Cuốn sách “Dọn Nhà, Dọn Cửa, Gột Rửa Trái Tim” của thầy Shoukei Matsumoto không chỉ là hướng dẫn về cách dọn dẹp nhà cửa mà còn là một hành trình tinh thần đầy ý nghĩa. Thông qua việc truyền tải hình ảnh tu hành của các nhà sư và giới thiệu nghi thức dọn dẹp hằng ngày trong ngôi chùa, thầy Matsumoto khuyến khích bạn đọc không chỉ thực hiện các nghi thức này tại nhà mình mà còn tạo ra một trạng thái tâm hồn trong sạch và bình an.
Qua việc tập trung vào việc dọn dẹp và làm sạch nhà cửa, bạn không chỉ tạo ra một môi trường sống sạch sẽ mà còn có cơ hội bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn của chính mình và những người xung quanh. Việc này không chỉ giúp bạn tạo ra một không gian sống hài hòa mà còn tạo ra một trạng thái tinh thần yên bình và cân bằng.
Cuốn sách này khuyến khích bạn tận hưởng quá trình dọn dẹp nhà cửa như một hành động thiền định, một cơ hội để tinh chỉnh tâm hồn và tạo ra sự thịnh vượng tinh thần trong cuộc sống hàng ngày.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Dọn Nhà, Dọn Cửa, Gột Rửa Trái Tim của tác giả Shoukei Matsumoto
—-
KIẾN THỨC CHUNG VỀ DỌN DẸP – DỌN DẸP LÀ GÌ?
Từ xa xưa, người Nhật đã luôn quan niệm dọn dẹp không chỉ là một công việc lao động tầm thường và vụn vặt.
Tại các trường tiểu học và trung học cơ sở của Nhật Bản, tất cả các em học sinh đều dọn dẹp, đó là việc đương nhiên. Ở Nhật, dọn dẹp không chỉ mang ý nghĩa “lấy đi vết bẩn” mà nó còn được coi trọng giống như một sợi dây liên kết với việc “bồi dưỡng vẻ đẹp nội tại của trái tim.” Khi đến thăm các ngôi chùa, hẳn bạn cũng nhận ra bên trong chùa luôn được dọn dẹp sạch sẽ, bày trí rất tinh tế và thoáng đãng đúng không?
Đương nhiên, mục đích của việc này là để đón tiếp khách thập phương, nhưng đối với những nhà sư sinh sống và tu hành tại chùa, bản thân việc khiến ngôi chùa luôn trong trạng thái sạch đẹp là một công việc tu hành Phật đạo vô cùng quan trọng. Toàn bộ không gian được sắp xếp sạch sẽ, mọi thứ được lau chùi sáng bóng. Bản thân tôi khi học tập tại ngôi chùa ở Kyoto, Nhật Bản để trở thành một nhà sư, chỉ cần cách đặt, để hay thứ tự xếp chồng lên nhau của quần áo và tấm chiếu tatami bị sai lệch một chút thôi, nhất định tôi sẽ phải nhận chỉ trích từ nhà sư tiền bối – người trực tiếp giảng dạy mình.
Nếu như có cơ hội, nhất định bạn phải chiêm ngưỡng dáng hình của nhà sư trong khi dọn dẹp khuôn viên bên trong chùa.
Những nhà sư khoác bộ trang phục mặc khi lao động, cố gắng làm việc trong yên lặng, dọn dẹp tại những nơi đã được phân công. Ai nấy đều mang gương mặt tràn đầy sinh khí và hăng hái.
“Phiền phức, lằng nhằng, nói thực lòng là không muốn làm đâu, nên là thôi cứ đại khái đi cho xong.” Dọn dẹp không phải là như vậy.
Chuyện kể rằng: Một đệ tử của Đức Thích Ca Mâu Ni, nhờ vừa xướng, “Cầm lấy chổi, quét sạch bụi bẩn,” vừa tiếp tục thực hiện việc dọn dẹp bằng chiếc chổi cầm trên tay, dọn dẹp thật nghiêm túc, mà đã giác ngộ được chân lý.
Dọn dẹp, không phải là do vết bẩn, mà đó là quá trình “tu hành” để bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.
—-
VỀ RÁC THẢI
Rác là gì?
Là vật đã bẩn, vật đã cũ, vật không thể dùng được nữa, vật không còn có ích,…
Thế nhưng, dù là đồ vật gì, ngay từ ban đầu chắc chắn nó không phải là rác.
Có người coi chúng là rác, có người nhìn thấy chúng như rác. Chính bởi thế, đồ vật mới trở thành rác.
Phật giáo quan niệm rằng, miễn là đồ vật, chúng đều không có “thực thể.”
Nói tóm lại, tự thân những đồ vật đó không phải là “thực thể.”
Tuy nhiên, nếu không có thực thể, vậy thì tại sao vật đó lại tồn tại ở vị trí hiện thời?
Đồ vật tồn tại bằng cách liên kết với những đồ vật xung quanh, cùng bao bọc, cùng hỗ trợ cho sự tồn tại của nhau.
Con người cũng giống như vậy.
Những cá thể hình thành nên con người bạn, không gì khác, chính là tất cả những con người và đồ vật tồn tại bao quanh bạn. Thế nên, không được có cách nghĩ: nếu là đồ vật có ích với mình, mình sẽ coi trọng, còn lại chính là rác. Số mệnh của đồ vật không phải là thứ có thể được quyết định bằng cách đó.
Có một lần, thiền sư Thích Liên Như (Rennyo) nhặt lấy mảnh giấy rơi ở sàn nhà lên ngang tầm mắt và nói: “Mảnh giấy cũng là thứ được Đức Phật ban tặng, không được coi nó là hèn mọn.” Mỗi chúng ta cần sở hữu một trái tim ngập tràn sự cảm tạ, lòng biết ơn đối với những thứ đang tồn tại xung quanh bản thân.
Người không coi trọng đồ vật cũng sẽ không tôn trọng người khác.
Dù là thứ gì đi nữa, khi không cần đến, sẽ là rác.
Những đứa trẻ lớn lên trong khi nhìn thấy bố mẹ mình với cách suy nghĩ như thế, thì không chỉ đối với đồ vật, mà cũng sẽ nhìn bạn bè của mình với cảm giác giống như vậy.
Mỗi một đồ vật đều ẩn chứa bên trong nó công sức lao động cũng như tấm lòng chẳng thể nào đếm xiết của những người làm ra chúng. Ngay cả khi dọn dẹp hay sắp xếp cũng vậy, đừng đối xử với đồ vật giống như chúng chỉ là một sự tồn tại đơn thuần, để rồi vứt bừa bãi tại đâu đó. Điều quan trọng là không được quên đi cảm giác biết ơn.
Tuy nhiên, không được lãng phí không có nghĩa là bạn phải mang cất tất cả mọi thứ vào trong tủ, để mặc chúng ở đó, không sờ đến.
Mặc dù có thể là đã được vài năm tuổi rồi đi nữa, nó vẫn là thứ mang sinh mệnh.
Những đồ vật bị cất đi ấy, nếu lấy ra bên ngoài, có thể phát huy tác dụng vốn có của mình, trở thành một võ sĩ vô cùng năng nổ trên sàn đấu. Có một sàn đấu như thế dành cho đồ vật, nhưng bạn lại cất giữ chúng ở trong hộc tủ, quên đi lúc nào không hay. Đồ vật đó sẽ chẳng còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Cuộc đời của nó vậy là kết thúc.
Nếu thế, đồ vật sẽ rất đáng thương.
Hãy biết ơn những thứ đã vì bạn mà làm việc, gửi lời cảm ơn tới những người đã luôn giúp đỡ bạn trong cuộc sống, gửi tấm lòng cảm kích tới những thứ đã phát huy đầy đủ tác dụng của nó để bạn có thể tỏa sáng trong cuộc đời.
Tất cả những vật tồn tại trước mắt bạn, hãy trân trọng chúng.
—
KHOẢNG THỜI GIAN CỦA DỌN DẸP VÀ SẮP XẾP
Việc dọn dẹp chẳng liên quan tới thời gian.
Chỉ cần làm trong lúc rảnh rỗi là được.
Bạn có nghĩ như vậy không?
Như tôi đã nói, dọn dẹp là công việc mà khi thực hiện, nó sẽ lấy đi những đám mây mù bao trùm trong tâm khảm.
Dù rất muốn cố gắng dọn dẹp nhưng vì đã là nửa đêm, nên bạn không hề muốn làm một chút nào. Ngay cả ở các ngôi chùa, sau khi trời đã về đêm, chúng tôi cũng không dọn dẹp.
Quả thực, nên dọn dẹp vào buổi sáng. Hãy làm vào thời điểm đầu tiên trong ngày, tức khi bạn thức dậy.
Các nhà sư tu hành tại chùa thức dậy vào sáng sớm tinh mơ, rửa mặt, thay quần áo xong xuôi, sau đó chính thức bắt đầu một ngày mới bằng công việc dọn dẹp. Nếu các nhà sư có thể đương đầu với không khí lạnh buốt vẫn còn vương sương sớm khi bình minh tới, tâm trạng của họ cũng tự nhiên trở nên cứng rắn và nghiêm túc, tất cả cùng bắt đầu một ngày mới với tinh thần làm việc đầy hứng khởi.
Trước khi mọi người xung quanh và cả cây cỏ muôn loài thức dậy, công việc dọn dẹp được làm trong tĩnh lặng. Khi mà mọi vật vẫn chìm trong yên lặng, chắc chắn trái tim cũng cảm thấy bình yên, đầu óc cũng trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo để làm mọi việc thật khéo léo. Nếu có thể kết thúc công việc dọn dẹp trước khi mọi người thức giấc, bạn cũng có thể sẵn sàng hướng tới công việc của ngày hôm đó.
Nhờ dọn dẹp vào buổi sáng, tâm hồn bạn sẽ cảm thấy tròn đầy, giúp bạn có được một ngày vui vẻ và hứng khởi.
Ngược lại, trước khi đi ngủ vào buổi tối, hãy cùng sắp xếp lại những thứ tồn tại xung quanh bạn.
Với các tăng lữ (chỉ những sư thầy tu hành tại thiền viện), cuộc sống của họ là thực hiện việc dọn dẹp và sắp xếp đồ vật trong suốt cả một ngày, vậy nên, sắp xếp đồ vật trước khi đi ngủ là không cần thiết. Sau khi dùng xong, phải sắp xếp gọn gàng. Nếu bạn có thể thực hiện triệt để được việc đó, dần dần, mọi thứ sẽ không còn bị vứt vương vãi và lộn xộn.
Tuy nhiên, tại các gia đình thông thường có lẽ sẽ không thể làm như vậy. Bởi thế, ít nhất hãy cất tất cả những thứ đã dùng trong ngày và xếp gọn những đồ vật đang bị vứt bừa bãi vào đúng vị trí. Hãy cố gắng dụng tâm sắp xếp mọi thứ trở về vị trí và trạng thái ban đầu ngay trong ngày hôm đó.
Sáng hôm sau, để có thể bắt tay vào dọn dẹp với tâm trạng khỏe khoắn và sảng khoái: “Nào, bắt đầu một ngày mới thôi!”, việc sắp xếp phòng ốc là rất quan trọng.
Tại thiền viện nơi tôi được chỉ dạy về những công việc trong chùa, trước khi đi ngủ, tôi và người bạn cùng phòng bắt buộc phải tụng bài kệ được xướng vào thời điểm kết thúc công việc của một ngày. Nếu làm việc trước khi đi ngủ tại một căn phòng đã được sắp xếp gọn gàng, tâm trạng cũng trở nên sảng khoái, có thể nhẹ nhàng điều chỉnh tâm hồn trong thư thái, ngủ một giấc thật sâu.
Đó chính là cách dọn dẹp và sắp xếp hằng ngày, nhưng điều quan trọng tôi muốn nhắn nhủ tới bạn là hãy thực hiện liên tục.
Mỗi ngày, hãy tạo thói quen dọn dẹp và sắp xếp, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi cũng được, hãy làm trong phạm vi mà bản thân có thể, không cần phải quá cố sức.
Ban đầu, bạn có thể gặp khó khăn trong việc dậy sớm, nhưng một khi việc dọn dẹp vào buổi sáng và sắp xếp đồ đạc gọn gàng vào buổi tối đã trở thành thói quen, cả cơ thể và tâm hồn bạn sẽ trở nên khoan khoái, trải qua mỗi ngày trong tâm trạng tràn đầy hứng khởi.
—-
KHIẾN CHO KHÔNG KHÍ TRỞ NÊN THÔNG THOÁNG
Có một việc nhất định phải làm trước khi dọn dẹp.
Đó là mở cửa sổ, đón không khí mới vào phòng.
Trước khi dọn dẹp vào buổi sáng, nhà sư chúng tôi luôn mở hết cửa sổ để những cơn gió tươi mát từ bên ngoài tràn vào trong phòng, giống như được không khí tẩy rửa và thanh tịnh vậy.
Từ cánh cửa đang được mở để đón lấy ánh nắng, luồng không khí mát mẻ dễ chịu ùa vào, chạm vào làn da, cảm giác đôi mắt cũng trở nên sáng bừng và tỉnh táo khiến tâm trạng như được gột rửa, trở nên thanh tịnh.
Nếu có thể để luồng không khí tươi mới từ bên ngoài ngập tràn trong lồng ngực, việc chuẩn bị tinh thần cho công việc dọn dẹp cũng tự nhiên được lên dây cót. Cho dù có dọn dẹp bao nhiêu đi nữa, cho dù mọi vật trước mắt đã trong trạng thái sạch sẽ tới đâu, nếu như bạn phải dọn dẹp trong một bầu không khí bị ứ đọng, chắc chắn trái tim bạn, tâm hồn bạn cũng rơi vào hố đen trì trệ.
Với mùa xuân và mùa thu, hai mùa có thời tiết dễ chịu, làn gió từ bên ngoài ùa vào trong phòng sẽ khiến ta cảm thấy rất thoải mái và tươi mát. Tuy nhiên, nếu mở cửa vào thời điểm nóng nhất của mùa hè, khí nóng oi bức sẽ ập tới, còn nếu là sáng sớm của mùa đông, luồng không khí lạnh tới mức giống như cắt xé da thịt sẽ tràn vào trong phòng.
Nhưng dù thế, vẫn không sao cả.
Hành động dọn dẹp, ở một ý nghĩa nào đó, chính là sự giao tiếp với tự nhiên.
Ngôi nhà chính là thứ mà nếu hoàn toàn không có bàn tay chăm sóc của con người, bụi sẽ bám đầy, gỗ sẽ mục hết, nếu trải qua một trăm năm, nó sẽ sụp đổ, quay trở về với tự nhiên đúng không? Được dọn dẹp và chăm sóc dưới bàn tay con người, ngôi nhà sẽ luôn trong trạng thái cân bằng với sức mạnh của thiên nhiên, đồng thời tồn tại như một nơi mà con người có thể sinh sống với tâm trạng thoải mái và an yên.
Con người vốn dĩ chẳng thể nào sống và sinh tồn giữa thiên nhiên trần trụi, con người là một loài sinh vật yếu ớt. Nếu trần truồng đứng trước cơn cuồng phong của thiên nhiên, hẳn là con người chẳng có cách nào chống cự. Chính vì thế, chúng ta phải vận động cơ thể, sắp xếp môi trường sống và tồn tại sao cho hòa hợp với thiên nhiên vạn vật.
Việc dọn dẹp cũng chính là đang đối thoại với thiên nhiên.
Khi nghĩ được như vậy, tôi nhận ra con người hiện đại đang sống hằng ngày tại một môi trường giống nhau, cho dù là mùa hè hay mùa đông cũng không có gì thay đổi. Chúng ta luôn làm việc và sinh hoạt trong một không gian đóng kín được lắp đặt điều hòa, cũng chẳng khác gì đang cắt đứt mọi giao tiếp với tự nhiên. Một mặt trái nữa là nếu để bản thân quen với môi trường đó, sẽ tới một thời điểm, cả cơ thể lẫn tâm hồn đều trở nên yếu đuối.
Khi trời nóng hãy cứ để cho nóng, khi trời lạnh hãy cứ để cho lạnh. Vừa cảm nhận tự nhiên, vừa chảy từng giọt mồ hôi trong khi dọn dẹp, tôi thầm nghĩ, đó chính là bí quyết cho một tâm hồn và cơ thể dẻo dai, tràn đầy sinh khí.
Mở cửa sổ ra, giao hòa với thiên nhiên, bạn sẽ tự cảm thấy rằng, bản thân mình thực quá yếu đuối bởi chẳng thể sinh tồn trong cùng một môi trường giống với các động vật hoang dã. Thế nên, hãy cảm nhận sự dịu dàng và khắc nghiệt của thiên nhiên bằng làn da của mình, cảm ơn mẹ thiên nhiên vì đã mang đến cho ta sinh mệnh sống.
Mỗi buổi sáng, hãy mở cửa sổ, gắn kết với thiên nhiên, nhận lấy luồng không khí tươi mới thoảng qua làn da, đầy sảng khoái.
—
CÔN TRÙNG THÌ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Với tín đồ Phật giáo, có năm giới phải bảo vệ, không được phép phạm vào. Trong đó, giới đầu tiên được đưa ra là “giới không sát sinh,” tức là không được giết hại những sinh vật sống. Tất cả mọi sinh mệnh đều gắn kết với nhau, tất cả đều bình đẳng và phải được tôn trọng. Không được làm tổn thương cơ thể, cũng không được cướp đi sinh mạng của vạn vật xung quanh.
Tuy nhiên, con người vốn là thực thể cần hấp thụ thịt, cá, rau quả và những sinh mệnh khác để sinh tồn. Hãy tự nhận thức dáng hình một cái tôi không thể tồn tại nếu không sát sinh, giữ lấy trong tâm khảm tấm lòng tạ lỗi và biết ơn. Và điều quan trọng là cố gắng hết sức có thể để thực hiện một nếp sống không giết hại những sinh vật đang tồn tại xung quanh mình.
Điều cơ bản của lối sống không sát sinh là dọn dẹp mỗi ngày.
Côn trùng thường tìm đến nơi có đồ ăn để làm hang ổ.
Để nguyên thức ăn vương vãi trên bàn, không thèm rửa bát đũa, không chịu vứt rau và thức ăn thừa đi… nếu như bạn làm những việc như trên, đương nhiên côn trùng sẽ đến. Nói tóm lại, việc sắp xếp gọn gàng sau khi dùng bữa chính là kế sách đầu tiên để không phải diệt sâu bọ hay côn trùng.
Việc tạo ra một môi trường khiến côn trùng không thể sinh sôi nảy nở cũng rất quan trọng. Nếu thùng rác đặt ở bên ngoài và để ngửa, không che chắn cẩn thận, nước mưa sẽ chảy vào, ứ đọng, tạo môi trường “lý tưởng” tuyệt đối cho loài muỗi sinh sôi. Với những loại thùng rác dễ bị đọng nước, hãy cất giữ bằng cách úp ngược xuống. Những vật như chậu hứng nước đặt trong vườn cũng không cần phải chọn loại có kích thước quá lớn, hãy thường xuyên thay nước trong chậu, giữ cho chậu ở trạng thái sạch sẽ, tránh tình trạng để nước ứ đọng quá lâu.
Cũng có những loại côn trùng mà nếu thả chúng ra sẽ nguy hiểm như mối hay ong bắp cày. Tuy nhiên, nếu như ta thường xuyên cắt tỉa cây cỏ, khiến cho không khí được thông thoáng, đảm bảo hơi ẩm không bị ứ đọng, chắc chắn có thể phòng tránh việc côn trùng làm tổ. Trước khi tỉa cây hay cắt cỏ, cần xác định xem trên lá cây hoặc những tán lá có tổ ong hay sâu róm hay không.
Côn trùng và con người, hãy cùng tiến hành chăm sóc triệt để, vì cả hai phía.
—
LỜI KHUYÊN VỀ THAY ĐỔI CÔNG VIỆC
Trong chùa, mỗi nhà sư đều đảm nhiệm những công việc nhất định. Và theo định kỳ, tất cả mọi người sẽ thay đổi công việc mà mình đang thực hiện. Người mà cho đến hôm qua vẫn còn phụ trách công việc nấu nướng, kể từ ngày hôm nay sẽ phụ trách việc vệ sinh, dọn dẹp khu vườn của chùa. Sự thay đổi về vị trí được tiến hành. Nhờ cách đó, các nhà sư có thể trải nghiệm mọi công việc trong chùa.
Nhắc tới tu hành, có lẽ người ta sẽ liên tưởng tới hình ảnh “một mình im lặng làm việc.” Nhưng thật ra, công việc dọn dẹp trong chùa được thực hiện với tinh thần làm việc nhóm. Điều kiện bắt buộc là phải quan sát xung quanh xem những người khác sẽ lau ở đâu.
Bằng việc nắm bắt được tình hình tổng thể, bạn có thể suy nghĩ về vai trò mà mình phải làm, sự cân bằng với xung quanh trở nên rộng mở, có thể hỗ trợ cho công việc của người khác. Bạn sẽ làm việc với tinh thần tự giác cao nhất.
Ngoài ra, vì trong dọn dẹp có quy tắc “từ trên xuống dưới” nên cũng cần chú ý về tổng quan và trình tự của công việc mà mình được giao phó. Nếu người bạn đồng hành làm chỗ kia, vậy thì mình sẽ bắt đầu từ hướng này. Như thế, bằng cách nắm được tình hình chung, chính bạn cũng đang tự tạo ra giá trị của riêng mình.
Trong giới tu hành, chỉ cần một cá nhân chậm chạp cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tập thể. Cũng có khi cả một nhóm các nhà sư bị phạt quỳ gối trên sàn gỗ, chắp tay hành lễ trong một khoảng thời gian dài. Để không gây ảnh hưởng tới người khác, tuyệt đối không được phép chậm chạp hay làm những việc dư thừa. Đó chính là cơ hội để tôi hiểu được từ tận sâu trong trái tim rằng, sự tồn tại gọi là “tôi” không còn là của một mình tôi nữa.
Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng giống như vậy. Không phải là một người duy nhất sẽ dọn dẹp, điều quan trọng là tất cả mọi người cùng có ý thức bắt tay vào làm việc. Hãy phân chia nhiệm vụ cho các thành viên trong gia đình, thi thoảng, mọi người cùng thử trao đổi nhiệm vụ với nhau. Hãy để tất cả các thành viên trong gia đình chơi trò chơi đồng đội, vừa dọn dẹp vừa nghĩ đến những người xung quanh mình.
Tấm lòng biết ơn dành cho gia đình là thứ có được sau khi có vấn đề gì đó xảy ra. Thường lệ, người vợ luôn là người nấu ăn cho chồng con, và người chồng coi chuyện đó là đương nhiên. Phải đến khi người vợ vì mắc bệnh mà phải nằm li bì trên giường bệnh, người chồng thậm chí đến cả cháo cũng không nấu được, lúc đó anh ta mới nhận ra bản thân thật quá vô tâm.
Chẳng phải sự “nhận ra” đó chính là một cơ hội vô cùng quan trọng để tháo gỡ một trái tim bướng bỉnh và có phần bảo thủ hay sao?
Việc thay đổi nhiệm vụ dọn dẹp và làm việc nhà cũng là một bí quyết rất hiệu quả trong việc giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ.
Đa phần người lớn đều nghĩ rằng, tự mình làm sẽ nhanh và sạch sẽ hơn là để cho bọn trẻ giúp đỡ, vậy nên ban đầu có thể người lớn chúng ta sẽ cảm thấy thiếu kiên nhẫn và vướng chân vướng tay. Thế nhưng, hãy tạo cơ hội cho bọn trẻ để chúng được đảm nhiệm công việc nhà trong gia đình với khả năng nhiều nhất có thể.
Trong số những sợi dây gắn kết giữa người với người, gia đình là sợi dây bền chặt nhất.
Hãy để công việc dọn dẹp nhà cửa trở thành cơ hội để khiến sợi dây gắn kết trái tim được khăng khít hơn nữa.
—-
DỌN DẸP PHẢI ĐI CHUNG VỚI THỜI TIẾT
Dù là bên trong hay bên ngoài chùa, có rất nhiều loại công việc dọn dẹp. Nhưng nếu trời mưa, các sư thầy sẽ không dọn dẹp khu vực ở ngoài nhà. Chúng tôi sẽ chờ tới ngày nắng và tiến hành dọn dẹp.
Điều tôi muốn nói đến là, hãy dựa vào tình hình của thiên nhiên để lên kế hoạch dọn dẹp trong ngày hôm đó sao cho phù hợp nhất.
Vào những ngày không thể tiến hành dọn dẹp ở phía bên ngoài như vệ sinh khu vườn trong khuôn viên chùa, chúng tôi sẽ làm những công việc ở trong phòng như lau kính, bọc lại vách ngăn giữa các căn phòng, lau nền nhà… Sau khi mưa tạnh, nếu bỏ mặc quá lâu, đất sẽ trở nên ẩm ướt, tạo môi trường cho cỏ dại mọc lên nhiều. Chính vì thế, việc dọn dẹp phần ngoài nhà, tôi khuyên bạn nên làm sau khi cơn mưa tạnh.
Mọi người thường nói rằng, trong một ngày hai mươi tư tiếng, thời gian các tăng lữ dọn dẹp chiếm một phần ba thời gian. Dù thế, việc “dọn dẹp để bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn” không bao giờ có điểm kết thúc. Càng tìm kiếm, ta lại càng thấy những nơi phải tiến hành dọn dẹp, không ít thì nhiều.
Vào ngày mưa, hãy vứt bỏ sự bảo thủ: “Dù thế nào hôm nay tôi cũng phải dọn dẹp ở bên ngoài,” hãy dọn dẹp sao cho hòa hợp bằng động thái của tự nhiên với một trái tim và tâm hồn linh hoạt.
Tại những gia đình thông thường, cho dù bạn có đặt ra quy định như “ngày mưa là ngày cùng nhìn nhận lại bản thân, thay vì dọn dẹp” có lẽ cũng không sao cả.
Nếu nhìn một vòng bên trong ngôi nhà của mình, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy nơi cần phải dọn dẹp đấy.
—
KHÔNG TRÌ HOÃN TỚI NGÀY MAI
Trong phái Thiền, có câu nói “Tiền hậu tế đoạn.”
Nó mang ý nghĩa “Đừng tiếc nuối những đau buồn của quá khứ, cũng đừng vẽ ra kế hoạch cho tương lai, hãy dốc toàn khí lực, từng ngày cố gắng hết mình để những ngày sau chẳng còn gì hối
tiếc.”
Trong việc dọn dẹp để bồi dưỡng vẻ
đẹp tâm hồn, cách nghĩ này chính là quy định “Không được trì hoãn tới ngày mai.” Nếu là một con người của xã hội hiện đại, bận rộn tới đầu bù tóc rối, tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng từng có trải nghiệm trở về nhà trong mệt mỏi, vì không còn sức lực nên sau khi ăn xong và tắm rửa, họ để nguyên bát đũa và quần áo bẩn, cứ như vậy ngủ luôn.
Thế nhưng, ngày hôm sau, bạn có thể thức dậy với tâm trạng tỉnh táo và khỏe khoắn hay không?
Đón chào ngày mới trong khi bị bủa vây bởi những thứ đồ chưa được giặt rửa sạch sẽ từ hôm qua, chẳng phải là bạn sẽ có cảm giác chán nản và ngột ngạt hay sao?
Thực sự, thứ khiến tâm trạng của bạn trở nên ủ dột không chỉ có khoảnh khắc bạn nhận thấy đống đồ còn tồn đọng từ hôm qua, mà nó còn bắt nguồn từ cảm xúc hằn lại trong tâm trí bạn một cách mơ hồ trong suốt cả một đêm, khi vừa nghĩ “Ôi, lẽ ra là mình phải làm…” vừa trong trạng thái ngủ mơ màng.
Thậm chí cũng có người nhìn thấy trong giấc mơ cảnh bản thân chăm chỉ cố gắng làm việc nhà, ngay khi vừa nghĩ cuối cùng cũng hoàn thành thì choàng mở mắt, sau đó tại thế giới hiện thực, kết thúc mọi thứ bằng cách làm việc nhà một lần nữa.
Tiền hậu tế đoạn – Đừng tiếc nuối những đau buồn của quá khứ, cũng đừng vẽ ra kế hoạch cho tương lai, hãy dốc toàn khí lực, từng ngày cố gắng hết mình. Nói thì nói vậy, nhưng đó không chỉ là vấn đề của cảm xúc.
Điều quan trọng là phải loại bỏ những suy nghĩ khiến tâm hồn bị vây hãm giữa những mộng ảo, không được để tâm trí nghĩ đến những chuyện dư thừa như “Cái này chắc để ngày mai làm cũng được” hay “Việc này à, nếu từ ngày mai bắt đầu làm thì mới có hứng thú.”
Hãy dọn dẹp, hãy sắp xếp ngay lập tức những việc phải làm.
Vết dơ của tâm hồn, nếu cứ để mặc chúng trong một thời gian dài, hậu quả là sẽ khó mà loại bỏ được chúng.
Những việc phải làm tuyệt đối không được trì hoãn tới ngày mai, hãy cùng tôi trải qua mỗi một ngày mới với tâm trạng vui vẻ và hào hứng nhé.
—
NHỮNG VẬT SẼ TRỞ NÊN CÓ ÍCH NẾU ĐƯỢC SỬA SOẠN CẨN THẬN…TRANG PHỤC LÀM VIỆC
Trang phục mà các nhà sư mặc khi ngày ngày làm việc tại chùa chính là trang phục làm việc.
Đó là trang phục truyền thống của Nhật Bản, khi mặc có thể cử động dễ dàng, giặt giũ cũng đơn giản. Trang phục đó có nhiều công dụng trong các trường hợp khác nhau như dọn dẹp, làm công việc bình thường trong chùa.
Tôi thích gam màu tạo sự trầm tĩnh như màu chàm hay màu đen, có rất nhiều thiết kế cho trang phục đó. Cũng có sư thầy thích màu sắc hoặc hình dáng đem lại vẻ tươi sáng khi nhìn vào.
Trang phục thiết kế đơn giản, cho dù có mặc lâu năm cũng không bị sờn cũ. Trang phục mặc mùa hè được làm từ loại vải chất liệu mỏng, có thể làm bằng vải lanh để đảm bảo thoáng khí và tạo cảm giác mát mẻ khi mặc. Trang phục mặc mùa đông được làm bằng chất liệu cotton, dày, có lớp lót bên trong, giúp giữ ấm khi các sư thầy phải làm việc trong mùa đông lạnh giá. Bằng cách phân chia đặc trưng của trang phục theo thời tiết như vậy, chắc chắn có thể chuẩn bị bộ trang phục làm việc rất tiện lợi và khiến người mặc – các sư thầy cảm thấy thoải mái.
Cách lựa chọn
Mùa hè chọn loại áo có tay áo rộng, thoáng mát. Mùa đông chọn loại ống tay áo ôm và bó. Số lượng túi càng nhiều sẽ càng thuận tiện trong khi làm việc. Khi dọn dẹp, tránh dùng loại trang phục sử dụng chất liệu cao cấp, nên chọn chất vải dễ giặt, bền, phù hợp với công việc sẽ làm.
Cách giặt
Quần áo làm bằng chất liệu cotton có thể giặt tại nhà mà không cần mang ra ngoài tiệm. Với những người không muốn quần áo bị nhăn nhúm, sau khi đã vắt khô, dùng lòng bàn tay vỗ vào quần áo, chỉnh trang lại hình dáng áo cho phẳng phiu rồi phơi khô.
KHĂN TAY
Từ xa xưa, khăn tay vốn đã vô cùng thân thuộc với người dân Nhật Bản, thậm chí có thể nói, sự phát triển của nền văn hóa Nhật Bản gắn liền với khăn tay. Cũng có nhà sư cho rằng hình ảnh mặc bộ trang phục làm việc, khăn tay quấn quanh đầu chính là phong cách tiêu chuẩn khi dọn dẹp. Nếu gập gọn khăn tay, quấn quanh đầu, tự nhiên các nhà sư cũng có tâm trạng hào hứng làm việc: “Nào! Bắt tay vào làm thôi!” Có nhiều nhà sư sử dụng khăn tắm thay cho khăn tay. Các vị tăng lữ tại thiền viện Eihei (một thiền viện của phái Tào Động) nằm trên núi Daihon gọi khăn tắm sử dụng khi làm việc là “khăn làm việc.” Khi dọn dẹp bên ngoài thiền viện, mỗi tăng lữ đều phải quấn chiếc khăn đó quanh đầu. Vì các nhà sư để đầu trọc nên nếu không bảo vệ cẩn thận, có thể va trúng cành cây hoặc là đập vào góc cạnh của đồ đạc như bàn, ghế, như thế sẽ gây ra vết thương. Đương nhiên, chiếc khăn cũng giúp những nữ tu búi gọn mái tóc dài của mình.
Cách giặt
Thông thường sẽ giặt khăn tay. Nhưng với chiếc khăn được nhuộm màu, nếu vội vã giặt ngay có thể khiến màu bị phai ra. Vậy nên chờ cho đến khi đã dùng được một thời gian hẵng giặt nhẹ nhàng bằng tay. Làm như vậy sẽ giúp bảo vệ khăn được lâu dài hơn. Càng dùng lâu bạn sẽ càng cảm thấy nó thuận tiện và có cảm giác trân trọng những chiếc khăn tay đó. Một ưu điểm nữa của khăn tay là nhanh khô tới mức ngạc nhiên. Chỉ cần có một cái khăn, có thể sử dụng cho việc dọn dẹp mỗi ngày.
GUỐC SETTA
Nhắc đến loại dép tiêu chuẩn của các nhà sư thì đó chính là “Guốc setta.” Người ta nói rằng loại guốc này xuất hiện vào thời của Sen no Rikyu (một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng sâu sắc đến trà đạo Nhật Bản). Đó là một loại dép có phần trên đan bằng cỏ, phần đế là guốc mộc xỏ ngón (người Nhật đi loại gucíc này khi mặc kimono – trang phục truyền thcíng của Nhật Bản).
Trong tiếng Nhật, guốc setta được ghép từ hai chữ “tuyết” và “đạp” (dẫm lên). Phần đế của dép được dán da, vậy nên dù có đi bộ trên tuyết hoặc những nơi sũng nước, nước hoặc tuyết cũng không thể nào thấm ngược lên phần cỏ tiếp xúc với bàn chân, đồng thời gót chân cũng không bị chai sạn.
Khi kết hợp với trang phục làm việc, dáng vẻ rất hòa hợp. Đôi dép có phần đế là guốc mộc xỏ ngón cũng giúp rèn luyện cho đôi bàn chân trở nên dẻo dai, vậy nên tôi khuyên mọi người hãy sử dụng nó làm dép đi mỗi khi làm việc nhà.
Ở Nhật, ngày càng có nhiều người sử dụng “dép vải” tự làm trong nhà. Việc có thể đi dép do chính mình làm ra, nghe thật là thú vị nhỉ.
Dép vải
Vật liệu nói chung bao gồm: vải cũ không còn dùng đến, sợi dây dai và chắc, kéo, kẹp, thanh tre và phần đế dép.