Cuốn sách “Giải Trí Đến Chết” không chỉ là một phân tích sâu về tác động của truyền hình và giải trí đối với tư duy của xã hội Mỹ từ những năm 80, mà còn là một cảnh báo sâu sắc về nguy cơ của việc quá mức tiêu khiển trong xã hội hiện đại, đặc biệt là với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội.
Cuốn sách chỉ ra rằng, sự phụ thuộc quá mức vào giải trí có thể dẫn đến sự đầu độc tư duy của chính xã hội. Việc chính trị, giáo dục, và thậm chí cả tôn giáo trở thành vật dụng cho nhu cầu giải trí và mạng xã hội có thể dẫn đến sự suy giảm của tư duy sâu sắc và khả năng phê phán. Cuốn sách nhấn mạnh rằng, thay vì kiến thức và thông tin được truyền đạt một cách chín chắn và sâu sắc, chúng thường bị hòa lẫn và biến thành một phần của sự giải trí, mất đi giá trị và ý nghĩa ban đầu.
Với sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội, và các ứng dụng di động, cuốn sách càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự lan rộng của các nội dung giải trí và thuật toán gợi ý nội dung đã tạo ra một làn sóng mới của nghiện ngập và tiêu khiển. Chúng trở thành như một loại ma túy tinh thần, dễ dàng tiếp cận và gây nghiện hơn cả rượu bia và ma túy vì tính phổ biến và miễn phí của chúng.
Cuốn sách nhấn mạnh rằng, trong một thời đại của sự giải trí vô độ, nguy cơ hủy diệt không phải đến từ những kẻ thù hay điều chúng ta sợ hãi, mà chính là từ những thú vui tiêu khiển và sự mê muội của chính chúng ta. Đây là một cảnh báo cần thiết và ý nghĩa đối với xã hội hiện đại đang đối diện với nguy cơ mất kiểm soát và mất đi sự suy nghĩ sâu sắc.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Giải Trí Đến Chết của tác giả Neil Postman
—-
Lời khen dành cho Neil Postman và Giải trí đến chết
“Là một nhà truyền giáo nhiệt thành của thời đại Hollywood, tôi đã công khai phản đối bức tranh đen tối của Neil Postman về tương lai bão hòa của truyền thông. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng Postman nói đúng. Ông ấy đoán trước một cách chính xác rằng những người trẻ tuổi sẽ thừa hưởng một nền văn hóa truyền thông điên cuồng, chứa đầy những thứ hào nhoáng giả tạo, những câu chuyện tầm phào và sự tham lam. – Camille Paglia
“Một cuốn sách tuyệt vời, quyền năng và đặc biệt. Đây là bản cáo trạng mà Postman đã đưa ra và cho đến nay tôi có thể thấy, đây là một bản cáo trạng không thể bác bỏ”. – Jonathan Yardley, The Washington Post Book World
“Ông ấy bắt đầu từ nơi Marshall McLuhan đã dừng lại, xây dựng các lập luận của mình bằng các nguồn tài liệu của một học giả và sự khôn khéo của một người có tài kể chuyện”. – The Christian Science Monitor
“Cuốn sách xuất hiện rất đúng thời điểm… Chúng ta phải đương đầu với những thử thách mà tầm nhìn tiên tri của ông ấy đặt ra”. – Jonathan Kozol
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Phần 1: Phương tiện truyền thông là phép ẩn dụ
vào những thời điểm khác nhau trong thành phố đã trở thành tâm điểm của tinh thần Mỹ rạng ngời. Ví dụ, vào cuối thế kỷ XVIII, Boston – trung tâm của chủ nghĩa cấp tiến chính trị – đã cho nổ một phát súng vang dội khắp thế giới – một phát súng không thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác ngoài vùng ngoại ô Boston. Tất cả người Mỹ đều nuôi dưỡng “tinh thần Boston” trong trái tim mình. Vào giữa thế kỷ XIX, New York trở thành biểu tượng về một nước Mỹ đa dạng, hội tụ nhiều nền văn hóa. Vào đầu thế kỷ XX, Chicago đã trở thành biểu tượng của năng lượng công nghiệp Hoa Kỳ. Nếu một người bán thịt lợn được dựng tượng đâu đó tại Chicago, thì bức tượng đó giống như một lời nhắc nhở về thời kỳ mà nước Mỹ được đặc trưng bởi những tuyến đường sắt, những đàn gia súc, nhà máy thép và những ý tưởng kinh doanh liều lĩnh. Nếu không có bức tượng nào như vậy, thì cần phải có, cũng giống như ta có bức tượng Minute Man để gợi nhớ Thời đại Boston, hay tượng Nữ thần Tự do để gợi nhớ Thời đại New York.
Ngày nay, chúng ta xem thành phố Las Vegas, Nevada như một phép ẩn dụ về tính cách và khát vọng Mỹ. Las Vegas là một thành phố hoàn toàn xoay quanh những ý tưởng giải trí, là một lời khẳng định về tinh thần của một nền văn hóa mà ở đó, tất cả những hình thức trò chuyện và bàn luận ngày càng giàu tính giải trí hơn. Chính trị, tôn giáo, tin tức, thể thao, giáo dục và thương mại của chúng ta đã bị biến thành những hình thức kinh doanh mà không vấp phải sự phản đối nào, thậm chí cũng không mấy ai để ý đến điều đó. Kết quả là chúng ta đang trở thành những cá nhân bước trên con đường Giải trí đến chết.
Vào thời điểm tôi viết cuốn sách này, Tổng thống Mỹ [Ronald Reagan] là một cựu diễn viên điện ảnh Hollywood. Một trong những đối thủ nặng ký của ông vào năm 1984 [John Glenn] cũng là một nhân vật nổi bật trên chương trình truyền hình hấp dẫn nhất trong những năm 1960, thậm chí còn là một phi hành gia. Đương nhiên là có một bộ phim đã được thực hiện về cuộc phiêu lưu ngoài Trái đất của ông ấy. Ứng cử viên được đề cử trước đó, George McGovern, từng là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Saturday Night Live. Một ứng cử viên khác, mục sư Jesse Jackson, cũng từng làm điều tương tự.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Richard Nixon, người từng tuyên bố ông đã thất bại trong cuộc bầu cử vì bị những chuyên viên trang điểm phá hoại, đã đưa ra lời khuyên cho Thượng nghị sĩ Edward Kennedy nếu muốn nghiêm túc tranh cử tổng thống: phải giảm được khoảng 10kg. Mặc dù Hiến pháp không đề cập đến điều này, nhưng có vẻ như những người béo đang bị loại trừ khỏi việc tranh cử vào các chức vụ chính trị cấp cao. Hình như cả những người hói đầu cũng vậy. Và hầu hết những ai không được “nâng cấp” ngoại hình bởi những chuyên gia thẩm mỹ cũng thế. Thật sự thì, chúng ta có thể đã đạt đến mức mà việc làm đẹp sẽ thay thế ý thức hệ để trở thành một lĩnh vực chuyên môn mà chính trị gia phải có năng lực kiểm soát.
Các nhà báo tại Mỹ, tức là các phát thanh viên truyền hình, không hề bỏ qua điểm mấu chốt này. Hầu hết họ dành nhiều thời gian cho máy sấy tóc hơn là viết kịch bản, kết quả là họ trở thành nhóm những người quyến rũ nhất ở Las Vegas. Mặc dù Đạo luật Truyền thông Liên bang không nói gì, nhưng những người không “ăn hình” sẽ không có cơ hội đứng trước công chúng và tường thuật “tin tức trong ngày”. Mặt khác, những người hấp dẫn trước camera có thể yêu cầu mức lương lên đến hơn 1 triệu đô la mỗi năm.
Rất lâu trước khi thế giới phát hiện ra, các doanh nhân Mỹ đã biết rằng, chất lượng và sự hữu dụng của sản phẩm phải đi kèm với sự khéo léo khi trưng bày nó.
Cách đây không lâu, tôi thấy Billy Graham trò chuyện cùng Shecky Green, Red Buttons, Dionne Warwick, Milton Berle và những người khác để vinh danh George Burns – người đang ăn mừng vì đã “tồn tại” được 80 năm trong ngành giải trí. Mục sư Graham đùa một chút với Bums về việc chuẩn bị hành trang để hướng tới một đời sống vĩnh hằng. Mặc dù Kinh Thánh không đề cập gì hết, nhưng Mục sư Graham đảm bảo với khán giả rằng, Chúa yêu những người có thể giúp mọi người bật cười vui vẻ. Đó là một nhầm lẫn vô tình. Ông đã nhầm NBC sang Chúa.
Tiến sĩ Ruth Westheimer là một nhà tâm lý học, người phụ trách một chương trình radio nổi tiếng và một màn trình diễn ở hộp đêm – những phương tiện mà cô sử dụng để thông tin đến khán giả của mình mọi điều về tình dục và sự muôn hình vạn trạng của nó, thông qua những ngôn từ vốn chỉ được dùng trong phòng ngủ và các góc phố riêng tư. Tính giải trí của cô cũng xấp xỉ mục sư Billy Graham, và cô từng nói rằng, “Tôi không cố trở nên hài hước. Nhưng nếu sự việc thành ra như vậy, tôi sẽ tận dụng nó. Nếu người ta gọi tôi là một nghệ sĩ giải trí, tôi thấy điều đó thật tuyệt. Khi một giáo sư giảng dạy một cách hài hước, mọi người sẽ ghi nhớ lâu hơn”. Cô ấy không nói về những gì họ ghi nhớ được hoặc những thứ họ nhớ thì có tác dụng gì. Nhưng cô ấy đã nêu lên một trọng điểm: Thật tuyệt khi trở thành một nghệ sĩ giải trí. Thật vậy, ở Mỹ, Đức Chúa Trời ưu ái tất cả những ai sở hữu cả tài năng lẫn hình thức để mua vui cho người khác – cho dù họ là nhà thuyết giáo, vận động viên, doanh nhân, chính trị gia, giáo viên hay nhà báo. Ở Mỹ, những người kém thú vị nhất, những người chẳng buồn cười chút nào, chính là những nghệ sĩ giải trí chuyên nghiệp.
Những người quan tâm và lo lắng cho nền văn hóa – những người đọc những cuốn sách như thế này – sẽ biết rằng, những ví dụ trên không phải là vài ba khoảnh khắc bốc đồng mà vẫn thường xuyên xảy ra. Không thiếu những nhà phê bình đã quan sát và nhận ra một thực tế, đó là những cuộc thảo luận trước công chúng ở Mỹ đã dần biến mất hoặc bị chuyển đổi thành những màn trình diễn kiếm tiền. Nhưng tôi tin rằng, phần lớn bọn họ không thuật lại sự việc từ gốc và nói rõ ý nghĩa của sự lao dốc này, khi hoạt động truyền thông Mỹ xoay quanh một loạt những thứ vô thưởng vô phạt. Ví dụ, những người từng viết một cách mạnh mẽ về vấn đề này nói với chúng ta rằng, những gì đang xảy ra là tàn dư của chủ nghĩa tư bản kiệt quệ; hoặc ngược lại, đó là kết quả vô vị khi chủ nghĩa tư bản đạt đến độ hoàn thiện; hoặc là hậu quả sinh ra từ chứng loạn thần kinh của Thời đại Freud; hoặc là quả báo khi chúng ta để Đức Chúa Trời biến mất; hoặc tất cả đều xuất phát từ lòng tham và những hoài bão quả to lớn.
Tôi đã xem xét cẩn thận những lời giải thích này, và tôi không nói rằng không có gì đáng để học hỏi từ chúng. Những người theo học thuyết của Marx, Freud, Lévi-Strauss… đều không nên bị coi nhẹ. Bản thân tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu câu chuyện tôi kể có thể đến gần với sự thật trọn vẹn. Tất cả chúng ta, như Huxley đã nói, là những chuyên gia tóm lược, nghĩa là không ai trong chúng ta có đủ trí thông minh để nắm bắt toàn bộ sự thật. Nhưng có một ý kiến khá cụ thể mà ta có thể xem xét, đó là giá trị của vấn đề nằm ở tính trực tiếp của nó, thể hiện qua các hình thức trò chuyện của con người. Cách chúng ta thực hiện những cuộc trò chuyện sẽ quyết định đâu là những ý tưởng mà ta có thể diễn đạt một cách dễ dàng. Và những ý tưởng nào được diễn đạt một cách dễ dàng chắc chắn sẽ trở thành “nội dung” quan trọng của một nền văn hóa.
Tôi sử dụng từ “trò chuyện” một cách ẩn dụ, để không chỉ nói về những cuộc hội thoại mà còn bao hàm tất cả các kỹ thuật và công nghệ cho phép mọi người thuộc một nền văn hóa cụ thể trao đổi thông điệp. Theo nghĩa này, toàn bộ nền văn hóa là một cuộc trò chuyện, hay chính xác hơn là một tập hợp các cuộc trò chuyện, được tiến hành theo nhiều hình thức khác nhau. Trọng tâm chú ý của chúng ta ở đây là làm cách nào để kiểm soát hình thức của các hoạt động truyền thông và thậm chí là quyết định loại nội dung có thể sinh ra từ các hình thức đó.
Để lấy một ví dụ đơn giản nhằm hiểu điều này có nghĩa là gì, hãy tìm hiểu về “công nghệ” thời cổ xưa – tín hiệu khói. Mặc dù tôi không biết chính xác nội dung nào đã được người da đỏ đưa vào tín hiệu khói, nhưng tôi có thể khá chắc rằng nó không bao gồm những lập luận triết học. Những làn khói không đủ khả năng để diễn đạt các ý tưởng về bản chất của sự tồn tại, và ngay cả khi điều đó là khả thi, một triết gia đến từ bộ lạc Cherokee cũng sẽ sớm đốt hết củi trước khi đến được tiên đề thứ hai. Bạn không thể sử dụng khói để truyền đạt thông tin triết học. Hình thức đó không phù hợp với nội dung cần chuyển tải.
Để lấy một ví dụ gần gũi hơn: Như tôi đã gợi ý trước đó, thật khó tưởng tượng rằng một người như Tổng thống thứ 27 của Hoa Kỳ, William Howard Taft, cằm nọng, nặng gần 140kg, lại có thể trở thành ứng cử viên tổng thống trong thế giới ngày nay. Hình dáng cơ thể của một người đàn ông căn bản không liên quan đến những ý tưởng của anh ta khi anh phát biểu trước công chúng qua văn bản, qua đài phát thanh hoặc qua tín hiệu khói. Nhưng cơ thể lại trở thành một yếu tố quan trọng khi ta lên sóng truyền hình. Sự thô kệch “ngộp thở” của một hình ảnh nặng cỡ 140kg dù là một hình ảnh đang phát biểu, sẽ dễ dàng lấn át bất kỳ sự tinh tế logic hoặc tinh thần nào được truyền đạt qua lời nói. Đối với truyền hình, hoạt động truyền thông được thực hiện chủ yếu qua hình ảnh trực quan, có nghĩa là truyền hình cho chúng ta một cuộc trò chuyện bằng hình ảnh chứ không phải bằng lời nói. Sự xuất hiện của người quản lý hình ảnh trong đấu trường chính trị và cùng lúc đó, sự vắng bóng của những người viết lời phát biểu đã chứng thực rằng, truyền hình đòi hỏi một loại nội dung không giống như những phương tiện truyền thông khác. Bạn không thể nói triết lý chính trị trên truyền hình. Nội dung đó không phù hợp với hình thức của truyền hình.
Một ví dụ khác phức tạp hơn: Thông tin, nội dung, hoặc nói chung là “thứ” tạo nên cái được gọi là “tin tức trong ngày”, sẽ không thể tồn tại trong một thế giới thiếu các phương tiện truyền thông để biểu đạt nó. Ý tôi không phải là những thứ như hỏa hoạn, chiến tranh, giết người và các vụ ngoại tình không xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Ý tôi là, nếu như thiếu một công nghệ để lan tỏa tin tức về các sự kiện đó, mọi người sẽ không thể để ý tới chúng, không thể đưa chúng vào đời sống hằng ngày của họ. Những thông tin như vậy đơn giản sẽ không thể tồn tại và trở thành một phần nội dung của nền văn hóa. “Tin tức trong ngày” hoàn toàn được tạo ra bởi phương thức điện báo (và từ đó về sau, mức độ lan tỏa được nhân lên bởi các phương tiện truyền thông mới hơn), khiến những thông tin bị tách rời khỏi ngữ cảnh có thể được lan truyền rộng rãi với tốc độ đáng kinh ngạc. Tin tức trong ngày là sản phẩm sinh ra từ trí tưởng tượng được công nghệ hỗ trợ. Nói chính xác hơn, nó là một sự kiện truyền thông. Chúng ta để ý đến các sự kiện rời rạc diễn ra khắp các nơi trên thế giới, vì ta có nhiều phương tiện truyền thông với hình thức rất phù hợp để truyền đạt những cuộc trò chuyện rời rạc như vậy. Các nền văn hóa không có hệ thống truyền thông với tốc độ ánh sáng – ví dụ như các nền văn hóa mà tín hiệu khói là công cụ truyền tin vượt không gian hiệu quả nhất – sẽ không có tin tức trong ngày. Nếu không có phương tiện phù hợp với hình thức của nó, tin tức trong ngày sẽ không tồn tại.
Như vậy, nói một cách rõ ràng nhất, cuốn sách này là một hành trình tìm hiểu về thực tế văn hóa quan trọng nhất của Mỹ trong nửa sau thế kỷ XX: sự suy tàn của Thời đại Đọc chữ và sự trỗi dậy của Thời đại Truyền hình. Sự biến đổi này đã dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ về nội dung và ý nghĩa của hoạt động truyền thông, vì 2 phương tiện truyền thông quá khác nhau không thể truyền đạt cùng một ý tưởng. Khi ảnh hưởng của tài liệu in ấn giảm dần, những nội dung về chính trị, tôn giáo, giáo dục và nhiều điều khác phải thay đổi và xử lý lại sao cho phù hợp nhất với vô tuyến truyền hình.
Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ giống như quan điểm của Marshall McLuhan, rằng phương tiện truyền tải chính là thông điệp, tôi sẽ không phủ nhận sự liên hệ này. Tôi gặp McLuhan 30 năm trước, khi tôi đang học cao học còn ông là một giáo sư tiếng Anh không ai biết tới. Khi đó, cũng như bây giờ, tôi luôn tin rằng ông ấy có phong cách giao tiếp giống Orwell và Huxley – nghĩa là trò chuyện như một nhà tiên tri. Tôi vẫn kiên định với lời dạy của ông ấy, rằng cách rõ ràng nhất để nhìn thấu một nền văn hóa là chú ý đến các công cụ dùng để trò chuyện của nó. Tôi có thể nói thêm rằng, sự quan tâm của tôi đối với vấn đề này thực chất được gợi lên bởi một nhà tiên tri còn tầm vóc hơn McLuhan, cổ xưa hơn Plato. Khi học Kinh Thánh thời còn trẻ, tôi nhận thấy những điểm cơ bản của ý tưởng rằng, các hình thức truyền thông sẽ ưu tiên một số kiểu nội dung cụ thể, do đó truyền thông có khả năng nắm quyền chỉ huy một nền văn hóa. Trong 10 điều răn của Thiên Chúa, thì ở lời răn dạy thứ hai, dân Israel bị cấm tạo ra những hình ảnh cụ thể về bất kỳ điều gì: “Ngươi không được tạo ra bất kỳ hình tượng nào, không được tạo ra bất kỳ thứ gì tượng trưng cho những vật ở trên trời cao, dưới mặt đất và trong làn nước”.
Sau đó, tôi cũng như rất nhiều người khác đã băn khoăn rằng, tại sao Chúa lại đưa ra những chỉ dẫn về cách con chiên đặt ra (hoặc không đặt ra) các biểu tượng cho trải nghiệm tôn giáo của họ. Đây là một mệnh lệnh đạo đức kỳ lạ trừ khi người đưa ra nó cho rằng, có một mối liên hệ giữa các hình thức giao tiếp của con người với chất lượng của một nền văn hóa. Chúng ta có thể đưa ra một lời phỏng đoán táo bạo, đó là nếu một người được yêu cầu phải tin yêu một đấng thiêng liêng trừu tượng, thì sẽ thật không phù hợp nếu người ấy lại có thói quen vẽ tranh, tạc tượng hoặc nói chung là diễn tả ý tưởng của họ dưới bất kỳ hình thức cụ thể nào. Chúa của người Do Thái tồn tại trong Ngôi Lời (Word) và thông qua Ngôi Lời, một quan niệm chưa từng có và đòi hỏi trình độ tư duy trừu tượng phải đạt mức cao nhất. Do đó, sự mô tả bằng hình tượng (Iconography) đã trở thành một sự báng bổ khi để một kiểu Chúa mới xâm nhập nền văn hóa. Những người như chúng ta, những người đang trong quá trình chuyển đổi văn hóa của mình từ việc tập trung vào câu chữ sang tập trung vào hình ảnh, sẽ đạt được nhiều lợi ích nếu dành thời gian suy ngẫm về lời răn này. Nhưng ngay cả khi tôi phán đoán sai, tôi vẫn tin rằng mình đang đưa ra một giả định khôn ngoan và sát thực, đó là các phương tiện truyền thông sẵn có tại một nền văn hóa có ảnh hưởng chi phối đến việc hình thành các mối bận tâm về tri thức và xã hội của nền văn hóa đó.
Tất nhiên, lời nói vẫn là phương tiện cơ bản và không thể thiếu. Nó tạo nên con người chúng ta, giúp ta tiếp tục là con người, và trên thực tế, là yếu tố định nghĩa nên con người. Điều này không có nghĩa là nếu không có các phương tiện giao tiếp khác, tất cả mọi người có thể nói về những điều giống nhau theo cùng một cách và thuận tiện như nhau. Chúng ta đủ hiểu biết về ngôn ngữ để hiểu rằng, các biến thể trong cấu trúc ngôn ngữ sẽ dẫn đến các biến thể về “thế giới quan”. Cách mọi người nghĩ về thời gian và không gian, về các sự vật và quá trình, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đặc điểm ngữ pháp trong ngôn ngữ của họ. Do đó, chúng ta không thể mặc định rằng, tâm trí của tất cả loài người đều có cùng một cách lý giải về cách thế giới này được tạo dựng.
Hãy thử tưởng tượng xem thế giới quan giữa các nền văn hóa khác nhau sẽ còn phân hóa như thế nào khi chúng ta nghĩ về muôn hình vạn trạng các loại công cụ để tiến hành các cuộc trò chuyện. Văn hóa được tạo thành từ những lời nói, sau đó lại được tái tạo bằng mọi cách thức giao tiếp – từ hội họa đến chữ tượng hình, từ bảng chữ cái đến màn hình ti vi. Mỗi phương tiện, giống như bản thân ngôn ngữ, có thể tạo ra một phương thức truyền thông độc đáo bằng cách cung cấp một định hướng mới để ta suy nghĩ, diễn đạt và cảm thụ. Tất nhiên, đây chính là ý của McLuhan khi nói phương tiện truyền tải chính là thông điệp. Tuy nhiên, quan điểm của ông cần được sửa đổi một chút, bởi hiện tại, cách nói này có thể khiến người ta nhầm lẫn một thông điệp (message) sang một phép ẩn dụ (metaphor). Một thông điệp biểu thị một tuyên bố cụ thể và rõ ràng về thế giới. Nhưng các hình thức truyền thông của chúng ta hiện nay lại không đưa ra những tuyên bố rõ ràng như vậy. Thứ mà truyền thông đưa ra hiện giờ giống những phép ẩn dụ hơn. Chúng khá kín đáo nhưng lại có tính ám chỉ mạnh mẽ, buộc người tiếp nhận phải thuận theo những định nghĩa đặc biệt của chúng về thực tại. Cho dù chúng ta đang trải nghiệm thế giới qua lời nói, chữ in hay máy quay truyền hình, thì các phương tiện truyền thông đều đưa ra những hình ảnh ẩn dụ để phân loại thế giới cho chúng ta. Những phép ẩn dụ đang sắp xếp thế giới, đóng khung nó, phóng to nó, thu nhỏ nó, tô màu nó. Như Ernst Cassirer đã nhận xét:
Thực tế vật chất dường như đang trở nên mờ nhạt khi những hoạt động mang tính tượng trưng của con người tăng lên. Thay vì tự mình đối phó với những sự việc, con người lại liên tục đối thoại với chính mình. Anh ta tự bao bọc mình trong các hình thức ngôn ngữ, các hình ảnh nghệ thuật, các biểu tượng thần thoại hoặc các nghi thức tôn giáo mà anh ta không thể nhìn thấy hoặc hiểu rõ.
Khi các phương tiện truyền thông đan xen vào nhau, chúng sẽ định hướng những gì chúng ta nhìn thấy và hiểu biết. Điều đáng kể là người ta lại rất hiếm khi chú ý đến sự thật này. Một người đọc sách, xem truyền hình hoặc liếc nhìn đồng hồ của mình thường không quan tâm đến việc tâm trí của họ được tổ chức và điều khiển như thế nào bởi những hành động này, và càng không quan tâm một cuốn sách, một chiếc ti vi hoặc chiếc đồng hồ sẽ khơi gợi nên ý tưởng nào về thế giới. Nhưng có những người đã quan tâm – ví dụ như Lewis Mumford. Ông không phải kiểu người nhìn đồng hồ chỉ để xem bây giờ là mấy giờ. Không phải là ông ấy không quan tâm đến nội dung của đồng hồ, mà là ông quan tâm nhiều hơn đến cách đồng hồ gợi nên ý tưởng về “khoảnh khắc”. Ông quan tâm đến triết lý của đồng hồ, coi đồng hồ như một phép ẩn dụ (nền giáo dục của chúng ta không nói gì mấy về điều này và các nhà sản xuất đồng hồ thì hoàn toàn không có ý kiến gì hết). “Đồng hồ”, Mumford kết luận, “là một cỗ máy hiệu quả có ‘sản phẩm’ là giây và phút”. Đồng hồ có tác dụng tách rời thời gian khỏi các hoạt động của con người và do đó, hình thành ý tưởng về một thế giới độc lập gồm các khoảng liên tiếp có thể đo lường được. “Các khoảnh khắc nối tiếp nhau” hóa ra không phải là quan niệm của Chúa hay của tự nhiên, mà là ý tưởng được hình thành bởi con người khi anh ta tự trò chuyện với bản thân về một chiếc máy do anh ta tạo ra.
Trong cuốn sách Technics and Civilization (tạm dịch: Kỹ thuật và nền văn minh), Mumford chỉ ra rằng, bắt đầu từ thế kỷ XIV, đồng hồ đã biến chúng ta thành những người quản lý thời gian, sau đó trở thành người tiết kiệm thời gian và giờ là nô lệ của thời gian. Trong quá trình này, chúng ta trở nên bất kính với Mặt trời và các mùa trong năm, vì trong một thế giới được tạo thành từ giây và phút, quyền lực của tự nhiên bị gạt bỏ. Thật vậy, với việc phát minh ra đồng hồ, con người không còn coi thiên nhiên vĩnh hằng là thước đo cho mọi thứ và trọng tâm của mọi hoạt động nữa.
Bảng chữ cái đã giới thiệu một hình thức trò chuyện mới giữa con người và con người và đến nay, chữ viết đã trở thành một điều quá phổ biến.
Có thể nhìn thấy lý lẽ của một người thay vì chỉ có thể nghe họ nói là một vấn đề không hề nhỏ, mặc dù nền giáo dục của chúng ta, một lần nữa, chỉ dành ra rất ít thời gian để nói về điều này. Tuy nhiên, rõ ràng là chữ viết đã tạo ra một quan niệm mới về tri thức, cũng như một ý thức mới về trí thông minh, về công chúng tiếp nhận và về việc truyền đạt lại kiến thức cho hậu thế – tất cả những điều này đều được Plato nhận ra khi văn bản mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Ông viết trong bức thư thứ bảy: “Không một người thông minh nào lại mạo hiểm thể hiện quan điểm triết học của mình bằng ngôn ngữ, đặc biệt là thứ ngôn ngữ không thể thay đổi được – và đây lại chính là đặc điểm của chữ viết”. Ấy thế mà, Plato vẫn viết rất nhiều và hiểu rõ hơn bất kỳ ai khác rằng, việc thiết lập nên các quan điểm bằng các ký tự viết tay là sự khởi đầu của triết học, chứ không phải sự kết thúc. Triết học không thể tồn tại nếu không có sự phản biện, và việc viết lách tạo điều kiện để những chiêm nghiệm của ta được xem xét kỹ lưỡng một cách liên tục và tập trung. Chữ viết “nắm bắt” lời nói, để nó không vút bay đi và cũng nhờ chữ viết mà ta có những nhà ngữ pháp, nhà logic học, nhà tu từ học, nhà lịch sử, nhà khoa học – tất cả những người này đều phải sử dụng ngôn ngữ thành thạo để có thể hiểu những từ ngữ nhất định có nghĩa là gì, nó sai sót ở đâu và nó sẽ dẫn ta tới những ý tưởng nào.
Plato biết tất cả những điều này, có nghĩa là ông biết rằng, chữ viết sẽ mang đến một cuộc cách mạng về tri giác, cụ thể là khiến cơ quan xử lý ngôn ngữ chuyển từ tai sang mắt. Người ta kể rằng, để thúc đẩy sự chuyển đổi này, Plato đã nhấn mạnh các sinh viên phải có kiến thức về hình học trước khi bước chân vào học viện của ông. Nếu câu chuyện này là thật thì đó là một ý tưởng rất hợp lý, vì như nhà phê bình văn học vĩ đại Northrop Frye nhận xét, “Chữ viết không chỉ là một lời nhắc nhở đơn giản mà có sức mạnh lớn hơn nhiều: Nó tái tạo quá khứ trong hiện tại, và không những đưa đến cho ta những điều quen thuộc, nó còn tạo nên ánh sáng lấp lánh của những điều tưởng tượng”.
Tất cả những gì Plato dự đoán về kết quả của chữ viết giờ đây đã được các nhà nhân chủng học hiểu rõ – đặc biệt là những ai nghiên cứu về các nền văn hóa mà lời nói là cách duy nhất để thực hiện các cuộc trò chuyện phức tạp. Như Northrop Frye đã gợi ý, các nhà nhân chủng học biết rằng chữ viết không chỉ đơn thuần là sự lặp lại của lời nói. Chữ viết là một kiểu lời nói khác hẳn, là ma pháp của thánh thần. Những người sáng tạo ra chữ viết chắc hẳn đã cảm thấy như vậy – đó là lý do tại sao chúng ta không còn ngạc nhiên khi biết rằng, thần Thoth của Ai Cập, người được cho là đã mang chữ viết đến cho vua Thamus, cũng là một vị thần ma thuật. Những người như chúng ta có thể không thấy chữ viết có gì kỳ diệu, nhưng các nhà nhân chủng học lại biết rõ chữ viết thần kỳ như thế nào đối với những người chỉ thuần túy sử dụng lời nói để giao tiếp. Chữ viết không trò chuyện với ai cả nhưng lại trò chuyện với tất cả mọi người. Thật kỳ lạ làm sao, khi ta phải đối mặt với sự im lặng khi đặt ra câu hỏi trong một đoạn văn bản. Thật bối rối làm sao, khi ta phải hướng đến một nhóm công chúng mà ta không hề không nhìn thấy – điều mà mọi tác giả viết sách phải làm. Và ta còn phải tự chỉnh sửa những gì mình viết, bởi ta biết rằng một người đọc nào đó có thể sẽ phản bác hoặc hiểu nhầm ý tưởng của ta.
Tôi đề cập đến tất cả những điều này bởi cuốn sách của tôi viết về cách loài người đang trải qua một sự biến đổi diện rộng đầy nhiễu động, khi đi từ sự kỳ diệu của chữ viết sang sự kỳ diệu của điện tử. Ý tôi muốn nói ở đây là, sự xuất hiện của chữ viết hay đồng hồ trong nền văn hóa không chỉ đơn thuần tăng cường sức mạnh của con người, mà còn biến đổi cách tư duy của anh ta – và tất nhiên, biến đổi cả nội dung của nền văn hóa. Đó là điều tôi muốn nói khi gọi một phương tiện là một phép ẩn dụ. Ở trường học, chúng ta được dạy rằng, một phép ẩn dụ gợi lên ý niệm về một sự vật bằng cách so sánh nó với một sự vật khác. Bằng sức mạnh của sự gợi ý, phép ẩn dụ tạo ra một cách tư duy cố định trong tâm trí chúng ta, khiến ta không thể hình dung ra thứ này mà không nghĩ đến thứ kia. Ví dụ: Ánh sáng là sóng, ngôn ngữ là một cái cây, Chúa là một người thông tuệ và đáng kính, tâm trí là một hang động tối tăm được tri thức soi sáng. Nếu những phép ẩn dụ này không còn hữu ích với chúng ta, ta phải tìm ra những phép ẩn dụ khác. Ánh sáng là hạt, ngôn ngữ là một dòng sông, Chúa là một phương trình vi phân (theo tuyên bố của Bertrand Russell), tâm trí là một khu vườn cần được chăm sóc.
Nhưng các phép ẩn dụ sinh ra từ hoạt động truyền thông của chúng ta lại không rõ ràng và sống động như những phép ẩn dụ trên đây, mà phức tạp hơn nhiều. Để hiểu được tính ẩn dụ đó, chúng ta phải xét đến các hình thức biểu tượng của thông tin, nguồn thông tin, số lượng và tốc độ thông tin, ngữ cảnh mà chúng ta nhận thông tin. Vì vậy, ta cần phải đào sâu để tìm hiểu, để nắm được rằng đồng hồ đã tái tạo thời gian thành những khoảng độc lập, nối tiếp nhau; rằng chữ viết tái tạo tâm trí thành một tấm bảng mà trên đó, ta ghi ra những trải nghiệm của mình; rằng máy điện báo đã tái tạo tin tức thành một loại hàng hóa. Chưa hết, việc đào sâu như vậy sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta bắt đầu từ giả định rằng, với mọi công cụ mà ta tạo ra, một ý tưởng có thể phát triển vượt ra ngoài chức năng ban đầu của nó. Chẳng hạn, người ta chỉ ra rằng, việc phát minh ra kính đeo mắt vào thế kỷ XII không chỉ giúp cải thiện thị lực mà còn đưa ra ý tưởng rằng, con người không cần phải chấp nhận những điều được thiên nhiên ban tặng hoặc sự tàn phá của thời gian. Kính đeo mắt bác bỏ suy nghĩ cơ thể người là một thứ định mệnh bất di bất dịch, bằng cách nêu lên ý tưởng rằng, chúng ta có thể cải thiện cơ thể cũng như tâm trí của bản thân. Tôi không nghĩ là quá đà khi nói rằng, có một mối liên hệ giữa việc phát minh ra kính đeo mắt ở thế kỷ XII và nghiên cứu tách gen ở thế kỷ XX.
Ngay cả một công cụ như kính hiển vi, cơ bản không phải là một công cụ sử dụng hằng ngày, cũng bao hàm một ý tưởng khá mạnh mẽ – không phải về sinh học mà là về tâm lý học. Bằng cách tiết lộ một thế giới cho đến nay vẫn bị che khuất khỏi mắt thường, kính hiển vi đưa ra một gợi ý về cấu trúc của tâm trí.
Nếu mọi thứ không giống như vẻ ngoài của chúng, nếu vi khuẩn đang ẩn nấp trên và dưới da của chúng ta (trong khi ta không thể nhìn thấy), nếu cái vô hình kiểm soát cái hữu hình, thì phải chăng những cái tôi cũng đang ẩn náu ở một nơi nào đó mà chúng ta không nhìn thấy được? Phân tâm học thực chất chính là một chiếc kính hiển vi soi vào tâm trí, phải không? Ý niệm về tâm trí của chúng ta từ đâu mà đến, nếu như không phải từ chính những phép ẩn dụ được tạo ra từ các công cụ của ta? Khi nói một người có chỉ số IQ đạt 126, điều đó có nghĩa là gì? Không có con số nào trong đầu của mọi người cả. Trí thông minh không có định lượng hay độ lớn, chỉ là chúng ta tin rằng nó có. Và tại sao chúng ta lại tin như vậy? Bởi chúng ta có các công cụ ngụ ý rằng tâm trí vận hành theo cách đó. Thật vậy, các công cụ tư duy gợi lên trong ta các ý niệm về cơ thể của mình, thông qua những cách dùng từ như “đồng hồ sinh học”, “mã di truyền”, “đọc biểu cảm gương mặt của một người như đọc một cuốn sách”, “nét mặt là chiếc máy điện báo truyền đi suy nghĩ của ta”.