Ông Lê Ta tức Nguyễn Thứ Lễ tức Thế Lữ, thi sĩ đáng kính của phong trào thơ Mới, vào những năm 1938, 1939 đã đăng trên báo Ngày nay – cơ quan của Tự Lực văn đoàn mà ông là thành viên, vài mẩu tin “văn…vắn” rất thú vị. Bằng cái giọng tưng tửng, châm biếm nhẹ nhàng, Lê Ta nêu đích danh một số hiện tượng phổ biến trong làng văn chương sách vở thời đó mà ông đặt câu hỏi là “dấu hiệu của thời đại đó chăng ?” Hiện tượng đầu tiên là việc các nhà văn thi nhau đặt tên sách “phải thực kêu” nhằm hút mắt độc giả. Lê Ta dẫn ra một vài ví dụ: – Người đàn bà trần truồng – Bão táp trong chiếc quần đùi – Mốt áo pardessus – Sự thổn thức của quả tim non – Đùa với ái tình – Khi chiếc yếm rơi xuống
Nhìn qua thì thấy, thời đó, xu hướng đặt tên sách cũng đánh mạnh vào thói háo sexy lắm thay! Xã hội An Nam hẳn đang trải qua cơn bão Âu hóa, thời trang và tình ái là những thiết chế bị/được cái mới nâng lên thành sản phẩm thời thượng, phù hợp với tâm thế của “con nhà tân thời” vui vẻ trẻ trung đang trên đà thắng lợi. Sức hấp dẫn của văn chương, vì vậy, không thể tránh khỏi chuyện yêu đương, áo quần, thể thao… và đặc biệt là cái nhìn mới/khác về cơ thể người nữ.
Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm văn chương thời đó, kể cả xu hướng “tả chân tiểu thuyết” hay “ái tình tiểu thuyết”, đều hướng đến việc xây dựng câu chuyện liên quan đến người nữ với các mã số quen thuộc: vẻ đẹp cơ thể, tình yêu, tình dục, cuộc đấu tranh giữa đức hạnh nề nếp cũ và tinh thần giải phóng tự do… Nếu Lê Ta công bằng hơn thì cũng có thể nêu ra một vài cái tên như Đời mưa gió, Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa của TLVĐ… “kêu” chẳng kém gì Kĩ nghệ lấy Tây hay Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng mà ông khéo léo nhắc tới.