Cuốn sách “Dân gian ngụy văn thực lục” của La Kiều Sâm là một tác phẩm đặc sắc được đăng tải trên nền tảng qimao, nơi nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí top 1 về độ hot và lượng fan, đồng thời thu hút một lượng lớn donate từ người đọc.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính La Thập Lục, một ‘Âm sanh tử’ – người được sinh ra từ bụng người chết. Sự bí ẩn xung quanh cái chết của cha La Thập Lục khơi gợi lòng tò mò và sự đau đớn trong anh. Cuộc hành trình của La Thập Lục để tìm hiểu sự thật về cái chết của cha mình đã đưa anh ta đối mặt với nhiều nguy hiểm và phải tìm cách vượt qua. Qua từng trang sách, độc giả được chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của nhân vật chính từ một người nhút nhát ngây thơ đến một người thông minh và can đảm.
Cách khắc họa nhân vật trong cuốn sách rất chân thực và đa chiều. Tính cách của mỗi nhân vật phụ đều được mô tả rõ ràng và đặc biệt, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho câu chuyện. Đồng thời, tác phẩm cũng giới thiệu đến độc giả những kiến thức phong phú về các lĩnh vực tâm linh và phong thủy thông qua câu chuyện hấp dẫn của mình.
“Dân gian ngụy văn thực lục” không chỉ là một tác phẩm giải trí mà còn là một nguồn kiến thức hữu ích và đáng giá cho độc giả muốn khám phá thế giới tâm linh và phong thủy.
—
Chương 1. MẠNG SỐNG CỦA MẸ TÔI
Tết trung thu từ cổ đến nay đều là ngày trăng tròn hoa thắm, cả nhà đoàn tụ.
Có một câu nói rằng mười lăm trăng sáng mười sáu trăng tròn, rất nhiều người đều lý giải thành ngày 16 tháng 8 là ngày trăng tròn, nhưng thực tế không phải vậy.
Người xưa dùng mười hai canh giờ để tính thời gian, trung thu là ngày nguyệt doanh, nguyệt thuộc âm, doanh là đầy đặn, giờ tý âm khí ngút trời, đây mới thực sự là lúc trăng tròn.
Xã hội ngày nay, chính khắc giờ tý vừa đúng 0 giờ, cũng là ngày 16!
Tôi là La Thập Lục … ! ( tức La Mười Sáu )
Hồi năm 95, nhà nghèo, không có tiền đi viện, mẹ sinh tôi tại nhà!
Vỡ ối từ lúc chính ngọ, khó sinh cho đến hơn 11 giờ đêm, cho đến khi mẹ tắt thở, tôi vẫn chưa ra.
Bà đỡ nói hết cách rồi, một xác hai mạng, chỉ còn cách mời bà Lưu đến đỡ âm linh…
Bà Lưu là bà nội tôi, là bà đỡ âm linh nổi tiếng khắp vùng.
Những năm trước không đủ điều kiện đi viện, phụ nữ sinh con tại nhà, chuyện một xác hai mạng thường xuyên xảy ra.
Chết vì khó sinh, sản phụ căm hận không cam lòng, đứa trẻ oán hận ngút trời, xử lý không đúng cách là thành mẫu tử sát (hung thần mẹ con) gây họa một phương.
Đỡ đẻ cho người chết, được gọi là đỡ âm linh.
Bà nội kể, phải đợi đến lúc trời sáng mới đỡ âm linh cho mẹ tôi.
Giờ tý ngày trung thu, âm khí ngút trời, đỡ đẻ cho đứa trẻ ra, bà không trấn áp nổi! Tôi sẽ thành quỷ!
Bố tôi vừa lau nước mắt, vừa mặc quần cho mẹ.
Kết quả bố nhìn thấy da bụng mẹ đụng đậy!
Bà nội lập tức quả quyết cầm dao rạch bụng mẹ, lôi tôi ra từ giữa đống máu me be bét!
….
Từ nhỏ đến lớn, tôi đều không được người khác chào đón.
Tôi là đứa trẻ được đỡ âm linh từ bụng người chết, được gọi là âm sanh tử!
Tuổi thơ của trẻ con nông thôn, là kết bè kéo đảng lên núi xuống sông, móc trứng chim, bắn súng cao su.
Còn tuổi thơ của tôi, là núp sau bờ tường gốc cây, thèm thuồng nhìn những đứa trẻ khác chơi đùa.
Có điều, không ai dám bắt nạt tôi!
Có duy nhất một lần, hồi năm tuổi, tôi ra đầu thôn mua xì dầu, bị thằng con nhà thợ mổ lợn trong thôn đuổi đánh sưng đầu, máu mũi chảy ròng ròng!
Bà nội đến cổng nhà thợ mổ lợn, bảo cả nhà đấy ra quỳ lạy tạ lỗi.
Một con gà đền ba giọt máu, nên còn phải giết đủ một trăm con gà, một con lợn cho tôi mới đủ để bảo toàn mạng sống của cả nhà đấy!
Thằng mổ lợn ngày nào cũng dao dính máu, người khác sợ bà nội tôi chứ nó không sợ! Nó cầm dao kề cổ bà nội, bảo bà cút!
Đừng nói là một trăm con gà, đến một cái lông gà cũng không cho!
Nó còn nói từ sau thằng con nó gặp tôi một lần là tẩn tôi một trận, tẩn cho tôi nát mặt nát mông luôn!
Bà nội tím mặt đi về!
Vừa đi vừa gân cổ hét, có đứa muốn chết, thì không chết không được!
Mười mấy hai mươi năm trước địa vị của bà nội ở trong thôn rất cao. Bà đỡ âm linh mà, mọi người vừa sợ vừa nể.
Đã năm 2000 rồi, cơ bản đều đủ điều kiện đi viện, cả năm không có nổi một ca đỡ âm linh, người trong thôn bắt đầu ngăn chặn bà!
Nói bà là tàn dư của xã hội phong kiến, là thứ mê tín chưa bị phá bỏ của tứ cựu ( tứ cựu gồm tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ)
Thậm chí, thằng con trai nhà mổ lợn còn lẻn vào vườn nhà tôi, hắt tôi ướt nguyên cả người toàn máu lợn!
Còn bảo cho tôi từ từ mà bổ máu!
Bà nội không nói câu nào, lẳng lặng đuổi nó đi.
Bảo rằng nhà nó làm thế là rước họa vào thân!
Thằng mổ lợn không những không sợ, còn ngày nào cũng dắt thằng con ra đái bậy ở cổng nhà tôi.
Gặp ai cũng bảo, tôi là âm sanh tử, là thằng con hoang đáng chết!
Hồi đó bố tôi đi làm xa, nhà không có đàn ông, thế nên bị người ta đè đầu cưỡi cổ cũng không có cách phản kháng.
Ngày nào tôi cũng trốn trong nhà khóc.
Tôi ức chứ!
Nhưng lại không dám ra ngoài!
Tôi sợ ra ngoài bị tẩn cho nát cả mặt lẫn mông thật.
Cứ thế chịu đựng liền bảy ngày.
Đến tối ngày thứ bảy, bà nội dỗ tôi đi ngủ từ sớm, còn cho tôi ăn thứ sô cô la tôi thích nhất.
Ngày hôm sau, cả thôn đều run rẩy …
Xe cảnh sát vây kín toàn thôn, mấy chục cảnh sát đem theo chó nghiệp vụ lục soát từng nhà một!
Bởi trong thôn xảy ra thảm án, cả nhà chết thảm!
Cả nhà thợ mổ lợn bảy mạng người, đều chết cả!
Con trai thằng mổ lợn bị chặt cụt chân tay, còn mỗi thân người. Vợ, bố vợ, mẹ vợ, bố đẻ mẹ đẻ của nó đều chết trên giá mổ lợn.
Duy thằng mổ lợn là đỡ nhất, bị cắt cổ chết.
Cuối cùng cảnh sát đưa ra giải thích, theo kết quả xét nghiệm tử thi của nhiều chuyên gia, và kết quả điều tra hiện trường, hung thủ là bản thân thằng mổ lợn!
Nó hít ma túy quá liều, thần kinh có vấn đề! Sau khi dùng thủ đoạn tàn nhẫn giết hại cả nhà xong thì tự sát!
Nhưng tôi biết, sự việc này e là không đơn giản như thế….
Ngay đêm hôm đấy, tôi mơ một giấc mơ.
Trong mơ, tôi nhìn thấy một người đàn bà toàn thân bê bết máu, bụng bị rạch một đường lớn, bà ta ôm tôi, hát ru cho tôi nghe, còn bảo tôi là mạng sống của bà ấy!
Trên đời này ai dám hại tôi, đều đáng chết!
Đêm hôm ấy, bà nội không về nhà, ở trong thôn khóc tang nguyên một đêm.
Rất nhiều tin đồn đều nói, nguyên nhân thằng mổ lợn phát điên, là vì nhà nó bắt nạt tôi!
Năm đó mẹ tôi chết xong mới đẻ, nên thành mẫu sát, không chịu đi đầu thai, ngày nào cũng theo tôi!
Chính bà ấy lấy mạng bảy người nhà thợ mổ lợn!
Từ đó trở đi, cả thôn không còn ai dám trêu ngươi tôi nữa!
Cứ thế cho đến khi tôi ra thị trấn vào học cấp một, cấp hai, cấp ba …
Tôi kết bạn, nhưng vẫn nhớ kỹ lời dạy của bà, không xung đột với người khác, từ đó dần hình thành nên tính cách trầm lặng hướng nội.
Cuộc sống như vậy tiếp diễn trong nhiều năm, cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi mới nghĩ…
Trên đời này có ma quỷ thật sao?
Cả nhà thằng mổ lợn, đúng là do mẹ tôi chết mà không hóa nên mới bị giết không?
Thứ tình thương của mẹ như thế, thực tình có chút đáng sợ!
Vì tính tình nhút nhát, quá hướng nội, nên nhiều đơn vị coi thường tôi, trường lại không phụ trách sắp xếp việc làm, tôi chỉ còn nước về quê.
Bố tôi cũng lo lắng.
Lo nghèo mà!
Trong nhà chẳng để ra được mấy đồng! Tôi sợ là phải sống độc thân thôi.
Bà nội bảo, có cách cho tôi hành cái nghề kiếm tiền nhanh, làm nửa năm một năm, gom đủ tiền, ra thành phố mua cái nhà, rồi cưới cô vợ về sống!
Lúc đó tôi kích động không tả nổi, tôi cũng muốn kiếm tiền, không muốn ở thôn làm ruộng. Mấy ông già bà cả ở trong thôn, giờ cứ thấy tôi là chỉ chỉ chỏ chỏ! Tôi thấy rất mất mặt, không ngẩng đầu lên được.
Mà cái ngày hôm tôi về quê, vừa đúng vào tết trung thu!
Ngày mà nhà người ta đoàn tụ…..
Ngày sinh nhật tôi, cũng là ngày giỗ mẹ tôi…
Trung thu mỗi năm, tôi đều bắt buộc phải về quê, bà nội phải trông chừng cho tôi ngủ.
Vậy mà đúng hôm đó, trưởng thôn đến nhà chúng tôi, cầu xin bà nội đi với ông ấy một chuyến.
Cháu dâu nhà ông ấy ở viện huyện khó sinh, người mất rồi … thai cũng chết lưu!
Bà nội trước khi ra khỏi nhà cứ dặn đi dặn lại, nói hôm nay là ngày sinh nhật tôi hai mươi hai tuổi.
Hai tháng hai, rồng ngóc đầu.
Hai mươi hai, khám dương quan.
Bà nội sẽ cố gắng về trước khi trời tối.
Vì hôm nay cũng là ngày giỗ của mẹ tôi! Mẹ không muốn tôi khám dương quan, trừ âm khí.
Nếu như thế, mối liên hệ giữa tôi và mẹ sẽ bị cắt đứt, mẹ sẽ thành du hồn dã quỷ.
Tôi là mạng sống của mẹ!
Chương 2. ÂM SANH TỬ
[[Tác giả: La Kiều Sâm —— Dịch: Phong Lăng]]Sáu tuổi tụ dương, mười hai tuổi dương cử, hai mươi hai tuổi khám dương quan.
Mẹ tôi không muốn rời tôi, chỉ cần sinh nhật hai mươi hai tuổi tôi nhìn thấy ma, khám dương quan xem như thất bại.
Mẹ sẽ có thể theo tôi cả đời! Thế làm sao tôi dám ra khỏi nhà?
Sau khi bà nội đi, bố ngồi trong nhà uống rượu giải sầu, đến hột lạc cũng chẳng ăn.
Đỏ mắt nhìn di ảnh của mẹ trên tường. Mỗi uống một hớp rượu, là lại rơi một vốc lệ.
Tôi dựa người vào ghế tựa chơi game.
Đến tầm sáu giờ tối, bố tôi khàn giọng bảo: “Thập Lục, bố ra đầu thôn mua rượu, mày đừng có chạy lung tung.”
“Ơ….” đến lúc tôi ngẩng đầu lên, bố đã say khướt, ngất ngưởng ra khỏi nhà.
Nhưng bố tôi mãi hai tiếng sau vẫn chưa về!
Vào thu rồi, ban ngày trở nên rất ngắn, tám giờ trời tối đến ghê người, đèn ga tỏa ra thứ ánh sáng màu vàng cam, lại càng khiến không gian tĩnh mịch rợn người.
Có con mèo đen ngồi chồm hỗm trước đầu cổng, chằm chằm nhìn tôi. Tôi cũng nhìn lại nó mãi một lúc.
Bà nội vẫn chưa về, tôi gọi điện cho bà, bà nội cũng mốt hơn nhiều người già khác, biết dùng máy cho người già.
Tôi mang việc bố ra ngoài kể cho bà nghe.
Nghe giọng bà có vẻ hoảng, bảo tôi đừng có quản bố, dù có thế nào cũng đừng quản! Tối nay có lẽ bà nội không về kịp….
Dặn tôi đúng mười giờ lên giường đi ngủ, đợi qua hết giờ tý, là coi như khám xong dương quan. Tôi đồng ý xong, bà nội mới cúp điện thoại.
Đang chuẩn bị vào bếp kiếm chút đồ ăn.
Thằng cháu út nhà trưởng thôn, Trần Tiểu Bàn hổn hển lao vào nhà tôi, nó chạy đến trước mặt tôi, khư khư nắm lấy cánh tay tôi, gấp đến tái cả mặt.
“La Thập Lục, to chuyện rồi! Bố mày nhảy sông rồi!”
“Mày nói gì!” Đầu tôi ong ong, mắt đỏ cả lên!
Bố tôi nhảy sông rồi?
Bố tôi làm sao mà nhảy sông được! Ban ngày bố còn đang phát rầu chuyện làm sao kiếm tiền cưới vợ cho tôi cơ mà!
Bố uống say quá, trượt chân ngã xuống sông?
“Cứu lên chưa?” Tôi cố cắng trấn tĩnh, lạc giọng hỏi.
Trần Tiểu Bàn ậm ậm ừ ừ, không nói nổi câu nào.
Tôi lúc đấy như bị dội gáo nước lạnh, phi chạy ra đầu thôn! Gì mà dặn dò, gì mà kiêng kị! Vứt tất qua một bên!
Vài phút sau, tôi lao ra đến bờ sông Tiểu Liễu ở đầu thôn.
Đến mấy chục người vây quanh bờ sông, chỉ chỉ chỏ chỏ.
Bố tôi ngửa mặt trôi nổi trên mặt nước đen kịt.
Bố chết không nhắm mắt, con ngươi lồi ra, trên làn da tái xanh, yên lặng lạnh lẽo!
Phịch một cái, tôi quỳ sụp bên bờ sông, gào lên một tiếng: “Bố!”
Bố tôi mất rồi…
Tôi khóc đến hoa mắt chóng mặt, chỉ thấy đầu óc ong ong, người xung quanh hình như đều thành trùng ảnh.
Bọn họ nói gì mà đàn ông chết xác chìm mặt ngửa lên, là điềm báo đại hung, bố tôi chết không bình thường chút nào, tuyệt đối không được vớt lên!
Tôi làm gì mà nghĩ được nhiều thế, lập tức nhảy xuống sông Tiểu Liễu!
Nước sông vào thu, lạnh thấu xương. Giá buốt thấm vào từ cột sống, tôi tê buốt cả da đầu, lập tức tỉnh táo hơn nhiều.
Trên bờ có người hét tôi mau lên bờ!
Tôi chẳng buồn để ý đến bọn họ, bơi về phía xác của bố.
Lúc chạm vào bố, tôi lại rùng cả mình.
Thân thể bố giống như cây cột gỗ, cứng ngắc, hoàn toàn không giống người vừa chết đuối.
Kéo bố bơi vào đến bờ, đã lạnh đến mức toàn thân gần như tê liệt.
Tôi đang chuẩn bị lên bờ, kết quả bị một cây sào tre đẩy mạnh vào vai, đau đến mức tôi uống thêm mấy ngụm nước sông!
“La Thập Lục! Bố mày sắp thành quỷ rồi! Bố mày không được lên bờ! Mày buông nó ra nhanh!” Lão đó là thợ mộc Lưu trong thôn, mặt mũi trắng bệch gào lên với tôi.
Lão còn cố sức lấy sào tre đập vào cánh tay tôi! Khiến tôi buông xác bố tôi ra!
Đấy là bố tôi! Làm sao tôi buông ra được?!
Tôi cắn răng không buông tay, còn định bò lên bờ.
Thợ mộc Lưu giơ sào tre lên, đập bốp một nhát, tôi đau hét lên một tiếng, cảm giác tay như gãy đến nơi.
Tiếp đó là tiếng chửi bới của những người khác.
“La Thập Lục! Mày định kéo bố mày lên bờ, để hại cả thôn à!”
“Bố mày chết dưới nước lại ngửa mặt lên trời, đấy là âm hồn không tan! Là sắp thành quỷ đấy! Mày không được đưa nó lên bờ!”
“La Thập Lục, mày là âm sanh tử! Mày mà dám đưa bố mày lên bờ, bọn tao sẽ dìm cho mày chết dưới đó luôn!” Thợ mộc Lưu mặt mày hung dữ trừng mắt nhìn tôi, lại đập tôi một nhát nữa.
Tay phải của tôi đã không còn cảm giác gì, cũng chẳng biết có bị đánh gãy hay chưa.
Những người khác cũng vác sào tre và gậy gộc tới! Bọn họ thấy tôi thà chết không buông tay, cũng sợ đánh chết tôi, bèn ra đẩy xác bố tôi!
Bố tôi cứ thế bị bọn họ đẩy lại xuống lòng sông, còn có mấy người chửi bới, nhổ nước bọt, rồi đái vào xác bố!
Vì người già hay nói, rằng quỷ sợ bẩn, nhất là cứt đái.
Nhưng bọn họ như thế là nhục mạ xác bố tôi! Tôi lao lên bờ, điên cuồng đẩy bọn họ ra.
Dân trong thôn cũng khùng lên, hoặc là do nỗi oán hận tôi dồn nén những năm qua bộc phát, lao vào tôi tay đấm chân đá.
Tôi cố hết sức che đầu mặt và bộ phận quan trọng, cố nhìn ra sông.
Nhưng lại nhìn thấy xác bố, đang từ từ chìm xuống….
Không biết do chìm xuống, hay là do bố cử động nữa!
Bố nghiêng mặt về phía tôi, con ngươi lồi ra, giống như đang trợn mắt nhìn những người đánh tôi!
Bọn họ đánh rất lâu, tôi cảm giác toàn thân như sắp rã ra, không còn là của mình nữa, những đòn đấm đá ấy mới dừng lại.
Mơ mơ hồ hồ, nghe bọn họ nói xác chìm rồi, không việc gì nữa rồi. Lại nói không biết tôi bị đánh chết chưa, phải chuồn nhanh…
Mí mắt tôi nặng trĩu, sắp ngất đến nơi, bỗng dưng có người cõng tôi dậy.
Cảm giác lạnh lạnh buốt buốt, khiến tôi tỉnh táo lại.
Thân thể người này rất cứng, còn cứng hơn cả xác bố.
Tôi khó khăn mở mắt ra, thì phát hiện đấy là gò má của một người đàn bà.
Mái tóc đen dài bay bay theo gió, che mất đa số tầm nhìn của tôi, bà ta lẩm bẩm nói gì đó, tôi chẳng nghe rõ nữa.
Hình như đang gọi tên tôi Thập Lục … rồi lại nói đều đáng chết… còn xen lẫn tiếng xin lỗi đầy tự trách.
Cuối cùng tôi cũng ngất đi…
Khi tôi tỉnh lại, toàn thân đau nhức, còn nằm trên giường ở nhà tôi.
Bà nội ngồi bên cạnh giường, vừa rơi nước mắt, vừa giúp tôi lau vết thương, tôi đau rít một hơi.
Thấy tôi tỉnh lại, trong mắt bà nội mới có vài phần linh hoạt.
“Thập lục, lũ người này xuống tay tàn nhẫn quá, rồi chúng nó sẽ bị báo ứng thôi!” Bà nội mím môi, những nếp nhăn trên mặt đều rung rung.
Nước mắt tôi cứ thế trào ra.
“Bà nội, bố cháu mất rồi…”
Môi bà nội giật giật một cái.
Giờ tôi mới phát hiện, bà vốn dĩ còn vài sợi tóc đen, đều đã bạc trắng hết!
Tôi im mồm, không nói nữa. Tôi rất đau khổ, không còn bố nữa.
Bà nội cũng chẳng phải cũng mất đi người con trai duy nhất sao?
Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, cũng chẳng khá hơn tôi chút nào.
Cùng lúc đấy, có tiếng gọi khàn đặc vọng vào trong nhà.
“Lưu âm bà! Tôi tới rồi, bao giờ thì đi vớt xác?”
Bà nội quay sang tôi cười cười, nếp nhăn khóe mắt díu lại với nhau.
“Lưu Văn Tam đến rồi, chỉ có nó mới vớt bố cháu lên được!”
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Dân Gian Ngụy Văn Thực Lục của tác giả La Kiều Sâm