Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Hiệp Sĩ Thánh Chiến của tác giả Henryk Sienkiewicz & Nguyễn Hữu Dũng dịch , cũng như link tải ebook Hiệp Sĩ Thánh Chiến miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Vào đầu thế kỷ XV, liên minh Ba Lan – Litva hùng mạnh đã trở thành chướng ngại vật chính ngăn cản sự bành trướng của dòng tu Ki-tô giáo mang tên Giáo đoàn Thánh chiến. Việc hiệp sĩ trẻ Zbyszko tấn công sứ giả của Giáo đoàn và phải lên đoạn đầu đài lại càng làm mâu thuẫn này thêm trầm trọng, kéo theo màn “mỹ nhân cứu anh hùng” cùng những cuộc trả đũa về sau – tất cả góp phần thổi bùng ngòi lửa chiến tranh đã âm ỉ từ lâu.
Dõi theo quá trình trưởng thành của chàng Zbyszko về cả phương diện tình cảm lẫn sự trải đời, câu chuyện là khúc trường thiên ca tụng sức mạnh quả cảm của những con người đầy nghĩa hiệp mà rất đỗi thủy chung. Cuộc đụng đầu lịch sử giữa các dân tộc Slav với thế lực xâm lược của Giáo đoàn Thánh chiến mang ý nghĩa của cuộc đối kháng chính – tà, khiến tác phẩm trở thành một lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự do. Tính chặt chẽ của cấu trúc, nghệ thuật đan xen mật thiết của các tuyến tình tiết, sự hài hòa giữa hai mặt mô tả số phận chung của toàn dân tộc và số phận riêng tư của các nhân vật chính đã khiến các nhà phê bình văn học đánh giá Hiệp sĩ Thánh chiến là tác phẩm hoàn thiện nhất trong những tiểu thuyết lớn của Henryk Sienkiewicz.
Giới thiệu sách Hiệp Sĩ Thánh Chiến PDF
Trong cuộc đời sáng tác văn học giàu thành tựu của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846 – 1916), không tác phẩm nào được thai nghén lâu như tiểu thuyết lịch sử Hiệp sĩ Thánh chiến (Krzyżacy).
Ngay từ năm 1865, trong lòng chàng sinh viên Henryk Sienkiewicz mười chín tuổi đã nảy mầm ý định xây dựng một tiểu thuyết xứng tầm với cuộc đụng đầu lịch sử xảy ra hồi đầu thế kỷ XV giữa quốc gia Ba Lan phong kiến tập quyền với Giáo đoàn Thánh chiến, mà đỉnh cao là trận đại thắng Grunwald năm 1410 của liên quân Ba Lan – Litva. Và trong nhiều năm sau đó, văn hào đã đôi phen thể nghiệm chủ đề này trong một số tác phẩm phác thảo, bản sớm nhất mang tên Hiệp sĩ Spytko xứ Melsztyn, được viết vào năm 1865. Henryk Sienkiewicz đâu thể ngờ rằng phải đến tận ba mươi lăm năm sau, tâm nguyện thời trẻ này của ông mới trở thành hiện thực.
Năm 1892, trong khi đang miệt mài với kiệt tác Quo vadis, Henryk Sienkiewicz đã hé lộ cho một người bạn ý định viết tiểu thuyết lịch sử nhan đề Hiệp sĩ Thánh chiến, quyển sách mà ông dự định sẽ xuất bản vào năm 1897 để kỷ niệm hai mươi lăm năm hoạt động văn học của mình. Trong một bức thư, ông viết: “Chỉ cần cố giữ vững cho xong Quo vadis là tôi sẽ bắt tay ngay vào Hiệp sĩ Thánh chiến. Quả vậy, sau khi chấm dứt dòng cuối cùng của kiệt tác về cuộc đụng đầu của hoàng đế Thánh chế La Mã Nero với các tín đồ Ki-tô giáo – tác phẩm đã mang lại cho ông giải thưởng Nobel Văn học năm 1905 – ông liền bắt tay ngay vào việc viết quyển tiểu thuyết lịch sử đã thai nghén từ lâu. Công việc sáng tác kéo dài ròng rã bốn năm trời, bắt đầu tại Zakopane (Ba Lan) năm 1896, kết thúc năm 1900 tại Parc Saint Maur gần Paris (Pháp).
Theo thói quen đã có từ nhiều năm, không đợi tiểu thuyết hoàn thành, ngay từ năm 1897, nhà văn đã cho đăng tải dần tác phẩm trên Tuần báo minh họa Warszawa cùng vài tờ nhật báo khác. Những trang bản thảo Hiệp sĩ Thánh chiến hình thành trong những cuộc hành trình liên miên khắp trong ngoài nước của văn hào, trong các khách sạn và nhà nghỉ ở Ba Lan, Pháp, Áo, Thụy Sĩ và Italia, những nơi ông có thể tách ly hẳn khỏi thế giới bên ngoài, chỉ sống với thế giới tưởng tượng của riêng mình, với độ trượt thời gian gần năm trăm năm về quá khứ.
Ngày 10 tháng 3 năm 1900, khi ông mệt mỏi viết một chữ “HẾT” thật to dưới trang bản thảo cuối cùng, thì thực ra, công việc vẫn chưa hoàn tất. Ông vẫn còn phải tiến hành sửa chữa lại tác phẩm đã được in rải rác trên các trang in khổ lớn (với rất nhiều lỗi morat) của tờ Tuần báo. Mãi hơn nửa năm sau, tiểu thuyết Hiệp sĩ Thánh chiến mới được in thành sách lần đầu, gồm bốn tập.
*
Bối cảnh lịch sử của Hiệp sĩ Thánh chiến là một thời kỳ phức tạp mà huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Ba Lan, giai đoạn hậu kỳ Trung thế kỷ, kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV. Được thống nhất nhờ những hoạt động chính trị và quân sự sáng suốt của các đức vua Władysław Lokietek (1260/1 – 1333) và Kazimierz Vĩ Đại (1310 – 1370), đến cuối thế kỷ XIV, sau khi đức vua Kazimierz Vĩ Đại qua đời, quốc gia phong kiến Ba Lan lại phải trải qua những thử thách nghiêm trọng, với nhiều lục đục nội bộ.
Dưới triều vua Ludwik của Hungary (1326 – 1382), các quận công đánh nhau để tranh giành đất đai và quyền bính. Hai năm sau khi vua Ludwik băng hà, được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ muốn thống nhất quốc gia và củng cố chế độ tập quyền, thứ nữ của ông là công chúa Jadwiga lên ngôi nữ vương Ba Lan[1]. Những nhà chính trị sáng suốt đương thời đã tìm mọi cách kết mối duyên lành giữa vị nữ vương trẻ trung, xinh đẹp với đại quận công Litva đương thời là Władysław Jagiełło (135 2/62 – 1434). Và họ đã thành công. Năm 1386, sau khi chịu lễ rửa tội để cải đạo, W. Jagiełło đã kết hôn với nữ vương Ba Lan Jadwiga để trở thành vị vua của liên minh vương quốc Ba Lan – Litva.
Sự ra đời của liên minh Ba Lan – Litva hùng mạnh, có lãnh thổ mênh mông, trải dài từ sông Odra ở phía tây tới các sông Oka và Doniec ở phía đông, với giới hiệp sĩ đông đảo và những đội quân thiện chiến, đã trở thành chướng ngại vật chính, ngăn cản sự bành trướng của dòng tu Ki-tô giáo mang tên Giáo đoàn Thánh chiến. Hình thành từ cuối thế kỷ XII tại Palestine trong các cuộc thập tự chinh, đến thế kỷ XIV – XV, giáo đoàn của các hiệp sĩ Ki-tô giáo chủ yếu là người Đức này bắt đầu quay trở về xâm lấn vùng Đông và Nam Âu.
Năm 1226, sau thỏa thuận giữa đại thống lĩnh Hermann von Salza của Giáo đoàn Thánh chiến với quận công Ba Lan Konrad Mazowiecki, Giáo đoàn được phép ngụ cư trên vùng đất Chelmno của Ba Lan. Bộ phận ở miền đông vùng Baltic tách ra thành một giáo binh đoàn độc lập, tiến hành những cuộc chiến tranh nhằm lấn chiếm đất đai của Phổ (năm 1283) và vùng đất giáp biển Baltic (gồm cả thành phố Gdańsk) của Ba Lan (năm 1309), hình thành một quốc gia ngày càng bành trướng, trải dài từ sông Wisla đến sông Narwa, chắn đường thông đến biển Baltic của cả Ba Lan, Nga và Litva. Do chiếm được vị trí địa lý thuận lợi, Giáo đoàn vừa mở rộng giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế, vừa áp dụng chính sách đàn áp rất hà khắc đối với cư dân bản địa trong các vùng đất bị chúng chiếm đóng. Phần lớn cư dân trong vùng phải phiêu bạt, chạy trốn sang phía đông sông Niemen, những người còn sót lại ở quê hương bản quán thì sục sôi căm hận, chỉ chờ dịp là nổi lên khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa chống quân Thánh chiến nổ ra năm 1409 trên vùng đất Żmudź đang bị Giáo đoàn chiếm đóng, đã mở đầu cho ngòi lửa chiến tranh âm ỉ từ lâu giữa liên minh Ba Lan – Litva (được sự hỗ trợ của các dân tộc Slav khác) với Giáo đoàn Thánh chiến. Đỉnh cao của nó là trận đại chiến diễn ra gần Grunwald. Ngày 15/7/1410, trên những cánh đồng của các làng Grunwald, Lodwigowo và Stębark, đội quân đông tới hai mươi chín ngàn người của liên quân Ba Lan – Litva – Nga đã xáp chiến với đạo quân hai mươi mốt ngàn người của Giáo đoàn Thánh chiến. Trận đánh kết thúc bằng chiến thắng huy hoàng của phía Ba Lan – Litva. Đó là một trong những trận đánh lớn nhất và nổi tiếng nhất ở châu Âu thời Trung cổ.
Theo quan niệm của tác giả, cuộc đụng đầu lịch sử giữa các dân tộc Slav với thế lực xâm lược của Giáo đoàn Thánh chiến mang ý nghĩa triết học của cuộc đối kháng chính – tà, tạo nên cốt lõi của lịch sử nhân loại. Toàn bộ diễn biến của tiểu thuyết, cùng với bao thăng trầm của số phận các nhân vật chính và phụ dường như chỉ để chuẩn bị cho cái kết cục hùng vĩ: chính thắng tà, hòa bình thắng chiến tranh, người giữ nước thắng kẻ xâm lược.
Để sáng tác Hiệp sĩ Thánh chiến, Henryk Sienldewicz đã dày công nghiên cứu các sử liệu về thế kỷ XIV – XV, trước hết là bộ Lịch sử Ba Lan đồ sộ của nhà sử học Jan Dlugosz, người sống gần như cùng thời với các sự kiện được mô tả. Nhờ sử dụng một cách chọn lọc tinh tế những chất liệu sử học, dân tộc học, truyền thuyết, thần thoại, dân ca, thổ ngữ… Henryk Sienkiewicz đã tái tạo được một bức tranh sống động và trung thực, với đầy đủ sắc màu, âm hưởng của quá khứ hào hùng của dân tộc Ba Lan.
Tác phẩm dựng lên trước mắt người đọc một quốc gia phong kiến tập quyền thời Trung cổ ở châu Âu, với các giai tầng xã hội khác nhau: vua và hoàng hậu, các quận công và quận chúa, các hiệp sĩ vùng biên ải, đám quan lại giàu có, các trang chủ quý tộc, những người nông dân nghèo khổ, các hiệp sĩ Thánh chiến đầy ngạo mạn, tàn bạo và quỷ quyệt.. Sự phân hóa các giai tầng xã hội được khắc họa rất sắc nét Vương triều quốc gia và triều đình của các quận công vùng Mazowsze theo đuổi những đối sách chính trị khôn khéo; giới quý tộc già chăm lo cho sự cường thịnh của gia tộc, giống nòi; giới hiệp sĩ trẻ hăng máu ham thích chinh chiến, phiêu lưu; đám thị dân lo làm giàu bằng đủ mọi mánh lới tích cóp; những người nông phu, tá điền vốn chỉ quen với ngôi nhà nghèo nàn cùng mảnh ruộng phát canh của mình, nhưng khi tổ quốc cần lại sẵn sàng chiến đấu bằng ngay cả những thứ nông cụ cầm tay sẵn có…
Bằng việc sử dụng thủ pháp mô tả thông qua các cuộc phiêu lưu của những nhân vật chính, tác giả đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể và rất toàn diện. Tác giả tập trung hơn cả đến giới hiệp sĩ – “cái cốt” của tinh thần dân tộc thời bấy giờ, người quyết định vận mệnh dân tộc trong các cuộc chiến chinh thời phong kiến Trung cổ. Hơn mười nhân vật hiệp sĩ được mô tả với những cá tính rất sâu sắc và phong phú. Bên cạnh giới hiệp sĩ là giới trang chủ quý tộc, những cột trụ tập hợp dân cư địa phương theo tinh thần gia trưởng, tộc trưởng. Giới tiểu quý tộc này mạnh lên nhờ sự hỗ trợ của Giáo hội. Còn chính Giáo hội, tuy bị phân hóa thành nhiều giáo đoàn, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử, trong mối tương tác với phía “đời”, đúng như trong mối quan hệ lịch sử cụ thể của quốc gia phong kiến Ba Lan thời bấy giờ.
Chủ đề chiến tranh tự vệ của các dân tộc chỉ muốn được sống yên vui nhưng không được hưởng hòa bình được Henryk Sienkiewicz khắc họa rõ nét trong Hiệp sĩ Thánh chiến. Vào thời buổi nhiễu nhương ấy, con người phải tập trung toàn bộ sức mạnh của mình để tự vệ. Trong một thời đại như thế, sức mạnh là tiêu chuẩn chính đặc trưng cho giá trị đích thực của đàn ông, là cơ sở của vinh quang và lòng kính trọng. Toàn bộ tác phẩm là sự chuẩn bị đầy công phu như một cuộc “tích gió” cho cơn bão dữ dội sẽ nổ bùng ra trong vài chương cuối sách, đồng thời cũng là khúc trường thiên ca tụng sức mạnh quả cảm của những con người đầy nghĩa hiệp mà rất đỗi thủy chung.
Mối tình tay ba Danusia – Zbyszko – Jagienka cũng là một sáng tạo độc đáo, được Henryk Sienkiewicz xử lý tài tình. Vượt ra khỏi những lối mòn thông thường, tác giả đã xây dựng một tam giác tình yêu trong sáng, thanh cao, giàu hy sinh, không vẩn một chút ghen tuông, mà vẫn rất hợp lý, rất “đời thường”. Những giải pháp mà Henryk Sienkiewicz sử dụng để giải quyết các tình huống “nút” quả là độc đáo, bất ngờ, mang đến bao thú vị cho người đọc.
Quá trình giao lưu để tiến đến hình thành một nền văn hóa giàu có, đầy bản sắc của dân tộc Ba Lan cũng đã được Henryk Sienkiewicz mô tả xuất sắc trong Hiệp sĩ Thánh chiến. Những yếu tố tích cực của văn hóa phương Tây được giới hiệp sĩ trẻ Ba Lan nhanh chóng hấp thu. Cái mới tập trung ở bốn trung tâm cung đình lớn, những phong tục mới, tiêu chuẩn đạo đức mới, các dạng thức sinh hoạt xã hội mới… góp phần làm thay đổi bộ mặt của quốc gia phong kiến tập quyền. Những lễ tiết cung đình, những tiệc rượu, những hội võ, những cuộc săn bắn quy mô lớn… được mô tả bằng ngồi bút sinh động, tài hoa, trở thành những mẫu mực của nghệ thuật miêu tả sinh hoạt vốn là một mặt mạnh của văn xuôi Henryk Sienkiewicz.
Những sinh hoạt thời “tiền chiến” đó được hội tụ chung quanh hai tiêu điểm của cái “elip xã hội” thời ấy: Bogdaniec và Spychow – hai trang ấp điển hình của làng xã Ba Lan Trung thế kỷ. Chúng quy tụ các đại diện điển hình của những giai tầng xã hội mang văn hóa phong tục khác nhau, tạo nên một sự so sánh ngầm mà lại rất “nổi” về hai định hướng tương phản nhau, phân hóa giới hiệp sĩ quý tộc Ba Lan đương thời. Trang Bogdaniec được hồi phục từ đổ nát bởi lao động hòa bình của những bàn tay con người được quý trọng hơn vàng ròng; trong khi trang Spychow thì lại bị tàn hoại vì ngọn lửa chiến tranh không bao giờ tắt. Đó là hai khuôn mặt điển hình của giới trang chủ quý tộc đã góp phần làm thay đổi cấu trúc kinh tế – xã hội của quốc gia phong kiến Ba Lan thời ấy, để rồi vài chục năm sau trở thành lực lượng nhiều đặc quyền đặc lợi nhất.
Một mặt thành công đáng kể nữa của Hiệp sĩ Thánh chiến là việc tác giả đã dày công nghiên cứu thể nghiệm để sáng tạo nên một ngôn ngữ diễn đạt độc đáo. Nổi bật xuất sắc nhất là đối thoại của nhân vật, với những từ ngữ được sử dụng hết sức chuẩn xác, mang đẫm màu sắc thời Trung cổ mà vẫn dễ hiểu với người Ba Lan thời hiện đại. Henryk Sienkiewicz đã rất thành công trong việc khai thác các chất liệu thổ ngữ của vùng Sląsk để dựng lại đối thoại của các nhân vật sống từ năm trăm năm về trước. Tiếc thay, đó lại là những sự tinh tế đến lắt léo về ngôn từ mà dẫu cố công vật vã và trăn trở trong suốt ba mươi năm, người dịch vẫn khó lòng chuyển đạt trọn vẹn sang tiếng Việt.
Những giá trị về nội dung và nghệ thuật lớn lao đã khiến cho Hiệp sĩ Thánh chiến trở thành tài sản văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc Ba Lan anh em. Tính chặt chẽ của cấu trúc, nghệ thuật đan xen mật thiết của các tuyến tình tiết, sự hài hòa giữa hai mặt mô tả số phận chung của toàn dân tộc và số phận riêng tư của các nhân vật chính đã khiến các nhà phê bình văn học đánh giá Hiệp sĩ Thánh chiến là tác phẩm hoàn thiện nhất trong các tiểu thuyết lớn của Henryk Sienkiewicz.
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II, phe phát xít Hitler đã cấm các tác phẩm của Henryk Sienkiewicz, nhất là Hiệp sĩ Thánh chiến lưu truyền ở Ba Lan. Bằng sức mạnh nghệ thuật lớn lao của mình, tác phẩm đã trở thành một lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự do, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho bọn xâm lược vốn chỉ tin vào sức mạnh của quân đội và vũ khí. Và cảm động biết bao, ngay trong mùa xuân năm 1945 còn vương khói súng, trên mảnh đất Ba Lan hoang tàn và đổ nát bởi khói lửa chiến tranh, các bạn Ba Lan đã tìm mọi cách tái bản ngay Hiệp sĩ Thánh chiến. Đó chính là tác phẩm văn học cổ điển đầu tiên được ấn hành trong lòng nước Ba Lan mới. Từ đó đến nay, chỉ tính riêng ở Ba Lan, Hiệp sĩ Thánh chiến đã được tái bản trên sáu mươi lần, mỗi lần với số lượng hàng trăm nghìn bản.
Tác phẩm Hiệp sĩ Thánh chiến cũng đã được dịch ra trên bốn mươi thứ tiếng, được dựng thành một bộ phim dài hai tập rất công phu, chiếm được sự hâm mộ của nhiều thế hệ người đọc và người xem khắp thế giới.
Đã từng biết đến tài năng của Henryk Sienkiewicz qua các kiệt tác Quo vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Hania, Trên bờ biển sáng… bạn đọc Việt Nam chắc chắn sẽ càng yêu mến ông qua tiểu thuyết Hiệp sĩ Thánh chiến, bởi ngoài giá trị văn học, tác phẩm còn xiết bao gần gũi với chúng ta – dân tộc đã bao lần phải đổ máu để giữ nước trong suốt lịch sử bốn ngàn năm của mình, dân tộc mà lịch sử chống ngoại xâm đã từng có bao chiến thắng hiển hách giống như trận đại thắng Grunwald của nhân dân Ba Lan anh em, với những cái tên Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh…
Với lòng biết ơn và ngưỡng mộ dân tộc Ba Lan, tôi đã dành dụm thời gian suốt ba mươi năm qua để dịch tác phẩm kinh điển này từ ấn bản toàn tập tác phẩm của Henryk Sienkiewicz do Panstwowy Instytut Wydawniczy xuất bản năm 1948 tại Warszawa, giáo sư Julian Krzyzanowski chủ biên. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
8/8/2020 – Nguyễn Hữu Dũng
Giới thiệu về dịch giả Nguyễn Hữu Dũng
Nguyễn Hữu Dũng (02/11/1948) là một người con của quê hương Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là phó giáo sư – tiến sĩ về động lực học, chuyên ngành động cơ đốt trong, từng có nhiều năm giảng dạy ở Trường Đại học Thủy sản và công tác tại Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Thủy sản. Từ những năm tám mươi của thế kỷ XX, ông đã được bạn đọc biết đến trong vai trò dịch giả – người có công giới thiệu nhiều tác phẩm Ba Lan đến với độc giả Việt Nam, tiêu biểu như Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Đường công danh của Nikodem Dyzma, Con hủi…
Henryk Sienkiewicz là tác giả mà ông vô cùng yêu thích, và các tác phẩm của nhà văn này luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim ông, như ông đã từng chia sẻ: “Có lẽ văn của Henryk Sienkiewicz cũng có điểm tương đồng với động cơ đốt trong, nó cháy bằng chất gì đó trong tôi và trong những bạn đọc Việt Nam suốt thời gian qua. Đã từng biết đến tài năng của Henryk Sienkiewicz qua các kiệt tác Quo vadis, Hania, Trên bờ biển sáng… độc giả chắc chắn sẽ càng yêu mến ông qua tiểu thuyết Hiệp sĩ Thánh chiến. Tôi đã dành dụm thời gian suốt ba mươi năm qua (1990 – 2020) để dịch tác phẩm kinh điển này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!”
Giới thiệu về tác giả Henryk Sienkiewicz
Henryk Sienkiewicz (1846 – 1916) là văn hào Ba Lan sinh ra tại Wola Okrzejska trong một gia đình gốc gác quý tộc. Ông từng theo học luật học, y học trước khi chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách. Khởi đầu bằng những tiểu luận phê bình đăng báo, ông dần sáng tác hàng loạt truyện ngắn và vừa, rồi tập trung vào thể loại tiểu thuyết lịch sử vào năm 1892. Sau Quo vadis, ông dành thời gian vào việc viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Hiệp sĩ Thánh chiến mà mình thai nghén từ lâu. Công việc sáng tác kéo dài ròng rã bốn năm trời, và nhà văn đã cho đăng dần tác phẩm trên các tờ báo Ba Lan, mãi đến năm 1900 mới in thành sách. Những giá trị về nội dung và nghệ thuật lớn lao đã khiến cho Hiệp sĩ Thánh chiến trở thành tài sản văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc Ba Lan. Ông đạt giải Nobel Văn học năm 1905. Sau thời kỳ bệnh tật kéo dài, Henryk Sienkiewicz chuyển hướng sang viết cho độc giả trẻ tuổi hơn, thành tựu nổi bật có Trên sa mạc và trong rừng thẳm (1910 – 1913). Ông qua đời tại Vevey, Thụy Sĩ.