Cuốn sách “Dạy con trong hoang mang” tập 2 dựa trên phản hồi và góp ý từ bạn đọc thông qua nền tảng mạng xã hội của Anbooks, do tác giả Lê Nguyên Phương thực hiện. Sách này bao gồm 29 bài viết được xây dựng dựa trên các chủ đề quan trọng mà các bố mẹ ở Việt Nam quan tâm và cần hỗ trợ.
Các chủ đề trong cuốn sách phản ánh sự mở rộng từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Từ việc đặt quá nhiều kỳ vọng và hạn chế lên con cái, như trong câu chuyện “Để con nhảy múa”, đến các vấn đề lớn hơn về nhân sinh như mối quan hệ của con người với thế giới xung quanh, được thể hiện qua câu chuyện “Công ơn dưỡng dục”, hoặc về ý thức liêm chính trong xã hội, như trong câu chuyện “Muối của đất công chính”.
Cuốn sách không chỉ đưa ra các vấn đề mà còn cung cấp các phân tích sâu sắc và gợi ý thực tế cho các bố mẹ và nhà giáo dục. Bằng cách thảo luận các chủ đề đa dạng và phong phú, sách mong muốn đem lại sự hiểu biết và hỗ trợ cho người đọc trong việc nuôi dạy con cái và xây dựng một môi trường gia đình và xã hội tích cực
—
LỜI MỞ ĐẦU
Bạn đang cầm trên tay cuốn Dạy con trong “hoang mang” 2. Cuốn 2 ra đời chỉ sau cuốn 1 trong vòng nửa năm, một phần vì còn có nhiều đề tài mà tôi đã không có cơ hội đề cập trong cuốn 1, phần nữa vì có yêu cầu của nhiều bạn về các vấn đề khác trong việc nuôi dạy con trẻ.
Nhiều tác giả nghĩ cuốn sách là tài sản, là đứa con tinh thần của riêng mình. Sau nhiều cơ hội tiếp xúc với độc giả, tôi lại thấy tác phẩm của mình thật sự là đứa con của cả mình và độc giả. Có nhiều bài trong cuốn 2 này lại là những vấn đề do các bạn độc giả đặt ra, chẳng hạn bài Thiên đàng đổ vỡ, Sau lời chia tay, Trong nỗi cô đơn, hay Áp lực phục tùng chẳng hạn. Nếu không có sự đón nhận nồng nhiệt của các bạn – Anbooks cho biết đã in 12 ngàn bản trong vòng 2 tháng, và đặc biệt là những phản hồi cho thấy cuốn sách đang được trở thành một phần tâm thức cá nhân và gia đình của các bạn, chắc chắn tôi cũng sẽ ngần ngại khi đặt bút thảo cuốn 2 này.
Trong cuốn 2 này, có một số chủ đề, tôi lại tình cờ viết đến 2-3 bài. Có lẽ vì quá nhiều điều cần nói mà một bài không đủ hay những chủ đề đó vẫn còn là nỗi ám ảnh của người viết về quá khứ và những người thân của mình. Trong bài Áp lực phục tùng và Lạc lõng giữa sân trường, tôi viết về quan hệ của con trẻ với bạn bè. Loạt 4 bài Buồn ơi chào mi, Trong nỗi cô đơn, Đối diện quỷ dữ, và Những vết thương lòng viết về những cảm xúc hay sức khỏe tâm thần của tuổi trẻ gồm trầm cảm, cô độc/cô đơn, giận dữ, và chấn thương tâm lý. Đặc biệt bài Sư nhỏ đứng dậy cũng nói về cảm xúc nhưng giới thiệu một thái độ đối diện cảm xúc đặc trưng của tinh thần bình thản trải nghiệm để vượt khó, một đặc tính trong tinh thần Á Đông. Riêng bộ ba Mẹ là Thượng đế, Con là chân sư và Cha, người dẫn đường đặt lại vai trò và ý nghĩa của cha mẹ đối với con cái và ngược lại.
Khi viết bộ Dạy con trong “hoang mang”, điều mong muốn duy nhất của tôi là thế hệ con cháu của chúng ta không phải gánh chịu những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua. Khổ đau đó một phần vì những vô minh của thế hệ đi trước, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”, nó cũng là hậu quả của những vô minh của chúng ta, những di sản mà với tinh thần trách nhiệm, chúng ta phải thừa nhận và cùng bắt tay nhau để giải quyết. Và chúng ta chỉ có thể giải quyết những di sản đó khi thân tâm chúng ta được chuyển hóa để có thể sống mỗi ngày mỗi “sáng suốt, định tĩnh, và trong lành” hơn.
Có một câu thơ của thế hệ cũ đã ám ảnh tôi 35 năm nay: “Đường hy vọng nếu ta về quá chậm/ Đau nhức này lại đổ xuống tuổi thơ”. Nhìn lại để hóa giải những nội kết và chấn thương của đời mình chắc hẳn không dễ dàng gì vì cũng đau đớn lắm, nhưng nỗi đớn đau sẽ còn lớn hơn khi chúng ta thấy con cháu của mình lại tiếp tục gánh chịu hậu quả của những vô minh này. Quả thật những chương sách của tôi có vẻ mang đầy nỗi khổ đau, nhưng tôi tin rằng nó cũng chính là con đường hy vọng để chúng ta và con trẻ chứng nghiệm hạnh phúc của cõi nhân sinh này.
Cám ơn các bạn đã đồng hành cùng tôi qua Dạy con trong “hoang mang” và nay là Dạy con trong “hoang mang” 2. Mong cuốn sách này sẽ chữa lành cho cả tôi lẫn các bạn.
Lê Nguyên Phương
—
MẸ LÀ THƯỢNG ĐẾ
Buổi chiều, ngoài công viên không thiếu những bố mẹ chơi đùa cùng con nhỏ, những bé trai bé gái trong quần áo đủ màu sắc. Mấy đứa lớn thì leo trèo đu trượt nơi bộ đồ chơi giữa sân cát. Mấy đứa nhỏ thì chập chững tập đi bên cạnh mẹ, miệng bi bộ. Ngay cả những đứa đang ngồi trong lòng mẹ cũng huơ tay múa may chỉ trỏ. Một chú mèo hoang đang uốn éo trên thảm nắng vàng cuối ngày trải dài cạnh những hàng cây không xa. Con bé ngồi với mẹ ở băng ghế bên cạnh tôi nhảy chồm chồm lên chỉ vào con vật: “Chó, chó”. Bà mẹ cười lớn cúi xuống hôn vào tóc con bé rồi nói: “Không, không phải chó, con mèo, mèo. Chó kêu gâu gâu; mèo kêu meo meo. Mèo dễ thương”. Con bé thoáng ngước nhìn mặt mẹ rồi quay lại nhìn con mèo la lớn: “Mèo, mèo”. Quả thật rất thú vị khi quan sát tương quan giữa bà mẹ và đứa con trong tiến trình khai mở tri thức của một con người đang chuẩn bị bước vào cuộc sống.
Mẹ quả là người khai tâm đầu tiên cho con, giúp con phân biệt vạn vật chung quanh. Theo Jean Piaget, nhà Tâm lý học Thiếu nhi người Thụy Sĩ, khi nhìn thấy và được mẹ dạy tên gọi con mèo, con trẻ cũng sẽ gọi “con mèo” khi thấy con chó lần đầu tiên. Trẻ chỉ biết điều chỉnh cách gọi khi được mẹ giúp phân biệt giữa hai con vật cùng có nhiều lông, có đuôi, tai và bốn chân này. Khi gọi con mèo bằng danh từ “chó” đã được học, con đã “đồng hóa” [assimilate] thông tin về con vật mới vào cơ cấu nhận thức [schema] cũ đã học được từ mẹ. Khi được cung cấp một danh xưng mới và được giúp nhận diện những đặc tính của con vật mới, con sẽ “điều chỉnh” [accommodate] cơ cấu nhận thức sẵn có để dung nạp những thông tin này. Cả hai động tác “đồng hóa” và “điều chỉnh” này đều nằm trong sự vận hành “thích nghi” [adaptation] trong tri thức của con. Đây là một nhu cầu tìm kiếm sự quân bình và giải quyết những mâu thuẫn trong tri thức, phát xuất từ sự khác biệt giữa vốn tri thức sẵn có và hiện thực mới mẻ tiếp tục phơi bày. Trong những năm tháng đầu đời, cha mẹ chính là người “khai tâm”, “khai trí” cho con khi định danh vạn vật chung quanh, cung cấp những cơ cấu nhận thức đầu tiên và điều chỉnh nhận thức của con về thế giới.
Thế giới của trẻ sơ sinh theo Sigmund Freud, ông tổ ngành Phân tâm học, và sau này là Margaret Mahler, bác sĩ Tâm thần Hungary, thoạt đầu là một thế giới cộng sinh giữa mẹ và con. Quan hệ cộng sinh này mang đặc điểm của một cảm thức hòa quyện và thống nhất tuyệt đối giữa hai cá thể. Bác sĩ Margaret Mahler cho rằng đây là kinh nghiệm của trẻ khi chúng chưa có khả năng phân biệt mình với vạn vật chung quanh. Đối với trẻ trong giai đoạn này, những biểu hiện tâm lý, cảm giác thân thể và ngoại cảnh là một thể thống nhất. Giai đoạn cộng sinh trong tiến trình phát triển của trẻ tương ứng với nhu cầu của chúng trong giai đoạn chưa có phương tiện để tự nuôi dưỡng và bảo vệ mình.
Toàn bộ tâm sinh lý của mẹ cũng chuyển biến tương ứng để hoàn thành thiên chức của mình, hòa nhịp cùng sự phát triển của con ngay từ ngày con còn trong bào thai. Nghiên cứu cho thấy hạch Hạnh nhân của các bà mẹ trẻ gia tăng kích thước khiến các mẹ trở nên cực kỳ nhạy cảm với các nhu cầu của trẻ trong những năm đầu, một sự nhạy cảm thậm chí tương tự như những người bị Rối loạn Ám ảnh Cưỡng bức [Obsessive-Compulsive Disorder]. Một cái cựa mình hay một hơi thở gấp của con cũng làm mẹ căng thẳng trong sự chú ý, lo lắng và quan tâm trong yêu thương. Trong giai đoạn này, những chất dẫn truyền thần kinh trong não của mẹ cũng gia cố cho động lực chăm sóc con của mẹ. Chỉ cần ngắm đứa con mình, năng lượng từ những chất dẫn truyền đã khiến những trung tâm tưởng thưởng trong não của mẹ sáng lên rực rỡ… như đèn trong đêm Giáng sinh. Giáo sư Ruth Feldman, ngành Tâm lý học và Khoa học Thần kinh – Đại học UCI [University of California Invine], cho biết lượng Oxytocin trong người mẹ gia tăng đáng kể trong thời gian mang bầu và sau khi sanh. Khi đứa con đã ra đời, người mẹ càng chăm sóc con nhiều hơn thì lượng chất dẫn truyền này lại gia tăng nhiều hơn. Chất Oxytocin vốn chịu trách nhiệm điều tiết những giao tiếp xã hội và sinh sản, từ cảm giác cực đỉnh trong tình dục, mối nối kết giữa mẹ và con trong tình mẫu tử, cho đến sự cảm thông và yêu thương giữa người và người. Không phải nói ngoa khi các bà mẹ dùng từ “phải lòng” để chỉ cảm xúc lần đầu nhìn vào mắt đứa con mới sinh của mình. Trong những năm tháng đầu tiên, mẹ và con là “một” trong tình yêu vi diệu này.
Thế nhưng sẽ đến lúc đất trời, ánh sáng và bóng tối cần chia đôi để trẻ tự phát triển như một chủ thể độc lập. Một trong những nhiệm vụ phát triển quan trọng của trẻ trong những năm đầu đời là khả năng tự hoạt động như một cá thể độc lập và riêng biệt với mẹ. Đứa trẻ dần thoát ra khỏi quan hệ cộng sinh về sinh lý lẫn tâm lý với mẹ để bắt đầu thám hiểm và tương tác với thế giới chung quanh. Bắt đầu bằng cách chủ động ngọ nguậy đôi bàn chân, nắm mở hai bàn tay, cho đến việc bò ra xa rồi trở lại với cha mẹ, đứa trẻ cần người mẹ thể hiện sự bình an trong ánh mắt nụ cười lẫn nét mặt cử chỉ khi nó “mạo hiểm” khám phá thế giới chung quanh. Điều đó giúp con từ sự vận động rời xa mẹ đến sự phát triển tri thức về thế giới. Người mẹ trong giai đoạn này lại đáp ứng nhu cầu phát triển của con, bắt đầu giúp con phân biệt vạn vật trong thế giới, không chỉ đến bằng việc định danh mà còn cả bằng việc mô tả những tính chất của sự vật.
Trong giai đoạn này, người mẹ lại giúp con hình thành một yếu tố quan trọng trong trí tuệ của con, đó là việc giúp con xây dựng cơ cấu nhận thức [cognitive schema]. Cơ cấu nhận thức có thể được hình dung đơn giản là một cái khung để chúng ta có thể xếp loại và ghi nhớ những gì tiếp nhận qua giác quan và từ đó biểu hiện thông qua ngôn ngữ, cảm xúc và hành vi. Cơ cấu nhận thức còn có chức năng tinh giản tiến trình xử lý thông tin. Thay vì phải liệt kê tất cả sự kiện về một hiện tượng mỗi khi gặp lại hiện tượng đó, trẻ được cha mẹ cung cấp nhiều dạng cơ cấu nhận thức khác nhau để định danh, định tính và định loại các hiện tượng này. Để rồi sau đó với chỉ một tên gọi, muôn vàn thông tin nối kết với tên gọi này trong cơ cấu nhận thức lại hiện ra cho trẻ sử dụng. Xây dựng những tri thức đầu tiên về thế giới dựa trên các cơ cấu nhận thức do cha mẹ trao truyền, dần dần trẻ sẽ sử dụng được các chiến lược xử lý thông tin khác dựa trên nhiều cơ cấu mới học được từ cha mẹ, thầy cô, và cả những trải nghiệm của riêng mình.
Vai trò của những cơ cấu nhận thức này không chỉ quan trọng trong việc hình thành nhân sinh quan và thế giới quan mà còn cả cho cá tính và bản sắc của trẻ. Những thành kiến và tín niệm của các thành viên trong gia đình khi tương tác lẫn nhau một cách năng động sẽ hình thành các cơ cấu nhận thức độc đáo riêng của gia đình đó. Tiến sĩ Frank Dattilio của Khoa Tâm thần học thuộc Trường Y khoa, Đại học Harvard đã mô tả cơ cấu nhận thức của gia đình là “tín niệm chung về những hiện tượng xảy ra trong gia đình, chẳng hạn các nan đề và sự tương tác hàng ngày của các thành viên trong gia đình với nhau và với thế giới”. Các chuyên gia về Liệu pháp Nhận thức và Hành vi đặc biệt là trường phái Schema Psychotherapy biết rõ điều này và thường chú ý đến những cơ cấu nhận thức nguyên thủy phát xuất từ gia đình [family-oforigin schema] của thân chủ. Tương tự, Chuyên gia Liệu pháp Gia đình Salvador Minuchin và Charles Fishman còn cho rằng mỗi gia đình đều có một hình ảnh tự tạo xuất phát từ tiểu sử của gia đình đó và hình ảnh này giúp định hình cá tính và bản sắc của toàn thể thành viên gia đình như một cơ cấu tổ chức hay đơn vị xã hội. Chúng ta có thể hình dung mỗi gia đình là một vũ trụ mà cha mẹ là người tạo dựng đặc tính, danh xưng và sự vận hành của nó.
Tương tác chính của mẹ và con khi con đã biết nói còn là việc chia sẻ với nhau những câu chuyện kể, những cơ cấu nhận thức được sắp xếp dưới dạng trần thuật. Người mẹ kể cho con nghe các câu chuyện về kinh nghiệm quá khứ lẫn hiện tại của mình và khuyến khích con chia sẻ kinh nghiệm của con. Vì thế chuyện kể đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại kinh nghiệm đời sống; qua đó những hình ảnh, ý tưởng, ý nghĩa và thậm chí cảm xúc trở nên mạch lạc liên kết với nhau theo một trật tự hợp lý do người mẹ hướng dẫn qua câu chuyện của mình. Mỗi hoạt động của trẻ trong đời sống, đặc biệt là các tương tác của chúng với mọi người, được kết tinh thành từng mẩu chuyện mà mỗi câu chuyện lại tiêu biểu cho những cảm xúc mà chúng xem là quan trọng. Khi kể câu chuyện với mẹ mình, ngoài việc chia sẻ thông tin, mối quan tâm và ý nghĩa riêng tư của mình thì chúng còn cùng với mẹ xây dựng lại nhiều tầng ý nghĩa cũng như nhiều cấu trúc mới cho cả hai. Nghiên cứu cho thấy một người mẹ với tâm thần không ổn định sẽ khiến cho trẻ không kể lại được câu chuyện một cách mạch lạc và có ý nghĩa. Các chuyên viên Tâm lý Lâm sàng từ lâu đã biết một thân chủ mạnh khỏe là người có thể kết hợp toàn bộ kinh nghiệm sống của mình thành một câu chuyện mạch lạc và hợp lý. Và mẹ là người đầu tiên ban cho con trật tự qua ngôn ngữ và cùng con phát triển ngôn ngữ.
Không chỉ giới hạn trong sự phát triển nhận thức, mẹ còn đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành lương tâm của trẻ. Nghiên cứu của Giáo sư Grazyna Kochanska và đồng sự cho thấy việc hình thành lương tâm của trẻ không phải thuần túy phát xuất từ những lời giáo huấn hay quyền uy áp đặt của mẹ về cách đối nhân xử thế. Theo Giáo sư Kochanska, sự tương tác giữa mẹ và con hình thành một mối quan hệ gần gũi, nối kết, đáp ứng và tích cực mà ông ta gọi là Định hướng Đáp ứng Hỗ tương [Mutually Responsive Orientation – MRO]. Quan hệ này với hai đặc điểm chính, đáp ứng hỗ tương và tình cảm tích cực, là nguyên tố chủ yếu trong việc hình thành lương tâm của con trẻ bằng cách khuyến khích niềm vui thú của trẻ khi tương tác với mẹ và gia tăng quyết tâm và khả năng tự điều hòa việc phục tùng ý muốn của mẹ. Lòng tin yêu của con đối với mẹ qua MRO, ngay từ 14 tháng tuổi, đã khiến con dễ dàng đón nhận lẫn hăng hái chấp nhận cách đối nhân xử thế mà mẹ truyền đạt. Những đứa trẻ lớn lên được cha mẹ sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu phát triển và mọi giao tiếp trong gia đình đều tràn đầy yêu thương hạnh phúc, đứa trẻ ấy sẽ sẵn sàng có một thái độ chấp nhận ảnh hưởng của cha mẹ và trở nên hăng hái chấp nhận những giá trị và tiêu chuẩn của cha mẹ về hành vi xã hội của mình.
Dạy Con Trong Hoang Mang Tập 2: Chuyển hoá chính mình để giáo dục trẻ thơ của tác giả Lê Nguyên Phương