Tiểu thuyết Đoạn tuyệt của nhà văn Nhất Linh xuất bản năm 1934, viết về cuộc đời Loan, một cô gái mới được tiếp thu những tư tưởng mới và hành trình chống lại những luật lệ phong kiến hà khắc, kìm kẹp quyền tự do cá nhân của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Qua tác phẩm của mình, Nhất Linh phản ánh một cách trực diện xung đột mới – cũ, cổ vũ sự giải phóng của con người thoát khỏi những hủ tục. Và ông cũng ca ngợi sự tự do sống theo đuổi những ước vọng, khát khao cá nhân, những lý tưởng cải tạo xã hội.
Đoạn tuyệt là một trong những tác phẩm mà Sống (Thương hiệu sách Tác giả Việt) đặc biệt tuyển chọn để đưa vào Tủ sách Khuê Văn – tủ sách gồm những áng văn trác tuyệt được ví như những vì tinh tú trong nền văn học Việt Nam.
Chuyện nàng tân thời.“Đoạn tuyệt” gồm 28 chương, được viết trong năm 1934 – 1935, nội dung chính xoay quanh cô gái tân thời tên Loan.Loan thuộc hàng ngũ thanh niên có học, được tiếp thu nền văn minh mới, hiểu biết về tư tưởng nhân đạo, trọng tự do cá nhân. Nhưng rồi cảnh nhà túng bấn, nàng buộc phải bỏ học, thuận lời cha mẹ kết hôn với Thân con nhà giàu có, cũng là chủ nợ, dẫu lòng nàng vẫn yêu Dũng tha thiết.Dũng là điển hình của thanh niên tân thời vì thoát ly khỏi khuôn khổ đạo đức cũ mà làm trái ý gia đình, bị thầy me từ mặt. Anh sống một cuộc đời cô độc, lênh đênh, thiếu thốn, nhưng tự do. Dũng là hình tượng hướng tới của Loan, không chỉ là tình yêu, anh là hạt nhân trong tính cách của Loan, khiến nàng khát vọng được như Dũng, có những phẩm chất của Dũng, sống một cuộc đời như Dũng.Loan về nhà chồng, gạt bỏ cái tôi, cố sống như mọi người, cố lấy gia đình chồng làm gia đình mình, nhưng nàng muốn yên mà gia đình chồng không để cho nàng yên. Nàng cưới chồng mà cảm tưởng như bị người ta mua về hì hục lạy người ta để nhận làm cái máy đẻ, làm con sen hầu hạ không công. Mâu thuẫn tư tưởng mới cũ diễn ra gay gắt.Đỉnh điểm là con trai bé bỏng của Loan không may sinh bệnh, mẹ chồng mê tín tin bọn thầy bùa, chữa bệnh bằng uống tàn hương nước thải và có khi lại dùng roi dâu để đánh đuổi tà ma ám ảnh, nghĩa là đánh người ốm. Bé con qua đời một cách tức tưởi. Vốn khó sinh, Loan không còn khả năng mang thai, mẹ chồng bắt Loan đứng ra cưới vợ lẽ cho Thân, thật ra là hợp thức hóa một cuộc hoang dâm, ngoại tình. Vợ lẽ sinh được con trai, lại tỏ ra “kẻ trên”.Khi chức năng đẻ đã bị hỏng, Loan sống như một nô lệ không công, không thiếu đòn roi đánh mắng. Thương thân sinh và bởi cả món nợ cha mẹ chưa trả cho gia đình chồng, Loan tiếp tục nhẫn nhịn.Những tưởng cái đời sẽ từng bước đi lùi, mãi lùi về điểm già cỗi như thế, thì định mệnh xảy ra.Một vụ án mạng. Một phiên hầu tòa. Trắng án.Tự do!Nỗ lực tái thiết xã hội.Viết “Đoạn tuyệt”, Nhất Linh có chủ ý muốn bạn đọc đương thời yêu mới ghét cũ. Để thực hiện chủ ý ấy, ông dựng nên một cuộc xung đột giữa mới và cũ, ở đấy cái cũ hiện hình với tất thảy những xấu xí hủ bại: luân lý cay nghiệt ép con người vào đời nô lệ dưới vỏ bọc bổn phận gia đình, trọng nam khinh nữ, gia trưởng, dân trí thấp, mê tín dị đoan, bạo hành…Quyết định trắng án của quan tòa dành cho Loan, là thêm một tầng khẳng định để tác giả kết án chế độ đại gia đình cũ và dựng lập một chế độ mới, nơi con người cá nhân, đặc biệt là người phụ nữ có thể vui sống tự do trong tư tưởng lẫn thể xác, thoát ly mọi khuôn khổ gò bó của lễ giáo phong kiến.Ở một chừng mực nào đó, Nhất Linh đã thành công. “Đoạn tuyệt” được xem là một trong những kiệt tác của văn xuôi Việt Nam. Nhà nghiên cứu văn học Trương Tửu đã viết trên báo Loa năm 1945:““Đoạn tuyệt” là một vòng hoa tráng lệ đặt lên đầu chủ nghĩa cá nhân. Tác giả đàng hoàng công nhận sự tiến bộ và hăng hái ở tương lai. Ông giúp cho bạn trẻ vững lòng phấn đấu. Nghĩa là vui mà sống.”Hẳn nhiên, không thiếu những ý kiến trái chiều, họ cho rằng xung đột trong gia đình Việt Nam thời bấy giờ là kết quả tai hại của đầu óc lãng mạn trái mùa chạy theo Âu hóa (điều này đúng với cậu Văn Minh con cụ cố Hồng trong “Số đỏ”), nhưng lại sai đối với cô Loan. Loan trong “Đoạn tuyệt” là một người con gái có học, đứng đắn, khôn ngoan, đủ lý trí để xem xét mọi việc, đủ nghị lực để vượt qua thống khổ. Một người con gái mà khát khao “sống một cuộc đời tự lập, cường tráng” như Dũng, như một đấng nam nhi.Tuy nhiên, dùng tình tiết ngẫu nhiên để tạo bước ngoặc cởi bỏ nút thắt truyện đã gây nên một sự may rủi trong giải quyết vấn đề. Và bởi sự may rủi đó, nỗ lực tái thiết xã hội của Nhất Linh cũng còn bỏ ngỏ.Góc nhìn thiên lệch của Nhất Linh.Các sáng tác của Nhất Linh nói riêng, của Tự Lực văn đoàn nói chung đã “mở đầu một chặng đường mới trong văn xuôi” (chữ của Tô Hoài), góp phần định hình cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, và “đóng góp lớn vào văn học sử Việt Nam” (chữ của Huy Cận).Tiểu thuyết của Nhất Linh hay! – Cho đến hiện tại, đây có lẽ đã là sự thật được chia ở thì hiện tại đơn. Cái hay ấy được tạo nên từ bút pháp nghệ thuật, lời văn, cách viết vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ.Nhưng về nội dung đề tài, phải nhận định rằng Nhất Linh đã có góc nhìn khá thiên lệch. Bản thân là một trí thức du học trời Tây 3 năm, Nhất Linh thành lập Tự Lực văn đoàn với 10 tôn chỉ, mà điều thứ 8 trong số đó là “Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa.” Để thực hiện tôn chỉ mà mình đưa ra, Nhất Linh kiên quyết bài trừ phong tục truyền thống, song song với ủng hộ văn minh, ủng hộ Âu hóa.Chưa nhắc đến việc Âu hóa trong bối cảnh đất nước bấy giờ có phải tất cả đều tốt đẹp hay không (cái này phải hỏi cụ Vũ Trọng Phụng). Nhưng phải chăng phong tục cũ nào cũng đáng bị công kích?Đạo Khổng du nhập vào Việt Nam hơn 1000 năm, để lại dấu ấn rất lớn trong quá trình giáo dục và lịch sử dựng giữ nước ở các triều đại phong kiến. Một ví dụ đơn giản dễ hiểu, đạo Khổng răn dạy con người phải “Trung quân ái quốc”, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, bởi vậy góp phần không nhỏ tạo nên truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta. Những truyền thống ấy có giá trị vĩnh hằng!Quay lại với “Đoạn tuyệt”, với luận đề giải phóng phụ nữ, mở rộng ra là giải phóng cá nhân và đấu tranh chống lễ giáo phong kiến, chống chế độ đại gia đình, phê phán nền luân lý khắc khổ… Nhất Linh đã đặt toàn bộ phong tục tập quán truyền thống trong cái nhìn thành kiến, ông gạt bỏ toàn bộ, gạt bỏ luôn cả một cái lạy của đứa con khi tiễn đưa người mẹ về nơi chín suối. Ông đã để Loan, vì thể hiện thái độ chống cự lại tập tục cũ, mà không tế lễ, không bàn cỗ trong đám tang của mẹ mình. Dĩ nhiên, không cần rầm rộ “một đám ma gương mẫu” như cái cách ông vua phóng sự đất Bắc trào phúng trong “Số đỏ”, và đành rằng, có tưởng nhớ trong lòng, nhưng cái dập đầu với tất cả lòng thành kính tiếc thương đối với đấng sinh thành trước khi đưa người về nơi an nghỉ cuối cùng chưa bao giờ là điều thừa thãi hay đáng bài trừ cả!Nói cho cùng, đứng trước phong tục tập quán cũ, cần có thái độ gạn đục khơi trong để không làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống cũng như các giá trị tinh thần, chứ không phải là phủ định toàn bộ như cách mà Nhất Linh tuyên ngôn và thực hiện.Hiểu thêm về Nhất Linh (1906 – 1963).Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam, nguyên quán ở Quảng Nam nhưng sinh ra tại phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là anh ruột của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long và Thạch Lam Nguyễn Tường Lân.Ông từng theo học ngành Y và Mỹ thuật nhưng đều bỏ dở. Năm 1927, Nguyễn Tường Tam du học Pháp ngành khoa học, thời gian này ông có nghiên cứu nghề báo và nghề xuất bản. Năm 1930, ông lấy bằng cử nhân khoa học và về nước trong năm.Nguyễn Tường Tam đứng ra thành lập Tự Lực văn đoàn (03/1933), giữ vị trí cây bút chủ chốt và là linh hồn của nhóm. Ông cũng từng đảm nhiệm Chủ bút tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay. Ngoài cái tên Nhất Linh được dùng phổ biến hơn cả, ông còn sử dụng các bút danh Tam Linh, Nhất Chi Mai, Bảo Sơn, Lãng Du khi viết văn làm báo, Đông Sơn khi vẽ, Tân Việt khi làm thơ.Nguyễn Tường Tam còn là một chính trị gia. Ông sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng, từng làm Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng (khi Đại Việt Dân chính Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng) và giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một cây bút có tài, đồng thời là một chính khách có lòng yêu nước nhưng tham quyền lực và thiếu tầm nhìn nên đã lầm đường lạc lối. Bỏ qua lăng kính trính trị, cần khẳng định và thừa nhận những đóng góp có giá trị của Nhất Linh nói riêng và Tự Lực văn đoàn nói chung vào nghệ thuật tiểu thuyết và tính hiện đại của tiểu thuyết, vào câu văn và tiếng nói của dân tộc Việt Nam.***Một buổi trưa chúa nhật, về mùa đông. Trong gian phòng ấm áp, bốn người ngồi quây quần nói chuyện trước lò sưởi đỏ rực. Bên ngoài, mưa bụi lặng lẽ bay qua mờ mờ như hơi sương. Hai gốc hoàng lan cạnh cửa sổ đứng rũ rượi, cành lá nặng nề, ướt át.Nghe có tiếng trẻ rao báo ngoài phố, cô giáo Thảo nhìn ra vườn hỏi chồng:– Cậu đã mua báo hôm nay chưa?Ông giáo Lâm đáp:– Mua rồi, tôi quên không đưa mợ xem– Thế họ có đăng tin gì thêm không, cậu?– Không.Thảo quay về phía một cô thiếu nữ ngồi ở ghế đệm dài, rồi hỏi:– Thế nào, chị Loan đã biết tin cô Minh Nguyệt tự tử chưa?Loan đáp:– Tôi biết rồi, biết trước khi họ đăng báo, vì tôi có quen cô ta. Khốn nạn, việc quái gì mà phải tự tử. Mẹ chồng ác thì về nhà bố mẹ mà ở, tội gì rước khổ vào thân rồi đến nỗi tự tử.Thảo nhìn bạn mỉm cười:– Chị nói dễ quá. Còn chồng, còn con…Loan ngắt lời:– Cô ấy chưa có con.– Vâng thì cô ấy chưa có con. Nhưng còn chồng… con gái đã bỏ chồng là mất cả một đời rồi còn gì. Mẹ chồng ghét, chồng bênh mẹ đuổi đi, cô Minh Nguyệt cho đời mình là hết hy vọng.Loan nói:– Việc gì mà hết hy vọng. Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì lại càng nên đi lắm. Khổ là vì cứ tưởng mình là thân con gái thì phải lấy gia đình chồng làm gia đình mình, nếu mất gia đình ấy là đời mình bỏ đi. Sao lại thế được. Mình sống, muốn sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng. Sao đàn ông họ bỏ vợ này lấy vợ khác lại là sự thường.Thảo thấy bạn nói có vẻ giận dữ, mỉm cười đáp:– Chị đã biết ở xã hội mình, lấy chồng là lấy cả gia đình nhà chồng. Nếu không muốn thế thì chỉ có một cách là không lấy chồng nữa hay là chọn người nào không có gia đình mà lấy.Rồi nghĩ đến việc riêng của Loan, thấy Loan hiện đang bị bố mẹ ép lấy một người mà Loan không thuận, Thảo liền ôn tồn nói tiếp:– Nhưng nào mình có được tự ý kén chọn đâu mà bảo kén chọn.Từ nãy đến giờ, Dũng ngồi sát lò sưởi, loay hoay xếp lại mấy thanh củi, không nói một câu. Thấy hai cô bạn bàn tán mãi về một câu chuyện đã cũ kỹ, chàng liền quay lại nói:– Chuyện gia đình bao giờ cũng rắc rối; nào tự do kết hôn, nam nữ bình quyền, mẹ chồng nàng dâu, bao nhiêu thứ lôi thôi, muốn yên ổn thì đừng nghĩ đến nữa.Thảo đáp:– Anh thì anh cần gì gia đình mà bảo nghĩ đến. Còn chị Loan nay mai phải về nhà chồng, chị ấy không để tâm sao được.Rồi nàng mỉm cười tinh nghịch:– Chỉ trừ khi nào chị Loan lấy được người chồng không có gia đình như anh.Câu nói đùa làm cho Loan buồn rầu cúi mặt nghĩ đến nhân duyên của nàng. Nàng bị cha mẹ ép phải lấy Thân, một người bạn học thuở nhỏ của nàng, con một nhà giàu ở ấp Thái Hà. Việc này nàng thấy cha mẹ nói từ hồi nàng mới để tóc. Hai nhà trong mười năm trời nay vẫn đi lại thân mật, hai bên cha mẹ đã định ước cho Thân và Loan lấy nhau. Loan vẫn nhất quyết không chịu không phải là Loan chê gì Thân, vì Thân đối với nàng chỉ là một người quen, nàng không yêu mà cũng không ghét. Nhà Thân lại giàu, Loan chắc chắn rằng khi về nhà chồng, sẽ được sung sướng, an nhàn. Nhưng chỉ vì Loan càng ngày càng thấy cái tình của mình đối với Dũng không phải chỉ là cái tình bạn bè như trước kia. Nàng yêu Dũng và cái hy vọng của nàng lúc đó là được làm vợ Dũng. Tuy định bụng không chịu lấy Thân, nhưng nàng cũng hằng lo lắng, vì nàng biết cha mẹ nàng đã quả quyết về việc đó. Nếu nàng cưỡng tất có sự rắc rối trong gia đình.Thảo nói:– Chị Loan nghĩ ngợi gì mà ngồi thừ ra thế kia? Hay là nghĩ đến đường chồng con sau này đấy?Loan mỉm cười rồi muốn giấu ý nghĩ riêng, nàng ngồi ngay người, hai tay để vào lòng, mặt nghiêm trang nhìn thẳng, bắt chước dáng cô dâu ngoan ngoãn, thỏ thẻ nói:– Cha mẹ đặt đâu, con xin ngồi đấy.Thảo cười bảo:– Còn cô rồi lại không thế à?Loan nói:– Em không lấy chồng.– Không lấy chồng thì làm gì?Loan ưa mắt nhìn Dũng đáp:– Thế anh Dũng thì sao?– Anh Dũng khác. Có phải không, anh Dũng?Dũng thẫn thờ đáp lại:– Phải, tôi thì đâu dám nghĩ đến đường vợ con. Không cửa, không nhà, nay đây mai đó, chính thân tôi, tôi cũng không biết sau này ra sao nữa là. Tôi chỉ có bạn chứ không có gia đình nào cả.Dũng đưa mắt nhìn vợ chồng ông giáo như cảm ơn hai người bấy lâu đã không sợ gì lời dị nghị của thiên hạ, sẵn lòng để chàng đi lại và lúc nào cũng âu yếm, coi chàng như một người em nhỏ đáng thương vì đã bị nhà và họ hàng ruồng bỏ.Ông giáo Lâm dựa vào câu của Dũng bảo đùa vợ:– Đấy, mợ xem sống như anh Dũng mới là đáng sống. Không vợ, không con, thênh thang tự do. Tôi thì có đi đâu một tí, mợ đã kêu la ầm trời đất. Cả ngày chỉ co ro ngồi đánh bóng tủ chè, đỉnh đồng. Cái đời vô vị tẻ ngắt.Mọi người cười ồ. Thảo nói tiếp câu của chồng:– Nhưng mà yên thân.Loan thoáng nghĩ đến hai cảnh đời trái ngược nhau: một cảnh đời yên tịnh ngày nọ trôi theo ngày kia như dòng sông êm đềm chảy, nhẫn nại sống trong sự phục tùng cổ lệ như mọi người con gái khác và một cảnh đời rộn rịp, khoáng đạt, siêu thoát ra hẳn ngoài lề lối thường.Loan nhìn Dũng, ngắm nghía vẻ mặt cương quyết, rắn rỏi của bạn, nghĩ thầm:– Học thức mình không kém gì Dũng, sao lại không thể như Dũng, sống một đời tự lập, cường tráng, can chi cứ quanh quẩn trong vòng gia đình, yếu ớt sống một đời nương dựa vào người khác để quanh năm phải kình kịch với những sự cổ hủ mà học thức của mình bắt mình ghét bỏ. Mình phải tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của mình.Dũng chợt thấy Loan nhìn mình đăm đăm không chớp, có ý ngượng, quay lại với điếu thuốc lá, gắp than hồng châm hút, rồi uể oải đứng dậy xin phép về nhà.Thảo nhìn ra cửa sổ:– Trời vẫn còn mưa. Chúa nhật nhàn rỗi hãy ngồi ít lâu nữa.Rồi âu yếm như chị nói với em, Thảo ân cần hỏi:– Thế nào anh Dũng dọn nhà chưa?– Tôi vừa dọn xong, hôm nào thong thả mời anh chị và cô Loan lại chơi. Tôi xuống bếp đun nước lấy. Có thế mới quý.Thấy bộ quần áo của Dũng đã cũ kỹ, bạc màu, nghĩ đến cảnh nghèo của người bạn sống cô độc trong một gian nhà trọ, không thân thích, không đầy tớ, Loan bùi ngùi thương hại, hai con mắt dịu dàng nhìn Dũng, nói nửa đùa nửa thật:– Anh Dũng cần người hầu hạ thì đã có em. Em lấy rẻ mỗi tháng có năm hào công thôi…Câu nói đùa có ngụ ý không được tự nhiên làm cho Dũng ngượng nghịu, chàng gượng cười bắt tay ông giáo, cúi đầu chào Thảo và Loan, rồi cầm mũ, mở cửa đi ra ngoài mưa gió.
Mời các bạn đón đọc Đoạn Tuyệt của tác giả Nhất Linh.