lửa không… Tôi nhớ lúc ấy mình đã nghĩ: ‘Không thể tin nổi mình đang bỏ lại cái cưa của mình’”. Một trong số nạn nhân khi được tìm thấy vẫn còn nguyên ba lô trên người và tay vẫn còn nắm chặt quai của chiếc cưa máy. Tại sao có quá nhiều lính cứu hỏa khư khư giữ lấy đồ nghề của mình, ngay cả khi việc vứt bỏ chúng có thể cứu mạng họ?
Nếu bạn là lính cứu hỏa, việc vứt bỏ đồ nghề không chỉ đòi hỏi bạn phải xóa bỏ thói quen và phớt lờ bản năng. Vứt bỏ đồ nghề có nghĩa là thừa nhận thất bại và đánh rơi một phần những thứ làm nên con người bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải suy nghĩ lại mục tiêu của mình trong công việc, cũng như vai trò của bạn trong cuộc sống. “Không ai có thể dùng tay không để chữa cháy, họ chiến đấu bằng trang bị, đó là những thứ làm nên người lính cứu hỏa”, nhà tâm lý học tổ chức Karl Weick đã lý giải như vậy. “Các trang bị đó chính là lý do lực lượng lính cứu hỏa được triển khai ngay từ đầu… Việc vứt bỏ những đồ nghề đó kích hoạt một dạng ‘khủng hoảng hiện sinh’. Không có những công cụ đó, tôi là ai chứ?”.
Cháy rừng là sự kiện tương đối hiếm. Hầu hết sự sống của chúng ta không phụ thuộc và một quyết định tích tắc buộc ta phải xem những công cụ mang theo bên mình là thứ gây nguy hiểm, còn một đám cháy lại là lối thoát an toàn. Thế nhưng, những tình huống buộc chúng ta phải tái tư duy các giả định của mình lại phổ biến một cách đáng ngạc nhiên – thậm chí có thể phổ biến với tất cả mọi người.
Tất cả chúng ta đều phạm cùng kiểu sai lầm như những người lính cứu hỏa, chỉ là hậu quả không quá đỗi nghiêm trọng như thế và cũng vì vậy mà chúng ta phớt lờ chúng. Lối tư duy thường ngày đã trở thành những thói quen trì kéo chúng ta và chẳng ai buồn thắc mắc về những lối mòn tư duy đó cho tới khi quá muộn. Chúng ta tin mình vẫn an toàn mặc dù thắng xe kêu cọt kẹt, cho tới khi xe mất thắng trên xa lộ. Chúng ta mong giá thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng, kể cả khi giới phân tích đã cảnh báo bong bóng bất động sản sắp vỡ. Bạn vẫn tin cuộc hôn nhân sẽ bền vững dù người bạn đời đang ngày một xa cách. Bạn tự trấn an rằng công việc của mình vẫn được đảm bảo, ngay cả khi vài đồng nghiệp của bạn đã bị sa thải.
Quyển sách này bàn về giá trị của tái tư duy. Nó bàn về việc áp dụng kiểu tư duy linh hoạt đã cứu sống Wagner Dodge. Và nó còn kế thừa và nối tiếp điều mà Dodge chưa làm được: khuyến khích tinh thần tư duy linh hoạt này ở những người khác.
Mời các bạn đón dọc cuốn sách Dám Nghĩ Lại – Think Again của tác giả Adam Grant