Cuốn sách “Hi Vọng Mong Mạnh” mở đầu với cuộc sống yên bình của kiến trúc sư Kazuto và vợ mình, Kiyomi, cùng hai con Tadashi và Miyabi. Tadashi đang học lớp 10, còn Miyabi sắp bước vào cấp ba. Mọi thứ dường như tốt đẹp cho đến khi Tadashi gặp phải một chấn thương khi chơi bóng đá, khiến cậu không thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Sau đó, Tadashi trở nên chán chường và thỉnh thoảng ra ngoài chơi cùng bạn bè suốt đêm.
Vào cuối tuần trước khi kỳ nghỉ hè kết thúc, Tadashi ra khỏi nhà như bình thường và không quay trở về. Hai ngày sau đó, thiếu niên học cấp ba khác, là bạn của Tadashi, được tìm thấy đã bị đánh đập và tử vong. Còn một nạn nhân khác cũng chưa được tìm thấy.
Vợ chồng Kazuto đã trải qua một loạt cung bậc cảm xúc từ sự hy vọng đến sự mong chờ. Họ tự hỏi liệu con trai duy nhất của họ có phải là nạn nhân hay là hung thủ. Dù cuối cùng là trường hợp nào đi nữa, cảm giác đắng cay và bi kịch vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí họ.
****
Để mà nói cảm giác sau khi đọc xong Hy vọng mong manh, thì có lẽ mình sẽ dùng hai từ ‘thoả mãn’. Bởi từ sự sâu sắc trong việc đặt vấn đề cho đến cách tháo gỡ nút thắt, tất cả đều trọn vẹn. Ở đây không phải nói tới yếu tố trinh thám, mà là yếu tố tâm lý con người.
Nếu ai đã đọc Tàn lửa sẽ biết cách tác giả xây dựng, phân tích, bóc tách tâm lý nhân vật rất tài tình. Cộng thêm yếu tố trinh thám hấp dẫn người đọc khiến cho Tàn lửa trở thành cuốn sách được nhiều người đón đọc. Đến Hy vọng mong manh, tác giả khai thác mảng tâm lý nhiều hơn, cái đặc sắc không chỉ nằm tại nội tâm nhân vật, mà còn nằm ở cách xây dựng một tình huống để các nhân vật rơi vào đó và vùng vẫy trong bể mâu thuẫn nội tâm.
Truyện kể vể một gia đình hạnh phúc bỗng nhiên đảo lộn bởi cậu con trai nhà này có liên quan đến một vụ án mạng. Cậu bé là nạn nhân hay là hung thủ? Khi mọi chuyện còn chưa rõ ràng thì tia hy vọng của các thành viên trong gia đình sẽ nghiên về phương án nào? Tên tiếng Nhật của tác phẩm là Nozomi, nghĩa là cảm xúc mong mỏi, chờ đợi điều gì đó trở thành hiện thực. Và mong mỏi của mỗi người chính là một bài test niềm tin mà các nhân vật phải vượt qua.
Truyện có mạch kể chậm rãi, thời gian bị làm căng, bị kéo giãn ở giai đoạn chờ đợi kết luận cuối cùng của cảnh sát. Điều này cũng vô thức tạo cho chúng ta một không khí căng thẳng, đầy tính toán các loại tình huống có thể xảy ra. Nếu ai không hay đọc quen những tác phẩm trinh thám nghiêng nhiều về tâm lý thế này, hẳn sẽ cảm thấy nhanh chán, vì độ trễ và thông tin mới về vụ án chỉ được thêm vào nhỏ giọt. Bản thân mình cũng có chút sốt ruột khi đọc đến phân nửa cuốn. Nhưng đổi lại, mình nhận ra sự khắc hoạ tâm lý khá tỉ mỉ, cộng thêm nhiều chiều suy nghĩ từ các phía nhân vật khiến cho bản thân được khai mở nhiều điều. Có những vô thức tưởng như không quan trọng nhưng lại thể hiện rõ bản chất và tính cách của từng con người.
► Các sách này cũng hay lắm nè:
****
Hai vợ chồng Kazuto và Kiyomi phải đối mặt với việc con trai mất tích trong 1 vụ án mạng đã có nạn nhân. Mỗi người một tâm trạng và một hy vọng về câu hỏi: Con trai họ làvthur phạm hay nạn nhân? Đáp án nào cũng đau lòng và dẫn đến những bế tắc riêng.
Câu chuyện cho thấy sự khắc nghiệt của xã hội Nhật bản với cả gia đình hung thủ, nhất là khi cả hung thủ và nạn nhân đều là vị thành niên. Gia đình người liên can phải đối mặt với việc mất sự nghiệp, bị họ hàng cắt đứt mối quan hệ, phải chuyển nhà, thậm chí tự tử. Thế nên, trong trường hợp chưa rõ tung tích người thân liên quan, gia đình lại có thêm 1 hy vọng rằng người ấy là nạn nhân, bị giết đi thì tốt hơn hết. Đâu là tình người và cách nhìn đúng của xã hội dành cho gia đình người liên quan? Hẳn nhiên không ai trả lời được câu hỏi này.
Truyện cũng phản ánh sự buông lỏng giáo dục từ gia đình với con cái. Và sự ảnh hưởng tai hại của tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, cũng như cách báo chí tiếp cận ngay trước nhà gia đình người liên can, đã tạo ra những áp lực tinh thần và những lời buộc tội vô căn cứ của dư luận đối với các thành viên trong nhà.
Truyện khá, đôi chỗ hơi dài dòng nhưng nhìn chung là ổn cho thể loại truyện tâm lý xã hội-án mạnh vị thành niên. Tuy nhiên, mình rất không đồng ý cách dịch đại từ nhân xưng cho cặp vợ chồng chính: dùng “gã” với người chồng Kazuto dù nhân vật vô tội và không có đặc điểm gì để hợp với từ “gã” cả; trong khi đó lại gọi người vợ Kiyomi là “nàng” khi ở vị trí-vai trò tương đương người chồng, và thuộc bối cảnh hiện đại mà các nhân vật khác đều không khớp với “nàng”. Tại sao không dùng “anh ta” và “cô ấy” cho tương đương nhau và cùng hợp bối cảnh truyện?
****
“Nỗi đau sẽ đạt đến đỉnh điểm và ngừng nhân lên chính vào lúc người ta biết chắc sự thật là gì.
Nhưng có một thứ cảm xúc còn rắc rối hơn, đó là nỗi bất an. Nỗi bất an sinh ra khi một sự thật đau lòng bị che phủ, không ai có thể đoán biết trước, nó làm tổ trong ngực ta và khiến ruột gan ta rối như tơ vò.”
Xuyên suốt tác phẩm, tác giả tập trung mô tả những dằn vặt, những bất ổn, những căng thẳng nảy sinh trong gia đình của một cậu bé đang mất tích. Điều nghiệt ngã và đau lòng hơn khi cha mẹ của cậu bé biết con mình có liên quan đến một vụ giết người man rợ (một cậu bé vị thành niên bằng tuổi khác)
Họ vừa phải đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình, với những xung đột mâu thuẫn lẫn nhau khi khác biệt quan điểm, người thiên về tình cảm- kẻ thiên về lý trí, sự đau đớn đè nặng trong lòng khi họ chưa biết phải thừa nhận đứa con trai thương yêu của mình, là nạn nhân hay thủ phạm giết người?
Nếu là nạn nhân thì mãi mãi họ không bao giờ gặp lại? Nhưng chứng tỏ con họ là đứa trẻ vô tội.
Nếu là thủ phạm thì ở một chừng mực nào đó, họ còn cơ hội để chăm sóc thương yêu, để vực dậy một cuộc đời, dẫu chắc chắn họ sẽ phải sống 1 cuộc đời khác biệt hoàn toàn như trước!!!
(Con sẽ cúi đầu thật thấp, sẽ thở thật khẽ để sóng gió không chạm tới, ngay cả những điều bình thường như bao người con cũng hãy nhường hết cho người khác mà sống)
Lằn ranh giữa “gia đình nạn nhân” hay “gia đình của hung thủ giết người” khiến cuộc sống của cả gia đình bị xáo lộn.
Trên hết thảy, cái đáng sợ nhất chính là bản án từ “miệng đời” khi mà dẫu chưa xác định được chân tướng sự việc nhưng “bản án” từ những người xung quanh đã sớm “giết chết” những người thân vô tội rồi.
“Thường thì gia đình của hung thủ trong các vụ án giết người đều phải chuyển nhà đi chỗ khác. Không hiếm trường hợp họ bị dồn ép đến mức phải tự tử. Người ta sẽ không chấp nhận những lý lẽ kiểu như gia đình không liên quan đâu”
Rất nhiều lần vừa đọc mình vừa giật mình, tự vấn bản thân. Vì đã có những phút giây nào đó trong đời, bản thân mình cũng hoà theo những dòng chảy của đám đông để phán xét một người, một sự vật mà chưa chắc mình đã hiểu đúng.
Đây hẳn là một tác phẩm viết về tâm lý rất hay, dẫu rằng tâm lý nhân vật một chiều nhưng càng đọc càng day dứt và khắc khoải với nỗi lòng người trong cuộc.
****
Vợ chồng Ishikawa, Kazuto và Kiyomi có khoảng thời gian khó khăn trong việc nuôi dạy các con của họ, đặc biệt là với cậu con trai lớn. Trong một lần cậu con trai đi ra ngoài, sau đó chưa thấy trở về và chẳng thể liên lạc được.
Vợ chồng Ishikawa phát hiện gần nơi họ sống xảy ra một vụ giết người và hung thủ đã bỏ trốn. Vợ chồng Ishikawa nhận ra con trai của họ có liên quan đến “vụ giết người” kia, và giờ đây họ đứng trước những hy vọng:
“Con trai của họ là nạn nhân?” và họ sẽ đau khổ vì mất đi đứa con.
“Hay con trai của họ là hung thủ?” tức là họ đã thất bại trong việc giáo dục con cái.
Điều mình thích trong cuốn sách này: lột tả mặt xấu của internet và truyền thông, khắc họa sự đố kị và ganh ghét giữa các thiếu niên.
Một cuốn sách khai thác về phần tâm lý, nên không có những tình tiết hồi hộp, kịch tính nào cả (mình vốn chẳng mong đợi nhiều).
Mình hiểu được rằng câu chuyện khai thác tâm lý từ một vụ án, và sự lo lắng của cha mẹ. Vụ giết người kia cũng ảnh hưởng lớn đến gia đình Ishikawa – thật khó khăn để đối mặt với những điều tồi tệ đang xảy ra. Mình chút ấn tượng với xây dựng người cha Kazuto – bởi ông ấy được xây dựng ổn hơn các nhân vật khác: được nuôi dạy nghiêm khắc từ nhỏ, khó khăn để xây dựng sự nghiệp 10 năm… để rồi mọi thứ có thể sụp đổ, làm thế nào để ông Kazuto thiết kế một nhà an toàn và tiện nghi? trong khi gia đình ông Kazuto lại khác biệt.
Dù ấn tượng với xây dựng hình tượng người cha, nhưng mình thật sự không đồng cảm được với các nhân vật (đặc biệt là vợ chồng Ishikawa), những suy nghĩ của họ nó lặp lại và không có gì mới mẻ cả, tác giả dành thời gian lột tả tâm lí nhân vật – để rồi nó dài dòng và không giúp ít gì đến diễn biến truyện; mình đã mong đợi việc đấu tranh tâm lí mạnh mẽ hơn thế. Ban đầu mình cũng khá đau đầu về định nghĩa “nạn nhân” và “hung thủ” trong vụ án này.
Câu chuyện “phẳng” và kéo dài, chỉ là mình thấy cách khai thác tâm lí của cuốn sách rất “cũ”, càng đọc mình dần mất hứng thú. Nếu mình đọc quyển này mấy năm trước, thì có lẽ mình sẽ buồn, sẽ khóc, nhưng còn hiện tại thì không! Mình cảm thấy bình thường trước diễn biến của cuốn sách, kể cả mình đặc biệt cảm thấy bình thường với cái kết có-thể-bùng-nổ-với-một-vài-người. Tác giả khai thác những suy nghĩ vốn đơn giản và cũ, chắc cuốn sách sẽ hợp với những bạn chưa đọc nhiều những thể loại tâm lý như này.
****
Cuốn sách Hy Vọng Mong Manh tập trung vào tâm lý của bố mẹ khi biết tin con mình có liên quan đến vụ giết người man rợ. Nhưng sự đau đớn nhất, bên cạnh việc lo lắng không biết tung tích con mình ở đâu (thằng bé mất tích), là việc không biết con mình là nạn nhân hay hung thủ. Chính việc này đã tạo ra sự chia rẽ trong gia đình, những vết nứt đầu tiên xuất hiện khi người thì tin tưởng con mình sẽ không làm việc xấu, dù như vậy nghĩa là con mình có khả năng đã bị giết, còn người kia hi vọng con mình còn sống sót, dù điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ là kẻ giết người (nêu mới trốn chui lủi không ra đầu thú). Nỗi đau của bố mẹ chính là đứa con mình bao lâu nay tưởng vẫn hiểu rõ, vậy mà, nó lại dính líu vào một vụ việc quá kinh hoàng thế này, để rối khiến bố mẹ rơi vào cảnh mâu thuẫn nhau trong quan điểm, tình cảm bất chợt lạnh nhạt hơn.
Không chỉ vậy, truyện còn đào sâu vào tâm tư của mỗi bố, mỗi mẹ khi họ đắm chìm trong hi vọng lạc quan của mình. Với một người, đó là việc con mình dù chết nhưng cũng không bị gắn mác giết người, với người kia, con mình dù là kẻ giết người nhưng nó vẫn sống, và còn sống là còn có tương lại – chết là hết. Dù kết quả thế nào đi chăng nữa thì gia đình họ vẫn phải đối mặt với một bi kịch quá kinh khủng và hậu quả càng tệ hơn về sau.
Khi vụ án có thêm nhiều tiến triển, sự lạc không cũng dần mất đi. Bố và mẹ bắt đầu suy xét lại quan điểm họ giữ khư khư trong lòng mà không chịu chia sẻ cho nhau – họ nghĩ rằng người kia đã chấp nhận sự thật đó rồi. Người cho rằng con là nạn nhân coi như là đã giết con, người hi vọng con là kẻ giết người thì suy nghĩ lại, như vậy là gia đình sẽ mất hết mọi danh tiếng đã gây dựng, sẽ phải chuyển nhà, họ sẽ mất hết mọi thứ, và đứa con cũng có thể mất cả tương lai. Nhưng dù vậy, họ đã quen với việc suy nghĩ trong đơn độc, nên những xung đột nội tâm này khó mà giãi bày.
Trên hết, đó vẫn là tình yêu thương của bố mẹ dành cho đứa con mất tích. Kết truyện khá buồn (dù kết quả có thế nào), đau nhất vẫn là những người ở lại.