Đảo Quỷ là một tác phẩm xuất sắc của Edogawa Ranpo, nổi tiếng với cốt truyện phức tạp và mối quan hệ đầy bí ẩn giữa các nhân vật chính.
Câu chuyện bắt đầu với cái chết bí ẩn của người yêu của Minoura, người anh chàng này yêu thương hết mực. Sự kỳ lạ của vụ án được nhấn mạnh bởi việc cô gái trẻ đã để lại những lời cuối bí ẩn trước cái chết của mình.
Minoura quyết tâm tìm ra hung thủ sau cái chết đáng ngờ của người yêu. Trên hành trình này, anh được sự hỗ trợ và chăm sóc tận tình từ Moroto, một người bạn thân thiết và đồng thời là bác sĩ. Mặc dù Moroto có vẻ ngoài điển trai và hoàn hảo, nhưng anh ẩn chứa một tình cảm thầm kín đối với Minoura.
Hai người bạn này cùng nhau đối mặt với những bí ẩn và nguy hiểm trong cuộc hành trình tìm kiếm sự thật. Trên đường đi, họ phải đối mặt với những bóng ma và bí ẩn mơ hồ, làm dấy lên nhiều nghi ngờ và rối ren trong tâm trí họ.
Đảo Quỷ không chỉ là một câu chuyện ly kỳ và gây cấn, mà còn là một tác phẩm tâm lý sâu sắc, khám phá về lòng người và mối quan hệ giữa các nhân vật.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Đảo Quỷ của tác giả Edogawa Ranpo
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
MỞ ĐẦU
Tôi, vẫn chưa quá tam tuần, mà tóc tai bạc trắng, không sót lấy một sợi. Thử hỏi trên đời có ai kỳ lạ thế không? Chiếc mũ rộng vành trắng muốt phủ trên đầu kẻ trẻ tuổi như tôi trông chẳng kém cạnh gì người được gọi bằng cái tên “Thủ tướng tóc trắng*”. Gặp tôi, ai mà không biết nội tình, nhất định sẽ hướng ánh nhìn đầy hoài nghi lên đầu tôi trước nhất. Người thẳng thắn thì sẽ hỏi về mái tóc trắng kỳ lạ của tôi ngay câu trước câu sau. Đấy là điều mà dẫu người hỏi là nam hay nữ đi chăng nữa, tôi cũng đều khó lòng trả lời, cùng với một vấn đề khác vấn đề này chỉ có những quý bà hay qua lại thân thiết với vợ tôi mới biết để mà len lén tìm tôi hỏi nhỏ. Họ hỏi về vết thương to có hình thù đáng sợ nằm trên góc đùi mé bên trái của vợ tôi, ở đấy có một cái sẹo hình tròn méo mó, sắc thẫm tựa máu đỏ, trông như vết tích còn lại sau một cuộc phẫu thuật nghiêm trọng.
Hai điều lạ thường đó thật ra chẳng phải là bí mật động trời gì, bản thân tôi cũng không có lý do đặc biệt để chối từ kể về nguồn gốc của chúng. Chẳng qua, tôi cảm thấy phiền phức khi phải cố gắng giúp họ thấu hiểu câu chuyện của mình. Đó là cả một câu chuyện dài lê thê và nhạt nhẽo. Nhưng cứ cho là họ chịu đựng được sự tẻ ngắt vô vị đó mà kiên nhẫn nghe đến cuối, thì cũng chắc gì họ sẽ dễ dàng tin vào câu chuyện của tôi? Đại đa số đều đã mang sẵn định kiến ngay từ đầu rằng “Làm thế nào lại có chuyện đó được?”, cứ như thể tôi đã đơm đặt nên chuyện không bằng. Mái đầu bạc trắng của tôi, cùng với vết thương của vợ tôi chính là minh chứng rõ ràng nhất, thế mà vẫn không một ai tin. Có lẽ là vì những sự kiện mà chúng tôi đã phải trải qua, quả thật kỳ quái đến không tưởng.
Tôi từng đọc một cuốn tiểu thuyết có tựa đề Quỷ tóc trắng*, kể về một vị quý tộc do bị chôn cất quá vội vàng nên phải nằm yên trong mộ, nếm trải cảm giác muốn ra không được, muốn chết không xong; trải qua một đêm, mái tóc đen nhánh của anh ta đã bạc trắng. Bên cạnh đó, tôi còn được nghe chuyện một người đàn ông nhốt mình vào trong thùng phuy bằng sắt rồi tự thả mình xuống dòng thác Niagara chảy xiết. May mắn làm sao, anh ta an toàn rơi xuống chân thác mà không bị thương nghiêm trọng, nhưng chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, đầu tóc của anh ta đã trở nên trắng xóa. Có vẻ như, nếu có thể khiến cho tóc tai con người trở nên bạc phơ ngay trong tích tắc, thì đó nhất định phải là chuyện gây nên sự khiếp đảm tột độ hoặc nỗi thống khổ khôn cùng mà trên đời khó gì bì nổi. Chẳng phải mái tóc trắng phau của một người chưa đến ba mươi tuổi như tôi chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tôi đã phải trải qua sự việc khủng khiếp đến mức khó ai tin được hay sao? Vết thương của vợ tôi, có thể nói cũng xuất phát nguồn từ đó. Nếu để bác sĩ ngoại khoa khám, chắc chắn họ sẽ rất vất vả để đoán xem rốt cuộc vết thương ấy vì đâu mà thành. Không có mụn nào để lại sẹo lớn cỡ vậy, nhưng kể cả là mắc bệnh trầm kha thì cũng chẳng có gã lang băm nào vụng về đến mức để lại một vết mổ khổng lồ như thế. Nói là bị bỏng, thì vết chữa cũng không như vậy, và càng không phải là vết chàm đã có từ khi sinh ra. Hơn hết, dấu vết này hoàn toàn không phải bị gây nên do tai nạn bình thường.
Chính vì thế mà mỗi lần nghe người ta hỏi, tôi không chỉ chán ngán mà còn vô cùng ngứa ngáy bởi biết rõ dù mình có hào hứng kể lại cách mấy, họ cũng sẽ không đời nào mà tin. Thật lòng tôi rất muốn kể cho cả thế giới biết về sự kiện ly kỳ chẳng thể tưởng tượng nổi mà chúng tôi đã phải trải nghiệm, về chốn hoang liêu điêu tàn mà chúng tôi từng đặt chân tới, rằng trên đời vẫn có thể xảy ra những sự việc quá ư kinh thiên động địa. Từ đó tôi nghĩ, sao mình không ghi lại hồi ức của bản thân thành một cuốn sách để mỗi khi bị hỏi, mình có thể chìa ra trước mặt họ và nói: “Tôi đã ghi đầy đủ mọi thứ vào đây rồi. Hãy đọc đi, rồi tự giải đáp nghi vấn của bạn!”
Nhưng vấn đề là, tôi chẳng có kinh nghiệm viết lách. Tuy bản thân vốn thích tiểu thuyết nên cũng đọc khá nhiều, nhưng từ khi kết thúc môn viết luận trong năm đầu tiên ở trường thực nghiệm, ngoài kinh nghiệm học được từ việc viết thư công việc ra, hầu như tôi chưa bao giờ viết gì có thể gọi là văn chương cả. Bèn thử tham khảo những cuốn tiểu thuyết mình đọc, tôi nhận thấy có vẻ chỉ cần đem ý nghĩ viết thành lời là xong, chắc tôi làm theo cách đó là được nhỉ? Vả lại, câu chuyện không phải bịa đặt mà hoàn toàn là thực tế bản thân đã trải qua, thế thì càng dễ nữa. Tự thuyết phục mình như thế, tôi liền bắt tay vào viết thử, để rồi nhận ra nó không hề đơn giản như mình tưởng tượng. Thứ nhất, nó hoàn toàn trái với suy nghĩ của tôi, vì câu chuyện được lấy từ sự kiện có thật nên ngược lại, càng khó để miêu tả. Một kẻ không quen với câu chữ như tôi, khi viết lại bị chính câu văn nét chữ của mình sai khiến, ghi toàn những điều dư thừa, trong khi việc cần kể thì lại không đưa vào khiến cho mọi trải nghiệm tưởng chừng gay cấn bỗng chốc sặc mùi bịa đặt hơn cả tiểu thuyết ba xu. Lúc này tôi mới hiểu, viết lại một sự thật theo cách chân thực nhất khó khăn đến nhường nào.
Chỉ nội việc kể lại ngọn nguồn câu chuyện, tôi đã tốn hết hai mươi trang giấy, hết viết rồi xé, hết xé rồi viết… Rốt cuộc, tôi quyết định bắt đầu từ mối tình giữa tôi với Kizaki Hatsuyo, bởi lẽ nó có vẻ ổn thỏa nhất. Thực ra, việc tường thuật lại thiên tình sử của bản thân rồi công bố nó trước công chúng đối với một kẻ không phải là nhà văn như tôi mà nói, là chuyện rất đỗi ngượng ngùng, thậm chí tôi cảm tưởng mình bị tra tấn. Song suy đi tính lại, nếu không kể thì câu chuyện sẽ mất tính liên kết ngay, nên không chỉ thiên tình sử với Hatsuyo mà đến cả những chuyện khác, tôi cũng phải kể lại toàn bộ, và điều kinh khủng nhất là tôi phải dằn nén cảm giác nhục nhã để kể lại mối quan hệ đồng tính với một người.
Xét theo khía cạnh vụ án, câu chuyện được mở đầu bằng hai cái chết bất thường, hay nói đúng hơn là hai vụ án mạng xảy ra chỉ trong chưa đầy hai tháng, vậy ta có thể xem nó như các tác phẩm trinh thám hay kinh dị khác trên thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế còn quái gở hơn nhiều. Vụ án được nhắc đến xuyên suốt toàn bộ mạch truyện lại xảy ra trước khi cốt truyện chính được bắt đầu: Kizaki Hatsuyo người yêu (hoặc cũng có thể coi là nhân vật phụ) của nhân vật chính trong câu chuyện này là tôi bị sát hại; cộng thêm một người nữa là Miyamagi Koukichi vị thám tử nghiệp dư đáng ngưỡng mộ mà tôi đã nhờ anh ta điều tra về cái chết của Hatsuyo cũng đã bị giết chết. Nhưng quan trọng hơn cả, câu chuyện ly kỳ mà tôi định kể sau đây dù chỉ bắt đầu bằng hai cái chết lạ thường nhưng lại liên quan đến một dã tâm long trời lở đất được toan tính thực hiện trên quy mô rộng lớn, một tội ác ghê tởm đến mức không ai trên trần gian có thể hình dung.
Bằng nỗi khổ của một kẻ đang tập viết văn một cách vụng về, lời cảnh báo của tôi rốt cuộc lại đầy lời lẽ khoa trương và ngôn từ cường điệu, khiến cho câu chuyện chẳng có tính uy hiếp gì đối với quý vị độc giả hơn là những câu từ sáo rỗng (nhưng tôi tin về sau quý vị sẽ hiểu là tôi không hề dựng chuyện cho có), nên tôi sẽ kết thúc phần mở đầu ở đây mà chuyển sang nội dung chính nghèo nàn của mình.
—-
ĐÊM KỶ NIỆM
Khi ấy tôi còn là một thanh niên hai mươi lăm tuổi, làm nhân viên sổ sách tại một công ty mậu dịch hợp doanh tên S&K đặt văn phòng trong một tòa cao ốc ở quận Marunouchi. Tuy nói là tôi chi toàn bộ số lương tháng ít ỏi cho riêng mình, nhưng thật ra là vì gia đình tôi vốn dĩ cũng không khá giả đến mức cho tôi học lên cao nữa sau khi tốt nghiệp trường thực nghiệm W, nên tôi đành phải tự lực cánh sinh.
Hai mươi mốt tuổi, tôi đã bắt đầu đi làm, và đến mùa xuân năm ấy là vừa tròn bốn năm. Công việc được giao thuộc một phần công đoạn tính toán sổ sách thu chi nên tôi chỉ việc gõ bàn tính lạch cạch từ sáng đến tối. Tuy nhiên, có lẽ bởi dư âm sót lại từ khoảng thời gian ở trường thực nghiệm, mà tôi vô cùng có hứng thú với tiểu thuyết, hội họa, kịch nghệ lẫn phim ảnh, nên không thể phủ nhận so với các nhân viên bình thường khác, thì những người có chút máu nghệ thuật như tôi càng chán ghét dạng công việc máy móc rập khuôn thế này hơn gấp bội. Đồng nghiệp của tôi đa phần đều có tính cách hoạt bát, sáng sủa, tối tối lại lui tới mấy địa điểm cà phê hoặc vũ trường, hễ rảnh là bàn tán sôi nổi về thể thao, trong khi tính tôi lại hướng nội và ưa thơ thẩn nên có thể nói, suốt bốn năm ròng, tôi không có lấy một người bạn thân. Hiển nhiên điều đó đã khiến quãng thời gian đi làm của tôi trở nên vô nghĩa biết mấy.
Mãi cho đến nửa năm trước, cuối cùng tôi đã không còn ghét việc mỗi sáng phải thức dậy đi làm nữa. Đó là vì Kizaki Hatsuyo khi ấy chỉ mới mười tám tuổi đến công ty S&K thực tập rồi trở thành nhân viên chính thức với vai trò soạn thảo văn bản. Kizaki Hatsuyo là mẫu phụ nữ lý tưởng mà tôi đã luôn hình dung trong đầu. Nếu tôi mô tả một cách tường tận, chi tiết, đó sẽ là “làn da trắng nhuốm màu ảm đạm nhưng không hề thiếu sức sống, cơ thể mềm dẻo, kết cấu linh hoạt đàn hồi tựa xương cá voi song lại không quá tráng kiện như ngựa Ả Rập, đối với một người phụ nữ thì đôi mày bất xứng nổi bật giữa vầng trán cao rộng trắng muốt quả thật tiềm tàng nét quyến rũ khó tả, đuôi mắt dài miên man chứa đựng muôn vàn bí ẩn khiến ta chìm sâu, mũi không quá cao, môi không quá mỏng như được chạm khắc giữa đôi gò má duyên dáng cùng chiếc cằm thon nhỏ, khoảng cách giữa mũi và môi trên hẹp hơn so với mặt bằng chung, thậm chí môi trên còn hơi nhếch”. Tuy có vẻ không giống Hatsuyo chút nào, nhưng đại khái thì cô ấy chính là như thế, chệch so với tiêu chuẩn một phụ nữ đẹp theo quan niệm bình thường, nhưng lại là hình mẫu mà chỉ có tôi mới cảm nhận được nét quyến rũ độc nhất vô nhị.
Kẻ hướng nội như tôi suốt nửa năm đó không thể nói bất kỳ câu nào với cô ấy, ngay cả buổi sáng chạm mặt cũng chẳng nhìn nhau mà chào (ở văn phòng đông nhân viên, ngoại trừ những buổi trao đổi công việc hoặc có ai đó mới đến, thường thì người ta không có thói quen làm nghi thức chào buổi sáng). Trong hoàn cảnh như vậy, nếu hỏi làm thế nào mà chúng tôi để ý tới nhau, thì phải kể đến buổi sáng tôi chủ động bắt chuyện với cô ấy. Sau này nghĩ lại mới nhận ra, việc này, à không, phải nói là việc cô ấy vào làm trong văn phòng của tôi quả thật là cơ duyên kỳ lạ. Ý tôi không phải đang nhắc đến mối tình được đơm hoa kết trái, bén rễ nên cành giữa tôi và cô ấy, mà tôi muốn đề cập đến một chuyện còn quan trọng hơn thế gấp bội. Nó là về cách vận mệnh xoay vần đã dẫn dắt tôi từ việc chủ động bắt chuyện với cô cho đến sự kiện kinh thiên động địa mà tôi sẽ kể lại trong sách.
Khi ấy, Kizaki Hatsuyo chải hết tóc ra đằng sau rồi buộc gọn lên, để lộ khuôn mặt thanh tú, đầu hơi chúi về đằng trước do phải đánh máy nhiều, người mặc đồng phục đi làm bằng vải serge màu hoa tử đằng, đang cặm cụi gõ gì đó.
“HIGUCHI HIGUCHI HIGUCHI HIGUCHI HIGUCHI HIGUCHI HIGUCHI”
Nhìn thử thì phát hiện trên màn hình lúc này đã dày đặc các ký tự trông như họ một người nào đó, “Higuchi” thì phải, được gõ liền nhau như thể hoa văn.
“Cô Kizaki chú tâm thật nhỉ?”
Lúc ấy, tôi chỉ muốn lên tiếng bắt chuyện mà thôi. Song bởi thói quen mà người hướng nội vẫn hay mắc phải, tôi lập tức ngượng ngùng nín thinh, và rồi bằng một cách không thể dại dột hơn, tôi lại rụt rè gọi lần nữa, “Cô Higuchi.”
Như phản ứng lại âm hưởng đó, Kizaki Hatsuyo liền ngoái lại hỏi, “Chuyện gì vậy?”
Giọng cô lúc ấy hết sức bình thường, chỉ là cô ấy đã trả lời với dáng vẻ ngây thơ tựa học sinh tiểu học như thể không hề ngần ngại khi mình được gọi với cái tên Higuchi. Tôi lại chần chừ. Có khi nào trước giờ tôi đã hiểu nhầm họ của cô ấy chăng? Rõ ràng cô ấy đang đánh họ thật của mình mà. Thắc mắc này tạm thời khiến tôi quên đi sự ngại nghịu để đánh bạo hỏi có bằng một câu dài ngoài dự đoán, “Cô tên Higuchi sao? Vậy mà trước giờ tôi cứ tưởng họ cô là Kizaki chứ.”
Tôi mới chỉ nói đến đấy mà vành mắt cô đã ửng đỏ, chừng như cô lại rơi vào bể xúc động.
“Cái đó, là do tôi nhầm thôi… Tên của tôi là Kizaki.”
“Thế Higuchi là tên ai? Có phải tên người yê…” Nhận ra mình sỗ sàng, tôi vội che miệng lại.
“Không phải đâu…”
Kizaki Hatsuyo cuống quýt rút tờ giấy từ trong máy ra, vò lại thành cục nhăn nhúm.
Nếu muốn hỏi tại sao tôi lại đưa cuộc đối thoại tẻ nhạt này vào câu chuyện của mình, thì xin thưa là tôi có lý do cả. Không chỉ bởi cuộc đối thoại này là cơ duyên kết nối mối quan hệ giữa hai chúng tôi thêm sâu đậm, mà còn bởi cái họ “Higuchi” mà cô ấy đã cặm cụi gõ, và cả thái độ điềm nhiên như không khi được gọi là “Higuchi” ấy, đều hàm chứa ý nghĩa khổng lồ liên quan đến căn nguyên mọi chuyện.
Mục đích chính của cuốn sách này không phải viết về chuyện đôi lứa yêu nhau, và lại nếu muốn “ăn gian” độ dài thì vẫn còn có cả tá chuyện tương tự thế nhưng đáng kể hơn nhiều; nên từ bây giờ tôi xin phép tổng kết để chốt lại tiến trình yêu đương giữa tôi và Kizaki Hatsuyo. Kể từ sau cuộc nói chuyện nọ, chúng tôi bắt đầu chờ người kia tan làm để cùng nhau đi bộ về nhà. Và rồi tự chừng nào chẳng rõ, khoảng thời gian ngắn ngủi khi đứng chờ trong thang máy, khoảng thời gian từ lúc ra khỏi tòa nhà rồi đi bộ đến nhà ga, và khoảng thời gian chờ chuyến tàu để cô ấy bắt chuyến khác về Sugamo, còn tôi thì đi Waseda… đều đã trở thành những khoảnh khắc vui vẻ nhất trong ngày. Không bao lâu sau, chúng tôi đã trở nên bạo dạn hơn. Cả hai về nhà muộn hơn, cùng nhau nấn ná trên băng ghế tại một góc công viên Hibiya gần văn phòng để tán gẫu vụn vặt. Đôi khi chúng tôi ghé một quán cà phê bình dân ở gần trạm trung chuyển Ogawamachi, gọi hết tách trà này đến tách trà khác. Qua nửa năm, hai con người ngây thơ trong sáng chúng tôi mới có thể dồn hết dũng khí để thuê một căn phòng khách sạn vô danh nằm ở ngoại ô hẻo lánh.
Tim Kizaki Hatsuyo trống vắng cũng giống như lòng tôi trơ trọi vậy. Cả hai chúng tôi đều không phải là tuýp người cởi mở và dạn dĩ của thời đại mới. Hơn nữa, có một điều rất đỗi vui mừng thế này: Nếu đối với tôi, dung mạo của cô ấy chính là kiệt tác mà tôi hằng mơ tưởng từ khi sinh ra, thì đối với cô ấy, ngoại hình của tôi cũng hoàn toàn phù hợp với mẫu người lý tưởng từ thuở nhỏ. Nói ra thì hơi lạ, nhưng thú thực tôi khá tự tin về ngoại hình của mình. Moroto Michio là một nhân vật đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện này. Anh ta tốt nghiệp ngành Y, hiện tại đang tiến hành công việc nghiên cứu kỳ lạ nào đó ở phòng thí nghiệm; và theo cảm nhận của bản thân tôi thì lúc anh ta còn là sinh viên Y khoa, tôi còn là học sinh trường thực nghiệm, có vẻ anh ta đã từng dành cho tôi tình cảm đậm sâu.
Theo những gì tôi biết, Moroto Michio là một thanh niên xuất sắc cả về phương diện trí óc lẫn ngoại hình, nhất là phong thái quý tộc toát ra từ anh ta. Tất nhiên tôi tuyệt đối không có tình cảm mờ ám nào đối với Moroto cả, nhưng hễ nghĩ rằng mình lọt vào mắt xanh của một người hoàn mỹ như vậy, tôi vẫn ít nhiều tự đắc với ngoại hình của mình lắm. Tuy nhiên sau này vẫn còn nhiều cơ hội để kể chuyện giữa tôi và Moroto nên tôi xin tạm dừng ở đây đã.
Quay trở lại đêm đầu tiên với Kizaki Hatsuyo trong khách sạn ngoại ô hẻo lánh, thực lòng đến giờ tôi vẫn không quên được.
Chúng tôi ngày ấy bị kích thích bởi ý tưởng lâm li bi đát là bỏ nhà chạy theo tiếng gọi con tim, nhưng thực chất tôi đã pha cả ba loại Whisky mà mình không quen uống vào chung một ly, còn Hatsuyo thì uống tận hai ly cocktail ngọt, nên mặt mày ai nấy đều đỏ au, rồi dần dà, chúng tôi vứt luôn cả lý trí, không còn biết gì là ngượng ngùng xấu hổ nữa, kết quả là cả hai cùng đứng ở sảnh khách sạn. Chúng tôi được dẫn tới căn phòng có đặt một chiếc giường phủ khăn lớn, xung quanh âm u như những nếp nhăn nhàu nhĩ trên giấy dán tường. Ngay khi nhân viên khách sạn đặt chìa khóa và trà đặc xuống rồi im ắng rời đi, cả hai chúng tôi thình lình quay sang nhìn nhau bằng ánh mắt toát vẻ ngạc nhiên tột độ. Hatsuyo trước giờ luôn có ý chí vững vàng kiên định dẫu rằng cơ thể mỏng manh, vậy mà giờ đây mặt cô lại xanh mét, đôi môi nhợt nhạt không còn sắc máu.
“Em sợ sao?”
Tôi khẽ hỏi, chủ yếu để phân tán nỗi sợ. Cô cụp mắt, lắc đầu, nhẹ tới mức gần như không nhìn ra. Dù không nói gì, tôi vẫn biết cô ấy đang sợ hãi.
Tình thế lúc ấy kỳ dị và khó chịu. Có lẽ không ai trong chúng tôi lường trước được việc này. Lẽ ra chúng tôi đã có thể vứt bỏ hết mọi chướng ngại, tận tình hưởng thụ đêm đầu tiên của cả hai như những người trưởng thành khác, thế mà đến cả dũng khí để cùng nhau nằm xuống giường cũng chẳng có, thậm chí cả hai còn chẳng có ý định cởi đồ để lộ da thịt. Nếu tả chính xác tình huống lúc ấy như nào thì chính là, chúng tôi vừa bồn chồn vừa lo lắng đến mức không làm được việc gì khác, quên bẵng cả việc trao nhau những nụ hôn trước đây thỉnh thoảng hay làm, chỉ ngồi trên giường, cạnh nhau, gượng gạo đung đưa hai chân hòng xua đi bầu không khí xấu hổ trong suốt một tiếng.
“Này, sao mình không nói chuyện đi? Đột nhiên em muốn kể về thời thơ bé của mình quá chừng.”
Giọng cô ấy vừa trong trẻo lại vừa trầm thấp, khiến toàn thân đang căng thẳng của tôi bỗng chốc thả lỏng, tâm trạng cũng theo đó mà thư thái hơn.
“Em kể đi nào. Anh muốn nghe chuyện của em.”
Cô ấy điều chỉnh tư thế cho thoải mái, rồi bắt đầu dùng chất giọng mảnh dẻ, trong vắt của mình kể lại hồi ức kỳ lạ thời thơ ấu. Tôi chăm chú lắng nghe mà hầu như không buồn trở mình, thật sự nhập tâm. Giọng cô ấy êm đềm dễ nghe như đang hát ru, bất giác tôi đã chăm chú thưởng thức câu chuyện từ đầu đến cuối.
Thật ra từ trước đó, rồi cả sau hôm đó cũng vậy, cô ấy vẫn luôn kể đi kể lại câu chuyện kia một cách rời rạc, nhưng tôi lại không cảm nhận được gì từ nó cả. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ từng câu từng chữ mà cô ấy đã kể, nhưng sẽ không viết toàn bộ nội dung đời tư của cô ấy ra đây, bởi vì điều đó không cần thiết cho cuốn sách này. Tôi sẽ chỉ viết lại những chi tiết có liên quan tới mạch sự kiện về sau và tổng hợp nó theo cách đơn giản nhất.
“Như em hay kể với anh rồi ấy, em hoàn toàn không biết mình là con ai và được sinh ra ở đâu. Em có một người mẹ, tuy anh chưa gặp bao giờ, nhưng nói chung là em đang sống với bà ấy, hai mẹ con nương tựa lẫn nhau, em làm việc là để phụ giúp mẹ. Có lần, mẹ nói với em thế này: ‘Hatsuyo, con là đứa trẻ mà cha mẹ nhặt về ở một bến thuyền gọi là Cửa sông Osaka và hết lòng nuôi nấng nên người. Con rúc trong một góc tối ở phòng chờ bến tàu, tay nắm một bọc furoshiki* nhỏ, khóc thút thít. Cha mẹ mở chiếc học đó ra xem, trong đó là một tập gia phả chắc là ghi chép về tổ tiên của con, và thêm một tờ giấy ghi chú viết tên con là Hatsuyo, nhờ chúng mà cha mẹ mới biết ngày ấy con tròn ba tuổi. Vừa khéo cha mẹ hiếm muộn nên cũng không định báo việc này cho cảnh sát, cứ thế đem con về dưỡng dục với tâm niệm con là đứa con gái mà thần linh ban tặng. Giờ cha con cũng đã qua đời rồi, mẹ chỉ còn một thân một mình, thế nên mẹ mong con đừng chê mà hãy coi mẹ là mẹ ruột’. Nghe mẹ nói thế, em cứ có cảm giác sao mà giống truyện cổ tích thế, chẳng cảm thấy tủi thân gì nữa. Nhưng mà lạ lắm anh à, rõ là không đau lòng nhưng nước mắt cứ tuôn rơi, không ngừng lại được.”
Thuở cha Hatsuyo còn tại thế, ông đã dùng đủ mọi cách để tra cứu thông tin về tập gia phả với ý định là sẽ đến thăm cha mẹ ruột của cô, nhưng do tập gia phả bị rách, chỉ có tên họ, số hiệu gia phả cùng với tên thụy của ông bà được liệt kê ra mà thôi.
Ngoài ra, khi xem xét phần còn lại của tập gia phả, cha Hatsuyo còn phát hiện cô là con cháu gia đình võ sĩ quyền quý, nhưng do không có bất cứ ghi chú nào tỷ như gia đình cô thuộc phiên* nào, địa chỉ ở đâu, nên rốt cuộc vẫn lực bất tòng tâm.
“Lúc ấy đã tận ba tuổi, vậy mà mặt mũi cha mẹ ra sao cũng không nhớ, có khi em bị ngốc thật. Đã thế còn bị bỏ rơi giữa biển người. Nhưng vẫn có hai điều em còn nhớ như in, đến mức dẫu nhắm mắt, thì nó vẫn sẽ hiện ra sống động. Thứ nhất là khung cảnh em chơi đùa cùng một đứa bé dưới ánh nắng chan hòa trên một nơi nào đó từa tựa bãi cỏ mọc ven biển. Đó là một đứa trẻ xinh xắn và em là chị của nó thì phải, có lẽ em đang trông nom nó. Phía dưới là màu biển xanh biếc, và tận đằng xa kia, giữa làn sương tím trôi bảng lảng, em có thể nhìn thấy phần đất liền có hình dạng con bò nằm ngủ của một nơi nào đó. Thỉnh thoảng em vẫn hay tự hỏi, đứa bé ấy phải chăng là anh chị em ruột của mình, nhưng lại không bị vứt bỏ như em mà được sống hạnh phúc cùng cha mẹ ở nơi nào đó ư? Hễ nghĩ thế, ngực em liền thắt lại, cảm giác vừa quyến luyến thương nhớ, vừa xót xa khôn cùng.”
Hatsuyo phóng mắt ra xa xăm, miệng lẩm bẩm như tự độc thoại. Cô tiếp tục kể về hồi ức khác.
“Trong giấc mơ của em có ngọn núi nhỏ, toàn bộ là đá hay sao ấy, khung cảnh em thấy vừa nãy là được nhìn từ lưng chừng ngọn núi. Rồi cách đó không xa là một tòa dinh thự lớn rộng, bên ngoài bọc hàng rào sừng sững tựa Vạn Lý Trường Thành, mái ngói của nhà chính thì oai vệ hệt như một con chim lớn đang sải cánh, và còn gian nhà kho màu trắng bên cạnh nữa, tất thảy hiển hiện rõ ràng dưới ánh mặt trời rực rỡ. Chỉ có độc một tòa dinh thự ấy thôi, xung quanh chẳng còn căn nhà nào cả. Ở phía bên kia của tòa dinh thự là mặt biển xanh biếc, và phía bên kia bên kia nữa thì là dải đất hình con bò đang nằm. Không sai vào đâu được.
Chắc chắn là cùng một khung cảnh với nơi mà em và đứa trẻ kia chơi đùa. Em đã mơ về cùng một nơi nhiều chẳng đếm xuể. Trong mơ, mỗi khi em tự hỏi liệu lần này có lại tới đó nữa không, thì bước tiếp theo của em nhất định sẽ đến được ngọn núi đá. Em nghĩ chỉ cần cố gắng đi khắp ngóc ngách của nước Nhật này, sớm muộn gì cũng sẽ tìm được cảnh sắc y hệt trong mơ. Biết đâu đó là nơi chôn nhau cắt rốn của em cũng không chừng.”
“Khoan khoan!” Tôi vội ngắt lời Hatsuyo, “Khung cảnh trong mơ của em vẽ thành tranh được đấy, hay để anh vẽ ra nhỉ, tuy có thể không được đẹp lắm thôi.”
“Vậy để em mô tả rõ hơn nhé.”
Tôi lấy tờ ghi chú mà khách sạn đã đặt sẵn trong chiếc rổ trên bàn và cây bút bi kèm theo để vẽ cảnh bờ biển mà Hatsuyo trông thấy từ núi đá. Đương nhiên giây phút này tôi cũng chẳng tưởng tượng được bức phác họa nguệch ngoạc về sau sẽ lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tôi nhường vậy.
“Nhìn kỹ thì đúng là kỳ kỳ, nhưng mà quả thật là thế đó, anh vẽ đúng rồi!” Hatsuyo xem bức tranh tôi vừa hoàn thành, mừng rỡ reo lên.
“Cho anh cái này nhé.” Với ý nghĩ là đang ấp ủ ước mơ của người yêu, tôi gấp bức tranh lại, bỏ vào túi trong áo khoác.
Sau đó, Hatsuyo lại kể tiếp về vô vàn kỷ niệm vui buồn từ lúc cô bắt đầu hiểu chuyện cho tới giờ. Những chuyện đó không cần phải viết ra ở đây. Chung quy là, chúng tôi đã trải qua đêm đầu tiên của nhau theo một cách đẹp đẽ ngỡ như giấc mộng. Và cũng chẳng ở lại khách sạn làm gì, ngay tối khuya, hai đứa chúng tôi ai về nhà nấy.