Cuốn sách “Gai Hướng Dương” mang đến cho độc giả một câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc về cuộc đời của hai phụ nữ: Kotani Natsuko và Ishida Tetsuko.
Kotani Natsuko có khả năng “xoay chuyển” đàn ông trong tay một cách khéo léo. Mặc dù không có ngoại hình nổi bật, không giàu có và không có công việc ổn định, nhưng cô luôn biết cách khiến đàn ông cảm thấy hạnh phúc bên cạnh mình và sẵn lòng chi tiền cho cô.
Mỗi khi gặp rắc rối, Natsuko lại nhờ sự giúp đỡ của người họ hàng xa là luật sư Ishida Tetsuko. Mối quan hệ giữa Natsuko và Tetsuko kéo dài suốt gần một thập kỷ, khi Tetsuko giúp đỡ Natsuko không chỉ một lần mà nhiều lần.
Cuốn sách đặt ra câu hỏi về bản chất của Natsuko – một phụ nữ được đánh giá là xinh đẹp và hấp dẫn bởi đàn ông, nhưng lại bị phụ nữ khác đánh giá là lẳng lơ và ích kỷ. Từng chi tiết trong câu chuyện dần hé lộ về con người Natsuko, từ sức hút mạnh mẽ đến tính cách ranh mãnh và ích kỷ của cô, tạo nên một hình tượng phức tạp và đầy sức sống trước mắt độc giả.
Cặp đôi văn thư Miyuki và luật sư Ogiwara trong cuốn sách “Gai Hướng Dương” không chỉ là những nhân vật phụ mà còn là những người đem lại sự phong phú và sâu sắc cho câu chuyện.
Miyuki và Ogiwara, mỗi người một tính cách, nhưng lại có một mối quan hệ đầy sâu sắc và đáng quý. Miyuki, mặc dù lớn tuổi hơn Ogiwara, nhưng lại để ý đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của anh. Sự quan tâm và lo lắng của cô cho Ogiwara được thể hiện qua những hành động như chăm sóc cho anh và để ý đến từng vết nhăn trên áo của anh. Tình cảm của Miyuki không chỉ đơn giản là tình yêu, mà còn là sự gắn bó và quan tâm chân thành.
Trong khi đó, Ogiwara, mặc dù đã có gia đình, nhưng lại có một mối quan hệ đặc biệt với Miyuki. Anh không chỉ là người hỗ trợ và đồng cảm với Miyuki mà còn là người đồng hành và chia sẻ những khoảnh khắc vui buồn trong cuộc sống. Mối quan hệ của họ không bị giới hạn bởi tình yêu lãng mạn, mà là sự kính trọng, sự đồng cảm và sự hiểu biết sâu sắc về nhau.
Nhờ vào mối quan hệ đặc biệt này, Miyuki và Ogiwara đã làm cho câu chuyện trở nên phong phú hơn, đầy màu sắc và đáng nhớ.
—-
Review sách gai hướng dương
Ngược lại, Ogiwara rất tin tưởng vào con mắt nhìn người của Miyuki, luôn hỏi ý kiến của cô trước khi nhận một vụ nào đó. Phong cách của Miyuki là luôn tiếp đón những người xa lạ như người thân, chứa trong đó bao nhiêu tình cảm. Mỗi câu nói của cô đều kéo tâm trạng người ta tốt hơn, cảm thấy gần gũi và sẵn sàng chia sẻ thông tin. Có lần cô ấy đã nói với theo một đứa trẻ, người đến văn phòng luật sư yêu cầu văn phòng đừng để cha mẹ ly hôn, rằng “Cháu có muốn mình hạnh phúc không?.. Cháu phải học cách chấp nhận những điều không thích cũng như nỗi buồn. Như thế mới dễ sống hơn được.” Cái câu nói ấy đã khiến cả Tetsuko và tôi phải suy nghĩ. Liệu cố gắng sửa chữa hoặc thay thế một cái gì đó mình không thích có phải là điều khiến mình hạnh phúc?
Dù luôn liên kết với nhau theo một cách nào đó, nhưng cả Miyuki và Ogiwara đều vẫn rất quan tâm đến gia đình nhỏ của riêng mình. Ogiwara đã nhờ Tetsuko mua hoa để tặng cho con gái trong một buổi hẹn riêng với cô bé. Theo lời Ogiwara thì cô bé dù còn nhỏ mà đã cư xử như một bà cụ non và muốn được đối xử như một phụ nữ chân chính. Còn Miyuki dù rất yêu thích công việc tại văn phòng luật sư nhưng cũng quyết định rằng mình đã đến tuổi nghỉ ngơi. Bởi cô nhìn thấy bóng lưng người chồng khi về già sao mà nhỏ bé đến đáng thương, đó là khoảnh khắc Miyuki mong muốn được ở bên chồng cho đến cuối đời.
Câu chuyện giữa người với người trong Gai hướng dương kéo dài hơn 40 năm, không chỉ là giữa mối oan gia giữa Natsuko và Tetsuko mà còn là tình bạn đẹp đẽ của Miyuki và Ogiwara. Đó mới thực sự là tri kỷ.
Trương Thu Hoài Review
***
Hay quá!
Để viết lời bình của cuốn tiểu thuyết này, tôi đã đọc lại cuốn sách. Tuy đã đọc rồi nhưng cũng có nhiều đoạn khiến mắt tôi cay cay. Ví như đoạn nhân vật chính và đối tượng ngồi xem lại cuốn băng ghi âm lời nhắn nhủ của người đã khuất. Hoặc lúc chiếu lại bằng máy DVD cầm tay lời xin lỗi của người chồng đối với vợ cũ. Đó là đoạn Iso-kun đi cùng Ishida Tetsuko, và cậu ta đã khóc sướt mướt. Trong lòng tôi cứ nhủ thầm, Iso-kun, không được khóc đâu đấy, thế mà ngay cả tôi cũng khóc theo. Và cảnh cuối cùng khiến tôi cay mắt là lúc cao trào của truyện. Ôi, tôi thật muốn kể ngay với các bạn tại đây, nhưng thế thì mất hết cái hay, nên phải nhịn thôi.
Phải giới thiệu về nội dung trước chứ nhỉ! Giờ chúng ta đi theo trình tự nhé! Đây là câu chuyện về một bậc thầy lừa đảo. Cuốn sách kể về cuộc đời chìm nổi của Kotani Natsuko, một kẻ lừa dối bẩm sinh, vô cùng ích kỷ và chuyên dựng chuyện. Cách nhanh nhất để hình dung về nhân vật này là qua lời nhận xét: “Nat-chan ấy mà, có tài năng thiên bẩm đấy, tài năng khiến cho đàn ông nhận ra được ước mơ của mình.” Thủ pháp này của tác giả cũng thật tài tình.
Cô ta đến ngồi cạnh một người đàn ông bên quầy bar, hỏi anh ta nếu trúng số một triệu yên thì sẽ làm gì. Anh chàng kia liền bảo sẽ đi du lịch nước ngoài, thế là câu chuyện tiếp tục theo kiểu đi đâu rồi lúc nào, vân vân. Thực tế là anh ta chẳng trúng số, thậm chí chắc chả bao giờ mua xổ số, thế mà lại trái qua hai tiếng đồng hồ vui vẻ bên nhau. Khi ra về, cứ thử bảo là tháng sau mình không có tiền để trả tiền nhà xem, thế nào anh chàng chẳng lẳng lặng đem hết tiền trong túi ra đưa cho. Ngày hôm sau, cô ta lại ngồi cạnh một anh chàng khác bên quầy bar, rồi cũng chuyện trò rằng nếu trúng số một triệu yên, anh ta sẽ làm gì.
Ngoài ra, xếp hạng mười điều vui vẻ trong cuộc đời cũng là phong cách của Natsuko. Cho dù cuộc đời có khổ đau thế nào thì cũng có một, hai việc vui, thế rồi cố gắng phân loại cái nào hơn, cái nào kém. Nhớ đến những lúc vui vẻ, con người ta sẽ trở nên dễ chịu. Bằng cách này, Natsuko đã giúp thay đổi tâm trạng cho một bệnh nhân mà cũng chẳng phải là con mồi của cô ta. Thật là một kẻ lừa đảo thú vị!
Người chồng trước của Natsuko, Yoshiaki, đã nói như thế này: “Như cô biết đấy, cô ấy là người chỉ biết đuổi theo giấc mơ. Thấy tôi từ bỏ ước mơ, cô ấy khích lệ rằng không sao đâu, ai rồi cũng sẽ gặp phải chướng ngại, nhưng trên chướng ngại đó cũng sẽ có bao nhiêu là đường thông. Mắt con người chỉ để ý đến chiều cao của chướng ngại mà không biết nếu nhìn cẩn thận sẽ có đường vượt qua. Cô ấy đã đánh giá nhầm về tôi như thế đó. Lúc cô ấy ở bên, tôi như được ban cho phép màu.”
Cô ta chẳng phải xinh đẹp tuyệt trần, nhưng lại khiến người khác bị hấp dẫn. Ở cùng Natsuko, chẳng hiểu sao mọi người lại thấy vui vẻ, cười nói liên tục. Tuy cô ta nói dối, tuy cô ta ích kỷ, tuy cô ta phiền phức, nhưng đó là người phụ nữ đầy sức hút.
Việc tạo nên một nhân vật Natsuko như thế là điều tuyệt vời nhất của cuốn sách này, làm nên một nửa thành công cho câu chuyện. Vậy nửa còn lại là gì?
Nếu nhìn vào cấu tứ của cuốn sách, chúng ta sẽ hiểu. Có nghĩa là, cách kể chuyện thông qua nhân vật luật sư Ishida Tetsuko. Đối với Tetsuko, Natsuko là cháu của em gái bà ngoại, là họ hàng xa. Lúc còn là một luật sư mới vào nghề, Tetsuko ở độ tuổi hai mươi tư cảm thấy không mấy thân thiết với người họ hàng mười bảy năm không gặp này. Hơn nữa, người này còn để lại ấn tượng xấu trong cô. Năm bảy tuổi, đến thăm nhà bà ngoại, cô gặp cô bé Natsuko cùng tuổi. Bà ngoại yêu thích may và nên đã may cho hai cô bé hai bộ váy giống nhau, và cho hai cô mặc thử luôn. Ngày hôm sau, chiếc: váy của Tetsuko bị xé tan tành, vứt trong máy giặt. Thủ phạm chính là Natsuko nhưng cô ta không hề nhận lỗi. Với một người như thế, làm sao thấy thân thiết được?
Rồi mười bảy năm sau, cô ta gọi điện đến bảo là đang gặp rắc rối nên muốn gặp mặt trao đổi. Từ đó về sau, cứ vài năm, Natsuko lại liên lạc bảo là bị đòi tiền bồi thường, đang gặp rắc rối. Mối quan hệ giữa họ bắt đầu như thế.
Lần thứ hai gặp mặt là năm năm sau, lần tiếp theo là bảy năm sau. Sau đó là bốn năm, bảy năm, chín năm, chín năm, sáu năm. Trong khoảng thời gian đó, Natsuko kết hôn rồi ly hôn, yêu trai trẻ, lừa người già, làm công nhân vệ sinh ở bệnh viên, làm nakai ở ryokan. Mỗi lần gặp là một lần nghề nghiệp thay đổi. Nơi ở cũng chuyển hết nơi này sang nơi khác, Hirosaki, N agoya, Wakayama, Yamaguchi, mỗi lần Tetsuko đều đến tận nơi. Mối quan hệ có thể gọi là nghiệt duyên giữa họ cứ thể duy trì. Dĩ nhiên trong quá trình này, Tetsuko cũng dần già đi. Ở chương một, cô ấy là một luật sư tập sự ở Văn phòng luật Ogiwara, hai mươi bốn tuổi, đến chương cuối, cô ấ đã nghỉ huu, là một bà lão bảy mươi mốt tuổi.
Đây là một câu chuyện trải dài qua bao năm tháng như vậy, nhưng xin lưu ý rằng chưa một lần nào Natsuko xuất hiện độc lập, toàn bộ đều là qua lời kể của người khác. Đó là những đối tượng tố cáo Natsuko, hoặc là người quen ở nơi đó, là chủ quán nơi Natsuko thường đến. Thủ pháp này được sử dụng xuyên suốt cuốn sách. Không hề có câu thoại nào từ Natsuko cả. Xin chủ ý rằng, cảnh Tetsuko gặp Natsuko thường được miêu tả dưới dạng hồi tưởng, ví dụ: “Bốn tiếng trước lúc gặp Natsuko, bên khóe miệng bà ấy đã xuất hiện nếp nhăn tuổi tác.” Natsuko chưa từng xuất hiện ở bề nổi của câu chuyện. Triệt để đến mức như vậy, có thể thấy đây chính là ý đồ của tác giả. Dĩ nhiên, nội tâm của nhân vật Natsuko cũng không hề được miêu tả. Đây chính là đặc điểm lớn nhất của cuốn sách. Vì lý do đó, hình ảnh của thiên tài lừa đảo này mang sắc thái phong phú và có chiều sâu, càng ngày càng phát triển.
Một điểm quan trọng nữa, đó là song song với việc miêu tả cuộc đời của thiên tài lừa đảo Kotani Natsuko, cuốn sách còn dành phần lớn đất để miêu tả cuộc đời của luật sư Ishida Tetsuko. Từ lúc còn là luật sư tập sự, không biết làm thế nào để thu xếp công việc, rồi dần dần biết việc hơn, tích lũy kinh nghiệm, cho đến khi nghỉ hưu. Cuộc đời của nhân vật được miêu tả rất sống động và chân thực.
Khác với một Natsuko luôn rực rỡ và giỏi xã giao, Ishida Tetsuko không cởi mở, bạn bè cũng chẳng có, chỉ biết đến công việc. May mắn thay, cô được vào làm luật sư tập sự ở Văn phòng luật Ogiwara. Cô không nghĩ đến việc ra riêng, có lẽ là vì tôn trọng nhân cách của luật sư Ogiwara. Một lý do nữa là Miyuki đã hỗ trợ rất tốt cho cô, cũng như rất giỏi trong việc quyết toán.
Luật sư tập sự mới của văn phòng Isozaki cũng là một thanh niên tốt. Tetsuko còn có người bạn thân là chồng cũ Sakaguchi, một người chị cá tính, và một người anh tuy vô dụng nhưng không thể nào ghét được. Tuy có lúc này lúc khác, nhưng có thể nói rằng Tetsuko đã may mắn gặp được họ. Nhưng cô có người bạn thực sự nào không? Cô có thực sự hạnh phúc không?
Vụng về, cô đơn, dường như lúc nào cũng có thể bị sự trống rỗng nhấn chìm, chúng ta có thể thấy mình trong một Tetsuko như thế. Chúng ta không thể sống như Natsuko, nếu được vậy thì không biết sẽ tuyệt đến mức nào. Nhưng cuộc đời là thế, rất nhiều chuyện có muốn cũng chẳng được.
Đúng vậy, cho nên tôi mới bị cuốn sách này thu hút. Lúc nhận ra điều này, tôi nhớ đến đoạn cuối. Cho dù không có bạn bè, mỗi ngày đều làm bạn với nỗi cô đơn thì cũng đừng chán nản với cuộc đời. Những lời trong bức thư cuối khiến tôi xúc động.
Đây là cuốn tiểu thuyết hay, một kiệt tác của Katsura Nozomi.
Mời các bạn đón đọc Gai Hướng Dương của tác giả Nozomi Katsura.