Cuốn sách “Đạo – Con Đường Không Lối” là một tác phẩm độc đáo của Osho, dựa trên 5 câu chuyện ngụ ngôn trong cuốn Liệt Tử. Qua những bài nói chuyện và giải thích của Osho, người đọc sẽ có cơ hội khám phá những khía cạnh mới mẻ và sâu sắc về triết lý Đạo giáo.
Cuốn sách gồm 5 chương, mỗi chương tập trung vào một chủ đề khác nhau:
- Chương Một: Ai mới là người hạnh phúc?
- Chương Hai: Người biết cách tự an ủi
- Chương Ba: Không hối tiếc
- Chương Bốn: Sống
- Chương Năm: Tốt nhất là tĩnh lặng, tốt nhất là trống rỗng
Ngoài ra, sách còn có phần Hỏi – Đáp, nơi Osho giải đáp những thắc mắc của người nghe về cách áp dụng triết lý Đạo giáo vào cuộc sống hàng ngày.
“Đạo – Con Đường Không Lối” là một cuốn sách giá trị dành cho những ai quan tâm đến triết lý Đạo giáo và muốn tìm kiếm một cách sống ý nghĩa hơn.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Đạo – Con Đường Không Lối của tác giả OSHO
Các cuốn sách khác có thể bạn sẽ thích
- Sách Nói Chuyện Là Bản Năng, Giữ Miệng Là Tu Dưỡng, Im Lặng Là Trí Tuệ PDF
- Sách Thay Đổi Tí Hon, Hiệu Quả Bất Ngờ: Atomic Habits PDF
- Sách Thao Túng Tâm Lý PDF
—
GIỚI THIỆU
Ngụ ngôn Đạo gia:
Có bức tượng Lão Tử, người sáng lập Đạo giáo. Một người trẻ tuổi nhiều năm trời nuôi ý định phải lên núi để chiêm bái tượng Lão Tử. Anh ta yêu thích lời Lão Tử, lối ông nói, cách ông sống, nhưng anh ta chưa từng thấy tượng của ông. Không có đền thờ Đạo gia nào, thế nên tượng rất hiếm và tất cả đều ở trên núi – đứng ngoài trời, khắc vào núi, không mái che, không đền thờ, không thầy từ, không cúng bái.
Năm tháng trôi qua, nhiều sự việc cũng xảy đến trong khoảng thời gian ấy. Cuối cùng, một đêm nọ anh ta quyết định phải đi – mà cũng không xa lắm, chỉ trăm dặm thôi – song vì nghèo nên anh ta phải đi bộ. Vào đúng nửa đêm – anh ta chọn thời điểm nửa đêm khi vợ con và gia đình ngủ say sẽ không phát sinh phiền toái – anh ta cầm ngọn đèn trong tay bởi trời đêm tối đen như mực rồi rời khỏi thị trấn.
Khi ra khỏi thị trấn và đến cột cây số đầu tiên, một ý nghĩ nảy ra trong đầu anh ta: “Trời đất, một trăm dặm ư! Mà ta chỉ có đôi bàn chân không – ta sẽ chết mất. Ta đòi hỏi điều bất khả. Ta chưa hề đi bộ trăm dặm bao giờ, mà lại không có đường…”. Đó là một lối nhỏ lên núi, một lối mòn – quá nguy hiểm. Thế nên anh ta nghĩ: “Tốt hơn là đợi đến sáng. Ít ra cũng có ánh sáng, ta có thể thấy rõ hơn; bằng không ở đâu đó trên lối mòn nhỏ hẹp ấy ta sẽ ngã xuống mất. Khỏi chiêm bái tượng Lão Tử gì hết, đơn giản là kết thúc thôi. Sao phải làm chuyện tự sát ấy?”.
Thế nên anh ta ngồi chờ bên ngoài thị trấn, và khi mặt trời vừa lên thì có một cụ già cũng vừa đến chỗ anh ta. Thấy người trẻ tuổi ngồi đó, cụ bèn hỏi: “Anh đang làm gì đấy?”. Người trẻ tuổi giải thích đầu đuôi.
Cụ già cả cười. Cụ bảo: “Anh chưa từng nghe châm ngôn xưa hay sao? Không ai có quyền năng bước đồng thời hai bước, mỗi lần anh chỉ có thể bước một bước mà thôi. Bất luận khỏe, yếu, trẻ, già. Châm ngôn nói rằng: ‘Cứ bước này tiếp theo bước trước, người ta có thể đi mười ngàn dặm’ – huống hồ đây chỉ có một trăm dặm thôi! Anh ngốc thật. Ai bảo với anh là anh phải đi liên tục? Anh cứ thong thả; sau mười dặm anh có thể nghỉ một hoặc hai ngày, thoải mái đi. Đây là một trong những thung lũng đẹp nhất và là một trong những rặng núi đẹp nhất, còn cây cối thì trĩu quả – những thứ quả mà có lẽ anh chưa từng được nếm. Dù sao chăng nữa ta cũng đi; anh có thể đi cùng ta. Ta đã đi con đường này hàng ngàn lần rồi, và ít nhất tuổi của ta cũng gấp bốn lần tuổi của anh. Đứng lên nào!”.
Cụ già rất có uy. Khi cụ bảo: “Đứng lên nào!” người trẻ tuổi đứng dậy ngay. Rồi cụ nói: “Đưa hành lí của anh cho ta. Anh còn trẻ, chưa kinh nghiệm. Ta sẽ mang hộ hành lí của anh. Anh chỉ việc theo ta, rồi chúng ta sẽ nghỉ ngơi bất cứ lúc nào anh muốn”.
Những gì cụ già nói đều là sự thật. Khi họ tiến sâu hơn vào rừng và rặng núi, cảnh vật càng lúc càng đẹp. Rồi những quả dại mọng nước… rồi họ nghỉ ngơi; bất cứ lúc nào anh ta muốn cụ già đều sẵn sàng. Anh ta lấy làm ngạc nhiên vì cụ già chẳng bao giờ tự nói đến lúc phải nghỉ ngơi. Song bất cứ khi nào người trẻ tuổi đề nghị, cụ già luôn sẵn lòng nghỉ ngơi cùng anh ta – một đôi ngày, sau đó họ lại tiếp tục hành trình.
Một trăm dặm ấy cũng đến rồi qua, họ đến chỗ một trong số những bức tượng đẹp nhất của một trong số những người vĩ đại nhất đã từng có mặt trên trái đất. Mặc dù bức tượng của ông có điều gì đó – nó không hẳn là một tác phẩm nghệ thuật, nó được những nghệ sĩ Đạo gia sáng tác để biểu trưng cho tinh thần của Đạo.
Đạo tin vào triết lí vô vi. Đạo tin là bạn chẳng cần phải bơi mà chỉ buông trôi theo dòng sông, mặc dòng nước đem bạn tới bất cứ nơi nào nó đi.
Đạo tin vào triết lí vô vi. Đạo tin là bạn chẳng cần phải bơi mà chỉ buông trôi theo dòng sông, mặc dòng nước đem bạn tới bất cứ nơi nào nó đi – bởi vì mọi con sông rốt cuộc đều đổ ra đại dương. Thế nên chớ lo lắng, bạn sẽ đến đại dương. Chẳng cần căng thẳng làm gì.
Bức tượng cứ đứng ở nơi đơn độc ấy và có một thác nước ngay sát bên cạnh – bởi Đạo được gọi là con đường của sông suối. Đúng là nước cứ trôi hoài trôi mãi, không cẩm nang, không bản đồ, không phép tắc, không kỉ luật… song khá lạ lùng là nước trôi theo con đường rất tầm thường, bởi nó luôn tìm đến bất cứ vị trí nào thấp hơn. Nó không bao giờ chảy ngược lên. Nó luôn xuống dốc, nhưng nó vẫn cứ ra đến đại dương, đến chính cội nguồn của nó.
Toàn bộ không gian đó đại diện cho tư tưởng vô vi của Đạo giáo. Cụ già bảo: “Giờ đây cuộc hành trình mới bắt đầu”.
Người trẻ tuổi nói: “Gì cơ? Con nghĩ: hết trăm dặm và cuộc hành trình kết thúc rồi chứ”.
Cụ già đáp: “Đó chính là cách những đạo sư nói với người ta. Tuy nhiên thực tại là bây giờ: Từ điểm này, từ không gian này, cuộc hành trình ngàn lẻ một dặm lại bắt đầu. Ta không gạt anh đâu, bởi sau một ngàn lẻ một dặm anh sẽ gặp một cụ già khác – có thể vẫn là ta – người sẽ nói:
‘Đây chỉ là một điểm dừng chân, hãy đi tiếp’. Hãy đi tiếp là thông điệp”.
Tự thân hành trình là đích đến.
Nó quá vô cùng. Nó thật vĩnh hằng.
—
1
Ai thật sự hạnh phúc?
Trên đường đến nước Vệ, Liệt Tử dừng chân dùng bữa ven đường thì thấy một chiếc sọ người độ trăm tuổi. Bẻ một nhánh cây chỉ vào chiếc sọ, quay sang môn đệ là Bách Phong ông bảo: “Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt. Phải chăng ông ấy thật sự đau khổ, phải chăng chúng ta thật sự hạnh phúc?”.
Tôi rất hoan hỉ về Liệt Tử – ông là một trong những hình tượng hoàn hảo nhất để diễn giải cho những điều không thể diễn giải được. Chân lí thì không thể diễn giải được; tính không diễn giải được ấy là bản chất của chân lí. Hàng nhiều ngàn người đã thử diễn giải – song rất ít người thành công, thậm chí trong việc nêu ra được một phóng chiếu của nó mà thôi. Liệt Tử là một trong số rất ít những người đó; ông quả là người hiếm có.
Trước khi chúng ta bắt đầu bước vào thế giới của ông, cần phải hiểu đôi điều về ông và về cách tiếp cận vấn đề của ông. Cách tiếp cận của ông là cách của một nghệ sĩ – nhà thơ, người kể chuyện – và ông là người kể chuyện bậc thầy.
Một khi ai đó có cuộc đời từng trải thì kinh nghiệm sống của người đó đơm hoa thành những chuyện ngụ ngôn – dường như đó là cách dễ nhất để ám chỉ điều không thể nói ra. Ngụ ngôn là phương cách, một phương cách tuyệt vời; nó chẳng phải chuyện thường. Mục đích của nó không phải để giải trí, mục đích của nó là để nói điều mà không có cách nào khác để nói ra. Không thể đưa cuộc sống vào lí thuyết được – nó quá bao la, nó quá vô cùng.
Lí thuyết về mặt bản chất là khép kín. Lí thuyết phải khép kín nếu nó đúng là lí thuyết; nó không thể được bỏ ngỏ, bằng không nó sẽ vô nghĩa. Chuyện ngụ ngôn thì còn bỏ ngỏ; nó nói và để lại nhiều điều cần phải nói, nó ám chỉ. Và điều không thể nói được thì có thể được chỉ ra. Nó là ngón tay chỉ trăng. Đừng bám vào ngón tay – chẳng liên quan gì – mà hãy nhìn trăng. Những chuyện ngụ ngôn ấy tự thân chúng rất hay, rất đẹp song đó không phải là mục đích của chúng… chúng vượt ra ngoài, chúng thật huyền ảo. Nếu bạn mổ xẻ chuyện ngụ ngôn thì bạn sẽ chẳng hiểu được gì mấy.
Nó giống như cái rốn trên cơ thể người ta. Nếu bạn đến gặp nhà phẫu thuật và hỏi ông ta công dụng của cái rốn trên cơ thể là gì, và nếu mổ xẻ cơ thể thì ông ta sẽ chẳng thấy được công dụng nào hết. Cái rốn dường như vô dụng. Công dụng của cái rốn là gì? Nó từng có công dụng khi đứa bé còn trong bụng mẹ: công dụng của nó là liên kết đứa bé với người mẹ, nó nối đứa bé với người mẹ.
Nhưng giờ đây đứa bé không còn trong bụng mẹ nữa – người mẹ có thể đã chết, đứa con đã già đi – thế thì giờ đây công dụng của cái rốn là gì? Nó có công dụng siêu việt; công dụng không phải ở trong bản thân nó. Bạn sẽ phải nhìn khắp xung quanh để tìm ra dấu hiệu – nơi nó chỉ ra. Nó chỉ ra rằng người ta có thời từng là một đứa bé, rằng đứa bé có thời từng nằm trong bụng mẹ, rằng đứa bé được nối với người mẹ. Đấy chỉ là dấu hiệu mà quá khứ để lại.
Nếu như cái rốn chỉ ra điều gì đó về quá khứ, chuyện ngụ ngôn lại chỉ ra điều gì đó về tương lai. Nó chỉ ra rằng có khả năng nảy nở, có khả năng kết nối với hiện hữu. Ngay bây giờ mới chỉ là khả năng, còn chưa là hiện thực. Nếu bạn mổ xẻ chuyện ngụ ngôn thì nó trở thành chuyện thường. Nếu bạn không mổ xẻ mà chỉ uống cạn ý nghĩa của nó, chất thơ của nó, chất nhạc của nó – quên đi câu chuyện và chỉ mang theo ý nghĩa của nó – chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy rằng nó chỉ dẫn tới tương lai, hướng tới điều gì đó có thể xảy ra nhưng còn chưa hiện hữu. Nó thật siêu việt.
Ở phương Tây, ngoại trừ ngụ ngôn của Jesus, chẳng có gì giống như của Liệt Tử, Trang Tử, Phật… chẳng có gì giống ngụ ngôn của những vị này – chỉ mỗi của Jesus. Mà thậm chí ngụ ngôn của Jesus dường như cũng là thứ ngài phải đem chúng về từ phương Đông. Có ngụ ngôn của Aesop, nhưng chúng cũng chỉ là những phóng chiếu của cuốn sách lớn về ngụ ngôn phương Đông, Panchatantra(1). Ngụ ngôn là phát minh của phương Đông và vô cùng ý nghĩa.
(1) Một tuyển tập cổ đại các truyện ngụ ngôn Ấn Độ (Mọi chú thích trong bản dịch đều của First News).
Thế nên điều đầu tiên cần hiểu về Liệt Tử: ông không phải là nhà lí thuyết, ông sẽ không đem đến cho bạn bất kì lí thuyết nào; đơn giản ông sẽ cho bạn chuyện ngụ ngôn.
Lí thuyết có thể được mổ xẻ – ý nghĩa của nó ở trong nó; nó không siêu việt, ý nghĩa là nội tại. Chuyện ngụ ngôn không thể mổ xẻ; mổ xẻ ra nó sẽ chết. Ý nghĩa của nó siêu việt, không ở bên trong nó.
Lí thuyết có thể được mổ xẻ – ý nghĩa của nó ở trong nó; nó không siêu việt, ý nghĩa là nội tại. Chuyện ngụ ngôn không thể mổ xẻ; mổ xẻ ra nó sẽ chết. Ý nghĩa của nó siêu việt, không ở bên trong nó. Mà ở một chỗ nào khác – nó phải ở đâu đó. Bạn phải sống trong ngụ ngôn thì bạn mới thấu được ý nghĩa của nó. Nó phải trở thành nhịp tim của bạn, hơi thở của bạn; nó phải trở thành nhịp điệu bên trong bạn. Thế nên những chuyện ngụ ngôn ấy đầy tính nghệ thuật song không phải thứ nghệ thuật đơn thuần; tôn giáo lớn hàm chứa trong chúng.
Có hai loại người: người nói về Thượng đế, đó là nhà thần học; người nói chuyện Thượng đế, đó là nhà huyền môn.
Liệt Tử cũng không phải nhà thần học; ông không nói về Thượng đế. Ông nói chuyện Thượng đế, nhưng không nói về Thượng đế. Bất cứ điều gì ông nói đều xuất phát từ nguồn cội, nhưng ông không nói về nguồn cội; bạn phải thật rõ điều này. Có hai loại người: người nói về Thượng đế, đó là nhà thần học; người nói chuyện Thượng đế, đó là nhà huyền môn. Liệt Tử là nhà huyền môn. Người nói về Thượng đế thì không biết Thượng đế, bằng không sao lại phải “nói về”? Chữ “về” chỉ ra chỗ vô minh của người đó rồi. Khi một người nói chuyện Thượng đế, người đó đã trải nghiệm. Thế thì Thượng đế chẳng phải là lí thuyết để chứng minh, để bác bỏ, không hề; thế thì Thượng đế chính là cuộc sống của anh ta – để anh ta sống cuộc sống đó.
Để hiểu một người như Liệt Tử bạn sẽ phải sống một cuộc sống đích thực. Chỉ có thế, qua trải nghiệm của chính mình, bạn mới có thể cảm thấy điều ông ngụ ý qua những chuyện ngụ ngôn. Không phải là bạn có thể học được những lí thuyết và nắm được thông tin; thông tin chẳng giúp ích gì. Trừ phi bạn biết, chẳng có gì giúp ích được. Thế nên nếu những chuyện ngụ ngôn ấy tạo ra trong bạn cơn khát phải biết, ham muốn lớn lao phải biết, cái đói dữ dội phải biết; nếu những chuyện ngụ ngôn ấy dẫn bạn vào hành trình vô định, vào cuộc hành hương – thế thì chỉ mỗi việc bước trên con đường, bạn sẽ trở nên quen thuộc với con đường.
Liệt Tử, Trang Tử, Lão Tử – ba vị Đạo sư – chỉ nói về con đường. Đạo nghĩa là con đường – họ không nói về đích đến chút nào. Họ nói: Đích đến sẽ tự lo cho nó; bạn chẳng cần bận tâm về đích đến làm gì. Nếu bạn biết con đường là bạn biết đích đến, bởi vì đích đến không phải ở tận cùng con đường, đích đến là toàn bộ con đường – nó đều hiện diện trong từng khoảnh khắc và trong từng bước chân. Không phải là khi con đường kết thúc bạn mới đến đích; từng khoảnh khắc, bất kì chỗ nào bạn ở, bạn đều ở đích đến nếu bạn ở trên con đường. Ở trên con đường là ở đích đến. Vì thế, họ không nói về đích đến, họ không nói về Thượng đế, họ không nói về giải thoát, niết bàn, chứng ngộ – không hề, không một chút nào. Thông điệp của họ rất đơn giản: Bạn phải tìm ra con đường.
Sự việc trở nên phức tạp hơn một chút bởi vì họ nói: Con đường không có trên bản đồ, con đường không được vẽ, con đường không phải ở chỗ bạn có thể theo ai đó và tìm ra nó. Con đường không giống như siêu xa lộ; con đường tựa như chim bay trên trời – nó không để lại dấu vết nào đằng sau. Quả là chim đã bay nhưng không dấu vết nào để lại; không ai có thể theo được. Thế nên con đường là con đường không lối. Nó là con đường đấy, nhưng là con đường không lối. Nó không được dọn sẵn, có sẵn; bạn không thể chỉ quyết định đi trên nó mà thôi, bạn còn phải tìm ra nó. Và bạn sẽ phải tìm ra nó theo cách riêng của bạn; chẳng phương cách của ai khác có tác dụng gì.
Phật đã đi, Lão Tử đã đi, Jesus đã đi, nhưng những con đường đó không giúp ích gì cho bạn cả vì bạn không là Jesus, không là Lão Tử, không là Liệt Tử. Bạn là bạn, cá nhân duy nhất. Chỉ bằng cách bước đi, chỉ bằng cách sống cuộc sống của bạn, bạn sẽ tìm ra con đường. Đấy là điều gì đó có giá trị lớn lao.
Đó là lí do vì sao Đạo giáo không phải là tôn giáo có tổ chức, không thể nào. Nó là một tôn giáo có hệ thống nhưng không phải là tôn giáo có tổ chức. Bạn có thể là một đạo nhân nếu đơn giản bạn sống cuộc sống của mình một cách chân thật, tự phát, nếu bạn có dũng cảm để đi vào cái không biết theo cách riêng của bạn, cá nhân bạn, không dựa vào bất kì ai. Không theo bất kì ai, đơn giản là đi vào đêm tối mà không biết liệu bạn sẽ tới bất cứ nơi đâu hay bạn sẽ bị lạc. Nếu bạn có dũng cảm, rủi ro là tất yếu – có mạo hiểm, có phiêu lưu.
Kitô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo đều là những siêu xa lộ; bạn chẳng cần mạo hiểm điều gì, đơn giản là bạn đi theo đám đông, bạn đi cùng quần chúng. Với Đạo bạn phải đi một mình, bạn phải ở một mình. Đạo xem trọng cá nhân chứ không phải xã hội. Đạo xem trọng cá thể chứ không phải đám đông.
Đạo xem trọng cá nhân chứ không phải xã hội. Đạo xem trọng cá thể chứ không phải đám đông.
Đó là lí do vì sao tôi gọi Đạo là “con đường không lối”. Nó là đường đấy, nhưng không giống những con đường khác. Nó có phẩm chất khác biệt của riêng nó, phẩm chất của tự do, phẩm chất của hỗn độn, phẩm chất của hỗn mang. Đạo nói rằng nếu bạn áp đặt khuôn phép lên bản thân, bạn sẽ là nô lệ. Kỉ luật phải nảy sinh từ sự giác ngộ của bạn, thế thì bạn sẽ là đạo sư. Nếu bạn áp đặt trật tự lên cuộc sống của bạn, điều này sẽ chỉ là giả vờ; mất trật tự sẽ vẫn còn ẩn sâu trong cốt lõi của bản thể bạn. Trật tự sẽ chỉ có trên bề mặt; còn ở trung tâm vẫn là mất trật tự. Điều này chẳng ích gì.
Trật tự thật sự nảy sinh không phải từ bên ngoài, mà từ cốt lõi sâu thẳm nhất trong bản thể bạn. Cho phép mất trật tự, đừng kìm nén nó. Đối mặt với nó, chấp nhận thử thách của mất trật tự. Bằng việc chấp nhận thử thách của mất trật tự và sống nó, sống đầy rủi ro – trật tự nảy sinh trong bản thể bạn. Trật tự đó bắt nguồn từ hỗn loạn, không từ bất kì hình mẫu nào. Đấy là động thái hoàn toàn khác: nó sinh ra trong bạn và nó tươi mới; nó không mang tính truyền thống, nó nguyên sơ; nó không qua tay ai khác. Đạo không tin vào tôn giáo sang tay và Thượng đế sang tay. Nếu bạn theo Thượng đế của Jesus bạn trở thành giáo hữu Kitô, nếu bạn theo Thượng đế của Krishna bạn trở thành tín đồ Hindu, nếu bạn theo Thượng đế của Mohammed bạn trở thành tín đồ Hồi giáo. Đạo nói: Nhưng chừng nào còn chưa tìm ra Thượng đế của bạn, bạn còn chưa ở trên con đường.
Thế nên tất cả những con đường ấy đơn giản là làm bạn xao nhãng khỏi con đường thực. Theo người khác, bạn sẽ lạc lối. Theo bất kì hình mẫu cuộc sống nào, bạn trở thành nô lệ.
Tất nhiên, tự do là nguy hiểm bởi vì trong đó không có an ninh, trong đó không có an toàn. Vô cùng an toàn khi bạn theo đám đông. Đám đông bảo vệ bạn. Vô cùng an toàn khi bạn theo đám đông vì lẽ chính sự hiện diện của nhiều người khiến bạn cảm thấy bạn không lẻ loi và bạn không thể bị lạc. Vì cái an ninh ấy mà bạn đang bị lạc đấy, vì cái an ninh ấy mà bạn không bao giờ tìm và bạn không bao giờ kiếm và bạn không bao giờ dò hỏi. Và chân lí chẳng thể nào được tìm ra trừ phi bạn phải tự mình dò hỏi. Nếu bạn tiếp nhận thứ chân lí vay mượn, bạn trở nên có kiến thức; song có kiến thức không phải là biết.
Đạo cho rằng dù bạn vô minh và sự vô minh là của bạn, điều đó vẫn tốt – ít nhất nó là của bạn, và nó có sự hồn nhiên của nó. Nhưng nếu bạn bị chất nặng với đống tri thức, kinh sách, truyền thống được tích lũy, thế thì bạn đang sống một cuộc sống rởm, giả tạo. Thế thì bạn không thật sự sống đâu, bạn chỉ đang ra vẻ là bạn sống mà thôi. Bạn đang làm những cử chỉ bất lực, những cử chỉ rỗng tuếch. Cuộc sống của bạn không có cảm xúc mãnh liệt, không có đam mê – chẳng thể nào có đam mê. Đam mê chỉ nảy sinh chừng nào bạn đi theo cách riêng của bạn, một mình, vào khoảng trời bao la của hiện hữu.
Vì sao bạn không thể đi một mình? Vì bạn không tin vào cuộc sống. Để đi một mình người ta cần niềm tin lớn lao vào cuộc sống… cây cỏ, sông suối, trời đất, sự vĩnh hằng của vạn vật – người ta tin vào điều này. Bạn tin vào những quan niệm nhân tạo, bạn tin vào những hệ thống nhân tạo, bạn tin vào những ý thức hệ nhân tạo. Làm sao những ý thức hệ nhân tạo lại có thể đúng được?
Con người đã tạo ra những ý thức hệ này cốt để che giấu sự việc là con người không biết, để che giấu sự việc là con người vô minh. Con người láu cá, ranh mãnh và con người có thể tạo ra cách hợp lí hóa, nhưng những phương cách hợp lí hóa này đều huyễn ảo – bạn không thể đi cùng chúng vào chân lí được. Bạn sẽ phải rũ bỏ chúng.
Để tôi kể bạn nghe vài chuyện vui.
Trong tác phẩm lớn của Samuel Beckett, Trong khi chờ Godot, diễn ra tình tiết nhỏ này. Hãy suy gẫm về nó.
Hai kẻ lang thang, Vladimir và Estragon, trên sân khấu. Họ ở đó để đợi – cũng như mọi người khác trên thế gian này đều đợi; chẳng ai biết đích xác đợi cái gì. Mọi người đều đợi, hi vọng là điều gì đó sẽ xảy ra. Hôm nay chưa xảy ra thì ngày mai sẽ xảy ra. Đó là tâm trí con người: hôm nay đang bị phí hoài, song vẫn cứ hi vọng ngày mai điều gì đó sẽ xảy ra. Và hai kẻ lang thang ấy đang ngồi dưới gốc cây và chờ đợi… chờ đợi Godot.
Chẳng ai biết đích xác ông Godot này là ai. Từ này nghe giống God (Thượng đế) nhưng chỉ nghe giống thôi, chứ thực tế thì những vị thượng đế mà bạn đang chờ đợi là tất cả những ông Godot. Bạn đã tạo ra họ bởi vì người ta phải chờ đợi một điều gì đó, bằng không làm sao bạn chịu đựng nổi hiện hữu? Để làm gì? Làm cách nào bạn trì hoãn cuộc sống được? Làm cách nào bạn hi vọng được? Cuộc sống sẽ trở nên không thể chịu đựng nổi, bất khả, nếu như không có gì để chờ đợi. Ai đó chờ đợi tiền tài, và ai đó chờ đợi quyền lực, và ai đó chờ đợi chứng ngộ, và ai đó chờ đợi điều gì khác nữa; nhưng mọi người đều chờ đợi. Rồi những kẻ chờ đợi là những kẻ bỏ lỡ.
Hai kẻ lang thang ấy ở đó chỉ để chờ. Điều họ đang chờ là một người sẽ đến, ông Godot, người được mong đợi cấp cho họ chỗ trú và thức ăn. Trong khi chờ, họ giết thời gian bằng chuyện phiếm, chuyện đùa, trò chơi và cãi vặt…
Đó là thực chất cuộc sống của chúng ta: trong khi chờ đợi người ta loay hoay với những điều nhỏ nhặt. Điều lớn lao sẽ xảy ra ngày mai. Ngày mai Godot sẽ tới. Hôm nay người ta còn đang cãi vã – vợ cãi chồng, chồng cãi vợ. Những điều nhỏ nhặt: chuyện phiếm, chuyện đùa, trò chơi… nhạt nhẽo và rỗng tuếch. Hôm nay, đó là những gì mọi người cảm thấy: nhạt nhẽo, rỗng tuếch… “Chẳng được tích sự gì” là điệp khúc ngân đi ngân lại… Họ lặp đi lặp lại “Chẳng được tích sự gì”, thế rồi họ tự an ủi mình “Nhưng ngày mai ông ta sẽ tới”. Mà thật ra ông ta chưa bao giờ hứa với họ, họ chưa bao giờ gặp ông ta – đó là chuyện bịa. Người ta phải bịa đặt, do đau khổ mà người ta phải bịa ra cái ngày mai và cái gì đó để bám víu. Thượng đế của bạn, cõi trời của bạn, thiên đàng của bạn, giải thoát của bạn, toàn là chuyện bịa. Đạo không nói về chúng.
Vở kịch của Samuel Beckett, Trong khi chờ Godot, thấm đẫm tinh thần Đạo giáo.
Giữa màn một, hai kẻ lạ, Pozzo và Lucky, om sòm trên sân khấu. Pozzo dường như là một phú gia; còn Lucky, người hầu, bị dẫn tới khu chợ gần đó để bán đi.
Pozzo kể cho những kẻ lang thang nghe về những đức tính của Lucky mà điểm nổi bật nhất là hắn có thể nghĩ. Để cho họ thấy, Pozzo quất roi và ra lệnh: “Nghĩ đi!” rồi tiếp đó là “màn độc thoại lảm nhảm cuồng si mà trong đó những mảnh vụn thần học, khoa học, thể thao và lời giảng hỗn hợp chen chúc lộn xộn với nhau cho đến khi ba người kia lao vào hắn và làm hắn im miệng”.
Bạn đang nghĩ gì? Bạn định nói gì khi bạn nói “Tôi đang nghĩ”? Đó là “màn độc thoại lảm nhảm cuồng si mà trong đó những mảnh vụn thần học, khoa học, thể thao và lời giảng hỗn hợp chen chúc lộn xộn”… cho tới khi cái chết đến và khiến bạn im miệng. Toàn bộ suy nghĩ của bạn là gì? Bạn có thể nghĩ gì? Có gì ở đó mà nghĩ? Và qua suy nghĩ làm cách nào người ta có thể đến được chân lí? Suy nghĩ không thể nặn ra chân lí. Chân lí là trải nghiệm, và trải nghiệm chỉ xảy ra khi suy nghĩ không còn nữa.
Thế nên Đạo nói rằng thần học sẽ chẳng ích gì, triết học sẽ chẳng ích gì, logic học sẽ chẳng ích gì, lí trí sẽ chẳng ích gì. Bạn có thể vẫn cứ nghĩ hoài nghĩ mãi, rồi nó sẽ chẳng là gì ngoài bịa đặt – bịa đặt thuần túy của tâm trí con người để che giấu cái ngu xuẩn của riêng nó. Và thế rồi bạn có thể cứ tiếp tục mãi, giấc mơ này có thể dẫn tới giấc mơ khác, rồi giấc mơ khác lại có thể dẫn bạn tới giấc mơ khác nữa… mơ ở trong mơ ở trong mơ – toàn bộ triết học, thần học là như thế đó.
Mơ ở trong mơ ở trong mơ… đấy là cách tâm trí cứ tiếp diễn mãi. Một khi bạn bắt đầu mơ, không có kết thúc nào cho nó; và thứ mà bạn gọi là nghĩ thì tốt hơn nên gọi là mơ – nó không phải là nghĩ.