Mikhail Aleksandrovich Sholokhov là một nhà văn Liên Xô nổi tiếng và là người được trao Giải Nobel Văn học năm 1965.
Mikhail Sholokhov được biết tới nhiều nhất qua bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, tác phẩm được Jorge Amado cho rằng có thể sánh với Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy. Ngoài ra Sholokhov còn có nhiều sáng tác về những người Cozak vùng Sông Đông và về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Năm 1925, Sholokhov bắt tay vào viết tập đầu tiên của một bộ tiểu thuyết đồ sộ khác, bộ Đất vỡ hoang (Podnyataya Tselina) phản ánh phong trào tập thể hóa nông nghiệp ở nông thôn Nga. Bộ tiểu thuyết đã phải mất gần 30 năm mới hoàn thành đủ hai tập khi bản thảo của tác giả bị thiêu hủy trong thời gian Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đất vỡ hoang đã được trao Giải thưởng Lênin, giải thưởng cao nhất dành cho lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật của Liên Xô.
Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, giữa lúc đông đảo bạn đọc của M.Sholokhov đang hồi hộp theo dõi số phận của bộ tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm”, giữa lúc tác giả đang dồn sức viết tập 3 của tác phẩm đồ sộ này để đáp lại lòng hâm mộ của bạn đọc, thì ở quê hương của nhà văn cũng như trên toàn nông thôn Liên Xô diễn ra phong trào tập thể hoá nông nghiệp. Tâm hồn nhạy cảm và tính Đảng của người nghệ sỹ lớn đã thôi thúc nhà văn phải đến ngay với những sự kiện của phong trào cách mạng to lớn ấy. Bản thảo tập 3 của “Sông Đông êm đềm” đành phải tạm để lại một bên, tác giả lao vào đề tài mới với bộ tiểu thuyết ”Đât vỡ hoang”.
Ngày nay đọc hai tập “Đất vỡ hoang” liền một mạch, độc giả thấy mình tiếp xúc với một chỉnh thể hoàn hảo; nếu không được giới thiệu tiếp xúc thì khó mà biết tập 1 và tập 2 ra đời cách nhau hơn 20 năm. Bản thảo dở dang của tập 2 đã bị huỷ hoại trong chiến tranh, tác giả phải viết lại hoàn toàn; đầu năm 1954 những chương đầu của tập 2 mới ra mắt bạn đọc; năm 1960 tác phẩm mới in xong trọn bộ. Nếu như ở tập 1 dồn dập sự kiện bề bộn sôi động của những ngày đầu thành lập nông trang, nổi bật lên những biến đổi xã hội, những sự kiện chính trị; thì sang tập 2 dòng tự sự chậm lại, đi sâu vào những câu chuyện tâm tình, đi sâu vào sự khám phá những ngóc ngách của lòng người; những vấn đề xã hội hiện ra qua những lời tâm sự; âm hưởng trữ tình nổi bật lên.
Cũng như ở “Sông Đông êm đềm”, người đọc gặp lại ở “Đất vỡ hoang” ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt không khoan nhượng của Sholokhov. Từ những trang sách hiện lên sự thực phong phú đa dạng, đầy mâu thuẫn, rất phức tạp, những sự thật đôi lúc tàn nhẫn, thậm chí tàn khốc, trong sự trần trụi không che giấu, không chút xuê xoa. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói đến nghệ thuật trào phúng dí dỏm có những lúc rất táo bạo độc đáo của Sholokhov. Thật là bất ngờ khi người đọc bắt gặp hai tính cách trái ngược nhau là Nagunốp và Suka kề vai sát cánh thành đôi bạn tri âm cùng lắng nghe “dàn nhạc gà trống” giữa đêm khuya. Cũng phải thật cao tay mới có thể dàn dựng nên cả một quá khứ với bao nhiêu nỗi đời cơ cực đắng cay đằng sau những lời lẽ bông phèng ba hoa khoác lác đến chết cười của ông lão Suka.
Cái trào phúng dí dỏm, cũng như cái trữ tình thiết tha sâu lắng hay cái hiện thực nghiêm ngặt của Sholokhov bao giờ cũng thấm đượm một tính triết lý thâm thuý, có sức lay động đến tận những chốn sâu thẳm của tâm hồn, buộc người ta phải suy nghĩ băn khoăn cùng với tác giả. Nhờ vậy mà “Đất vỡ hoang” tuy phản ánh một khoảnh khắc của lịch sử ở một thôn nhỏ vùng sông Đông mà đã vượt qua được thử thách của thời gian và sự sàng lọc của lịch sử để trở thành tài sản tinh thần chung của nền văn học thế giới. Đavưđốp, Nagunốp, Radơmiốtnốp, Maiđanhicốp, Varia, Suka và cả Luska nữa, cùng với bao nhiêu nhân vật khác của Sholokhov sẽ còn đi mãi giữa cuộc đời với bao nhiêu bạn đọc trên thế giới.
Cuối tháng Giêng, gặp buổi đầu trời trở ấm, các vườn hoa anh đào toả hương thơm ngát. Vào buổi trưa, đây đó là những quãng khuất gió, nếu như trời nắng, vỏ cây anh đào bốc lên một mùi thoang thoảng, rầu rầu, hoà với hơi ẩm nhạt nhẽo của tuyết tan, với hương vị đậm đà, cổ xưa xông lên từ dưới dải đất vừa mới ló ra khỏi lớp tuyết, và tầng lá mục.
Hương vị dịu ngọt của muôn hoa cứ quyện lấy vườn tược cho đến lúc bóng đêm xanh lam buông xuống, cho đến lúc vành trăng lưỡi liềm xanh phớt ló ra qua những cành cây trụi lá, cho đến lúc những chú thỏ rừng ăn no béo mỡ nhảy nhót vứt lại trên mặt tuyết những đốm vết chân mịn màng.
Thế rồi gió đưa về từ các ngọn đồi thảo nguyên mùi dịu dịu của cây ngải cứu héo khô vì băng giá; hương vị và âm thanh của ban ngày chìm lắng đi và bóng đêm, như một con sói cái lông xám, từ đằng Đông lặng lẽ đổ về, lướt qua những bụi ích mẫu, những đám cỏ dại, những thửa ruộng rạ héo hon, những cánh đồng ải mùa thu nhấp nhô như sóng lượn, để lại đằng sau nó trên thảo nguyên lê thê bóng hoàng hôn chạng vạng.° ° °
Một tối tháng Giêng năm 1930, trên con đường hẻm rìa thảo nguyên, có một người cưỡi ngựa đi vào ấp Grêmiatsi Lốc. Tới gần ngòi, người ấy dừng con ngựa đã mệt nhoài hai bên sườn sương đóng bết từng mảng, và nhảy xuống. Vầng trăng hạ tuần đã treo lơ lửng bên trên bóng đen ngòm của các vườn cây chạy dọc hai bên con đường hẹp, bên trên những rặng cây dương um tùm như những hòn đảo. Con đường hẻm tối và lặng ngắt. Đâu đó, bên kia con ngòi, một tiếng chó sủa rống lên, một ánh lửa le lói. Người cưỡi ngựa nghếch mũi hít một hơi cái không khí lạnh giá, thong thả tháo một bên găng tay, châm thuốc hút, rồi thít căng đai ngựa lại, lùa mấy ngón tay xuống dưới đệm yên; và, sau khi đã sờ thấy cái lưng nóng hổi và nhễ nhại mồ hôi của con ngựa, y lanh lẹn tung người cao lớn của mình lên yên. Y cưỡi ngựa đi ngang qua con ngòi không bị đóng băng ngay cả mùa đông. Con ngựa, khua móng sào sạo trên lớp sỏi phủ đầy lòng sông, muốn uống nước lắm, nhưng chủ nó thúc, và nó thót bụng nhảy phốc lên bờ sông dốc thoải.
Nghe có tiếng nói và tiếng cót két của càng xe trượt tuyết đang đi ngược tới, người cưỡi ngựa dừng cương. Con ngựa dỏng tai nghe ngóng, ngoái cổ lại. Cái đai ngực bạc và chiếc vành yên cao cao viền bạc theo kiểu kô- dắc bắt gặp một ánh trăng bỗng sáng lên trong bóng tối đường làng một tia trắng loé. Người cưỡi ngựa vắt dây cương trên vành yên, vội vã kéo cái mũ kô- dắc lông lạc đà cho tới lúc ấy vẫn thả trễ xuống bên vai, đội lên đầu sụp xuống mặt rồi thúc ngựa rảo nước kiệu. Qua khỏi chiếc xe trượt tuyết, y lại đi bước một như ban nãy, nhưng vẫn không hạ mũ xuống.
Vào tới trong ấp, y hỏi một bà đang đi ngược lại:
– Này, bác ơi, nhà ông Iakốp Ôxtơrốpnốp ở đâu, hả bác?
– Iakốp Lukits ấy hả?
– Phải, phải.
– Đấy, nhà ông ta ở sau cây dương kia kìa, lợp ngói đấy, ông trông thấy không?
– Thấy, cảm ơn bác.
Tới trước ngôi nhà rộng lợp ngói, y nhảy xuống, dắt ngựa qua cổng hàng rào và lấy cán roi gõ nhẹ vào cửa sổ.
– Ông chủ ơi! Iakốp Lukits, ra cho tôi hỏi tý.
Chủ nhà bước ra thềm, đầu trần, áo vét- tông vắt vai, nhìn chằm chằm khách lạ rồi bước xuống bậc tam cấp, vừa mỉm cười trong bộ râu điểm bạc, vừa nói:
– Ma đưa quỷ dẫn ông bà nào đến nhà tôi thế nhỉ?
– Không đoán ra à, Iakốp Lukits? Cho ngủ nhờ nào. Để con ngựa vào đâu cho ấm tí nhỉ?
– Không, anh đồng chí ạ, tôi không nhớ ra anh là ai. Chẳng hay có phải anh ở trên huyện không? Hay bên nông hội? Tôi hơi nhận ra rồi đấy…Tiếng anh nói nghe quen quen…
Khách nhếch đôi mép nhẵn thín, mỉm cười, lật mũ trùm ra:
– Pôlốptxép. Có nhớ không?
Iakốp Lukits bỗng nhớn nhác nhìn quanh, tái mặt đi, thều thào:
– Quan lớn! Ngài ở đâu tới thế vậy?…Bẩm ngài đại uý!..Ngựa để đấy con dắt…nhà có chuồng…Chà, thấm thoắt thế mà đã bao nhiêu năm rồi…
– Ấy, ấy, khe khẽ chứ! Ừ, lâu lắm rồi đấy… Có chăn đắp ngựa không? Nhà có ai lạ không?
Khách trao dây cương cho chủ. Con ngựa uể oải tuân theo những động tác của bàn tay lạ, đầu ngẩng cao, cổ vươn dài, và mệt nhọc lê đôi cẳng sau bước vào chuồng. Nó gõ móng lộp cộp vào sàn gỗ và, đánh hơi thấy cái mùi quen thuộc của một con ngựa khác, nó khịt nhặng xị lên. Bàn tay lạ đặt lên cái tảng của nó, những ngón tay thành thạo cẩn thận tháo cái hàm thiếc nhạt tanh, giải phóng cho đôi lợi ê ẩm của nó. Và con ngựa với một vẻ biết ơn sà vào đống cỏ khô.
– Con đã nói đai cho nó rồi, cứ để đóng yên như thế một lát, nó lại sức, ta sẽ tháo. – Chủ nhà vừa nói vừa chăm chút đắp lên lưng ngựa tấm chăn lạnh ngắt. Và sờ nắn bộ đồ thắng ngựa, thấy đai bụng bị kéo căng, dây treo bàn đạp trùng thõng hẳn xuống, lão tự xác định được ngay rằng ông khách đã từ xa đến và trong ngày hôm ấy đã phi một đoạn đường chẳng ngắn.
– Nhà có thóc không, Iakốp Lukits?
– Có tí ti. Ta cho nó uống nước đã, rồi cho ăn thóc. Nào mời ngài vào nhà, bây giờ xưng hô với ngài thế nào đây, thật cũng chẳng biết nữa… Gọi như trước thì không còn quen mồm, và cũng bất tiện… – Chủ nhà lúng túng mỉm cười trong bóng tối, dù biết rằng khách cũng chẳng trông thấy mình cười.
– Cứ tên cúng cơm mà gọi. Còn nhớ không? – Khách miệng hỏi chân bước đi trước ra khỏi chuồng ngựa.
– Quên sao được ạ! Dọt bọn Đức mãi với nhau mà, lại cả cái cuộc nội chiến này nữa…Tôi vẫn thường nhớ đến ông đấy Alếchxanđrơ Anhiximôvits ạ. Từ cái buổi chia tay nhau ở Nôvôrôxixcơ ấy, tôi chẳng được tăm hơi gì của ông. Tôi cứ ngỡ ông vượt biển sang Thổ Nhĩ Kỳ với anh em kô- dắc rồi.
Họ bước vào gian bếp có đốt lò ấm ran. Khách bỏ mũ trùm và cả chiếc mũ lông trắng đội trong ra, để lộ cái sọ chắc nịch, có góc có bướu, phủ một lớp tóc thưa bềnh bệch. Từ dưới cái trán hói đổ thẳng xuống như trán chó sói, đôi mắt đảo nhìn gian phòng. Và tươi cười nheo nheo đôi mắt màu xanh nhạt lấp lánh giận dữ trong hai ổ mắt sâu, y nghiêng đầu chào hai người đàn bà ngồi trên tấm ghế dài là mụ chủ nhà và nàng con dâu.
– Chào bà con mạnh khoẻ!
– Lạy Chúa, – mụ chủ nhà dè dặt đáp, đưa mắt nhìn chồng, chờ đợi, như muốn hỏi: “Ông dẫn ai về nhà thế vậy, và tiếp đãi người ta thế nào bây giờ cho phải?”.
Sau khi mời khách lên nhà trên ngồi vào bàn, lão chủ buông gọn một câu ra lệnh cho vợ:
– Dọn gì ăn đi.
Ngồi ăn xúp bắp cải thịt lợn, có mặt hai người đàn bà, khách chỉ nói chuyện thời tiết, chuyện bạn bè đồng đội. Cái hàm dưới bành bạnh của khách nom như đẽo bằng đá tảng, cử động một cách khó nhọc; khách nhai chầm chậm, uể oải, như một con bò mộng kiệt sức nằm trên ổ. Ăn xong, khách đứng dậy, ra trước tượng thánh đặt giữa những bông hoa giấy bám đầy bụi, cầu kinh, rồi phủi xong những vụn bánh mì bám trên tấm áo khoác cũ kỹ bó sát vai, nói:
– Iakốp Lukits, xin đa tạ về tấm lòng thành! Bây giờ ta nói chuyện.
Mụ chủ và cô con dâu líu tíu dọn bàn; và vâng theo đôi lông mày rướn lên ra hiệu của lão chủ, họ lảng xuống bếp.
…
Mời các bạn đón đọc Đất Vỡ Hoang của tác giả Mikhail Aleksandrovich Sholokhov.