Trước hết là cái nhìn: Ryszard Kapuściński. Đó là một cái nhìn luôn luôn độc đáo và thấu suốt, cho dù đối tượng sự quan sát của ông có là gì, và cho dù không mấy khi ông thích phân tích dài dòng. Nhất là khi đối tượng ấy là châu Phi, một lục địa dường như rất hợp với tâm tính ông, thì Kapuściński nhìn thấy cả những gì sâu xa, nhỏ bé nhất của nơi đây. Và sau đó là cách chạm vào châu Phi: thông qua sự mô tả cuộc đối đầu nghẹt thở với một con rắn, Kapuściński làm sống lại sự rung động của tâm hồn cả một châu lục, trong đó có sự mãnh liệt và có hiểm nguy tàn khốc. Rồi tất nhiên ta phải nói đến một tài năng văn chương hiếm thấy, hiện ra tràn ngập những trang viết của thông tín viên Ba Lan kiệt xuất này. Tất cả cộng lại để tạo nên một Gỗ Mun như tác phẩm không thể không nhắc tới về châu Phi thế kỷ XX.
Lời khen tặng dành cho Gỗ Mun:
“Giống như Gabriel García Márquez là ông hoàng đen vĩ đại của tiểu thuyết hiện đại, Kapuściński là vị phù thủy kiệt xuất của phóng sự.”
– John Le Carré
“Ryszard Kapuściński là một ví dụ hiếm hoi trong nền văn hóa của chúng ta về một nhà văn người-Ba-Lan-toàn-cầu. Ông, một công dân thế giới, luôn luôn chống lại việc dựng lên các rào ngăn đối với Người Khác, đóng sập cửa trước mặt họ. Dường như ông muốn nói: bài ngoại là căn bệnh của những kẻ khiếp nhược, bị mặc cảm về sự thấp hèn hành hạ, sợ hãi ý nghĩ đến lượt họ sẽ phải soi mình trong văn hóa của Người Khác.”
– Adam Michnik
“Chúng ta đang sống trong một thế kỷ nhiều thách đố nhất trong lịch sử thế giới, bản chất thực của nó còn là một bí ẩn tối tăm. Chúng ta rất cần những nhà giải mã như Ryszard Kapuściński.”
– Salman Rushdie
“Tôi nghĩ đến những cuốn sách ông đã viết với lòng biết ơn sâu sắc, và nghĩ đến những cuốn sách ông còn chưa kịp viết với nỗi buồn sâu sắc. Một nhà văn lớn, một con người cao quý, một người lữ hành không mệt mỏi qua thế giới đầy quyến rũ nhưng mãi luôn luôn bất an của chúng ta.
– Wisława Szymborska
“Tôi không biết bất cứ ai có viết với sự thấu cảm đến thế về Thế giới Thứ ba. Mỗi lần được tin giải Nobel được trao cho một người khác, tôi lại cảm thấy thất vọng. Tôi luôn luôn chắc chắn rằng Kapuściński sẽ nhận được giải thưởng này.”
– Tomas Venclova
“Ryszard Kapuściński đã viết một tác phẩm để đời: cuốn sách về châu Phi với nhan đề Gỗ Mun. Cuốn sách của Kapuściński đặt chúng ta trước nhiều câu hỏi. Đó là những câu hỏi cốt yếu. Cuộc sống là gì, ý nghĩa của nó, đạo đức, tội ác, lòng kiêu hãnh và khiêm nhường, sự phản kháng hay chấp nhận số phận? Chúng ta vẫn luôn đặt ra những câu hỏi ấy trong văn hóa của mình, nhưng những lời giải đáp và phản ứng của chúng ta lại hoàn toàn khác.”
– Helena Zaworska
“Không trực tiếp, nhưng rất rõ ràng, Kapuściński luận chiến với hai lối nghĩ dĩ Âu vi trung rập khuôn về châu Phi: với khuôn mẫu khiến người ta nhìn châu Phi như một châu lục của những người man rợ thấp kém hơn về văn hóa, khó hiểu (vì chẳng đáng được hiểu); và với huyền thoại hậu thực dân đầy cảm tính (dù chỉ như trong Xa mãi Phi châu của Karen Blixen) nhìn thấy ở châu Phi thiên đường đã mất.”
– Piotr BratkowskiTrước hết là ánh sáng đập vào mắt. Khắp nơi là ánh sáng. Khắp nơi chói lòa. Khắp nơi là nắng. Mới ngày hôm qua, London mùa thu lướt thướt nước mưa. Máy bay lướt thướt nước mưa. Gió lạnh và âm u. Còn ở đây, từ sáng sớm cả sân bay ngập trong nắng, tất cả chúng tôi ngập trong nắng.
Thời trước, khi người ta đi bộ du hành qua thế giới, cưỡi ngựa hay đi thuyền, cuộc hành trình làm họ thích nghi dần với các thay đổi. Các hình ảnh của trái đất từ từ trôi qua trước mắt họ, sân khấu của thế giới quay chầm chậm từng chút một. Hành trình kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Con người có thời gian để thích nghi với môi trường khác, với quang cảnh mới. Khí hậu cũng thay đổi từng bước, qua các giai đoạn. Trước khi một người du hành từ châu Âu lạnh lẽo đến được xích đạo nóng bỏng, anh ta đã trải qua cái ấm áp dễ chịu của Las Palmas, cái nóng nực của Al-Mahara và địa ngục Quần đảo Cape Verde.
Ngày nay, những giai đoạn ấy chẳng còn lại chút gì. Máy bay đột ngột bứt chúng ta ra khỏi tuyết và băng giá rồi ngay ngày hôm đó ném ta vào vạc dầu nhiệt đới nóng rực. Đột nhiên, chỉ vừa mới dụi mắt là ta đã ở trong địa ngục ẩm ướt. Ta bắt đầu đổ mồ hôi ngay. Nếu bay đến từ châu Âu mùa đông, ta quăng bỏ áo choàng, cởi áo len. Đó là hành động đầu tiên của chúng ta, người phương Bắc, khi đến châu Phi.
Người phương Bắc. Có bao giờ ta từng nghĩ rằng người phương Bắc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên hành tinh này? Người Canada và Ba Lan, người Litva và bán đảo Scandinavia, một bộ phận người Mỹ và Đức, người Nga và Scotland, người Sami[1] và Eskimo, người Evenki và Yakut, danh sách cũng không dài lắm. Tôi không rõ tổng cộng nó có nhiều hơn năm trăm triệu người – chưa đến 10% cư dân trái đất – hay không. Ngược lại, một phần rất lớn sống trong ấm áp, cả đời được sưởi nắng. Vả lại, con người được sinh ra trong ánh nắng, những dấu vết cổ xưa nhất của con người được tìm thấy ở các xứ sở ấm áp. Thiên đường trong Kinh Thánh có khí hậu thế nào? Ở đó ấm áp vĩnh cửu, nóng nực là đằng khác, đến nỗi Eva và Adam có thể trần truồng và không cảm thấy lạnh ngay cả trong bóng cây.
Ngay ở cầu thang máy bay ta đã gặp một điều mới mẻ khác: mùi nhiệt đới. Điều mới mẻ? Nhưng đó chính là mùi hương ngập tràn trong cửa tiệm nhỏ của ông Kanzman “Hàng hóa từ thuộc địa và các loại khác” trên phố Pereca ở Pinsk[2] đấy mà! Quả hạnh, đinh hương, chà là, ca cao. Va ni, lá nguyệt quế; cam và chuối bán quả, bạch đậu khấu và nghệ bán cân. Còn Drohobych thì sao? Những cửa hàng quế của Schulz[3] thì sao? Chính là “những đồ vật sẫm màu và trang trọng được chiếu sáng lờ mờ, thơm nồng mùi của màu, sơn, nhang, đẫm hương của các xứ sở xa xôi và những chất liệu quý hiếm”! Tuy vậy, mùi nhiệt đới có khác một chút. Ta nhanh chóng nhận ra sức nặng của nó, sự nhớp nháp của nó. Thứ mùi này cho ta biết ngay rằng ta đang ở một điểm trên trái đất nơi giới thực vật rậm rạp và không mệt mỏi luôn liên tục hoạt động, sinh sôi, lan tràn và nở hoa, song đồng thời cũng đang tật bệnh, bị đốn ngã, sâu ruỗng và héo rụi.
Đó là mùi của những tấm thân được sưởi nóng và cá khô, của thịt ôi và sắn nướng, của hoa tươi và tảo rữa, tóm lại là mùi của tất cả những thứ đồng thời vừa dễ chịu vừa khó chịu, vừa lôi cuốn vừa đáng ghét, những thứ cám dỗ hoặc làm người ta ghê tởm. Thứ mùi này bay đến với chúng ta từ những rừng cọ không xa, thoát ra từ mặt đất nóng ran, bốc lên trên những rãnh nước mốc meo của thành phố. Nó không rời chúng ta, nó là một phần của miền nhiệt đới.
Và cuối cùng là khám phá quan trọng nhất – con người. Những người ở đây, dân bản xứ. Họ mới hợp với phong cảnh, ánh sáng và thứ mùi này làm sao! Dường như họ tạo thành một tổng thể. Dường như con người và cảnh vật không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, là một bản sắc, một cộng đồng hài hòa. Dường như mỗi sắc dân được đặt vào phong cảnh của riêng mình, khí hậu của mình! Chúng ta tạo ra phong cảnh của mình, còn phong cảnh nặn thành hình các đường nét trên gương mặt chúng ta. Người da trắng ở giữa những cây cọ và đám dây leo này, trong các bụi cây và rừng rậm này là một điều gì đó lạc lõng thừa thãi. Nhợt nhạt, yếu ớt, áo đẫm mồ hôi, tóc dính bết, anh ta luôn bị cái khát, cảm giác bất lực và chán nản hành hạ. Anh ta luôn luôn sợ hãi, sợ muỗi, a míp, bọ cạp, rắn – tất cả những gì cử động đều làm anh ta tràn ngập lo sợ, khiếp hãi, hoảng loạn.
…
Mời các bạn đón đọc Gỗ Mun của tác giả Ryszard Kapuściński.