Cuốn sách “Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài” của tác giả Robin Sharma mang đến những lời chia sẻ ngắn gọn, dễ hiểu về những trải nghiệm và suy ngẫm trong cuộc sống. Với sự chân thành và sâu sắc, tác giả gợi mở về giá trị của mỗi quyết định, mỗi bước đi trong cuộc sống.
“Mọi lựa chọn đều quan trọng, mỗi bước đi đều mang giá trị. Dù cuộc sống diễn ra theo quy luật riêng của nó, chúng ta vẫn cần kiên nhẫn và tin tưởng. Hãy như người thợ cắt đá, từng nhịp một, từng ngày qua đi, và cuối cùng, sự kiên trì sẽ được đền đáp bằng một viên kim cương.
Người sống với đam mê và tận tâm với công việc của mình không bao giờ bị bỏ qua. Đó là sự thật không thể chối cãi.”
Với những lời nhắn nhủ như thế, cuốn sách này chắc chắn sẽ là nguồn động viên và cảm hứng cho bạn trên hành trình chinh phục ước mơ và thành công trong cuộc sống.
—
Tác giả ROBIN SHARMA là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về huấn luyện nghệ thuật lãnh đạo và phát triển bản thân, với triết lý cốt lõi của ông là lãnh đạo không cần chức danh và thoải mái phát huy cao nhất năng lực của mình.
Ông là tác giả của 8 cuốn sách bestseller trên thế giới, trong đó có The Monk Who Sold His Ferrari (được dịch ra 55 thứ tiếng), The Leader Who Had No Title và Who Will Cry When You Die?. Robin đứng trong top 2 của cuộc khảo sát độc lập do trang leadergurus.net thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của những nhà tư tưởng lãnh đạo trên toàn thế giới.
Ông là nhà sáng lập của Sharma Leadership International Inc., một công ty đào tạo với nhiều khách hàng nổi tiếng như FedEx, GE, IBM, Microsoft, Nike và Đại học Yale.
Bạn có thể tìm thêm thông tin về Robin Sharma và các bài huấn luyện của ông tại địa chỉ robinsharma.com.
—-
1. Hãy là chính mình
Warren Buffet từng nói: “Không bao giờ có ai giống bạn.” Một ý tưởng rất thâm thúy. Một con người khôn ngoan. Không bao giờ có ai giống như tôi. Và không bao giờ có ai giống như bạn. Sẽ có người cố gắng bắt chước cách bạn suy tư, nói năng, hành động. Nhưng dù cố gắng hết sức họ cũng chỉ đứng hàng thứ hai mà thôi. Vì bạn là duy nhất. Một bản thể duy nhất tồn tại hôm nay. Giữa hàng tỷ người khác. Hãy dừng lại và nghĩ về điều này. Bạn chợt nhận ra mình đặc biệt. Không, rất đặc biệt mới đúng. Và không thể có ai tranh giành được.
Thế thì hôm nay, bạn làm gì khi bước vào thế giới cần những con người thể hiện vượt trội trong cuộc sống từ trước đến giờ? Bạn đã bộc lộ hết mọi khả năng tiềm ẩn chưa? Bạn đã tiết lộ con người chân thật của mình chưa? Bạn có là chính mình? Hãy tự hỏi. Bởi vì không còn lúc nào thể hiện chính mình tốt hơn lúc này. Và nếu không phải bây giờ, thì khi nào? Tôi nhớ đến lời của triết gia Herodotus: “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra.” Một lời nói tuyệt đẹp.
2. Rào cản vô hình
Tôi đang ngồi tại phi trường Los Angeles. Tôi đến đây để diễn thuyết trước tập thể các nhân viên đầy tiềm năng của công ty General Electric, về vai trò lãnh đạo không cần chức danh, về thế giới việc làm. Về sự vượt trội trong bất cứ công việc nào.
Sau buổi nói chuyện, tôi hồi tưởng lại tại sao rất nhiều người trong chúng ta lại thích đóng vai trò nhỏ bé ở các lĩnh vực cốt lõi trong cuộc sống. Tại sao họ tránh né sự thay đổi? Tại sao họ không đổi mới và bộc lộ tài năng sáng tạo đang ngủ yên trong mỗi con người? Tại sao nhiều người cố tình không muốn nổi bật. Tôi rút ra câu trả lời: những rào cản vô hình.
Tôi muốn kể chuyện này: Tuần trước tôi lái xe về miền quê. Để hít thở. Để làm tươi mới. Để suy tư. Tôi thấy một bảng hiệu của một công ty huấn luyện chó. Bảng hiệu nói về một hàng rào vô hình, chính là hệ thống những giới hạn vô hình mà con chó không thể vượt qua. Cuối cùng người ta đã tạo ra những phản xạ có điều kiện để dù hàng rào đó không còn nữa thì con chó vẫn không dám vượt qua giới hạn. Nó hình thành giới hạn trong đầu để xác định thực tại của nó. Chúng ta cũng giống như vậy. Khi trưởng thành, ta chấp nhận những niềm tin tiêu cực, những giả định sai lầm, những nỗi sợ đang phá hoại thế giới quanh ta. Chúng trở thành rào cản vô hình. Chúng ta tin rằng rào cản có thực. Khi đối đầu với những rào cản trong công việc, trong đời sống, ta thoái lui. Ta tin rằng giới hạn là có thật. Vì thế ta lùi bước trước tất cả những gì mình đáng trở thành, đáng làm, đáng có.
Ảo tưởng đó dường như quá thật, nhưng vẫn chỉ là ảo tưởng. Xin hãy nhớ điều này. Thế nên tôi mong bạn tự hỏi về rào cản vô hình của mình. Ý thức về chúng. Quan sát chúng. Thách thức chúng. Để khi một trong số đó đối đầu với bạn, thay vì chạy mất, bạn sẽ dùng sức mạnh ý chí và nhiệt huyết của trái tim để lao qua nó. Tiến về miền tươi sáng mà cuộc đời bạn đáng được hưởng. Những gì bạn mãi chịu đựng sẽ cứ dai dẳng hoài, nhưng với những gì bạn biết kết thân và tận dụng, bạn sẽ vượt hơn chúng
3. Sức mạnh của sự đơn giản
Tôi học hỏi nơi các con rất nhiều. Các con tôi không những là người hùng mà còn là người thầy giỏi. Chúng giúp tôi biết sống với hiện tại, giúp tôi thấy cuộc đời là một cuộc phiêu lưu và dạy tôi cách mở lòng ra. Chúng còn cho tôi nhiều bài học về sức mạnh của sự đơn giản. Lúc này mọi điều tôi theo đuổi đều đơn giản – một thông điệp đơn giản về tư tưởng: mọi người đều là lãnh đạo dù họ làm gì hoặc ở chức vụ nào; một ý tưởng và công cụ đơn giản giúp người khác xây dựng sự nghiệp; một cuộc sống đơn giản hơn (vì thực ra, tôi đã là người sống rất đơn giản). Đối với tôi, đơn giản rất mạnh mẽ. Nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin đã nhấn mạnh điều này khi nói rằng ở công ty ông “thành công đến từ sự đơn giản”.
Điều đó khiến tôi nhớ đến cậu con trai Colby của mình. Chúng tôi đến thành phố New York cách đây vài tháng, cùng nhau chia sẻ một trải nghiệm mà cả hai đã lên kế hoạch từ lâu: ăn mừng sinh nhật lần thứ 13 (để đánh dấu con tôi trở thành một thiếu niên, chỉ có một lần trong đời). Chúng tôi ăn tại nhà hàng Soho. Đi siêu thị mua đồ chơi. Ghé cửa hàng Lotteria ưa thích của con. Cùng xem bộ phim 3D mới nhất. Một ngày cuối tuần đầy những niềm vui quí giá và những kỷ niệm không thể nào quên. Giữa cha và con.
Tối Chủ nhật trên đường trở về nhà, tôi hỏi: “Thế con thích nhất điều gì trong ngày cuối tuần vừa qua?”. Nó ngồi thinh lặng. Suy nghĩ trầm tư. Rồi nó mỉm cười nói: “Bố còn nhớ cái bánh hot dog mình ăn trên hè phố hôm qua không? Con thích nó nhất đấy.” Đúng là Sức mạnh của sự đơn giản.
4. Hoặc giỏi hoặc ra rìa
Diễn viên hài Steve Martin khuyên các tài năng trẻ: “Hãy giỏi đến mức người ta không thể ngó lơ bạn.” Câu nói thật ý nghĩa. Cuộc sống ưu đãi những ai tận lực. Bạn càng cho đi, cuộc đời càng gửi lại. Nếu bạn thực hiện bất cứ công việc nào một cách tuyệt vời, luôn luôn tìm kiếm sự vượt trội, luôn ở vị trí xuất sắc, bạn không thể vuột mất chiến thắng cuối cùng. Nhà văn Jerry Garcia với tác phẩm The Greatful Dead từng nói: “Bạn không chỉ muốn trở thành người giỏi nhất. Bạn còn muốn được thiên hạ công nhận là người duy nhất thực hiện điều đó.”
Đôi khi thất vọng sẽ đến. Điều này xảy ra cho tất cả mọi người. Ta cố gắng hết sức, trung thành với giấc mơ và theo đuổi lý tưởng. Thế mà chẳng có gì xảy ra. Hoặc dường như là vậy. Nhưng mọi lựa chọn đều giá trị. Mọi bước đi đều quan trọng. Cuộc sống vẫn diễn ra theo cách của nó, không phải theo cách của ta. Hãy kiên nhẫn. Tin tưởng. Hãy giống như người thợ cắt đá, đều đặn từng nhịp, ngày qua ngày. Cuối cùng, một nhát cắt duy nhất sẽ phá vỡ tảng đá và lộ ra viên kim cương. Người tràn đầy nhiệt huyết và tận tâm với việc mình làm không bao giờ bị chối bỏ. Sự thật là thế.
Steve Martin cho tôi một ý tưởng sâu sắc. “Hãy giỏi đến mức người ta không thể ngó lơ bạn.” Chuyên gia quản trị Peter Drucker cũng nhận xét gần như vậy khi cho rằng: “Hoặc giỏi hoặc ra rìa.” Hãy áp dụng triết lý này trong công việc. Trong gia đình. Trong cộng đồng. Trong thế giới của bạn. Hãy can đảm trình diễn năng khiếu để chúng mang lại những phần thuởng tuyệt vời.
Cuối cùng cuộc sống luôn công bằng. Hãy tin ở nó.
5. Nguyên tắc mở rộng thành công
Đây là một ý tưởng mạnh mẽ có thể cách mạng hóa cuộc sống và sự nghiệp nếu bạn bám vào tận gốc rễ của nó: cuộc sống rộng ra hoặc co lại tùy vào ý chí muốn tiến thẳng vào nỗi sợ của mình. Hãy thực hiện những gì bạn sợ, bạn sẽ tỏa sáng. Chạy trốn nỗi sợ khiến bạn cũng lùi xa sự vượt trội. Điều đó nhắc tôi nhớ lời Frank Herbert đã viết trong tác phẩm Xứ cát: “Tôi không được quyền sợ. Sợ hãi là kẻ hủy diệt tâm trí. Sợ hãi là cái chết sẽ dần dẫn ta đến chỗ hoàn toàn tiêu vong. Tôi phải đối mặt nỗi sợ. Tôi sẽ cho phép nó đi qua đời mình. Và khi nó đi qua, tâm trí tôi sẽ quay lại nhìn chặng đường của nó. Nơi nỗi sợ đi qua sẽ không có gì. Chỉ mình tôi còn lại.”
Khi dám đối mặt với hoàn cảnh nào khiến bạn cảm thấy bất an, sợ hãi, kết quả đạt được sẽ rất đáng khích lệ. Thay vì chạy đến cánh cửa thoát hiểm nào đó, bạn vẫn đứng vững và thực hiện điều bạn biết mình nên làm. Trước hết, bạn sẽ thấy nỗi sợ chẳng qua chỉ là ảo giác. Thứ đến, bạn nhận được phần thưởng cho lòng can đảm, bởi vì bên kia cánh cửa của bất cứ nỗi sợ nào cũng đều có sẵn những món quà lộng lẫy, món quà của sự trưởng thành nhân cách, lòng tự tin, sự khôn ngoan. Tôi vẫn nhiều lần chứng kiến điều này trong cuộc đời.
Tôi tin đó là qui luật của cuộc sống. Vậy hãy hướng đến nỗi sợ. Chỉ cần khởi đầu từng bước nhỏ thôi, nhưng trong các cuộc đua, chậm mà chắc sẽ luôn chiến thắng. Hãy chứng kiến thành công bạn đáng được hưởng đang dần hiện ra. Vào đúng lúc bạn cần nó nhất.
Mời các bạn đọc cuốn sách Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài của tác giả Robin Sharma