Giới thiệu cuốn sách Gió Và Tình Yêu Thổi Trên Đất Nước Tôi
Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mất ở tuổi 40 – khi sức sáng tạo đang dồi dào, tài năng đang độ chín. Cuộc sống của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã sống và làm việc hết mình, đã có những đóng góp không nhỏ cho đời sống văn học dân tộc ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, kịch… Cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi đột ngột của ông cùng người bạn đời – nhà thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một sự kiện trong giới văn nghệ. Năm 2000, Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, ông là tác giả trẻ tuổi nhất được nhận giải thưởng cao quý này. Tài năng sáng tạo của ngòi bút Lưu Quang Vũ đã được ghi nhận ngay từ những chặng đường đầu tiên mới bước vào nghề.
Lưu Quang Vũ nổi tiếng trên văn đàn từ khá sớm. Hai mươi tuổi khi đang ở trong quân ngũ, tập thơ Hương cây – Bếp lửa (in cùng Bằng Việt) ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt vì những cảm xúc trong trẻo, thiêng liêng đầy tin cậy và một giọng điệu thơ đắm đuối. Ngay từ những bài thơ đầu tay, ông đã lọt vào mắt xanh của các nhà phê bình danh tiếng. Tiếp sau Hương cây là một thời kỳ khác của thơ Lưu Quang Vũ. Thời kỳ của dằn vặt, đau xót, cô đơn đến cùng cực. Đó là thời kỳ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Đất nước đang trải qua nhiều khó khăn, bom đạn, chiến tranh. Hoàn cảnh riêng của Lưu Quang Vũ cũng vấp phải nhiều nỗi đa đoan. Nhưng đó cũng chính là lúc ông làm rất nhiều thơ. Làm thơ như ghi nhật ký. Thơ của ông không hợp với những yêu cầu của sách báo thời đó nên khó được in ấn xuất bản. Lưu Quang Vũ viết cho nhu cầu của riêng mình. Những bài thơ diễn đạt tâm trạng và những cảm xúc cao độ mà ông đã trải qua. Trong những tháng ngày cực kỳ gian khó của đời mình, ông đã nhận thức sâu sắc được nhiều điều, nhất là nhận thức và khám phá được chính bản thân mình. Có thể thấy Lưu Quang Vũ của những ước nguyện tha thiết muốn vượt lên trên nỗi mệt mỏi, hoài nghi để sống và viết. Giai đoạn về sau, vẫn tiếp tục dòng chảy ấy nhưng thơ Lưu Quang Vũ đã mang một âm điệu, một cách nhìn khác. Cùng với những cảm xúc cá nhân, cảm hứng dân tộc trong tiến trình lịch sử, những suy nghĩ về nhân dân, về đất nước đã làm giàu có và phong phú thêm cá tính thơ Lưu Quang Vũ (Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu – Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước – Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích – Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông; Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết – Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi – Ôi tiếng Việt như đất cày như lụa – Óng tre ngà và mềm mại như tơ – Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ – Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn – Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá – Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình!). Cùng với những năm tháng của đời mình, những thay đổi của đất nước, nhận thức của ông cũng có nhiều thay đổi. Những thay đổi ấy được thể hiện rõ nét trong hành trang thơ của Lưu Quang Vũ, từ bài thơ đầu tay cho đến những bài thơ cuối cùng.
Sinh thời, Lưu Quang Vũ mới chỉ được in nửa tập thơ. Hai tập thơ Mây trắng của đời tôi (1989) và Bầy ong trong đêm sâu (1993) ra đời sau khi ông mất, đã phần nào làm rõ nét thêm bản sắc thơ Lưu Quang Vũ. Mặc dù gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực, nhưng thơ ca là thể loại Lưu Quang Vũ đam mê nhất. Ông đã viết như một lời tuyên ngôn: Trên mái nhà cao vút rừng cây – Trên rừng cây những đám mây xô dạt – Trên hạnh phúc, trên cả niềm cay đắng – Thơ tôi là mây trắng của đời tôi. Thơ ca đã đi cùng ông trong suốt những năm tháng của cuộc đời. Bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, cô đơn, tuyệt vọng. Những khoảnh khắc bị dồn đẩy đến cùng, thơ ông luôn muốn tung bứt lên để đối mặt với chính cảnh ngộ của mình, vốn là một người đàn ông tài hoa, đa cảm nên tình yêu và thơ ca luôn luôn là một cứu cánh còn lại trong đời. Hình ảnh những người con gái trong thơ tình Lưu Quang Vũ thường là rất đẹp. Có thể đó là hạnh phúc hay đau khổ, là nước mắt hay nụ cười, nhưng bao giờ ông cũng nói về họ bằng những lời nồng nàn, say đắm nhất. Có khi đó là một người tình cụ thể, cũng có khi chỉ là một hình bóng mơ hồ, một nỗi khát khao không đạt đến, một sự cứu rỗi cho tâm hồn cô đơn của ông. Không ít những bài thơ tình nổi tiếng, được nhiều người yêu thích của Lưu Quang Vũ bắt nguồn từ vẻ đẹp trong sáng và mơ ước về sự hoàn thiện của một người tình lý tưởng (Vườn trong phố, Mắt của trời xanh, Và anh tồn tại, Chiều chuyển gió, Em…)
Để giúp bạn đọc nhận biết một cách sâu rộng và đầy đủ hơn về đời thơ Lưu Quang Vũ, chúng tôi đã tuyển chọn các sáng tác của ông qua các chặng đường. Khi biên soạn, chúng tôi sắp xếp tác phẩm theo trình tự thời gian sáng tác, thường được tác giả ghi dưới mỗi bài. Đối với những bài được viết trong nhiều năm, ví dụ: 1972 – 1983, chúng tôi căn cứ vào thời điểm đầu để sắp xếp. Song, có nhiều bài không đề thời gian sáng tác. Đối với những bài đó, chúng tôi dựa vào nhiều yếu tố như: đề tài, bút pháp, ngôn ngữ… kể cả những yếu tố đời tư để đoán định khoảng thời gian ra đời của tác phẩm, về mặt văn bản, chúng tôi lấy theo nguyên bản gốc của tác giả. Do đó, có thể có những bài khác với bản đó được công bố.
Mặc dù có khá đầy đủ tư liệu, công việc biên soạn của chúng tôi vẫn khó tránh khỏi sai sót. Rất mong được bạn đọc góp ý và lượng thứ.
LƯU KHÁNH THƠ
Tháng 3/2010