Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Dự Đoán Theo Tứ Trụ của tác giả Thiệu Vĩ Hoa.
“Dự Đoán Theo Tứ Trụ” của tác giả Thiệu Vĩ Hoa là một tác phẩm nghiên cứu về môn học Tứ Trụ (hay còn gọi là Bát Tự), một phương pháp dự đoán vận mệnh con người dựa trên ngày, giờ, tháng, năm sinh. Cuốn sách được chia thành 24 chương, trong đó tác giả cung cấp cái nhìn tổng quan về Tứ Trụ, từ các kiến thức cơ bản về âm dương ngũ hành đến các ứng dụng cụ thể trong việc dự đoán vận mệnh.
Cuốn sách bắt đầu với việc giới thiệu các khái niệm cơ bản như thiên can, địa chi và cách chúng tương tác với nhau để tạo ra những đặc điểm riêng của mỗi cá nhân. Thiệu Vĩ Hoa cũng trình bày về cách tính độ vượng, suy của nhật can và các cục đặc biệt trong Tứ Trụ. Từ chương 12 trở đi, tác giả đi sâu vào các dự đoán cụ thể liên quan đến gia đình, hôn nhân, tài vận, công danh và sức khỏe.
***
Tứ Trụ còn gọi là Tử Bình hay Bát Tự là một loại thuật số căn cứ vào thiên can địa chi của giờ, ngày, tháng, năm, sinh, để luận ngũ hành hơn kém và theo khí hóa mà dự đoán vận mệnh con người. Tương truyền, người đầu tiên phát minh ra Bát Tự là Lạc Lộc, sống vào thời Đường. Từ Cư Dịch và Đạo Hồng là hai nhân vật nổi tiếng nhất trong môn số thuật này. Cho đến nay, Tứ Trụ đã được hoàn thiện và trở thành môn học thường nghiệm phục vụ đắc lực cho cuộc sống hằng ngày. “Dự đoán theo tứ trụ” bao gồm 24 chương, so với hai cuốn sách đồng tác giả đã xuất bản trước đây là: “Nhập môn dự đoán theo tứ trụ” và “Dự đoán theo Tứ trụ”, thì cuốn sách này có bổ sung thêm: “Cách tính độ vượng, suy của nhật can theo bảng điểm”, một số “cách cục đặc biệt” (chương 11) và một số “Ví dụ thực tế có giải” (Chương 23). 11 chương đầu xoay quanh các vấn đề về tứ trụ: Các kiến thức cơ bản; Âm dương ngũ hành; Đặc trưng của tứ trụ; Tam nguyên của tứ trụ; Ứng dụng can chi; Bàn về hung sát; Từ chương 12 trở đi là các phần dự đoán cụ thể dựa theo tứ trụ: dự đoán về cha mẹ, tổ nghiệp của ông cha, anh chị em, hôn nhân, con cái, tu hành, tài vận, quan vận, công danh, bệnh tật, tai họa, tính cách.
Chu dịch nội dung rất quảng bác nhưng cũng rất tinh sâu, song không phải là siêu hình không thể nắm được.
Chu dịch được mệnh danh là bộ sách kinh điển quý của thế giới. Nó diễn đạt vạn vật trong vũ trụ, chỉ rõ quy luật vận động, biến hóa của vạn vật từ vĩ mộ đến vi mô, từ hữu hình đến vô hình, dùng các ký hiệu bát quái, vật tượng, thiên can, địa chi, quy luật sinh khắc, chế hóa của âm dương, ngũ hành làm phương tiện để truyền đạt thông tin. Tứ trụ là dùng thiên can, địa chi, của năm, tháng, ngày, giờ sinh để biểu thị quy luật khác nhau của sinh mệnh con người do từ trường quả đất, lực hấp dẫn và các loại trường cảm ứng khác gây nên. Vì vậy mỗi người có một quy luật riêng. Sinh, bệnh, lão, tử của con người cũng giống như quy luật phổ biến bốn mùa thay nhau hoặc quy luật tốt tươi, tàn lụi của vạn vật. Tứ trụ dự đoán học với tư cách là một nhánh phái sinh của Chu dịch, nó là môn học vấn xét về sự cân bằng tổng thể của ngũ hành trong Tứ trụ để nói lên quy luật vận mệnh của con người. Giống như các môn dự đoán khác, Tứ trụ có thể đo lường được. Cùng với sự tiến bộ và phát triển không ngừng của xã hội, việc nghiên cứu Tứ trụ chắc chắn sẽ kéo dài mãi mãi.
Trong nghiên cứu ứng dụng Chu dịch của Thiệu Vĩ Hoa, chắc sẽ có người hỏi rằng: Chu dịch vì sao có thể dự đoán được? Chu dịch với đoán mệnh, xem tướng thực chất có phải là như nhau không? Giữa đoán mệnh và xem tướng, bên nào độ tin cậy cao hơn? Vì sao ngày giờ sinh lại hình thành cát hung, họa phúc của cuộc đời? Biết được mệnh vận thì tốt hay không biết thì tốt? Khi dự đoán thấy hôn nhân không tốt thì làm thế nào? Đoán thấy tai họa thì cách đề phòng ra sao, làm sao để gặp hung hóa cát? v.v… Những câu hỏi có quan hệ thiết thân đến cuộc sống này cũng chính là nguyện vọng của nhiều độc giả muốn tìm con đường để tiếp cận đến Chu dịch – cung điện thần bí.
Lần tái bản bộ sách “Dự đoán theo Tứ trụ” này gồm nội dung của hai cuốn sách đã xuất bản trước đây: “Nhập môn dự đoán theo Tứ trụ”, “Dự đoán theo Tứ trụ”, đồng thời có bổ sung thêm “Cách tính độ vượng, suy của nhật can theo bảng điểm”, một số cách cục đặc biệt và một số “Ví dụ thực tế có giải” để cung cấp cho độc giả một phương pháp chọn dụng thần chính. xác, cách giải toàn diện một Tứ trụ.
Trong giao lưu dự đoán mấy năm qua, tôi thấy rất nhiều độc giả cứ thấy sách là mua, đọc nhàu cả sách mà chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Làm sao để có thể đoán ra cát hung của những việc lớn. Phần nhập môn không có hy vọng làm được tất cả những điều đó mà chỉ mong thông qua trình tự từng bước, đi theo một con đường nhất quán để trình bày, đồng thời gạn lọc, vượt qua những vấn đề phức tạp, rối rắm trong sách cổ, ít nhiều chắc sẽ có những gợi ý bổ ích cho độc giả. Nếu đã qua bước nhập môn chắc độc giả không những có khả năng đánh giá được những kiến thức đã học mà còn có thể cảm nhận nó, nắm vững nó, và cứ thế từng bước tiến lên để chiếm lĩnh những kiến thức cao hơn, sâu hơn. Phần “Nhập môn dự đoán theo Tử trụ” chính là đóng vai trò dẫn dắt “đãi cát tìm vàng” đó. Còn như dùng phương pháp cụ thể nào để đạt được điều tốt, tránh được điều xấu, qua học tập và công tác bên cạnh thầy Thiệu Vĩ Hoa, tôi đã học được một số kinh nghiệm về quy luật dự đoán và ứng dụng thực tiễn, những bài học đó cũng sẽ được phản ánh ở đây.
Phần “Nhập môn dự đoán theo Tứ trụ được viết để phối hợp với cuốn “Dự đoán theo Tứ trụ” của thầy Thiệu Vĩ Hoa. Nội dung sách sẽ giới thiệu những kiến thức chủ yếu về Tứ trụ và con đường ngắn nhất để tiếp cận với Tứ trụ cho người mới học. Đặc điểm của phần này là:
- 1. Bám sát từng bước của quá trình học tập, các nội dung sẽ viết từ thấp đến cao, lần lượt giới thiệu những kiến thức cơ bản và các yếu lĩnh trong dự đoán cần phải nắm được để quy nạp vấn đề một cách hệ thống, có tính quy luật. Trong sách dùng nhiều hình vẽ để giới thiệu về cách nhớ các quy luật một cách tóm tắt, với ý đồ nhìn vào hình là nắm được vấn đề.
- 2. Cung cấp cho độc giả các loại bảng, hình vẽ, bài ca truyền miệng một cách hoàn chỉnh và phong phú để giúp độc giả dễ nhớ, dễ tra tìm.
- 3. Đối với những thắc mắc của độc giả đều dùng những ví dụ thực tế để giải thích rõ ràng, cố gắng đạt đến mục đích nắm được vấn đề một cách tốt hơn.
- 4.Trong phương pháp dự đoán quy nạp, cố gắng giới thiệu tỉ mỉ các yếu lĩnh đoán sự việc.
- 5. Các ví dụ được chọn lọc, vừa có tính tiêu biểu, vừa có tính thực tiễn, đặc biệt là những ví dụ về phương pháp chọn dụng thần đều được lấy những ví dụ điển hình của Thiệu Vĩ Hoa. Tuy phần này đã được thầy Thiệu Vĩ Hoa thẩm định, nhưng vì trình độ học thuật bản thân có hạn nên mong các chuyên gia và giới dịch học phê bình, chỉ giáo. Cuối cùng nhân dịp này tôi xin gửi đến thầy Thiệu Vĩ Hoa – người thầy tôn kính và cao cả của mình – lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất.
Trần Viên
Tháng 4 năm 1994
Mời các bạn tải đọc sách Dự Đoán Theo Tứ Trụ của tác giả Thiệu Vĩ Hoa.