Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Gã Hề Ma Quái của tác giả Stephen King, cũng như link tải ebook Gã Hề Ma Quái miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
“Gã Hề Ma Quái” (tựa gốc: It) là một trong những tác phẩm kinh dị kinh điển nhất của Stephen King, tác giả nổi tiếng với những câu chuyện ma quái, ám ảnh. Cuốn sách đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả và được chuyển thể thành nhiều phiên bản phim, phim truyền hình thành công.
Giới thiệu sách Gã Hề Ma Quái PDF
“Gã Hề Ma Quái” (It) là một tiểu thuyết đầy kinh dị và viễn tưởng của nhà văn người Mỹ Stephen King. Cuốn sách là tác phẩm thứ 22 và tiểu thuyết thứ 17 của ông được viết dưới tên của mình. Câu chuyện kể về bảy đứa trẻ bị ám ảnh bởi một thực thể độc ác, là “It”, một con hề nhảy múa dưới hình dạng Pennywise để thu hút và săn lùng trẻ em.
Cuốn tiểu thuyết được kể qua hai giai đoạn khác nhau và chủ yếu sử dụng ngôi thứ ba. “It” khám phá những chủ đề huyền bí mà Stephen King thường xuyên khai thác: sức mạnh của kí ức, vết thương từ tuổi thơ và sự ác độc ẩn giấu dưới lớp vỏ bên ngoài bình thường của một thị trấn nhỏ ở Mỹ. Thông qua sự tin tưởng và hy sinh, nhóm bạn trẻ đã chiến thắng cái ác.
King bắt đầu hình thành câu chuyện vào năm 1978 và viết nó từ năm 1981 đến năm 1985. Ông ban đầu muốn nhân vật chính trở thành một troll, nhưng cuối cùng ông chọn một hình dạng con hề. Cuốn tiểu thuyết đan xen giữa câu chuyện của những đứa trẻ và thành người lớn sau này.
“Gã Hề Ma Quái” đã giành giải British Fantasy Award năm 1987 và nhận đề cử tại Locus và World Fantasy cùng năm. Được xem là cuốn sách viễn tưởng bìa cứng bán chạy nhất tại Hoa Kỳ vào năm 1986. Cuốn sách đã được chuyển thể thành miniseries vào năm 1990 và hai bộ phim điện ảnh vào năm 2017 và 2019 dưới sự đạo diễn của Andy Muschietti.
Review nội dung sách Gã Hề Ma Quái PDF
Ưu điểm:
- Khả năng tạo hình tượng nhân vật kinh dị bậc thầy: Stephen King đã khắc họa thành công hình tượng gã hề Pennywise vừa hài hước, lại vừa đáng sợ đến ám ảnh. Sự đối lập này tạo nên nét rùng rợn đặc trưng, khiến “Gã Hề Ma Quái” trở thành một trong những tiểu thuyết kinh dị đáng sợ nhất.
- Khám phá nỗi sợ hãi sâu thẳm: Không chỉ đơn thuần là truyện kinh dị, “Gã Hề Ma Quái” còn đào sâu vào tâm lý nhân vật, khám phá nỗi sợ hãi từ tuổi thơ, những góc khuất trong tâm hồn con người.
- Kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố kinh dị và trưởng thành: Câu chuyện về nhóm bạn nhỏ đối đầu với nỗi sợ hãi vừa mang đến sự kịch tính, vừa lồng ghép khéo léo thông điệp về tình bạn, lòng dũng cảm và sự trưởng thành.
Nhược điểm:
- Cốt truyện dài, nhiều chi tiết: Với hơn 1000 trang sách, “Gã Hề Ma Quái” có thể khiến một số độc giả cảm thấy nặng nề, khó theo dõi hết mạch truyện.
- Một số phân cảnh kinh dị khá đáng sợ: Stephen King không ngại ngần miêu tả chi tiết những cảnh máu me, bạo lực, có thể gây ám ảnh cho một số độc giả nhạy cảm.
Kết luận:”Gã Hề Ma Quái” là một tác phẩm kinh điển của Stephen King, mang đến trải nghiệm rùng rợn, ám ảnh và đầy ám ảnh. Tuy nhiên, đây là cuốn sách không dành cho những ai yếu tim hoặc không quen đọc thể loại kinh dị.
Đánh giá: 4.5/ 5 sao
Giới thiệu về tác giả Stephen King
Khi nói đến thể loại văn học kinh dị, không thể không nhắc đến Stephen King, người được biết đến như ông vua của văn học kinh dị. Với hơn 350 triệu cuốn sách được bán ra trên toàn thế giới và nhiều giải thưởng lớn như National Medal of Art, British Fantasy Society Award, Stephen King đã trở thành một trong những tác giả hàng đầu trong lĩnh vực sách kinh dị và các tác phẩm chuyển thể.
Suốt 50 năm công hiến cho văn học thế giới, Stephen King đã được vinh danh bằng 3 giải thưởng thành tựu trọn đời và nhận được Huân chương quốc gia vì nghệ thuật từ Tổng thống Barack Obama vào năm 2015. Ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học và vẫn là một cái tên lớn không thể phủ nhận trong làng văn học hiện đại.
Đọc thử sách Gã Hề Ma Quái PDF
1 SAU CƠN LŨ (1957)
Theo những gì tôi biết và còn nhớ, nỗi sợ hãi dai dẳng suốt hai mươi tám năm ấy bắt đầu với một chiếc thuyền giấy bị cuốn trôi xuống rãnh nước ùng ục trong cơn mưa.
Con thuyền dập dềnh nghiêng ngả, đoạn cân bằng trở lại, trồi sụp đầy bản lĩnh lướt trên những xoáy nước hiểm ác, cứ thế trôi thẳng xuống đường Witcham về phía đèn giao thông đánh dấu ngã tư giao giữa đường Witcham và đường Jackson. Chiều hôm ấy, một ngày thu năm 1957, ba thấu kính thẳng đứng trên cột đèn giao thông đều tắt ngúm, nhà cửa cũng tối thui. Mưa dầm dề hơn một tuần nay, và mới hai ngày trước còn xuất hiện cả gió lốc. Phần lớn thị trấn Derry rơi vào tình trạng mất điện, chưa biết khi nào mới có trở lại.
Đứa bé trai trùm áo mưa vàng và mang ủng đỏ háo hức chạy theo chiếc thuyền giấy. Mưa chưa ngừng hẳn nhưng cũng đã ngớt. Mưa rơi rả rích xuống chiếc mũ vàng của cậu bé, tựa hồ tiếng mưa lộp độp trên mái nhà… một âm thanh dễ chịu, gần như thân thuộc. Cậu bé ấy là George Denbrough, năm ấy lên sáu. Anh hai cậu là William, với biệt danh mà đứa trẻ nào ở trường Tiểu học Derry (và cả thầy cô, nhưng các vị này không bao giờ sỗ sàng gọi cậu như thế) cũng biết là Bill Cà Lăm, lúc đó đang ở nhà, bị trận cúm hành cho ra bã. Mùa thu năm 1957 ấy, tám tháng trước khi nỗi khiếp đảm trút xuống, hai mươi tám năm trước thử thách cuối cùng, Bill Cà Lăm tròn mười tuổi.
Bill là người gấp chiếc thuyền giấy mà George đang rượt theo. Cậu hí hoáy gấp lúc ngồi trên giường, lưng tựa vào chồng gối, trong khi mẹ chơi bài Für Elise trên cây đàn piano ở phòng khách và mưa xối xả đập vào cửa sổ phòng ngủ.
Chừng ba phần tư quãng đường từ dãy nhà về phía ngã tư đèn giao thông tối thui, đường Witcham bị chặn bằng đèn đốt dầu cỡ lớn và bốn giá cưa màu cam để ngăn không cho xe cộ lưu thông. Mọi giá cưa đều được in dòng chữ Bộ phận công trình công cộng Derry. Phía sau, mưa ồng ộc trào ra khỏi rãnh nước bị tắc do cành cây, đá và những ụ lá khô ngồn ngộn. Ban đầu, nước chỉ phụt lên từ những lỗ con con trên mặt đường, nhưng sang ngày thứ ba của đợt mưa, nó khiến nhựa đường bật lên từng mảng. Đến trưa ngày thứ tư, những mảng lớn trôi ào ào xuống ngã tư đường Jackson và đường Witcham như những chiếc bè tí hon trong cơn nước trắng xóa. Lúc này, nhiều người dân Derry bắt đầu sốt ruột, dù ngoài miệng còn bông đùa khéo phải xây tàu ngăn trận đại hồng thủy như trong Kinh Thánh. Bộ phận công trình công cộng vẫn cho người dân qua lại lối đường Jackson, nhưng Witcham thì bị chặn đường vào trung tâm thị trấn bằng giá cưa.
Nhưng mọi người đều cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Nước sông Kenduskeag chỉ dâng lên mấp mé bờ Bãi Đất, cách mặt xi măng của Kênh Đào dẫn nước quanh co qua phố chừng chục phân. Lúc này đây, một toán thanh niên trai tráng, trong đó có Zack Denbrough, bố của George và Bill, đang hối hả dỡ những bao cát họ mới chất ngày hôm trước. Hôm qua, nước tràn đê cùng lũ quét qua nên tổn thất là điều không thể tránh khỏi. Mà thực là thế, tình trạng này từng xảy ra ở trận lũ năm 1931 là một thảm họa gây thiệt hại hàng triệu đô-la và cướp đi hơn hai mươi mạng người. Dù chuyện xảy ra đã lâu, nhưng nhiều người vẫn nhớ như in để kể lại làm ai nấy đều hãi hùng. Một trong những nạn nhân bị trôi tận bốn mươi cây số lên phía Đông, về Bucksport. Người đàn ông rủi vận này bị cá rỉa sạch hai mắt, ba ngón tay, dương vật và gần hết bàn chân trái. Cánh tay nham nhở của ông vẫn nắm chặt vô lăng chiếc xe Ford.
Tuy nhiên hiện giờ, nước sông đang rút, và khi đập Bangor Hydro đi vào hoạt động trên thượng nguồn, con sông sẽ không còn là mối đe dọa. Hoặc chí ít đó là những gì Zack Denbrough, nhân viên của Nhà máy Thủy điện Bangor, cho hay. Những thứ khác, chà, mấy cơn lũ trong tương lai là dăm ba chuyện vặt. Chỉ cần cắn răng đi qua con trăng này, đợi có điện trở lại, rồi quên bẵng nó đi. Dân Derry rất giỏi xóa bỏ bi kịch cũng như tai ương ra khỏi ký ức của mình, rồi chẳng bao lâu sau, Bill Denbrough cũng sẽ phát hiện khả năng ấy nơi bản thân thằng bé.
George dừng lại ngay bên kia giá cưa, sát rìa một khe nứt sâu trên lớp nhựa đường bị bể ở đường Witcham. Khe nứt bẻ ngoặt theo đường gấp khúc xuống dưới con dốc tít bên kia đường, cách chỗ thằng bé đang đứng hơn chục mét về phía bên phải. Cậu cười giòn giã – tiếng cười thích thú của cậu bé con chạy hồ hởi chơi một mình trong buổi chiều âm u ấy – khi khúc quanh của con nước ào ào chảy cuốn chiếc thuyền giấy của cậu vào ghềnh thác thu nhỏ hình thành do mặt đường nhựa bị bể. Dòng nước siết xói vào đất tạo thành rãnh dọc theo khe nứt khúc khuỷu, đưa chiếc thuyền chu du từ phía bên này đường Witcham sang phía bên kia, và nước chảy nhanh đến nỗi George phải ba chân bốn cẳng chạy theo mới kịp. Nước bắn tung tóe từ dưới ủng thằng bé tạo thành những vệt bùn. Nút cài ủng phát ra tiếng leng keng thật vui tai khi cậu chạy tung tăng về phía cái chết kỳ khôi của mình. Trong khoảnh khắc ấy, lòng cậu trào dâng cảm giác yêu thương chân phương dành cho Bill, anh trai mình… yêu thương kèm theo chút nuối tiếc khi Bill không thể tận mắt chứng kiến khung cảnh này và hòa mình vào nó. Tất nhiên, cậu định sẽ kể lại cho anh hai nghe sau khi trở về nhà, nhưng cậu biết mình không giỏi dùng từ ngữ để giúp Bill chiêm ngưỡng cảnh tượng này bằng tưởng tượng, trong khi nếu đổi vị trí, Bill sẽ mô tả thật sống động để cậu em trai của mình có thể mường tượng trong đầu. Bill đọc, viết rất giỏi, nhưng ngay cả ở tuổi này, George cũng đủ khôn ngoan để biết rằng đó không phải lý do duy nhất lý giải tại sao Bill lúc nào cũng nhận được điểm A trong sổ liên lạc, hoặc tại sao thầy cô lại thích văn anh viết đến thế. Kể chuyện chỉ là một phần, biệt tài của Bill là quan sát.
Con thuyền gần như rít lên, xé nước băng băng, dù nó chỉ là một trang báo trong mục rao vặt được xé ra từ tờ Derry News, nhưng trong mắt George lúc này, nó giống như con thuyền FT trong một bộ phim chiến tranh, như những chiến hạm mà thỉnh thoảng cậu nhìn thấy trong Rạp Derry cùng anh Bill vào những suất chiếu phim sáng thứ Bảy. Bộ phim chiến tranh trong đó John Wayne đánh nhau với quân Nhật. Mũi con thuyền giấy rẽ làn nước sang hai bên trong khi tiếp tục tiến lên, rồi trôi tới rãnh nước phía bên trái đường Witcham. Ở chỗ đó, một dòng nước con con chảy ào ào tràn qua phần nhựa đường bị vỡ, tạo thành một xoáy nước tương đối lớn, và thằng bé đoán khéo có khi chiếc thuyền sẽ bị nhấn chìm, lật úp mất. Nó nghiêng ngả đầy báo động, nhưng rồi George lại được dịp hò reo khi nó vững trở lại, uốn lượn và tiếp tục lao như bay xuống ngã tư. George co giò đuổi theo. Trên không trung, cơn gió dữ tháng Mười xé toạc cây cối, giờ trụi lủi sau khi cơn bão kinh hoàng nhất năm cuốn phăng hết những chiếc lá rực rỡ sắc thu.