Cuốn sách “Hà Nội mũ rơm và tem phiếu” của tác giả Trung Sỹ, hay còn biết đến với tên thật là Xuân Tùng, là một tác phẩm đặc biệt mang trong mình những nét đặc trưng của văn hóa và cuộc sống Hà Nội. Từ góc nhìn của câu chuyện dòng họ và gia đình, tác giả đã tái hiện lại những khung cảnh, những biến động của thủ đô trong thời hiện đại một cách hóm hỉnh và chân thực.
Với lối viết hóm hỉnh và trào phúng, Trung Sỹ đã tạo ra một bức tranh sống động về Hà Nội xưa và nay, với những hình ảnh quen thuộc như những hàng lổng chổng, những chiếc rá sứt cạp hay những con phố nhộn nhịp. Qua những câu chuyện về những hồn phố, những con người Hà Nội, độc giả được đưa vào không gian thân quen và gần gũi của thủ đô, nơi mà những kỷ niệm và ấn tượng tuổi thơ đọng lại.
Cuốn sách này dành cho những người yêu quý và hồi tưởng về Hà Nội xưa, cho những ai cảm thấy bơ vơ và tụt hậu giữa sự phát triển không ngừng của thành phố. Đó là một món quà tinh thần đặc biệt, mang lại cho độc giả những cảm xúc hoài niệm và sự gắn bó mạnh mẽ với mảnh đất thủ đô.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu của tác giả Trung Sỹ
—
uê tổ ngoại tôi ở làng An Định, Thụy Anh, Thái Bình. Làng này còn gọi tên dân gian là làng Dành, đất khai khẩn lấn biển của cụ Nguyễn Công Trứ xưa kia. Cụ Nguyễn Công Trứ theo như dã sử giang hồ đồn đại thì lắm thê nhiều thiếp, đông đảo nàng hầu… Đã có lần từng bị một cô đào bắt đền: “Giang sơn một gánh giữa đồng – Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?”. Cả làng gần như đều là họ Nguyễn Công. Ông ngoại tôi sinh năm 1905 tuổi con ngựa, cũng họ Nguyễn Công và như thế, tất nhiên là cũng hai vợ chính. Còn có đâu thêm thì không biết.
Thời đó, hầu hết nhân dân ta, nhất là nông dân trên khắp mọi miền đất nước đều hút thuốc lào. Vua hút, quan hút, dân chúng nam nữ cũng hút. Chỉ có một số ít công chức làm việc cho bọn đế quốc sài lang hút thuốc lá. Đặc biệt ở quê hương các cụ nhà tôi lại là đất thuốc lào. Có nhiều chân ruộng như vùng Sáu Đỗi, là khu vực vườn bánh được mệnh danh là thuốc tiến vua. Người ta hay nói đến thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nhưng thực ra đó là dòng thuốc Nam. Còn thuốc lào quê tôi thuộc dòng thuốc Đông.
Không phải quê tổ cái gì cũng hay, nhưng theo các cụ thuốc Tiên Lãng, Vĩnh Bảo thời đó sợi đen, hồ nhiều nước cháo nên khi xé bánh thuốc không có độ tơi xốp. Mã thuốc không gợi nhiều cảm hứng cho người hút như dòng thuốc Đông, mặc dù chất lượng gần như tương đương. Thuốc lào Thụy Anh thái sợi lớn hơn, có màu vàng đến vàng sẫm, chắc khói và có độ say êm ả, không nóng hoặc xóc.
Hẳn ai cũng nhớ câu chuyện Ném bút chì của cụ Nguyễn Tuân, kể về ông trùm Cai Xanh có cái hộp thuốc lào bằng vỏ quýt già khô, chạm mặt hổ phù. Ông Cai Xanh quả sành điệu bậc nhất thiên hạ. Thuốc lào sợi có ướp mùi vỏ quýt hút phê thượng thặng.
Việc chăm bón và canh tác cây thuốc lào ở quê ngoại đã trở thành một tập quán canh tác chuyên sâu khó có nơi nào sánh kịp. Ví như việc làm đất, đánh luống sao cho không bị ứ đọng nước và hướng luống phải đón được gió Nam khi sắp thu hoạch. Việc bón phân, phải là phân chuồng mục trộn với đất tường vách, có vị thơm khói và vị vôi ngâm rơm ngấu trát vách. Thuốc chăm bón kịp thời vụ, bẻ nhánh, chỉ giữ lại mỗi cây khoảng trên chục lá, sao cho lá dày. Hằng ngày phải bắt sâu, đánh mùng, chải lá giữ cho cây sạch không mắc bệnh. Đến vụ thu hoạch phải nhìn cây, nhìn màu sắc lá, chọn thời tiết mới được hái thuốc.
Cây thuốc lào ưa đất thịt, có phớt vị chua phèn của những vùng ven biển như Thụy Anh, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Là cây thân thảo, lá to bản, thường được trồng vào cuối mùa đông, lúc giáp Tết Nguyên đán. Lúc này trời hanh heo, phải tưới nước nhiều. Khi lá đã to, cây đã lớn, lại rất cần gió Đông để cây hút được nhiều hơi ẩm. Cây thuốc lào khi lá đã già, chuyển sang màu vàng là đến vụ hái thuốc. Khi ấy lại rất cần gió Nam. Người trồng thuốc khi thấy gió Nam to nổi lên, chờ thêm chớp bể mưa nguồn xuất hiện, đợi lúc buổi chiều mặt trời sắp lặn, rủ nhau ra đồng hái thuốc. Đủ các điều kiện thời tiết lý tưởng hợp thành như thế, gọi là thuốc “được giấc”. Thêm điều kiện vị trí, được trồng ở chân ruộng tốt nữa là thuốc hạng vô đối trên đời.
Đến vụ hái thuốc, không khí lao động trong làng tất bật. Nào chuẩn bị phên phơi. Nào mời các thợ giỏi đến hái thuốc… Thuốc hái đến đâu, đem cho vào ang, giậm đạp cho mềm. Sau đó các chị em phụ nữ khéo tay vào thuốc, lên phên đem phơi. Khi thuốc đã khô, tiếp tục dùng các bầu thuốc phun hồ nước cháo, phun nước vỏ só hoặc nước củ nâu sao cho thuốc lên xuân sắc. Thuốc được phơi ban ngày, ban đêm dãi thả sương gió để hấp thụ được hương vị của thiên nhiên và thải bớt vị hăng.
Khi thuốc đã phơi khô thấu đáo được vài ba ngày, người ta lấy dao sắc rạch lá thuốc làm bốn phần, bao đóng sợi thuốc thành từng bánh. Mỗi bánh chừng hai lạng, nén chặt thành hình chữ nhật. Sau đó lấy lá go, lá chuối đã phơi khô gói xung quanh, lấy lạt buộc lại, trông giống như một chiếc gối nhỏ. Xong xuôi đem đóng vào vại, bịt kín bằng mo không để tránh không khí lọt vào gây ẩm mốc. Nhà nào nhiều có hai trăm bánh, nhà ít nhất cũng có từ dăm chục bánh trở lên.
Đến mùa hái thuốc, anh cả của ông ngoại tôi, chủ hãng thuốc lào Giang Ký, từ Hà Nội về quê. Cụ bỏ tiền mua chức Chánh tổng nên người làng thường gọi cụ Chánh. Thế mới biết đời trước cũng mua quan bán tước. Nhưng chức này chỉ để lấy danh thôi, để ngồi chiếu trên hàng tổng, đánh chén trong các kỳ hội hè đình đám chứ không được quyền tham gia nghị sự.
Về đến quê, cụ báo tin cho bà con xóm mạc, nhà nào có thuốc lào thì ghi tên vào bánh thuốc để đưa đến làm bánh thuốc chiêu hàng. Tối đến, cụ cho mời bốn cụ sành hút thuốc, biết thưởng thức vị thơm ngon của thuốc lào đến dùng thử. Sau đó mỗi vị cho điểm ghi vào bánh thuốc chiêu. Khi các bánh thuốc chiêu đã có đầy đủ điểm phê của các vị, cuối cùng đến lượt cụ Chánh cho điểm.
Cụ không biết hút thuốc, nhưng cụ nhìn mã sợi, ngửi mùi thuốc và lấy tay vê chừng vừa một điếu. Vê xong mở ra xem điếu thuốc nở hay chặt. Qua những cảm nhận này, cụ đánh giá bằng cách cộng số điểm của bánh thuốc đã được bốn người phê, chia lấy điểm bình quân rồi thêm điểm nếu đúng thuốc ngon, hoặc bớt điểm nếu thuốc có mùi khét. Từ đó, theo giá cả thị trường mà quyết định giá tiền một cân. Không biết hút thuốc mà lại biết đánh giá thuốc, kể cũng tài.
Khi đã định giá xong, cụ Chánh thông báo cho các nhà mang thuốc lào đến cân, có gia đình được dăm chục cân, một tạ, hai tạ… Nhà nào có năng suất cao và trồng được nhiều, cụ thưởng cho hai đồng bạc Đông Dương. Các gia đình nhận tiền xong còn được biếu ba lạng thịt lợn sống và một gói xôi về liên hoan.
Thuốc đã thu mua xong, cụ mượn người đan sọt để đóng thuốc vào. Lấy lá go, lá chuối khô lót kỹ vào trong sọt và bọc ni-lông, bốc lên xe chuyển về Hà Nội. Nhờ có sự tiêu thụ, động viên và thu mua giá cả hợp lý của cụ cả mà nghề thuốc lào ở làng An Định và một số làng bên ngày càng phát triển. Nhãn hiệu trình tòa thuốc lào Giang Ký từng xuất đi khắp Đông Dương.
Em ruột cụ Chánh là ông ngoại tôi, do hoạt động Cộng sản bị đế quốc sài lang bắt được tại Kiến An, Hải Phòng. Sau khi thành án khổ sai chung thân, bị đày đi Sơn La năm mới 18 tuổi, rồi bị đày tiếp đi Côn Đảo, cùng khám với ông Phạm Văn Đồng. Ông tôi thường được các đồng chí gọi là Tư Nghi.
Cụ Chánh thương em trai, vội vàng đi vận động chạy án. Vốn là người có ân nghĩa lớn với gia đình bên vợ ông Phạm Quỳnh, cụ nhờ Phạm Quỳnh viết thư cho Louis Marty, là giám đốc chính trị tòng sự tại phủ Toàn quyền Đông Dương, cũng là bạn cũ đồng sáng lập tạp chí Nam Phong, nhờ Louis Marty can thiệp giảm án. Tư liệu này tôi được đọc do sau khi Louis Marty chết, bà vợ thấy có bút tích của Phạm Quỳnh, đã gửi lại cho bà Phạm Thị Ngoạn, con gái ông và cũng là tiến sĩ Sorbonne, Paris, tác giả luận văn Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong (Introduction Au Nam Phong).
Ông Phạm Quỳnh đã cố hết sức dùng tình cảm riêng thân mật lâu năm với Louis Marty để xin xử nhẹ tay với người cộng sản trẻ tuổi. Việc này không ăn thua. Bọn quan tòa đế quốc sài lang dã man chê tiền. Mãi đến năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp cầm quyền thì ông tôi mới được tha.
Về đến Hà Nội, ông được cụ Chánh giao cho việc buôn bán chấn hưng nhãn hiệu thuốc lào Giang Ký. Hiệu thuốc lào ở số 8 phố Đồng Xuân, có thông thước thợ với một nhà nữa là nhà số 23 phố Hàng Khoai. Ngôi nhà này tôi đã sống suốt thời đi học. Ông tôi vừa kinh doanh, vừa đứng tên mua cái biệt thự số 5 phố Thiền Quang, cho thuê lấy quỹ hoạt động cho Đảng Cộng sản.
Chẳng được bao lâu, thực dân Pháp gây hấn và chiến cuộc lại bùng nổ ngay tại đất kinh kỳ. Thăng Long phi chiến địa nay đã trở thành chiến địa đẫm máu. Những người đầu tiên đứng lên chống quân xâm lăng trong đêm ngày 19 tháng Tuyết, không ai khác, lại là chính những người Hà Nội. Tôi dùng chữ “tháng Tuyết” là để tưởng nhớ đến ông cậu họa sĩ của tôi, vốn mê mẩn với Cách mạng Tư sản Pháp. Đục tường nhà nối mọi đời riêng, những người Thủ đô lên chiến lũy, với những vũ khí tự trang bị trong mô tả của Xuân Quỳnh:
“Anh giáo tư nhút nhát
Đưa bàn tay trắng trẻo nhận thanh gươm
Anh sinh viên trường Thuốc ngang tàng
Mang đến con dao giải phẫu
Anh kéo đàn tiệm rượu
Bác phở rong mũ dạ
Ông thợ già bẻ ghi.”
Lúc nước sôi lửa bỏng, chẳng ai so đo soi xét thành phần giai cấp. Tôi cho rằng thực sự những câu thơ yêu mến nhất, tài hoa nhất, là bởi chính những con người mang chất trí thức tiểu tư sản Thủ đô viết nên. Họ không đủ giàu có để tính toán thiệt hơn, họ cũng không vô sản bần cùng để bất chấp tất cả, nhưng họ có một trái tim mẫn cảm và nhiệt thành. Bỏ lại “những mặt hồ sương muối, những sân trường lá rụng áo bay”, lớp người Hà Nội lên đường hẹn ngày trở lại.
Chiến dịch Biên giới năm 1950 đánh thông biên giới với Trung Quốc thắng lợi, cùng với vũ khí đạn dược, trọng pháo, cao xạ… được chuyển sang Việt Nam, gói viện trợ đi kèm theo là các cố vấn quân sự cùng quan điểm “Chính quyền đẻ ra từ nòng súng”, “Lấy nông thôn bao vây thành thị”… Giai cấp công nông, đặc biệt là bần cố nông, được gọi là giai cấp triệt để cách mạng, lên ngôi cao và được ưu tiên đặc biệt.
Từ đây bắt đầu xuất hiện phân biệt giai cấp. Trí thức, văn nghệ sĩ, tiểu tư sản thành thị thất sủng ra rìa. Những người mẫn cảm với thay đổi, thiếu kiên trì chịu đựng “dinh tê” trở về Hà Nội như họa sĩ Tạ Tỵ, nhạc sĩ Phạm Duy… Những kẻ dũng cảm kiêu hãnh trên chiến lũy ngày nào, ở lại cúi đầu trước những phê phán riết róng nặng lời từ những người vốn trước chia nhau từng mo cơm hay bao đạn. Cũng từ đây, họ bị gắn cái đuôi “tạch tạch sè” (TTS – Tiểu tư sản, viết tắt).
Sơ bộ hoàn cảnh xã hội và gia đình trước khi tôi ra đời là như vậy. Những thông tin này được tham khảo qua sách báo nhiều nguồn, qua lời kể hay ghi chép của các thành viên trong gia đình, họ hàng. Và bây giờ bắt đầu những câu chuyện vụn vặt của tôi, một thằng bé được sinh ra trên đất Hà thành, kể từ khi nó biết ghi nhận những chuyện xung quanh và ghi vào trong ký ức dẫu còn non nớt.
—-
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève đưa những người con của Hà Nội trở về Thủ đô. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón ngày mở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”. Sau những buồn tủi, mừng vui hạnh phúc ngày hội ngộ, Hà Nội bắt đầu công cuộc đổi mới, “từ một thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất”, cùng với nông thôn đang kỳ rầm rộ tiến hành cải cách ruộng đất.
“Những người lao động quang vinh
Chúng ta làm chủ đời mình từ đây.”
—-Trích bài thơ 30 năm đời ta có Đảng (Tố Hữu).
Người Hà Nội trong giai đoạn này theo tôi, chia làm hai khối: Khối quân nhân và khối xã hội. Khối quân nhân, bao gồm các sĩ quan binh lính cùng gia đình hay đơn vị của họ, về tiếp quản và bảo vệ thủ đô. Họ sống tập trung trong doanh trại, chủ yếu là trong các khu quân sự cũ của người Pháp, trong Thành cổ Hà Nội. Các khu tập thể gia binh độc lập và tách biệt cũng được thành lập mà sau này bọn trẻ con chúng tôi gọi là các “quân khu”.
Nhiều quân khu lắm: Quân khu Nam Đồng của các sĩ quan trung cấp, thậm chí đã lên văn đàn, trong một cuốn best seller. Quân khu 28 Điện Biên, Quân khu Lý Nam Đế, Quân khu K.95 ngoài bãi Phúc Xá. Quân khu 1A Hoàng Văn Thụ… Hẳn các chính ủy muốn thế để dễ tập hợp đơn vị khi có biến, hoặc cách ly sợ các quân nhân ăn phải bả ánh sáng kinh thành khi Đứng gác dưới ánh đèn nê ông2. Khối này tôi không biết nhiều, ngoài việc nhận xét là tụi trẻ con cùng lứa trong các khu đó có vẻ ngang ngược kiểu anh chị, rất đoàn kết và đánh nhau lỳ thôi rồi.
2 Tên một bộ phim thời đó.
Khối xã hội như tôi muốn nói, bao gồm những người Hà Nội cũ như gia đình tôi cùng những người mới dọn đến. Bà tôi đi học tập cải tạo Tư sản tư doanh về, đồng ý hợp doanh với nhà nước, đồng ý hiến đất cùng một ngôi chùa dưới Bạch Mai mà sau đó Ban Vận tải C sử dụng, đồng ý chia căn nhà số 8 phố Đồng Xuân, vốn là cửa hàng kinh doanh cũ, cho Sở Thương Nghiệp Hà Nội. Trước đó, khi tiếp quản Hà Nội, ông bà tôi cũng đã giao căn biệt thự số 5 phố Thiền Quang lại cho chính quyền mới.
Ngôi nhà số 8 phố Đồng Xuân này nhà nước niêm phong tầng một nên các cán bộ thương nghiệp được phân công về ở phải đi nhờ qua lối nhà tôi ở số 23 phố Hàng Khoai. Cũng do họ đi nhờ qua nhà mà ông bà tôi dù muốn yên ổn độc lập, nhưng cũng phải giao tiếp dân sự thường nhật cho phải phép.
Bên nhà số 8 phố Đồng Xuân có vợ chồng chú Nghĩa cán bộ sở Thương nghiệp, vợ là cô Nga rất hiền lành ít nói. Hai vợ chồng không có con cái gì. Chỉ khi xóm ấy chửi nhau móc máy, nhà tôi mới biết cô Nga xưa hát cô đầu. Tôi thấy cô Nga vẫn im lặng chịu đựng mọi lời rỉa rói, thậm chí còn không ăn diện như cô mậu dịch viên cửa hàng ăn uống phố Huế quê Thanh Hóa, người hay chửi cô Nga nhất.
Cô mậu dịch viên hừng hực hai con này có chồng là một đại úy quân đội đóng quân mút mùa ở bên Lào. Cô thường phục vụ về khuya muộn, lại hay có bác Lộc cũng là cán bộ thương nghiệp, đưa về và ở lại luôn. Bà tôi luôn phải mở cổng đêm cho cặp đôi này. Bác Lộc đi qua nhà không hỏi không chào ai bao giờ, cái đầu chải sáp cứng nếp bóng nhoáng. Ông cậu họa sĩ mê Cách mạng Dân chủ Tư sản Pháp của tôi vỡ mộng, điên lên chửi đổng “cán bộ gì mà lầm lầm như chó ăn vụng bột”. Bác Lộc không thèm đếm xỉa đến ý kiến của phái cách mạng tư sản, vẫn phớt đều.
Gian ngoài trên gác sáng sủa nhất, nhà nước xếp cho ông Đoàn Ba, một cán bộ chắc cũng có cỡ, người Quảng Nam. Bác Ba vui tính nhưng bị suyễn kinh niên. Chính mắt tôi trông thấy bác Ba vồ được một con thạch sùng bự tổ chảng. Bác há miệng to ngậm con bò sát kinh khủng, bấm đuôi cho nó chạy thẳng vào trong họng. Bác bảo đó là một bài thuốc chữa hen đặc trị. Sau này bác nhường phòng cho con trai bác, một phi công bên sân bay Gia Lâm tên là Khanh.
Anh Khanh mới lấy chị Hòa xinh đẹp, là tiếp viên hàng không cùng công tác trong sân bay. Chị Hòa cũng mới được tuyển về, chuyên phơi si-líp ra ngoài ô trám ban công đối diện chợ Đồng Xuân. Lão bán mũ dạ bên nhà số 6, bị si-líp hồng hàng xóm treo trên đầu biển hàng nhà mình, cáu kỉnh sang mách bà tôi.
Nhà bên đó đã hiến cho nhà nước rồi, nhưng bà tôi vẫn phải chịu trách nhiệm “chính trị”. Bà lại lẳng lặng sang thẽ thọt nhắc nhở chị. Khốn khổ cho bà cụ tư sản yếm sồng váy đũi cổ hủ, vừa mới giác ngộ xong đường lối kinh tế sau kỳ học tập cải tạo, nay được giác ngộ thêm về màu sắc biểu trưng thời trang đầy sức sống của nữ công dân Hà Nội mới.
***
Gian ngoài nhà số 23 phố Hàng Khoai, ông bà tôi cho gia đình bác Ninh, Phạm Lê Ninh, đội trưởng đội cận vệ bảo vệ cụ Hồ ở nhờ. Người giới thiệu, vận động ông bà tôi giúp cho việc này là bà Thanh, một cán bộ phụ nữ chuyên lo những việc nội chính cho gia đình các lãnh đạo cấp trung ương.
Bà Thanh người to béo, sống độc thân không con cái gì, ở một căn phòng trong khu biệt thự trên đường Phan Đình Phùng. Mỗi lần lên Hàng Khoai chơi, bà thường bảo bà tôi: “Chị ơi em thèm bát bún thang quá”. Thế là mẹ tôi hoặc các dì lập tức phải xách ăng-gô cặp lồng, chạy gấp ra ngõ chợ Đồng Xuân mua về.
Gia đình bác Ninh thật hiền lành dễ mến. Bác trai không bao giờ ở nhà, chỉ thỉnh thoảng đi xe com-măng-ca về thăm chốc lát. Trong những dịp lễ, bác trai về với bộ quân phục ka ki, mũ kê pi trắng rất oách, còn đôi lần cho tôi leo xe chơi. Bác Ninh gái có lẽ một đời áo đũi thâm nâu, lúc nào cũng một nửa cái khăn mu-soa buộc chéo che bên mắt đau mãn tính. Thỉnh thoảng, bác lại lấy đuôi khăn chấm mắt khi nói chuyện với bà tôi.
Bác gái ở nhà quê lâu sống thuần, nay đổi cảnh phải theo chồng lên Hà Nội, chắc nghĩ không muốn làm phiền những người cho nhà mình tá túc nên không hay chuyện. Nhưng tụi trẻ con, là anh em tôi với chị Thạch, chị Bích con bác Ninh thì không có khoảng cách. Chị Thạch lớn hơn chúng tôi vài tuổi, nhưng đã phải đỡ đần bác gái bao việc trong nhà. Chúng tôi chơi đùa với nhau như những đứa trẻ sinh ra từ một mái nhà, có cái kẹo bột chảy cũng để phần nhau.
Hà Nội năm đó vắng lắm. Một ngày mùa đông giá lạnh, tôi chơi với Xuân Diệp, là em gái tôi ở trước cổng nhà. Một cô áo bông hoa chấm xanh đi qua với một gói kẹo lớn cầm tay. Cô ấy nhìn con Diệp bụ bẫm một lát, chìa gói kẹo ra bảo: “Cháu đi theo cô, cô cho kẹo”. Con bé tham lam này nó đi theo luôn.
Tôi không được kẹo đã tức, lại thấy em bị lôi đi, sợ mất, vội kêu toáng lên. May lúc đó chị Thạch chạy ra, hỏi: “Cô kia đưa em cháu đi đâu, cô định làm gì?”. Chị Thạch giằng tay con Diệp lôi lại, làm ầm lên. Con mẹ mìn kia biết không xuôi, đi như chạy về phía chợ Đồng Xuân. Khi người lớn chạy từ trong nhà ra đã không thấy mụ đâu nữa.
Tối hôm đó, cả hai nhà quây quần dưới bóng đèn nung, kể những chuyện thêu dệt về đề tài những con mẹ mìn, những ông ba bị chín tai mười hai con mắt chuyên đi bắt trẻ con. Có chuyện bọn buôn lậu mổ moi bụng trẻ con, nhồi thuốc phiện vào quấn tã như em bé đang ngủ, bế lên tàu hỏa vận chuyển qua mặt công an… Toàn những chuyện ghê rợn còn hơn cổ tích Charles Perrault, cho đến bây giờ tôi cũng không sao quên được.
Sau chuyện mẹ mìn này một thời gian, ban Nội chính trung ương thu xếp được chỗ ở mới cho gia đình bác Ninh, cũng ngay trong nội thành Hà Nội. Chúng tôi chia tay nhau và từ đó đến nay chưa bao giờ gặp lại, mặc dù chắc hẳn vẫn ở cùng một thành phố.
***
Ông ngoại bà ngoại, ngày bé tôi gọi là ông ta, bà ta, để phân biệt với ông bà bên nội. Sau cải tạo Công tư hợp doanh, sở Thương nghiệp gọi bà đi làm. Cơ quan của bà tôi là cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh số 53 phố Hàng Ngang, với công việc là dán phiếu. Từ một chủ hãng buôn, nay bà tôi đã vinh dự trở thành một cán bộ công nhân viên nhà nước. Về việc này, ông tôi có hẳn một bài thơ đầy tự hào mà tôi nhớ nhất hai câu:
“Ông ta công tác bảo tàng
Bà ta dán phiếu cửa hàng Hàng Ngang.”
Dán phiếu là một công việc buồn tẻ. Để tôi giải thích rõ về công việc đó nó là thế này. Cán bộ, công nhân viên và nhân dân thành thị, kể cả trẻ em, được nhà nước cấp phát tem phiếu mua hàng theo quý. Mỗi loại tem phiếu ứng với một loại hàng chất đốt, thực phẩm hay nhu yếu phẩm nhất định. Các cô mậu dịch viên bán hàng cầm kéo nhoay nhoáy cắt xoẹt, thu lại các ô phiếu tiêu chuẩn mà người dân vừa mua, xếp vào những chiếc hộp. Nó cũng giống như cảnh sát giao thông đục lỗ bằng lái xe bây giờ vậy.
Họ đưa các hộp tem phiếu đã cắt rời lên tầng hai, là chỗ công tác của bà ngoại tôi. Các nhân viên dán phiếu quét hồ dính lên những tấm bìa giấy xi măng khổ 0.8 x 1.0 m, dán những ô phiếu cùng loại lên đó theo hàng lối, kiên nhẫn như người thợ thêu tranh. Cán bộ kế toán sở Thương nghiệp tổng hợp thống kê được lượng bách hóa bán ra nhờ đối chiếu với những tấm bìa phiếu dán này.
Cùng dán phiếu với Giang Ký bà tôi, là các bà chủ nhà buôn khác: bà Phúc Tường, bà Vạn Lợi, bà Huân Ký… Các bà vẫn cười đùa, gọi nhau theo tên đăng ký môn bài cũ, không gọi tên thật bao giờ. Không khí lao động rất phấn khởi, rất vui tươi theo tinh thần công tư hợp doanh vì nhân dân phục vụ. Khác hẳn với mấy cô mậu dịch viên cau có tầng dưới do khách đông chen lấn.
Khi tôi đến cơ quan mậu dịch, lên tầng hai chơi với các bà, bao giờ cũng được một vài cái bánh chả thơm phức lá chanh, hoặc ít ra là khúc sắn vàng dẻo quánh. Nhưng ấn tượng nhất ở đây là một thứ mùi đặc biệt, là tổng hợp của các thứ mùi. Mùi hồ chua chua từ các súc vải ẩm, mùi men kẹo giấy chảy, mùi mốc các thùng gỗ cũ, mùi hăng hắc từ các con cá chép nhựa mới nhập… Lĩnh xướng trên tất cả loại mùi, có lẽ là mùi khen khét, ngầy ngậy của xà phòng cục 72% Liên Xô. Tổng phổ mùi đó cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được, nó ám vào đầu óc rồi, và tôi tạm đặt tên là “mùi mậu dịch”.
Bà tôi đi làm về, thong thả đi bộ giữa hàng phố lưa thưa người bộ hành trong một ngày lạnh. Bà tôi tóc đen, vấn trần khăn nhiễu đen, áo nhung tuyết đen trần trám, với chùm chìa khóa đồng leng keng reo trong gió đông. Răng bà tôi nhuộm đen nhức hạt na, như răng bác trưởng Yên, vốn cũng chủ một hiệu buôn nhưng không chịu vào hợp doanh với nhà nước. Bác trưởng Yên gọi bà tôi là cô ruột, bán chanh ớt chợ Hàng Bè, tá túc tại nhà tôi để hằng ngày đi chợ cho gần.
Tối tan chợ về, thế nào bác cũng có quà cho con em út tôi, năm đó mới bi bô học nói. Những hôm không có quà, con bé dỗi, chê răng bác đen sì sì như hòn than. Bác trưởng cười bảo răng bà ngoại cũng đen. Nó gân cổ cãi không phải, răng bà ngoại trắng tinh như tờ giấy. Con bé có năng khiếu này, giờ cũng làm cán bộ nhà báo, với chức danh nhơ nhỡ ở một cơ quan truyền thông tầm quốc gia.
***
Bà tôi sinh được sáu người con. Do bận kinh doanh hoặc do thiếu sữa thế nào đó, nên từ mẹ tôi cho đến mỗi cô, cậu, đều có một u nuôi cho bú mớm. Tôi thấy các cô cậu gọi các bà là “u”, xưng “em”. Còn mọi người trong nhà gọi các bà theo tên cô, cậu mà các bà cho bú: bà Hải, bà Hòa, bà Hợp, bà Nhân, bà Nhu…
Hà Nội bấy giờ sống trong chế độ mới Dân chủ Cộng hòa. Mẹ tôi cùng các cô, cậu cũng đã trưởng thành. Khi công cuộc cải tạo tư sản tư doanh được tiến hành, một số người làm là con cháu họ hàng trong nhà hoảng sợ, chạy cả lên miền ngược để tránh tiếng và lập nghiệp, song các u vẫn đi lại thăm nom thường xuyên. Thậm chí các bác các cô con ruột của các u ra Hà Nội là đến nhà, ăn ngủ tự nhiên như người nhà.
Các u không đếm xỉa đến cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra quyết liệt triệt để. Chẳng có lý do gì để hoảng sợ những đứa trẻ vẫn gọi mình là u, bú mớm và lớn lên từ dòng sữa của mình. Cũng chẳng việc gì phải đấu tố hay né tránh những người cư xử, ăn ở với mình như ruột thịt. Có lẽ trong lòng các u chỉ biết yêu thương trong bản năng hồn hậu tình người.
Trong đám các cô, cậu u săn sóc, bở nhất là cậu Nhân tôi. Cậu tôi mê sách, mê nghệ thuật hội họa nhưng lười và bẩn như hủi. Cậu tôi học xong lớp sáu thì bỏ ngang, hớn hở chạy theo thần tượng Pavel Corsaghin với lý tưởng thanh niên xây dựng thủ đô mới, xin làm công nhân nhà máy Trung quy mô. Thấy cậu có năng khiếu vẽ, lãnh đạo nhà máy xếp cho một chân chuyên làm pa-nô áp phích cổ động sản xuất.
U Nhân nhà ở phố Lò Sũ, Chủ nhật nào u cũng đến nhà kiểm tra ông con nuôi. Sau khi cho tôi cái kẹo lạc, u vào buồng dựng cậu Nhân tôi dậy, lôi cậu đi tắm. U chất đầy một chậu quần áo dính màu vẽ lẫn dầu mỡ cả tuần ra giặt thật lực. Những ngày mùa xuân trời ẩm mù, con phố dài xộc xệch, méo đi trong mưa bụi. Cậu tôi không đi đâu được, ở nhà vẽ hoa hoét hay cá vàng trang trí lên guốc sơn cho gái, hoặc ngồi làm thơ. Được câu nào đắc ý, lại chồm dậy chạy xuống sân khoe: “U ơi u, em vừa xong câu này hay lắm:
“Khe khẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của mùa xuân.”
U Nhân đang giặt, vừa giặt vừa làu bàu ca cẩm chửi thói bừa bãi bề bộn của cậu, nghe xong câu thơ bỗng im thin thít. Với u, cậu Nhân là cả một tài năng.
Công cuộc công hữu hóa tư sản hoàn thành. Các hiệu buôn lớn phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân… cửa khép im ỉm. Buôn bán nhỏ vẫn được duy trì để gắng thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu của người thành thị. Dăm lọ tăm tre, đôi vại dưa cà, mấy lọ ô mai gừng, ô mai sấu trên phố Hàng Đường. Những mẹt bóng bay cho trẻ con, tận dụng chế tạo từ các bao cao su cũ có rắc bột tan cho khỏi dính trên phố Đồng Xuân. Xâu xúc xắc hay còi huýt sắt tây cuốn hàn thiếc, nhuộm kim loại màu đỏ hoét, thổi đỏ choét môi lèo tèo treo phố Hàng Thiếc…
Bà tôi đóng cửa hiệu buôn. Từ đây cảnh nhà sa sút. “Những bữa cơm chiều ở dưới đèn” ngon lành đợi chờ thằng bé đi học về đói bụng, đang băng qua vườn Lục Xâm Bảo của Anatole France xưa, bây giờ chỉ còn món chuối bung. Sau những ngày trăng mật với niềm hứng khởi đầy chất lý tưởng ban đầu, cậu Nhân tôi dường như đã thất vọng. Khi lâm cảnh thiếu thốn, chiến tranh thường bùng nổ và diễn ra tại căn cứ địa dạ dày. Một định nghĩa về thịt cậu tôi nhái theo sách giáo khoa Sinh vật lớp sáu, trong bài ông Leeuwenhoek tìm ra vi khuẩn dưới kính hiển vi: “Thịt là món ăn thường có trong bữa ăn hằng ngày của nhân dân, mà bằng mắt thường ta không thể nào nhìn thấy được”.
Món chuối xanh bung cậu tôi gọi là món “chối”. Món bí đỏ cậu tôi gọi là “bí ử”. Khoai sọ ăn liên tục, cậu gọi là khoai “sợ”… Ông tôi nghe thế, mắng cậu tôi khốn khổ, chửi cậu là lũ chậm tiến không biết hy sinh. Suốt bữa, ông chỉ lo Liên Xô mất mùa, phải đi vay bột mì của Mỹ mà vẫn phải viện trợ cho ta. Bà tôi im lặng, chịu đựng những xung đột ấy, chịu đựng luôn cả các cán bộ Sở Thương nghiệp mà nhà nước phái đến ở nhờ trong nhà. Bà tôi trở thành người mở cửa mỗi khi họ đi công tác hay đi chơi về khuya. Gian ngoài tôi ngủ chung với bà. Tiếng guốc gỗ cùng tiếng líp râu tôm xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc tanh tách vang động những đêm đông, khi họ dắt xe qua đầu giường bà cháu tôi để lên nhà.
Các nhà lý luận vô sản có lẽ đã đúng khi chỉ ra rằng giai cấp tiểu tư sản vốn hay dao động. Tôi chép lại bài thơ của cậu ghi trong sổ, không biết cậu làm hay copy của ai. Bài thơ này nếu cậu in hay phổ biến trong giai đoạn đó hẳn sẽ biến cậu thành một nhà buôn mũ vì bị quy chụp.
“Bởi thiếu màu tươi trên giá vẽ
Nên không họa nổi cảnh huy hoàng
Những ngày tươi đẹp trời trong sáng
Bức họa đời ta bỏ dở dang.
Ta thiếu màu son tươi máu trẻ
Và màu vàng thắm nước non nhà
Màu xanh hy vọng ta không có
Màu tím chung tình chửa kịp pha.
Pallet pha màu ta chỉ thấy
Màu xám vô duyên của quá thì
Màu nâu cát bụi trên đường thẳm
Của buồn, và của tháng ngày đi
Màu đỏ hung tàn pha máu địch
Màu tím bồ quân của oán thù
Màu xanh nhạt những đêm không ngủ
Màu vàng già cỗi điểm tàn thu.
Ta thương nhớ mãi màu trinh trắng
Của những ngày xưa tuổi ấu thơ
Tâm hồn non dại và tươi trẻ
Nhưng hoang phí hết tự bao giờ.”
Cậu Nhân tôi không được gọi đi bộ đội, không phải do quan điểm phân biệt giai cấp. Giai cấp tư sản, tiểu tư sản lẫn trí thức vẫn chiến đấu hy sinh được tốt. Cậu tôi mắc một thứ bệnh hiếm gặp, bệnh u sợi thần kinh (Neurofibromatosis). Chàng họa sĩ bô giai và lãng tử ngày nào, hình hài vụt biến, trở nên giống như anh kéo chuông Quasimodo của Nhà thờ Đức Bà Paris. Cậu càng chán nản và có phần bất mãn. Thường ngày cậu đưa một hào, sai tôi ra bưu điện Đồng Xuân mua tờ báo Quân đội Nhân dânnăm xu, năm xu thừa lại cho tôi. Dân phố thị thích đọc báo Quân đội hơn, vì trong đó có nhiều tin chiến trường nóng sốt, không có xã luận dông dài lắm chữ khó hiểu. Báo Nhân dân thường ế. Thấy vậy, cô bưu điện khó tính nảy ra sáng kiến, bắt người mua báo Quân đội phải mua kèm báo Nhân dân.