“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Vâng! Hai tiếng “quê hương” rất thân thương và gần gũi. Cho nên dù đi đâu, ở đâu và làm gì không một ai có thể quên đi nguồn cội của mình. Mang dòng máu Việt Nam sinh sống và học tập trên khắp các nước trên thế giới, nhưng ngôn ngữ, những phong tục tập quán cùng những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc không thể xóa nhòa trong trái tim Việt. Việc tôn trọng, lưu giữ qua các thế hệ và giới thiệu cho bè bạn năm châu biết những giá trị tinh thần cao đẹp đó cũng chính là tôn vinh văn hóa cá nhân của mỗi người… Dẫu cách biệt không gian và thời gian, dẫu phải trên đường mưu sinh nơi đất khách nhưng phải làm sao để đất nước Việt Nam mãi là một đất nước với sự thân thiện, hiếu khách.
Mỗi câu chuyện như một gói hành trang nhỏ cho những người xa quê hương, nhất là các bạn trẻ. Và, Hai người đến từ phương xa, dù cách xa địa lý nhưng tâm hồn sẽ không còn cách xa…
Mọi người trong lớp gọi tôi là “bà lớn” chẳng phải vì tôi có tướng tá phì nhiêu hay có chức tước gì quan trọng mà đơn giản họ gọi thế để ghép đôi tôi với “ông lớn”.
“Ông lớn” thì quả là lớn về mọi mặt. Đó là thầy Christophe dạy chúng tôi môn Poésie. Thầy bệ vệ cao một mét tám và nặng cỡ ba ông con trai “cò ma” lớp tôi cột lại bỏ lên cân. Vì mỗi lần đọc tên thầy khó khăn quá, phải uốn lưỡi thật cong nên chúng tôi làm biếng gọi là “ông lớn” cho dễ phát âm, lại mang tính tượng hình. Còn việc mọi người xúm lại gọi tôi là “bà lớn” thì cũng chả có gì éo le. Sinh viên! Chỉ cần tôi bưng cho thầy ly nước theo nhiệm vụ lớp trưởng và thầy cười rạng rỡ cảm ơn là họ đã có đủ bằng chứng để chuyện nhỏ xé to, đồn ùm lên và đặt biệt danh cho tôi từ đó. “Ông lớn” hoàn toàn không biết rằng trên đời này tồn tại một “bà lớn” mảnh mai, mỗi buổi học hay tận tụy chăm sóc mình bằng những chai Tribeco. Ông chỉ biết hồn nhiên đón nhận một cách vui vẻ và nhiệt tình uống đến giọt cuối cùng để không phụ lòng cô sinh viên bé nhỏ. Về phần “bà lớn”, dẫu biết rằng mình chỉ “có tiếng” mà không “có miếng”, bà vẫn vui lòng tiếp tục nhiệm vụ cao cả vào mỗi buổi học và kiêu hãnh đem danh “bà lớn” ra hù dọa mấy tên con trai có ý đồ mờ ám.
– Ê! Hoài ơi! – Tôi hổn hển gọi với theo – Xách cặp giùm Phương coi. Mệt quá!
– Đưa đây!
Anh chàng bí thư chi đoàn đưa tay đỡ chiếc cặp to đùng đựng đủ thứ đồ của tôi, cảm thấy hơi xấu hổ vì không tự nguyện hỏi giúp tôi trước khi tôi mở miệng nhờ. Con trai Việt Nam dở ẹc! Tuy vậy, một khi anh ta đã ra tay giúp đỡ rồi thì tôi cũng không tiếc gì một lời cảm ơn.
– Cảm ơn nhe! Học chi mà lên tận trời xanh ba bốn tầng lầu. Mệt đứt hơi!
– Tội nghiệp Phương – Hoài nghiêng đầu ngó tôi cười thông cảm – Ai biểu xách chi cái cặp nặng dữ vậy?
– Tại đựng đủ thứ đồ nghề cho lớp mình nè: phấn, khăn trải bàn, sổ điểm, hai ba xấp bài photo bài tập – Tôi thở ra mệt mỏi rồi tự an ủi – mà tụi mình được vinh hạnh ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ nên phải chịu cực leo cầu thang chút đỉnh!
– Phương lúc nào cũng nói chuyện nghe phách lối – Hoài cau mày – Làm “bà lớn” riết rồi quen thói!
Tôi định xạc anh chàng cao kều cái tội dám lên lớp phu nhân của “ông lớn” như mọi lần có ai làm chọc nọc tôi nhưng chúng tôi đã lên đến nơi và đụng đầu nhiều người trong lớp đang đứng nói chuyện.
– Trời ơi! Coi thằng Hoài xách cặp giùm “bà lớn” kìa!
…
Mời các bạn đón đọc Hai Người Đến Từ Phương Xa của tác giả Dương Thụy.