Đường link tải sách Dẫn Luận Về Phật Giáo bản đẹp của tác giả Damien Keown thuộc thể loại triết học với các định dạng PDF, EPUB, AUDIO…và tóm tắt nội dung, review (đánh giá) cuốn sách Dẫn Luận Về Phật Giáo sẽ được ebookvie chia sẻ trong bài viết này. Mời mọi người đọc nhé
Đức Phật có lần kể câu chuyện về người mù và con voi (Kinh Phật tự thuyết, 69f). Ngài kể rằng, ngày xưa một vị vua của thành Xá-vệ (Savatthi) đã hạ lệnh cho tất cả những thần dân mù tập hợp lại và phân chia thành nhóm. Mỗi nhóm được dẫn tới một con voi và sờ vào một phần của con vật – như đầu, mình, chân, đuôi v.v… Sau đó, vua yêu cầu mỗi nhóm mô tả bản chất của con vật. Những người đã sờ đầu mô tả con voi giống như bình nước; những người sờ tai liên hệ con vật với cái sàng; những người đã chạm vào chân voi nói con voi giống như một cái cột chống, còn những người sờ ngà quả quyết rằng con voi có hình dáng như cái móc áo. Các nhóm sau đó sa vào tranh cãi với nhau, mỗi nhóm đều khăng khăng mình đúng còn tất cả những người khác là sai.
Ở nhiều phương diện, sự nghiên cứu Phật giáo trong khoảng hai thế kỷ qua giống như người mù sờ voi. Môn sinh Phật giáo có khuynh hướng trói chặt vào một phần nhỏ của truyền thống, cho rằng các kết luận của họ là đúng đối với toàn thể. Thông thường, những phần họ đã nắm bắt chỉ là một bộ phận nhưng không đại diện cho toàn bộ con vật. Kết quả, nhiều khái quát hóa sai lầm và chung chung đã được đưa ra, chẳng hạn Phật giáo là “tiêu cực”, “chối bỏ thế gian”, “bi quan”, v.v… Dù khuynh hướng khái quát hóa quá mức giờ đây bớt phổ biến hơn, nó vẫn xuất hiện trong một số tác giả có xu hướng cường điệu một vài tính chất nhất định của truyền thống Phật giáo, hoặc cho rằng điều gì đúng trong một nền văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử nhất định cũng đúng ở mọi nơi khác.
Bài học đầu tiên mà câu chuyện người mù sờ voi nói với chúng ta là: Phật giáo là một chủ đề lớn và phức tạp, chúng ta nên cẩn trọng với những kết luận tổng quát được đưa ra trên cơ sở hiểu biết một phần đơn lẻ. Cụ thể, những tuyên bố như “Phật tử tin rằng…” hoặc “Phật giáo dạy rằng…” phải được đón nhận với sự thận trọng. Để xem chúng có giá trị tới đâu, chúng ta cần đánh giá mức độ phù hợp bằng cách hỏi đó là những Phật tử nào, họ theo truyền thống Phật giáo nào, thuộc về tông phái nào, v.v… Một số học giả còn đi xa hơn nữa, tuyên bố rằng hiện tượng xuyên văn hóa được phương Tây gọi là “Phật giáo” (từ “Phật giáo” [Buddhism] chỉ được sử dụng ở phương Tây từ thập kỉ ba mươi của thế kỷ mười tám) không hề là một thực thể đơn nhất, mà là một tập hợp những “truyền thống con”. Nếu vậy, có lẽ chúng ta nên nói về “các tông phái Phật giáo” thay vì “Phật giáo”. Tuy nhiên, khuynh hướng “chia nhỏ” Phật giáo như vậy có lẽ nên được nhìn nhận như sự phản ứng lại khuynh hướng “bản chất hóa” trước đây, cho rằng Phật giáo là một thể chế nguyên khối, ở đâu cũng như nhau. Con đường ở giữa là nghĩ về Phật giáo như con voi trong câu chuyện: nó gồm một tập hợp kỳ dị những bộ phận khác biệt, nhưng cũng có một khối trung tâm mà những bộ phận ấy được gắn vào.
Bài học thứ hai chúng ta có thể học được từ câu chuyện trên – một bài học ít hiển nhiên hơn nhưng không kém phần quan trọng – đó là có nhiều kiểu mù. Những thí nghiệm trong nhận thức thị giác đã cho thấy tâm trí có tác động lớn lên những gì chúng ta thấy. Phần lớn con người thấy những gì họ kỳ vọng hoặc muốn thấy, và loại bỏ những gì không khớp với mô hình thực tại của họ. Trong những nền văn hóa khác nhau, trẻ con được nuôi dạy để thấy và hiểu theo những cách khác nhau, đây là lý do các phong tục xa lạ thường có vẻ kỳ dị hay lạ lẫm với người ngoài, nhưng lại rất tự nhiên với những thành viên của nền văn hóa đó. Trong tiếp xúc với các văn hóa khác, chúng ta dễ phóng chiếu những niềm tin và giá trị của mình, rồi bất ngờ “khám phá” chúng trong văn hóa ấy. Phật giáo bởi thế trở thành chính là điều chúng ta hy vọng (hoặc sợ hãi) rằng nó sẽ như vậy. Ngay các chuyên gia cũng không tránh khỏi “gán ngược” những giả định của riêng họ vào dữ liệu dẫn đến sai lầm về niên đại, và nhiều học giả phương Tây diễn giải Phật giáo theo những cách rõ ràng dựa vào niềm tin và sự giáo dục của họ hơn là vào chính Phật giáo.
Không những cảm nhận cá nhân dễ bị tác động bởi đủ loại yếu tố chủ quan, rủi ro từ sự rập khuôn văn hóa cũng xảy ra trong quá trình tiếp xúc với “người khác”. Những tác giả như Edward Said (đã qua đời) đã chỉ ra khuynh hướng của phương Tây khi xây dựng một hình ảnh “Đông phương” trong nghệ thuật và văn chương của nó, mà phần nhiều là sự phản ánh khía cạnh vô thức của chính phương Tây hơn là một mô tả chính xác điều đang thực sự diễn ra ở phương Đông. Không cần chấp nhận lý thuyết phức tạp của Said đến độ cho rằng phương Tây định hình rập khuôn phương Đông về mặt lý luận là nhằm chuẩn bị cho sự xâm chiếm về mặt chính trị, vẫn có thể nhận ra khi tìm hiểu các nền văn hóa khác, chúng ta không tránh khỏi bị tác động bởi những thái độ và giả định tàn dư trong văn hóa của chính chúng ta, mà bản thân hầu như không nhận thức dược. Do vậy, liên quan đến nghiên cứu Phật giáo, chúng ta phải tỉnh táo trước nguy cơ “mù văn hóa” và hiểu sai, có thể xảy ra do giả định rằng những phạm trù và khái niệm của phương Tây tự động áp dụng vào những văn hóa và văn minh khác.