Cuốn sách “Hiểu – Đường đến tự do” (The Book of Understanding) của Osho là một tác phẩm triết học giáo dục đầy sáng tạo. Trong cuốn sách này, Osho khám phá các khía cạnh khác nhau của sự hiểu biết và tự do, khuyến khích độc giả không chỉ nhìn nhận thế giới xung quanh mà còn nhìn vào bản thân mình.
Osho bắt đầu bằng việc khuyến khích độc giả phải nghi ngờ, chất vấn và đặt câu hỏi về những niềm tin và giáo lý mà chúng ta thường nhận thức. Ông chủ trương ý thức và sự tỉnh thức như là chìa khóa đến tự do và hạnh phúc. Osho thường xuyên thách thức những quan điểm truyền thống và khích lệ người đọc suy nghĩ độc lập.
Cuốn sách nổi bật với phong cách viết lôi cuốn và sáng tạo của Osho, đồng thời mang đến những góc nhìn sâu sắc về cuộc sống và con người. Đối với những người tìm kiếm sự thấu hiểu và tìm hiểu về bản thân, “Hiểu – Đường đến tự do” có thể là một nguồn cảm hứng và tri thức quý báu.
—
Tác giả Osho, tên thật là Chandra Mohan Jain, là một nhà thần học, giáo sư và nhà triết học Ấn Độ nổi tiếng. Ông sinh ngày 11 tháng 12 năm 1931 ở Kuchwada, một làng nhỏ ở miền trung Ấn Độ. Osho được biết đến với tư tưởng và triết lý về sự tự giác, tình yêu, và đặc biệt là với phong cách sống thiền định độc đáo mà ông giáo dục.
Cuộc đời của Osho được đánh dấu bởi sự đổi mới và gây tranh cãi. Ông là một người lãnh đạo tinh thần, nhưng cũng gặp nhiều tranh cãi vì những ý kiến và hành động gây sốc. Osho đã thành lập cộng đồng Thiền định Rajneeshpuram ở Oregon, Hoa Kỳ, nhưng sau đó bị buộc tội về các hành vi phạm tội và bị trục xuất khỏi nước này vào những năm 1980.
Sự nghiệp của Osho bao gồm việc viết nhiều sách với chủ đề rộng lớn, từ thiền định, tình yêu, đến vấn đề xã hội và văn hóa. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm “Bhagavad Gita: Talks on the Songs of Kabir” và “The Book of Secrets.” Phong cách viết của Osho thường gây ấn tượng mạnh mẽ và thách thức đối với người đọc.
Osho qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 1990 tại Pune, Ấn Độ. Tuy ông không còn sống nhưng tác phẩm và tư tưởng của Osho vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người trên khắp thế giới. Cộng đồng và trung tâm thiền định mang tên Osho vẫn tồn tại và thu hút người học và người tìm kiếm sự tự giác.
—-
Một nhà cách mạng là người thuộc về thế giới chính trị; cách tiếp cận của anh ta là thông qua chính trị.
Theo hiểu biết của anh ta, thay đổi cấu trúc xã hội là đủ để thay đổi con người.
Một người nổi loạn – theo như cách tôi sử dụng từ này – là một hiện tượng tinh thần. Cách tiếp cận của anh ta hoàn toàn mang tính cá nhân. Theo tầm nhìn của anh ta, nếu muốn thay đổi xã hội, chúng ta phải thay đổi từng cá nhân. Bản thân xã hội không tồn tại; nó chỉ là một từ, giống như từ “đám đông” – nếu đi tìm, bạn sẽ không tìm thấy nó ở bất cứ đâu. Khi gặp ai đó ở bất cứ nơi nào, bạn sẽ gặp một cá nhân. “Xã hội” chỉ là một tên gọi chung – chỉ là một cái tên, không phải một thực tế – không có thực chất.
Cá nhân có linh hồn, có khả năng tiến hóa, thay đổi, chuyển hóa. Do đó, sự khác biệt là vô cùng to lớn.
Một người nổi loạn là bản chất cốt lõi của tôn giáo. Anh ta mang đến cho thế giới một sự thay đổi về ý thức – và nếu ý thức thay đổi, cấu trúc của xã hội chắc chắn sẽ thay đổi. Nhưng không có trường hợp ngược lại, và điều đó đã được chứng minh qua các cuộc cách mạng, bởi vì tất cả các cuộc cách mạng đều thất bại.
Chưa có cuộc cách mạng nào thành công trong việc thay đổi con người; nhưng dường như chúng ta không nhận thức được sự thật đó. Chúng ta vẫn tiếp tục nghĩ về cách mạng, về việc thay đổi xã hội, thay đổi chính phủ, thay đổi bộ máy hành chính, thay đổi luật pháp, thay đổi hệ thống chính trị. Chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít – tất cả đều từng trải qua công cuộc cách mạng theo cách riêng của mình. Tất cả đều thất bại, và thất bại triệt để, bởi vì con người vẫn không thay đổi.
Phật Thích Ca Mâu Ni, Zarathustra, Jesus là những con người nổi loạn. Họ tin vào cá nhân. Họ cũng không thành công, nhưng thất bại của họ hoàn toàn khác với thất bại của một nhà cách mạng. Các nhà cách mạng đã thử áp dụng các phương pháp của họ tại nhiều quốc gia, theo nhiều cách, và đã thất bại. Nhưng cách tiếp cận của Phật Thích Ca Mâu Ni không thành công bởi vì cách đó chưa được thử. Jesus không thành công bởi vì người Do Thái đã đóng đinh ông ấy và các tín đồ Cơ Đốc giáo đã chôn ông ấy. Ông ấy chưa được thử – ông ấy thậm chí còn không có cơ hội để thử. Kẻ nổi loạn vẫn là một chiều không gian chưa được khám phá.
Chúng ta phải là những kẻ nổi loạn chứ không phải nhà cách mạng. Nhà cách mạng thuộc về một phạm vi rất trần tục; kẻ nổi loạn và tính nổi loạn của anh ta là thứ thiêng liêng. Nhà cách mạng không thể hoạt động độc lập; anh ta cần một đám đông, một đảng phái chính trị, một chính phủ. Anh ta cần quyền lực – và quyền lực sẽ tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ tha hóa tuyệt đối.
Tất cả những nhà cách mạng đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực đều bị tha hóa bởi chính quyền lực đó. Họ đã không thể thay đổi bản chất của quyền lực và các thể chế của nó; quyền lực đã thay đổi họ cùng với tâm trí của họ và khiến họ bị tha hóa. Xã hội của họ vẫn vậy, chỉ khác ở tên gọi.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua và ý thức con người vẫn chưa phát triển. Chỉ thỉnh thoảng mới có một người bung nở – nhưng sự bung nở của một người trong hàng triệu người không phải là quy luật, nó là ngoại lệ. Vì chỉ có một mình nên người đó không được đám đông chấp nhận. Sự tồn tại của anh ta làm cho bạn bẽ mặt; sự hiện diện của anh ta khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm bởi vì anh ta mở rộng tầm mắt của bạn, khiến bạn nhận thức được tiềm năng và tương lai của mình. Nó khiến cái tôi của bạn bị tổn thương bởi bạn chưa làm gì để trưởng thành, để có ý thức hơn, yêu thương hơn, xuất thần hơn, sáng tạo hơn, tĩnh lặng hơn – để tạo ra một thế giới tươi đẹp quanh mình. Bạn chưa đóng góp gì cho thế giới; sự tồn tại của bạn không phải là phúc lành mà chỉ là một lời nguyền. Bạn mang đến thế giới này cơn giận của bạn, sự thô bạo của bạn, tính đố kỵ của bạn, máu hơn thua của bạn, ham muốn quyền lực của bạn. Bạn biến thế giới thành một chiến trường; bạn khát máu và bạn khiến người khác trở nên khát máu. Bạn tước mất nhân tính của con người. Bạn khiến con người rớt xuống dưới mức loài người, đôi khi còn thấp hơn cả động vật.
Do đó, một Phật Thích Ca Mâu Ni hay một Trang Tử sẽ khiến bạn tổn thương bởi vì bông hoa trí tuệ của họ đã nở rực rỡ còn bạn chỉ đứng đó. Mùa xuân đến và đi và không có gì bung nở trong bạn. Không có chú chim nào đến làm tổ gần bạn và cất tiếng hót quanh bạn. Tốt hơn hết là đóng đinh Jesus và đầu độc Socrates – đơn giản là loại bỏ họ để bạn không cần cảm thấy mình thua kém về mặt tinh thần theo bất kỳ cách nào.
Thế giới chỉ biết đến một vài kẻ nổi loạn. Nhưng giờ là lúc hành động: nếu nhân loại không có khả năng tạo ra một số lượng lớn những con người nổi loạn, một tinh thần nổi loạn, vậy thì thời gian còn lại của chúng ta trên trái đất này sẽ được tính bằng ngày. Như vậy, có thể những thập niên sắp tới sẽ là mồ chôn của tất cả chúng ta. Chúng ta đang tiến tới rất gần thời điểm đó.
Chúng ta phải thay đổi ý thức của mình, tạo ra nhiều năng lượng thiền hơn, tạo ra nhiều tình yêu thương hơn trên thế giới này. Chúng ta phải phá bỏ cái cũ – sự xấu xa của nó, những hệ tư tưởng mục nát của nó, những kiểu kỳ thị ngu ngốc cũng như mê tín dị đoan của nó – và tạo ra một nhân loại mới với những quan điểm và giá trị mới. Ngắt kết nối với quá khứ – đó là ý nghĩa của sự nổi loạn.
Đây là ba từ sẽ giúp bạn hiểu: cải cách, cách mạng và nổi loạn.
Cải cách có nghĩa là sửa đổi. Cái cũ vẫn còn đó và bạn tạo ra cho nó một hình thức mới, một hình dạng mới – giống như tân trang một tòa nhà cũ. Cấu trúc ban đầu vẫn được giữ nguyên; bạn tẩy trắng nó, bạn làm sạch nó, bạn trổ thêm một vài cửa sổ, một vài cửa lớn.
Cách mạng đi sâu hơn cải cách. Cái cũ vẫn còn đó nhưng được thay đổi nhiều hơn, thậm chí thay đổi cả trong cấu trúc cơ bản. Bạn không chỉ thay đổi màu sắc và trổ thêm vài cánh cửa, mà có lẽ còn xây thêm nhiều tầng mới, làm cho tòa nhà vươn cao hơn lên trời. Nhưng cái cũ không bị phá hủy, nó vẫn ẩn đằng sau cái mới; trên thực tế, nó vẫn là nền móng của cái mới. Cách mạng là sự tiếp nối cái cũ.
Nổi loạn là một sự ngắt kết nối. Nó không phải cải cách, không phải cách mạng; nó chỉ đơn giản là ngắt kết nối với tất cả những gì cũ kỹ. Những tôn giáo cũ, những hệ tư tưởng chính trị cũ, con người cũ – tất cả những gì cũ kỹ, bạn ngắt kết nối bản thân với nó. Bạn bắt đầu một cuộc sống mới, lại từ đầu.
Nhà cách mạng cố gắng thay đổi cái cũ; kẻ nổi loạn chỉ đơn giản là thoát khỏi cái cũ, giống như rắn lột xác và không bao giờ nhìn lại.
Nếu chúng ta không thể tạo ra những con người nổi loạn như vậy khắp trái đất này, loài người sẽ không có tương lai. Loài người cũ đã đưa chúng ta đến cái chết cuối cùng của mình. Chính tâm trí cũ, các hệ tư tưởng cũ, các tôn giáo cũ đã kết hợp với nhau để gây ra tình trạng tự sát toàn cầu này. Chỉ có loài người mới mới có thể cứu được nhân loại cùng với hành tinh này và cuộc sống tươi đẹp nơi đây.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Hiểu – Đường Đến Tự Do của tác giả Osho