Cuốn sách “Hình Cảnh Mất Trí” có thể là một cuốn tiểu thuyết trinh thám nhỏ gọn với hơn 250 trang, nhưng sức hấp dẫn của nó không hề nhỏ chút nào. Tác giả Chan Ho Kei, một nhà văn trinh thám hàng đầu đến từ Hồng Kông, đã sử dụng sự sắc bén và tinh tế để mang đến cho độc giả một câu chuyện căng thẳng, rực rỡ từng trang sách.
Bắt đầu với một vụ án mạng đầy oan trái và kinh hoàng, cuốn sách nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả bằng cách mô tả chi tiết hiện trường vụ án. Nhân vật chính, một viên cảnh sát trung thành với sứ mệnh đấu tranh cho công lý, quyết tâm làm sáng tỏ vụ án và đòi lại công bằng cho những nạn nhân vô tội.
Mặc dù cuốn sách tuân theo mô-típ cơ bản của thể loại trinh thám, nhưng tác giả đã thêm vào đó những yếu tố đặc sắc và khác biệt. Vụ án không chỉ là một trò chơi trí tuệ, mà còn là một cuộc hành trình khám phá sự thật và đối diện với những điều bí ẩn.
Những nhân vật và tình huống trong sách được mô tả một cách rất sống động và đa chiều. Sự pha trộn giữa quá khứ và hiện tại, cùng với những manh mối và bí ẩn, khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và đầy bất ngờ.
Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện trinh thám, mà còn là một cuộc phiêu lưu vào thế giới tâm trí và sự hiểu biết của con người. Độc giả sẽ cảm nhận được sự căng thẳng, lo lắng và kích thích mỗi khi lật từng trang sách, đi theo những manh mối và phát hiện ra những bí mật được giấu kín. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Hình Cảnh Mất Trí của tác giả Chan Ho Kei
—-
Lời nói đầu
Hình cảnh mất trí tái bản có sửa chữa, kỉ niệm mười năm ra mắt. Đây là một sự kiện hơi bất ngờ đối với tôi, vì tôi vốn không có kế hoạch ra sách nào trong năm nay cả, và vẫn đang mải miết sáng tác series truyện ngắn 12 đăng dài kì trên Tạp chí Hoàng Quan.
Thế rồi tháng trước, nhà xuất bản ở Đài Loan của tôi viết thư thông báo Hình cảnh mất trí chỉ còn một ít trong kho, phải tái bản thôi. Thống nhất rồi, tôi phát hiện ra là ngoài thiết kế bìa sách mới, mình có thể tăng thêm một chút nội dung… Căn bản là tôi đã có sẵn bản chỉnh sửa rồi.
Trước tiên, tôi xin phép nói một chút về nguồn gốc của tác phẩm này.
Chắc nhiều bạn đã biết, Hình cảnh mất trí là tác phẩm đoạt giải Trinh thám Soji Shimada lần thứ hai. Năm ấy (2011), sát ngày hết hạn tôi mới gửi bản thảo đi, không đủ thời gian để nhuận sắc, kinh nghiệm viết lách thì non nớt, bản thân cũng nhận thấy mình viết chưa hay nên tham gia với tâm lý hú họa, đơn giản nghĩ rằng nếu may mắn được chọn xuất bản, ít nhất cũng kiếm được một khoản tác quyền để đắp đổi cho thu nhập ít ỏi từ việc viết tiểu thuyết ba xu đang làm.
Vì vậy, khi biết mình lọt vào vòng chung khảo, tôi rất phấn khởi, một mặt thì mừng vì “mở khóa thành tích”, mặt khác lại lo bị độc giả soi lỗi, chưa kể còn hồi hộp vì được chính thầy Soji Shimada đích thân chấm điểm. Cuối cùng biết mình đoạt giải nhất, tôi choáng váng đến mức không sao nhớ nổi mình phát biểu nhận giải thế nào nữa.
Hôm ấy, ngoài việc nhận cúp từ tay thầy Shimada, còn một niềm vui là biên tập viên Aramata của Nhà xuất bản Bungeishunju cho biết, bên Nhật muốn trao đổi với tôi về việc xuất bản ở nước họ. Từ tháng 10/2011 đến tháng 3/2012, tôi duy trì liên lạc với dịch giả Tamada Makoto, giải thích các tình tiết của câu chuyện, đồng thời sắp xếp lại manh mối và chỉnh sửa vài chỗ. Cuối tháng 3/2012, biên tập viên Aramata đọc bản thảo và tán đồng các điểm mới chỉnh sửa (thêm hơn 2000 từ so với bản thảo gửi dự thi), thế là chúng tôi có ấn bản tiếng Nhật của Hình cảnh mất trí[*].
Có hai khác biệt lớn giữa phiên bản gốc (dự thi) và phiên bản chỉnh sửa (Nhật).
Một là cài thêm vài manh mối ẩn để tăng cường tính tất yếu và chặt chẽ trong suy luận chân tướng về sau.
Hai là hướng đi của tác phẩm, cụ thể là hành động của nhân vật chính sau khi phát hiện ra chân tướng. Ở phiên bản gốc, tôi chọn “bắt hung thủ” (thật ra ý tưởng ban đầu của tôi là “cứu người”, nhưng để hợp lý hóa “cứu người”, tôi sẽ phải thêm nếm rất nhiều chi tiết, không kịp gửi đi dự thi, bèn cảm thấy để đến đoạn “bắt hung thủ” là được rồi). Về sau nghiền ngẫm lại, vẫn cảm thấy “cứu người” phù hợp với cá tính nhân vật và phong cách toàn truyện hơn, vì thế nó trở thành một trong các trọng điểm của bản chỉnh sửa.
Tiểu thuyết trinh thám có một đặc điểm là bứt dây động rừng, các phần đều kết nối giao thoa. Sửa một chỗ là ảnh hưởng chỉnh thể, tăng giảm nửa câu một câu thậm chí một hai từ then chốt là đủ để thay đổi bố cục và cảm nhận. Cho nên nói rằng có hai khác biệt lớn thôi, thực chất hành vi chỉnh sửa được phân bố trải rộng khắp các chương.
Hậu truyện cuối sách cũng liên quan đến Nhật Bản. Năm 2018, Bungeishunju tái bản Hình cảnh mất trí, biên tập viên đề nghị tôi viết một chương phụ tặng bạn đọc, nội dung là tình hình hiện tại của các nhân vật chủ yếu trong truyện, nhưng cuối cùng vì lý do kĩ thuật mà chương phụ này không thể in. Tôi bèn đưa nó vào ấn bản Hồng Kông phát hành năm 2019.
Ấn bản Đài Loan kỉ niệm mười năm mà các bạn đang cầm trên tay, về cơ bản giống với ấn bản Hồng Kông năm 2019, nhưng đã thay thế các từ ngữ có tính địa phương bằng các từ đại chúng hơn, và cắt bỏ các đoạn miêu tả thừa thãi. Bởi thế ấn bản này hiện là phiên bản hoàn thiện nhất của Hình cảnh mất trí.
Một số độc giả có thể thắc mắc tại sao tôi không chủ động đề xuất hiệu đính sớm hơn dù đã có nội dung chỉnh sửa, mà cứ để phiên bản gốc tái bản đến mấy lần.
Một là do nó đòi hỏi bổ sung nhân lực biên tập nội dung. Tôi cảm thấy rằng với tư cách tác giả, mình nên nhìn về phía trước, không nên gây phiền hà cho nhà xuất bản. Hai nữa, Hình cảnh mất trí là một tác phẩm dự thi, và phiên bản gốc chính là ghi chép chân thực về sự nghiệp cầm bút của tôi, cứ để nó như thế thì sẽ có lợi hơn cho tác giả nào vì muốn dự thi mà tìm đọc những tác phẩm từng đoạt giải. Nếu im im chỉnh sửa và tái bản, để họ đọc bản hoàn thiện hơn lại tưởng là bản dự thi, tôi cảm thấy không được trung thực cho lắm.
Nhưng sau mười năm, độ lùi thời gian đã phù hợp, tôi quyết định giới thiệu phiên bản chỉnh sửa, cũng coi như hoàn tất việc ghi dấu ấn cho một cột mốc mới của cuốn sách.
Giấy bút có hạn, lời bạt xin phép dừng ở đây. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ trinh thám Hoa ngữ, tôi cũng sẽ cố gắng dày công sáng tạo… Giờ tôi phải lặn tiếp để viết chương mới cho dự án 12 đây.
Có duyên lại gặp.
Chan Ho Kei
30 tháng Chín năm 2021
—-
Cảm nghĩ – Hiện thực phi hiện thực
Cũng như bao cuốn tiểu thuyết trinh thám thường gặp, Hình cảnh mất trí mở đầu với những tình tiết hết sức quen thuộc: Một cảnh sát tự thuật ở ngôi thứ nhất có mặt tại hiện trường hai thây ba mạng trong một căn hộ chung cư. Nạn nhân là một cặp vợ chồng trẻ, người vợ đã mang thai vài tháng, và thai nhi đáng thương trong bụng cô chẳng còn cơ hội tới với thế giới này.
Là cảnh sát hình sự, đối diện với máu me tàn bạo là điều hết sức bình thường. Nhân vật chính không thể sợ hãi, ghê tởm hay khó chịu. Anh ta phải cần mẫn kiếm tìm những manh mối bé nhỏ tinh vi tại hiện trường, bao gồm cả việc kiểm tra thi thể thảm thương của người bị hại. Nhưng khi viết đến đây, ngòi bút tác giả bỗng chuyển hướng, thi thể phụ nữ xinh đẹp chợt mở bừng mắt nhìn chằm chằm vào người cảnh sát, cô hé đôi môi quyến rũ phớt nét cười, “Anh vất vả rồi.”
Tuy nhiên, câu chuyện chúng ta đang đọc không phải thể loại tâm linh kinh dị với hồn ma Sadako tóc tai xõa xượi như Vòng tròn ác nghiệt. Thay vào đó, ta đang thưởng thức một cuốn tiểu thuyết trinh thám không hề có bóng dáng của thế lực siêu nhiên. Nó chỉ đang đánh lạc hướng ta thôi, rồi lại lập tức khiến ta tin đây là ảo giác của một tay cảnh sát tinh thần bất ổn.
Rất nhanh sau đó, bối cảnh tiểu thuyết đã trở lại với chốn thành thị Hồng Kông chân thực, rảo bước từ đường Queen’s Road West tới Des Voeux Road Central dưới ánh mặt trời rạng rỡ, dù tay cảnh sát có mang vết thương tâm lý cần được bác sĩ tâm thần chữa trị, nhưng giọng tự thuật với nét “lý tính” rõ rệt lại khiến ta tin chắc đây là một cuốn “tiểu thuyết trinh thám”, không còn gì để bàn cãi.
Tiểu thuyết trinh thám được xây dựng trên lý lẽ, lập luận, chi dành cho những người thiên về lý trí. Nếu bạn tin rằng trên đời này tồn tại một sức mạnh bí ẩn chi phối chúng ta, rằng trí khôn nhân loại chỉ có thể giải quyết một phần nghi vấn rất nhỏ, thì nhìn vào tiểu thuyết trinh thám, hay logic khép kín (lẽ sống của các thám tử), có thể bạn sẽ thấy đấy chi là cuộc đuổi bắt vô nghĩa.
Một số bậc thầy khai sáng muốn thiết lập quy tắc cho tiểu thuyết trinh thám nên đã loại bỏ các yếu tố phi hiện thực và phi lý tính. Ví như trong Mười điều răn (Ten Commandments of Detection) đáng tôn sùng của Ronald Knox (1888-1957), cha xứ kiêm tiểu thuyết gia thuộc thời kì hoàng kim của tiểu thuyết trinh thám, điều răn thứ hai đã khẳng định, “Thế lực siêu nhiên không được phép tồn tại trong câu chuyện…”
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển của lịch sử văn học, ta nhận ra rằng các “quy tắc” được đặt ra chỉ để phá vỡ. Quan trọng là có phá vỡ một cách thuyết phục, hoặc là sau khi phá vỡ, ta có đạt được bước tiến mới hay không thôi.
Và các tác giả trinh thám cũng không hề ngoan ngoãn tuân theo quy tắc. Họ tìm mọi cách để xóa mờ ranh giới, thăm dò định nghĩa, thậm chí cố tình khiêu khích. Các nhà văn trinh thám biết tác phẩm của mình “không thể có sự tồn tại của thế lực siêu nhiên”, nhưng nếu các hiện tượng siêu nhiên không thể giải thích ấy lại “có thể giải thích”, nếu chúng dựa trên nền tảng lý trí và khoa học, thì tại sao chúng không thể tồn tại cơ chứ?
Vì vậy, tiểu thuyết gia đã cài cắm “thế giới chủ quan” với sự khác lạ về tinh thần vào câu chuyện. Ví dụ, nếu tự thuật qua lăng kính chủ quan của một kẻ “nhân cách phân liệt”, ta sẽ có một cuốn tiểu thuyết trinh thám thế nào? Quái vật trước mắt (Beast in View, 1955), tác phẩm nổi tiếng của Margaret Miller (1915-1994) chính là một ví dụ. Một số tiểu thuyết gia cấp tiến hơn thậm chí còn thăm dò giới hạn, đưa “thế lực siêu nhiên” trong thường thức vào câu chuyện, nhưng cuối cùng các tình tiết này vẫn hợp tình hợp lý. Điển hình là Mùa hè của quỷ thai[*], đã lật đổ quan điểm cho rằng “tiểu thuyết yêu quái” và “tiểu thuyết trinh thám” không thể dung hòa với nhau.
Quái vật trước mắt vận dụng các kiến thức về bệnh thể xác và bệnh tinh thần, Mùa hè của quỷ thai đề cập đến dân tộc học, nhân loại học và tâm lý học phân tích. Chúng giống như những hành trình mò mẫm ranh giới, nhưng thực chất lại là thành quả nỗ lực và cống hiến trong công cuộc mở rộng bản đồ tiểu thuyết trinh thám.
Hình cảnh mất trí cũng là một tác phẩm như vậy. Tác giả đã tài tình xử lý thực tại của một kẻ “rối loạn căng thẳng sau sang chấn”, kết hợp với bối cảnh trinh thám tả thực để tạo nên cuốn tiểu thuyết với tiết tấu thanh thoát, bước ngoặt ly kì mà vẫn rõ ràng đáng tin, trông có vẻ như thiếu thực tế, nhưng lại hoàn toàn chân thực. Đây chính là một thử nghiệm, đồng thời là một thành tựu vô cùng đáng quý.
Chiêm Hồng Chí
Chủ tịch Tập đoàn PChome Online