Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Đốn Hạ của tác giả Thomas Bernhard, cũng như link tải ebook Đốn Hạ miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Nhận lời mời đến buổi dạ yến nghệ sĩ, Thomas Bernhard yên vị trong chiếc ghế bành, ly sâm panh trên tay, lặng lẽ quan sát cuộc diễu hành của cánh trí thức thượng lưu cùng đám ngụy nghệ sĩ. Với thủ pháp độc thoại miên man, ông cuốn người đọc vào dòng chảy vô tận của hận thù và khinh miệt, phơi bày bản chất của giới nghệ sĩ dưới sức ép của sáng tạo, của hư danh và của cơm áo gạo tiền. Đốn Hạ trở thành một câu chuyện giữa nghệ thuật, giữa người làm nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật với cơ chế cai trị nghệ thuật trong xã hội Áo. Sáng tạo văn hóa có nên bắt tay cùng giới quyền lực để sáng tạo thỏa hiệp?
Giới thiệu sách Đốn Hạ PDF
Cuốn sách Đốn Hạ được xuất bản lần đầu vào năm 1984 tại Đức. Đây là cuốn thứ hai trong bộ ba về nghệ thuật của Bernhard, tập trung vào nhà hát kịch và đã gây tranh cãi và bị cấm tại Áo khi một số người nhận ra họ trong câu chuyện.
Câu chuyện diễn ra trong một buổi dạ yến nghệ sĩ mà nhân vật chính đã chán ghét nhưng không hiểu vì sao vẫn tham dự (và đến sớm). Nhân vật này dành nửa thời gian “ngồi trên ghế bành suy nghĩ”. Ông ta nghĩ về những điều ghê tởm, uể oải nhất về các nghệ sĩ trong buổi diễn đêm đó. Giống như việc Bernhard miêu tả, các nhân vật trong đây được sỉ nhục nhưng đồng thời cũng đáng ngưỡng mộ (được vinh danh, trao giải thưởng danh dự, tranh treo trong bảo tàng, là những nghệ sĩ hàng đầu tại nhà hát kịch,…). Chính nhân vật chính cũng từng ngưỡng mộ sâu sắc những người này.
Điểm đặc biệt của buổi tiệc chính là nhân vật chính. Nhân vật này mang đầy những nguy hiểm theo triết lý của Schopenhauer: bị xã hội lạnh lùng (ngồi một mình trên ghế bành gần cửa ra vào, nhận thấy sự căm ghét mà mọi người trao đến), hoài nghi (tương tự như trong cuốn Diệt Vong, nhân vật chính luôn dao động giữa những quan điểm trái ngược về cùng một vấn đề và cuối cùng không biết điều nào là đúng), suy đồi đạo đức (sau khi chỉ trích người khác tan nát, nhân vật này tự thừa nhận mình tởm lợm hơn).
Sau những suy tư âm ỉ về quá khứ trên ghế bành, nhân vật chuyển sang bàn ăn với ánh nhìn không hài lòng với hiện tại. Ở đây, khi đối diện với cuộc sống và câu chuyện của người khác, câu chuyện trở nên sống động hơn (tạo nên sự đọc dễ dàng hơn). Tuy nhiên, cuộc trò chuyện vẫn mang một tâm trạng u ám cho đến những trang cuối cùng, khi nhân vật chính bỗng chốc bị chế giễu, đánh thức sự tỉnh táo, kéo theo việc nhân vật chính cũng tỉnh giấc, và một sự thật mới lộ ra: một diễn viên già của nhà hát kịch Burgtheater đứng dậy, chuẩn bị rời khỏi, nhưng rồi quyết định nhẫn nhịn và nói mặt toàn bộ khách mời rằng ông ghê tởm những buổi tiệc như thế, ghê tởm sự vinh quang của diễn viên nhà hát Burgtheater mà ông mới tự hào một lát trước, ông chỉ muốn ở yên trong rừng, sống trong tĩnh lặng và đốn hạ cây rừng.
Giới thiệu về tác giả Thomas Bernhard
Thomas Bernhard là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Áo. Ông được coi là tác gia Đức ngữ quan trọng nhất thời hậu chiến. Được đánh giá cao ở nước ngoài nhưng tại Áo, ông lại bị chỉ trích là kẻ “vạch áo cho người xem lưng” khi các tác phẩm của ông thẳng thắn chỉ ra và cay nghiệt phê phán các thói tật của quê hương, bao gồm cả quá khứ Quốc xã.
Đọc thử sách Đốn Hạ PDF
Trong lúc ai nấy đều nóng ruột ngóng chờ lão diễn viên vốn đã buông lời hứa đến dùng bữa tối ở ngõ Grentz sau buổi trình diễn vở Vịt trời khoảng mười một giờ rưỡi, thì tôi lại ngồi chính trên chiếc ghế bành mà trước đây, vào đầu những năm năm mươi, gần như ngày nào tôi cũng ngồi, để đưa mắt dõi nhìn theo vợ chồng nhà Auersberger và nghĩ bụng: việc mình nhận lời mời của vợ chồng y quả là một sai lầm tai hại. Suốt hai chục năm qua chẳng lần nào tôi gặp hai vợ chồng Auersberger nữa, thế mà đúng ngày Joana, người bạn chung của cả tôi và của vợ chồng họ qua đời thì tôi lại gặp hai vợ chồng nhà đó trên phố Graben và đã không ngần ngại nhận ngay lời mời đến nhà dự bữa ăn tối mà vợ chồng y vẫn gọi là dạ tiệc nghệ sĩ ấy. Ngồi trên ghế bành, tôi nghĩ bụng, hai chục năm ròng mình chẳng thèm đoái hoài gì đến cặp vợ chồng Auersberger này, suốt hai chục năm trời, mình cũng không một lần gặp lại vợ chồng nhà này, thậm chí trong suốt cả hai chục năm ấy, chỉ cần ai nhắc đến tên vợ chồng Auersberger thôi là mình đã phát buồn nôn, thế mà bây giờ vợ chồng nhà ấy lại đặt mình vào thế phải ngồi đối diện với những năm năm mươi của cả bọn họ lẫn của mình. Tôi thầm nghĩ, hai chục năm tôi tránh mặt vợ chồng nhà Auersberger, hai chục năm trời tôi không một lần gặp họ, thế mà đúng bây giờ đây tôi lại đụng phải họ ở phố Graben; đúng ngày hôm nay mà lại đặt chân lên phố Graben thì quả là ngu xuẩn hết sức, đã thế lại còn theo một thói quen tôi có hồi từ London về lại Vienna đến giờ, là đi tới đi lui trên phố Graben, đoạn phố mà nhẽ ra tôi phải cầm chắc rằng thể nào mình cũng phải một lần chạm trán vợ chồng nhà Auersberger, và chẳng những chỉ chạm trán với riêng hai vợ chồng nhà ấy không thôi, mà còn chạm trán tất tật những người tôi từng lánh mặt suốt mấy chục năm qua, những người mà vào những năm năm mươi, tôi từng duy trì mối quan hệ khăng khít, như vợ chồng lão Auersberger thường vẫn gọi là quan hệ nghệ sĩ ấy – mối quan hệ mà tôi đã cắt bỏ từ một phần tư thế kỷ nay, đúng vào thời điểm tôi từ bỏ vợ chồng nhà Auersberger để té sang London, bởi vì như thiên hạ vẫn bảo, tôi đã cắt đứt mọi liên hệ với đám người thành Vienna hồi ấy và chẳng muốn gặp lại, cũng như hoàn toàn không muốn dây dưa dính líu chút nào với họ nữa. Ngồi trên ghế bành, tôi nghĩ bụng, đi dạo dọc phố Graben thì có khác nào đâm thẳng vào sào huyệt của giới thượng lưu thành Vienna và chạm trán với chính những kẻ tôi không muốn gặp, những kẻ mà chỉ cần đột ngột xuất hiện cũng khiến người tôi nổi các cơn đau thắt đủ kiểu cả về tinh thần lẫn thể xác, và cũng chính vì vậy mà những năm gần đây, mỗi khi từ London về thăm Vienna, tôi đều tránh sang đường khác, không đặt chân lên phố Graben, cũng như không qua chợ Kohlmarkt nữa, và dĩ nhiên, không bén mảng lên phố Kärntner; tôi tránh không vào ngõ Spiegel cũng như lảng xa ngõ Stallburg hay ngõ Dorotheer, đồng thời, tránh thật xa những tuyến luôn luôn làm tôi kinh hãi là phố Wollzeile hay ngõ Opern, nơi tôi thường sa bẫy của chính những kẻ xưa nay tôi vẫn ghét cay ghét đắng ấy. Song – ngồi yên vị trong ghế bành, tôi nghĩ bụng – mấy tuần gần đây tôi bỗng dưng lại nổi cơn hứng, muốn đi dạo cả trên phố Graben lẫn phố Kärntner cho bằng được, do bầu không khí ở đó trong lành, cũng có thể do tôi đột nhiên cảm thấy dễ chịu khi được hòa mình vào đám đông buổi sáng, ở ngay trên các khu phố ấy, chính ngay trên phố Graben và phố Kärtner chứ chẳng đâu xa, và có lẽ còn do tôi rốt cuộc cũng dứt khoát muốn trút bỏ cảnh sống cô đơn hàng tháng trời trong căn hộ ở khu Währing, muốn nhanh chân thoát khỏi cuộc sống biệt lập đang làm đầu óc tôi sắp ngu si mụ mị đến nơi rồi. Mấy tuần trở lại đây tôi luôn cảm thấy dễ chịu và khoan khoái, cả về thể xác lẫn tinh thần, mỗi khi hết xuôi phố Kärntner sang phố Graben, rồi lại ngược phố Graben quay về phố Kärntner; đi ngược đi xuôi như thế làm đầu óc tôi dễ chịu thế nào, thì cũng làm thân xác tôi khoan khoái y như vậy, và cứ như thể tôi không cần gì hơn ngoài việc đi tới đi lui trên hai phố Graben và Kärntner ấy nữa cả, trong mấy tuần vừa qua, ngày nào tôi cũng ngược phố Kärntner lên phố Graben rồi lại xuôi trở xuống; đi trên phố Kärntner cũng như phố Graben như thế, thật tình mà nói, sau mấy tháng ròng suy hồn bại lực, bỗng dưng tôi cảm thấy hồi tâm tĩnh sức trở lại, và mỗi lần ngược phố Kärntner lên phố Graben rồi quay về, tôi lại thấy tươi tỉnh; vừa đi tôi vừa tự nhủ chỉ cần mỗi chuyện đi ngược đi xuôi thế này thôi, nhưng tôi biết thực ra không phải chỉ có vậy; lòng dạ tôi một mực khăng khăng chỉ cần mỗi chuyện đi ngược đi xuôi thế này thôi, và đúng thực, đi như thế buộc tôi phải suy tư trở lại, đi như thế thật sự bắt tôi phải triết lý trở lại, buộc tôi phải bận tâm trở lại với cả triết học lẫn văn học, là những thứ từ khá lâu đã bị đè nén, vâng, thậm chí dập chết, trong lòng tôi. Ngồi trên ghế bành, giờ đây tôi thầm nghĩ, phải, chính cái mùa đông dài đằng đẵng và sinh bệnh gây hoạn này, cái mùa đông tôi vô phúc trải qua ở Vienna – chứ không phải ở London như mấy năm trước – đã dập chết mọi thứ thuộc về văn chương lẫn triết lý ở trong tôi, và bây giờ, nhờ có những chuyến đi đi lại lại qua phố Graben đến phố Kärntner này, tôi đã tự làm chúng hồi sinh, tôi có thể thẳng thừng coi trạng thái tinh thần của tôi ở thành Vienna này – trạng thái tinh thần mà có lẽ tôi sẽ được phép gọi là trạng thái cứu rỗi tinh thần ấy – là kết quả của biện pháp trị liệu liên phố Kärntner-Graben, một biện pháp trị liệu tôi tự kê cho mình từ giữa tháng Giêng đến giờ. Tôi nghĩ bụng chính cái thành Vienna đáng tởm này, chính thành phố đã đẩy tôi rơi sâu vào tuyệt vọng và lại một lần nữa xô tôi đến chỗ cùng đường hết lối này, bỗng nhiên lại biến thành động cơ khiến tôi động não trở lại, khiến thân xác tôi hồi sinh; ngày này qua ngày khác tôi quan sát sự hồi sinh của tất tật những gì suốt mùa đông qua đã tắt lịm trong tôi, một cuộc hồi sinh không ngừng diễn ra trong đầu óc và thân thể tôi; trước đây tôi đổ cho mùa đông thành Vienna cái tội làm tinh thần và thể xác tôi chết dần chết mòn thế nào, thì giờ đây cũng chính thành Vienna là nơi tôi phải mang ơn về sự hồi sinh.