Cuốn sách “Được Học” của Tara Westover thực sự là một câu chuyện cuộc đời đầy cảm xúc và cảm động. Từ việc sống trong một gia đình nơi mà việc đi học được coi là tội lỗi đến việc vượt qua những khó khăn để đạt được giáo dục cao nhất, cuộc hành trình của Tara là một sự chiến đấu không ngừng nghỉ cho sự tự do và tự chủ trong cuộc sống.
Cuốn sách không chỉ kể về những khó khăn mà Tara phải trải qua trong quá trình học hành, mà còn về sự đấu tranh của cô để tìm ra chính mình và xây dựng một cuộc sống độc lập và ý nghĩa. Việc học là niềm vui và niềm hạnh phúc đối với Tara, một cách để cô tự do khỏi những bước cấm kỵ và hạn chế của quá khứ, cũng như để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Mặc dù cuộc hành trình của Tara không hề dễ dàng, nhưng việc cô chọn theo đuổi giáo dục đã mở ra một cánh cửa mới và mang lại cho cô cơ hội để phát triển và thăng tiến trong cuộc sống. Cuốn sách này là một minh chứng cho sức mạnh của ý chí và quyết tâm, và là nguồn cảm hứng lớn cho những ai đang đối diện với những thách thức trong cuộc sống của họ.
Mời mọi người đón đọc cuốn sách Được Học của tác giả Tara Westover
—
Chương 1 – Chọn Điều Lành
KÝ ỨC DAI DẲNG NHẤT CỦA TÔI THỰC RA CHẲNG PHẢI là ký ức. Nó là chuyện mà tôi tưởng tượng ra, sau đó ghi nhớ như thể nó đã xảy ra thật. Ký ức đó được hình thành khi tôi năm tuổi, ngay trước khi tôi bước sang tuổi lên sáu, từ một câu chuyện mà bố đã kể tỉ mỉ đến nỗi tôi và các anh chị tôi mỗi người đều tạo ra trong đầu một phiên bản như một bộ phim của riêng mình, với súng đạn và tiếng la hét. Phiên bản của tôi có những con dế. Đó là âm thanh tôi nghe thấy khi gia đình tôi túm tụm vào nhau ở trong bếp, tắt hết đèn, ẩn trốn người của Liên bang đang bao vây nhà của chúng tôi. Một người phụ nữ mò vào bếp lấy nước uống và cái bóng đen của người đó được ánh trăng soi rõ. Một tiếng súng vọng tới nghe “hét” một cái như tiếng quất roi và cô ta gục xuống. Trong ký ức của tôi luôn luôn là mẹ gục xuống và mẹ bế một đứa bé trên tay.
Mẹ bế đứa bé nào kia chứ, thật vô lý – tôi là con út trong bảy đứa con của mẹ – nhưng như tôi đã nói, chuyện này không có thật. Một năm sau khi bố kể cho chúng tôi nghe chuyện đó, một buổi tối chúng tôi ngồi quây quần nghe bố đọc sách của nhà tiên tri
Isaiah, một lời tiên tri về Chúa Cứu Thế. Bố ngồi trên ghế sô-pha màu mù tạt, cuốn Kinh Thánh to tướng để mở trong lòng. Mẹ ngồi bên cạnh bố. Anh chị em chúng tôi ngồi ngả ngốn trên tấm thảm nâu sờn cũ.
“Người sẽ ăn bơ và mật ong”, bố đọc bằng giọng đều đều, chậm rề, mệt mỏi sau một ngày dài vận chuyển phế liệu. “Và người có thể biết khước từ cái xấu, chọn điều lành”.
Tiếp theo là một khoảng tạm ngừng nặng nề. Chúng tôi ngồi im lặng.
Bố không phải là một người đàn ông cao lớn nhưng có thể chỉ huy cả phòng. Bố có cái vẻ uy nghiêm của một nhà tiên tri. Đôi tay bố to bản với lớp da dày – đôi bàn tay của một người đàn ông đã lao động cật lực cả đời – và đôi tay ấy cầm chắc cuốn Kinh Thánh.
Bố đọc rõ to đoạn đó lần thứ hai, rồi lần thứ ba, lần thứ tư. Cứ mỗi lần đọc lại, giọng bố lại cao hơn. Đôi mắt của bố, mới mấy phút trước sụp xuống vì mệt mỏi giờ đây đã mở to, đầy tỉnh táo. Bố nói, có một giáo lý thiêng liêng ở đây. Bố sẽ cầu vấn Chúa.
Sáng hôm sau bố dọn sạch sữa, sữa chua và pho mát trong tủ lạnh nhà chúng tôi đi, và tối hôm đó khi bố về nhà, chiếc xe tải nhỏ của bố chở tới năm mươi can mật ong.
“Sách Isaiah không nói thứ nào xấu, bơ hay mật ong”, bố vừa nói vừa cười xếch đến mang tai trong khi các anh tôi kéo lê những can mật ong vào hầm chứa thực phẩm. “Nhưng nếu các con hỏi thì Chúa sẽ nói cho các con biết!”
Khi bố đọc đoạn đó cho bà nội tôi nghe, bà cười vào mặt bố. “Mẹ có vài xu trong ví đấy”, bà nói. “Anh nên lấy chúng đi. Chúng sẽ là toàn bộ sự minh mẫn mà anh có.”
Bà tôi có khuôn mặt mỏng, trơ xương và một kho bất tận những đồ giả nữ trang của người da đỏ, tất cả đều bằng bạc và mai rùa, được đeo thành chùm, thành búi trên cái Cổ gầy nhẳng và những
ngón tay mảnh khảnh của bà. Bởi vì bà sống ở dưới chân đồi, gần đường cao tốc, chúng tôi gọi bà là bà-ở-chân-đồi. Đây là cách gọi để phân biệt bà với bà ngoại của chúng tôi, người mà chúng tôi gọi là bà-trong-thị-trấn bởi vì bà sống cách chỗ chúng tôi mười lăm dặm về phía nam, trong cái thị trấn duy nhất của hạt, nơi có mỗi một trạm đèn giao thông và một cửa hàng tạp hóa.
Bố tôi và bà nội gắn bó như hai con mèo bị buộc đuôi vào nhau. Họ có thể nói chuyện với nhau cả tuần mà không đồng quan điểm về bất cứ điều gì, nhưng họ vẫn được ràng buộc bởi cả hai đều cùng kính ngọn núi. Gia đình của bố đã sống dưới đỉnh núi Buck nửa thế kỷ. Những người con gái của bà tôi đã lấy chồng và chuyển đi nơi khác, nhưng bố tôi ở lại, dựng một ngôi nhà màu vàng đơn sơ, ngôi nhà mà bố chưa bao giờ hoàn thiện xong, ngay trên sườn đồi, trong khi nhà mẹ đẻ của bố ở chân đồi, và ném cả một đống đồng nát – một trong vài đống – ngay cạnh bãi cỏ được xén tỉa cẩn thận của bà.
Họ bất đồng với nhau hằng ngày về bãi đồng nát lộn xộn ấy nhưng bất đồng với nhau thường xuyên hơn về lũ trẻ chúng tôi. Bà nghĩ chúng tôi nên đi học, như bà nói, và không “lang thang trên núi như những kẻ ăn lông ở lỗ”. Bố nói, trường công là một thủ đoạn của Chính phủ nhằm khiến bọn trẻ xa rời Chúa. “Nếu con cho các con mình đi học ở cái trường dưới đường cái kia thì có khác nào con giao chúng cho quỷ dữ”, bố nói.
Chúa bảo bố chia sẻ khỏi thị đó với những người sống và canh tác dưới cái bóng của đỉnh núi Buck. Vào các ngày Chủ nhật, gần như tất cả mọi người đều tập trung tại nhà thờ, một nhà thờ được sơn màu hồ đào, nằm tách khỏi đường cao tốc, với cái tháp chuông nhỏ, giản dị thường thấy ở các nhà thờ Mặc Môn. Bố buộc các ông bố khác phải nghe mình nói, khi họ rời những băng ghế của nhà thờ. Bố bắt đầu với người em họ của mình, chú Jim, người đã từ tốn lắng nghe trong khi bố ve vẩy cuốn Kinh Thánh và giải thích về tội lỗi của sữa. Chú Jim cười xếch đến mang tai, rồi vỗ vai bố tôi, nói
rằng không vị Chúa công bằng nào lại tước đi của một con người cái thú thưởng thức kem dâu tây nhà làm vào một trưa hè nóng nực. Vợ của chú Jim giật tay áo chú. Khi chú đi qua chỗ chúng tôi, tôi thoáng ngửi thấy mùi phân bón. Rồi tôi sực nhớ: trang trại bò sữa lớn cách núi Buck một dặm là của chú Jim.
Sau khi bố bắt đầu bài thuyết giảng bài trừ sữa, bà nhét sữa đầy ặc tủ lạnh của bà. Ông bà chỉ uống sữa tách béo, nhưng chẳng bao lâu sau khi tất cả những thứ ấy được chất ở đó – ông bà dùng cả sữa chứa hai phần trăm chất béo, sữa nguyên kem, thậm chí sô-cô-la. Dường như bà tin đây là một phương pháp ăn uống quan trọng để duy trì.
Bữa sáng trở thành một cuộc thử thách lòng trung thành. Mỗi sáng gia đình tôi ngồi quanh cái bàn rộng bằng gỗ sồi đỏ được gia công lại và ăn ngũ cốc bảy loại hạt cùng mật ong và mật đường hoặc bánh kếp làm từ bảy loại ngũ cốc, cùng với mật ong và mật đường. Bởi vì có tận chín người chúng tôi nên những chiếc bánh kếp chẳng bao giờ được nướng kỹ. Tôi không phiền vì ăn món ngũ cốc nếu tôi có thể trộn nó vào sữa, để kem quyện bột ngũ cốc lại và tạo thành những viên ngũ cốc, nhưng từ khi có khải thị kia chúng tôi ăn ngũ cốc với nước lọc. Ăn như thế chẳng khác gì ăn một tô bún.
Chẳng bao lâu sau, tôi bắt đầu nghĩ đến tất cả những loại sữa đang thiu ra trong tủ lạnh của bà nội. Sau đó tôi hình thành thói quen bỏ bữa sáng hằng ngày và đi thẳng tới chuồng nuôi gia súc. Tôi đổ nước gạo cho lợn ăn, đổ đầy thức ăn vào máng cho bò và ngựa, sau đó tôi nhảy qua hàng rào của bãi quây gia súc, đi vòng ra phía sau và lẻn vào cửa ngách nhà bà tôi.
Vào một buổi sáng như thế, khi tôi đang ngồi tại bàn quầy nhìn bà tôi đổ bánh bột ngô ra bát tô, bà hỏi, “Cháu có thích đến trường lắm không?”
“Cháu không thích đâu ạ”, tôi nói.
“Làm sao cháu biết được chứ”, bà quát. “Cháu đã bao giờ thử đâu mà biết.”
Bà rót sữa vào tô bánh bột ngô và đưa nó cho tôi, sau đó bà ngồi trên chiếc ghế đẩu, đối diện với tôi ở phía bên kia bàn quầy, và nhìn tôi xúc những thìa đầy thức ăn vào miệng.
“Ngày mai ông bà sẽ lên đường đi Arizona”, bà nói với tôi, nhưng tôi đã biết điều đó rồi. Ông bà luôn đi Arizona khi thời tiết bắt đầu thay đổi. Ông nói ông quá già để chịu đựng mùa đông Idaho; cái lạnh khiến ông buốt thấu xương. “Mai cháu hãy dậy thật sớm”, bà nói, “khoảng năm giờ, ông bà sẽ đưa cháu đi cùng. Bọn ta sẽ cho cháu đến trường.”
Tôi cựa quậy trên ghế. Tôi cố mường tượng ra trường học nhưng không thể. Thay vào đó tôi hình dung ra lớp học giáo lý ngày Chủ nhật mà tuần nào tôi cũng tham gia và tôi ghét. Một thằng con trai tên là Aaron đã nói với tất cả những đứa con gái trong lớp giáo lý rằng tôi không biết đọc bởi vì tôi không đến trường, và bây giờ không đứa nào thèm nói chuyện với tôi.
“Bố nói cháu có thể đi ư?” Tôi nói.
“Không”, bà nói. “Nhưng khi bố cháu hiểu ra rằng cháu đã biến mất, thì chúng ta đã đi từ lâu rồi.” Bà đặt cái bát của tôi vào bồn rửa và nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bà là người có tính cách mạnh mẽ – không chịu ngồi yên, hiếu chiến, tự tin. Nhìn bà là để lùi một bước. Bà nhuộm tóc đen và điều này tôn thêm những nét vốn đã dữ dội của bà, nhất là hai hàng lông mày mà sáng nào bà cũng sẽ thành hai đường vòng cung đậm, đen như mực. Bà kẻ lông mày quá rộng và điều này khiến khuôn mặt bà bị kéo giãn ra. Chúng cũng được vẽ quá cao khiến những đường nét khác trên khuôn mặt bà mang một vẻ buồn tẻ, gần như mia mai.
“Cháu nên đến trường”, bà nói.
“Bố sẽ không bắt bà phải đưa cháu về chứ ạ?” Tôi hỏi.
“Bố cháu không thể khiến bà làm bất cứ điều chết tiệt nào hết.” Bà đứng dậy, đứng với tư thế vững chãi. “Nếu bố cháu muốn có cháu, thì bố phải đến đón cháu.” Bà ngập ngừng, và trong chốc lát trông bà có vẻ xấu hổ. “Hôm qua ta đã nói chuyện với bố cháu rồi. Trong một thời gian dài bố cháu sẽ không thể đến đưa cháu về được. Bố cháu đang bận với cái lán mà bố cháu xây dựng trong thị trấn. Bố cháu không thể dừng việc đó lại và lái xe tới Arizona, không thể trong khi thời tiết ổn định và bố cháu cùng mấy đứa con trai có thể làm việc suốt những ngày dài.”
Kế hoạch của bà đã được tính toán cẩn thận. Bố tôi luôn làm việc từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn trong những tuần trước khi xuất hiện đợt tuyết rơi đầu tiên, cố dự trữ đủ tiền từ việc gom phế liệu và xây dựng chuồng trại để chúng tôi có thể tồn tại qua mùa đông, khi mà việc làm trở nên khan hiếm. Dù bà tôi bỏ trốn cùng với đứa con út của bố, thì bố cũng sẽ chẳng thể ngừng làm việc được, cho tới khi cái xe nâng của bố bị bọc trong băng tuyết.
“Cháu cần phải cho các con vật ăn trước khi chúng ta đi”, tôi nói. “Chắc chắn bố sẽ biết cháu đi nếu lũ bò phá hàng rào đi tìm nước uống.”
Đêm đó tôi không ngủ. Tôi ngồi trên sàn bếp nhìn thời gian trôi, qua chiếc đồng hồ treo tường. Một giờ sáng. Hai giờ. Ba giờ.
Bốn giờ tôi đứng dậy, đặt đôi giày ống của mình ở cạnh cửa sau. Phân đóng bánh lại quanh giày, và tôi chắc chắn bà sẽ không cho tôi tha đôi giày ấy lên xe hơi của bà. Tôi hình dung ra đôi giày bị bỏ lại trên hiên nhà bà, trong khi tôi chân trần bỏ trốn đến Arizona.
Tôi mường tượng những gì sẽ xảy ra khi gia đình phát hiện ra tôi đã biến mất. Anh Richard và tôi thường ở cả ngày trên núi, vậy nên có thể không ai phát hiện ra chuyện đó cho tới khi mặt trời lặn, khi Richard về nhà ăn tối mà tôi thì không. Tôi hình dung ra các anh tôi chạy túa ra khỏi cửa để tìm tôi. Các anh ấy sẽ thử tìm ở bãi phế liệu trước tiên, nhấc các tấm thép lên phòng khi các tấm thép nằm ngổn ngang đã xê dịch và khiến tôi mắc kẹt trong đống phế liệu. Sau đó họ sẽ chạy ra ngoài, tìm khắp trang trại, trèo lên cây và leo lên tầng áp mái của khu chuồng trại. Cuối cùng, họ sẽ quay lên núi.
Lúc ấy trời đã sẩm tối – khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi đêm xuống, khi quang cảnh chỉ hiện ra lờ mờ, và bạn cảm nhận thế giới xung quanh mình rõ hơn là nhìn thấy. Tôi mường tượng ra các anh mình tỏa ra trên núi, tìm kiếm trong những khu rừng tối đen. Không ai nói; ý nghĩ của tất cả các anh ấy đều giống nhau. Ở trên núi mọi chuyện có thể diễn biến xấu một cách đáng sợ. Những vách đá hiện ra bất thình lình. Những con ngựa hung dữ của ông tôi chạy lung tung trên những đám cây cần nước độc rậm rạp, và có nhiều rắn chuông. Trước đây chúng tôi đã từng tìm kiếm một con bê biến mất khỏi khu nuôi gia súc. Trong thung lũng, bạn sẽ tìm thấy một con vật bị thương; trên núi, bạn sẽ tìm thấy một con vật đã chết.
Tôi hình dung ra mẹ tôi đứng ở cửa sau, ánh mắt quét qua đỉnh núi đen sẫm, khi bố tôi về nhà nói với mẹ rằng bố và các anh không tìm thấy tôi.
Chị Audrey của tôi sẽ gợi ý rằng ai đó nên sang hỏi bà nội tôi, và mẹ tôi sẽ nói rằng bà đã lên đường đi Arizona từ sáng. Những lời đó sẽ bị bỏ lửng một lát, sau đó tất cả mọi người đều biết tôi đã đi đâu. Tôi hình dung ra khuôn mặt của bố, đôi mắt đen nheo lại, cái miệng mím chặt vẻ khó chịu khi bố quay sang mẹ. “Em nghĩ nó chọn bỏ đi ư?”
Giọng bố vọng lại nghe chậm và buồn. Sau đó nó bị những âm thanh khác từ một ký ức khác được gợi lên tiếng dế, rồi đến tiếng súng, sau đó là sự im lặng.
Sau này tôi biết rằng đó là một vụ việc mà ai cũng biết – như vụ thảm sát Wounded Kneel2 hoặc vụ Waco3 – nhưng khi bố tôi kể cho chúng tôi nghe chuyện đó lần đầu tôi cảm thấy như thể ngoài chúng tôi ra không ai trên thế giới biết về nó.
Sự việc bắt đầu vào gần cuối mùa đóng hộp rau quả, mùa mà tất cả những đứa trẻ khác có lẽ gọi là “mùa hè”. Gia đình tôi luôn dành những tháng ấm áp đóng các loại trái cây dự trữ vào bình, thứ mà bố tôi nói rằng chúng tôi cần cho Ngày Tận Thế. Một tối, bố từ bãi phế liệu trở về với tâm trạng bứt rứt. Bố đi đi lại lại trong phòng bếp suốt bữa ăn tối, hầu như không ăn miếng nào. Chúng tôi phải thu xếp xong mọi việc. Chỉ còn rất ít thời gian thôi.
Cả ngày hôm sau chúng tôi luộc và gọt vỏ đào. Đến lúc mặt trời lặn chúng tôi đã dồn trái cây vào đây hàng tá bình chứa Mason, những chiếc bình được xếp theo hàng thẳng tắp, vẫn còn ấm vì trái cây được luộc từ nồi áp suất. Bố kiểm tra việc của chúng tôi, đếm các bình trái cây và lẩm bẩm một mình, sau đó quay sang mẹ và nói, “Đủ rồi.”
Tối hôm đó bố tổ chức một cuộc họp gia đình, và chúng tôi tập trung quanh bàn ăn, bởi vì nó rộng và dài, đủ chỗ ngồi cho tất cả chúng tôi. Bố nói chúng tôi có quyền được biết mình sắp chiến đấu chống lại điều gì. Bố đứng ở đầu bàn; bọn tôi ngồi vắt vẻo trên ghế, nhìn đăm đăm những tấm gỗ sồi đỏ dày cộp.
“Có một gia đình ở cách đây không xa”, bố nói. “Họ là những chiến binh tự do. Họ sẽ không để Chính phủ tẩy não các con họ tại các trường công, vậy nên người của Liên bang theo dõi họ.” Bố thở những hơi dài và chậm. “Người của Liên bang đã bao vây lều của họ, giam lỏng họ ở đó trong nhiều tuần, và khi một đứa con của họ đói, một thằng bé, lẻn ra ngoài để kiếm cái ăn, người của Liên bang đã bắn chết nó.”
Tôi nhìn khắp lượt các anh mình. Trước đó tôi chưa từng thấy nỗi sợ hãi trên khuôn mặt của Luke.
“Họ vẫn ở trong lều”, bố nói. “Họ tắt đèn và bò trên sàn, tránh xa các cửa ra vào và cửa sổ. Bố không biết họ có bao nhiêu thức ăn. Có lẽ họ sẽ chết đói trước khi người của Liên bang bỏ cuộc.”
Không một ai thốt lên lời. Cuối cùng Luke, mười hai tuổi, hỏi liệu chúng tôi có thể giúp gì được không. “Không”, bố nói. “Không ai có thể. Họ bị kẹt trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng họ có súng, con có thể đoán chắc tại sao người của Liên bang lại không xông vào tấn công. Bố ngừng nói để ngồi xuống, ngồi gò người trên chiếc ghế bằng động tác chậm chạp và cứng nhắc. Trong mắt tôi trông bố già khọm và mệt mỏi. “Chúng ta không thể giúp họ, nhưng chúng ta có thể giúp chính mình. Khi người của Liên bang tới núi Buck, chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng”
Đêm đó bố lôi một đống ba lô quân đội cũ từ dưới tầng hầm lên. Bố nói đó là những chiếc ba lô để “thoát hiểm”. Cả đêm đó chúng tôi nhét đồ dùng thiết yếu vào những chiếc balô đó – các loại thảo dược, máy lọc nước, bật lửa. Bố đã mua sẵn mấy thùng lương khô của quân đội – và chúng tôi nhét lương khô nhiều hết mức có thể vào những chiếc ba lô, mường tượng ra lúc chúng tôi đã chạy trốn khỏi nhà và ẩn nấp trong đám cây mận dại gần con lạch, chúng tôi sẽ ăn lương khô. Mấy anh trai tôi xếp gọn những khẩu súng vào balô của mình nhưng tôi chỉ có một con dao nhỏ, và khi chúng tôi
sắp xếp xong, cái ba lô của tôi to bằng người tôi. Tôi nhờ Luke nhấc nó lên một ngăn tủ đựng quần áo của mình, nhưng bố bảo tôi để nó ở chỗ thấp để tôi có thể lấy thật nhanh, vậy nên tôi ngủ với cái ba lô đó ở trên giường của mình.
Tôi tập đeo ba lô trên lưng và đeo ba lô chạy – tôi không muốn bị bỏ lại phía sau. Tôi tưởng tượng ra cuộc trốn chạy của gia đình mình, một cuộc trốn chạy vào ban đêm đến lãnh địa an toàn của nàng công chúa da đỏ. Tôi hiểu rằng ngọn núi là đồng minh của chúng tôi. Đối với những người quen biết, ngọn núi đó có thể rất tốt, nhưng đối với những kẻ xâm nhập núi là sự phản bội thẳng thừng, và điều này mang lại lợi thế cho chúng tôi. Nhưng mà, nếu chúng tôi ẩn nấp trên núi khi người của Liên bang tới, thì tại sao chúng tôi lại đóng tất cả những quả đào này vào bình. Chúng tôi không thể tha cả nghìn cái bình Mason nặng trịch này lên núi. Hoặc nếu chúng tôi cần những trái đào ấy đến vậy thì chúng tôi có thể đào boong-ke ở trong nhà như gia đình Weaver và chiến đấu đến cùng chăng?
Chiến đấu đến cùng dường như là điều có thể xảy ra, nhất là khi, vài ngày sau bố tôi về nhà với hơn một tá súng trường quân đội, hầu hết là loại SKS, với những cái lưỡi lê màu bạc mỏng quẹt được gấp gọn dưới nòng súng. Những khẩu súng ấy được để trong những cái hộp thiếc hẹp và được xếp trong một lớp Cosmoline, một chất màu nâu như mỡ lợn cần phải được lột ra. Sau khi chúng đã được lau sạch, anh Tyler chọn một khẩu và đặt nó lên một tấm nhựa màu đen rồi gói lại, dùng hàng thước băng dính màu trắng bạc bó lại. Vác cái gói ấy trên vai, anh mang nó xuống đồi và thả nó xuống cạnh cái toa tàu hỏa màu đỏ. Sau đó anh bắt đầu đào. Khi cái hố đã rộng và sâu, anh thả khẩu súng xuống đó, và tôi nhìn anh lấp đất lên, cơ bắp của anh căng lên vì ráng sức, cằm anh bạnh ra. Chẳng bao lâu sau, bố mua một cái máy để chế tạo những viên đạn từ những vỏ đạn đã qua sử dụng. Bố nói bây giờ chúng tôi có thể trụ lâu hơn trong thế
giằng co. Tôi nghĩ đến cái ba lô để “thoát hiểm” của mình và khẩu súng trường được giấu gần toa tàu hỏa, và bắt đầu lo lắng về cái máy chế tạo đạn. Nó kềnh càng và được đóng chốt vào một cái máy trạm sắt ở trong tầng hầm. Nếu bị tấn công bất ngờ thì tôi tính chúng tôi sẽ chẳng có thời gian để xuống lấy nó mang đi. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi có nên chôn nó cùng với khẩu súng trường không.
Chúng tôi tiếp tục dồn những quả đào vào bình. Tôi không nhớ đã bao nhiêu ngày trôi qua hoặc chúng tôi đã bổ sung bao nhiêu bình trái cây vào kho dự trữ trước khi bố kể cho chúng tôi nghe thêm về chuyện đó.
“Randy Weaver đã bị bắn”, bố nói, giọng yếu ớt, lập bập. “Ông ta rời lều để đi mang xác con trai về, và người của Liên bang đã bắn ông ta.” Trước đó tôi chưa từng thấy bố khóc, nhưng bây giờ những giọt nước mắt rơi thành một dòng chảy xuống từ mũi bố. Bố không lau nước mắt, cứ để mặc chúng rơi xuống áo sơ mi. “Vợ ông ta nghe thấy tiếng súng và chạy tới cửa sổ, ôm đứa con nhỏ trong tay. Thế rồi tiếng súng thứ hai vang lên.”
Mẹ tôi đang ngồi khoanh tay, một bàn tay để trước ngực, tay kia bịt chặt miệng. Tôi nhìn đăm đăm xuống mặt vải sơn lót sàn loang lổ trong khi bố kể với chúng tôi đứa bé được nhắc khỏi tay mẹ nó, mặt dính máu của người mẹ.
Trước đó, vốn đã mong chờ chuyện phiêu lưu ấy, tôi phần nào muốn người của Liên bang tới. Giờ đây tôi cảm thấy thực sự sợ hãi. Tôi hình dung ra các anh mình né núp trong bóng tối, những bàn tay đẫm mồ hôi trượt trên báng súng. Tôi hình dung ra mẹ, mệt lử và khát khô, lùi xa khỏi cửa sổ. Tôi hình dung ra mình nằm sấp trên sàn nhà, bất động và im lặng, lắng nghe tiếng kêu ghê tại của lũ dế ngoài cánh đồng. Sau đó tôi nhìn thấy mẹ đứng lên, đưa tay ra với vòi nước ở bếp. Một tia sáng trắng lóe lên, tiếng súng nổ, và mẹ đổ gục xuống. Tôi lao tới để đỡ em bé.
Bố chưa bao giờ kể cho chúng tôi nghe phần kết của câu chuyện ấy. Chúng tôi không có ti-vi hay đài, vậy nên có lẽ chính bố cũng không biết chuyện kết thúc ra sao. Điều cuối cùng tôi nhớ bố đã nói về chuyện đó là: “Lần tới, đó có thể sẽ là chúng ta.”
Những lời ấy ám ảnh tôi suốt. Tôi nghe thấy tiếng vọng của chúng trong tiếng dế kêu, trong tiếng mứt đào rơi xuống bình thủy tinh, trong tiếng kim loại loảng xoảng khi một khẩu SKS được lau chùi. Tôi nghe thấy chúng mỗi buổi sáng khi tôi đi qua cái toa tàu hỏa và dừng lại trước đám cây tràng sao và cây kế bò mọc lên ở chỗ Tyler đã chôn khẩu súng. Khá lâu sau khi bố đã quên sự mặc khải trong sách Isaiah, và mẹ đã lại nhét những bình nhựa chứa loại sữa “2% chất béo dùng cho cả gia đình” vào tủ lạnh, tôi vẫn còn nhớ đến nhà Weaver.
Đã gần năm giờ sáng.
Tôi quay về phòng mình, đầu tôi đầy nghẹt tiếng dế kêu và tiếng súng. Trên chiếc giường ở bên dưới, Audrey đang ngày theo nhịp chậm rãi, mãn nguyện, gọi mời tôi cũng làm như vậy. Thay vì thế tôi trèo lên giường của mình, ngồi khoanh chân, nhìn ra ngoài cửa sổ. Mốc năm giờ trôi qua. Rồi sáu giờ. Lúc bảy giờ bà tôi xuất hiện và tôi nhìn bà đi đi lại lại trên hiên nhà bà, quay nhìn lên phía nhà tôi trên đôi một lát. Sau đó ông bà bước lên xe, và thẳng tiến ra đường cao tốc.
Khi xe của ông bà đi rồi, tôi ra khỏi giường ăn một tô ngũ cốc với nước lọc. Ở bên ngoài tôi được con dê Kamikaze của Luke đón mừng, gặm áo tôi khi tôi bước về phía khu nuôi gia súc. Tôi đi qua chiếc xe go-kart4 mà Richard cải tiến từ một chiếc máy xén cỏ cũ.
Tôi cho lợn ăn, đổ thức ăn đầy máng và dắt những con ngựa của ông nội ra bãi cỏ mới. Sau khi làm xong mấy việc đó, tôi trèo lên cái toa tàu hỏa và nhìn ra thung lũng. Thật dễ để giả vờ rằng cái toa tàu đang chuyển động, chạy băng băng khỏi nơi này, rằng bất cứ lúc nào thung lũng cũng có thể biến mất phía sau tôi. Tôi đã chơi với cuốn phim tưởng tượng ấy trong đầu mình nhiều giờ nhưng hôm nay những cuộn phim không quay. Tôi quay về phía tây, quay mặt khỏi những cánh đồng, và hướng về phía đỉnh núi.
Nàng công chúa luôn rạng rỡ nhất vào mùa xuân, ngay sau khi những cây tùng hiện ra khỏi tuyết, những chiếc lá kim màu xanh sẫm của chúng gần như đen ánh trên nền nâu hung hung của đất và vỏ cây. Bây giờ là mùa thu. Tôi vẫn có thể nhìn thấy nàng nhưng nàng đang mờ đi: những sắc đỏ và vàng của một mùa hè đang tàn che mờ hình hài đen huyền của nàng. Chẳng bao lâu nữa sẽ có tuyết. Trong thung lũng, đợt tuyết đầu tiên sẽ tan nhưng trên núi tuyết vẫn lay lắt, chôn vùi nàng công chúa cho đến tận mùa xuân, khi nàng sẽ lại xuất hiện, đầy thao thức.
—
Chương 2 – Bà Đỡ
“BÀ CÓ CÚC KIM TIỀN KHÔNG?” BÀ ĐỠ HỎI. “TÔI CŨNG cần cây lô-bê-li và lá cây phỉ nữa.”
Bà ta ngồi tại bàn quầy ở phòng bếp, nhìn mẹ tôi lục lọi khắp mấy cái tủ gỗ dương. Một cái cân điện tử được đặt trên mặt bàn giữa họ, và thỉnh thoảng mẹ sử dụng nó để cân lá thảo dược khô. Đó là mùa xuân. Thời tiết đã lạnh vào buổi sáng mặc dù ngoài trời có nắng rực rỡ.
“Tuần trước tôi đã làm một mẻ cúc kim tiền mới”, mẹ nói. “Tara, đi lấy nó ra đây.”
Tôi nhớ lại mùi hương thoang thoảng của nó, và nhớ mẹ đã gói nó trong cái túi nhựa cùng thảo dược phơi khô.
“Cần gì nữa không nhỉ?” Mẹ cười. Tiếng mẹ lảnh lót và căng thẳng. Bà đỡ đã hăm dọa mẹ, và khi bị hăm dọa mẹ tôi ở trong trạng thái phi trọng lượng, lướt đi nhanh thoăn thoắt mỗi lần bà đỡ thực hiện một động tác chắc chắn, chậm rãi.
Bà đỡ kiểm tra danh sách của mình. “Đủ rồi.”
Bà là một phụ nữ vừa lùn vừa béo, suýt soát năm mươi, có mười một người con và có một cái mụn cóc màu nâu đỏ ở cằm. Bà có mái tóc dài nhất mà tôi từng thấy, một dòng thác màu lông chuột đổ dài xuống tận kheo chân của bà khi bà gỡ búi tóc được quấn chặt của mình ra. Đường nét trên khuôn mặt của bà không được nhẹ nhõm cho lắm, giọng nói của bà trầm trầm đầy uy quyền. Bà không có giấy phép hành nghề, chẳng có chứng nhận, chứng chỉ gì hết. Bà là một bà đỡ hoàn toàn nhờ năng lực hơn cả đủ của bà.
Mẹ tôi sẽ trở thành phụ tá của bà. Tôi nhớ đã quan sát họ trong ngày đầu tiên ấy và thầm so sánh họ. Mẹ với nước da hồng hào và mái tóc quăn theo làn sóng bồng bềnh quanh vai. Mí mắt mẹ sáng lung linh. Sáng nào mẹ cũng trang điểm, nhưng nếu không có thời gian làm điều đó, thì mẹ xin lỗi cả ngày, cứ như thể không trang điểm, mẹ đã gây phiền phức cho tất cả mọi người.
Bà đỡ trông như thể cả thập kỷ không mảy may quan tâm đến vẻ ngoài, và phong thái của bà khiến bạn cảm thấy thật ngốc vì đã để ý đến bà.
Bà đỡ gật đầu tạm biệt, mang theo đây một ôm các loại thảo dược của mẹ.
Lần tới bà đỡ đến dẫn theo đứa con gái tên là Maria, đứng cạnh bà, bắt chước các động tác của bà, cùng với một đứa bé được bố như dính vào cái thân hình chín tuổi dẻo dai của nó. Tôi nhìn nó với ánh mắt hy vọng. Tôi không gặp nhiều những đứa con gái khác không đến trường giống như mình. Tôi sán lại gần, cố thu hút sự chú ý của nó, nhưng nó hoàn toàn bị hút vào việc lắng nghe mẹ mình, người đang giải thích rằng cây kim ngân hoa và cây ích mẫu nên được bổ sung để trị chứng co thắt tử cung sau sinh như thế nào. Maria gật gù tỏ vẻ tán đồng; ánh mắt nó không hề rời khuôn mặt của bà mẹ.
Tôi lê bước dọc hành lang về phòng riêng, một mình, nhưng khi quay ra để đóng cửa, tôi thấy nó đứng đó vẫn bế đứa bé trên hông. Thằng bé béo ịch, và thân mình con bé vẹo đi trông rất rõ ở đoạn thắt lưng để thằng bé có thể trụ trên hông nó. “Mày sẽ đi chứ?” Nó nói. Tôi không hiểu câu hỏi. “Tao lần nào cũng đi”, nó nói. “Mày đã xem một đứa bé được đẻ ra chưa?” “Chưa.” “Tao đã xem nhiều lần rồi. Mày có biết đẻ ngược nghĩa là thế nào không?” “Không.” Tôi nói như một lời xin lỗi.
Lần đầu tiên phụ đỡ đẻ, mẹ tôi đi liền hai ngày. Sau đó mẹ lướt vào nhà qua cửa sau, nhợt nhạt đến mức dường như mặt mẹ trong suốt, và lao tới sô-pha, ở yên đó, run rẩy. “Khiếp quá”, mẹ thều thào. “Ngay cả Judy cũng nói bà ấy sợ.” Mẹ nhắm mắt lại. “Mà bề ngoài trông bà ấy không có vẻ sợ hãi gì cả.”
Mẹ nghỉ vài phút, cho đến khi sắc mặt mẹ khá hơn, rồi mẹ kể chuyện đã xảy ra. Ca đẻ đó kéo dài, mệt nhọc, và khi đứa bé cuối cùng cũng ra, người mẹ bị rách và tình trạng rất tệ. Có máu ở khắp mọi nơi. Thuốc vi lượng đồng cân không cầm máu được. Đó là khi mẹ hiểu ra rằng dây rốn quấn quanh cổ đứa bé. Thằng bé tím tái, vậy nên mẹ cứ nghĩ nó đã chết. Khi mẹ kể lại những chi tiết đó, mặt mẹ cắt không còn hột máu cho tới khi mẹ ngồi đó, mặt trắng bệch như một quả trứng, hai tay mẹ ôm quanh người.
Audrey pha trà cúc La Mã và chúng tôi dìu mẹ vào giường ngủ. Tối hôm đó khi bố về nhà, mẹ kể chuyện ấy cho bố nghe. “Em không thể làm việc đó”, mẹ nói. “Judy có thể, nhưng em thì không.” Bố ôm vai mẹ. “Đây là nhiệm vụ mà Chúa giao cho”, bố nói. “Đôi khi Chúa yêu cầu chúng ta làm những việc khó.”
Mẹ không muốn làm bà đỡ. Mẹ học đỡ đẻ là ý tưởng của bố tôi, một trong những kế hoạch cho sự tự lực cánh sinh mà bố vạch ra. Chẳng gì bố ghét hơn là sống phụ thuộc vào Chính phủ. Bố nói một ngày nào đó chúng tôi sẽ sống mà hoàn toàn không kết nối với
những hạ tầng của chính phủ, như điện, nước. Ngay khi kiếm đủ tiền, bố sẽ lập kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn nước từ trên núi xuống, và sau đó lắp những tấm pin mặt trời trên khắp trang trại. Đó sẽ là cách để chúng tôi có điện và nước trong Ngày Tận Thế, khi tất cả những người khác uống nước từ những vũng nước bẩn và sống trong bóng tối. Mẹ là một thầy thuốc đông y, vậy nên mẹ có thể chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi, và nếu mẹ học kỹ thuật đỡ đẻ thì mẹ sẽ có thể đỡ các cháu gọi mình bằng bà khi chúng ra đời.
Vài ngày sau ca đỡ đẻ đầu tiên ấy, bà đỡ đến gặp mẹ. Bà dẫn Maria đến và nó lại theo tôi tới phòng riêng. “Thật tệ là mẹ mày mới lần đầu tiên đã gặp phải ca nặng”, nó mỉm cười, nói. “Ca tới đây sẽ dễ hơn.”
Vài tuần sau, phỏng đoán này được kiểm chứng. Lúc đó là nửa đêm. Vì chúng tôi không có điện thoại, bà đỡ gọi tới nhà bà-ở-chân-đồi, và bà tôi cuốc bộ lên đồi, mệt lử, cáu bẳn, la toáng lên rằng đã đến lúc mẹ đi chơi trò bác sĩ”. Bà chỉ ở lại vài phút nhưng đánh thức cả nhà. “Tôi không hiểu nổi tại sao các người không thể đi bệnh viện như mọi người khác”, bà gào lên, đóng sập cửa đánh rầm trong khi bước ra khỏi nhà chúng tôi.
Mẹ tôi tìm cái túi dùng cho những chuyến đi ngắn và cái hộp dụng cụ mà mẹ đã nhét đầy những lọ Cần thuốc màu đen vào, rồi chậm chạp bước ra cửa. Tôi lo lắng, ngủ chập chờn, nhưng sáng hôm sau, khi mẹ về, tóc rối bù, mắt thâm quầng, môi hé nụ cười nhẹ nhõm. “Là con gái”, mẹ nói. Rồi mẹ lên giường ngủ cả ngày.
Nhiều tháng trôi qua như thế, mẹ rời khỏi nhà và trở về vào bất cứ giờ nào, run rẩy, thở phào vì việc đã xong. Trước khi lá bắt đầu rụng mẹ đã trợ giúp hơn chục ca đỡ đẻ. Đến hết mùa đông, vài chục ca. Vào mùa xuân mẹ nói với bố rằng mẹ đi đỡ đẻ như thế đủ rồi, rằng nếu buộc phải làm việc đó, nếu đó là Ngày Tận Thế, thì mẹ có thể đỡ đẻ được rồi. Bây giờ mẹ có thể dừng.
Nghe mẹ nói thế mặt bố xị ra. Bố nhắc nhở mẹ rằng đây là ý Chúa, rằng điều đó sẽ mang lại phước lành cho gia đình chúng tôi. đỡ đẻ.”
“Em cần phải làm bà đỡ”, bố nói. “Em cần phải tự mình
Mẹ lắc đầu. “Em chịu”, mẹ nói. “Vả lại, ai sẽ thuê em khi mà họ có thể thuê Judy?”
Mẹ nguyền rủa bản thân, ném cái găng tay dài của mẹ trước Chúa. Chẳng bao lâu sau, Maria nói với tôi rằng bố nó đã có việc làm mới ở Wyoming. “Mẹ tao nói mẹ mày sẽ thế chân bà ấy”, Maria nói. Một hình ảnh xúc động hình thành trong trí tưởng tượng của tôi, về tôi trong vai của Maria, con gái bà đỡ, tự tin, đầy hiểu biết. Nhưng khi tôi quay sang để nhìn mẹ đang đứng cạnh mình, hình ảnh đó biến mất ngay tắp lự.
Đỡ đẻ không phải là việc bất hợp pháp ở bang Idaho, nhưng nó chưa được phê chuẩn. Nếu một ca đỡ đẻ không thành công, bà đỡ có thể phải đối mặt với tội danh hành nghề y không có giấy phép; nếu nhiều sai sót xảy ra, bà đỡ có thể bị buộc tội ngộ sát, thậm chí phải ngồi tù. Chỉ vài phụ nữ chấp nhận loại rủi ro ấy, vậy nên ở đó hiếm có các bà đỡ: khi Judy chuyển tới Wyoming, mẹ tôi trở thành bà đỡ duy nhất trong suốt một trăm dặm.
Những người phụ nữ bụng mang dạ chửa bắt đầu tới nhà tôi, nài xin mẹ đỡ đẻ cho họ. Mẹ co rúm người lại khi nghĩ đến việc đó. Một phụ nữ ngồi trên thành ghế sô-pha màu vàng nhạt bạc phếch của chúng tôi, nhìn trân trên xuống sàn, khi cô giải thích rằng chồng cô đang thất nghiệp và họ không có tiền để đăng ký sinh ở bệnh viện. Mẹ ngồi yên lặng, mắt nhìn tập trung vào một điểm, môi mím chặt, vẻ mặt mẹ rắn đanh trong chốc lát. Sau đó vẻ rắn đanh ấy tan biến và mẹ nói bằng giọng nhỏ nhẹ: “Tôi không phải là bà đỡ, tôi chỉ là người phụ giúp thôi.”
Người phụ nữ ấy quay trở lại nhà tôi vài lần, ngồi vắt vẻo trên thành sô-pha hết lần này đến lần khác, miêu tả những lần sinh nở
dễ như trở bàn tay mà cô đã trải qua. Mỗi khi bố tôi nhìn thấy xe hơi của người phụ nữ ấy từ bãi phế liệu, bố lặng lẽ vào nhà bằng cửa sau, giả vờ vào lấy nước; sau đó bố đứng trong bếp khẽ khàng và chậm rãi uống từng ngụm nước, trong khi dòng tai nghe cuộc chuyện trò từ phòng khách. Mỗi lần người phụ nữ ấy rời khỏi nhà chúng tôi, bố hầu như không thể kiềm chế nổi cơn phấn khích, vậy nên cuối cùng, hoặc vì không chịu nổi nỗi tuyệt vọng của người phụ nữ ấy hoặc niềm sung sướng của bố, hoặc vì cả hai, mẹ nhượng bộ.
Ca sinh nở ấy diễn ra suôn sẻ. Sau đó, người phụ nữ ấy có một người bạn cũng mang bầu, và mẹ đỡ đẻ cho cô ta êm xuôi. Thế rồi cô kia có một người bạn. Mẹ lại đỡ đẻ tiếp. Chẳng bao lâu sau mẹ đã đỡ nhiều đứa trẻ ra đời đến mức nhiều ngày trời Audrey và tôi lái xe quanh thung lũng cùng mẹ, theo dõi mẹ thăm khám cho các sản phụ trước khi sinh và kê đơn thảo dược. Mẹ trở thành cô giáo của chúng tôi theo một cách mà mẹ chưa từng, bởi vì trước đó chúng tôi hiếm khi tổ chức học tại nhà. Mẹ giải thích từng bài thuốc và phương pháp giảm đau. Nếu là trường hợp huyết áp cao, người đó sẽ được cho dùng thảo dược làm từ cây táo gai để ổn định collagen và làm giãn mạch. Nếu bà-nào-đó có hiện tượng co thắt sớm thì bà ta cần tắm nước gừng để tăng lượng ôxy cho tử cung.
Việc đỡ đẻ đã làm con người mẹ thay đổi. Mẹ là một người phụ nữ trưởng thành có bảy đứa con, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, mẹ là người chịu trách nhiệm, mà không có sự ướm hỏi hay báo trước. Thỉnh thoảng, vào những ngày sau một ca sinh nở, tôi phát hiện thấy ở mẹ bộ dạng nặng nề của bà đỡ Judy, trong động tác quay ngoắt lại, hoặc qua đường cong hống hách của một bên lông mày mẹ. Mẹ ngừng trang điểm, sau đó mẹ ngừng xin lỗi vì không trang điểm.
Mẹ lấy khoảng năm trăm đô-la cho mỗi ca đỡ đẻ, và đây là một cách khác mà việc đỡ đẻ làm thay đổi mẹ: bỗng nhiên mẹ có tiền.
mę Bố không tin phụ nữ nên làm việc để kiếm tiền, nhưng tôi cho rằng bố nghĩ mẹ được trả tiền cho việc đỡ đẻ là đúng, bởi vì nó làm suy yếu Chính phủ. Vả lại, chúng tôi cần tiền. Bố làm việc vất vả hơn bất cứ người đàn ông nào mà tôi biết, nhưng việc gom phế liệu, xây lán trại chẳng mang lại nhiều tiền, và thật hữu ích khi mẹ có thể dùng những phong bì chứa tiền lẻ mà mẹ cất trong ví để mua tạp phẩm. Đôi khi, nếu chúng tôi bạn di chuyển trong thung lũng cả ngày, giao thảo dược và thăm khám cho sản phụ trước khi sinh, mẹ dùng tiền đó đưa tôi và Audrey đi ăn tiệm. Bà-trong-thị-trấn đã cho tôi một cuốn sổ ghi chép được trang trí hình chú gấu Teddy màu nâu trên bìa, và tôi ghi vào đó trải nghiệm lần đầu đưa chị em tôi tới một nhà hàng mà tôi miêu tả là “thật sự tuyệt vời với thực đơn và mọi thứ.” Theo như ghi chép, bữa ăn của tôi tốn tận 3, 3 đô-la.
Mẹ cũng dùng tiền kiếm được để cải thiện việc đỡ đẻ của mình. Mẹ mua một bình ôxy phòng khi đứa trẻ nào đó ra đời không thể thở được, và mẹ theo một khóa học khâu vết thương để có thể khâu cho những phụ nữ bị rách khi sinh nở. Judy luôn chuyển những phụ nữ cần phải khâu đến bệnh viện, nhưng mẹ quyết tâm học kỹ năng đó. Tôi hình dung mẹ nghĩ, phải tự lực cánh sinh. Với số tiền còn lại, mẹ lắp máy điện thoại5. Một hôm một chiếc xe tải nhỏ màu trắng xuất hiện và một nhóm đàn ông mặc đồ bảo hộ lao động bắt đầu trèo lên những cột điện bên đường cao tốc. Bố hầm hầm lao vào nhà bằng cửa sau đòi được biết chuyện quái quỷ gì đang xảy ra. “Em nghĩ anh muốn có một chiếc điện thoại”, mẹ nói, đôi mắt mẹ đầy ngạc nhiên đến mức không thể chê vào đâu được. Mẹ tiếp tục nói liến thoắng. “Anh đã nói có thể sẽ gay go nếu ai
đó đau đẻ mà em không ở nhà để nhận điện thoại. Em nghĩ, Bố nó nói đúng, chúng ta cần một cái máy điện thoại! Em ngốc quá! Em đã hiểu sai ý anh chăng?”
Bố đứng đó vài giây, miệng há hốc. Bố nói, tất nhiên làm bà đỡ thì cần có điện thoại. Rồi bố quay trở lại bãi phế liệu và không cảm ràm về chuyện ấy nữa. Chúng tôi không có điện thoại từ bao lâu rồi tôi không nhớ nữa, nhưng ngay hôm sau cái máy điện thoại đã ở đó, nằm trên cái giá để ống nghe màu vỏ chanh, cái đế bóng loáng của nó trông thật lạc lõng bên cạnh những lọ thảo dược thiên ma và bán chỉ liên xám xịt và tẻ nhạt.
Mười lăm tuổi Luke hỏi mẹ liệu anh có thể lấy giấy khai sinh được không. Anh muốn đăng ký học lái xe bởi vì Tony, anh cả của chúng tôi, đang kiếm ra tiền từ việc chở vật liệu mà anh có thể làm vì anh có bằng lái. Shawn và Tyler, hai anh kế Tony đều có giấy khai sinh; chỉ bốn đứa con sinh sau của mẹ – Luke, Audrey, Richard và tôi – không có.
Mẹ bắt đầu soạn giấy tờ. Tôi không biết mẹ có nói chuyện ấy với bố trước hay không. Nếu mẹ đã nói thì tôi không thể giải thích nổi điều gì đã làm bố tôi thay đổi – tại sao bỗng nhiên chính sách mười năm không đăng ký với Chính phủ lại kết thúc mà không hề có sự đấu tranh – nhưng tôi nghĩ có lẽ đó là từ cái điện thoại. Cứ như thể bố đã chấp nhận rằng nếu bố thực sự đối đầu với Chính phủ thì bố buộc phải chấp nhận những rủi ro nhất định. Việc mẹ làm bà đỡ sẽ lật đổ hệ thống Y tế công, nhưng để làm bà đỡ mẹ lại cần một chiếc điện thoại. Có lẽ lô-gích tương tự được mở rộng tới Luke: Luke cần có thu nhập để nuôi sống một gia đình, để mua nhu yếu phẩm chuẩn bị cho Ngày Tận Thế, vậy nên anh cần có giấy chứng sinh. Một khả năng khác là, mẹ đã không hỏi bố. Có lẽ mẹ cứ quyết định thôi, và bố chấp nhận quyết định của mẹ. Có lẽ,
thậm chí bố – vốn là người đàn ông quyền lực – tạm thời bị sức mạnh của mẹ gạt sang một bên.
Khi mẹ bắt đầu làm giấy tờ cho Luke, mẹ quyết định mẹ cũng sẽ lấy giấy khai sinh cho tất cả chúng tôi. Việc đó khó khăn hơn mẹ tưởng. Mẹ lục tung cả nhà lên để tìm các giấy tờ chứng minh chúng tôi là con của mẹ. Mẹ chẳng tìm thấy gì hết. Trong trường hợp của tôi, chẳng ai nhớ một cách chính xác ngày tháng năm sinh. Mẹ nhớ một ngày, bộ nhớ một ngày khác, bà-ở-chân-đồi, đã từng vào thị trấn làm một bản khai có tuyên thệ rằng tôi là cháu gái của bà, đưa ra một ngày khác.
Mẹ gọi điện tới trụ sở của giáo hội ở thành phố Salt Lake. Một người thư ký ở đó tìm thấy một giấy chứng nhận từ lễ đặt tên thánh của tôi, khi tôi còn là một đứa trẻ sơ sinh, và một giấy khác từ lễ rửa tội của tôi, và cũng giống như mọi đứa trẻ theo giáo phái Mặc Môn, nghi lễ đó diễn ra khi tôi tám tuổi. Mẹ đề nghị họ gửi bản sao của các giấy tờ đó cho chúng tôi. Vài ngày sau họ gửi chúng đến bằng đường bưu điện. “Chao ôi!” Mẹ nói khi mẹ mở phong bì ra. Mỗi giấy tờ đó cho biết một ngày sinh khác, và chẳng ngày nào khớp với ngày bà tôi đã ghi trong bản khai có tuyên thệ.
Tuần đó ngày nào mẹ cũng nói chuyện điện thoại hàng giờ. Với cái ống nghe được kẹp trên vai, dây điện thoại vắt ngang phòng bếp, mẹ nấu nướng, lau dọn, và lọc tinh chất cây mao lương hoa vàng và cây kế sữa, trong khi nói đi nói lại qua điện thoại chuyện đó.
“Hắn rồi, đáng lẽ tôi nên khai sinh cho con bé, khi nó ra đời, nhưng tôi đã không làm, vậy nên giờ chúng tôi mới phiền các vị.” Những giọng nói lẩm bẩm ở đầu dây bên kia.
“Tôi đã nói với bà rồi – và cấp dưới của bà, và cấp dưới của cấp dưới của bà, và năm mươi người trong tuần này – con bé không đến trường, cũng chẳng có sổ khám chữa bệnh. Nó không có những
thứ đó! Bị mất cả rồi. Tôi không thể xin bản sao được. Làm gì có mà xin!”
“Ngày sinh của con bé ư? Cứ cho là ngày hai mươi bảy.” “Được, tôi sẽ giữ máy.”
“Không, tôi không chắc đâu.”
“Không, tôi không có giấy tờ làm bằng chứng.”
Những giọng nói ấy luôn khiến mẹ giữ máy khi mẹ thừa nhận rằng mẹ không biết ngày sinh của tôi, và chuyển máy tới cấp cao hơn của họ, như thể việc không biết tôi sinh vào ngày mấy đã khiến toàn bộ khái niệm có danh tính của tôi trở nên bất hợp pháp. Dường như người ta nói, bạn không thể là người mà không có ngày sinh được. Tôi không hiểu tại sao lại không. Việc không ai biết ngày sinh của tôi dường như chưa bao giờ là chuyện lạ lùng cho tới khi mẹ quyết định làm giấy khai sinh cho tôi. Tôi biết mình chào đời gần cuối tháng Chín, và mỗi năm tôi chọn một ngày không rơi vào Chủ nhật bởi vì chẳng thú vị chút nào khi bạn dùng cả ngày sinh nhật ở nhà thờ.
Thỉnh thoảng tôi ước gì mẹ đưa máy điện thoại cho tôi để tôi có thể giải thích. “Cháu cũng có ngày sinh nhật, như các ông bà”, tôi muốn nói với những giọng nói kia. “Chỉ là ngày đó thay đổi. Các ông bà không muốn thay đổi ngày sinh nhật của mình sao?”
Cuối cùng, mẹ thuyết phục được bà-ở-chân-đồi làm một bản khai có tuyên thệ mới tuyên bố rằng tôi sinh vào ngày hai mươi bảy, mặc dù bà vẫn tin đó là ngày hai mươi chín, và bang Idaho cấp một giấy khai sinh cho tôi theo trường hợp khai sinh chậm trễ. Tôi nhớ hôm cái giấy đó đến qua bưu điện. Được trao cho cái giấy chứng nhận hợp pháp đầu tiên về bản thể của mình, tôi có cảm giác bị truất quyền sở hữu rất kỳ cục: trước đó tôi chưa bao giờ chợt nghĩ cái giấy chứng nhận đó là cần thiết.
Vậy là tôi đã có giấy khai sinh rất lâu trước khi Luke có giấy khai sinh của anh ấy. Khi mẹ bảo với những giọng nói trên điện thoại rằng mẹ ngờ rằng tôi sinh vào khoảng cuối tháng Chín, họ im lặng. Nhưng khi mẹ bảo họ rằng mẹ không biết chính xác Luke sinh vào tháng Năm hay tháng Sáu thì điều đó khiến những giọng nói ở đầu dây bên kia om xòm cả lên.
Mùa thu ấy, khi tôi chín tuổi, tôi đi đỡ đẻ cùng mẹ. Nhiều tháng, tôi đã mè nheo đòi đi, nhắc mẹ rằng bằng tuổi tôi Maria đã được xem cả tá ca đẻ. “Mẹ không phải là bà mẹ đang nuôi con bú”, mẹ nói. “Mẹ không có lý do để đưa con theo. Vả lại, con sẽ không thích việc đó đâu.”
Cuối cùng, mẹ được một người đàn bà có mấy đứa con nhỏ thuê đỡ đẻ. Việc được thu xếp: tôi sẽ trông mấy đứa nhỏ trong khi ca đẻ diễn ra.
Cuộc điện thoại đến vào lúc nửa đêm. Chuông điện thoại réo vang khắp hành lang, và tôi nín thở, hy vọng không phải người ta gọi nhầm số. Một phút sau mẹ có mặt bên giường tôi. “Đến lúc rồi”, mẹ nói, và chúng tôi cùng chạy ra xe.
Trong suốt mười dặm đường mẹ diễn tập với tôi những gì tôi sẽ nói nếu điều tồi tệ nhất xảy ra và nếu người của Liên bang tới. Trong bất kỳ trường hợp nào tôi cũng sẽ không được nói với họ rằng mẹ là một bà đỡ. Nếu họ hỏi tại sao chúng tôi lại ở đó, tôi sẽ không nói gì. Mẹ gọi đó là “nghệ thuật im lặng.” “Con cứ nói rằng con đang ngủ và con chẳng nhìn thấy gì hết và con không biết bất cứ điều gì, và con chẳng thể nhớ nổi tại sao chúng ta lại ở đó”, mẹ nói. “Chớ có đưa cho họ thêm bất cứ sợi dây thừng nào để họ treo cổ mẹ ngoài những sợi dây họ đã có sẵn.”
Mẹ rơi vào im lặng. Tôi chăm chú nhìn mẹ trong khi mẹ lái xe. Khuôn mặt mẹ được đèn trong bảng đồng hồ soi sáng, và nó trông
trắng bệch như ma trên cái nền đen như mực của những con đường nông thôn. Nỗi sợ hãi khắc sâu vào những đường nét trên mặt mẹ, trong nét chau mày và đôi môi mím chặt. Chỉ có một mình tôi ở bên, mẹ dẹp bỏ con người mà mẹ phô ra cho người khác thấy. Mẹ trở về là chính mình, mệt mỏi, thở hổn hển.