Hãy chắc chắn bạn đã đọc rất kỹ phần I để đảm bảo rằng bạn đã “học” đầy đủ lý thuyết gốc rễ.
Hãy chắc chắn bạn đã nắm được hết các công thức trong phần II để đảm bảo cho việc thực sự “hiểu” và biến lý thuyết thành công cụ trong cuộc sống.
Giờ là công việc cuối cùng, cũng là công việc khó khăn nhất mà không ai có thể giúp đỡ hay làm thay bạn. Bạn phải tự mình đảm bảo và chịu trách nhiệm về những hành động thực tế của mình.
Bạn đã được trao tận tay những tư duy, công cụ quan trọng nhất để cải thiện hiệu quả cuộc sống nhưng việc công cụ đó có được sử dụng hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của bạn.
Tôi không biết bạn có nhận ra điều này không, nhưng Tri Thức Gốc đã được đúc rút và sắp xếp theo thứ tự rất đầy đủ và logic:
Triết lý gốc rễ về cuộc sống ở chương 1, về con người ở chương 2, và sự kết nối giữa con người và cuộc sống ở chương 3 đã mang đến cho bạn một Triết lý vững chắc về sự thật và những nguyên lý gốc rễ nhất tạo nên vạn vật trên đời này.
Lý thuyết về ba trò chơi lớn phải chơi ở chương 4 mang đến cho bạn Tư duy triển khai triết lý thành nhóm việc cụ thể cần tập trung thực hiện để đảm bảo một cuộc sống hiệu quả và hạnh phúc.
Phần II với ba chương đã cung cấp cho bạn một hệ thống các công cụ và hướng dẫn sử dụng đê cụ thể hóa hơn nữa những tư duy thành phương pháp rõ ràng giúp xử lý mọi vấn đề phát sinh trong đời sống cá nhân của bạn.
Bạn đã có trong tay gần như mọi yếu tố cần thiết để triển khai một cuộc sống mới hoàn toàn và hiệu quả hơn mỗi ngày. Hãy hành động và đừng trông cậy vào ai khác.
Bạn đã có trong tay cấm nang Tri Thức Gốc, bạn đã trân trọng và bỏ thời gian để đọc đến tận những dòng này. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang thực sự quan tâm đến chính mình và mong muốn một cuộc sống dễ chịu, hạnh phúc. Tôi không thể hành động thay, vì cuộc sống là của riêng bạn nhưng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ bạn hết khả năng bằng ba lời khuyên nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng dưới đây.
Lời khuyên #1: Hãy có cho mình một công cụ nào đó hỗ trợ cho việc biến lý thuyết thành hành động.
Một cuốn sổ tay là một gợi ý tốt, tùy vào thói quen và sự tiện dụng phù hợp. Bạn cũng có thể khai thác ứng dụng ghi chú, báo thức trong điện thoại của mình để nhắc nhở về những việc quan trọng cần ưu tiên. Hoặc bất cứ công cụ gì giúp bạn triển khai và vận hành tốt công thức sống hiệu quả. Một tập giấy A4, một chiếc bảng ghim, cũng có thể là một ai đó giúp quản lý kế hoạch và nhắc nhở bạn mỗi ngày.
Hãy tìm ra một công cụ hỗ trợ vận hành công việc phù hợp, miễn là mọi lý thuyết được biến thành hành động và bạn duy trì hành động đủ lâu. Tới một thời điểm bạn sẽ không còn cần đến bất cứ sự hỗ trợ bên ngoài nào nữa. Nhưng nếu mới bắt đầu hãy cứ chuẩn bị một vài sự hỗ trợ nào đó để đảm bảo lý thuyết được triển khai thành hành động.
Lời khuyên #2: Hây có cho mình một bản báo cáo phân tích hiệu quả của những hành động bạn đã và đang làm.
Công việc được thực thi đúng kế hoạch không thể là lời đảm bảo cho hiệu quả tích cực. Bất cứ công việc nào cũng luôn phát sinh những vấn đề cần giải quyết hoặc đôi khi để lại hậu quả ngoài ý muốn. Thế nên bạn cần phải có cho mình một bản tự báo cáo hiệu quả tối thiểu là hàng tháng. Hoặc tốt hơn là hàng tuần, thậm chí là hàng ngày nếu cảm thấy cần thiết.
Có thể là một trang A4 hoặc chỉ vài dòng ghi lại những công việc đã làm và kèm theo là đánh giá hiệu quả. Nó giống một bức tranh tóm tắt quá trình hành động của bạn. Định kỳ tự báo cáo cho chính mình để biết rằng thứ gì đang tiến triển tốt và thứ gì đang có chiều hướng xấu đi để kịp thời xử lý.
Một công cụ bất kỳ tiện lợi đều có thể sử dụng để làm bản báo cáo này. Đừng máy móc hay phức tạp hóa vấn đề. Liệt kê những đầu việc bạn đã làm, mức độ hoàn thành và thêm phần đánh giá hiệu quả theo ba cấp độ: Tốt, trung bình hoặc chưa tốt. Thế là đủ để bạn có được một bản báo cáo cần thiết.
Lời khuyên #3: Hây định kỳ tối ưu lại những hoạt động chưa hiệu quả.
Bạn đã có được công cụ hỗ trợ và thúc giục vận hành. Bạn cũng có được hệ thống báo cáo định kỳ về hiệu quả hoạt động. Việc cuối cùng nên làm là hãy tận dụng những bản báo cáo định kỳ này để tối ưu lại kế hoạch hành động.
Những bản báo cáo định kỳ sẽ cho bạn biết những gì đang hiệu quả cần phát huy đồng thời cũng cho bạn thấy rõ thứ gì còn chưa hiệu quả. Lúc này, hãy rà soát lại công thức lý thuyết gốc rễ để tối ưu cách thực hiện đầu việc chưa hiệu quả theo một hướng khác.
Thực hành những việc phải làm để sống hiệu quả hơn mỗi ngày là một chuỗi hành động tuần hoàn. Không có thứ gì trên đời là luôn tốt, cũng không có công việc nào là luôn suôn sẻ. Đây là nguyên lý không thể thay đổi. Thế nên việc hành động, báo cáo, tối ưu rồi tiếp tục hành động, báo cáo, tối ưu là một chuỗi liên hoàn khép kín phải làm.
Nếu công cụ bạn sử dụng là một cuốn sổ tay, hãy thêm một hạng mục vào trang báo cáo và viết xuống những điều chỉnh cho kế hoạch tiếp theo. Phần nhỏ này sẽ mang lại ý nghĩa lớn trong sự tiến bộ của bạn mỗi ngày.
Thực hiện được tốt cả ba lời khuyên trên đây, bạn thực sự đã có trong tay những trợ thủ đắc lực cuối cùng. Bạn chỉ có thể trách móc chính mình nếu cuộc sống không hạnh phúc hơn.
Cuốn sách Gốc Thực Hành được chia làm 3 phần chính với các nội dung sau
- Phần 1: Tư Duy (Nghĩ Đúng)
- Tận hưởng mọi trải nghiệm
- Ba khái niệm Tri Thức Gốc
- Ba nhóm việc cần làm
- Đừng tin vào tâm trí
- Công cụ nên dùng
- Phần 2: Công Thức (Hiểu Đúng)
- Ba trò chơi lớn
- Xử lý mọi tò mò
- Xử lý mọi vấn đề
- Phần 3: Thực Hành (Làm Đúng)
- 30 Ngày hiệu quả
- 30 Trang xử lý tò mò
- 30 Trang xử lý vấn đề
- Vùng sáng tạo
- Tái bút
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Gốc Thực Hành của tác giả Sự Thật Man