Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Đời Tôi: Tự Truyện Của Giáo Hoàng Văn Học Đức của tác giả Marcel Reich-Ranicki, Lê Chu Cầu (dịch), cũng như link tải ebook Đời Tôi: Tự Truyện Của Giáo Hoàng Văn Học Đức miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Giới thiệu sách Đời Tôi: Tự Truyện Của Giáo Hoàng Văn Học Đức PDF
Cuốn sách “Đời Tôi” tái hiện cuộc đời đầy bão tố và tình yêu văn chương của Marcel Reich-Ranicki – một nhà phê bình văn học nổi tiếng đến từ Đức. Cuốn sách kể về cuộc sống thật sự đầy bi kịch của ông, người đã trốn thoát trong thảm sát người Do Thái.
Sinh năm 1920 tại Ba Lan trong một gia đình Do Thái, sau đó lớn lên ở Berlin, Marcel Reich-Ranicki đã tiếp xúc với văn học và triết học Đức từ khi còn rất trẻ. Qua trải nghiệm của cha mẹ, ông nhận thức sớm về nguy cơ lớn nhất đối với một người Do Thái dưới chế độ Đức Quốc xã.
“Đời Tôi” của Marcel Reich-Ranicki chứa đựng ba câu chuyện quan trọng. Đó là câu chuyện về cuộc sống vượt qua mọi hiểm nguy, thoát khỏi cảnh tàn sát của diệt chủng. Cuộc đời của một nhà văn, nhà phê bình được tái hiện trong sách, và tự truyện này thể hiện tình yêu sâu sắc của Ranicki dành cho văn chương. Một câu chuyện khác trong cuốn sách là về mối tình của ông với Tosia, một tình yêu đẹp như trong tiểu thuyết, bắt đầu từ việc họ gặp nhau bên một xác chết. Đó là một tình yêu có thể được dựng thành phim.
Review nội dung sách Đời Tôi: Tự Truyện Của Giáo Hoàng Văn Học Đức PDF
Ưu điểm:
- Hành trình sống đầy biến động: Cuốn tự truyện đưa người đọc trải qua cuộc đời đầy biến động của Marcel Reich-Ranicki, từ tuổi thơ êm đềm ở Ba Lan, đến những năm tháng khốn khó trong trại tập trung, và sau này là sự nghiệp lừng lẫy của một nhà phê bình văn học hàng đầu nước Đức.
- Chân dung một nhân cách văn chương kiệt xuất: Bằng giọng văn thẳng thắn, dí dỏm, đôi khi cay nghiệt, Reich-Ranicki phơi bày chân dung một nhà phê bình văn học sắc sảo, đầy bản lĩnh, với những quan điểm, đánh giá thẳng thừng, không khoan nhượng.
- Bức tranh văn học Đức thế kỷ 20: Xuyên suốt cuốn tự truyện, người đọc được tiếp cận với bức tranh toàn cảnh về văn học Đức thế kỷ 20, với những tên tuổi lừng lẫy như Thomas Mann, Bertolt Brecht, Günter Grass… qua góc nhìn tinh tường của Reich-Ranicki.
Nhược điểm:
- Khối lượng kiến thức đồ sộ: Với hơn 700 trang sách, “Đời Tôi” có thể là một thử thách với những độc giả chưa có nhiều kiến thức về văn học Đức.
- Lối viết tự sự đôi khi dài dòng: Tác giả đôi khi đi sâu vào chi tiết, hồi tưởng, khiến mạch truyện có phần chậm rãi, dễ gây nhàm chán cho một số độc giả.
Kết luận:”Đời Tôi: Tự Truyện Của Giáo Hoàng Văn Học Đức” là một cuốn tự truyện giá trị, mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Marcel Reich-Ranicki, đồng thời là một góc nhìn thú vị về văn học Đức thế kỷ 20.
Giới thiệu về tác giả Marcel Reich-Ranicki
Marcel Reich-Ranicki (1920 – 2013) là nhà phê bình văn học Đức uy tín nhất nửa sau thế kỷ 20, nhận xét của ông có những ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiệp của một nhà văn Đức.
Reich-Ranicki là soạn giả của bộ Hợp tuyển Frankfurt, tập hợp tác phẩm của khoảng 350 nhà thơ Đức, do 280 người bình giải. Ông là chủ biên của bộ sách 7 cuốn Hợp tuyển thơ trữ tình Đức, bộ 8 cuốn Hợp tuyển kịch Đức, bộ 5 cuốn Hợp tuyển tiểu luận của các tác giả Đức…
TÓM LƯỢC TIỂU SỬ TÁC GIẢ
- 1920: sinh ở Wloclawek (Ba Lan).
- 1927: học trường tiểu học tiếng Đức ở Wloclawek.
- 1929: đến Berlin, học trường tiểu học ở Berlin – Charlottenburg.
- 1930: trường trung học Werner von Siemens ở Berlin – Schöneberg.
- 1935: trường trung học Fichte ở Berlin – Wilmersdorf.
- 1938: tú tài. Không được nhận vào Đại học Berlin. Học nghề tại một hãng xuất cảng. Cuối tháng Mười bị phát vãng về Ba Lan.
- 1939: sau khi Warsaw bị Đức chiếm, làm phiên dịch tại Cộng đồng Do Thái.
- 1942: tháng Bảy, lập gia đình với Teofila, nhũ danh Langnas, để cứu bà khỏi bị đưa tới trại tập trung Treblinka.
- 1943: tháng Hai, cùng vợ trốn khỏi Getto.
- 1944: tháng Chín, được quân đội Liên Xô giải phóng. Cùng vợ tự nguyện gia nhập quân đội Ba Lan, công tác trong đơn vị kiểm duyệt quân bưu.
- 1945: về Warsaw, kiểm duyệt quân bưu.
- 1946: công tác tại Phái bộ Quân sự Ba Lan ở Berlin (từ tháng Một đến tháng Tư). Từ tháng Tư làm việc cho Mật vụ Ba Lan (tình báo đối ngoại). Gia nhập Đảng Cộng sản Ba Lan.
- 1947: vừa hoạt động trong lĩnh vực tình báo đối ngoại vừa trong Bộ Ngoại giao.
- 1948: phó lãnh sự ở Luân Đôn (lấy tên Marcel Ranicki), sau đó là lãnh sự.
- 1949: xin được triệu hồi (tháng Mười một). Trở về Warsaw.
- 1950: bị bắt, bị sa thải khỏi cơ quan tình báo và ngoại giao, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản (tháng Ba), biên tập viên về văn học Đức tại nhà xuất bản của Bộ Quốc phòng Ba Lan.
- 1951: công bố các bài viết về văn học bằng tiếng Ba Lan.
- 1953: bị cấm công bố (từ tháng Ba).
- 1954: lệnh cấm công bố được thu hồi (tháng Mười).
- 1957: sang CHLB Đức lần đầu tiên.
- 1958: sang CHLB Đức để “nghiên cứu” (tháng Bảy), ở lại Tây Đức. Cộng tác với các tờ Frankfurte Allgemeine, Die Welt và nhiều đài phát thanh. Lần đầu tiên dự buổi họp của “Nhóm 47”.
- 1960 -1973: phê bình văn học cho tuần báo Die Zeit.
- 1964 – 1967: hướng dẫn chương trình phát thanh “Quán cà phê văn học”.
- 1968 -1969: giáo sư thỉnh giảng ở Washington University ở St. Louis và Middlebury College (Mỹ).
- 1971 – 1975: giáo sư thỉnh giảng về văn học Đức mới tại các Đại học Stockholm và Uppsala (Thụy Điển).
- 1973 – 1988: trưởng ban biên tập văn học tờ Frankfurte Allgemeine.
- 1974: giáo sư danh dự Đại học Tübingen.
- 1988 – 2001: dẫn chương trình truyền hình “Bộ tứ văn học” trên Đài Truyền hình Hai Đức (ZDF).
- 1990: giáo sư thỉnh giảng Đại học Heinrich Heine (Düsseldorf).
- 1991: giáo sư thỉnh giảng Đại học Karlsruhe.
- 2013: qua đời ngày 18 tháng Chín tại Frankfurt am Main (CHLB Đức).
Không kể huân chương bạc của Nhà nước Ba Lan (1972) vì những cống hiến của ông trong lĩnh vực tình báo, Marcel Reich-Ranicki đã được châu Âu (2004), Nhà nước CHLB Đức (2003), Hoàng gia Hà Lan (2010) cùng nhiều bang, thành phố và cơ quan truyền thông Đức trao tặng khoảng 30 huân chương và giải thưởng vì những hoạt động văn học.
Ngoài ra, Marcel Reich-Ranicki còn được tặng 9 bằng Tiến sĩ danh dự của các trường Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Utrecht (Hà Lan), Đại học Tel Aviv (Israel) và các đại học Đức: Đại học Augsburg, Đại học Otto-Friedrich ở Bamberg, Đại học Heinrich-Heine ở Düsseldorf, Đại học Ludwig-Maximilians ở Munich, Đại học Tự do Berlin, Đại học Humboldt (Berlin).
Năm 2008/2009 Truyền hình Đức đã chuyển thể quyển Đời tôi thành phim truyện.
Đọc thử sách Đời Tôi: Tự Truyện Của Giáo Hoàng Văn Học Đức PDF
“Con ơi, con đi đến xứ sở của văn hóa đấy nhé!”
Suốt đời Marcel Reich-Ranicki không bao giờ quên lời nhắn nhủ của cô giáo, khi cậu bé từ biệt tỉnh lẻ Wlocawek (Ba Lan) và gia đình, một thân một mình đi học ở Berlin, thủ đô nước Đức văn minh.
Bấy giờ là năm 1929 và Marcel Reich – mãi khoảng hai mươi năm sau mới thành tên kép “Reich-Ranicki” – mới chín tuổi.
Nước Đức quả thật là xứ sở của văn hóa với bao nhà tư tưởng lớn, bao nhà văn nhà thơ lớn, bao nhạc sĩ lớn: Goethe, Schiller, Heine, Lessing, Kant, Hegel, Marx, Bach, Beethoven…
Song nước Đức cũng là xứ sở của bao kẻ đã gây nên một trong những tội ác khủng khiếp nhất thế kỷ 20: tội giết 6 triệu người Do Thái, hầu hết sống ở châu Âu đã nhiều trăm năm hoặc lâu hơn, và có không ít cống hiến, thậm chí vĩ đại, cho văn minh nhân loại (mà Albert Einstein chỉ là một ví dụ).
Bốn năm sau, năm 1933, Hitler và đảng Quốc xã nắm quyền ở Đức. Cậu học trò Ba Lan gốc Do Thái Marcel Reich phải chứng kiến bầu không khí ngột ngạt đổi thay đột ngột trong trường và không thể tránh khỏi ít nhiều là nạn nhân của chính sách bài Do Thái ngay trong lớp học, nên đã quyết chí trở thành học sinh giỏi nhất lớp về môn Đức văn – chứ không phải bất kỳ môn nào khác – để các bạn học Đức cũng như các thầy giáo phải vì nể.
Cậu tiếp cận với văn hóa, đặc biệt là văn hóa Đức, không chỉ qua sách vở, mà còn qua opera, hòa nhạc, nhất là kịch. Từ đó cậu không ngừng yêu văn học Đức, bất chấp những kỳ thị, đày đọa, thậm chí tàn sát mà cậu và thân nhân cùng bao đồng bào người Do Thái đã phải hứng chịu ở Đức cũng như ở Ba Lan.
Chính nhờ vốn liếng văn học Đức (và thế giới) mà đêm đêm cậu có thể kể chuyện – khác nào tình cảnh nàng Scheherazade trong 1001 đêm – cho vợ chồng chủ nhà chứa chấp họ, nên Marcel và Tosia Reich đã may mắn sống sót sau những tháng dài trốn chui trốn nhủi.
Ít năm sau chiến tranh, trong một đất nước Ba Lan mới – vừa tiếp tục kỳ thị người Do Thái vừa thù ghét Đức – Marcel Reich-Ranicki không thể có chỗ đứng. Cuối cùng, năm 1958, cũng vì tình yêu văn học Đức, ông đã không đi Mỹ, Úc hay Israel, mà quyết tâm trở lại (Tây) Đức, nguồn gốc mọi thống khổ của ông hai thập niên trước. Với ước mơ duy nhất: được làm nhà phê bình văn học. Hành trang chỉ gồm chiếc cặp đựng những bài phê bình ông đã công bố ở Ba Lan, chiếc máy chữ lọc cọc và bộ Từ điển Ba Lan-Đức, phòng khi không được làm công việc như ý muốn thì sẽ hành nghề dịch thuật.
Nước Đức “không trải thảm đỏ đón chào” ông – một người con gốc Do Thái trở về – mà ngược lại, song ông đã trở thành nhà phê bình văn học của mấy nhật báo, tuần báo lớn nhất Cộng hòa Liên bang Đức, của nhiều đài phát thanh, để rồi cuối cùng chiếm lĩnh vị trí nhà phê bình nổi tiếng nhất ở Đức nửa sau thế kỷ 20. Biệt danh Giáo hoàng Văn học Đức của ông hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, dù theo ông nó không chỉ thuần là ca ngợi.
“Không thể vì tình bạn mà nhận xét khác đi,” phương châm ấy của Marcel Reich-Ranicki trong việc đánh giá tác phẩm đã ảnh hưởng đến quan hệ giữa ông và không ít tác giả – nhiều người rất danh tiếng. Có trường hợp dường như không hàn gắn được. Lại có những tác giả không chỉ rủa thầm, mà còn vẽ ra viễn cảnh nhà phê bình bị chết, bị giết. Nhưng ông vẫn chọn tôn trọng sự thật – tất nhiên “sự thật” theo nhận xét của ông – và chấp nhận “sự cô đơn” của một nhà phê bình đúng nghĩa.
“Viết cho người đọc hiểu,” tránh biệt ngữ hàn lâm, là một phương châm nữa của Marcel Reich-Ranicki. Nhưng ông không chỉ “viết” mà còn “nói” cho khán thính giả hiểu – điển hình là hai chương trình “Quán cà phê văn học” truyền thanh và “Bộ tứ văn học” truyền hình mà ông dẫn. Trong thời đại ngày nay, chủ yếu hai chương trình này, chứ không phải các bài phê bình chi tiết và sâu sắc trên báo, đã khiến người xem quan tâm hơn đến việc đọc sách, nghĩa là đến văn hóa.
Thực tế đã chứng minh: trong một lần thăm dò dư luận công chúng Đức, 98% người được hỏi biết tên ông. Việc ông được tặng hơn 30 huân chương và giải thưởng, 9 bằng tiến sĩ danh dự (của 3 đại học nước ngoài và 6 đại học Đức) nói lên uy tín của Marcel Reich-Ranicki trong lĩnh vực văn học.
Đời tôi, ngoài những trang thú vị về sinh hoạt học đường ở Đức vào đầu thế kỷ 20, ngoài những trang thương tâm về cảnh ngộ của người Do Thái trong Getto Warsaw, còn giúp người đọc có được đôi nét khái quát về tình hình chính trị lẫn văn học Đức trước và sau Thế chiến II, về một số nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng của Đức như Anna Seghers, Bertold Brecht, Heinrich Böll, Günter Grass, Wolfgang Koeppen, của Áo như Ingeborg Bachmann và Thomas Bernhard, của Thụy Sĩ như Max Frisch…
… Và, không kém quan trọng, một chuyện tình cảm động.
LÊ CHU CẦU