Xuyên suốt cuốn sách “Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông” là một bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng mà cũng không kém phần cảm động. Chuyện kể về tình yêu giữa Raip Efendi, một người Thổ Nhĩ Kỳ đam mê hội họa, và Maria Puder, một họa sĩ người Do Thái với đôi mắt đen và làn da trắng muốt như tuyết, người mà Raip vẫn gọi là “Đức mẹ”. Hai người gặp nhau ở Berlin và tình cờ yêu nhau một cách say đắm cuồng nhiệt. Ban đầu, Maria có vẻ khá khắt khe và đặt ra ranh giới rõ ràng với Raip, nhưng cô biết rằng bản thân đã yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cô luôn dằng xé cảm xúc bản thân vì cô đã mất niềm tin vào đàn ông từ lâu, nhưng Raip đã đem lại cho cô một hy vọng sống mới. Đối với Raip, Maria thực sự là “Đức mẹ” với đôi mắt đen độc đáo, anh yêu cô bằng cả trái tim chân thành. Tuy nhiên, cuộc đời không công bằng khi cướp đi mạng sống của Maria, khiến Raip phải chờ đợi suốt 10 năm trong vô vọng, vì anh tưởng rằng cô đã phản bội anh để theo người đàn ông khác. Anh cưới vợ và sống một cuộc sống như người mất đi mọi tri giác, mọi cảm xúc của anh đã chết khi biết tin Maria mất đi sau khi sinh đứa con gái cho anh, để lại trong anh nỗi tuyệt vọng và dày vò suốt cuộc đời. Đến cuối đời, anh vẫn sống trong sự cô đơn, bị sỉ nhục bởi chính người thân trong gia đình. Anh chỉ tìm thấy sự bình yên khi ở bên Maria mà thôi. Một câu chuyện tình cảm động đáng để đọc.
Tác giả SABAHATTIN ALI sinh ngày 12 tháng 2 năm 1906 tại thành phố Egiơnidere, nay là thành phố Ardinê thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Bungari. Vào đầu thế kỷ này thành phố vẫn thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau cuộc chiến tranh Bancăng (1912 – 1913), Bungari đã thu hồi mảnh đất ấy về mình.
Năm 1927, sau khi tốt nghiệp trường trung học, Ali trở thành người thầy giáo nông thôn. Cuộc sống ở miền Iodơgađa (Vùng trung tâm Anatôli) đã làm cho ông kinh tởm. Những biến động lớn lao của xã hội hầu như không vang động được đến đây. Xung quanh vẫn là sự bóc lột tàn tệ, sự bất công, áp bức được khoác bộ mặt mới ngày càng tinh vi hơn, thâm độc hơn. Sự xung đột sâu sắc với cuộc sống xung quanh đã dẫn Ali đến ý nghĩ tự sát. Khó có thể nói được số phận của anh sẽ ra sao nếu như không có niềm an ủi duy nhất là văn học.
Vào cuối những năm 20 của thế kỷ, vì thiếu những giáo viên có kinh nghiệm, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gởi một số giáo viên trẻ ra nước ngoài để học tập thêm. Lợi dụng cơ hội này như là một khả năng để thoát ra khỏi bầu không khí ngột ngạt tù túng ở nông thôn và để tìm hiểu thêm về thế giới, Sabahattin Ali đã cố gắng thi đậu kỳ thi tuyển sinh. Năm 1928 anh được gởi sang Đức học tập, đầu tiên ở Pốtxđam, sau đó ở Berlin.
Cũng như nhiều thanh niên tiến bộ khác lúc bấy giờ, Ali mơ ước xóa bỏ sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc đối với nhân dân lao động. Anh đã cảm thấy điều ấy rất thấm thía ngay tại quê hương mình. Từ một đất nước lạc hậu, hoang tàn sau chiến tranh, Ali sang Đức là nhằm mục đích nắm vững kiến thức khoa học, văn hóa để phục vụ cho tổ quốc. Nhưng trong thời gian đó chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Đức đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng tiến dần đến việc nắm lấy chính quyền. Sự căm thù các giá trị tinh thần, văn hóa và nghệ thuật của bọn phân biệt chủng tộc và sô-vanh đã làm cho một số sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đang học tập tại đó trở thành những người chống chủ nghĩa phát xít tích cực.
Một lần trong cuộc tranh luận, một người Đức theo chủ nghĩa xã hội – dân tộc đã xúc phạm đến lòng tự trọng của những sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ, Sabahattin Ali đã tát cho y một cái. Lợi dụng sự kiện này những người lãnh đạo hội kiều dân Thổ đã đưa Ali về nước. Đã từ lâu, người thực tập sinh bướng bỉnh cùng với những lời nhận xét cay độc, độc địa đối với bọn sinh viên Đức và Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa sô-vanh đã làm cho giới lãnh đạo để ý, khó chịu.
Bất chấp những kinh nghiệm cay đắng, Ali không hề có ý định dấu diếm những quan điểm chính trị của mình. Nhà văn, thường đọc thơ cho học sinh và đồng nghiệp nghe. Một trong những độc giả của anh lại là tên chỉ điểm của mật thám trá hình, qua sự tố giác của y, Sabahattin Ali bị bắt vào mùa hè năm 1938. Tòa án hình sự thành phố Kônhi đã xử anh 14 tháng tù giam vì tội “đã thóa mạ những nhân vật cao cấp của chính quyền”. Ali bị giam ở pháo đài Xinôp trên bờ biển Đen.
Mời các bạn đón đọc Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông của tác giả Sabahattin Ali.