Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Dịch Học Tinh Hoa của tác giả Nguyễn Duy Cần, cũng như link tải ebook Dịch Học Tinh Hoa miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Ngày nay ai cũng đều công nhận Kinh Dịch là một quyển kỳ thư của minh triết phương Đông, nó nói hết sự lý vô cùng vô tận của mọi sự mọi lẽ trong đời. Nhưng học dịch không phải là việc dễ dàng vì bản văn và cách hành văn của kinh Dịch quá cô đọng, lại dùng ngôn ngữ biểu tượng nên càng ngày càng trở nên bí hiểm với phần đông đọc giả chúng ta ngày nay. Dịch học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần trình bày những phần cốt lõi và tinh hoa nhất của tác phẩm Chu Dịch, giúp người đọc có hiểu biết căn bản từ thấp tới cao, cũng như những ứng dụng của Chu Dịch vào đời sống hiện đại.
Giới thiệu cuốn sách Dịch Học Tinh Hoa PDF
Chúng tôi nóng lòng chờ đợi từ lâu quyển DỊCH HỌC TINH HOA của ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Sở dĩ có sự “nóng lòng chờ đợi” là vì vốn biết sự quan trọng của Dịch, đồng thời lại rất muốn được đọc một quyển sách về Dịch vừa giữ được nguyên vẹn tinh túy của một nền học cổ truyền, vừa được trình bày một cách rành rẽ giản dị theo phương pháp mới. (Ông Thu Giang nhờ có được một nền học cổ mà thấu triệt được các khoa học cổ truyền, lại cũng nhờ sở đắc ở nền học mới của Thái Tây mà đạt đến sự dẫn giải và cách trình bày rất sáng sủa khoa học, như ông đã chứng tỏ trong các quyển Trang Tử Tinh Hoa, Lão Tử Tinh Hoa, Phật Học Tinh Hoa và Đạo Học Tinh Hoa của ông trước đây).
Sự chờ đợi càng thêm có phần nóng nảy, khi chúng tôi phải cố đọc những sách về Dịch đã xuất bản trước giờ mà chỉ hiểu rất ít một cách lờ mờ – khi mà chúng tôi được nghe các câu chuyện rất đáng kể về Dịch như chuyện có những nhà bác học Trung Hoa về khoa nguyên tử nhờ Dịch mà đoạt giải Nobel; chuyện có những người nước Pháp nước Đức sang Việt sang Tàu để tìm học Dịch; chuyện có những nhà bách học Tây phương đã áp dụng Dịch vào kỹ thuật; và chuyện có cô sinh viên, trong một dòng họ chuyên về Tử Vi, chỉ nhờ trong một vài giờ nghe ông Thu Giang giảng về Kinh Dịch tại giảng đường Đại Học Văn Khoa, bỗng thấu triệt để được tất cả những cái huyền bí về khoa học lý số mà giả sử tự mò mẫm suốt đời cũng không ra.
Sự quan trọng của Dịch ít năm trước đây chỉ là một cái gì mơ hồ trong đầu óc nhiều người, dù là hạng người rất ham học. Từ ngày phát sinh ra khoa học nguyên tử, nhiều căn bản hiểu biết của Đông phương được khoa học Tây phương công nhận, cũng như từ ngày Âu Mỹ nôn nóng nghiên cứu Dịch học, ở nước nhà mới có những phong trào tìm học những khoa cổ truyền bấy lâu bị liệt vào những khoa “huyền bí dị đoan”, nhưng phần lớn đều bị khựng lại, lý do vì sự khó đọc, khó hiểu của Kinh Dịch, mặc dù người ta tin rằng Dịch là một cái gì đó căn bản cho mọi sự hiểu biết của loài người. Người ta cũng tin rằng, sau này với phong trào mở rộng, người ta sẽ được hiểu dần dần chút ít. Phải chăng đó chỉ là một kỳ vọng? nếu không nói là ảo vọng.
Như nhiều người, chúng tôi hiểu rằng Dịch không là một thứ triết lý suông, mà là căn bản cho tất cả các nền triết học và khoa học Đông phương. Căn bản đó lại không phải vì suy tưởng mà có, vì cái gì do suy tưởng thông thường mà có, mà chắc chắn phải bắt nguồn từ một cuộc hòa đồng và nhập thể cái Tâm của con người vào cái Tâm của Vũ Trụ (mà ông Thu Giang gọi là “thiên nhân hợp nhất”), vào thời kỳ nguyên thủy, khi mà con người chưa bị lạc hướng vì lối suy luận riêng tư phiến diện nhị nguyên của mình.
Chắc chắn là phải có những con người nguyên thủy đem cái “Tâm Vũ Trụ” của mình ra mới cảm thấy được cái căn bản siêu hình tối thượng ấy.
Lấy chữ Dịch ra mà suy, có người bảo rằng “có gì lạ”! Dịch tức là chuyển biến, là đổi thay, thì ai cũng vậy, nhất là ở Tây phương lại phải thấy rõ và thấu hiểu hơn ai hết. Thế nhưng Dịch lại đâu phải chỉ có như thế mà thôi. Dịch còn đạt đến những hiện tượng siêu việt hơn, giúp cho ta thấy rõ trong cái biến có cái bất biến, và chính cái bất biến chỉ huy cái biến. Nghĩa là trong cái động có cái tịnh, hay nói cách khác, động trong cái tịnh và tịnh trong cái động: tịnh và động không bao giờ rời nhau. Dịch là tương đối luận, thứ tương đối dẫn vào tuyệt đối: cả hai là một. Trời, Đất biến đổi mà có Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng luật vận hành không thay đổi, nên nhịp vận hành lúc nào cũng như một.
Thế rồi, từ chỗ thấu triệt được sự vận hành trong vũ trụ theo nguyên lý duy nhất, con người thấu được muôn ngàn lẽ về nhân sinh, không phải chỉ thích ứng với vũ trụ để sống, mà còn để hiểu lẽ tuần hoàn của sống chết, áp dụng các luật biến động vào từng việc làm của con người, xét đoán tương lai bắt nguồn vào các việc trong hiện tại và quá khứ.
Với vũ-trụ-quan đặt căn bản trên Dịch, người ta mới luận ra các khía cạnh cho một nền nhân sinh hợp nhất với luật vận hành của vũ trụ từ trong nếp sống của cá nhân sống trong xã hội ngoài người, sống trong cái nhịp sống chung của thiên nhiên vạn vật. Cũng trên căn bản của Dịch, người ta mới thấu đạt được những khía cạnh bí hiểm trong những khoa học thường gọi là huyền bí như các khoa Y, Bốc, Tinh, Tướng của Đông phương huyền bí.
Khi hiểu được ra rằng Âm, Dương tuy hai mà một và trong Âm có Dương, trong Dương có Âm cũng như trong họa có phúc, trong phúc có họa, hết Bĩ đến Thái, hết thịnh đến suy, Dịch là động mà động trong cái tịnh… con người bao giờ mới hiểu ra được cái chân tướng của sự vật, biết hành động đúng mức, đúng thời, nhất là khi người đó là bực cầm quyền trị nước, lo cho sự tồn vong của dân tộc, hoặc người đó chỉ là một người thường muốn sống ra lẽ sống, một người làm ăn lương thiện, một người vợ, một người chồng, một người cha, một người mẹ, một người con, một người anh, một người em… Dịch không phải chỉ nêu lên lẽ Âm Dương trong vũ trụ, Dịch còn đem luật vũ trụ đặt thành đạo sống cho con người. Chỗ cao siêu của Dịch là thế.
Ngày nay, Tây phương đã biết đến Dịch và sùng bái Dịch qua cái nhìn của những nhà triết học, các nhà khoa học và kỹ thuật, thì người Việt Nam càng nên hiểu biết Dịch từ trong căn bản cổ truyền để khỏi phải vô tình, trong tay đang cầm bó lửa, lại đi xin mồi lửa ở các nhà láng giềng.
Nhờ đọc Dịch Học Tinh Hoa của ông Thu Giang mà biết được Dịch, mà hiểu được Dịch, còn gì thích thú bằng mà người viết ra mấy dòng này không thể không nói ra. Nhưng hiểu được Dịch đến nơi căn bản là một việc, mà biết áp dụng trong các môn học khác lại là một việc khác, rất khó. Đâu phải ai cũng làm được điều đó. Chúng tôi chỉ mong ông Thu Giang sẽ còn cho ra tiếp những sách khác về Dịch. Ngoài ra chúng tôi cũng mong ông tiếp tục cho ra những sách nhận xét về lịch sử, xã hội và văn học qua cái nhìn của Dịch lý mà ông đã thực hiện từ lâu trong những tác phẩm về văn hóa và giáo dục của ông trước đây.
TRẦN VIỆT SƠN