Cuốn sách Giải mã siêu trí tuệ chính là kim chỉ nam dẫn lối cho bạn. Cuốn sách mang đến 10 quy tắc thiết yếu, kết hợp tư duy logic, tâm linh hiện đại và sinh học tiến hóa, giúp bạn bứt phá giới hạn bản thân, thách thức những quy tắc cũ kỹ và tạo dựng cuộc sống hạnh phúc theo cách riêng của bạn.
Với giọng văn hài hước và gần gũi, tác giả Vishen Lakhiani cung cấp cho bạn:
- Bộ “mã hóa bản thân” giúp bạn hiểu về thế giới theo góc nhìn phi thường, kiến tạo cuộc sống viên mãn.
- Công cụ mạnh mẽ để bạn dám mơ ước, dám đột phá và bứt phá khỏi những khuôn khổ rập khuôn.
- Hành trình khám phá bản thân đầy hứng khởi, giúp bạn khai phá tiềm năng vô hạn bên trong.
Giải mã siêu trí tuệ không chỉ là một cuốn sách, mà còn là hành trình thức tỉnh bản thân, hướng đến những giá trị phi thường trong cuộc sống. Hãy sẵn sàng để phá vỡ giới hạn, bứt phá tiềm năng và kiến tạo cuộc đời rực rỡ theo cách riêng của bạn! Hãy để Giải mã siêu trí tuệ đồng hành cùng bạn trên hành trình chinh phục những điều phi thường!
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Giải Mã Siêu Trí Tuệ của tác giả Vishen Lakhiani
—
PHẦN I
SỐNG TRONG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA
CÁCH BẠN ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH BỞI THẾ GIỚI XUNG QUANH
Chúng ta đều đang bơi trong đại dương rộng lớn chứa đầy đức tin, tư tưởng và lệ thường của con người. Một vài trong số đó khá đẹp và mang lại niềm vui; một số khác lại không cần thiết, hạn chế, thậm chí đôi khi còn méo mó. Con cá thường là sinh vật cuối cùng nhận ra nó đang bơi trên một bề mặt được gọi là nước. Tương tự như vậy, chúng ta thường là kẻ cuối cùng nhìn ra cách mớ bòng bong trong tư duy của con người – thứ mà tôi gọi là môi trường văn hóa – hoàn toàn hòa nhịp và tác động tới cuộc sống của chúng ta.
Môi trường văn hóa quy định cách chúng ta yêu, chúng ta ăn, chúng ta kết hôn hay chúng ta xin việc như thế nào. Nó tạo nên các điểm quy chiếu để bạn tự đánh giá bản thân.Bạn có đủ giỏi dù không cần đến tấm bằng đại học? Bạn có cần ổn định cuộc sống và có con không? Bạn có cần tuân thủ giáo lý của tôn giáo bạn thuộc về không?
Bạn có cần phải lựa chọn một ngành nghề cụ thể nào không?
Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về môi trường văn hóa, nơi bạn sẽ khám phá ra nhiều điều vô lý mà có thể trước đây bạn không nhận ra.
Trong Chương 1, bạn sẽ tìm hiểu về cách môi trường văn hóa đã điều khiển cuộc sống của bạn bằng một loạt những điều “nên”. Bạn nên làm như thế này. Bạn nên sống như thế kia. Bạn sẽ thấy tại sao cuộc đời chỉ trở nên tươi đẹp nhất khi không tuân theo những cái nên và làm thế nào để sự tươi đẹp đó có thể tự do phát triển trong cuộc sống phóng khoáng này.
Trong Chương 2, bạn sẽ học cách phát hiện ra các quy tắc lỗi thời đã cản trở bước chân bao người, ngăn chúng ảnh hưởng tiêu cực tới bạn (và con cái của bạn) cũng như rèn luyện thêm bằng cách tự đặt ra những quy tắc cho riêng mình.
Đó sẽ là một chuyến hành trình thú vị – có thể gây ra chút tranh luận ở một số khía cạnh, bởi chúng ta sẽ thách thức một số tư tưởng quen thuộc đã tồn tại tới hơn 2.000 năm. Nhưng một khi đã vượt qua được những thách thức đó, bạn sẽ có khả năng tiến tới một thế giới mới – thế giới do bạn lựa chọn.
—
Chương 1 Vượt qua môi trường văn hóa
Nơi chúng ta học cách đặt câu hỏi cho các quy tắc của thế giới mà ta đang sống
Khi lớn lên, bạn thường nghe thấy người khác nói rằng thế giới vận hành theo cách của riêng nó và cuộc sống của bạn chỉ đơn thuần là sống trong đó. Đừng cố đâm đầu vào tường làm gì. Hãy cố gắng tạo ra một cuộc sống gia đình hạnh phúc, tận hưởng niềm vui, tiết kiệm tiền bạc. Đó là một cuộc sống vô cùng hạn hẹp. Cuộc sống có thể rộng lớn hơn rất nhiều nếu bạn khám phá ra một sự thực đơn giản. Đó là – mọi thứ xung quanh mà bạn gọi là cuộc sống đều được tạo ra từ những người không thông minh hơn bạn. Và bạn có thể thay đổi điều đó. Bạn có thể tác động tới cuộc sống… Một khi đã nhận ra điều đó, bạn sẽ không còn giống như trước đây nữa. _STEVE JOBS
Mặt nước lấp lánh của hồ Washington đẹp đến kinh ngạc khi nhìn từ chỗ tôi đứng trên thảm cỏ của ngôi nhà tráng lệ. Cuộc đối thoại vẫn âm vang trong đầu tôi. Tiếng leng keng của ly thủy tinh chạm vào nhau khi người ta nâng cốc. Mùi thơm ngọt ngào xen lẫn cay nồng của thịt nướng bay khắp nơi.
Đứng ngay sau tôi là Bill Gates, chủ nhân của ngôi nhà. Một trong những người giàu nhất hành tinh và là nhà sáng lập huyền thoại của gã khổng lồ công nghệ Microsoft, ông đang nói chuyện phiếm với những vị khách trẻ tuổi.
Khi đó, tôi mới 22 tuổi và mới vào làm thực tập sinh được vài tuần ở Microsoft.Tôi đang dự bữa tiệc thịt nướng hằng năm tại nhà của Bill Gates để chào mừng những nhân viên mới của công ty. Vào thời đó, năm 1998, được làm việc cho Microsoft cũng tương tự như được làm việc cho Apple hay Google ngày nay. Vậy mà tôi đã ở đó!
Trong không khí tràn ngập phấn khởi – chúng tôi giống như những học viên trẻ tuổi của học viện phép thuật Hogwarts lần đầu tiên được gặp giáo sư Dumbledore.
Tôi đã làm việc quên mình để hướng tới mục tiêu này trong suốt nhiều năm, đầu tiên là cày ngày cày đêm kiếm điểm cao ở trường trung học để có thể được nhận vào một trong những trường kỹ thuật tốt nhất thế giới – Đại học Michigan, nơi tôi đã theo học ngành kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính. Tại Malaysia, nơi tôi sống từ nhỏ tới khi 19 tuổi, cũng giống như những quốc gia châu Á khác, việc các gia đình và những người làm công tác giáo dục khuyến khích trẻ em lớn lên trở thành kỹ sư, luật sư hay bác sĩ là hết sức bình thường. Theo ký ức khi còn thơ bé của tôi, mọi người thường nói rằng nếu con thông minh thì con nên làm những công việc đó. Điều này cũng giống như cách thế giới vận hành vậy.
Thế nhưng sự thật tồi tệ nằm ở chỗ tôi cảm thấy sợ hãi những tiết học kỹ thuật máy tính trong trường đại học. Điều tôi thực sự muốn làm là trở thành một nhiếp ảnh gia hoặc một diễn viên sân khấu. Chụp ảnh và biểu diễn nghệ thuật là hai môn duy nhất tôi đạt điểm A. Nhưng theo thường lệ, đó không phải là những công việc được chấp nhận. Vì vậy, tôi đành phải từ bỏ đam mê đó để theo ngành lập trình. Tôi phải thực dụng và thực tế. Phải đạt điểm cao. Phải có một công việc tốt. Phải đi làm tám tiếng một ngày. Phải tiết kiệm tiền để được an nhàn khi về hưu. Cứ làm theo đó rồi tôi sẽ “thành công”.
Và tôi đang bắt đầu thành đạt. Thật tuyệt khi bạn vinh dự có được cơ hội ở nhà của Bill và được làm việc tại công ty này vào đúng giai đoạn hoàng kim của nó. Các giáo sư cũng thấy mừng cho tôi. Cha mẹ tôi thì vui sướng. Bao công sức học hành cùng sự hi sinh của cha mẹ đã được đền đáp xứng đáng. Tôi đã thực hiện được mọi thứ mà người khác yêu cầu. Giờ là lúc gặt hái thành quả. Tôi đã đến đích.Và tôi đang đứng trong nhà của Ngài Bill Gates lập dị với cơ hội nghề nghiệp trải ra trước mắt.
Nhưng tận sâu trong đáy lòng, tôi biết mình vẫn còn một vướng mắc.
Vào ngày hè định mệnh năm 1998 đó, tôi đã hoàn thành hai việc cùng một lúc. Đầu tiên, tôi đã hoàn thành một hành trình dài trong nhiều năm. Sau đó, tôi đau đớn nhận ra rằng bản thân đã đi nhầm đường trong suốt quãng thời gian tệ hại đó.
Hãy nhìn xem, tôi chẳng hề thích thú với công việc của mình. Tôi phải ngồi trong văn phòng riêng tại trụ sở của Microsoft, nhìn ngắm máy chủ với cái màn hình to gấp ba bình thường và đếm từng giây trôi qua cho đến khi thoát khỏi đó. Tôi ghét công việc đó tới nỗi ngay cả khi Bill Gates chỉ đứng cách tôi vài bước chân, xung quanh ông ấy toàn là đồng nghiệp của tôi, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi bắt tay ông ấy. Tôi cảm thấy đó không phải là chỗ dành cho mình…
Vài tuần sau, tôi bỏ việc.
Được rồi, là tôi bị sa thải.
Tôi quá hèn trong việc chịu trách nhiệm rồi nghỉ việc. Tôi đang theo học tại trường đại học hàng đầu về kỹ thuật máy tính, có một buổi phỏng vấn bao người mơ ước, rồi lại có được vị trí công việc tại công ty mà nhiều bạn bè của tôi đã phải đánh đổi cả cuộc đời để được vào đó – đi xa đến như vậy rồi lại từ bỏ hẳn sẽ khiến rất nhiều người cảm thấy thất vọng.
Vì thế, tôi đã làm điều tuyệt vời nhất mà một thanh niên 22 tuổi yếu đuối nhu nhược có thể làm.Tôi chủ đích khiến mình bị sa thải. Tôi chỉ cần giả vờ ngu ngốc và bị bắt quả tang khi đang chơi trò chơi điện tử trên máy tính quá nhiều lần trong giờ làm việc. Thế là cấp trên buộc phải sa thải tôi. Vì vậy, như họ nói, điều đó đã xảy ra.
Tôi quay lại trường và lê lết tới được đích. Tôi không hề mảy may nghĩ tới việc mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, hay cảm thấy ngu ngốc vì đã vứt bỏ cơ hội lớn với Microsoft.
Cuối cùng, hóa ra việc thoát khỏi tình cảnh đó lại là một quyết định khôn ngoan. Tôi không chỉ bỏ việc (và cả sự nghiệp), mà còn quyết định bỏ luôn cả những quy tắc đã được cả xã hội chấp nhận khi cho rằng cuộc sống là dành cho công việc.
HÃY THỪA NHẬN ĐIỀU ĐÓ KHÔNG HIỆU QUẢ
Tôi bước đi trên con đường của chính mình mà không phải phân vân lựa chọn giữa con đường làm việc thực tế và làm việc thực dụng bởi suy nghĩ cho rằng trở thành kỹ sư máy tính là điều sai trái. Nhưng tôi đã làm điều đó – và vẫn đang làm – tôi cho rằng thật sai lầm khi chúng ta phải làm điều gì mà chúng ta không hề yêu thích, đó chỉ đơn thuần là điều bình thường hay quy luật trong thế giới mà chúng ta được sinh ra.
Tuy nhiên, nhiều người trong số chúng ta vẫn làm như vậy. Theo một nghiên cứu của Gallup khảo sát trên 150.000 người Mỹ, 70% số người được hỏi đã trả lời rằng họ “không để tâm” đến công việc. Chúng ta phải dành ra rất nhiều thời gian tại nơi làm việc, phải làm việc mà không có đam mê sẽ đẩy chúng ta tới nguy cơ phải sống một cuộc sống không có lý tưởng. Tuy nhiên, quan điểm của chúng ta về công việc không hẳn là sai. Hãy cùng xem xét những số liệu sau:
▪ 40-50% các cuộc hôn nhân của người Mỹ kết thúc bằng việc ly dị.
▪ Bảng thăm dò ý kiến của Harris chỉ ra rằng chỉ có 33% người Mỹ cho rằng họ “rất hạnh phúc”.
▪ Theo CNBC, “một báo cáo mới do Pew Charitable Trusts thực hiện, về việc rà soát nợ qua nhiều thế hệ, đã cho thấy kết quả là 8/10 người Mỹ đang nợ theo cách này hay cách khác, đa phần là do thế chấp”.
▪ Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch, hơn một phần ba người trưởng thành tại Mỹ mắc chứng béo phì.
Do đó, sự nghiệp, cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, tình hình tài chính và sức khỏe của chúng ta đều đang ở trong tình trạng không cân bằng. Làm thế nào mà chúng ta lại mắc kẹt trong đó và làm cách nào để ta thoát ra được?
Có nhiều lý do khiến cho những điều đó xảy ra. Nhưng tôi sẽ đưa ra một lý do quan trọng, đó là bởi tính chuyên chế của các nguyên tắc – các nguyên tắc đề cập tới những điều chúng ta “nên” làm trong cuộc sống theo cách thông thường bởi những người khác dường như đều làm như vậy:
Tôi nên nhận công việc này.
Tôi nên hẹn hò/cưới mẫu người này.
Tôi nên vào đại học.
Tôi nên học chuyên ngành này.
Tôi nên sống ở thành phố này.
Đây là diện mạo tôi nên có.
Đây là cách mà tôi nên cảm thấy.
Đừng hiểu nhầm ý tôi. Đôi khi, mọi người phải làm công việc mà họ không thích để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Họ phải sống ở nơi mà họ không được chọn lựa bởi vào lúc đó, họ chỉ có khả năng chi trả cho nơi đó hay bởi họ còn phải có trách nhiệm với gia đình mình.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa việc tuân theo những nhu cầu của cuộc sống với việc chấp nhận một cách mù quáng rằng bạn phải tuân theo những nguyên tắc sẵn có. Mấu chốt vấn đề là biết tuân theo nguyên tắc nào và phá bỏ nguyên tắc nào.
Để hiểu được vấn đề, đầu tiên chúng ta phải hiểu được tại sao những nguyên tắc này lại tồn tại.
THỜI KỲ ĐẦU HÌNH THÀNH NÊN TƯ DUY DỰA TRÊN NGUYÊN TẮC CỦA SAPIENS (NGƯỜI TINH KHÔN)
Ai là người đã tạo ra các nguyên tắc trong thế giới ngày nay? Để có thể trả cho lời câu hỏi này, hãy nhìn lướt qua khởi nguyên của lịch sử loài người.
Trong cuốn sách thú vị mang tên Sapiens (Sapiens – Lược sử loài người)%%1, Tiến sĩ sử học Yuval Noah Harari đã trình bày quan điểm cho rằng trong một giai đoạn nào đó của lịch sử, có thể đã có khoảng 6 nhóm người khác nhau cùng tồn tại trên Trái đất. Đó là Homo sapiens, tức là chúng ta ngày nay. Ngoài ra còn có Homo neanderthalensis, Homo soloensis, Homo erectusvà một số chủng người khác nữa.
%%1. Cuốn sách được Omega Plus mua bản quyền và phát hành năm 2017. (BTV)
Nhưng qua thời gian, tất cả các loài không tinh khôn khác như loài Neanderthal đã bị tuyệt chủng, chỉ còn lại Homo sapiens, tổ tiên của chúng ta ngày nay.
Vậy điều gì đã giúp cho người tinh khôn tồn tại?
Theo Harari, lý do giải thích cho sự vượt trội hoàn toàn của chúng ta là cách thức sử dụng ngôn ngữ – và đặc biệt là tính phức tạp nếu so với các loài khác. Những nhà linh trưởng học đã nghiên cứu về khỉ và kết luận rẳng loài khỉ có khả năng cảnh báo cho những con khác trong đàn biết khi gặp nguy hiểm, kiểu như nói: “Nhìn kỳa – hổ!”
Nhưng tổ tiên người tinh khôn của chúng ta có thể đã có bộ não rất khác biệt. Trái lại, người tinh khôn có thể nói: “Này, sáng nay tôi nhìn thấy một con hổ cạnh bờ sông, hãy cứ trú ở đây cho tới khi con hổ đi săn ở chỗ khác rồi chúng ta có thể ra đó ăn, được không?”
Tổ tiên của chúng ta có thể đã có khả năng trao đổi những thông tin quan trọng phức tạp để sinh tồn nhờ sử dụng ngôn ngữ hiệu quả. Ngôn ngữ cho phép chúng ta tổ chức các nhóm người – để chia sẻ thông tin, cảnh báo nguy hiểm hoặc cơ hội. Cách tạo ra và luyện tập để hình thành thói quen: để vừa thông báo về những trái dâu mọng bên bờ sông vừa dạy cách hái, nấu và bảo quản chúng, làm thế nào nếu một người chẳng may ăn quá nhiều, và thậm chí ai là người có thể giúp đỡ đầu tiên và nhiều nhất. Ngôn ngữ cho phép chúng ta bảo tồn kiến thức bằng cách truyền lại nó từ người này sang người khác, từ cha mẹ sang con cái, từ đời này qua đời khác.
Nhưng cái lợi lớn nhất của ngôn ngữ là nó cho phép chúng ta tạo dựng ra cả một thế giới mới ở trong đầu của mình. Chúng ta có thể sử dụng nó để tạo ra những thứ không tồn tại dưới dạng vật chất mà đơn giản chỉ tồn tại trong “ý thức” của mỗi người: liên minh, bộ lạc hay phát triển quy tắc để hợp tác giữa các nhóm và các nhóm lớn với nhau.Nó cho phép chúng ta hình thành nên văn hóa, thần thoại và tín ngưỡng rồi chuyển động và dẫn đến chiến tranh chống lại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, thần thoại và tín ngưỡng đó.
Những thay đổi này và còn nhiều điều khác được hình thành từ sự vượt trội trong tư duy và được bồi đắp bởi khả năng sử dụng ngôn ngữ nhằm chia sẻ những thứ chúng ta đã biết, một cuộc cách mạng thực sự – đã xảy ra cùng lúc, Harari gọi quá trình này là cách mạng trong nhận thức.
BẠN CÓ THỂ NHÌN THẤY GÌ NẾU KHÔNG CÓ TỪ NÀO ĐỂ CHỈ NÓ?
Nếu bạn không tin ngôn ngữ định hình chúng ta và thế giới một cách sâu rộng, thì dưới đây là một vài nghiên cứu chỉ ra sức mạnh của nó.
Màu xanh dương có tồn tại trong văn hóa cổ xưa không? Theo như podcast%%1 của Radiolab có tựa đề “Vì sao bầu trời không phải là màu xanh dương” do tờ Business Insider phát hành, thời cổ đại, trong nhiều ngôn ngữ, không có từ nào để chỉ màu xanh dương – “không có trong tiếng Hy lạp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật hay tiếng Hebrew”. Trong sử thi The Odyssey, Homer không hề đề cập tới màu xanh dương khi tả trời hay biển Aegan, mà ông gọi đó là màu rượu-đậm.Từ xanh dương cũng không hề xuất hiện trong các áng văn cổ khác ngoại trừ những mô tả giàu hình ảnh và rất tỷ mỉ về thị giác.
%%1. Podcast: Các tập tin âm thanh số và video mà người dùng có thể tải về. (BTV)
Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu không có từ ngữ nào để mô tả một vật, thì bạn có nhìn thấy nó không?
Nhà nghiên cứu Jules Davidoff đã tìm hiểu về vấn đề này tại một bộ lạc đặc biệt có tên là Himba ở Namibia. Bộ lạc Himba có nhiều từ để miêu tả màu xanh lá nhưng không có từ nào để miêu tả màu xanh dương.
Thú vị hơn, khi cho các thành viên của bộ lạc xem một tấm hình trong đó có chứa các hình khối gồm những ô vuông màu xanh lá và một ô vuông hiển nhiên (đối với đa số chúng ta) màu xanh dương, rồi yêu cầu họ hãy chỉ ra hình khác biệt, hoặc là họ không chọn ô màu xanh dương là ô khác biệt hoặc là họ phải mất rất nhiều thời gian để chỉ ra, hoặc chỉ nhầm sang ô khác.
Nhưng khi thay một khối màu xanh lá bằng một ô vuông có sắc độ xanh lá chỉ hơi khác biệt một chút (và đa số chúng ta rất khó phân biệt), thì họ lại nhanh chóng chỉ ra.
Điều tưởng là dễ với chúng ta lại không dễ đối với họ.Cái mà ta thấy khó thì đối với họ lại thật đơn giản. Người Himba không có từ nào để chỉ màu xanh dương và vì thế họ không dễ nhận diện được khối vuông màu xanh dương trong một tập hợp các khối vuông màu xanh lá. Tuy vậy, họ có thể phân biệt được các sắc độ xanh lá khác nhau mà ta có lẽ không thấy có mấy khác biệt.
Như vậy có thể thấy những gì ngôn ngữ mô tả được sẽ giúp chúng ta dễ dàng phân biệt được. Ngôn ngữ tạo tạo nên cái mà chúng ta “thấy”.
CHÚNG TA ĐANG SỐNG TRONG THẾ GIỚI KÉP
Khả năng kỳ diệu của ngôn ngữ khiến ta nhìn lại và quan sát cuộc sống – để nhận ra bờ sông, đánh giá rủi ro và cơ hội, tìm kiếm không chỉ lợi ích cho chúng ta mà còn cho bộ lạc của chúng ta rồi chia sẻ thông tin đó với những người khác. Chúng ta càng nhận biết rõ hơn, thì khả năng hoạch định, vượt qua thử thách, sáng tạo ra những giải pháp cho các vấn đề, và cách truyền lại giải pháp đó cho những người khác sẽ càng tốt hơn. Ngôn ngữ đã trở thành viên gạch nền tảng xây dựng văn hóa.
Những cẩm nang cho cuộc sống được phát triển và duy trì thông qua ngôn ngữ, sau đó tiến hóa thành các quy tắc để quy định văn hóa.Văn hóa giúp chúng ta làm thế giới trở nên ý nghĩa hơn, xử lý sự kiện nhanh hơn, tạo ra các tôn giáo và mô hình nhà nước, rèn giũa con cháu để chúng phát triển và mở mang trí tuệ thể chất phù hợp với bộ não to lớn của mình thay vì chỉ tồn tại tới ngày hôm sau.
Tất nhiên, điều này cũng tạo nên mặt trái của văn hóa: Khi quá tập trung vào nguyên tắc, người ta sẽ tạo ra các quy tắc về cách cuộc sống “nên” như thế nào và gắn mác con người hay xử lý thông tin theo chiều hướng tốt hoặc xấu nếu không làm theo các quy tắc. Đây là cách mà bạn nên sống. Đây là kiểu quần áo mà bạn nên mặc. Đây là cách phụ nữ, trẻ em, người ốm yếu, người già hay người “khác biệt” nên được đối xử. Dân tộc của tôi thì cao quý hơn dân tộc của bạn. Cách của tôi luôn đúng, điều đó có nghĩa là cách của anh đã sai. Đức tin của tôi là đúng đắn còn anh thì không. Chúa của tôi là vị Chúa duy nhất. Chúng ta tạo ra quá nhiều từ phức tạp rồi sau đó để chúng chống lại chính chúng ta. Ngôn ngữ và quy tắc hình thành nên văn hóa có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc bồi đắp thêm cho cuộc sống.
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA
Với cấu trúc đức tin và phong tục khổng lồ mà chúng ta đã phát triển để định hướng thế giới, chúng ta có thể thực sự tạo ra một thế giới mới tốt đẹp hơn nhiều thế giới mà con người từng sống mỗi ngày bằng những ngôn ngữ thuần túy. Chúng ta đang sống trong hai thế giới chưa từng có.
Đó là thế giới vật chất bao gồm những thứ hoàn toàn có thật. Thế giới này tồn tại những thứ mà ai ai cũng công nhận: Đây là bờ sông; đá cứng; nước ướt; lửa nóng; hổ có răng lớn và khi bị nó cắn sẽ đau. Đây là những điều không cần tranh cãi.
Nhưng đồng thời còn có một thế giới của những thứ tương đối đúng. Đó chính là thế giới tinh thần của ý tưởng, kiến trúc, khái niệm, mô hình, những điều bí ẩn, khuôn mẫu và nguyên tắc mà chúng ta đã tạo ra rồi truyền lại từ đời này sang đời khác – đôi khi có nhiều thứ tồn tại qua hàng ngàn năm. Đây là nơi mà những khái niệm như hôn nhân, tiền bạc, tôn giáo và luật pháp tồn tại. Những khái niệm này mang tính tương đối bởi chúng chỉ đúng với một nền văn hóa hay một dân tộc cụ thể nào đó mà thôi. Chủ nghĩa xã hội, sự dân chủ, tôn giáo, tư tưởng giáo dục, tình yêu, hôn nhân, sự nghiệp và những điều “nên” làm khác cũng chỉ là những chân lý mang tính tương đối. Nói một cách đơn giản, chúng không phải là những điều đúng với TẤT CẢ loài người.
Tôi gọi thế giới chứa đựng những điều tương đối đúng này là môi trường văn hóa.
Từ giây phút được sinh ra, chúng ta đã đắm chìm trong môi trường văn hóa này rồi. Chúng ta thấm nhuần niềm tin về thế giới hay hệ thống vận hành điều khiển thế giới thông qua dòng chảy và sự tiến bộ văn hóa từ khối óc của những người sống xung quanh vào trí óc non nớt của chúng ta khi còn thơ bé. Nhưng có một vấn đề ở đây. Nhiều niềm tin và hệ thống không hoạt động đúng chức năng của nó, và thay vì chỉ dẫn cho chúng ta thì thực tế, chúng lại kìm hãm chúng ta làm những điều mà chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện. Con cá là thực thể cuối cùng khám phá ra nước bởi nó đã bơi trong đó suốt cả cuộc đời.Tương tự như vậy, chỉ vài người trong chúng ta khám phá ra được sự xâm nhập cũng như sức mạnh của thế giới thứ hai là môi trường văn hóa này.Chúng ta không hề độc lập và suy nghĩ tự do như chúng ta đang nghĩ.
Thế giới của chân lý tuyệt đối được dựa trên thực tế.
Thế giới của môi trường văn hóa được dựa trên ý tưởng và sự tán đồng.
Nhưng dù chỉ tồn tại ở trong đầu chúng ta, nó vẫn rất, rất thật.
Làm thế nào mà thế giới chỉ tồn tại trong đầu chúng ta lại có thể là thật được? Hãy xem xét những ví dụ hay những khái niệm tâm linh mà chúng ta đã tạo ra nhưng không hề tồn tại trong thế giới vật chất – dù rất thật với mỗi người:
▪ Tôi không thể vẽ ra một ca-lo hoặc chỉ ra nó, nhưng tôi biết nếu ăn nhiều quá thì sẽ phải cố gắng cật lực để tiêu hao chúng.
▪ Tôi không thể chạm vào hoặc nhìn thấy thiền nhưng hơn 1.400 nghiên cứu khoa học đã chỉ ra ảnh hưởng của nó tới cơ thể và tâm trí theo cách tích cực, từ việc gia tăng tuổi thọ đến tăng cường trí sáng tạo hoặc thậm chí giúp con người cải thiện đời sống tình dục tốt hơn.
▪ Bạn và tôi có lẽ không thể thống nhất với nhau cách định nghĩa về Chúa, nhưng Chúa tồn tại theo nhiều cách khác nhau và riêng biệt đối với nhiều người, và đa phần xã hội loài người, đều tin tưởng vào điều đó. Kể cả khi người ta coi Chúa chỉ là một nhân vật tưởng tượng, khái niệm đó vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ trong não bộ, ảnh hưởng tới lối sống của hàng tỷ người.
▪ Tập đoàn không thực sự tồn tại trong thế giới vật chất – bạn điền vào những mẫu đơn rồi nhận được một văn bản tuyên bố việc thành lập một chủ thể. Nhưng văn bản đó lại thiết lập một loạt các điều luật và xây dựng nên thể chế cho phép một nhóm người có thể cùng nhau xây dựng nên một điều gì đó mà họ không thể tự thực hiện riêng lẻ.
▪ Chúng ta không thể nhìn hoặc sờ thấy luật pháp – chúng chỉ là các thỏa thuận giữa những nhóm người trong một nhóm cộng đồng được gọi là thành phố, tỉnh, bang và quốc gia. Nhưng chúng cho phép một nhóm đông người có thể chung sống với nhau một cách tương đối hòa hợp.
▪ Có một kiểu xây dựng phổ biến được gọi là hôn nhân, trong đó hai người được cho rằng sẽ cam kết sống với nhau cho đến hết cuộc đời, và tất nhiên là mỗi nền văn hóa lại có những khái niệm khác nhau về ý nghĩa của những cam kết này – về mặt thể xác, cảm xúc và tài chính.
▪ Trong nhiều nền văn hóa, có một khái niệm được gọi là nghỉ hưu, trong đó người ta được cho là sẽ phải thay đổi toàn diện công việc của mình ở một độ tuổi nhất định nào đó.
▪ Không có một đường biên giới thực sự nào được vẽ trên Trái Đất, và tính chủ quan của biên giới trở nên rõ ràng một cách đau đớn khi người ta vẽ lại chúng theo cách giản lược, thường là khi đưa ra hiệp ước. Vì vậy, hàng tỷ người thuộc về những nơi chốn khác nhau được phân định bởi biên giới có tên là dân tộc.
Theo cách đó, tư duy của chúng ta theo nghĩa đen đã kiến tạo thế giới. Chúng ta tạo ra và tiếp nhận những kiến trúc này. Chúng ta chuyển giao chúng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chúng có thể là công cụ có sức mạnh vô biên hoặc có thể là hoàn toàn mang tính phá hoại. Do lợi ích của việc có thể vận hành một xã hội phức tạp trong vô thức, nhiều khi chúng ta chấp nhận những kiến trúc môi trường văn hóa này như một điều hiển nhiên. Vấn đề là – rất nhiều trong số chúng đã lỗi thời từ rất lâu rồi.
CÙNG NHAU BƯỚC QUA RÀO CẢN VĂN HÓA
Nếu phần đa thứ chúng ta gọi là cuộc sống chủ yếu được tạo ra bởi tư duy và niềm tin, thì phần nhiều những thứ chúng ta coi là thực tế – các kiến trúc, nguyên tắc và những điều “nên” của môi trường văn hóa – chỉ là cú bổ nhào vô tình của lịch sử. Đa số chúng ta không thấy có cơ sở lý trí nào chứng minh những điều chúng ta đang làm là đúng hoặc là cách duy nhất để thực hiện. Đa phần những thứ bạn nghĩ là đúng chỉ là những điều tồn tại trong tâm trí của bạn mà thôi.
Vậy làm sao những điều đó lại xuất hiện? Như Steve Jobs nói, nó được “tạo ra bởi những người không thông minh hơn bạn”. Khi hiểu được rằng các nguyên tắc không mang tính tuyệt đối, bạn có thể học cách tư duy vượt qua giới hạn và sống vượt xa cái hữu hạn được môi trường văn hóa áp đặt.
Nhận ra thế giới mà bạn đang sống tồn tại bên trong trí óc sẽ khiến bạn muốn trở thành người cầm lái. Bạn có thể sử dụng trí tuệ của bản thân để phá bỏ những đức tin, hệ thống và cả nguyên tắc mà bạn đang chung sống. Nguyên tắc tồn tại rất thật trong tư duy tới nỗi nó thực sự chi phối cách con người và xã hội biểu hiện, nhưng rất thật không có nghĩa là rất đúng.
Môi trường văn hóa rất mạnh và có tính tự củng cố khiến cho chúng ta tin rằng cuộc sống phải đi theo một cách cụ thể nào đó. Nếu bạn thích sống một cuộc sống bình thường và an toàn cũng chẳng sao. Điều đó không sai. Vấn đề xảy ra là khi “sự an toàn” khiến chúng ta thấy tẻ nhạt và cuối cùng là trì trệ.
Chúng ta bắt đầu cuộc sống theo cách mạnh mẽ; khi còn trẻ chúng ta đi học, lớn lên và thay đổi một cách hăng hái. Nhưng với đa số chúng ta, khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp, tốc độ đó chậm lại và cuối cùng dẫn tới tình trạng lê lết, trì trệ và nhàm chán. Như Henry David Thoreau đã nói: “Hầu hết mọi người đều sống trong tuyệt vọng âm thầm và xuống mồ với khúc ca vẫn còn ngân nga trong đầu.” Nếu bạn có thể vẽ đồ thị này ra giấy thì trông nó sẽ như thế này:
Bạn có nhận thấy sự thay đổi từ chỗ phát triển chậm chạp và từ từ sang phát triển phi thường, đầy thăng trầm không? Có khác biệt, đúng không? Biết đâu cuộc đời được tạo ra không phải là để đi theo cách an toàn? Thay vào đó, biết đâu nó lại có nghĩa là một hành trình tươi đẹp với nhiều khúc thăng trầm giống như khi ta từ bỏ lối mòn môi trường văn hóa và thử bước ra ngoài thế giới thực tế phong phú ngoài kia?
Nếu chúng ta chấp nhận nhiều thứ sẽ đi sai hướng – bởi đơn giản đó chỉ là một phần cuộc sống tươi đẹp chưa được mở ra và những thất bại đau đớn nhất có thể chứa trong đó mầm mống của sự phát triển và cơ hội thì sao?
Môi trường văn hóa xung quanh chúng ta được tạo ra để giữ cho chúng ta được an toàn – nhưng ngày nay và thời đại này, chúng ta không còn cần phải lo sợ về những con hổ bên bờ sông nữa. Sự an toàn đã bị đánh giá quá cao; việc chấp nhận rằng việc rủi ro không còn đe dọa chúng ta như xưa đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn giống như đang kéo lùi chúng ta khỏi xúc cảm về một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa và khám phá:
Hãy cho tôi xúc cảm và sự hào hứng khi đối mặt với một cuộc sống không an toàn, phá vỡ các quy tắc, nghi ngờ những lý thuyết giáo điều còn hơn là một lối mòn tẻ nhạt của một cuộc sống an toàn.
Điểm chung của các cá nhân phi thường mà chúng ta sẽ đề cập trong cuốn sách này là họ đều nghi ngờ môi trường văn hóa của chính mình. Họ nghi ngờ ý nghĩa của sự nghiệp, bằng cấp, tôn giáo, cách sống và các nguyên tắc “sống an toàn” khác.Trong nhiều trường hợp,việc sẵn sàng phá bỏ môi trường văn hóa đã có tác động tới các đột phá và khởi đầu mới sẽ làm biến chuyển tương lai của loài người. Ví dụ điển hình là Elon Musk.
Năm 2013, tôi tới thăm trụ sở chính của SpaceX tại Hawthorne, California, nơi tôi đã được gặp huyền thoại Elon Musk. Elon là một biểu tượng sống – một người đã thay đổi lịch sử nhân loại với phát minh xe ô tô chạy bằng điện năng Telsa Mortors, năng lượng mặt trời với Solar City, hệ thống giao thông với ý tưởng Hyperloop và hệ thống giao thông không gian với SpaceX. Ông được coi là doanh nhân vĩ đại nhất hành tinh hiện nay.
Tôi có một câu hỏi đơn giản dành cho Elon. Đối mặt với một huyền thoại sống khiến tôi hơi run một chút, vì vậy câu hỏi của tôi cũng trở nên hơi lúng túng: “Elon, ông đã làm được những điều vô cùng vĩ đại, những điều mà đa số mọi người thậm chí còn chưa bao giờ mơ tới. Vậy điều gì đã làm nên Elon Musk?” Ý tôi là, nếu chúng tôi có thể cho ông vào máy xay rồi xay nhuyễn ông ra để chắt lọc tinh túy con người ông, thì ông cho rằng tinh túy đó là gì?
Elon phì cười về sự vô lý trong câu hỏi của tôi và ý tưởng “bị xay nhuyễn”, nhưng rồi lại kể cho tôi nghe câu chuyện sau:
“Khi mới bắt đầu, tôi đến Netscape để xin việc. Tôi cứ ngồi ở hành lang với hồ sơ cầm trên tay, yên lặng đợi ai đó đến nói chuyện với tôi. Không ai tới cả. Tôi cứ đợi và đợi.”
Elon nói rằng ông không hề có ý tưởng gì về lễ nghi mà mình phải tuân theo.Ông chỉ đợi, hi vọng ai đó sẽ tới và mời ông đi phỏng vấn.
“Nhưng không ai nói gì với tôi,” ông nói.
“Vì vậy tôi nói: ‘Mẹ kiếp! Mình sẽ mở công ty của riêng mình.’”
Thế giới đã thay đổi vĩnh viễn kể từ ngày đó.
Elon bắt đầu thành lập một công ty nhỏ trong ngành quảng cáo vào năm 1995 có tên là Zip2 với vốn ban đầu là 28.000 đô-la. Ông bán nó vào năm 1999 và bỏ túi 22 triệu đô-la. Ông đã dùng vận may trời cho khi bắt đầu thành lập một công ty thách thức các quy tắc của ngân hàng thương mại trực tuyến – rồi phát triển thành PayPal. Nhưng ông không dừng lại ở đó.
Năm 2002, ông thành lập SpaceX để chế tạo tên lửa tối tân. Năm 2008, ông đảm nhận vị trí lãnh đạo Tesla Motors với chủ trương tạo ra dòng xe điện chủ yếu trên thị trường.
Từ lĩnh vực ngân hàng tới khám phá vũ trụ rồi xe điện, Elon đã phá vỡ nhiều nguyên tắc mà ít người dám đề cập và vẫn đang trong quá trình tạo ra nhiều huyền thoại khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Elon còn chia sẻ thêm nhiều điều khác nữa. Và chúng ta sẽ khám phá tri thức vô giá đó trong những chương sau.
Nhưng đầu tiên, hãy để tôi giới thiệu Quy tắc thứ nhất.
Quy tắc số 1: Vượt qua môi trường văn hóa
Những người có tư duy phi thường có khả năng phát hiện ra các rào cản văn hóa và biết lựa chọn những nguyên tắc hay điều kiện để tuân theo thay vì thắc mắc hoặc bỏ qua như những người bình thường. Bởi vậy, họ thường chọn con đường ít phải di chuyển và sáng tạo ra những ý tưởng làm cuộc sống trở nên thực sự có ý nghĩa.
VÌ SAO AN TOÀN THƯỜNG BỊ ĐÁNH GIÁ QUÁ CAO
Môi trường văn hóa được tạo ra để giúp chúng ta an toàn. Nhưng như tôi đã đề cập, an toàn thường bị đánh giá quá cao. Elon Musk đã trả lời câu hỏi của tôi, ông nói khá dài về chuyến hành trình của mình và điều đã dẫn dắt ông – nhưng cuối cùng, ông kết luận bằng một câu rất dễ nhớ: “Tôi có khả năng chịu đựng cao.”
Elon đã vươn lên từ sau thất bại khi bắt đầu thành lập công ty. Ông nói về việc vào năm 2008, ba quả tên lửa đầu tiên của SpaceX đã bị nổ tung ra sao. Thất bại lần thứ tư sẽ khiến công ty phá sản. Cùng lúc đó, Tesla Motors cũng thất bại trong vòng gọi vốn và sắp lâm vào tình trạng cạn vốn. Elon phải sử dụng hết may mắn của mình trong việc bán PayPal để dồn tiền cho hai công ty này, rồi ông cũng phải mượn tiền để trả chi phí thuê địa điểm. Nhưng rồi ông cũng vượt qua.
Thực ra, phá bỏ những nguyên tắc của môi trường văn hóa sẽ khiến người ta cảm thấy sợ hãi, tôi đã phát hiện ra một kiểu hình lặp lại. Khi gặp thất bại, người ta sẽ phát hiện ra những bài học vô giá, rồi lại nghĩ ra nhiều ý tưởng thông minh khiến cuộc sống thêm phần giá trị. Bạn sẽ phải dũng cảm vượt qua nỗi đau tạm thời của lần vấp ngã đó. Tôi đảm bảo rằng điều đó là xứng đáng, và trong cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy nhiều nguồn năng lượng để dập tắt những rủi ro có thể xảy ra.
Mỗi một trải nghiệm tồi tệ tôi từng trải qua trong cuộc đời – từ lúc trái tim tan vỡ tới khi gần như phải rời khỏi công ty do mình lập ra vì mâu thuẫn với người đồng nhiệm, hay lúc thất vọng và suy sụp nhìn hố đen tâm trạng của chính mình – đã dẫn tới những ý nghĩ nhỏ nhưng quan trọng hay ý tưởng thức tỉnh đã cải thiện chất lượng cuộc sống khiến tôi mạnh mẽ hơn. Giờ đây, tôi hân hoan chào đón những vấp ngã đó bằng suy nghĩ: Ôi chà, đúng là tệ thật! Tôi không thể chờ xem mình sẽ học được điều gì từ đây!
Một trong những thất bại đó, chắc chắn là cú trượt tại Microsoft, bởi kết quả tốt nghiệp không mấy xuất sắc của tôi. Không có triển vọng nghề nghiệp nào sau khi đánh mất cơ hội tại Microsoft, tôi chuyển tới thành phố New York rồi làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận với mức lương thực sự thấp hơn cả mức tối thiểu. Gia đình và bạn bè đều cho rằng tôi có vấn đề về thần kinh.
Thu nhập với mức lương thấp hơn mức tối thiểu đồng nghĩa với việc tôi không đủ tiền chi trả cho căn hộ của riêng mình. Tại Microsoft, tôi có một căn hộ hoành tráng với phòng ngủ cá nhân. Tới thành phố New York, tôi thuê chung một phòng đơn tại Chelsea với một đồng nghiệp tên James – đó là một căn hộ nhỏ bẩn thỉu với đồ đạc được người thuê cũ tha về từ đống rác. Bộ ghế sô pha và thảm phủ đầy những vết đen kiểu như muội than, nấm mốc hay tệ hơn thế.Tôi không dám tưởng tượng đó là cái gì. Nhưng tôi vẫn nhớ như in một đêm vào tháng 5 năm 2000.
Tôi đã thuyết phục một cô nàng nóng bỏng tóc đỏ người Estonia mà tôi gặp trong chuyến công tác ở châu Âu tới New York thăm tôi. Vấn đề duy nhất lúc đó là nàng sẽ ở lại cùng tôi trong căn hộ tồi tệ tại Chelsea – điều mà tôi vô cùng xấu hổ khi nghĩ đến. Kristina tới căn hộ và sung sướng vì đã đến được New York tới nỗi nàng trèo ngay lên giường của James và nhảy cẫng lên.
“Ôi, đó là giường của anh bạn cùng phòng anh,” tôi nói. “Giường của anh ở đằng kia.”
“Anh có bạn cùng phòng à? Vậy là anh không sống ở đây một mình ư? Nhưng vậy thì chúng ta làm sao… anh biết đấy… làm sao có chút riêng tư?” nàng hỏi, bối rối và có chút hoang mang.
Tôi chỉ cho nàng thấy một giải pháp tức thời mà tôi phát hiện ra để có chút riêng tư: một tấm rèm nhà tắm màu hồng mà chỉ bằng vài lần kéo đã tạo ra được một “bức tường” giả để chia tách cái xó của tôi trong căn phòng đơn với phần còn lại của căn hộ dùng chung với James. (Vâng, tôi quá nghèo để có thể mua được một tấm rèm tử tế.) Tấm rèm đó bằng nhựa và xấu xí – nhưng nó mang lại cho chúng tôi chút không gian riêng tư vừa, ừ, để cho chúng tôi có những đêm đáng nhớ.
Tôi thực sự không biết Kristina đã nhìn thấy những gì bên trong con người tôi, nhưng ba năm sau, chúng tôi kết hôn. Ngày hôm nay chúng tôi có hai thiên thần nhỏ xinh đẹp và một ngôi nhà với những tấm rèm rất đẹp.
Tôi có thể đã không bao giờ gặp được vợ tôi nếu không rời bỏ Microsoft, không mất hết các cơ hội nghề nghiệp khác và sau đó là phá sản ở New York – một chuỗi những thất bại không may mắn đã xếp hàng nối đuôi nhau, rồi cuối cùng dẫn tới một kết thúc sâu sắc và bùng nổ: gặp người phụ nữ mà tôi sẽ lấy làm vợ rồi có những đứa trẻ.
ĐIỀU KẾ TIẾP LÀ GÌ?
Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ giúp bạn đánh giá đức tin và hệ thống trong cuộc sống của bạn để bạn có thể quyết định xem điều gì sẽ đưa bạn đi xa và điều gì đang cản trở bước chân của bạn. Tôi sẽ cung cấp cho bạn chìa khóa để khám phá tiềm năng của bản thân, giúp bạn trở thành một người phi thường. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ rũ bỏ được những xiềng xích đã trói chặt bản thân từ những thứ vô dụng của văn hóa trong quá khứ, mở mang tầm mắt của bạn về tương lai và trải nghiệm nhiều bước ngoặt lớn trong cách nhìn nhận cuộc sống, cách hoạt động trong thế giới, cách theo đuổi mục tiêu cuộc đời và cách tương tác với người khác.
Tôi sẽ cùng đi với bạn, chúng ta sẽ cùng khám phá mức độ nhận thức cao cấp, trong đó chúng ta có thể nhận ra kiểu hình của mình rồi nghiên cứu chúng và hiểu được rằng dù thuộc về nền văn hóa hay dân tộc, tôn giáo nào, thì chúng ta cũng chỉ là một phần của văn hóa, dân tộc hay tôn giáo đó mà thôi. Bởi chúng ta đã ngẫu nhiên được sinh ra trong một gia đình cụ thể tại một địa điểm và thời gian xác định, điều này đúng với tất cả mọi người sống trên Trái Đất này. Trải nghiệm cá nhân của một môi trường văn hóa biến chúng ta thành những người như chúng ta hiện tại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta học được cách vượt qua môi trường văn hóa đó? Khi ta biết rằng không có người nào tốt hơn người nào cả? Rằng không ai trong chúng ta ưu việt hơn người khác? Và rằng mỗi chúng ta đều có thể trở nên phi thường?
LỜI CẢNH BÁO NGHIÊM TÚC
Trước khi chúng ta tiếp tục, tôi có một lời cảnh báo cho các bạn. Việc nghi ngờ nhiều nguyên tắc trong môi trường văn hóa sẽ không hề đơn giản. Dưới đây là một phần danh sách những điều có thể sẽ đi “sai” đường nếu bạn tiếp tục đọc cuốn sách này:
▪ Bạn có thể tức giận với những người thân yêu khi quyết định nghi ngờ những kỳ vọng mà họ dành cho bạn.
▪ Bạn có thể sẽ quyết định chấm dứt mối quan hệ hiện tại.
▪ Bạn có thể quyết định nuôi nấng con cái với niềm tin tín ngưỡng hoàn toàn khác biệt.
▪ Bạn có thể chọn cách nghi ngờ tôn giáo hiện tại của mình hoặc tạo ra một hệ thống tôn giáo riêng phù hợp với bản thân.
▪ Bạn có thể sẽ suy nghĩ lại về sự nghiệp.
▪ Bạn có thể bị ám ảnh về hạnh phúc.
▪ Bạn có thể quyết định tha thứ cho người từng khiến bạn tổn thương trong quá khứ.
▪ Bạn có thể từ bỏ mục tiêu hiện tại và đặt ra mục tiêu mới.
▪ Bạn có thể bắt đầu thực hành tâm linh mỗi ngày.
▪ Bạn có thể hết yêu ai đó và bắt đầu yêu bản thân.
▪ Bạn có thể quyết định từ bỏ công việc làm công ăn lương và khởi nghiệp.
▪ Bạn có thể quyết định từ bỏ việc kinh doanh và bắt đầu công việc mới.
▪ Bạn có thể tìm ra một nhiệm vụ khiến bạn cực kỳ hào hứng nhưng cũng hơi e sợ.
Peter Diamandis, một người bạn của tôi, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Quỹ X Prize, từng nói rằng:
Nếu bạn không thể chiến thắng, hãy thay đổi nguyên tắc.
Nếu bạn không thể thay đổi được nguyên tắc, hãy bỏ qua chúng.
Tôi rất thích lời khuyên này. Nhưng trước khi thử thách các nguyên tắc của môi trường văn hóa, bạn phải nhận ra những điều hạn chế có thể cản đường bạn. Hãy bắt đầu bằng cách tìm ra thứ đang trói chân bạn và bắt tay vào làm ngay bây giờ (dù bạn biết hay không).
Có thể bạn sẽ không thấy ngạc nhiên khi biết rằng quá trình này bắt đầu với ngôn ngữ – bằng một từ mới và chính xác – cho điều mà ngôn ngữ mô tả, chúng ta càng dễ nhận diện.
Từ mới đó là Quy tắc Chết tiệt.%%1